Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

Biến trí thức thành công cụ của người cầm quyền

Cựu chuyên viên và hiện đang là cố vấn cho Liên Hiệp Quốc, ông Vũ Quang Việt, vừa lên tiếng chỉ trích Quyết định 97.

Quyết định 97 hạn chế giới nghiên cứu tư nhân ra ý kiến phản biện về chủ trương, chính sách của chính phủ.

Viết bài đăng trên mạng viet-studies.info ông Việt cho rằng quyết định 97 có ý đồ biến trí thức thành công cụ của người cầm quyền.

Trao đổi với BBC Việt Ngữ ngày 16/9 ông Vũ Quang Việt, định cư tại Mỹ và là chuyên gia về thống kê kinh tế của Liên Hiệp Quốc nói:

“Đảng CS Việt Nam có một quá trình dài lâu muốn dùng trí thức làm công cụ. Để làm đẹp cho chế độ là chính.”

Thời gian trước đây ông Việt ghi nhận, Việt Nam có tình trạng ngăn sông cấm chợ khiến người dân bị đói ngay trên ruộng lúa của mình. Một số trí thức, trong đó có ông, tham gia góp ý, đề xuất cách quản lý mới.

“Có những lúc trong đảng hoặc những người lãnh đạo thời đó họ nhìn thấy vấn đề và sẵn sàng nghe trí thức. Thế còn bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao họ lại sợ hãi, lại muốn bịt miệng trí thức lại. Hoặc họ không muốn cho trí thức phát triển nghiên cứu vào vấn đề liên quan đến xã hội.”

Trong một lần trả lời phỏng vấn mạng VietnamNet Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân đã nói đến nguyên nhân ra đời của Quyết định 97.

“Trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước…thì việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối chủ trương, chính sách điều hành kinh tế xã hội phải hết sức thận trọng.”

Với cái nhìn như vậy, kể từ nay, theo tiến sỹ Vũ Quang Việt, sẽ rất khó cho các chuyên gia, trong nước cũng như hải ngoại, tham gia đóng góp cách điều hành kinh tế của chính phủ.

Vị chuyên viên về toán thống kê của Liên Hiệp Quốc gọi cách làm như vậy là đi vào ngõ cụt.

“Tôi thí dụ, năm ngoái lạm phát tại Việt Nam có những lúc tính ra có thể lên tới 60% một năm. Mặc dù cả năm khoảng 25%. Bản thân tôi cũng đã nhìn thấy vấn đề như vậy. Nhưng khi đưa chủ đề này ra, một số người trong nước cảm thấy họ như bị phê phán.

Có những lúc trong đảng hoặc những người lãnh đạo thời đó nhìn thấy vấn đề và sẵn sàng nghe trí thức. Bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao họ lại sợ hãi, lại muốn bịt miệng trí thức lại

Vũ Quang Việt

“Và bây giờ cái quyết định này có nghĩa là những vấn đề liên quan đến chính sách vĩ mô của nền kinh tế thì sẽ không được góp ý kiến nữa. Nếu muốn thì đưa cho ông thủ tướng, hoặc là ông bộ trưởng nào đó, chứ nguyên tắc không được phổ biến công khai.”

Luật pháp tùy tiện

Mặc dù Quyết định 97 liên quan đến các tổ chức nghiên cứu tư nhân trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng ‘tầm ngắm’ của nó, theo ông Vũ Quang Việt, bao trùm lên tất cả các hoạt động về tri thức và phản biện. Và những nhận xét về cách điều hành kinh tế tại Việt Nam.

“Nếu Việt Nam áp dụng cái quyết định này tới cùng thì tất cả những nghiên cứu về xã hội hay kinh tế của những công ty đang làm ăn ở Việt Nam, ví dụ của các ngân hàng nước ngoài, họ muốn khuyên bảo khách hàng không nên đầu tư trong nước vì nguyên nhân thế này thế kia, thì rõ ràng là vi phạm quyết định này rồi.”

Ông Việt là tác giả của rất nhiều bài viết, phân tích về chính sách kinh tế gửi đăng trên các tạp chí chuyên môn, hoặc báo chí trong nước. Quá trình cộng tác với báo trong nước, theo ông, từ trước đến nay, chỉ liên quan đến việc “chỉnh sửa câu văn, yêu cầu bỏ ý này, ý kia, sửa lại câu chữ để tránh đụng chạm, hoặc quá lắm thì không đăng.” Và ông cho rằng con đường này “hiện đang rộng mở để mọi người có thể đóng góp ý kiến, dù phê bình hay phản biện.”

Ông nhấn mạnh “việc phát biểu ý kiến như thế đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và là điều rất nhiều nước trên thế giới đang làm.” Ông không tin là chính quyền sẽ bãi miễn Quyết định 97, dù nó hạn chế hoạt động nghiên cứu và phản biện của công dân.

“Họ không bãi miễn đâu. Nếu có họ đã làm rồi. Hoặc họ sửa lại. Dĩ nhiên không phải ai có ý kiến họ cũng cấm cả. Hoặc báo chí đăng rồi họ đi săn lùng, gây trở ngại cho báo chí. Dĩ nhiên là tùy trường hợp mà họ sử dụng quyết định này, để chặn đứng, để hạ bệ người nào, hoặc hoặc bỏ tù ai đó. Thế còn người nào họ không muốn thì họ lờ đi. Tức là họ sẽ dùng QĐ 97 tùy từng trường hợp. Tức là đất nước nó không ra một thứ luật pháp nào cả.

Và chuyên gia Việt Kiều lo ngại về việc áp dụng QĐ 97 một ‘cách chọn lọc’ trong thời gian tới.

“Luật pháp được áp dụng cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc chứ không thể nào một cái thứ luật pháp áp dụng tùy từng trường hợp. Mà tôi thấy rõ ràng sắp tới họ sẽ dùng cái này tùy từng trường hợp.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét