Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Hội Quốc tế Nhân quyền (IGFM) lên tiếng về Điếu Cày và Anhbasg

Đọc (tiếng Đức) ở đâyở đây.

Đó là hai bài lên tiếng của Hội Quốc tế Nhân quyền.

Sau đó, báo mạng ExtremNews của Đức loan tin về việc hội IGFM lên tiếng, ở đây.

Hội này tố cáo chính quyền Việt Nam đang đàn áp một loạt blogger, hành hung vợ con Điếu Cày.

Hội Quốc tế Nhân quyền có tên tiếng Đức là Internationale Gesellschaft für Menschenrechte (IGFM), và tên tiếng Anh là International Society for Human Rights. Thành lập ở Frankfurt năm 1972, hội này được công nhận là quan sát viên tại Hội đồng Châu Âu (European Council) và có tư cách ECOSOC tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc.

Hội này thành lập tại Frankfurt hồi còn 2 nước Đức, nên nước bên kia từng gọi hội này là “kẻ thù dân tộc.” Các bác bên lề ấy lại có dịp nói là nó nói giọng điệu “hằn học.” Hehehe.

Trong bản lên tiếng về Anhbasg (ngày 21/10), tổ chức này cho rằng lý do Anhbasg tức Phan Thanh Hải bị bắt hôm 18 tháng 10 là vì lên tiếng kêu gọi lập “Ngày blogger Việt Nam” 19 tháng 10. IGFM cũng cho rằng Anhbasg nằm trong tầm nhắm của chính quyền vì bài viết của anh trên blog. Vì vậy, mặc dù đã đậu đủ các kỳ thi, luật gia này vẫn chưa được lên danh sách vào luật sư đoàn và nhà nước thường xuyên gây áp lực lên chủ phố khiến văn phòng tư vấn của Anhbasg phải liên tục dời chỗ.

Bài viết cũng nhắc đến việc Điếu Cày vẫn chưa được thả ra mặc dù đã hết hạn tù. Bài này nói công an đã xông đến đột kích vào nhà của Điếu Cày và bắt giữ vợ ông.

Cũng có tên trong bài là Tạ Phong Tần, bị công an xông vào nhà vệ sinh bắt lôi về đồn hôm 30/9.

Blogger Uyên Vũ được IGFM đưa tin là bị công an bao vây tại nhà. Có ít nhất 4 blogger khác bị tin tặc tấn công, IGFM cho biết.

Tới ngày 22/10, IGFM công bố thêm một bản lên tiếng mới về Điếu Cày. Bài này đưa tin Điếu Cày lẽ ra đã mãn hạn tù ngày 19 tháng 10 nhưng lại bị tiếp tục giam giữ và bị truy tố tội tuyên truyền chống nhà nước. Và nhà cầm quyền bịa ra một trò mà IGFM gọi là “trò đùa đánh đố bằng quy định” để bắt vợ con ông chạy loanh quanh khắp nơi chờ đón ông về.

Ngày 20/10, khi vợ con Điếu Cày chuẩn bị tiếp tục đón ông ra tù, thì 50 viên công an bao vây nhà của họ, phá cửa xông vào. Mảnh kính vỡ làm vợ con ông bị thương, lục tung nhà, bắt vợ ông đi, rồi tịch thu ổ cứng, điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, và trò chơi computer.

Cộng đồng blogger Việt Nam đang bị tấn công bằng bạo lực, IGFM viết. Nhiều blogger bị giam, bị quản thúc tại gia, bị uy hiếp. IGFM cho rằng một lý do có thể là vì họ đang khởi xướng dùng ngày 19 tháng 10, tức ngày Điếu Cày lẽ ra mãn hạn tù, làm “Ngày blogger Việt Nam.”

Nguồn:

Blog Vũ Quý Hạo Nhiên

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Đào Hiếu – Xã hội đèn dầu

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thật bị bao vây tứ phía, bị cải trang bằng nhiều son phấn, nhiều mặt nạ. Cái tốt đẹp bị che chắn, bị vùi lấp… còn cái xấu, cái ác thì được phát biểu, được thể hiện với kèn trống với vòng hoa.

Đây là thời đại mà những chính khách có thể nói dối, có thể lừa gạt mọi người bằng sự hùng biện đầy thuyết phục được hỗ trợ bằng những giọt nước mắt xúc động. Họ thường nói những câu đại loại: “Tôi đang móc ruột ra nói với các đồng chí” mà quên rằng trong ruột chứa đầy những thứ chẳng thơm tho gì.

Xưa nay nhiều người vẫn tin tưởng rằng cái tốt sẽ thắng, chính nghĩa – dù có trải qua muôn vàn khó khăn – rốt cuộc cũng sẽ thắng. Nhưng nếu chịu khó quan sát thế giới một chút, chúng ta sẽ thấy ngay rằng cái xấu, cái ác đang thắng, đang tồn tại. Chẳng phải đó là điều đang xảy ra ở Việt Nam, Afghanistan, Bắc Triều Tiên, Cuba, châu Phi, Trung Đông… và nhiều nơi khác trên thế giới nữa hay sao?

Đây là sự thật ê chề nhất mà nhân loại phải gánh chịu!

Những người đã sống gần hết cuộc đời trên thế gian này, những người có học thức, có suy nghĩ độc lập mà nhiều khi còn rối trí không biết tìm đâu ra chính nghĩa, ra cái tốt, huống chi là lớp trẻ (nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam ngày nay) gần như mù tịt: phải, trái, thiện, ác… lẫn lộn. Họ lâm vào cảnh “nhận giặc làm cha”, “xe duyên cùng tướng cướp”…

Họ giống như kẻ đang lạc vào một siêu thị bán toàn đồ giả, đồ nhái, không biết chọn cái nào, họ đành quay lưng, bỏ ra ngoài, tìm những nhu cầu khác.

Sự ra đời của những trang web, những blog cá nhân đã góp phần “giải vây” cho chính nghĩa, “tẩy trang” cho sự thật, nhằm cố gắng hé lộ bộ mặt thật của một xã hội, một chế độ chính trị, một sự kiện…

Như thế, sự thiếu vắng của các trang web hay blog này là những mất mát lớn cho cả một thế hệ đang lạc lõng, đang trôi dạt, đang đánh mất tự do và tính cách của mình.

Thế hệ này tìm thấy sự bình yên, sự hài lòng trong cái Tôi nhỏ bé với những nhu cầu vụn vặt, dễ dãi, dễ kiếm. Lớp người này ngày càng làm phình lớn cái xã hội tiêu thụ, thụ động, lười biếng và vô cảm. Đó là cái xã hội đang tiêu diệt mọi nhân cách và tiêu diệt chính nó, cái xã hội đang biến dạng – một cách chắc chắn, ung dung và không gì ngăn cản nổi – thành một bầy đàn hạ đẳng.

Một xã hội bao gồm nhiều cá nhân, nếu mỗi cá nhân là một ý thức độc lập, có sự sáng tạo tự do, thì xã hội đó sẽ rực rỡ vì mỗi cá nhân có ánh sáng riêng của mình, muôn màu muôn vẻ.

Nếu trong một xã hội mà mỗi cá nhân đều suy nghĩ giống nhau, sáng tạo giống nhau, ca ngợi và đả đảo giống nhau thì mỗi cá nhân đã tự thổi tắt ngọn đèn của mình và được phát cho một ngọn đèn dầu. Xã hội đó sẽ là một xã hội đèn dầu, chỉ tồn tại trong thứ ánh sáng lờ mờ, u ám. Chỉ có những đốm mắt của bọn linh cẩu, chó sói và hổ báo là rực lên trong đêm đen.

*

Đảng đã cho ta một mùa Xuân đầy ước vọng.

Một mùa Xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi

Những câu hát ấy đã vang lên trong nhiều thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam và sẽ còn vang lên hoài như thế. Nhưng liệu có phải đó là sự thật không? Có phải ở Việt Nam hiện đang có một “mùa Xuân tràn ánh sáng khắp nơi nơi”  không? Nếu không thì sao? Chẳng lẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác cứ tiếp tục hát như thế?

Trên ti-vi, trong các lớp học, trong các cuộc họp… cũng thế: các thầy cô giáo, các nhân viên nhà nước, các quan chức, nghệ sĩ sân khấu, cán bộ hưu trí, học sinh sinh viên, thậm chi cả những người lao động nghèo, những bác nông phu chân lấm tay bùn… khi được phỏng vấn cũng đều trả lời cùng cái giọng “Đảng đã cho ta một mùa Xuân” như thế.

Những em bé mẫu giáo, học sinh tiểu học chắc là không ý thức được mình đang nói gì, hát gì, còn những cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước thì biết mình đang nói dối nhưng hoặc là vì nịnh bợ để mưu lợi cá nhân, hoặc là nói cho qua chuyện, cho xong một cuộc phỏng vấn, một bài phát biểu.

Có một thành phần đặc biệt hơn, đó là những kẻ mới sinh ra là đã biết vâng phục, không hề có ý thức phản biện một cái gì, khi họ là cán bộ, đảng viên, họ biến thành những bõ già của Đảng, những ông từ giữ cái chùa Mác-Lênin suốt đời mãn kiếp. Họ đang sống mòn, sống cho hết cái kiếp gia nô buồn thảm, đìu hiu!

Nhưng đáng xấu hổ nhất là những kẻ ngụy tín, quen thói nói dối, nhập thân vào sự dối trá của mình một cách chân thật và cố thuyết phục người khác hiểu cái “sự thật” ấy.

Hãy tưởng tượng một đàn vịt đang lạch bạch đi trên bờ ruộng. Bỗng nhiên một con kêu: “cạc cạc!” rồi con thứ hai cũng kêu “cạc, cạc”, con thứ ba, thứ tư, con thứ mười đều kêu “cạc, cạc”. Rồi tất cả đồng loạt kêu “cạc cạc”… Ta sẽ thấy rất buồn cười, nhưng không sao, có khi còn dễ thương nữa vì chúng là đàn gia súc. Nhưng thử tưởng tượng có một đám người, đủ mọi thành phần: nông dân, giáo viên, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, học sinh, sinh viên, nhà văn, nhà thơ, diễn viên điện ảnh, hoa hậu, á hậu, người mẫu thời trang, giáo sư đại học, cán bộ công nhân viên, học sinh mẫu giáo… vừa đi vừa kêu “cạc cạc” như thế thì sẽ ra sao? Đó không phải là một xã hội nữa, đó là một bầy đàn.

Rất may là đã có một thành phần dám nói sự thật. Đó là những trang web kiểu như talawas, Bauxite… những blog cá nhân kiểu như Osin, Mẹ Nấm, Lề Bên Trái, Người Buôn Gió… Họ đã lần lượt bị bắt nhốt, bị đe dọa, bị đóng cửa. Họ là những tập thể, những cá nhân đã tỏa sáng và đang bị dập tắt. Xã hội hiện nay chỉ còn hiu hắt những ánh đèn dầu của đám người mờ nhạt, bị thuần hóa, bị gia súc hóa một cách thảm hại.

Như thế, rõ ràng là hiện nay chúng ta đang có hai nước Việt Nam: một Nước Việt Khốn Khổ, bị rút ruột, bị đục khoét, bị bán tài nguyên, bán máu, bán phẩm giá, bị xâu xé, cướp bóc tả tơi và nợ như chúa Chổm. Và một Nước Việt Ảo đang được vẽ vời bằng những lời nói dối, nịnh bợ, cơ hội, lừa mị… của đủ mọi thành phần, từ cán bộ lãnh đạo cho tới học sinh mẫu giáo.

Mỗi ngày có một bộ phận người Việt đang sống và làm việc trong cái Nước Việt Ảo ấy trong khi một bộ phận người Việt khác lại đang sống và làm việc cùng một Việt Nam khác: khốn khổ, trần trụi, tơi tả.

Hôm nay talawas không còn, ngày mai có thể Bauxite cũng sẽ mất, nhưng những người tâm huyết với đất nước với dân nghèo thì mãi tồn tại, tiếp nối, bền bỉ và bất tận.

© 2010 Đào Hiếu

© 2010 talawas

Trường phái dịch thuật “Xanh kiu vé ri mật”

Ngày 25.10.2010 báo Tiền Phong đăng bản tin “Cựu Thủ tướng Australia bị ném giày” như sau:

TPO - Một người đàn ông tên Hicks giận dữ ném giày vào cựu Thủ tướng Australia John Howard khi ông đang trả lời chương trình trực tiếp Q&A của Hãng tin ABC.
 
Hôm 24 - 10, ông Howard đang nói về quyết định cùng Mỹ can dự trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 thì David Hicks, một nam khán giả, bất ngờ đứng lên và ném đôi giày về phía ông. Tuy nhiên, giày không trúng “mục tiêu”.
 
Trước khi ném chiếc giày đầu tiên vào ông Howard, Hicks hét vang: “Nhận lấy nó như một lời chỉ trích. Nhận lấy nó vì những cái chết của người Iraq”. Chiếc giày này bay vèo qua đầu ông Howard.
 
“Và đây là chiếc giày vì những người phụ nữ Iraq” - Hicks lại nói khi quăng chiếc giày thứ hai vào ông Howard. Chiếc giày này bay vào bàn phía bên phải ông Howard.
 
Ngay khi người ném giày bị an ninh dẫn ra khỏi trường quay thì một phụ nữ phản đối khác cũng gào lên:”Bàn tay ông đã dính máu”.
 
Cựu Thủ tướng Australia dường như không lúng túng trước hai sự cố liên tiếp. Khi người dẫn chương trình lên tiếng xin lỗi, ông Howard cười mỉm :” Mọi thứ đều ổn. Quên điều đó, quên đi. Thư giãn nào”.
 
Theo một nguồn tin của Hãng ABC, David Hicks sau đó đã hỏi xem liệu ông ta có thể lấy lại giày vào ngày hôm sau hay không? Tuy nhiên, các nhân viên an ninh từ chối đề nghị này.
 
Đây không phải lần đầu cựu Thủ tướng Australia John Howard suýt phải “ăn” giày. Hồi tháng 11 - 2009, khi đang phát biểu tại Đại học Cambrdige, Anh, ông Howard cũng đã bị một người biểu tình cáo buộc tội phân biệt chủng tộc và ném giày vào người.
 
Võ Giang
Theo AAP, ABC

 

Tuy nhiên bản tin gốc “No excuse for shoe attack – Gillard” của APP thì tường thuật khác.

Bản tin cho hay:

“Peter Gray said after the footage was aired on ABC's Q&A program last night, he was flooded with calls from mates who told him he couldn't throw.

Two shoes were thrown, but neither hit Mr Howard who was later blindsided when he was quizzed by David Hicks about why he was left at Guantanamo Bay military prison for five-and-a-half years.

He had just finished answering questions about the Iraq war when Mr Gray struck.”

Như vậy, người ném giày là Peter Gray chứ không phải David Hicks.

 

Peter Gray, người ném giày

 

Ông Howard bị ném giày khi tham gia chương trình Question & Answer thu và phát trực tiếp trên ABC tối 25.10.2010.

Lúc David Hicks chất vấn John Howard thì Peter Gray nhảy ra ném giày!

David Hicks không hề chất vấn Howard về “quyết định cùng Mỹ can dự trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003”.

Anh ta chỉ chất vấn tại sao ông Howard là bỏ rơi công dân của mình, để mặc anh ta bị Mỹ giam tại nhà tù Guantanamo Bay suốt năm năm rưỡi!

Dịch kiểu gì mà Peter Gray lại biến thành David Hicks, chuyện nhà tù Guantanamo Bay thì biến thành chiến tranh Iraq!

Dịch hay là phịa! Cho ông Võ Giang này đi một cặp với Lại Văn Sâm là vừa!

“Xanh kiu vé ry mật!”

Bùi Quảng Nôm

tienve.org

Nhân vụ Lại Văn Sâm, nhìn lại vấn nạn văn hóa và đạo đức hôm nay

Về vụ Lại Văn Sâm “dịch sai” tại đêm bế mạc Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ 1 (22/10/2010), có lẽ chỉ có bài viết của ông Lê Bá Thiện Cơ là xét vấn đề qua góc nhìn đạo đức. Ngược lại, báo chí trong cả nước thì chỉ xem đó là “một hạt sạn”, “một sai sót” nghề nghiệp!

Đặc biệt lạ lùng là trong cả nước không có một bài báo nào thử đứng ở vị trí của Ngô Ngạn Tổ và người nước để xét vấn đề. Là một diễn viên quốc tế được mời phát biểu trong một liên hoan phim quốc tế trước ống kính truyền hình trực tiếp, nhưng toàn bộ những lời phát biểu của Ngô Ngạn Tổ vừa nói ra thì lập tức bị thay thế bằng những lời bịa đặt hoàn toàn khác do ông Lại Văn Sâm công khai tọng vào mồm anh. Nếu Ngô Ngạn Tổ và người nước ngoài biết được điều này, họ sẽ suy nghĩ thế nào về đất nước và con người Việt Nam?

Một hành động dối trá trắng trợn và thô bỉ như vậy không thể chỉ là “một hạt sạn”, “một sai sót” nghề nghiệp. Trong hoàn cảnh đặc biệt của một sự kiện văn hoá quốc tế trước con mắt công chúng thế giới, đó là một sự xúc phạm vô cùng to lớn đối với cá nhân diễn viên Ngô Ngạn Tổ và toàn thể khán giả bốn phương. Và đúng như ông Lê Bá Thiện Cơ nhận định: “trước con mắt của thế giới, thì cả đất nước phải chuốc lấy sự xấu hổ”.

Bằng hành động của mình, ông Lại Văn Sâm đã xem rẻ danh dự của diễn viên Ngô Ngạn Tổ và khinh thường trình độ của tất cả khách mời và khán giả. Điều đau đớn là báo chí trong cả nước không nhìn thấy vấn đề qua góc cạnh như thế. Điều này chứng tỏ họ đã đánh mất căn bản đạo đức.

Bây giờ họ lại còn loay hoay tìm cách đổ lỗi cho “ban tổ chức” và cho cô Ngô Mỹ Uyên! Nhưng bất kì ai theo dõi diễn biến đều thấy rõ là ông Lại Văn Sâm đã giành nói nhiều hơn tất cả những lời phát biểu của các nhân vật trong đêm đó cộng lại. Khi Ngô Ngạn Tổ phát biểu, ông Lại Văn Sâm chỉ cần mời cô Ngô Mỹ Uyên dịch, thì mọi chuyện có lẽ đã tốt đẹp. Nhưng ông ta không chịu mời cô Ngô Mỹ Uyên dịch, mà chính ông lại oang oang dịch láo. Ông ta cũng không thèm lắng nghe cả lời dịch của một cô gái đọc từ trong cánh gà. Có lẽ khán giả xem truyền hình đều có thể nghe lời dịch nhắc tuồng này bị ông Lại Văn Sâm át giọng. Thái độ của ông Lại Văn Sâm rõ ràng là một thái độ kiêu ngạo vô độ. Kiêu ngạo đến mức lấy cái dốt của mình ra để xúc phạm tất cả mọi người.

Các hiện tượng mà bài viết của ông Lê Bá Thiện Cơ nêu ra đều cần phải được xét dưới góc độ đạo đức.

- Lời ông Nguyễn Minh Triết diễn thuyết về Thánh Gióng phải được phê phán công khai. Ông ta phải xin lỗi trước nhân dân và nhận cái sai của mình. Nếu không thì giới giáo chức của chúng tôi đành thúc thủ khi các em học sinh, sinh viên cả tin vào lời của ngài Chủ tịch nước rồi bắt chước nguyên văn mà viết vào bài thi là Thánh Gióng “công lao là như thế, tài năng là như thế, nhưng mà không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi ai cám ơn cả, không đòi hỏi phong chức phong tước gì cả, đánh giặc xong là thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản...”

- Ông Trần Long Ẩn, Chủ tịch hội Âm nhạc TPHCM, cùng nhóm thực hiện CD “Tình ca 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” phải công khai xin lỗi trên báo chí về những lỗi sai ghê gớm của mình. Nhiều người chế giễu nhóm này khi dịch “em bên tôi một chiều tan lớp” là “you inside me after class” = “anh ở trong em sau lớp học”, nhưng trong bài “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” còn có những lỗi sai trầm trọng hơn: “Hà Nội mến yêu của ta, thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rạng rỡ, sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long”..., thì “lắng trong nước sông Cửu Long” bị dịch là “plunge into Cuu Long river” tức là “đâm đầu xuống sông Cửu Long”... Xem cảnh ông Thanh Đình làm ra dáng hào hùng diễn tả đoạn “đâm đầu xuống sông Cửu Long” bằng tiếng Anh có lẽ ai cũng phải cảm thấy hết sức xấu hổ nếu người nước ngoài nghe lời hát tiếng Anh như vậy. Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Việt Nam phải công khai xin lỗi nhân dân vì đã khen ngợi và quảng bá một cách sai lầm về cái CD này.

