Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Có 'yếu tố Trung Quốc' trong các vụ bắt blogger ở VN


01/09/2009

Liên quan tới các vụ bắt giữ các blogger ở Việt Nam gần đây (trong đó có blogger Người Buôn Gió và phóng viên Phạm Đoan Trang của báo điện tử VietNamNet), Nguyễn Trung của ban Việt Ngữ đã hỏi chuyện ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia. 

A blogger who wished to remain anonymous poses for photos with her blog on her computer screen in her home in Hanoi, Vietnam
Các blogger ở Việt Nam đã 'đụng chạm tới những cái đầu lãnh đạo nhạy cảm'. 
VOA: Thưa giáo sư, ông nhận định thế nào về các vụ bắt giữ blogger ở Việt Nam tuần qua? 

Ông Carl Thayer: Đây là một cuộc tấn công nghiêm trọng vào lĩnh vực blog ở Việt Nam, thành trì thông tin tự do cuối cùng của người Việt Nam. Mọi thứ khác đều đã bị kiểm soát. 

Hành động này diễn ra không phải chỉ vì các blogger bày tỏ quan điểm về nhân quyền và dân chủ, mà theo tôi cũng vì lý do họ nêu lên vấn đề Trung Quốc và đặt câu hỏi về đội ngũ lãnh đạo. 

Việc đó đã đụng chạm tới những cái đầu lãnh đạo nhạy cảm, và nó đã dẫn tới một chiến dịch được dàn dựng công phu và mạnh nhất mà tôi từng thấy trong vòng vài năm qua. 

VOA: Vậy đâu là các lý do chính yếu dẫn tới những vụ bắt giữ này, thưa ông?

Ông Carl Thayer: Được biết, trong số những nhà hoạt động dân chủ bị bắt hồi tháng Sáu cũng có những người viết blog. Các blogger của Việt Nam hiện đã vượt ra ngoài chuyện bàn luận về quyền tự do ngôn luận hay chuyện lập đảng. 

Giờ họ đã chuyển sang chuyện chỉ trích chính phủ xoay quanh cách xử sự với Trung Quốc về dự án bauxite và tranh chấp ở Biển Đông. Và cũng như mọi khi, theo tôi, Trung Quốc tiếp tục gây áp lực đối với Việt Nam phải chấm dứt tình trạng bài Trung Quốc. 

Thời gian qua đã có bốn hay năm đoàn quan chức cộng sản cấp cao của Trung Quốc tới Hà Nội. Cho nên xét theo quan điểm lãnh đạo và an ninh, chính quyền Việt Nam muốn chứng tỏ với Bắc Kinh rằng họ đã ra tay hành động đối với các blogger. 

Nhưng theo tôi, mục tiêu đầu tiên của chiến dịch trấn áp này là để bảo vệ vị thế của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam rồi kế đó mới là Trung Quốc.

VOAÔng từng nhận định rằng việc ông Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) vào Bộ Chính trị dẫn tới sự kiểm soát chặt chẽ các luồng thông tin ở Việt Nam. Trong trường hợp bắt giữ các blogger này thì sao, thưa ông?

Ông Carl Thayer: Kể từ Đại hội đảng lần trước, khi mà các bộ ngành được tái cơ cấu, có những nhân vật theo đường lối rất bảo thủ đã được bổ nhiệm phụ trách các lĩnh vực liên quan tới thông tin và văn hóa. Rồi năm ngoái, ông Tô Huy Rứa trở thành Ủy viên Bộ Chính trị. 

South China Sea
Nhiều blogger đã chỉ trích chính phủ xoay quanh vấn đề biển Đông và Bauxite. 
Nếu nhìn vào Bộ Chính trị, nhiệm vụ của ông Rứa là phải kiểm soát những vấn đề kiểu như bài Trung Quốc, và vì thế mới dẫn tới sự trấn áp các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam. 

Nhưng tôi nghĩ chắc chắn đây không phải chính sách mạnh tay của một cá nhân, và ông Rứa chắc chắn được hậu thuẫn. Tôi nghĩ là bên Bộ Công an cũng tham gia vào chiến dịch này. 

VOALiệu chiến dịch nhắm vào các blogger hiện nay có ngăn cản được hoạt động của những người viết blog không, thưa ông? 

Ông Carl Thayer: Đây có thể được coi là cơn bão trên không gian ảo. Rõ ràng chính quyền đang phát đi một thông điệp ớn lạnh cho các blogger. Chính quyền bấy lâu nay đã tìm cách để kiểm soát không gian ảo như chuyện bắt các chủ quán café internet phải chịu trách nhiệm về những hành động của khách hàng khi họ thuê máy tính. Nay thì đã rõ. Chính quyền theo dõi chặt chẽ một số blog cá nhân và truy ra những chủ nhân của các trang nhật ký đó. 

Nhưng tôi nghĩ các blog cá nhân không thể nào hoàn toàn bị đóng cửa được. Mà những chiến dịch tấn công kiểu này sẽ làm hại tới Việt Nam cũng như dòng chảy thông tin ở nước này. Tôi nghĩ chính quyền sẽ không bao giờ có thể khiến tất cả mọi người câm lặng được. Họ có thể theo dõi rồi bắt giữ một ai đó trong một khu vực nào đó mà thôi. Còn blog mang tính quốc tế và có cả tính chất ẩn danh nên rất khó mà kiểm soát. 

Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một sự phản kháng từ những người can đảm, sử dụng biệt danh khi viết blog cũng như một số các kỹ thuật để họ không bị truy ra nguồn gốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét