Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Những nguy hiểm tiềm ẩn trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên

Nguồn: Yoichi Funabashi, Asahi Shimbun

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Khi những trận đòn ở World Cup diễn ra, đây là một việc trọng đại. Trong trận thi đấu giữa Bắc Hàn và Bồ Đào Nha được phát sóng trực tiếp trong đất nước ẩn dật này, kết cuộc Bắc Triều Tiên đã thua 7-0.

Theo một báo cáo của tờ The Chosun Ilbo, một tờ nhật báo hàng đầu của Nam Hàn, các quan chức chính trị ở đỉnh cao của Bình Nhưỡng đã liên lạc với người chỉ đạo đội bóng đá và chỉ thị, "Không chỉ bảo vệ, mà phải tấn công quyết liệt".

Đội bóng đã nghiêm chỉnh tuân theo chỉ thị và đã thua cuộc bằng một trận mưa banh lọt lưới trong tiến trình thi đấu này.

Một viên chức trong chính phủ Nhật Bản chịu trách nhiệm về vấn đề tình báo Bắc Triều Tiên nhận xét: "Câu chuyện ấy rất có thể là đúng. Có lẽ chính là sáng kiến của (Kim) Jong Un cho phát sóng trực tiếp trận đấu.. Và kết quả đã hoàn toàn khác với những gì từng được mong đợi".

Kể từ khi lãnh đạo Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên bị đột quỵ vào tháng 8 năm 2008, các nỗ lực đã được tăng tốc để đảm bảo một cuộc chuyển đổi quyền lực suông sẻ qua Kim Jong Un, con trai thứ ba của ông.

Tuy nhiên, rất nhiều khó khăn đang chờ đợi Kim Jong Un, một người chỉ mới 27 tuổi.

Khó khăn lớn nhất là việc giao dịch với giới quân đội.

Khi Kim Jong Il, 68 tuổi, để củng cố quyền lãnh đạo của ông sau cái chết của Kim Il Sung, cha mình vào năm 1994, ông đã ve vãn quân đội, thay vì dùng Đảng Lao Động Triều Tiên để tạo căn bản quyền lực cho mình.

Chế độ của Kim Jong Il chính là một loại tồn tại hợp tác giữa gia đình ông và quân đội.


Jang Song Thaek, đứng ngoài cùng bên phải, Phó Chủ tịch
Hội đồng Quốc phòng

Việc đề bạt Jang Song Thaek, giám đốc bộ phận hành chính Uỷ ban Trung ương đảng lên làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng cho thấy một cái nhìn sâu sắc. Rằng Jang, người em rể của Kim Jong Il, được coi là một loại giám hộ cho Kim Jong Un. Cuộc đề bạt này cho thấy ý định của Kim nhằm duy trì và tăng cường mối quan hệ huyết thống đó.

Tuy nhiên, các viên chức tình báo đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu của một cuộc đấu tranh quyền lực lớn giữa tầng lớp lãnh đạo chủ chốt ở Bình Nhưỡng.

Hiện đã có những suy diễn về cuộc đối đầu căng thẳng đang gia tăng và phát sinh từ cuộc đấu tranh cho lòng trung thành giữa những người đứng về phía Kim Yong Chol, người đứng đầu bộ phận giao dịch với các hoạt động đặc biệt đối mặt với Nam Hàn, và những người đứng về phía các cộng sự của Jang.

Thậm chí còn có các tin đồn là Kim Jong Il đang có khó khăn về bộ nhớ.

Nếu quá trình chuyển đổi diễn ra quá nhanh, Kim Jong Il có thể trở thành một nhà lãnh đạo không còn quyền lực. Và điều đó có thể kích hoạt đến một cuộc đấu tranh quyền lực giữa cha và con trai.

Một viên chức Mỹ đảm trách công việc về Bắc Triều Tiên đã nói, "Một tình huống cực kỳ nguy hiểm đang xuất hiện, vốn đặc biệt nguy hiểm trong giai đoạn chuyển quyền. Tình hình không giống như những gì đã được thấy trong những năm 1980 khi một quả bom phát nổ và phá hủy một máy bay phản lực của Hàn Quốc".

Theo lối suy nghĩ này, một dấu hiệu có khả năng của lối phát triển này là vụ tấn công bằng ngư lôi hồi tháng Ba khiến đã đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc.

Như Giám đốc CIA Leon Panetta đã vạch ra, một khía cạnh phiền phức của cuộc tấn công có thể là sự thật, rằng "các xung đột đang diễn ra là có một phần liên quan đến cố gắng hình thành uy tín" cho Kim Jong Un với quân đội.

Có một sự đồng ý gần như nhất trí giữa những người làm việc trong lĩnh vực tình báo tại Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên rằng chính bản thân Kim Jong Un đã chỉ thị cho ngư lôi tấn công và rằng Kim Jong Un thậm chí có thể nguy hiểm hơn người cha của y.

Có rất nhiều lý thuyết chung quanh các động lực và nền tảng của cuộc tấn công này.

Một là lý thuyết trả thù. Lý thuyết này cho rằng cuộc tấn công là để trả đũa cho một cuộc đụng độ trong biển Hoàng Hải hồi tháng 11 năm 2009 giữa các tàu hải quân nhỏ của hai nước.

Các viên chức tình báo ở Nhật Bản và Hàn Quốc tin rằng Kim Yong Chol đã trực tiếp ra lệnh cho các ngư lôi tấn công vào Cheonan khiến giết chết 46 thủy thủ. Bình Nhưỡng muốn trừng phạt "thái độ kiêu ngạo" của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Theo một lý thuyết thứ hai, các cuộc tấn công là một phần của các động thái nhằm tạo ra một huyền thoại xung quanh Kim Jong Un và sự "thông mính của y" như một nhà chiến lược quân sự.

Một giả thuyết thứ ba có liên quan chặt chẽ với những gì được mô tả như một loại lý thuyết triển vọng trong tâm lý học, trong đó một hành động bất thường được thực hiện để vượt qua được những hoàn cảnh không chắc chắn và tiêu cực. Lý thuyết này cho rằng một cuộc tấn công vào đối phương sẽ mang lại một hiệu ứng tẩy rửa tâm lý cho những người đã phải sống dưới một đám mây đen tối quá lâu.

Một giả thuyết khác có thể được gọi là "lý thuyết Mafia." Một viên chức tình báo Hoa Kỳ đảm trách về Bắc Triều Tiên cho biết, "Dù ví dụ này có thể không phải là thích hợp lằm, loại trắc nghiệm xem một cá nhân có là một thành viên đáng tin của Mafia và y có dám giết người hay không. Tương tự như vậy, một cá nhân có thể đã thử một điều gì đó lớn lao để để được công nhận như một phần tử trung thành của Kim Jong Un ".

Tuy nhiên, có một lý thuyết khác vạch ra nhu cầu phải chống đỡ cho sự thống nhất trong nước nhằm đạt được sự chuyển nhượng lãnh đạo thành công và đánh lạc hướng chú ý của công chúng khỏi thảm họa của Bắc Triều Tiên trong các nỗ lực tái định giá tiền tệ hồi năm ngoái. Cuộc tấn công ngư lôi tạo căng thẳng ở bên ngoài có thể được sử dụng để tăng cường sự kiểm soát ở trong nước.

Ngoài ra còn có một lý thuyết cho rằng trong khi Bắc Triều Tiên đã dựng nên một cuộc tấn công lén, họ đã sai lầm vì không bao giờ tính đến khả năng các mảnh vỡ của ngư lôi sẽ được tìm thấy và truy ngược về Bình Nhưỡng.

Nhiệm vụ có thể đã được che đậy trong bí mật, nhưng các viên chức tình báo rõ ràng đã tìm được các chuyển động của tàu ngầm của Bắc Triều Tiên trước và sau khi bị ngư lôi tấn công.

Ngoài ra còn có các báo cáo của những người Bắc Triều Tiên sinh sống gần biên giới với Trung Quốc đã công khai khẳng định cuộc tấn công là công việc của Bắc Triều Tiên.

Đáp trả với những sự lên án từ nước ngoài, Bắc Triều Tiên kịch liệt bác bỏ việc tham gia trong sự kiện này. Nhưng đã có đề xuất cho rằng các tin đồn ở Bắc Triều Tiên từng tuyên bố đây là một chiến thắng quân sự lớn cho Bình Nhưỡng.

Kẻ thua cuộc lớn nhất về mặt ngoại giao trong sự kiện này là Trung Quốc, người đồng minh lâu năm của Bắc Triều Tiên.

Theo John Park, một chuyên biên nghiên cứu cao cấp của Viện Hoà Bình Hoa Kỳ, đây là một trường hợp "cái đuôi (Bắc Triều Tiên) ngoắc trước con chó (Trung Quốc)".

Vào đầu tháng Năm, khi Kim Jong Il thăm Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hỏi ông về vụ việc. Kim Jong Il đã trả lời rằng Bình Nhưỡng không dính vào.

Trung Quốc đã không đáp ứng với đề nghị từ Hàn Quốc để hỗ trợ trong một cuộc điều tra chung về sự cố. Rõ ràng là Bắc Kinh dường như cảm thấy không còn lựa chọn nào ngoài việc phải duy trì lập trường rằng Bắc Triều Tiên đã vô tội.

Vì lý do đó, Trung Quốc đã liên tục kêu gọi thận trọng giữa cuộc thương thảo của Hội đồng Bảo an nhằm áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.

Có một số người ở Trung Quốc nhìn nhận Bắc Triều Tiên như là một nghĩa vụ có tính chiến lược và đang kêu gọi áp dụng áp lực nhiều hơn vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các cán bộ lãnh đạo Đảng CS ở Bắc Kinh vẫn đang cứng rắn ủng hộ Bắc Triều Tiên.

Cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên có thể được xem như là một chính sách ánh nắng mặt trời kiểu Trung Quốc, đặt ưu tiên vào sự ổn định. Ngược lại, cách tiếp cận ấy có thể phản ánh nỗi lo sợ của Trung Quốc về sự bất ổn ngày càng tăng của chế độ Bắc Triều Tiên.

Sự mong manh của Bắc Triều Tiên nằm trong cấu trúc độc đáo của giới ưu tú trong đất nước này.

Ken Gause, một nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ, nói: "Nếu chế độ mất khả năng xoa dịu giới ưu tú thông qua hàng hoá và dịch vụ, sẽ có một cơ hội thực sự cho việc tạo ra các phe phái".

Ngay một "lãnh chúa quân sự" cũng có thể nổi lên, ông nói.

Trung Quốc đã bác bỏ lời kêu gọi để tham gia vào cuộc thảo luận với các nước khác về kịch bản bất ổn của Bắc Triều Tiên " trên cơ sở là việc ấy sẽ chỉ kích động làm cho Bắc Triều Tiên và Đông Bắc Á bất ổn hơn.”

Tuy nhiên, một viên chức cao cấp của Chính phủ Trung Quốc cho tôi biết riêng rằng, "Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên xem xét việc thành lập một diễn đàn để trao đổi ý kiến về một lối đáp an toàn bởi tình hình Bắc Triều Tiên".

Có lẽ, Trung Quốc đang mất dần sự tự tin trong việc có thể kiềm chế Bình Nhưỡng. Không còn là một chính sách hữu hiệu để dựa vào Trung Quốc để gây sức ép trên Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đang xem xét việc tái lập trừng phạt tài chính đã được áp dụng trong thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt tài chính sẽ trực tiếp làm tổn thương đến Kim Jong Il và gia đình ông cũng như giới cầm quyền Bắc Triều Tiên.

Một viên chức cao cấp của Lầu Năm Góc nói, "Vì điều đó, nếu chúng tôi không thận trọng, có thể kích hoạt một sự trả đũa quân sự từ Bắc Triều Tiên".

Trong khi phải thực hiện một số hành động nhằm phản ứng lại sự việc Cheonan, thật vô cùng khó khăn để ước lượng được mức độ áp lực nhằm áp dụng vào Bắc Triều Tiên.

Có lẽ sân khấu đã được thiết lập trong đó các quốc gia có quan tâm cần phải bắt đầu một cuộc trao đổi lặng lẽ về các ý kiến của một tầm nhìn thống nhất trong tương lai cho bán đảo Triều Tiên.

Quá trình này sẽ đòi hỏi những quốc gia đó phải trước tiên phác họa được tầm nhìn của một bán đảo Triều Tiên thống nhất sau đó cùng nhau làm việc để tạo môi trường và điều kiện cho sự việc ấy xuất hiện.

Kim Jong Un sẽ không chỉ đạt được quyền lực. Anh ta cũng sẽ thừa hưởng được một nhà nước thất bại, một nhà nước có vũ khí hạt nhân. Thật khó tin là người con trai sẽ loại bỏ bất kỳ vũ khí hạt nhân nào thừa kế được từ người cha mình.

Thế giới phải gắng hết sức mình cho những khó khăn còn lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân một khi Kim Jong Il không còn chịu trách nhiệm cầm quyền.

Phương cách duy nhất để giải quyết cùng lúc cả cuộc khủng hoảng kế vị lãnh đạo, các vấn đề của một nhà nước thất bại và vấn đề vũ khí hạt nhân sẽ là vạch ra được một chiến lược thoát ra thông minh và đa diện dựa trên một tầm nhìn thống nhất cho bán đảo Triều Tiên.