- Ông Lại Văn Sâm phải công khai xin lỗi diễn viên Ngô Ngạn Tổ và toàn thể khán giả bốn phương về hành vi của mình . Ông không thể cho là vì Ngô Ngạn Tổ và tất cả khách nước ngoài không biết tiếng Việt, cũng như vì phần đông nhân dân Việt Nam không biết tiếng Anh, nên ông mặc sức mà xúc phạm bất kể ai. Lại Văn Sâm không phải là một kẻ vô danh ở đầu đường xó chợ. Ông là một người của công chúng. Nếu ông không chịu xin lỗi, thì hành vi của ông sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức của thanh thiếu niên Việt Nam. Đó là chưa kể sự lan tràn nhanh chóng của clip này trên internet, chẳng mấy chốc người nước ngoài sẽ hiểu ra sự việc và đánh giá tệ hại về văn hóa Việt Nam.

Chỉ e rằng văn hóa Việt nam hôm nay không còn biết xin lỗi là gì nữa.

Trần Thị Kim Lệ

tienve.org

Nguy cơ văn hóa suy đồi ở Việt Nam

Triệu chứng thiếu lòng tự trọng, xem thường công chúng, sẵn sàng loè bịp công chúng bất cứ giá nào, đang có nguy cơ lan rộng trong đời sống văn hóa của người Việt nam hôm nay. Từ bản thân một ông Chủ tịch nước cho đến một cô ca sĩ nghiệp dư, từ một ông MC văn nghệ cho tới giới “học giả”, triệu chứng này đang liên tục biểu hiện ra đến mức thậm lố bịch.

Thử nêu vài ví dụ gần đây nhất.

- Ngày 5/10/2010, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến dự và gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cho Tượng đài Thánh Gióng. Tại đó ông Chủ tịch đã diễn thuyết về Thánh Gióng như sau:

“Công lao là như thế, tài năng là như thế, nhưng mà không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi ai cám ơn cả, không đòi hỏi phong chức phong tước gì cả, đánh giặc xong là thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên , một cuộc đời thanh thản...”

 

[Bấm vào hình để xem video clip]

 

- Trước đó, ngày 30/9/2010, trang web của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Việt Nam quảng bá bài báo “Chắp cánh cho ca khúc Việt bay xa”, hồ hởi khen ngợi cái CD Tình ca 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là một cái CD gồm 10 bài hát về Hà Nội và Sài Gòn được chuyển ngữ sang tiếng Anh sai đến mức ngớ ngẩn tột độ. Chắc chắn không một người nước ngoài nào có thể hiểu nổi đó là ngôn ngữ gì. Nhưng các bài hát này lại được một nhóm ca sĩ Việt Nam trẻ có, già có, thay nhau say sưa “diễn tả” bằng một lối phát âm tiếng Anh ngọng nghịu đầy chỗ sai của những người mới tập nhái tiếng Anh.

- Tối 21/10/2010 vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, một màn thậm lố bịch đã diễn ra trong buổi lễ bế mạc Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất. Buổi lễ này có vô số những sự cố xộc xệch, nhưng ê chề nhất là sự kiện Lại Văn Sâm, một MC hàng đầu ở Việt Nam, đã bịa lời dịch tiếng Việt để nhét vào mồm của diễn viên Mĩ gốc Hoa nổi tiếng Ngô Ngạn Tổ.

Trong lịch sử liên hoan điện ảnh quốc tế trên toàn thế giới chưa từng xảy một sự kiện quái dị như vậy và chưa từng có một MC nào hỗn láo đối với khách quốc tế và công chúng trong cả nước đến mức ấy.

 

[Bấm vào hình để xem video clip]

 

Mời độc giả xem bản ghi chép sau đây để tiện theo dõi:

Ngô Ngạn Tổ: “Good evening, ladies and gentlemen. I just want to say what a pleasure and honor it has been for me to take part in the first Vietnam International Film Festival in this beautiful city of Hanoi on its 1000th birthday.” (Xin chào quý bà và quý ông. Tôi chỉ muốn nói thật là một niềm vui sướng và vinh dự cho tôi được tham dự Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất tại thành phố Hà Nội xinh đẹp vào dịp sinh nhật thứ 1000 của nó.)

Lại Văn Sâm dịch bịa: “Vâng, Ngô Ngạn Tổ có gửi tới lời chào tới tất cả những người biết anh, hâm mộ anh qua những tiếng reo hò khi anh xuất hiện. Cảm ơn tất cả mọi người đã chào đón anh ở thủ đô Hà Nội, nơi mà anh cũng biết rất nhiều qua báo, đài...”

Ngô Ngạn Tổ: “I think this week has been full of new and interesting challenges for everyone, but what holds true is the passion of film is very much alive here.” (Tôi nghĩ tuần lễ này đã mang đầy những thử thách mới mẻ và thú vị đến với mọi người, nhưng quả thật là niềm đam mê điện ảnh ở đây rất là sống động.)

Lại Văn Sâm dịch bịa: “Và anh ấy cũng rất phấn khởi khi được mời tới dự liên hoan phim quốc tế lần đâu tiên tổ chức tại Việt Nam và anh tin tưởng rằng với đà này thì điện ảnh Việt Nam sẽ có tương lai rất sáng.”

Ngô Ngạn Tổ: “I think the goal of any film festival is not only to bring world cinemas to local audiences but also to bring local cinemas to world audiences, and I think that's certainly been achieved here.” (Tôi nghĩ mục đích của bất kì cuộc liên hoan phim nào đều không chỉ là để mang điện ảnh thế giới đến với khán giản địa phương nhưng cũng là để mang điện ảnh địa phương đến với khán giả thế giới, và tôi nghĩ điều ấy chắc chắn đã đạt được ở đây.)

Trong khi có một giọng nữ bắt đầu dịch được vài chữ, nhưng nói nhỏ tiếng, thì Lại Văn Sâm lại dõng dạc át giọng và dịch bịa: “Và anh ấy nói rằng là ở Hà Nội trong những ngày qua thì anh ấy cũng được chứng kiến những dòng người đổ đến các rạp để xem các phim trình chiếu trong liên hoan phim quốc tế như thế nào.”

Đến đây Lại Văn Sâm vì không hiểu tiếng Anh, nên tưởng Ngô Ngạn Tổ đã phát biểu xong, Lại Văn Sâm bèn nói thêm: “Xin cảm ơn! Xanh kiu vé ri mật! Xanh kiu vé ri mật!” Ngô Ngạn Tổ nghe Lại Văn Sâm nói “Xanh kiu vé ri mếch” nên lịch sự đáp lại “Thank you”, rồi đứng chới với, ngỡ ngàng trước micro.

Thấy vẻ ngỡ ngàng của Ngô Ngạn Tổ và mọi người chung quanh, Lại Văn Sâm mới đoán là Ngô Ngạn Tổ chưa phát biểu xong. Lại Văn Sâm bèn nói tiếng Anh giọng bồi: “À, à đu yu oăn tu xây xăm xinh. Mo? Ô kê, ô kê, iu wen com.” (Tạm hiểu là: “À, à ông muốn nói cái gì. Thêm hả? Ô kê, ô kê, mời ông nói.”)

Ngô Ngạn Tổ: “I just want to say that I wish the best of luck for the future of the Vietnam International Film Festival and I hope that opportunity will come back again. Thank you.” (Tôi chỉ muốn nói rằng tôi cầu chúc sự may mắn tốt đẹp nhất cho tương lai của Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam và tôi hi vọng cơ hội ấy sẽ trở lại. Cảm ơn quý vị.)

Lại Văn Sâm hốt hoảng vì không hiểu gì cả. Sau vài giây im lặng, Lại Văn Sâm kêu lên: “Ly ơi! Ly ơi!”

Cô Ly dịch giùm: “Vâng, thưa quý vị! Anh đã chúc cho liên hoan phim một thành công tốt đẹp nhất.”

Lại Văn Sâm hồ hởi nói lớn: “Vâng, cám ơn bạn... Xanh kiu vé ri mật!”

 

*

 

Những sự kiện trên đây không chỉ là những hình ảnh nhếch nhác đáng buồn cười, mà phải được xem như biểu hiện của triệu chứng suy đồi văn hóa, vì nó không chỉ diễn ra một lần, mà nhiều lần liên tục, không chỉ trên bục diễn thuyết, trên sân khấu mà cả trên sách vở, không chỉ bộc lộ từ một thường dân mà cả từ một lãnh tụ. Trong bài viết mới nhất của dịch giả Thiếu Khanh, ông cũng đã chỉ ra một loạt những trò múa may chữ nghĩa nhố nhăng trong giới “học giả”.

Vì sao họ làm thế? Vì vô số lý do. Các “học giả” thì không chịu “học thiệt” mà cứ đua nhau để tiến thân bằng chữ nghĩa. Ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thì muốn nhân dân khâm phục mình là một lãnh tụ “uyên bác” nên đã ba hoa diễn thuyết “thánh Gióng lên trời để vui thú điền viên”. Đám ca nhạc sĩ mà đầu tàu là Trần Long Ẩn (Chủ tịch hội Âm nhạc TPHCM) thì muốn ăn theo cơ hội “ngàn năm Thăng Long” nên đã liều lĩnh tung ra cái CD dị hợm ấy. Ông MC Lại Văn Sâm dốt tiếng Anh nhưng muốn công chúng phục tài ngoại ngữ của mình nên đã thẳng cánh bịa ra những lời “dịch” để nhét vào mồm của diễn viên nước ngoài một cách cực kì hỗn láo...

Rốt cuộc thì những trò lố bịch ấy sẽ vĩnh viễn còn lại trên Youtube, trên video, CD, sách báo. Có thể những con người ấy không hề biết xấu hổ, nhưng trước con mắt của thế giới, thì cả đất nước phải chuốc lấy sự xấu hổ.

Lê Bá Thiện Cơ

Tienve.org

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Thorbjorn Jagland – Tại sao chúng tôi tặng Lưu Hiểu Ba giải Nobel

Đinh Từ Thức dịch

Nếu chúng tôi cứ im lặng về Trung Quốc, nước nào sẽ là quốc gia kế tiếp nêu ra cái quyền của họ để bắt [người ngoài] phải im lặng và không được can thiệp?

Hình của Luba Lukova

Oslo – Việc nhà cầm quyền Trung Quốc lên án ủy ban Nobel đã chọn Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), một nhà vận động chính trị, là người thắng giải Hòa Bình năm 2010 ngẫu nhiên cho thấy tại sao nhân quyền đáng bảo vệ.

Nhà cầm quyền nói rằng không ai có quyền can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Nhưng họ đã lầm: luật và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền ở trên quốc gia, và cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ bảo đảm chúng được tôn trọng.

Chế độ quốc gia hiện đại chuyển hóa từ ý tưởng chủ quyền quốc gia được thiết lập bởi các thỏa hiệp gọi là “Peace of Westphalia” vào năm 1648[1]. Vào thời ấy, chủ quyền được coi là nằm trong tay một nhà cai trị chuyên quyền.

Nhưng cùng với thời gian, ý tưởng về chủ quyền đã thay đổi. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ cũng như Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp đã thay thế quyền chuyên chế bằng chủ quyền của dân như là nguồn gốc của quyền lực quốc gia và tính chính thống.