Thân gửi Mẹ Nấm

Thân Gửi Mẹ Nấm:

(nhân đọc entry http://menam0.multiply.com/journal/item/291)


nguồn gốc của các giai cấp cần phải cật lực đấu tranh kêu bằng xuất thân

không tìm ra một đường dây liên hệ, một ô dù che chắn, một trụ chống lưng nào thì kêu bằng tứ cố vô thân

nứt mắt ra đã thấy tên đệm là đôla thì đó gọi là tiền thân

chữ tiền liền với chữ tiên một vần, và chắc chắn là bàn đạp bền vững nhất để tiến thân

vào được trung ương thì gọi là hoàng thân

trong bộ chính trị phe nào tụ đủ 4 đứa thì kêu bằng tứ thân

coi tàu khựa là cha thì kêu nó bằng phụ thân

không nhờ ai khấu bái, mà phải chính mình thực hiện thì kêu bằng tự thân

vừa lạy tàu vừa cậy mỹ thì gọi là song thân

hình ảnh gợi cảm nhất của tình yêu chủ tịch gọi là khỏa thân

họ tô cấm báo đài đưa tin về tên tô cưỡng dâm trẻ con thì kêu bằng tương thân

các đồng chí chưa bị lộ kêu bằng sắp sửa hiện thân

thay đổi tội danh từ tham ô tài sản nhà nước thành lợi dụng chức vụ thì gọi là hóa thân

phát ngôn ấn tượng quá, ngửi không nổi, chẳng ai dám/muốn đứng gần, thì kêu bằng phân thân

biển của mình bị giặc nó cấm đánh cá mà nhà nước im re thì rất đáng tủi thân

nhân quyền là có cái ăn, còn mạng người rẻ như bèo thì kêu bằng bản thân

công an có trình văn hóa thì phải bảo nhau là nện cho dân nó diện kiến mẫu thân

lên đồn “làm việc” xong mà còn ra về được, dù là đi chân không, thì gọi là toàn thân

nữ sinh được quan giám học tiến cống lên quan tổng đốc thì phải ra tòa về tội bán thân

công khai đổ nước thải nguyên chất ra sông thì kêu bằng xả thân

góp tiền đều đặn cho “trên” qua từng phi vụ thì gọi là chung thân

tham nhũng/quan liêu/sai phạm/lãng phí… chạy đầy đường mà tể tướng nhất định không phạt một ai thì gọi là dung thân

từ giả bộ giáo dục sau mấy năm hứa hão thì kêu bằng ly thân

khoái bắt chước các màn bịt mắt/bịt tai/bịt mõm thì rất gần với tuổi thân

kực kỳ kung kính rạp người bắt tay đồng nhiệm bằng cả hai tay thì gọi là cầu thân

đàn áp/trừng trị những thanh niên phản đối quyết định tam sa thì kêu bằng kết thân

đạt tới đỉnh điểm lãnh đạo tài sản đất nước thì kêu bằng đích thân

yếu tố quan trọng nhất để giảm tội trước tòa kêu bằng nhân thân

tái cấu trúc nguyên cả một tập đoàn đồ sộ cỡ vinasink thì gọi là tháo thân

cắm đầu lao vào các lò nướng người (mệnh danh chiến tranh giải phóng) mà cứ tưởng ngọn hải đăng cải tạo cả thế giới mới chính là lũ thiêu thân

cứng cáp mình đồng da sắt như anh hùng lê văn tám thì kêu bằng thiết thân

hòa bình rồi thì lời bảo ban chắc cú nhất về lợi/hại là đề phòng thiệt thân

còn lời đe có tính lưu manh/côn đồ/du đãng/công an nhất là liệu hồn, …coi chừng vong thân

song chính yếu là nó chủ trương “việc nhân nghĩa cốt ở yên thân(phỏng ý PLVũ)

kết luận: cả lũ bọn này chẳng tí ti xứng đáng gì để luận về dấn thân

30-7-2010

Blogger Đinh Tấn Lực

Trí thức yêu nước bị ruồng bỏ (trí, phú, địa, hào - đào tận gốc, trốc tận rễ) http://nhanam.multiply.com/journal/item/329/329

Người trí thức bị ruồng bỏ

Năm 1989, một sinh viên cũ từ xứ sở bị đô hộ xưa trở lại thăm “mẫu quốc” đã được hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Paris 7, một trong nhũng trường uy tín nhất của nước Pháp, khẩn khoản: “Nhân dịp giáo sư sang đây, ban giám hiệu chúng tôi xin dành trọn một ngày để kính mời giáo sư giới thiệu phương pháp và kinh nghiệm học tập của giáo sư với toàn trường chúng tôi”, bởi vì “Đã sáu mươi năm qua, trên đất Pháp này chưa có sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục: đạt hai bằng tiến sĩ quốc gia Pháp ở tuổi 22.

Người cựu sinh viên ấy tên là Nguyễn Mạnh Tường.

Ông sinh năm 1909 ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Theo học tại trường Albert Sarraut, năm 16 tuổi ông đỗ tú tài rồi sang Pháp du học từ năm 1927. Năm 1932 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật “Cá nhân trong đô thị cổ Việt Nam” tại Đại học Montpellier. Một tháng sau tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn chương “Việt Nam trong văn chương Pháp”.

Khi ông về nước, hai viên mật thám Pháp, trong đó có Louis Marty, gặp và gợi ý đưa ông vào làm thượng thư trong triều Bảo Đại. Bị gây khó khăn do từ chối lời mời này, ông chỉ ở nhà ba tháng rồi lại trở lại Pháp. Ông đã bỏ ra năm năm trời đi tham quan và nghiên cứu các nước châu Âu: Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập… để viết bốn cuốn sách bằng tiếng Pháp: Nền tảng Pháp, Kinh nghiệm Địa Trung Hải, Kinh nghiệm và nước mắt tuổi trẻ, Du lịch và cảm xúc (kịch).

Trở về Việt Nam năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường dạy học ở trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat), hay còn gọi là trường Bưởi (từ 1945 đổi tên thành trường Trung học Chu Văn An).

Do bất mãn với chính sách kỳ thị của Pháp, ông bỏ trường về mở văn phòng luật sư tại hai biệt thự số 1 và số 2 Mai Xuân Thưởng. (Những biệt thự này về sau đã được gia đình ông hiến tất cả cho Nhà nước để rồi gần đây được sử dụng làm trụ sở cơ quan tiếp dân của Thanh tra Chính phủ).

Ngay từ năm 1936, khi trở về Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tường đã dành thời gian học tiếng Trung, tham gia phác hoạ văn phạm Việt Nam với nhóm Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, và hợp tác làm tự điển với Khai trí Tiến Đức.

Ông đã góp vào kho tàng tri thức Việt Nam 18 tác phẩm quý gồm 14 cuốn viết bằng tiếng Pháp và 4 tác phẩm tiếng Việt, như:

* Văn phạm Việt Nam (cùng Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, 1941)
* Việt Nam Tự điển (Hội Khai trí Tiến Đức)
* Construction de l’Orient (1937)
* Sourires et Larmes d’une Jeunesse (1937)
* Pierres de France (1940)
* Apprentissage de la Méditerranée (1940)
* Le Voyage et le Sentiment (1940)
* Một cuộc hành trình (1955)
* Un Excommunité – Hà Nội: 1954-1991: Procès d’un intellectuel (Quê Mẹ, Paris 1992)
* Lý luận giáo dục châu Âu: Từ Érasme tới Rousseau thế kỷ XVI, XVII, XVIII ( NXB Khoa học Xã hội, 1994)
* Aikhylos(Eschyle) và bi kịch cổ đại Hi Lạp (NXB Giáo dục 1996)
* Virgile – nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La Mã cổ đại (NXB Khoa học Xã hội, 1996)

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông được mời dạy văn chương Tây phương tại trường Đại học Văn khoa do ông Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng.

Năm 1946 Hồ Chủ tịch cử Nguyễn Hữu Đang đến trịnh trọng mời ông để giao một nhiệm vụ quan trọng.

Ông kể: “Cụ Hồ nói: Ta sẽ ký với Pháp một tạm ước, nhưng lại muốn đạt được cao hơn một tạm ước. Sẽ có hội nghị, lúc đầu ở Việt Nam (Đà Lạt), sau ở Pháp. Nhờ ngài xây dựng cho lập trường Việt Nam để đi đấu tranh. Tôi từ chối, nói còn có nhiều người giỏi hơn tôi. Cụ Hồ khẩn khoản:

Tôi đã hỏi nhiều anh em, họ đều bảo chỉ có ngài làm được, xin ngài về suy nghĩ và giúp cho Chính phủ. (Hồi này cụ Hồ cứ gọi tôi là ngài!) Đi Đà Lạt là đoàn liên hiệp các đảng phái. Trưởng đoàn là Nguyễn Tường Tam. Phó là Võ Nguyên Giáp. Không thuộc đảng phái nào thì có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên và tôi. Lúc tiễn đoàn lên đường, cụ Hồ nói to: Xin chúc anh em đi thành công, đặc biệt tôi có lời khuyên: Nội bộ đoàn kết, phải đấu tranh găng nhưng không được gãy”.[1]

Một “sự cố” ở Hội nghị này cũng đã được ghi lại như sau: “Kết thúc Hội nghị, D’Argenlieu có tổ chức tiệc trà tiễn đoàn. Một sĩ quan hầu cận Pháp đến nói: Thủy sư Đô đốc muốn gặp riêng ngài. Tôi nói: Tôi chưa hân hạnh được quen biết ngài Thủy sư Đô đốc. Có anh em nói: Nó mời thì anh cứ đi. Tôi đi xuyên qua phòng họp, đông khoảng một trăm người, đến gặp nó, chỉ toàn nói chuyện xã giao vớ vẩn. Thế mà khi về Hà Nội, có dư luận nói: Tường là tay trong của Pháp, Tường phản quốc”. Hoàng Xuân Hãn tức mình, đến gặp Võ Nguyên Giáp, dư luận mới được dập tắt.”[2]

Sau Hội nghị Đà Lạt ông còn được cử đi dự Hội nghị Bảo vệ Hòa bình châu Á-Thái Bình Dương ở Bắc Kinh năm 1952 và Đại hội Hòa bình Thế giới ở Wien năm 1953.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Mạnh Tường tản cư và vào dạy dự bị đại học tại phố Đu Thanh Hóa. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông kể niềm hân hoan, tự hào khi trở về Thủ đô: “Ngày 10 tháng 10 năm 1954 đúng 10 giờ sáng, lực lượng kháng chiến trọng thể tiến vào Thủ đô. Dẫn đầu là đoàn quân với những lá cờ tung bay với tiếng trống liên hồi. Những cán bộ đứng trên những chiếc xe tải vẫy tay chào đồng bào đứng đầy hai bên đường đang hô to những tiếng vui mừng, phất phất những lá cờ nhỏ. Tất cả hai bên nhà phố đều trang trí và niềm vui không tả trên ánh mắt của từng người dân. Từng chặp, đoàn quân phải ngừng lại để nhận những vòng hoa của từng đoàn thiếu nữ mang tặng. Sự nồng nhiệt của dân chúng đã lên đến cao độ, thật chân thành và nồng hậu. Kể cả những người mà con tim còn đang nhịp nhẹ những tiếc nuối với người chủ hôm qua, tất cả đều chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc găp gỡ dễ thương bằng sự rộng rãi và lịch sự, họ vỗ tay hoan hô những người đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ: chiến công của họ khơi động lại niềm hãnh diện của người dân Việt và phục hồi lại danh tiếng cho nước nhà.”[3]

Ông hồ hởi nhận lãnh nhiều trách nhiệm vinh dự: Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Luật sư đoàn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt–Pháp và Hội Hữu nghị Việt-Xô, thành viên của Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới, chủ tịch sáng lập Câu lạc bộ Đoàn kết Trí thức…

Năm 1956, trong cương vị Chủ tịch Luật sư đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, luật sư Nguyễn Mạnh Tường được giao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn Việt Nam tại Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới tổ chức ở Bruxelles, Bỉ. Nhiệm vụ của đoàn Việt Nam là làm sao được Hội nghị đưa ra nghị quyết ủng hộ công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của ta.

Năm 2009, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Thanh Đạm, thầy dạy của nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng ngày nay, đã viết về thầy giáo cũ của mình như sau: “Nhớ lại hình ảnh thầy Tường, tôi thường cảm kích nghĩ rằng chỉ riêng sự có mặt của Thầy trong hàng ngũ những nhà trí thức yêu nước đi kháng chiến theo cụ Hồ ngày ấy đã là một sự cổ vũ lớn đối với thế hệ thanh niên chúng tôi. Chỉ riêng điều đó đã là một cống hiến vô giá của Thầy đối với đất nước, xứng đáng với sự hàm ơn và tưởng nhớ của các thế hệ sau này, cần được vinh danh mãi mãi trong lịch sử văn hóa và giáo dục của dân tộc ta.”[4]

* * *

Thế mà! Bỗng đâu…, ông “đã là kẻ lữ hành trong chuyến đi qua sa mạc kéo dài từ năm 1958 đến năm 1990, hơn ba mươi năm dài đằng đẵng. Chìm trong vùng cát sa mạc của tuyệt vọng làm cạn khô giòng nước mắt, tôi đã lê tấm thân bị tra tấn bởi thiếu thốn cô đơn, với quả tim rướm máu bởi nỗi buồn của chua cay và vị đắng của mật. Không một tia sáng của niềm vui trong đêm đen của địa ngục trần gian mà tôi đang bị quét đi trong nỗi cô đơn.”

tôi không bị ném vào tù hay bị còng tay. Tôi không bị bắt đưa ra bất cứ toà án hình sự hay chính trị nào. Tôi không bị bắt đày đi xa nhà hay xa gia đình. Nhưng cả xã hội và mọi người đều biết: để tránh phải chịu những phiền phức, những ai muốn tiếp xúc với tôi, dù bất cứ chuyện gì, đều không dám. Nhà tôi như đang chứa một người đang bị bệnh dịch, không nên đến gần. Ra đường, mọi người thấy tôi từ xa đã quay ra ngõ khác để tránh đụng mặt, nếu người nào đó, vì vô tình vô ý hay vì can đảm đến gõ cửa gặp tôi, ngay sau khi vừa rời khỏi nhà là đã có công an mời về cơ quan để tra tấn họ với những câu hỏi về họ là ai, về gia đình và tầng lớp xã hội và đặc biệt là có quan hệ gì đến tên tội phạm là tôi đây.

Không chỉ bị đầy đọa về mặt tinh thần, về vật chất thì: “Cả mấy tháng qua, buộc phải mua thực phẩm và những thứ nhu yếu trên chợ đen vì tôi không còn được phát tem phiếu kể từ khi tôi bị loại, mặc dù với tất cả dành dụm có được, số tiền dự trữ ngày càng thu hẹp. Ngay từ lúc đầu, với viễn tượng những ngày khó khăn trước mắt, với dự trữ ít oi, chúng tôi bắt đầu một giai đoạn hạn chế, tiết kiệm. Trước tiên, loại bỏ ngay buổi ăn sáng, một thói quen xa hoa của những người tư sản. Tiếp đến, cá thịt từ từ biến mất trong những buổi ăn trưa và tối. Khẩu phần cơm và rau mỗi ngày một ít đi. Và đến lúc mỗi ngày chúng tôi chỉ có một bát cháo để ăn.

Nghĩ đến chuyện vay mượn bạn bè là điều vô ích vì chính bản thân họ cũng đang cùng số phận, đang trong cảnh chỉ đủ cầm hơi khỏi bị chết đói. Vợ tôi đã nghĩ đến chuyện bán thuốc lá bên lề đường để kiếm sống, nhưng làm sao có được mớ vốn ban đầu và có chút tiền để bôi trơn móng vuốt làm khó của những tên công an hay cán bộ thuế, để chúng để yên cho chúng tôi khó khăn kiếm sống? Tìm ở đâu những nguồn hàng mà chỉ qua con đường buôn lậu mới có được? Món duy nhất mà vợ tôi không phải bán là cái máy may để mua gạo cho gia đình, mà dùng nó để may đồ mang ra chợ bán. Nếu bà còn trẻ bà có thể đạp xe về nhà quê mua rau cải lên bán ở những nơi đông người qua lại. Nhưng tất cả những dự tính dễ thương nhỏ nhoi đó đều không thể thực hiện đã làm cho vợ tôi khóc trong sầu khổ vì không thể làm một chút gì đề mua gạo cho gia đình.

Tôi muốn dạy tiếng Pháp tại nhà. Nhưng vừa mới bắt đầu là đã có một đám công an, chắc chắn là đã được bọn gián điệp và điểm chỉ quanh tôi báo động cho họ, xuất hiện và bảo cho tôi là dưới chế độ cộng sản không có gì là tư nhân mà được cho phép, dù chỉ là việc dạy học của những ông thầy tận tuỵ. Phải làm gì đây? Tôi không thể ra đạp cyclo như một số đồng nghiệp trẻ đang làm, không phải vì chuyện thiên hạ xầm xì mà chỉ vì tôi đã không còn ở tuổi để làm chuyện đó: hoặc người ta không dám gọi tôi, hoặc nếu có, số tiền công còm cõi của một hai chuyến đi không đủ để mua thuốc cho tôi lại sức với cái thân thể đã tiều tuỵ lắm rồi. Tự nhủ là không có nghề gì là đáng khinh, tôi xoay ra sửa chữa xe đạp bên vệ đường như những sĩ quan cao cấp già của bộ đội về hưu đang làm. Những kiến thức về văn chương và ngôn ngữ trở nên vô dụng trước những chiếc xe đạp hư cần sửa chữa như một quan hoạn đứng trước người đàn bà không mảnh vải che thân.

Cuối cùng tôi cũng phải hiểu ra là mình không nên đắm mình trong cái ảo tưởng về số phận của những cuốn sách không bán được của tôi. Tôi đành phải cân ký bán cho những người thu mua giấy vụn về bán lại cho nhà máy làm bột giấy. Những cuốn sách được mang lên trên cái cân hiệu Roberval. Tôi được trả tiền theo số cân đo được. Tim tôi đập loạn lên mỗi khi tôi phải chất những cuốn sách vào cái giỏ sau của chiếc xe đạp để đem đi bán giấy vụn. Không, nó không phải là giấy, nó là những thịt da của tôi đang bị xé ra từng mảnh. Khi những người mua ném chúng vào góc nhà, tôi phải quay mặt đi nơi khác cố giấu giọt nước mắt đang trào ra! Không có người cha nào còn dám nhìn con mình đang bị ném vào lửa bởi bọn đao phủ! Cái tra tấn đó cứ tái hiện mỗi lần đi bán sách làm giấy vụn, tôi như bị một mũi tên bắn xuyên qua tim mình. Nhiều lần, tôi phải nhờ vợ hay con tôi làm chuyện đó vì tránh cho tôi phải chịu nỗi đau.”[5]

* * *

Vì đâu? Và từ lúc nào người trí thức lỗi lạc từng được Chủ tịch nước Hồ Chí Minh cung kính gọi bằng “ngài” và khẩn khoản: “Việc này chỉ có ngài làm được, xin ngài giúp cho Chính phủ”, bỗng rơi xuống điạ ngục ngay giữa trần gian?

Ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi nghe ông Trường Chinh thay mặt Đảng CSVN đọc bản kiểm điểm về sai lầm của Cải cách Ruộng đất trước Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Tường không nén nổi xúc động: “Tôi phấn khởi được nghe bản phê bình của Đảng Lao động do ông Trường Chinh đọc trước Hội nghị. Nhưng tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một phần bị giảm đi, vì tôi nhớ lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải cách Ruộng đất. Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ niệm những người vô tội đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà chính của ta. Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh, có thể nói, được chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết bởi địch, cho ta. Đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, những người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh.”[6]

Thế rồi, sự “xúc động thái quá” đó, trớ trêu thay đã biến ngày ấy thành định mệnh đời ông khi ông dám chân thành đứng giữa hội trường trình bầy bản báo cáo: “Qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất – Xây dựng quan điểm lãnh đạo”.

Ông chân thành căn vặn: ”Ta muốn gì? Tìm kẻ thù của nông dân, của cách mạng để tiêu diệt nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa, nhìn xa, ta cũng không quên rằng công lý của cách mạng, muốn bảo toàn được uy tín và thắng lợi của cách mạng, phải biết đánh đúng địch. Khi đưa ra khẩu hiệu ‘Thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch’ thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là đằng khác nữa. Muốn chứng minh điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết quả sai lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản lại cách mạng thì là gì? Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan.

Ông quy kết: “Sở dĩ ta không để ý đến giải pháp pháp lý là vì ba lý do: 1. Quan điểm ta – địch, thù-bạn của ta rất mơ hồ; 2. Ta bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át pháp lý; 3. Ta bất chấp chuyên môn.

Tại sao có những hiện tượng quái gở như vậy? Là vì chính trị chiếm đóng tất cả các khu vực trong nhận thức của chúng ta làm chúng ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm chúng ta khước từ các chân lý.”[7]

* * *

Cho đến bây giờ do cần tạo ra những cái bồ sứt cạp thủng đáy để rót vô tội vạ tài nguyên đất nước, mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân nhằm vỗ béo bọn tư bản đỏ người ta vẫn chỉ thị phải củng cố doanh nghiệp nhà nước bằng bất kể giá nào để thể hiện đường lối XHCN thiêng liêng của Đảng thì cách đây hơn nửa thế kỷ Nguyễn Mạnh Tường đã chỉ rõ thực tế:

Nghĩa là giai cấp công nhân đã phải lao động sản xuất hai năm nay mà không được bồi dưỡng đúng mức. Lắng nghe dư luận đồng bào Hà Nội thôi, ta được biết rằng có ít ra một doanh nghiệp quốc gia lãng phí bao nhiêu triệu trong khi dưới chế độ Pháp thuộc, cũng doanh nghiệp ấy mang lại cho thực dân đế quốc các số lãi khổng lồ.

Về Mậu dịch, nửa năm nay, đồng bào ca thán như thế nào, ta đã biết. Nào chèn ép các nhà kinh doanh tư nhân, nào lãng phí bao nghìn triệu trong khi thực hiện chính sách, nào tàn nhẫn với các người bán sức lao động cho mình…

Số vốn mà các nhà công thương mang ra kinh doanh chỉ là một phần ti tiểu, số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân không có nghĩa lý gì. Trái lại ta thấy tất cả một phong trào các nhà tư bản thu hẹp hoạt động của họ, hoặc chuyển hướng bằng cách đâm ra quay chỉ, bán nước mía, hay dệt vài thước vải vớ vẩn, hoặc đóng cửa ăn vào vốn để khỏi đụng chạm đến Sở Lao động vì vấn đề công nhân, với Sở Công thương vì vấn đề đăng ký và nguyên liệu sản xuất, với Sở Tài chính vì thuế khoá đặc biệt.”[8]

Ngày nay, trước thực trạng xuống cấp thảm hại của giáo dục và đạo lý xã hội người ta mới càng thấm thía biết bao cái điều mà vị giáo sư khả kính từng cảm thấy bất an: “Chỉ mới hôm qua, trước ngày những người cộng sản tràn vào các nơi, truyền thống của cha ông ta là dạy học trò phải biết kính trọng Thầy mình, thương yêu và kính trọng Thầy còn hơn cả cha ruột. Cái vinh dự được giao phó là chăm lo đào tạo con người, sao cho được đơm hoa kết trái, đã là khuôn thước do tâm hồn và cách sống của các Thầy Cô. Họ có trách nhiệm với chính mình, với các học trò và cả xã hội. Điều đó đã nuôi dưỡng tâm tánh thuần khiết của Thầy Cô. Những sách dạy của tổ tiên về đạo đức con người được cả thế giới công nhận nay bị ném vào giàn lửa.

Cái khác biệt cơ bản và sâu sắc giữa xã hội ngày xưa và xã hội ngày nay là mục tiêu của giáo dục đã thay đổi. Ngày xưa người ta tôn vinh con người và đạo đức. Ngày nay, chủ nghĩa cộng sản và cái chính trị quốc tế chủ nghĩa của nó thì được ca tụng bằng trời. Khi cái giá trị chính trị nó đánh bật cái giá trị trí thức và đạo đức, đó là cả một cuộc cách mạng, những thành viên của Đảng không nghi ngờ điều đó.”[9]

Văn hoá phương Tây sẽ kết án chủ nghĩa cộng sản là tạo ra những con người cháy bỏng với những cuồng tín về chính trị, chỉ biết theo chân của lãnh đạo, nhắm mắt bịt tai với những thực tế của thế giới, ngậm miệng không dám chỉ trích bất cứ chuyện gì. Thật đáng ngạc nhiên khi nhìn thấy một con người, được nhào nặn trong lò bánh của cộng sản, đã mất cả con người riêng, còn mất luôn cả nhân cách của mình, thay vào mình một con người chỉ biết động đậy theo những tín hiệu từ xa bấm nút bởi người khác. Cổ tích phương Tây kể chuyện một kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ. Người cộng sản, được đào tạo trong lò văn hoá cộng sản, đã bán linh hồn cho Đảng.”[10]

Thói quen luôn cúi đầu để tỏ vẻ sự tán thành, dùng hai bàn tay luôn để vỗ tay, mồm luôn mở chỉ để nói câu đồng ý, tất cả chỉ cho thấy sự tê liệt của lý trí, cái chết tiệt của trí thông minh, chặt bỏ những phản xạ của phê bình.

con người được đào tạo bởi nhà cầm quyền chỉ là một công cụ để thi hành những chính sách cầm quyền và không là gì khác hơn.

Một cán bộ lãnh đạo Đảng đã chỉ vào mặt Nguyễn Mạnh Tường mà răn dạy giữa một Hội trường: “Ông không biết những gì đang chờ đợi ông. Nhà nước cộng sản của chúng tôi chỉ chấp nhận duy nhất một thái độ sống của người trí thức. Họ phải nằm trong đường lối chính trị của cộng sản, biểu lộ lòng tin nơi Đảng, trung thành với Đảng, sống và suy nghĩ dưới sự chỉ đạo và theo cách mà lãnh đạo Đảng đã xếp đặt. Những ai đi chệch xa con đường này, trở thành kẻ xa lạ dị giáo, sẽ bị trừng phạt như những kẻ phản bội phản động. Đây là cơ hội chót để ông tự ăn năn hối cải về sự táo tợn và trơ trẽn của mình. Rán mà biết lấy nhé.

Ngày nay tham nhũng đã trở thành quốc nạn vô phương cứu chữa. Cách đây mấy thập niên, Nguyễn Mạnh Tường đã gay gắt cảnh báo: “những quan chức của Đảng, với những chữ ký sinh ra vàng, đã để cho mình bị tiêm nhiễm những con vi trùng của tiền của, để tự mình ngày càng chìm sâu trong vũng lầy của tội ác. Những kẻ thuộc quyền, được khuyến khích bởi sự bất bị quy trách của xếp mình, trở nên những kẻ đồng lõa, tập họp nhau thành băng thành nhóm. Thời sẽ đến khi mà Đảng vẫn còn tiếp diễn những ung nhọt như thế: họ sẽ không còn niềm tin yêu của nhân dân, niềm tin mà họ đã mất cả một thời gian dài mới có được.

Tham nhũng là muôn mặt, nhưng cái chính là trực tiếp hay gián tiếp ăn cắp tài sản Nhà nước, tham ô, làm và sử dụng những giấy tờ giả mạo, chiếm đoạt đất công, dùng tài sản công vào những chuyện riêng tư. Ngoài tính chất muôn mầu muôn vẻ của nạn tham nhũng ta còn có thể kể thêm là sức sinh sôi của loại dịch bệnh này là rất nhanh. Những lãnh đạo chóp bu đã làm gương rất xấu và chuyện họ không bị hình phạt nào chỉ khuyến khích cấp dưới bước chân vào con đường kiếm chác mà không sợ bị một rủi ro nào. Sớm hay muộn, sự vô đạo đức sẽ chiếm lĩnh xã hội trên bề mặt cũng như bề sâu. Chưa bao giờ ở bất cứ nước nào, ngay cả ở các nước tư bản, mà người ta thấy được một cảnh tượng kinh hoàng, một sự băng hoại vô cùng của đạo đức: toàn bộ guồng máy nhà nước ngập chìm trong sự mua chuộc. Đối với hàng công nhân viên hạng nhỏ cấp dưới, mức lương nhỏ bé là lý lẽ để biện minh cho tội tham nhũng của họ khuyến khích từ gương xấu của cấp trên của họ là những kẻ phạm tội nhưng không chịu bất cứ trừng phạt nào của pháp luật hay phải ra trước toà thông qua hệ thống kỷ luật của Đảng và họ tham nhũng để mưu cầu được mau thăng quan tiến chức. Sự vô đạo đức nó như một cơn thuỷ triều đen chồm lên tràn ngập tất cả mọi cơ phận. Những lương tâm run sợ bay biến khỏi vùng địa chấn, xa tắp khỏi tầng khí độc mà ngập trong đó là một nhà nước đang thối rửa và hấp hối, một nhà nước kết cấu bằng những con người mà quyền hạn là vô chừng và độc đoán đang nắm giữ.

cả nước bàng hoàng thất vọng và kinh hoàng trước tội ác của những đảng viên biến chất, nhiều quan chức cao cấp của Đảng và của Nhà nước đã hành xử như những băng đảng trộm cướp, đã nuốt nhiều tỉ đồng của công quỹ để thoả mãn ham muốn đê tiện của mình.