Ý tưởng về chủ quyền lại thay đổi một lần nữa vào thế kỷ vừa qua, cùng với thế giới đi từ chủ nghĩa quốc gia tới chủ nghĩa quốc tế. Liên Hiệp Quốc đã được thành lập sau hai cuộc thế chiến tai họa, các quốc gia thành viên đã cam kết giải quyết các tranh chấp bằng phương tiện hòa bình và định nghĩa những quyền căn bản của mọi người trong Tuyên ngôn Phổ quát Nhân quyền. Bản tuyên ngôn xác định rằng các quốc gia thành viên không còn quyền tối thượng vô giới hạn nữa.

Ngày nay, phổ quát nhân quyền trù liệu một sự kiểm điểm trên đa số chuyên chính khắp thế giới, bất kể họ là dân chủ hay không. Một đa số trong quốc hội không thể quyết định phương hại tới quyền của một thiểu số, cũng không thể biểu quyết những đạo luật làm hại nhân quyền. Và ngay cả Trung Quốc không phải là một nước dân chủ hiến định, họ là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, và họ đã sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với Tuyên ngôn Nhân quyền.

Tuy nhiên, việc bỏ tù ông Lưu là một bằng chứng hiển nhiên rằng hình luật của Trung Quốc không phù hợp với Hiến pháp của họ. Ông đã bị kết án vì “phát tán tin đồn hoặc vu khống hay dùng các phương tiện khác để phá hoại chính quyền hay lật đổ chế độ xã hội.” Nhưng trong một cộng đồng thế giới đặt cơ sở trên phổ quát nhân quyền, dẹp bỏ quan điểm và tin đồn không phải là việc của chính quyền. Các chính quyền có nhiệm vụ phải bảo đảm quyền tự do phát biểu – ngay cả khi người phát biểu vận động cho một chế độ xã hội khác.

Đó là những quyền mà ủy ban Nobel đã gìn giữ từ lâu bằng cách vinh danh những người đã tranh đấu để bảo vệ chúng bằng Giải Hòa bình, kể cả Andrei Sakharov vì cuộc tranh đấu của ông chống lại việc lạm dụng nhân quyền tại Liên Xô, và Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr. về cuộc vận động dân quyền tại Hoa Kỳ.

Không ngạc nhiên, chính quyền Trung Quốc đã gay gắt chỉ trích giải thưởng, cho rằng ủy ban Nobel đã can thiệp bất hợp pháp vào nội tình của họ và làm xấu mặt họ trước con mắt công luận quốc tế. Trái lại, Trung Quốc nên hãnh diện rằng mình đã trở thành hùng mạnh đủ để trở thành chủ đề thảo luận và chỉ trích.

Đáng chú ý là, không phải chỉ có chính quyền Trung Quốc công kích ủy ban Nobel. Một số người nói rằng tặng giải thưởng cho ông Lưu thật ra có thể làm cho các điều kiện trong cuộc vận động nhân quyền tại Trung Quốc bị xấu đi.

Nhưng luận cứ này phi lý: nó đưa đến kết luận rằng cách tốt nhất để chúng tôi phát triển nhân quyền là giữ im lặng. Nếu chúng tôi cứ im lặng về Trung Quốc, nước nào sẽ là quốc gia kế tiếp nêu ra cái quyền của họ để bắt [người ngoài] phải im lặng và không được can thiệp? Cách tiếp cận như vậy sẽ đặt chúng tôi trên đường làm hại Tuyên ngôn Phổ quát và những tín điều cơ bản về nhân quyền. Chúng tôi không được và không thể giữ im lặng. Không nước nào có quyền bỏ qua những nghĩa vụ quốc tế của mình.

Trung Quốc có lý do để hãnh diện về những gì họ đã đạt được trong 20 năm qua. Chúng tôi mong được nhìn thấy những tiến bộ đó tiếp tục, và đó là lý do tại sao chúng tôi tặng giải Hòa Bình cho ông Lưu. Nếu Trung Quốc muốn tiến bộ trong hòa hợp với các nước khác và trở thành đối tác chủ yếu trong việc giữ gìn các giá trị của cộng đồng thế giới, trước hết họ phải cho toàn thể nhân dân của họ được hưởng quyền tự do phát biểu.

Thật là một thảm cảnh trong đó một người bị tù 11 năm chỉ vì phát biểu quan điểm của mình. Nếu chúng ta muốn tiến tới tình trạng thân hữu giữa các dân tộc như Alfred Nobel đã nói, thì phổ quát nhân quyền phải là tiêu chuẩn của chúng ta.

Thorbjorn Jagland là chủ tịch của Ủy ban Nobel Na Uy.

Nguồn: Why We Gave Liu Xiaobo a Nobel”, của Thorbjorn Jagland, The New York Times, 22 tháng 10, 2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Đinh Từ Thức

Bản tiếng Việt © 2010 talawas


[1] Chú thích của người dịch: “Peace of Westphalia” chỉ những thỏa hiệp đạt được tại các cuộc thương lượng ở hai thành phố Münster và Osnabrück thuộc vùng Westphalia ở Đức vào năm 1648, sau cuộc chiến Âu châu kéo dài 30 năm.

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Khác với VN, sinh viên - học sinh Nhật & TQ tha hồ biểu tình chống nhau.

DCVOnlineTin tổng hợp


Sinh viên học sinh Nhật Bản và Trung Hoa biểu tình chống nhau trong ngày thứ Bảy hôm qua


Đông Kinh (Tokyo) - Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra ở miền tây Nhật Bản hôm qua, là cuộc biểu tình mới nhất trong một loạt biểu tình của người Nhật Bản nhằm phản đối Trung Quốc khi Trung Quốc cho họ có chủ quyền trên một nhóm quần đảo đã và đang là trọng tâm cho những xung đột ngoại giao giữa hai nước.

Khoảng 300 người tụ tập ở thành phố Takamatsu, 600 cây số về hướng tây Đông Kinh, đi tuần hành qua một con đường mua bán sầm uất và vẫy cờ Nhật Bản. “Chúng tôi cần cất cao tiếng nói của quần chúng Nhật,” bà Hisano Fujisawa, một người đàn bà nội trợ ở buổi tuần hành, nói qua điện thoại. “Chúng tôi sợ rằng Trung Quốc đã cố xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản.” Những người biểu tình mang những tấm biểu ngữ kết tội ông Thủ tướng Naoto Kan về “một chính sách thiếu quyết tâm” và những áp phích khẳng định chủ quyền của Nhật Bản lên những quần đảo hoang, không có cư dân trong vùng biển Đông Hải, được biết đến dưới tên Senkaku ở Nhật Bản, và Diaoyu ở Trung Quốc.

Thanh niên Nhật biểu tình chống Trung Quốc ở Đông Kinh. Nguồn: AFP
Một phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Bắc Takamatsu nói rằng ông không thể xác định ngay lập tức số người tham dự cuộc biểu tình, nhưng ông cho hay đã không có sự bắt bớ nào trong suốt cuộc biểu tình.

Cũng trong cùng ngày thứ Bảy hôm qua, hằng trăm người Trung Hoa đã tổ chức một cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở vùng tây nam Trung Quốc, mặc dù trường học ở đây đã ra lệnh cho sinh viên học sinh đến trường trong hai ngày cuối tuần với hy vọng là ngăn chận được những cuộc biểu tình om sòm, mất trật tự như những tuần qua.

Nhiều tin đồn đang được lan truyền là sinh viên từ nhiều thành phố sẽ biểu tình lần nữa vào cuối tuần này, tiếp nối nhiều cuộc biểu tình bày tỏ sự tức giận qua chuyện Nhật Bản bắt giam một thuyền trưởng tàu đánh cá người Trung Hoa.

Một đám đông bắt đầu tụ tập vào sáng thứ Bảy ở Quảng trường Miếu Khổng Tử thuộc thành phố Deyang và những người biểu tình này đã tuần hành trong cùng buổi chiều, một phụ nữ tên Zhang làm việc cho một tiệm bán băng, dĩa nhạc gần đó cho hay. Có hằng trăm người tham dự và quảng trường chật cứng người, bà Zhang nói.

Sinh viên học sinh Trung Hoa biểu tình chống Nhật Bản ở vùng Tây Nam Trung Quốc, thuộc thành phố Deyang, tỉnh Sichuan. Nguồn: Reuters
Những người biểu tình chống Nhật Bản đa số là sinh viên, học sinh, ông Ye một người làm việc cho tiệm bán kính gần đó cho hay, và cũng nói thêm là cuộc tuần hành xảy ra khoảng lúc 3 giờ chiều.

Cuộc tuần hành xảy ra mặc dù có sự hiện diện đông đảo của cảnh sát, bà Zhang nói. Lúc đêm xuống, những người biểu tình giải tán nhưng nhiều cảnh sát vẫn có mặt ở quảng trường.

Không rõ có sự xung đột bạo động nào xảy ra với cảnh sát hay không. Điện thoại gọi đến sở cảnh sát và cơ quan công quyền thành phố Deyang tối thứ Bảy reo liên tục nhưng không có ai trả lời máy.


Ở Việt Nam, Điếu Cày chỉ cần đội nón với hàng chữ "Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam" là tha hồ bị nhà nước cộng sản Việt Nam cho đi ủ tờ với tội "trốn thuế và tuyên truyền chống nhà nước Xã Nghĩa"! Nguồn: DCVOnline tổng hợp

© DCVOnline



 


Nguồn:

(1)
Fresh anti-China rally held. AFP, 23 October 2010
(2)
More anti-Japan protests. The Associated Press, 23 October 2010

Tập Cận Bình, đổi mới hay bảo thủ?

Trà Mi


Hôm 18/10/2010, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thống nhất bầu chọn Tập Cận Bình (Xi Jinping, 习近平), thành viên cao cấp nhất BCT không nghỉ hưu vào năm 2012, vào ghế Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương. Giới quan sát TQ tin rằng đây là bước cần có để chuẩn bị cho Tập Cận Bình thay thế Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) sẽ nghỉ hưu vào năm 2010 cùng với Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao).

TQ lần đầu tiên có người tại Hoa lục được giải Nobel Hoà bình cùng lúc là lời kêu gọi từ các đảng viên lão thành cũng như giới trí thức đòi cải tổ chính trị, dân chủ hoá chế độ. Tập Cận Bình là ai, quan điểm chính trị của người có thể sẽ lãnh đạo 1,3 tỉ người TQ ra sao cũng chưa được giới quan sát và quần chúng biết rõ.

Sau phần giới thiệu tiểu sử và thành tích của Tập Cận Bình ở bản thống cáo chung kết thúc phiên họp Trung ương Đảng CSTQ là một dòng tuyên bố chung chung về hệ Thống chính trị tương lai, “Cố gắng mãnh liệt nhưng vững chắc cần được thực hiện để tổ chức lại hệ thống chính trị.”