Ông đau đớn nhận ra mục tiêu Cách mạng tháng Tám bị đánh tráo và kịch liệt lên án sự chuyên quyền, độc đoán: “Trong cuộc cách mạng tháng Tám, toàn thể nhân dân cùng một lòng đứng dậy để giành lại tự do và độc lập. Nhân dân đặt niềm tin vào lời nói của lãnh đạo cộng sản là toàn những người với quá khứ vinh quang đầy hy sinh cho Tổ quốc. Nhưng sau đó, từng bước, nhân dân bị áp đặt dưới cái gọi là ‘dân chủ nhân dân’, rồi sau đó là chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không còn tôn thờ Khổng Tử, trong khi vẫn gìn giữ những giá trị của đạo Khổng, chúng ta bị cải đạo sang tôn giáo Ba ngôi của chủ nghĩa Marx: Marx-Lenin-Stalin, với ba tấm hình được treo cao để ba ông được nhìn xuống đám thần dân! Từ lúc nào và ở đâu chúng tôi được hỏi ý về những ước ao và mong muốn của chúng tôi? Chuyện chẳng hề xảy ra. Đảng là con mắt nhìn mọi chuyện giùm chúng tôi, quyết định cho chúng tôi, rồi ra lệnh chúng tôi phải tuân theo quan điểm của Đảng mà họ cho rằng sẽ mang đến một tương lai huy hoàng và hạnh phúc.

Đa nguyên là chấp nhận những ý kiến trái ngược, những sự thật không giống nhau và đó là ý nghĩa thực của một nền dân chủ. Những người cộng sản không chấp nhận chuyện đó. Họ bám chặt vào độc quyền chính trị, tự cho mình là kẻ duy nhất nắm mọi thước đo về bản chất của dân chủ. Đa nguyên trở thành bãi chiến trường nơi mà dân chủ và chủ nghĩa cộng sản tấn công lẫn nhau.

Nhà nước chỉ là bàn tay nối dài của Đảng và con người lãnh đạo Đảng chính là người đang nắm trọn quyền lực. Nhân dân không là gì hết, tiếng nói của họ đã bị bịt kín. Tất cả những bộ phận của Nhà nước là gồm những con người của Đảng hay những người toàn tâm toàn ý với Đảng; tất cả cái giống người này chỉ có cái lưỡi gỗ và cái lưng cong cúi luồn với chủ. Trong những điều kiện như thế, làm sao có được những tiếng nói dấy lên để đòi truất phế và thay những kẻ bạo quyền, hay ít ra là để đưa ra những đề nghị, những ý kiến để làm đứng lại cái xe đang lao mình với tốc độ kinh hoàng về phía hố sâu của sự xấu? Mọi chuyện được quyết định từ hậu cung của Đảng, nơi thần bí nhất của thiên cung, bao quanh bởi một vòng thành kín bưng như Vạn lý Trường thành bên Trung Quốc!

Chưa bao giờ trong lịch sử con người mà lưỡi tầm sét của Thần Zeus – tức cái búa của Thiên Lôi – cùng với cây gậy thần của Circé lại nằm cả trong tay của một người, làm thành một bộ máy thống trị và áp bức cực kỳ hoàn hảo, một bộ máy chuyên dùng khủng bố làm chất nhờn bôi trơn những trục máy!

Vốn là người cương trực, ông không chỉ nói khoáng đại giữa Hội nghị mà đã từng giãi bầy trực tiếp vào tai Chủ tịch nước Hồ Chí Minh trong buổi trò chuyện riêng giữa hai người sau Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua họp ở Việt Bắc mùa xuân năm 1952: “Chế độ chuyên quyền tha hồ chủ quan, tự do duy ý chí và làm luật lệ lung tung, trái khoa học, trái lẽ phải, tác động tai hại đến uy tín của chính quyền và đến hạnh phúc của quần chúng, rất bất bình với bao hành động thiếu đạo đức và ngu dốt. Giải pháp duy nhất của sự khôn ngoan là mở rộng tai nghe, mở rộng cửa cho người thứ ba, cho tiếng nói từ ngoài vào, từ nhân dân đưa lên.

Cho đến nay Đảng bao trùm lên trên và nuốt chửng Nhà nước và không ít người nghĩ rằng Đảng lãnh đạo và cai trị vì lợi ích của Đảng hơn là vì lợi ích của nhân dân.”[11]

Ông nói lên sự thật về hai tổ chức Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc một cách chua chát: “Hai tổ chức Quốc hội và Mặt trận khác nhau là ở chỗ Quốc hội gồm có những đại biểu được ‘bầu’ lên từ mọi vùng lãnh thổ trên toàn quốc, Mặt trận gồm những người được chọn lựa trong các đoàn thể quần chúng để tiêu biểu cho mọi ngành nghề xã hội hay khuynh hướng tôn giáo khác nhau. Nhưng cả hai đều gặp nhau trong cùng một thái độ vì Đảng, trong những lần đưa ra đưa ra ý kiến, đều đồng ý với Đảng trên bất cứ chuyện gì và bất cứ lúc nào, hoàn toàn không có một ý kiến khác hay ồn ào kháo chuyện. Toàn Quốc hội biểu quyết bằng cách đưa tay lên, Mặt trận biểu quyết bằng cách cúi đầu và buông thõng hai tay. Nhưng cả hai đều biểu hiện một sự nhất trí với lãnh đạo làm cho mặt lãnh đạo ngửa cao với nụ cười mãn nguyện. Đảng tự cho mình là người nắm sự thật và hai tổ chức kia chỉ có nhiệm vụ là phổ biến và tuyên truyền, mỗi tổ chức lo chuyện trong khu vực ảnh hưởng và trong vùng sinh hoạt của mình. Đó là hai cái nạng giúp Đảng tiến bước.”[12]

(Gần đây Quốc hội mới rón rén phản biện để Chính phủ tạm dừng kế hoạch xây dựng đường xe lửa cao tốc. Thực tế, mức độ hệ trọng của việc này rất không đáng kể so với chủ trương cho Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên; vấn đề xác định biên giới lãnh thổ, lãnh hải; vấn đề mở đường Hồ Chí Minh; vấn đề chọn đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Dung Quất… mà những hệ quả thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, chính trị, xã hội phát sinh từ đấy đáng đưa những người chịu trách nhiệm chính đối với những sai lầm ấy ra xử tử.)

* * *

Giãi bầy những tưởng niệm muộn mẳn đối với người trí thức lỗi lạc khả kính Nguyễn Mạnh Tường, chúng tôi muốn cùng độc giả soi xét để nêu câu hỏi: Nguyễn Mạnh Tường (và những người như kẻ viết bài này) đã nói câu gì không đúng? Đã làm việc gì sai pháp luật? Sao người ta nỡ / dám nhân danh Đảng đầy đọa hãm hại chúng tôi! Trù dập vợ, con chúng tôi! Uy hiếp, khủng bố bạn bè, thân thích của chúng tôi!

Hãy thắp nhang cung kính tạ tội và thành khẩn tụng niệm những lời cảnh báo sau đây:

Thay vì giáng búa rìu lên đầu người trí thức mà tội lỗi duy nhất của họ là yêu Tổ quốc và dân tộc, người cộng sản cần phải hiểu rằng kẻ thù của họ chính là họ chứ không ai khác. Kẻ thù của họ là ai? Là tính chủ quan, một cách quá mức, đã làm cho họ tưởng mình là thượng đế được phú cho sức mạnh siêu nhân không thể thất bại… Thật điên khùng khi họ tin rằng họ luôn luôn đúng, ngay cả những khi họ đã sai lầm rõ ràng!

Nếu cứ vướng mãi với những hành động dại dột, mất trí hay điên khùng, quý vị sẽ đưa dân tộc vào nghèo đói và đau khổ, tiếp tục làm những chuyện chuyên quyền, phạm luật và vô nhân đạo thì quý vị sẽ không thể tồn tại dài lâu! Ngay sau khi quý vị chết, nhân dân sẽ tiếp tục nguyền rủa, đào mồ và quăng cái xác thối của quý vị cho sài lang và diều hâu cắn xé! Tên tuổi của quý vị sẽ bị ‘tạc ghi’ trong lịch sử và sẽ bị khinh bỉ trong hàng trăm năm sau.

Về phía chúng tôi, dẫu sao chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên lưu giữ cái nhin thể tất và ưu ái của vị giáo sư bồ tát:

Dù có ghét hay thương cộng sản, mình cũng phải công nhận rằng những người lãnh đạo nó đã phải chịu đoạ đầy vì lòng yêu nước của họ. Những thế hệ kế tiếp và những người nối nghiệp thì không thể tự hào là có cùng cái hào quang đó. Dẫu vậy, trong số những kẻ kế thừa vẫn có những người dù ít tài cán nhưng lòng trung chính vẫn đáng để chúng ta ngả mũ chào. Trong khi đó biết bao nhiêu kẻ khác không những đã chẳng có chút khả năng nào mà còn vô đạo đức nhưng hết mực núp vào Đảng vì Đảng đã gây dựng và bảo vệ quyền lợi cá nhân của họ.

Vấn đề còn lại được nêu lên là: “Chủ nghĩa anh hùng của các ông có làm cho các ông dám hy sinh Đảng của quý ông trên bàn thờ của Tổ quốc và Nhân dân? Đất nước và nhân dân Việt Nam đang chờ câu trả lời của các ông.”[13]

Hà Nội 14 tháng 7 năm 2010

© 2010 Nguyễn Thanh Giang

© 2010 talawas

____________________

[1] Nguyễn Mạnh Tường, Kẻ bị vạ tuyệt thông, Paris 1991

[2] Sđd.

[3] Sđd.

[4] Tạp chí Hồn Việt tháng 11 năm 2009

[5] Nguyễn Mạnh Tường, Kẻ bị vạ tuyệt thông, sđd.

[6] Bài thuyết trình tại Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam 30-10-1956

[7] Bđd.

[8] Bđd.

[9] Sđd.

[10] Bđd.

[11] Tạp chí Xưa và Nay số 286, tháng 6 năm 2007

[12] Bđd.

[13] Sđd.

Giới nghiêm Internet: Chuyện thằng Cam con Quýt

Lệnh cắt đường truyền Internet các đại lý sau 23h đêm đã được các quan chức Bộ Thông tin và truyền thông chính thức đưa ra hôm qua sau nhiều tháng tranh cãi việc cấm...Game online. Oh hay, cho xin cái bông ngoáy tai, Tại hạ vẫn chưa hiểu được bằng cách nào mà Bộ Thông tin và truyền thông lại biến được GO thành Internet và biến Internet thành GO để biến cái tội thằng Cam thành cái tát cho con Quýt. Mặc dù Cục trưởng Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) ông Lưu Vũ Hải chắc như đinh đóng cột trên Tiền Phong rằng: "Đây chỉ là biện pháp để thực thi chứ không phải chính sách, quyết định mới" nhưng xem ra GO chỉ là một nạn nhân cho các quan chức hướng tới một chính sách giới nghiêm Internet, thực ra cũng chả mới vì đã được áp dụng rộng rãi ở Cu Ba, Ở Triều Tiên, ở Trung Quốc và ở Afganistan dưới thời Taliban.

Cho đến trước lệnh cấm, hoàn toàn chưa có bất cứ một cuộc điều tra xã hội học chính thức về sự nguy hại của GO. Căn cứ của lệnh cấm chỉ là thái độ của quan chức một vài Sở TT và TT, chủ yếu là Hà Nội và TP HCM (Đà Nẵng ăn theo nói leo mới chỉ nhảy vào lửa được vài ngày nay), phát biểu của đại biểu QH Nguyễn Thiện Nhân tại nghị trường và một vài bài báo mang hơi hướng kiểu "Sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa đã từng chơi GO".

Tại hạ, một người viết báo đã từng nghiến răng, rồi cười nhạt về câu chuyện một vài vụ việc giết người cướp của, đếm chưa hết số ngón của một bàn tay, được "Cơ quan điều tra" xác định có động cơ là vì túng tiền trả Net, hoặc cụ tỉ hơn là túng tiền cho việc chơi GO. Óc tưởng tưởng hoang đường một cách bệnh hoạn của mấy tay điều tra viên trán ngắn? Biểu hiện "chí tuệ" một vài người tự xưng là nhà báo? Mà ngay cả cái thứ động cơ này giả sử có được đưa ra để thêm chất văn, để tô điểm cho mấy cái kết luận điều tra, thì phải nói một cách logic rằng: Đó là lỗi của tiền, chứ đâu phải của GO? Không lẽ khi có một nghi phạm hiếp dâm khai rằng động cơ phạm tội là vì cái cô gái nạn nhân kia mặc cái váy ngắn quá, khoét cái cổ đầm sâu, và cặp giò muối trắng quá, thì liệu Bộ Văn hóa sẽ ra lệnh cấm váy ngắn, cấm cổ sâu hay cấm cả chân trắng ra đường? Liệu hình luật có phải sửa đổi để thay vì ngăn chặn và trừng trị hành vi phạm tội sẽ thành ra để cấm đối tượng vật chất có thể, hoặc không thể là nguyên nhân phát sinh tội phạm, tệ nạn?

Cái chung quy, cái rút cục của những lệnh cấm kiểu này, theo thiển ý của Tại hạ, thực chất là do vấn đề nhìn nhận về tự do cá nhân trong xã hội Việt Nam nửa mùa. Nếu như quyền tự do, trong đó có tự do thông tin được tôn trọng trong thực tế thì mỗi một cá nhân hoàn toàn có quyền vào Internet xem bất cứ những gì họ muốn (mà không bị chặn bởi tường lửa), chơi bất cứ thứ gì họ thích, làm bất cứ cái gì không động chạm đến tự do của người khác, thậm chí được quyền nghiện GO nếu thế giới trong game họ thấy thích, nhiều khi với lý do nó còn thật hơn thế giới đạo đức giả ngoài xã hội. Vì bởi họ đã bị ràng buộc bởi tính phải tự chịu trách nhiệm về hậu quả hành vi của mình, cũng đã được ghi trong luật rồi cơ mà.

Trước khi lệnh cấm này được ban hành, Sở TT và TT TP HCM đã có tới 4 kiến nghị trong việc quản lý GO. Một trong số kiến nghị là cấm hoàn toàn việc quảng cáo các sản phẩm GO. Quy định này quả thực là ấu trĩ. Nhưng sự ấu trĩ đó giờ lại được coi là điều bình thường khi ngay trên diễn đàn Quốc hội, người ta, bất chấp cả sự lịch sự tối thiểu là phải biết mình đang nói cái gì, đã dám bô bô rằng GO độc hại như ma túy.

Đã có lần nói tới nhưng giờ có lẽ nhắc lại cũng không hề thừa rằng Tại hạ cam đoan là trong số cả chục vị đang đòi cấm GO hiện giờ chắc không có một vị nào đã từng chơi. Chưa từng chơi, nhưng đã từng nghe người ta- có thể là một quan chức chưa từng chơi khác- nói là nó có hại nên phải vội vã khẳng định nó gây nghiện như ma túy. Nói để người ta khỏi báo là mình chả biết cái quái gì.

Theo lối tư duy này, một xã hội muốn trong sạch tốt đẹp ưu việt thì phải cấm Internet, cấm đàn bà và nhất là phải cấm tiền bới ngẫm ra, tiền mới là "động cơ" phạm tội nhiều nhất?

Nguồn: blog Đào Tuấn

Vatican đã bác bỏ nhiều đòi hỏi phi lý từ phía Việt Nam như thế nào trong Phiên họp hỗn hợp vòng 2 tại Vatican

Vatican chẳng những có thái độ không khoan nhượng với những lập luận phê bình Giáo hội từ phía Việt Nam, nhưng còn thẳng thắn bác bỏ hầu hết các đòi hỏi do đoàn Việt Nam đưa ra ở phiên họp vòng 2 tại Vatican: 
 
...Việt Nam đã đề nghị Toà thánh cấm không cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt về nước kể cả dịp đại hội các GMVN vào tháng 10-2010 và không bổ nhiệm vào bất cứ chức vụ nào ở Toà thánh
...đề nghị Toà thánh cấm không cho dòng Chúa Cứu Thế hoạt động tại Việt Nam hay ít nhất không cho hoạt động tại Hà Nội
...đề nghị của Việt Nam là Toà Thánh ra thông báo cấm các cuộc tập trung cầu nguyện đòi đất đai, tài sản như thời gian vừa qua và can thiệp kịp thời như vụ cầu nguyện ở Toà Khâm sứ
...Việt Nam cũng đề nghị Toà thánh dừng tiến trình phong thánh cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận vì “không có lợi cho đại đoàn kết dân tộc”
 
Phiên họp hỗn hợp giữa Vatican và Việt Nam đã kết thúc hơn 1 tháng nay. Cả hai bên đều ra thông cáo gần giống nhau, đều coi đây là bước phát triển trong quan hệ song phương và đã có một thoả thuận là Toà thánh được cử một đại diện không thường trực đến Việt Nam. Thế nhưng còn rất nhiều chi tiết của phiên họp đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Mới đây VietCatholic nhận được một số tin tức từ những nguồn tin đáng tin cậy cho biết về phiên họp này và một số những chi tiết "nhậy cảm" xin được ghi lại như sau:

Khác hẳn với phiên họp vòng 1 tại Hà Nội, Tòa Thánh đã chấp nhận một số những đề nghị từ phía Việt Nam liên quan tới Giáo hội Việt Nam thì trong phiên họp lần 2 Tòa Thánh chẳng những có thái độ không khoan nhượng với những lập luận phê bình Giáo hội từ phía Việt Nam, nhưng còn thẳng thắn bác bỏ hầu hết các đòi hỏi do đoàn Việt Nam đưa ra ở phiên họp vòng 2 tại Vatican.

Theo nhiều nguồn tin chúng tôi nhận được thì đoàn Việt Nam đã đề nghị Toà thánh cấm không cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt về nước kể cả dịp đại hội các GMVN vào tháng 10-2010 và không bổ nhiệm vào bất cứ chức vụ nào ở Toà thánh. Vatican cho rằng, Đức TGM Ngô Quang Kiệt chưa bị tước quyền công dân Việt Nam nên Toà thánh không thể làm cái việc vi phạm nhân quyền và cả pháp luật Việt Nam nữa. Còn việc bổ nhiệm nhân sự ở Vatican, đó là công việc nội bộ mà Việt Nam không nên can thiệp vào giống như Vatican không thể đề nghị ông A làm Thủ tướng hay bà B không được làm Bộ trưởng ở Việt Nam.

Việt Nam cũng đề nghị Toà thánh cấm không cho dòng Chúa Cứu Thế hoạt động tại Việt Nam hay ít nhất không cho hoạt động tại Hà Nội giống như trước đây trong lịch sử Toà thánh đã rút dòng Tên khỏi Việt Nam, không cho hoạt động mục vụ ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII. Vatican trả lời các dòng tu hoạt động theo tôn chỉ của Dòng và luật pháp ở từng quốc gia. Nếu họ sai pháp luật, xin các ngài hãy xử theo luật pháp, chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở họ khi họ làm sai với tôn chỉ đã được Toà thánh phê chuẩn.

Về đề nghị của Việt Nam là Toà Thánh ra thông báo cấm các cuộc tập trung cầu nguyện đòi đất đai, tài sản như thời gian vừa qua và can thiệp kịp thời như vụ cầu nguyện ở Toà Khâm sứ, phái đoàn Vatican trả lời rằng: đất đai, tài sản của Giáo hội sở hữu một cách hợp pháp, Toà thánh kiên quyết bảo vệ và vẫn dứt khoát nêu lại đòi hỏi của các Giám mục Việt Nam là đòi lại quyền sử dụng hợp pháp Toà Khâm sứ ở Hà Nội và Giáo hoàng học viện Đà Lạt.

Toà thánh nhận định rằng nếu như Toà thánh có đại diện ở Việt Nam thì việc nắm bắt thông tin sẽ kịp thời và chính xác hơn thì sẽ sẽ đễ dàng có chỉ dẫn cụ thể cho từng vụ việc.

Lập trường của Toà thánh là luôn ủng hộ việc đòi hỏi chính đáng: việc đòi lại tài sản hợp pháp của Giáo hội Việt Nam trong tình thần ôn hoà, bất bạo động.

Việt Nam cũng đề nghị Toà thánh dừng tiến trình phong thánh cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận vì “không có lợi cho đại đoàn kết dân tộc”, Vatican đã bác bỏ thẳng thừng và cho đó là vi phạm các thoả thuận giữa Vatican và Việt Nam ở vòng 1 vì chỉ có phong giám mục ở Việt Nam mới cần có sự đồng thuận của Nhà nước Việt Nam mà thôi.

Không khí họp căng thẳng tới mức phái đoàn Việt Nam đã xin tạm ngừng họp để xin ý kiến ở Hà Nội. Không biết Hà Nội chỉ đạo thế nào nhưng kết thúc đã thống nhất đề nghị Vatican được cử một đại diện không thường trực đến Việt Nam.

Tuy nhiên vị đại diện này có được tự do vào Việt Nam gặp gỡ các giám mục, linh mục giáo dân hay không? Có phải xin phép và báo trước lịch trình cho phía Việt Nam và được ở lại Việt Nam bao lâu hay bao lâu mới được đến Việt Nam một lần vẫn chưa thống nhất được mà phải chờ đến vòng ba họp tại Hà Nội vào năm sau.

Còn một số thông tin nữa chúng tôi đang kiểm chứng, đối chiếu nhưng với những gì biết được và khi nào thuận tiện sẽ trình bầy sau. Một số giáo sĩ Việt Nam ở Roma và một vài Giáo chức Giáo hội có ảnh hưởng ở Việt Nam rất nhiệt liệt hoan hô tinh thần làm việc thẳng thắn của phái đoàn Vatican tại phiên họp vòng 2 vừa qua.
 
Đồng Nhân
Ảnh: Đức Giáo Hoàng Jean Paul II và Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

Quan chức bằng giả, tiến sĩ dỏm của VN hãy trông gương này mà biết hổ thẹn (nếu còn biết) http://nhanam.multiply.com/journal/item/326/326

Một cử nhân Mỹ gốc Việt vào học tiến sĩ ở đại học Harvard ở tuổi 17

Trường Đại Học Cal State L.A. cho Vietnamese Daily biết em Alexandria Huynh, một sinh viên gốc Việt vừa ra trường năm nay được trường đại học danh tiếng Harvard nhận vào học chương trình tiến sĩ y khoa với học bổng toàn phần ở tuồi 17.

Em Alexandria Huynh vào đại học lúc mới tuổi 13 qua chương trình dành cho các sinh viên vào đại học sớm trước tuổi (University’s Early Entrance Program), em Alexandria Huynh mới ra trường năm nay với bằng cử nhân sinh học hạng ưu. Cal State L.A. còn cho biết Alexandria Huynh là một sinh viên ra trường với bằng cử nhân trẻ nhất từ xưa đến nay của trường.

Em Alexandria Huynh không chỉ được trường Harvard chấp nhận vào học chương trình tiến sĩ mà còn có các trường danh tiếng khác như Đại học Yale và Đại học Pennsylvania cũng chấp nhận em.

Em Alexandria Huynh sẽ vào học ở Harvard mùa thu này với một học bổng toàn phần. Đây là niềm hãnh diện và tự hào của người Việt khắp nơi.
 
Du Lê

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Kim chủ tịch tẩu tán tài sản http://nhanam.multiply.com/journal/item/324

Không nên coi nhẹ phái diều hâu tại Trung Quốc

Đức Tâm

Trong những ngày vừa qua, Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt trước lời kêu gọi của Hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN - và Hoa Kỳ cần phải tôn trọng quyền tự do thông thương đường biển và trên không tại vùng Biển Đông. Bắc Kinh phản đối quốc tế hóa và chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ song phương.

Giới phân tích cho rằng chính sách bành trướng bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã thúc đẩy ASEAN phải có lập truờng chung và hợp tác với Mỹ để đối phó. Cũng chính những ý đồ của Trung Quốc muốn kiểm soát, khống chế Biển Đông, hạn chế các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng biển quốc tế đã buộc Hoa Kỳ phải quan tâm trở lại khu vực này.

Đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ như vậy, Bắc Kinh có thể phản ứng tới mức độ nào ? Theo ông Dương Danh Dy, chuyên gia về Trung Quốc, thì không nên coi nhẹ phái hiếu chiến tại Trung Quốc. Khi nói đến vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong hồ sơ Biển Đông, ông nêu ra hai suy nghĩ : thứ nhất là một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, tỏ ra thận trọng về thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc. Vấn đề thứ hai là dường như người Mỹ chưa thực sự hiểu được giới lãnh đạo Trung Quốc.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn chuyên gia Dương Danh Dy.

RFI : Xin chào chuyên gia Dương Danh Dy, tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 cũng như trên Diễn đàn an ninh khu vực ARF vừa được tổ chức trong tuần trước tại Hà Nội, các nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ đều khẳng định quyền tự do thông thương trên biển và trên không tại vùng Biển Đông. Thậm chí, ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton còn nhấn mạnh là việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông có vai trò then chốt trong việc bảo đảm ổn định trong khu vực. Phải chăng lần này, do thái độ hung hăng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đã buộc cả ASEAN và Mỹ phải lên tiếng và bày tỏ thái độ ?

Chuyên gia Dương Danh Dy : Tôi nghĩ, câu hỏi đã nói rõ phần nào rồi. Nhưng tôi xin nói thêm. Thái độ của Trung Quốc đối với Biển Đông bắt đầu chuyển biến từ tháng hai, tháng ba năm 2009 đã có những biến chuyển xấu, như chuyện họ thành lập đoàn tàu ngư chính đi tuần tra hải đảo, xua đuổi ngư dân các nước, đâm vỡ tàu các nước.

Nhưng bắt đầu từ tháng ba năm 2010, có một số sự kiện mà tôi nhắc lại đây để các độc giả, thính giả của RFI và các bạn khác ở trên thế giới biết rằng ngày mồng một tháng ba năm 2010, luật bảo vệ hải đảo nước CHND Trung Hoa chính thức được thực thi. Phân cục Biển Đông cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, cục Hải dương và nghề cá tỉnh Quảng Đông đã quy hoạch bảo vệ tỉnh Quảng Đông đã hoàn thành bản thảo đầu tiên và báo cáo lên trên, trong đó có việc công khai đấu thầu quyền sử dụng một hai hòn đảo không có người ở thuộc tỉnh này. Tôi đã cảnh báo tin này. Nhưng hình như dư luận thế giới không chú ý tin này lắm. Và gần đây tỉnh Hải Nam cũng đề xuất vấn đề trên, Quảng Đông không liên quan đến Biển Đông nhưng Hải Nam thì động chạm trực tiếp tới các nước có liên quan rồi.