Tập Cận Bình
Nguồn: AFP/Getty Images
Tập Cận Bình, 57 tuổi, được xem là một trong những “thái tử” của Đảng CSTQ vì là con thứ ba (với vợ thứ hai) của Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun, 习仲勋) ‒ cựu Phó Thủ tướng thời Mao Trạch Đông. Tập Trọng Huân cũng là đồng chí của của Mao trong cuộc vạn lý trường chinh. Vốn là con nhà điền chủ ở huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây (Fuping, Shaanxi), Trọng Huân gia nhập đoàn thanh niên CS khi 13 tuổi (1926) và cũng là người đã ảnh hưởng Đặng Tiểu Bình đi vào con đường kinh tế thị trường trong xã hội chủ nghĩa. “Chúng ta cần phải thay đổi Trung Quốc và áp dụng khu kinh tế (thị trường) này ngay cả nó đồng nghĩa với việc xây con đường máu và tôi săn sàng nhận trách nhiệm này” là câu tuyên bố nổi tiếng của Tập với Đặng. Trong cuộc Cách mạng Văn hoá, năm 1962 mất lòng Mao, Tập Trọng Huân bị giam một thời gian ngắn. Tập Trọng Huân cũng là một trong những đảng viên cao cấp công khai lên án cuộc đàn áp tại Thiên An Môn năm 1989. Tập Trọng Huân chết năm 2002.

Đời cha như thế nên thời thanh niên của Tập Cận Bình không thể sánh với “Hoàng tử” Kim Jomg-un của Bắc Hàn (North Korea). Thời thiếu niên, Tập Cận Bình được coi là thanh niên phản động và phải đi lao động ở thôn quê, xa nhà vài năm. 1975-79, Tập Cận Bình theo học ngành Kỹ sư Hoá học ở Đai học Tinh Hoa (Tsinghua) ở Bắc Kinh. Khi là Thống đốc tỉnh Mân Thái (Fujian) Tập Cận Bình theo học (tại chức, 1998-2002) chương trình cao học về lý thuyết Mác xít và tốt nghiệp Tiến sĩ Luật.

Sự nghiệp của Tập Cận Bình trong đảng có những nét đáng chú ý: không dính líu đến tham nhũng, và có lẽ vì học được tấm gương tày mẹt của cha nên không ai biết khuynh hướng chính trị (thuộc khối bảo thủ hay theo tiến bộ) của họ Tập, một đảng viên kín miệng.

Khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền đã đổi Tập Cận Bình về làm Bí thư và Thống đốc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang). Thời gian này Tập Cận Bình đã phát triển Chiết Giang thành môt tỉnh có nền kinh tế năng động nhất Trung Quốc. Kinh nghiệm ở chính quyền cấp tỉnh cho giới quan sát nhìn Tập Cận Bình như một người phù doanh nghiệp. Tập Cận Bình cũng đã từ tham dự Hội nghi kinh tế thượng đỉnh tại Davos, Switzerland (World Economic Forum, WEF) và được giới thương gia quốc tế nể trọng. Ngay cả Henry Paulson, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ (thời TT George Bush) đã nhận xét Tập Cận Bình, “là người biết đường đi đến đích.” Victor Shih, giáo sư chính trị Trung Quốc ở Đại học Northwestern University, nói Tập Cận Bình là một ứng viên dung hoà, là một “thái tử” sẵng sàng bảo vệ quyền lợi của chế độ. Tập Cận Bình được lòng cả hai phe – Hồ Cẩm Đào và phe của Giang Trạch Dân, đối thủ của Hồ.

Chính nhờ kín miệng, mà Tập Cận Bình được đưa về làm Bí thư tỉnh uỷ Thượng Hải thay cán bộ tiền nhiệm bị cách chức vì tham nhũng; vài tháng sau Tập được chọn vào Bộ chính trị. Đến cuối năm 2007, từ một đảng viên ít được ai biết đến, bây giờ Tập Cận Bình là đảng viên cao cấp nhất có thể thay Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch TQ.

Trước khi Tập Cận Bình cất cánh trong sự nghiệp chính trị thì dân Trung Quốc biết đến Cận Bình là chồng của một ca sĩ dân ca nổi tiếng Bành Lệ Viên (彭丽媛 Peng Liyuan). Lệ Viên sinh năm 1962, kém Cận Bình 9 tuổi, là vợ đời thứ hai. Hai người có một con gái tên Xi Mingze đã được nhận vào Đại học Harvard tháng Chín năm nay.

Bành Lệ Viên vào quân đội từ khi 18 tuổi và là một ca sĩ của đoàn ca múa thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân. Tốt nghiệp Cao học Âm nhạc, sự nghiệp ca múa cùa Bành Lệ Viên thăng tiến nhanh một phần nhờ khả năng trình diễn những bản nhạc mà Qian Gang, chủ nhiệm tờ Southern Weekend, một tờ báo ở miền Nam TQ được xem là tiến bộ nhất, cho là những ca khúc chính trị (gequ zhengzhi, 歌曲政治). Một thí dụ là “On the Sunny Road” bài hát trong đó những câu như, Scientific development and harmony, Guide China to brighter shores (“Phát triển khoa học và xã hội hài hoà sẽ đưa Trung Quốc đến bến bờ xán lạn”). Dĩ nhiên, “Phát triển khoa học” và “xã hội hài hoà” chính là dấu ấn của Hồ Cẩm Đào. Những ca khúc chính trị đó đã trở thành đồ cổ của thời đại độc tài còn sót lại.

Không như quần chúng ở các quốc gia tây phương, chuyện đời sống riêng tư của giới lãnh đạo quốc gia là chuyện rất đời thường, tại Trung Quốc, có lẽ đây là một hiện tượng mới khi báo chí đưa tin và bàn luận đến vợ chồng Tập Cận Bình – Bành Lệ Viên với nhiều chi tiết chưa thấy; Bành Lệ Viên có lần đã vượt 250 dặm đem chăn bông khâu tay cho Tập Cận Bình ngủ ấm. (Wu Nam, “China’s Top Political Couple Has a Love Story, Too,” California News Service.) Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân ít khi nào để vợ xuất hiện trước công chúng và không khi nào để họ liên đới đến chính sự Trung Quốc. Vợ của Hổ Cẩm Đào cũng thế, chỉ xuất hiện trên màn hình trong những cuộc tiếp đón ngoại giao. Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông, là một ngoại lệ.

Năm 2007, trên chinanews.com, Bình Lệ Viên cho biết lần đầu tiên thấy Tập Cận Bình bà thất vọng vì Tập Cận Bình quá quê mùa và đã quá già nhưng đã đổi ý khi Tập hỏi đến những kỹ thuật hát khác nhau, “anh ấy có con tim chất phác nhưng rất lại thâm trầm, sâu sắc.”


Trung tướng Bành Lệ Viên
Nguồn: jameswongwingon-online.blogspot.com
Bành Lệ Viên không còn trình diễn sân khấu những vẫn có một số hoạt động xã hội như giúp trẻ bị AIDS và hiện mang quân hàm Trung Tướng, thuộc Tổng cục Chính trị của Gỉai phóng Quân.

Chính trị Trung Quốc sẽ thay đổi ra sao, dân chủ đến cỡ nào nếu Tập Cận Bình thực sự nắm chính quyền vào năm 2012 chưa ai rõ, nhưng chắc chắn bộ lãnh đạo mặt Trung Quốc sẽ thay đổi với vợ chồng Tập Cận Bình và Bành Lệ Viên.

© DCVOnline



Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Hai tổ chức quốc tế "Lo ngại cho blogger Việt Nam"


Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) ở Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (blogger Anh Ba Sài Gòn).

Việc bắt giam blogger Anh Ba Sài Gòn diễn ra hôm 18/10, trong khi blogger Điếu Cày, dù đã hết hạn tù vì tội "trốn thuế", nhưng lại bị giam tiếp theo tội "tuyên truyền chống nhà nước".

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phân ban châu Á của Human Rights Watch, phê phán: "Chính quyền Việt Nam không biết xấu hổ khi tạo dựng cáo buộc và biện minh cho việc giam giữ những người chỉ trích ôn hòa như Điếu Cày."

"Cuộc truy quét trước thềm Đại hội Đảng đang vào cao trào, đặt vào tầm ngắm những người chỉ trích chính phủ."

Theo Human Rights Watch, hai thành viên khác của CLB Nhà báo Tự do - Tạ Phong Tần và Uyên Vũ - đã bị công an giám sát chặt chẽ tại tư gia. Một nhà hoạt động khác, Đỗ Nam Hải, bị tạm giữ vào hôm 19/10 trước khi được thả.

Ông Robertson kêu gọi: "Chính phủ cần ghi nhận vai trò quan trọng của các blogger độc lập trong xã hội thay vì sách nhiễu và bỏ tù họ."

Trong khi đó, cũng vào hôm 22/10, Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ), đặt trụ sở ở New York, ra thông cáo bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Việt Nam đang đàn áp nhiều blogger.

Bài của CPJ nhắc đến trường hợp của blogger Anh Ba Sài Gòn và Điếu Cày.

CPJ cũng bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ ông Phan Hà Bình, là Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Tiền Phong –khu vực phía Nam, bút danh Hà Phan.

Truyền thông trong nước cho biết hôm 20/10, Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với ông Phan Hà Bình để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”, theo Điều 135 Bộ luật Hình sự.

Ông Bình bị cáo buộc là bị công an bắt quả tang khi nhận 220 triệu đồng của một doanh nghiệp tại một nhà hàng hôm 13/10 tại TP. HCM.

Nhưng CPJ thì lo ngại rằng trước đây chính phủ Việt Nam "đã dùng những cáo buộc tương tự để bịt miệng giới truyền thông tiết lộ thông tin tiêu cực về những doanh nghiệp có nhiều quan hệ".

Nhiều người bị bắt

Cả hai tổ chức HRW và CPJ cũng nhắc đến trường hợp giảng viên Phạm Minh Hoàng, mang hai quốc tịch Việt Nam và Pháp, bị bắt hôm 13/08 theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.

Ông Hoàng, và vợ, bị cáo buộc là thành viên của đảng Việt Tân mà Việt Nam xem là tổ chức khủng bố.

HRW cho biết vào ngày 26/10, ba nhà hoạt động - Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (cùng ở tỉnh Bình Dương) và Đoàn Huy Chương (tỉnh Đồng Nai) - sẽ bị đem ra xét xử vì tội "phá rối an ninh".

Cáo trạng nói ba người này nhận tiền của ông Trần Ngọc Thành (đứng đầu "Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam" ở Ba Lan) để tổ chức rải truyền đơn "tuyên truyền xuyên tạc chống Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam".