Cũng trong tháng ba, Trung Quốc đã ngầm nói với James Steinberg (thứ trưởng Ngọai giao Mỹ) rằng Trung Quốc đặt Biển Đông là khu vực lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Lúc đó, họ chỉ nói ngầm thôi. Nhưng đến ngày 13/07/2010, Tần Cương, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đưa ra định nghĩa rõ ràng : Chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển quốc gia đều thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc chỉ quy định Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương là lợi ích cốt lõi của họ. Và bây giờ Biển Đông đã được nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cũng thuộc phạm vi trên.

Đây là lần đầu tiên, Biển Đông được Bắc Kinh chính thức coi là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Cần phải thấy, từ ngữ « cốt lõi » ẩn chứa hàm nghĩa khi lợi ích này bị xâm phạm thì Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để bảo vệ. Rõ ràng là Trung Quốc đã và đang có sự chuẩn bị ráo riết về các mặt cho công việc này.

Cho nên trước thái độ hung hăng, ngang ngược, bá quyền của Trung Quốc như vậy ở Biển Đông, tất nhiên, các nước ASEAN và cả người Mỹ nữa phải có một sự nhìn nhận lại và thấy rằng không thể không tìm cách, không có biện pháp để đối phó với ý đồ bành trướng, bá quyền đó.

RFI : Cách nay vài ngày, Trung Quốc đã có phản ứng về những đề nghị của ASEAN và của Mỹ cần phải tiến hành đàm phán và giải quyết hòa bình và cần phải tôn trọng quyền tự do thông thương đường biển, trên không ở khu vực Biển Đông. Trung Quốc phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Anh nhận định thế nào về phản ứng của Trung Quốc, liệu Trung Quốc dám dùng vũ lực để bảo vệ quyền lợi của mình hay không ?

Chuyên gia Dương Danh Dy : Tôi xin nói thẳng rằng người Trung Quốc đã sẵn sàng. Trong một bài viết cách đây cũng khá lâu, tôi đã cung cấp thông tin là 92% dân mạng Trung Quốc đồng ý dùng vũ lực để giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông. Lúc đó, dân mạng có khoảng 380 triệu. Hiện nay là 420 triệu. 90% của 400 triệu tức là có khoảng 360 triệu dân mạng Trung Quốc sẵn sàng. Dân mạng Trung Quốc, theo tôi, phần đông là những người trẻ, có tri thức, có hiểu biết mà họ còn quan niệm như vậy.

Gần đây, ông Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, trong một buổi phát biểu nội bộ, đã nói rằng chúng ta phải sẵn sàng cả hai tay. Cả hòa bình, cả chiến tranh và tay nào cũng phải cứng. Cho nên, chuyện Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông không phải là chuyện có thể mà khả năng chắc chắn có thể xẩy ra nếu như tham vọng bành trướng và bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không bị ngăn chặn.

Quay lại Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN ký với CHND Trung Hoa năm 2002, tôi phải nói thẳng là những người lãnh đạo ASEAN lúc đó đã có cái nhìn khá xa về âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông. Cho nên, trong điều 5 có viết là các bên cam kết tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp và gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, v.v. kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống.

Như vậy, ngay từ năm 2002, người ta đã dự tính đến chuyện này và đến năm 2010, cái điều mà Tuyên bố ứng xử đã đề phòng, e ngại, thì bây giờ xẩy ra. Trung Quốc công khai tuyên bố là họ sẽ bán đấu thầu quyền sử dụng những đảo không có người ở tại Biển Đông.

RFI : Đứng trước phản ứng dữ dội và quyết liệt của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo anh nhận định thì Mỹ sẽ có thái độ ra sao ?

Chuyên gia Dương Danh Dy : Vừa rồi, người ta cứ nói là ASEAN đoàn kết, rồi Mỹ trở lại. Nói rất nhiều về chuyện này. Theo tôi, đúng là nội bộ ASEAN là một khối đoàn kết thống nhất và càng ngày càng đoàn kết thống nhất hơn. Nhưng một trong những nguyên nhân đẩy mạnh sự đoàn kết và thông cảm trong nội bộ khối ASEAN chính là do tác nhân Trung Quốc. Việc Mỹ quay trở lại Biển Đông, tuyên bố mạnh mẽ hơn về Biển Đông là chính do người Trung Quốc gây ra, chứ không phải do ai cả.

Ngày 07/07 vừa rồi, tôi dự hội thảo Việt-Mỹ nhân dịp 15 năm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Đại sứ của Mỹ tại Việt Nam tuyên bố thái độ rất là mập mờ, nước đôi về Biển Đông. So với những tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN thì khác hẳn. Rõ ràng là Mỹ đã tiến một bước rất dài trong vấn đề này.

Theo tôi, ngoài những nguyên nhân lợi ích của Mỹ sẽ bị động chạm nếu Trung Quốc tiến hành những việc mà họ đã tuyên bố ở Biển Đông, thì mọi việc do chính Trung Quốc gây ra. Nếu Trung Quốc không có tuyên bố, không có hành động như vậy, tôi nói thẳng, chưa chắc là Mỹ có sự quay trở lại và đã có những tuyên bố mạnh mẽ như vậy.

RFI : Xem xét sự ràng buộc về quyền lợi giữa Mỹ và Trung Quốc, nhìn về quá khứ, anh có nghĩ rằng một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, vẫn có thể có hoài nghi về thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc ?

Chuyên gia Dương Danh Dy : Là người có quá trình theo dõi quan hệ Trung-Mỹ từ những năm 50 và đặc biệt là từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, tôi thấy quan hệ Trung-Mỹ có nhiều vấn đề phải nghiên cứu. Nhìn vào quan hệ Trung-Mỹ, đối với người Việt Nam cũng như với một số nước khác trong ASEAN, như Philippines chẳng hạn, thì đúng là còn những nghi hoặc, còn chưa tin người Mỹ.

Tôi xin nói thật, người Mỹ tính toán rất sòng phẳng, rất tàn nhẫn. Khi thấy không có lợi là lập tức họ cắt cầu, không còn tình, còn nghĩa gì cả.

Mặc dù không muốn khơi lại chuyện cũ, tôi vẫn xin đưa ra thí dụ. Khi thấy tình hình Nam Việt Nam không xong, sẽ thất bại, thì người Mỹ sẵn sàng từ bỏ mọi cam kết.

Tháng giêng năm 1974, họ bật đèn xanh cho người Trung Quốc xâm chiếm, lấy nốt nửa Hoàng Sa của Việt Nam, từ tay chính quyền Sài Gòn, cũng là do Mỹ bực tức, hậm hực trước thất bại ở Việt Nam.

Tháng giêng năm 1979, ông Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ, gặp tổng thống Carter đã nói rõ là sẽ đánh Việt Nam. Tổng thống Mỹ lúc đó không dám phản đối, không dám can thiệp, thậm chí còn giữ im ý đồ đó, không cho thế giới biết. Những việc này làm cho người Việt Nam không tin.

Đối với Philippines, hiện nay, Mỹ vẫn coi là đồng minh. Mọi người đều biết trước đây, căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại Philippines, v.v.

Cho nên, tôi cho rằng nếu Trung Quốc cho Mỹ một lợi ích gì đó, lớn hơn Biển Đông thì chắc chắn là người Mỹ không từ chối và lúc đó, người ta cũng sẽ bỏ Biển Đông. Chỉ có điều là hiện nay, Biển Đông có lợi ích quá lớn mà Trung Quốc, theo tôi tính, thì không thể có gì tương xứng để cho Mỹ cả.

Mặt khác, nói cho công bằng, khi người Mỹ đã thấy ra vấn đề thì họ làm, họ sửa.

RFI : Đặt giả thuyết Mỹ có thái độ kiên quyết trong việc bảo vệ quyền tự do thông thương ở vùng Biển Đông và Mỹ muốn đối phó với Trung Quốc. Vậy theo anh, Mỹ có thể làm được hay không. Sở dĩ tôi nêu vấn đề này, bởi vì trong một bài phân tích gần đây, anh có nhấn mạnh đến một việc : Mỹ không hiểu Trung Quốc. Là một chuyên gia nghiên cứu từ nhiều năm nay về Trung Quốc, xin anh giải thích rõ hơn điểm này ?

Chuyên gia Dương Danh Dy : Tôi phải nói thêm một điều trước khi trả lời câu hỏi này. Tại Hội nghị ở Hà Nội, ngoại trưởng Dương Khiết Trì không trả lời gay gắt lắm đâu. Báo chí chính thức, mạng chính thức của Trung Quốc cũng không phản đối gay gắt lắm đâu. Nhưng mấy hôm gần đây, tôi vào mạng và thấy, từ ông Dương Khiết Trì cho đến tất cả các báo chính thức, Hoàn Cầu thời báo, báo Nhân Dân, các báo mạng quân sự của Trung Quốc, đều phê phán Mỹ trở lại Biển Đông, phê phán Việt Nam lợi dụng danh nghĩa chủ tịch ASEAN để lôi kéo Mỹ trở lại Đông Nam Á v.v.

Biển Đông là lợi ích sống còn của Mỹ, rất thiết thân cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Biển Đông mà phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc hay Biển Đông có chiến tranh, có nổi sóng, thì Mỹ không yên. Cho nên, chúng tôi tin vào sự trở lại của nước Mỹ. Nhưng, ngoài lợi ích mà Trung Quốc có thể cho Mỹ, lớn hơn cả Biển Đông, thì tôi còn ngại một điểm nữa. Tức là người Mỹ, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách của Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc chưa sâu và chưa thấy hết, xin lỗi là tôi phải dùng cái chữ âm mưu, thủ đoạn, những sách lược trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Tôi muốn đưa một ví dụ về kinh tế. Khi người Mỹ thấy rằng giá của đồng nhân dân tệ không đúng với thực tế, cho nên Trung Quốc rất có lợi, thì mỗi lần bị ép, Trung Quốc chỉ nhích lên, tăng lên một tí. Thế là làm cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ hả hê : À hóa ra Trung Quốc cũng nhượng bộ mình đây. Nhưng thực ra, giá trị vừa rồi họ nâng giá là 0,43%, trong khi đó, ông Obama nói là đồng Nhân dân tệ phải nâng lên 20% thì mới đúng giá trị thực của nó. Hay là khi thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đối với Mỹ quá cao. Mỹ phàn nàn, thì lập tức họ đặt một đơn hàng một vài tỷ đô la về máy bay Boeing thế là Mỹ hài lòng, cho rằng Trung Quốc nhượng bộ. Nhưng thực ra, Trung Quốc vẫn giữ phần lợi về họ.

Còn trong việc đánh giá Trung Quốc, trong bài góp ý với ông (Joseph) Nye, tôi xin mạn phép nói lại. Ông Nye có nói rằng muốn hạn chế Trung Quốc thì phải làm cho Trung Quốc thấy cái giá mà họ phải trả là đắt. Nhưng tôi đã nói lại rằng với người Mỹ, với chúng ta, ai cũng nghĩ sinh mạng là cái giá đắt nhất. Người Mỹ khi hy sinh đến 50 000 ở Việt Nam là thấy ớn rồi. Hơn 10 000 ở Afghanistan là thấy ớn rồi. Nhưng người Trung Quốc thì từ ông Mao Trạch Đông, cho đến ông Đặng Tiểu Bình và cho đến ông Trì Hạo Điền bây giờ, người ta sẵn sàng hy sinh một nửa dân Trung Quốc. Người ta không sợ. Một nửa dân Trung Quốc thời Mao Trạch Đông là 300 triệu người. Thời ông Đặng Tiểu Bình là 500 triệu người. Thời ông Trì Hạo Điền hiện nay là 700 triệu người. Cho nên người Mỹ đánh giá Trung Quốc không đúng.

Có mấy vị giáo sư rất nổi tiếng mà tôi không tiện nêu tên, hy vọng rằng với những số sinh viên đi học ở Mỹ, ở Tây Âu về thì sẽ cải thiện được tình hình dân chủ ở Trung Quốc. Tôi đã chỉ ra rằng, 30 năm mở cửa của Trung Quốc, thì những người tốt nghiệp đầu tiên đã có 25 năm, tức là một phần tư thế kỷ công tác ở Trung Quốc. Liệu đã có ai vào được Bộ Chính trị (Đảng cộng sản Trung Quốc) trong số những người này chưa ? Liệu có ai vào Trung ương chưa ? Liệu có ai làm được bộ trưởng chưa ? Có thay đổi được không khí dân chủ ở Trung Quốc hay không ?

Tôi xin nói thật. Dân Trung Quốc rất tốt, rất anh hùng, rất vĩ đại. Nhiều người đối xử rất khảng khái, vô tư, anh hùng, trượng nghĩa. Tôi ở Trung Quốc nhiều năm, tôi biết. Nhưng tôi có cảm giác, đã là người lãnh đạo của Trung Quốc thì có thể nói là 99,9% trong số họ luôn luôn đại diện cho lợi ích nước lớn. Bây giờ đương là lúc Trung Quốc dấu mình chờ thời. Họ rút kinh nghiệm cái thời Mỹ và Liên Xô đấu tranh với nhau về hệ tư tưởng, chính trị thì thành phe thành khối, quân sự thì thành Vacxava, thành NATO, v.v. Cứ đối nhau chan chát. Cuối cùng, Liên Xô thua Mỹ. Cho nên bây giờ, họ không dại gì đối đầu trực diện với Mỹ. Những cái nào họ thấy chưa đủ lực, chưa đủ sức, chưa hợp thời cơ để đấu Mỹ thì họ vui lòng khuất phục, họ cam chịu.

Nhưng tôi tin rằng cái thời kỳ đó không còn dài nữa. Bởi vì ngay trong nội bộ người Trung Quốc, chúng ta đã thấy những khuynh hướng hiếu chiến rất rõ. Cuốn « Người Trung Quốc có thể nói không », xuất bản cuối thế kỷ trước, và gần đây nhất là cuốn « Người Trung Quốc không vui » cũng đều cho thấy tư tưởng bá quyền.

Tôi xin nói thêm, bài của thượng tướng Trì Hạo Điền, nguyên bộ trưởng bộ Quốc phòng Trung Quốc viết gần đây mà tôi đã giới thiệu, tôi đã dịch ra tiếng Việt, để cho thấy rằng phái diều hâu, phái chủ chiến ở Trung Quốc rất mạnh. Cho nên tôi thực lòng mà nói với các bạn Mỹ là đừng ảo tưởng đối với một số người lãnh đạo Trung Quốc.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100729-khong-nen-coi-nhe-phai-dieu-hau-tai-trung-quoc

Kim Jong Il chuyển tiền cất giấu cho con trai

Tú Anh

Theo một đài phát thanh Hàn Quốc, lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-Il trong tình trạng sứ khỏe suy yếu , đã chuyển hết tài sản riêng cho Kim Jong Un, người con trai kế vị. Nhân vật lãnh trách nhiệm chuyển ngân bí mật này là nhà ngoại giao Ri Chol mới bị cách chức đại sứ tại Thụy Sĩ.

Theo bản tin của chương trình phát về phía bắc vĩ tuyến 38, đài Open Radio cho biết đại sứ Ri Chol là người tín cẩn của gia đình Kim Jong-Il và có nhiệm vụ quản lý tài sản mật của lãnh đạo Bắc Triều Tiên cất giấu tại nước ngoài.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Kim Jong Il chuyển giao tài sản lại cho con trai 27 tuổi Kim Jong Un ? Theo giới phân tích được hãng tin AFP trích dẫn nêu ra hai lý do : thứ nhất là vì lý do tình hình kinh tế đang khó khăn và thứ hai là quốc tế siết chặt các biện pháp cấm vận.

Một số chuyên gia nhận định là nhân Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên vào tháng 9 tới, Kim Jong-Un sẽ được chính thức thông báo lên thay cha.

Giám đốc tình báo Hàn Quốc Won Sei Hoon nói rằng đích thân lãnh đạo Kim Jong Il, trong điều kiện sức khỏe suy kém, chỉ đạo tiến trình cha truyền con nối.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100729-lanh-dao-btt-chuyen-tien-cat-giau-cho-con-trai

Hội chứng cảng biển biến tiềm năng thành tiềm ẩn

"Tôi đã nói với các anh ở Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ KHĐT) rằng không khéo các anh lại rủ nhau ra phá hết đảo nữa, sau khi đã phá nát đất liền. Rồi con cháu chúng ta biết đi đâu, về đâu?"- Ông Chu Hồi chia sẻ.

LTS: Khoảng hai tuần trước khi diễn đàn an ninh khu vực (ARF) tại Hà Nội, với sự tham gia của 27 quốc gia, để bàn và tìm giải pháp dàn xếp những vấn đề có nguy cơ gây bất ổn, trong đó có câu chuyện tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ở thành phố biển Hải Phòng đã diễn ra một hội nghị thu hút đầu tư vào kinh tế biển. Qui hoạch và an ninh đầu tư là hai vấn đề được các đại biểu trao đổi nhiều nhất, cả trong và ngoài hành lang hội nghị.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, xung quanh hai chủ đề nổi cộm này.

Ông Nguyễn Chu Hồi nói:

Tại sao thế giới lấy đại dương nuôi đất liền, còn chúng ta tại sao lại phải lấy vùng duyên hải làm động lực tiến ra biển, và tính luôn cả GDP của phần đất liền giáp biển này vào GDP của kinh tế biển? Xin thưa rằng, vì năng lực chinh phục biển, hay sức vươn ra khơi, của chúng ta quá yếu, nên đành phải lấy phần đất liền chưa bị tận khai này làm bàn đạp thôi. Tuy nhiên, vùng đất duyên hải này cũng có tiềm năng vị thế, và nếu biết làm khéo có thể biến thành tài nguyên vị thế.

- Xin ông nói rõ hơn về khái niệm này?

Tất cả những cái như vị trí thuận lợi, cảng nước sâu... chỉ mới là tiềm năng, và chỉ trở thành tài nguyên khi người ta đưa được vào đó một phương án tổ chức lãnh thổ, hay còn gọi là qui hoạch không gian. Ví dụ, 50 mét vuông đất ở trong ngõ hẻm chỉ là tiềm năng vị thế, nhưng trở thành tài nguyên vị thế, khi người ta định qui hoạch một con đường to đi qua đó, giá lên gấp 10 lần.

Chính qui hoạch không gian lãnh thổ ở vùng duyên hải sẽ giúp biến tiềm năng vị thế trở thành tài nguyên vị thế. Còn hội chứng tỉnh duyên hải nào cũng xin làm khu kinh tế hướng biển, tỉnh nào cũng xin làm cảng, thì chắc chắn tiềm năng vị thế mãi là tiềm năng vị thế, bởi không khai thác được. Cách đây 5 năm, khi thảo luận nhóm nhân 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, cựu đại sứ Mỹ đầu tiên Pete Peterson đã nói với tôi và bà Ninh (Tôn Nữ Thị Ninh): "Tôi muốn khuyên Việt Nam một điều là đừng làm kinh tế kiểu bắt chước (copystyle)."

Ông Nguyễn Chu Hồi, Ảnh Huỳnh Phan

- Hiện nay, về qui hoạch, chính phủ dự kiến sẽ xây dựng 15 khu kinh tế hướng biển. Theo quan điểm qui hoạch không gian của ông, liệu số đó có quá nhiều so với số lượng gần gấp đôi số tỉnh duyên hải không? Chúng ta đã từng thất bại với mô hình thí điểm ở khu kinh tế mở Chu Lai, có thời từng được kỳ vọng là Thẩm Quyến của Việt Nam, bởi sau đó chừng vài năm, cả chục khu kinh tế khác được phê duyệt một cách cấp tập?

Về nguyên tắc, nếu được đầu tư, mỗi khu kinh tế hướng biển này sẽ là một cực phát triển, và tạo sự lan tỏa theo bán kính để tác động tới cả một vùng. Nhưng người ta quên rằng trên bình đồ phát triển hiện nay của Việt Nam, những cực phát triển như thế đã hình thành trên 100 năm.

Ví dụ như Hải Phòng. Người Pháp đã phát triển cái bến nhỏ Ninh Hải trở thành cảng Hải Phòng. Nhịp độ đô thị hóa Hải Phòng gắn liền với sự phát triển của cảng. Rất tiếc Việt Nam không tổ chức rút ra bài học từ đây. Bây giờ các chuyên gia mới khuyên Hải Phòng phải phát triển theo công thức đô thị - cảng - biển, chứ, thực ra, Hải Phòng đã thế từ một trăm năm nay rồi.

Chúng ta định xây dựng những khu đô thị kêu gọi xây dựng 15 khu kinh tế biển, trong khi đó những đô thị hơn trăm năm như Hải Phòng, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu... Tại sao ta chỉ lại tập trung đầu tư vào những khu mới như Dung Quất, thay vì tập trung đầu tư thêm vào những cực phát triển cũ để tăng sức lan tỏa với bán kính lớn hơn đến cả những vùng xung quanh?

Tóm lại, công tác qui hoạch lại không gian kinh tế miền duyên hải đã không được tính đến. Chúng ta chỉ thích xây những cái mới, nhưng không biết tận dụng và phát huy những cái đang có, và trên bình đồ phát triển, việc xác định lại những cực cũ sẽ khiến việc bố trí không gian hợp lý hơn.

Hơn nữa, chúng ta mới tính đến việc xây cảng, mà chưa tính tới khả năng cảng sẽ phát huy thế mạnh thế nào. Việt Nam mở hành lang Đông - Tây, và nâng cấp cảng Đà Nẵng. Nhưng chính ông giám đốc cảng Đà Nẵng trong một phát biểu gần đây tại một diễn đàn kinh tế biển ở Dung Quất đã thừa nhận rằng cảng sau khi nâng cấp chẳng nhận được thùng hàng nào từ ASEAN cả. Như vậy, tính hiệu quả kinh tế của việc nâng cấp đầu tư cảng là gì?

Theo tôi, qui trình phải là qui hoạch không gian, rồi mới đến qui hoạch vùng cụ thể, vì có làm như thế mới đảm bảo được tính liên vùng, và biến tiềm năng vị thế thành tài nguyên vị thế.

- Với cách nhìn này, ông đánh giá thế nào về việc Hải Phòng xin xây cảng nước sâu Lạch Huyện, trong khi cách đó không xa, Quảng Ninh đã có Cái Lân, và đang dự định xin đầu tư cảng Hải Hà?

Từ cách đây 20 năm, khi còn là Viện trưởng Viện tài nguyên Môi trường biển Hải phòng tôi đã đưa ra quan điểm phải tiếp cận theo cụm cảng, tức là theo liên kết lãnh thổ, chứ không nên theo quan điểm địa giới hành chính, dễ sinh ra hội chứng xin xây cảng.

Hơn nữa, bản thân, một cái cảng quyết định được xây không phải do nó ở vùng nước sâu, mà vì nó phục vụ nguồn nguyên liệu. Cho nên, theo tôi nên dừng những bến chưa xây ở Cái Lân lại, và phát triển thật đàng hoàng cảng nước sâu ở Lạch Huyện và Hải Hà.

Đại diện UNESCO ở Paris đã nói với tôi rằng các tổ chức quốc tế gắn với bảo tồn thiên nhiên đã chỉ trích Việt Nam rất nhiều về cách khai thác Vịnh Hạ Long. Họ nói thẳng rằng đây là mô hình phát triển rất bất hợp lý. Trong một không gian rất hẹp mà có sự mâu thuẫn rất lớn về mục đích bảo tồn và mục đích phát triển. Họ còn nói rằng Việt Nam vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ Vịnh Hạ Long để phát triển một nền kinh tế sinh thái và kinh tế du lịch.

Tôi đã nói với các anh ở Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ KHĐT) rằng không khéo các anh lại rủ nhau ra phá hết đảo nữa, sau khi đã phá nát đất liền. Rồi con cháu chúng ta biết đi đâu, về đâu?

(còn nữa)

Huỳnh Anh

http://tuanvietnam.net/2010-07-22-hoi-chung-cang-bien-bien-tiem-nang-thanh-tiem-an

"Tôi đã nói với các anh ở Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ KHĐT) rằng không khéo các anh lại rủ nhau ra phá hết đảo nữa, sau khi đã phá nát đất liền. Rồi con cháu chúng ta biết đi đâu, về đâu?" (Ông Chu Hồi)

Lưu Trần Sinh - Quan Tài Cho Chế Độ

Tập 1 - Độc Quyền Toàn Trị Nảy Kiêu Binh:

Lực lượng công an sinh ra vốn là để giữ gìn trật tự trị an cho toàn xã hội. Tuy nhiên, trong một thể chế độc quyền toàn trị, thì lại kiêm nhiệm thêm việc bảo vệ tầng lớp cầm quyền, cho dù tầng lớp ấy có khi chỉ vì mình, không thèm vì dân vì nước. Rốt cuộc, mặc danh xưng sáng ngời của lực lượng công an là công an nhân dân nhưng thực tế thì người ta sẵn sàng hành hạ, tiêu diệt dân để bảo vệ đảng cầm quyền.

Công tác tư tưởng vốn là việc trọng yếu của đảng cầm quyền. Lý ra, đảng cầm quyền phải đủ khả năng tuyên truyền và lý luận tư tưởng để nắm lấy cái đầu của người dân. Nhưng vì trình độ lý luận tư tưởng của đảng cầm quyền quá kém, chỉ biết ăn sẵn. Khi đồ ăn sẵn đã hết hạn sử dụng, cũng không tự chế ra được đồ ăn mới hợp thời, thế là dân đói, phải tìm ăn các đồ ăn (tư tưởng) khác (còn hạn sử dụng) để mà sống, kết quả là đảng TA thất bại gần như hoàn toàn về mặt lý luận tư tưởng. Đảng TA đã từng rất thành công trong công tác tuyên truyền. Tiếc thay, thời đại kỹ thuật thông tin phát triển quá nhanh khiến đảng TA không tiến hóa theo kịp. Những chiêu thức lừa mị dụ dỗ mọi người đã từng rất thành công trong quá khứ nay không còn đạt hiệu quả mạnh được nữa, đôi khi còn bị phản chưởng rất tai hại.

Thế là, lực lượng võ trang nói chung, công an nói riêng được tăng cường thêm trách nhiệm nặng nề là bảo vệ đảng TA. Thời bình, nguy cơ ngoại tặc giảm, các mặt kinh tế đời sống xã hội phát triển nảy nở nhiều, vai trò công an vì thế cũng được nâng cao theo. Thời chiến, bộ trưởng công an chỉ là trung tướng, thì nay, đã có cấp đại tướng. Đặc biệt, từ khi bước sang kinh tế thị trường, cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất ngày càng nhiều, "hễ có chức là lạm quyền, dính đến tiền là tham nhũng", lòng dân càng bất bình, người dân càng phản kháng thì công an càng có giá.

Khi thực chất đảng lãnh đạo không còn trong sạch thì lực lượng công an sẽ thành ra một thứ kiêu binh, vì lãnh đạo (quan liêu, tham nhũng) phải dựa vào họ để kiểm soát tình hình và trấn áp người dân. Kết quả, lực lượng công an ngày càng có nhiều vụ làm bậy, làm ẩu. Chỉ vài năm trở lại đây, nào là "công an múa kiếm dọa người ở sân bay quốc tế Đà Nẵng", "công an đòi tiền mãi lộ giữa thủ đô", "công an bắn chết trẻ em Nghi Sơn" ... và mới vừa rồi nhất là vụ Bắc Giang bạo loạn.