Họ bị bắt hồi tháng Hai năm nay, và bị cáo buộc "xúi giục" công nhân của một công ty giày da tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công.

Còn theo Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam, những người này đã tham gia giúp người dân đi khiếu kiện, trong khi ông Đoàn Huy Chương năm 2006 thành lập “Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam” và từng bị tù trước khi được thả năm 2008.

Hội nghị của Asean sẽ diễn ra ở Hà Nội ngày 28/10.

HRW kêu gọi các nước tham gia hội nghị này yêu cầu Việt Nam trả tự do cho blogger và những nhà hoạt động theo tinh thần nhân quyền ghi trong Hiến chương Asean.

Nobel cho blogger Việt Nam


Trần Khải



Cách nào để hiệu quả nhất hoạt động cho nhân quyền? Có phải cần tăng áp lực từ Liên Hiệp Quốc, từ các chính phủ Mỹ, Liên Âu? Và giảỉ Nobel Hòa Bình thực ra giúp gì được cho nhân quyền thế giới? Đó là những câu hỏi sẽ dẫn tới những câu trả lời “xấu đẹp tùy người đối diện”...

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền tại Hoa Kỳ vẫn thường thắc mắc, rằng tại sao Mỹ lại dịu giọng nhân quyền, rằng tại sao không tăng áp lực nhân quyền. Và có khi so sánh giữa các Tổng Thống Cộng Hòa với Dân Chủ, nhưng thực tế ai cũng thấy còn là tùy riêng từng cá nhân Tổng Thống, và còn tùy tình hình thương mại và an ninh vùng. Có một thực tế, căng thẳng quá tất không có lợi – thí dụ, nếu Mỹ làm căng thẳng, đòi TQ trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, người vừa được Giải Nobel Hòa Bình, như kiểu Mỹ làm căng với Miến Điện – sẽ không chỉ có hại cho kinh tế Mỹ và cả Trung Quốc, nhưng có thể làm lùi bước các hoạt động đã cởi mở trong nội địa TQ về mặt xã hội, nữ quyền...


Blogger

Nguồn: OntheNet
Bản tin Reuters ngày 17-10-2010 ghi lời Thứ Trưởng Ngoại Giao TQ, Fu Ying, chỉ trích rằng Lưu Hiểu Ba là một “người kỳ lạ” (strange person) và nói rằng tại sao Ủy Ban Nobel không vinh danh các “anh hùng” đã giúp giải quyết các nan đề TQ, thí dụ như nạn đói của hơn 1.3 tỉ dân TQ thoát được nhờ loại lúa lai chủng do khoa học gia Yuan Longping tạo ra. Fu nói rằng Giaỉ Nobel Hòa Bình luôn luôn kể tên những người “kỳ lạ” từ TQ. Fu nói thế trước hội nghị World Policy Conference tại Marrakech, với kiểu nói ám chỉ cả tới Đức Đạt Lai Lạt Ma, người được Giải Nobel Hòa Bình năm 1989. Chúng ta không biết chính xác chữ “người kỳ lạ” có từ gốc là gì trong tiếng Hoa, có thể là bà Fu xài chữ “dị nhân”? Hay chữ “quái nhân”? Hay chữ “kỳ nhân”? Mỗi chữ chắc chắn mang một nghĩa khác, tuy là dịch sang Anh ngữ chỉ là “strange person” thôi.


Thực tế cho chúng ta thấy, Giải Nobel Hòa Bình tuy là một nỗ lực giúp cho hòa bình thế giới, nhưng vẫn có những hạn chế nhất định. Giải này không cứu nổi Tây Tạng, cho dù Đức Đạt Lai Lạt Ma được giảỉ năm 1989. Giảỉ này không ép được chính phủ quân phiệt Miến Điện trả tự do cho bà Ang San Suu Kyi, tuy rằng bà được Nobel Hòa Bình năm 1991. Giải này không buộc nổi chính phủ Bắc Kinh trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, người được giải mấy tuần qua, bất kể áp lực quốc tế từ nhiều hướng, kể cả lời kêu gọi trực tiếp từ TT Barack Obama.Tuy nhiên, Giải Nobel Hòa Bình đã chiếu sáng được một phần trong các vùng tối của những xã hội phi nhân quyền.

Điều chúng ta suy nghĩ rằng, Giải này có thể giúp gì cho Việt Nam, và ai nên được giải?Tất nhiên, không ai đề cử ông Nông Đức Mạnh vào Giảỉ Nobel Hòa Bình dù lấy cớ rằng ông đã cứu đói và làm giàu cho cả dòng họ ông. Vấn đề là, đất nước VN cần một khuôn mặt đại diện cho phong trào nhân quyền trước dư luận quốc tế. Đã có một số người hoạt động nhân quyền VN được đề cử vào danh sách ứng viên Nobel Hòa Bình, nhưng nhiều năm nay không được Ủy Ban Nobel chú ý, vì nhà nước CSVN đã tô son phấn được cho các sinh hoạt “lễ hội tôn giáo hoành tráng,” và có cả tham dự từ nhiều tổ chức tôn giáo quốc tế tới VN.

Tôi không biết thủ tục đề nghị ứng viên Nobel như thế nào. Nhân ngày 19-10 được giới bloggers Việt Nam công nhận là Ngày Của Bloggers Việt Nam, xin đề nghị rằng ứng viên Nobel Hòa Bình hàng năm nên là “Tập thể bloggers Việt Nam.” Chính họ đã đi những con đường rất gian nan, khúc khuỷ để đem thông tin tới cho đồng bào, và đưa ra thế giới bên ngoàì bức màn tre. Không có bloggers Việt Nam, chúng ta và cả thế giới đều không biết chính xác những gì đang xảy ra cho những người yêu nước và yêu tự do. Thậm chí, ngay tới việc biểu tình để gây ý thức về Hoàng Sa và Trường Sa, họ cũng bị đán áp, bị truy bức và bị gài độ để bỏ tù. Tôi nghĩ rằng, nếu có cơ may nào “Tập thể blogger Việt Nam” được Giảỉ Nobel Hòa Bình, thì tiền 1.5 triệu đô la của giải nên đưa vào một tàì khoản của một ngân hàng quốc tế và sẽ trích ra giúp các gia đình những bloggers đang bị tù, hay đang bị bao vây kinh tế.

Hôm nay là ngày 19-10, xin mời độc giả vào trang web: http://images.google.com/ và gõ vào nhóm chữ, không cần dấu, “blogger Dieu Cay” và bạn sẽ nhìn thấy lại hình ảnh công an dùng bạo lực bắt giam nhà blogger Điếu Cày mấy năm trước, khi anh xuống đường để phản đối TQ lấn đất, lấn biển.Tại sao công an truy bức người yêu nước? Nếu không có những bloggers như anh Điếu Cày và các bạn anh, những người đã đưa các hình ảnh và thông tin lên mạng, làm sao người dân biết được rằng hàng trăm ngàn đất rừng đã cho TQ thuê, nhiều mỏ khoáng trong đó có bôxit đã giao cho TQ khai thác, và rất nhiều đảo Biển Đông đã mất về tay TQ rồi.

Tập thể Blogger Việt Nam là danh hiệu chung, để hiểu đó là anh Điếu Cày, là anh Ba Sài Gòn, là Uyên Vũ, là Người Buôn Gió, là Phan Thế Hải, là Nguyễn Huệ Chi, là nhạc sĩ Tô Hải, là Tạ Phong Tần, là Mẹ Nấm,… và rất nhiều người khác. Hãy đề cử “Tập thể Blogger Việt Nam” cho giải Nobel Hòa Bình. Bởi vì, đất nước sẽ có ngày dân chủ hóa là nhờ các bloggers, những người góp sức mang ánh sáng nhân đạo vào các vùng tối phi nhân quyền tại VN.

Lịch sử chắc chắn đã có những trang rất đặc biệt cho họ, những bloggers Việt Nam.



Đăng với sự đồng ý của tác giả. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Vì sao lại xảy ra việc trấn áp bất thường blogger ở VN những ngày này?

Kami.

-

Mấy hôm nay trên phương tiện truyền thông trong và ngoài nước và các mạng xã hội đưa tin về blogger khá nhiều và nghe chừng có vẻ nghiêm trọng lắm. Như trang RFA nhận định rằng “Tình hình trong nước xem chừng như căng thẳng đáng ngại khi công an sách nhiễu nhiều bloggers và các nhà dân chủ” và họ dẫn chứng là Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tiếp tục bị ngồi tù và có nguy cơ bị truy tố tội hình dù anh đã mãn án tù 2 năm rưỡi, bloggers Anh Ba Saigòn bị bắt mới đây, một số blogger khác bị cô lập, hành hung giữa lúc những nhà dân chủ bị sách nhiễu liên tục.

Nói chuyện này thì cũng phải nhắc đến dư luận của cộng đồng blogger Việt nam mấy ngày vừa qua đang xôn xao và hào hứng với tin quyết định chọn ngày 19/10 là ngày Blogger Việt nam, sở dĩ chọn ngày đó vì theo các blogger chủ trò họ bảo đó là ngày anh Điếu cày – Hoàng Hải được ra tù và sau lại thêm vào vì là ngày anh Điếu bát – Phan Thanh Hải bị bắt.

Từ những sự kiện trên, một câu hỏi được đặt ra là “Có phải tại sự xôn xao mang tính hội đoàn blogger mấy ngày vừa rồi là nguyên nhân chính quyền phải tạm thời cách ly các bloggers, các nhân vật bất đồng chính kiến đó khỏi đời sống xã hội không?”. Đặt câu hỏi đó vì các blogger khác, những ngày này họ vẫn viết bài phản biện xã hội một cách bình thường như blogger Người Buôn Gió – Bùi Thanh Hiếu, blogger mẹ Nấm – Như Quỳnh, blogger Phạm Viết Đào v.v…, họ vẫn vô tư để sống đấy chứ, có ai làm gì họ đâu?

Chúng ta phải tìm câu trả lời cho câu hỏi nêu trên, bởi nếu có một lời giải đáp chính xác sẽ có lợi ích cho cả đôi bên là chính quyền nhà nước và các đồng chí blogger mắc chứng bệnh ngứa mồm, hay nói và hay viết. Cần phải hiểu rằng, các ý kiến của các blogger phản ảnh qua các bài viết trên blog và được loan tải trên mạng nó đáng sợ lắm, nó không chỉ đơn giản là làm đau lòng các đồng chí đầy tớ của dân, người đang dẫn dắt chúng ta mỗi khi họ nghe thư ký báo cáo, mà theo họ nó còn mang tính chất kích động sự thù ghét nhà nước trong lòng bạn đọc nó mang tính chất góp củi để chờ ngày thiêu cháy họ.