* * *

Tập 2 - Quê Hương Tiền Phong Cách Mạng:

Những hình ảnh đen trắng đưa chúng ta nhớ lại cách đây vài mươi năm. Từ cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, dân Thái Bình đã từng nổi lên chống chính quyền, khiến có đến cả trung đoàn cảnh sát cơ động phải bao vây hàng tuần mới giải quyết được. Có thể nói Thái Bình là địa phương đứng hàng đầu cả nước về truyền thống tiền phong đấu tranh và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực. Thời Bắc Thuộc có Lý Bí (Lý Nam Đế) đánh đuổi ngoại xâm, mở ra nhà nước Vạn Xuân và là vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt. Thời mới giành độc lập tự chủ sau nghìn năm Bắc thuộc có Trần Lãm giữ vai trò chủ đạo và quyết định giúp Đinh Tiên Hoàng đế thống nhất giang sơn. Thời nhà Lý có Trần Thủ Độ hoán đổi ngôi vua từ Lý sang Trần. Thời nhà Nguyễn thì nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, "trên trời có ông sao Rua, ở dưới hạ giới có vua Ba Vành", khiến vua Nguyễn ăn không ngon ngủ không yên. Đến chống Pháp có "tiếng trống Tiền Hải năm 1930", có "chị Chiên tay không bắt giặc", có Tạ Quốc Luật dựng cờ trên nóc hầm Đờ Cát trận Điện Biên Phủ 1954. Xây dựng xã hội chủ nghĩa có "chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình". Nhân văn giai phẩm có Nguyễn Hữu Đang. Đánh bại VNCH có Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập trận Sài Gòn 1975. Bắn rụng B52 của Mỹ và bay lên vũ trụ theo Nga có Phạm Tuân.

Sang thời kinh tế thị trường, buôn lậu ma túy có đại úy công an Vũ Xuân Trường, hiếp dâm trẻ em có Nguyễn Trường Tô (chủ tịch Hà Giang nhưng quê ở Thái Bình). Trong đấu tranh đối lập với chính quyền cộng sản, về tôn giáo có linh mục Nguyễn Văn Lý, thiền sư Thích Quảng Độ, về lập đảng mới có Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim. Đảng viên cộng sản phản tỉnh có Trần Độ. Hiện hồn báo ứng nổi tiếng có Nguyễn Đức Cảnh (bí thư thành ủy Hải Phòng, quê Thái Bình).

Ngay trên chính xứ sở mang đầy tính đặc trưng về đấu tranh thay đổi chế độ ấy, sự đấu tranh của dân chúng ngày càng có vẻ tăng lên chứ không giảm. Hồi cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, dân mới chỉ rào làng phòng thủ. Đến hồi cuối những năm chín mươi thì do bởi thuế cao phí nặng, dân Thái Bình đã biểu tình hàng đoàn dài có sự tổ chức từ chính một số đảng viên cán bộ hưu của chính chế độ hiện hành. Công an và quân đội cùng chính quyền địa phương bất lực. Phải đến ông Phạm Thế Duyệt ủy viên bộ chính trị, chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam về giở nhiều bài bản lắt léo ra mới dẹp được yên. Nhưng gần đây, lại tiếp tục có nhiều vụ lớn xảy ra, như vụ dân Thái Thụy đánh tử thương công an xã, dân Quỳnh Phụ biểu tình và phơi nắng cán bộ ngành điện.

Rõ ràng là sự phản kháng của người dân với chế độ cộng sản ở Việt Nam ngày càng mạnh hơn, có tổ chức hơn và mức độ bạo lực cũng gia tăng.

* * *

Tập 3 - Quan Tài Cho Chế Độ:

Quan liêu tham nhũng ngày càng nhiều, đến mức chính đảng TA cũng phải gọi đó là giặc nội xâm. Đau đớn thay, đảng TA dường như bất lực trước loại giặc này, vì nó sinh ra và lớn lên ngay chính trong lòng đảng TA, diệt nó cũng gần như là đảng TA tự sát, khả năng sống sót là rất nhỏ. Ông phó thủ tướng Sinh Hùng đã thừa nhận công khai trước quốc hội "cứ làm sai mà cách chức thì bầu không kịp, lấy đâu ra người làm việc".

Tham nhũng quan liêu lộng hành ngày càng trắng trợn, tỷ lệ thuận với mức độ chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, mâu thuẫn giữa dân chúng với tầng lớp cầm quyền cũng theo đó mà ngày càng gia tăng. Đảng cầm quyền nhất định không chịu bỏ độc quyền toàn trị cho dù hoàn cảnh quốc tế và tình hình kinh tế xã hội trong nước đã có nhiều thay đổi, xu thế dân chủ hóa xã hội là không thể đảo ngược. Kết quả là công an, lực lượng thường xuyên kiểm soát dân chúng và trưc tiếp bảo vệ tầng lớp cầm quyền ngày càng lộng hành ngang nhiên hơn. Gần đây, đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ công an hành hung dân thường.


Chiếc quan tài chứa thi hài nạn nhân Khương ở Bắc Giang không phải là một chiếc quan tài bình thường, đó là chiếc quan tài Thần Dân gửi đến chế độ cộng sản ở Việt Nam

Nếu như những vụ việc liên quan đến tôn giáo như là vụ Tòa Khâm Sứ, vụ Thái Hà, vụ Xã Đoài, vụ Cồn Dầu, vụ Đồng Chiêm ... cho dù rất xôn xao nổi tiếng nhưng ít nhận được sự đồng cảm của toàn xã hội, thì đến vụ Nghi Sơn cả trong nước và ngoài nước, người Việt trào dâng xúc động mạnh, rất đồng cảm với người dân Nghi Sơn, chia sẻ nỗi đau với gia đình những người bị trọng thương, thiệt mạng. Đến vụ điện Quỳnh Phụ thì hầu như mọi người đều đồng thuận với cách đấu tranh của dân Thái Bình.

Vụ Nghi Sơn chưa giải quyết xong, đang lúc đầy các quan chức quốc tế họp ở Hà Nội thì đánh đùng một tiếng như long trời lở đất, dân Bắc Giang khiêng quan tài đến tận cổng tỉnh đòi thường mạng. Không chỉ đảng TA bàng hoàng, dân ta sửng sốt mà ngay cả bọn "phản động" cũng ngỡ ngàng. Tuy nhiên, cái gì làm nhiều rồi cũng có kinh nghiệm, dân ta đưa hàng đống hình ảnh lên internet và có lẽ thế giới còn biết tin về vụ này trước hơn cả nhiều đồng chí lãnh đạo đảng TA.

Vụ việc ở Bắc Giang lần này đặc biệt hơn tất cả các vụ việc trước đó:

- Có đông người tham gia nhất

- Được sự ủng hộ và cảm tình của dư luận xã hội nhiều nhất

- Lần đầu tiên người dân đấu tranh khiêng quan tài và tử thi đến tận cổng cơ quan chính quyền cấp tỉnh.

- Lần đầu tiên thông tin được cập nhật nhanh, tức thời và lan rất nhanh ra khắp thế giới với những hình ảnh sống động.

- Lần đầu tiên một cơ quan chính quyền đầu tỉnh bị người dân giật đổ cổng, phá hàng rào.

Có những tấm hình đi vào lịch sử như hình người dân trèo qua hàng rào vào phủ Khâm Sai ngày 19 tháng 8 năm 1945, hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng trước tòa. Bức hình người dân Bắc Giang dẫm lên cổng sắt phủ đầu tỉnh bị giật sập ngày 25 tháng 7 năm 2010 cũng là một bức hình đi vào lịch sử, nó khiến nhiều người liên tưởng đến cổng sắt Dinh Độc Lập bị xe tăng cộng sản ủi sập ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Chiếc quan tài chứa thi hài nạn nhân Khương ở Bắc Giang không phải là một chiếc quan tài bình thường, đó là chiếc quan tài Thần Dân gửi đến chế độ cộng sản ở Việt Nam và vụ bạo loạn Bắc Giang là tiếng chuông đầu tiên của hồi chuông cầu hồn đưa thể chế độc tài toàn trị đi về cõi vĩnh hằng, gặp cụ Mác, cụ Lê Nin và Bác Hồ Chí Minh kính yêu vĩ đại.

* * *

Tập 4 - Thần Dân Nổi Giận, Loạn Khắp Giang Sơn:

Bởi vì đảng TA đã thoái hóa biến chất nặng nề, bệnh đã trầm trọng ăn vào khắp lục phủ ngũ tạng, cho nên, diệt tham nhũng lộng quyền đồng nghĩa với việc đảng TA tự sát. Vì vậy, mâu thuẫn giữa người dân với đảng TA và nhà nước TA chỉ có tăng chứ không thể giảm. Hôm nay, mới chỉ có người dân Bắc Giang chở quan tài đến thủ phủ tỉnh. Mai này, sẽ có vụ dân đưa quan tài và hương hoa cùng kèn trống theo đường quốc lộ nhưng thi hài nạn nhân sẽ theo "thuyền nhỏ qua sông, lối nhỏ vào thành", người chết đến năm cạnh lăng Bác Hồ và phủ chủ tịch nước (vườn hoa Mai Xuân Thưởng), phối hợp cùng các dân oan khiếu kiện.

Ở thời đại thông tin, kinh tế thị trường, người dân nhanh chóng nhạy bén rút kinh nghiệm, phương thức đấu tranh sẽ ngày càng hiệu quả hơn. Hôm nay, các quan còn hỉ hả với kiểu dối lừa xoa dịu cho êm rồi sau đó tìm kẻ đầu sỏ, kẻ manh động để diệt. Mai này, chiêu ấy không lừa được ai nữa. Lớp người trẻ với tính cách mạnh mẽ "không đánh nó (công an, chính quyền) nó cũng đánh mình, không diệt nó rồi nó sẽ diệt mình", bạo động cùng bạo lực sẽ gia tăng không kiểm soát được. Người dân cũng sẽ đeo kiếng đen, khẩu tranh hay thậm chí mũ trùm đầu màu tối chỉ hở hai con mắt để CA không biết ai vào với ai.

Ngày hôm nay, dân mới chỉ dùng gạch đá ném công an, chính quyền. Mai này, họ có thể sẽ dùng vũ khí tự tạo rẻ tiền nhưng rất hiệu quả. Ví dụ, người ta dễ dàng nghiên cứu và thử nghiệm dùng cao su non hòa với cồn chín mươi hay bảy mươi độ, bao quanh một chai gas bếp du lịch, một cái bật lửa gas to hay một chai xịt thơm, đút vào một bao túi nhựa. Khi biểu tình, lấy túi đó ra châm lửa và quẳng về phía lực lượng trấn áp. Lửa cháy lên, bình gas phát nổ, lửa theo cao su bắn tung tóe dính vào quần áo, vũ khí, phương tiện thì các anh CA chỉ có mà rối loạn hàng ngũ, vất vũ khí mà chạy (quần áo có thể chống cháy nhưng súng đạn bắt lửa cháy nóng là nó nổ). Xe vòi rồng mà bị quả này tông vào gầm hay cabin thì cũng bùm luôn cả xe. Người dân biểu tình thấy lửa cháy và tiếng nổ thì sự phấn khích lại càng tăng, tạo nên cơn sóng thần cuốn phăng mọi hàng rào ngăn cản.

Những vụ việc luôn xảy ra bất ngờ vì cán bộ, công an hà hiếp dân không có báo trước, người dân tức khí nổi giận cũng rất vô tình, các cấp chính quyền luôn ém nhẹm đến khi không thể ém nhẹm được nữa thì vụ việc đã to quá rồi, vượt ngoài tầm kiểm soát. Vì bất ngờ, không kiểm soát được, cho nên bất cứ một đốm lửa nhỏ nào cũng có nguy cơ biến thành cháy lớn đe dọa thiêu trụi chế độ. Nhất là khi bọn "phản động" khôn ra, hiểu thời biết thế, luôn hoạt động gần dân, nắm chắc tình hình, luôn sẵn sàng chuẩn bị để có thể là ngay lập tức chớp lấy cơ hội.

* * *

Có đảng viên cộng sản già, quê Bắc Ninh, thấy nhân tình thế thái nhiều biến động quá, mới thắp hương khấn hỏi Vạn Hạnh Lý Quốc Sư về tình hình thời cuộc. Ông đảng viên già leo núi khá mệt, lại gặp gió hiu hiu mát, bất ngờ ngủ thiếp đi bên tượng Lý Quốc Sư. Trong mơ, ông thấy ngài hiện về bảo rằng "cảm cái tình con còn nhớ đến và tin tưởng ta, ta sẽ tiết lộ thiên cơ cho con biết: Nay là lúc tương tự như từ Lý đổi sang Trần, hãy liệu mà lo lấy thân đi".

- Nhưng con là đảng viên thường, không tham ô tham nhũng, không hà hiếp dân lành, cớ chi phải lo sợ?!

- Bọn có chức có quyền tham nhũng lộng hành hà hiếp dân đen, chúng học theo Lý Long Tường, chuẩn bị cơ sở ở ngoại quốc cả rồi. Chỉ khổ cho những ai có tiếng không có miếng, không được ăn ốc phải đổ vỏ, lại còn bị Thần Dân trút hận trả thù "cá nhảy đi rồi đành đập thớt". Con có muốn làm thớt không?!

- Vậy con phải làm sao?

- Đổi họ đi, hôm nay không đổi mai này cũng phải đổi, không đổi là mang họa sát thân, hại đến mấy đời con cháu.

- Họ là do tổ tiên con truyền lại, tự nhiên đổi sao đành!

- Đỉnh cao trí tuệ gì mà dốt vậy. Ngày trước triều đình thuộc một họ. Nay, chính quyền thuộc một đảng, hiểu chưa?

Không biết ông đảng viên cộng sản già có hiểu hay không nhưng thấy hàng xóm kể rằng, sau hôm khấn hỏi thiền sư ấy, ông cùng vợ xin nghỉ hẳn sinh hoạt đảng với lý do tuổi cao sức yếu. Ít lâu sau, các con ông cũng lần lượt xin ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam, trở lại làm dân thường. Người chuyển sang làm cho công ty tư nhân, người bỏ vốn kinh doanh chạy chợ, nhất quyết không làm trong cơ quan nhà nước nữa.

http://danluan.org/node/5825