Còn nhớ, cách đây hàng trăm năm nhà độc tài Napoleon Bonaparte đã nói về sự lo sợ của nhà cầm quyền đối với báo chí đối lập như sau, xin trích lại để các đồng chí cả hai bên nhân dân và nhà nước cùng ghi nhớ và thấm nhuần. Đó là ” Nhà báo là một người ưa cằn nhằn, một kẻ thích chỉ trích, một nơi cho những lời khuyên, một quyền lực tối cao, một người thầy của dân tộc. Bốn tòa báo đối nghịch còn đáng sợ hơn cả ngàn lưỡi lê.”

 

http://farm3.static.flickr.com/2269/2129469623_dcf53c6eaf.jpg

Điếu Cày và các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo tự do năm 2007

 

Một trong các quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người được ghi trong  chủ nghĩa Marx -Lênin, được gói gọn trong câu nói “Mâu thuẫn là động lực của sự phát triển” của Lênin, người Cộng sản nói ra điều đó nên họ rất biết và hiểu điều. Khi chủ nghĩa cộng sản với sự tồn tại của phe Xã hội chủ nghĩa với 26 quốc gia đứng đầu là Liên xô đang ở thế thượng phong, đang là mối đe dọa với chế độ dân chủ thì chính quyền các nước XHCN không chấp nhận tiếng nói của người dân, nghĩa là muốn yên ổn thì hãy biết câm mồm lại cho chúng tao đưa chúng mày (dân) đến thiên đường cộng sản, nơi mà hưởng thụ tùy thích kể cả không phải làm gì như chúng tao hiện tại.

Từ cách đây 20 năm, khi CNXH sụp đổ ở Liên xô và các nước Đông Âu cái tư tưởng ấy ở các nước hậu cộng sản đã đi theo Kinh tế thị trường TBCN như Việt nam và Trung quốc, cũng dần dần giảm đi rất nhiều. Nhà nước của các Đảng Cộng sản đã bước đầu nới lỏng tự do ngôn luận, tự do báo chí và đã phần nào tôn trọng phản biện xã hội như tờ Tuần Việt nam là một ví dụ điển hình. Nếu so với thời kỳ chưa đổi mới (trước 1986) thì đó là một bước tiến vượt bậc, cái còn thiếu duy nhất hiện nay không phải là quyền tự do báo chí mà là chấp nhận quyền được tự do có tiếng nói đối lập với chính quyền nhà nước một cách có tổ chức, báo chí đối lập.

Tâm lý tự nhiên trời phú cho con người bình thường thì ai cũng như ai, thích lời khen hơn tiếng chê bai, thích câu nịnh nọt hơn là lời thẳng thắn phê bình, vì theo lẽ đời thì trực ngôn sẽ nghịch nhĩ kẻ trên, trừ ông Thánh trong chuyện cổ tích. Tiếng nói phản biện xã hội của các bloggers hiện nay được ví như những con muỗi, con ruồi bé tí ty nhưng nó cứ vo ve khi một hình nhân bằng xương bằng thịt đang mơ màng để hưởng thụ sự đam mê tột đỉnh trong quyền lực của những kẻ có chức có quyền đang có được. Vậy thử hỏi ai không tức, ai không bực mình kể tầm thường họ sẽ đập chết loại vo ve ấy ngay tắp lự chứ ai để yên như các blogger hiện nay.

Nói thế để các blogger biết ơn đảng, câu này là nói hết sức nghiêm túc. Cứ thử nghĩ xem anh Bùi Thanh Hiếu – Người Buôn Gió vi vu bắc nam, viết bài chọc ngoáy chính quyền đăng trên blog hàng tuần, chị Như Quỳnh – mẹ Nấm và nhiều người khác nữa kêu la hàng ngày trên blog cá nhân, cái gì họ cũng chọc, cũng ngoáy  có sao đâu?

Vậy chính quyền họ sợ cái gì? Rất đơn giản, nếu ta hình dung mỗi blogger là một chiếc đũa nhỏ nhoi mảnh mai, bẻ lúc nào cũng được, thì xin nói thẳng là chính quyền họ sợ đũa bị bó thành bó, nghĩa là sự hình thành tổ chức của blogger hay cái Hội Blogger Việt nam đang có chiều hướng nhen nhóm theo kiểu Câu lạc bộ nhà báo tự do của Điếu cày, của Anhbasg, của Song Chi, của Uyên Vũ … và nhiều nhiều người khác. Họ sợ ngay sau khi Điếu Cày ra tù sẽ là đầu lĩnh để tụ tập kính thưa các loại Điếu khác sẽ ngấm ngầm hình thành một tổ chức mang tính chính trị đối lập với vũ khí của họ là báo chí, là blog và các phương tiện truyền thông khác.

Trong thời đại toàn cầu hóa, với internet có khả năng kết nối mọi người trong tíc tắc, sự lan tỏa của thông tin cũng hết sức nhanh chóng. Chỉ cần 1/10 giây đồng hồ người ở bên kia bán cầu cũng đã biết mọi thông tin đang xảy ra ở Việt Nam thì việc hình thành một tổ chức Hội Blogger Việt với các cây bút sắc bén, với lối viết mạnh bạo, chính xác, có lý sẽ mang một sinh lực mới cho nền báo chí Việt nam, những người này họ có thừa khả năng dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ hiện tại. Đó là cú sinh tử thử thách với sự tồn vong của chế độ hiện tại, là sự thách thức ngấm ngầm không tuyên bố mà chính quyền cảm nhận được và đó chính là lý do và câu trả lời vì sao lại có chiến dịch cấp tập bắt bớ, quản chế các blogger ở tại thành phố Sài gòn trong mấy ngày vừa qua.

Viết blog  là blogger nhưng không phải ai cũng tham gia hoạt động chính trị, nhiều khi vì thích viết thì viết nhưng mỗi blogger phải có nguyên tắc của mình. Ví dụ nguyên tắc của tôi khi viết blog thể hiện trong câu slogan của mình trên blog cá nhân là “Tôi quan tâm đến chính trị nhưng không tham gia, bởi dù thay chính quyền hiện tại bằng chính quyền khác đi chăng nữa tôi cũng xin giữ vai trò người phản biện”. Nghĩa là tôi luôn xin giữ  vai trò phản biện xã hội đối với chế độ hiện hữu, họ có cái hay trong đường lối chính sách ta phải khen, dở thì ta phải lên tiếng mới là đúng đắn. Nói như thế để các blogger hiểu rằng một khi mình không có nguyên tắc sẽ dễ bị lôi kéo tham gia các tổ chức này nọ, làm cái thân lát đường cho một số kẻ cơ hội tiến bước.

Con người ta hơn nhau ở cái lý tưởng và cơ hội, như Cụ Hồ khi được Công ty Nước mắm Liên Thành bảo trợ đi qua Pháp học làm quan để về phục vụ trong chế độ bảo hộ của Thực dân Pháp. Khi mới sang Pháp, Cụ có làm đơn xin được vào học tại Trường hành chính thuộc địa, nhưng không được chấp thuận, nên khi mộng không thành và cộng với ý chí bình thiên hạ nên Cụ đã tham gia hoạt động chính trị và thành công.

Nói thế để thấy ý nguyện hay sở thích làm chính trị gia đâu phải là cái xấu và không có nghĩa đã là blogger là làm chính trị, là phải tham gia đảng phái. Nhưng những ai muốn làm chính trị, muốn làm chính trị gia, muốn nhận giải Nobel Hòa bình, hay vì một tương lai tươi sáng hơn … thì xin khuyên các bạn phải lấy Cụ Hồ làm tấm gương thì mới thành công được hay nói một cách khác ai đang nuôi lý tưởng làm bố thiên hạ phải học tập và noi gương Bác Hồ vĩ đại, đó là:

1. Dứt khoát đã dấn thân là phải biết chấp nhận đau thương tù đày. Hãy gạt bỏ những cái tầm thường của đời người như vợ con sang một bên để nhẹ lòng. Khi nào thành công thì có 10 cô Nông Thị Xuân cũng có hay là trên đường cách mạng gặp ai mình thích thì cứ “chọi” bừa, vài ba chục năm nữa biết đâu lại có thêm một bác Nông. Chứ đã dấn thân mà còn để vợ mang thai 7 tháng như Anhbasg thì tâm đâu mà trung kiên đến cùng.

2. Biết bảo vệ và quý trọng thân mình, đừng mang thân ra đánh đổi sự nổi tiếng bằng cách công khai để rồi bị bắt, rồi nhận tội và ở tù ít hơn (!?). Hãy học Cụ Hồ sự kín tiếng, đó là khi cách mạng thành công năm 1945 mà còn nhiều người làm chính trị còn không biết Hồ Chí Minh là ai? Vì trước đó Cụ Hồ dùng tên Nguyễn Ái Quốc của nhóm Ngũ Long. Cứ thử xem cả cuộc đời Cụ Hồ hoạt động cách mạng, Cụ bị bắt mấy lần? Một lần ở Hồng kông, một lần ở Trùng khánh chứ có bao giờ Cụ chịu mò về hoạt động trong nước đâu. Cụ Hồ cứ túc tắc hết theo Nga, theo Tàu tưởng, theo Tàu Mao nhận sự giúp đỡ của họ để xây dựng lực lượng cho mình, khi thời thế đến có cơ ăn (năm 1941) thì Cụ mới mò về Pắc Bó – Hà quảng Cao bằng dưới sự yểm trợ của Tàu Tưởng.

Cứ xem như các nhà dân chủ hay các nhân vật bất đồng chính kiến trong nước như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, anh Điếu cày, hay Anhbasg… đã hoạt động mang tính chất chính trị, nhằm giật bắt cơm của kẻ khác mà lại còn công khai và ngang nhiên thách thức chính quyền thì đương nhiên là phải vào tù. Tất nhiên là phải chấp nhận nhưng có cần thiết phải lãng phí nhân lực như vậy hay không?

Ngày nay sự vận động cho dân chủ ở Việt nam không chỉ cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà còn cần cộng với sự yểm trợ của quốc tế là quan trong. Có nhiều người thốt lên rằng nếu anh Điếu cày, hay anh Ba sài gòn là người có quốc tịch Úc, Mỹ, Canada … như bà Võ Hồng đảng Việt tân vừa rồi thì họ có bị chính quyền đối xử như vậy không? Chắc chắn là không vì áp lực quốc tế không cho phép họ làm trò nhảm nhí như vậy.

Nói như vậy để thấy rằng trách nhiệm tiên phong trong phong trào đấu tranh phải dành cho những người Việt yêu nước có quốc tịch nước ngoài với sự yểm trợ về mọi mặt của các đảng chính trị ở Hải ngoại là hợp lý.

Con người là vốn quý, còn người là còn tất cả phải biết giữ gìn và trân trọng bản thân mình, nó không chỉ là chuyện giảm thiểu các hy sinh không cần thiết của lực lượng đấu tranh cho dân chủ vốn quá mong manh như hiện nay, mà nó còn là vấn đề bảo toàn lực lượng cho cuộc đấu lâu dài giữa phe tiến bộ và phe bảo thủ độc tài. Quan trọng hơn là lực lượng blogger phải tỉnh táo để quyết định các vấn đề quan trọng, đừng vì sự thỏa mãn các cái danh hão huyền, sự nổi tiếng viển vông mà không giải quyết được vấn đề gì.

Tôi tin rằng nếu như không có sự vận động ráo riết, rầm rộ trong việc chọn ngày blogger Việt nam 19/10 vừa qua, lại chọn lấy ngày ra tù của anh Điếu cày thì chắc chắn Blogger Điếu cày, blogger Phan Thanh Hải Anh ba sài gòn sẽ có một số phận khác.

Hãy thận trọng, bình tĩnh và tỉnh táo. Mọi sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ hơn, dân chủ hơn ở Việt nam đã và đang diễn ra từng ngày từng giờ không thể có bàn tay nào hay thế lực nào kìm hãm nổi. Các bloggers, đặc biệt là các blogger trong nước hãy làm đúng vai trò của báo chí, của người làm báo đó là phản biện xã hội một cách tích cực, sắc xảo, thiện chí và mang tính xây dựng đối với chính quyền để họ tiếp thu, sửa chữa và thay đổi.

Để kết thúc bài viết, xin được trích lời phát biểu của ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến người Trung quốc, người vừa lĩnh giả thương Nobel Hòa bình năm 2010, đó là ” Bất kỳ “lòng thù hận” nào cũng sẽ dẫn đến sự bạo động bên trong tâm trí hay thể hiện ra hành vi bên ngoài, và chẳng cần lâu, sự “bạo động” đó lại đưa người đấu tranh đi vào vết xe đẫm máu của lịch sử và phá hoại tiến trình dân chủ tại Trung Hoa. Đấu tranh nới rộng tự do không thể bằng cách đoạt đi tự do của người khác, mà phải để chính quyền Trung Quốc lộ mặt là kẻ đoạt tự do của nhân dân, buộc họ phải nhìn nhận sai lầm và tiến hành cải cách”

Hà nội, ngày 22/10/2010

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Việt Nam gia tăng đàn áp các tiếng nói dân chủ

“Điều này cho thấy rằng để chuẩn bị cho sự bình yên của Đại hội CS sắp tới, và cho sự bình yên của mối bang giao hữu hảo giữa Việt Nam và Trung Cộng, họ không thể để cho những người bất đồng chính kiến được yên trong giờ phút nào cả.”cựu tù chính trị Nguyễn Ngọc Quang

Thanh Quang, phóng viên RFA – Tình hình trong nước xem chừng như căng thẳng đáng ngại khi công an sách nhiễu nhiều bloggers và các nhà dân chủ.

Truy tố tùy tiện

Blogger Điếu Cày lúc bị bắt hôm 23/12/2007. Photo courtesy of ĐiếuCày's Facebook

Một trong những bloggers nổi tiếng, là Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tiếp tục bị ngồi tù và có nguy cơ bị truy tố tội hình dù anh đã mãn án tù 2 năm rưỡi, bloggers Anh Ba Saigòn bị bắt mới đây, một số blogger khác bị cô lập, hành hung giữa lúc những nhà dân chủ bị sách nhiễu liên tục. Thanh Quang tìm hiểu tình hình này và được cựu tù chính trị Nguyễn Ngọc Quang từ Sài Gòn cho biết:

Nguyễn Ngọc Quang: Ngày hôm kia và hôm qua, tôi đã liên tiếp đi đón anh Điếu Cày, nhưng mới biết ra một điều là Blogger Điếu Cày hiện bị truy tố thêm một tội gọi là tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Nếu như bị tố theo điều này thì tôi tin chắc anh Điếu Cày hiện bị họ giam tại trại B34 thuộc Bộ Công An ở đường Nguyễn Văn Cừ, Quận 1, Saigòn. Vì tội này trong nhóm tội về an ninh quốc gia nên thuộc phần hành của Bộ Công An chứ không phải thuộc phần hành của công an tỉnh hay TP.

Thanh Quang: Theo chỗ anh biết thì lý do nào mà giới cầm quyền truy tố thêm tội hình đối Blogger Điếu Cày như vậy?

Nguyễn Ngọc Quang: Thưa anh và thưa quý vị, nếu hỏi lý do nào như vậy thì thật khó trả lời, nhưng chúng ta có thể hiểu được một điều như thế này. Vấn đề nhạy cảm hiện tại là nếu họ thả anh Điếu Cày thì họ rất là sợ. Thật sự tội tuyên truyền chống nhà nước XHCNVN là không thể áp đặt lên anh Điếu Cày được tại vì vừa qua anh đã thụ án 2 năm 6 tháng tù. Mà 2 năm 6 tháng ngồi trong tù thì anh không thễ tuyên truyền cho ai được cả. Tuy nhiên giới cầm quyền không thể để cho anh Điếu Cày được ra khỏi tù trong lúc này vì họ sợ rằng anh sẽ kích động giới trẻ, do anh Điếu Cày có ảnh hưởng rất mạnh đối với giới sinh viên để biểu tình chống Trung Quốc trước hiểm hoạ xâm lăng của Bắc Triều hiện giờ.

Một tháng trước khi anh Điếu Cày lẽ ra được thả thì tôi nhận được tin có cuộc họp chi bộ ở Phường 6 Quận 3, Sài Gòn, qua đó, họ có dự định là vu cáo anh Điếu Cày về một tội danh nào đó để câu lưu anh càng lâu càng tốt. Hơn nữa sắp tới sẽ có Đại hội 11 của đảng CSVN vào năm 2011. Vì vậy, việc thả anh Điếu Cày để kết hợp với anh em trong Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và những anh em dân chủ khác thì đó là điều họ lường trước. Và khi lường trước như vậy thì nhà cầm quyền Việt Nam sẽ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn.

Khủng hoảng niềm tin

Thanh Quang: Theo anh mô tả thì tình hình xem chừng như căng thẳng, khi Blogger Anh Ba Sài Gòn cũng đã bị bắt, một số Bloggers khác gặp khó khăn đáng ngại giữa lúc những nhà dân chủ, như kỹ sư Phương Nam Đỗ Nam Hải bị công an liên tục sách nhiễu… Xin anh mô tả tình hình đàn áp này, nói chung?

Từ trái sang: Anh Phan Thanh Hải, Anh Nguyễn Ngọc Quang và Anh Lê Trần Luật tại Lễ cưới Vợ Chồng Blogger Uyên Vũ hôm 30.05.2010. Photo courtesy of CLBNBTD.

Nguyễn Ngọc Quang: Dạ trước khi anh Điếu Cày lẽ ra được mãn án thì coi như họ mở một chiến dịch rất mạnh ở Sài Gòn. Đó là Blogger Anh Ba Sài Gòn bị bắt vào 10 giờ đêm ngày 10 tháng 10, đồng thời họ cũng bắt luôn cả anh Lê Quốc Quyết nhưng sau đó tới 2 giờ sáng thì anh Lê Quốc Quyết được thả ra. Rồi một số anh em trong Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do như blogger Uyên Vũ cũng bị phong tỏa nhà và Blogger Công Lý Sự Thật, tức chị Tạ Phong Tần, thì bị họ phong tỏa nhà và dùng những thủ đoạn bạo lực hèn hạ để khống chế, cướp luôn điện thoại cầm tay khiến cho tới giờ chị Tạ Phong Tần chưa có cách nào để liên lạc với bên ngoài.

Trong khi đó, anh Đỗ Nam Hải liên tục bị quấy rầy khi công an bắt anh lên đồn CA Phú Nhuận và nhốt đến tối mới cho về – ngày nào cũng như vậy. Sáng hôm nay, CA lại bắt anh Đỗ Nam Hải nhốt tới 5 giờ chiều.

Điều này cho thấy rằng để chuẩn bị cho sự bình yên của Đại hội CS sắp tới, và cho sự bình yên của mối bang giao hữu hảo giữa Việt Nam và Trung Cộng, họ không thể để cho những người bất đồng chính kiến được yên trong giờ phút nào cả. Do đó họ liên tục quấy rầy. Họ cố ý bắt nhà dân chủ như anh Đỗ Nam Hải rồi thả, bắt rồi thả để ngày nào cũng la làng lên thì rồi cũng sinh ra nhàm đi. Cho đến lúc nào đó, khi không ai còn muốn đưa tin này nữa, chừng đó họ sẽ thực sự bắt – như bắt cóc, thì hoàn toàn không ai biết tới cả.

Thanh Quang: Nói chung, anh nhận thấy công luận hiện phản ứng như thế nào trước việc Blogger Điếu Cày tiếp tục bị giam giữ, những bloggers và các nhà dân chủ khác bị đàn áp?

Nguyễn Ngọc Quang: Trước tình hình Blogger Điếu Cày, những Bloggers và nhà dân chủ khác bị đàn áp, thì nói chung giới trẻ rất bất mãn và khủng hoảng niềm tin. Khủng hoảng niềm tin thì thưa là đã lâu rồi. Nhưng hiện tại họ rất bất mãn. Hai ngày qua tôi đã tiếp xúc với giới trẻ rất nhiều. Tôi đứng ngay phía trước nhà anh Blogger Điếu Cày để theo dõi tình hình họ vô nhà anh đập phá. Tôi đã quan sát giới trẻ và đã tiếp xúc với các người trẻ, thì được biết là họ rất mong, rất sẵn sàng xả thân cho tổ quốc. Phải nói là sự bức xúc đã lên đến cao độ rồi. Và họ phản ứng rất mạnh. Hiện tại giới trẻ, nhất là giới sinh viên và các anh em ở Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đã bàn bạc với nhau là phải làm sao phải có kiến nghị gởi lên LHQ, đồng thời gởi lên các Uỷ ban Nhân Quyền của những Quốc Hội dân chủ để yêu cầu VN thả ngay và vô điều kiện cho Blogger Điếu Cày và Blogger Anh Ba Sàigòn; đồng thời nhà cầm quyền VN cũng phải ngưng ngay hành động đàn áp dã man và thô bạo đối với những người như vợ anh Điếu Cày là Dương Thị Tân, rồi các nhà bất đồng chính kiến khác như Tạ Phong Tần, Đỗ Nam Hải…

Thanh Quang: Cám ơn anh Nguyễn Ngọc Quang.

Nguyễn Ngọc Quang: Dạ cám ơn anh và xin chào quý vị.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/About-bloggers-and-activists-in-ho-chi-minh-city-cracked-down-ThQuang-10212010173400.html