Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Khiếu nại đông người “là lợi ích chính đáng”

Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam thừa nhận khiếu nại đông người là “lợi ích chính đáng” của người dân, “một thực tế” cần được chấp nhận.

Cạnh đó Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói thêm, “cần hạn chế việc lợi dụng gây rối, kích động,” trong khi bảo vệ lợi ích của người dân.

Chiều ngày 15/11 Quốc hội Việt Nam thảo luận lần đầu tại Hội trường về dự án Luật Khiếu nại.

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật nhắc đến tình trạng khiếu nại đông người vẫn diễn ra ở nhiều nơi, liên quan chủ yếu đến đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền vẫn là thanh tra và xác minh, rồi ra văn bản trả lời. Tuy nhiên do luật chưa hoàn chỉnh, chuyện giải quyết khiếu kiện vẫn còn “gặp nhiều khó khăn và lúng túng,” theo tờ trình của Ủy ban Pháp luật.

Hiện nay Việt Nam đang có Luật Khiếu nại, tố cáo, với điều khoản cấm tập trung đông người để khiếu nại. Quốc hội, trong khi đó, muốn thông qua bộ luật mới, mang tính cập nhật hơn.

Thực tế thay đổi

Một trong các nguyên nhân làm cho khiếu kiện đông người khó giải quyết, theo đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) là “lãnh đạo cơ quan” không tiến hành đối thoại trực tiếp với dân.

“Do cơ quan tham mưu báo cáo sai, dẫn đến lãnh đạo tỉnh ra quyết định của sai, thủ trưởng cơ quan giải quyết khiếu nại không đối thoại trực tiếp với dân để nắm rõ tình hình,” bà Dung nói.

Bà Dung kêu gọi thay đổi nhận thức, chấp nhận thực tiễn mới của cuộc sống khi tìm hướng giải quyết khiếu nại đông người.

Thực tiễn mới là “nhiều vụ việc dân khiếu nại chỉ muốn gặp trực tiếp người đứng đầu để được đối thoại, trong khi thủ trưởng cơ quan lại ủy quyền cho cấp dưới tiếp dân, do vậy người dân càng thêm bức xúc.”

Đa số vụ khiếu nại đông người hiện nay tại Việt Nam liên quan đến đất đai, chính sách bù giá khi thu hồi đất, đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương ) nói thêm.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101116_petition_law.shtml

Cuba trả tự do cho một tù chính trị từ chối sống lưu vong

Anh Vũ

Cuba đã quyết định trả tự do hôm 13/11 cho ông Arnaldo Ramos, một trong số 13 tù chính trị từng không chấp nhận ra nước ngoài sống lưu vong theo yêu cầu của chính quyền.

Ông Arnaldo Ramos Lauzurique, 68 tuổi, là người già nhất trong số tù chính trị nói trên, đã ra khỏi nhà tù đêm 13/11/2010, tức là đã quá thời hạn do chính quyền ấn định 7 ngày. Ông Ramos đã trở về nhà và không chấp nhận điều kiện phải rời khỏi đất nước như đề nghị của chính quyền.

Arnaldo Ramos là một nhà kinh tế học. Ông vị bắt cùng với 74 nhà ly khai Cuba khác vào năm 2003 trong một đợt đàn áp nhắm vào các thành phần bất đồng chính kiến và bị kết án 18 năm tù. 

Hồi tháng bảy, chính quyền hứa trả tự do cho 52 nhà đối lập. Với sự can thiệp của giáo hội Công giáo, 39 tù chính trị đã được trả tự do với điều kiện họ phải ra nước ngoài sống lưu von . Còn lại 13 trường hợp trong đó có ông Arnaldo là những người từ chối rời khỏi đất nước. Giới quan sát đánh giá việc trả tự do cho ông Arnaldo Ramos là một dấu hiệu chính quyền La Habana có thể sẽ trả tự do cho số tù nhân còn lại.

Ngay sau khi được tự do, ông Ramos tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động chính trị đối lập với chính quyền : "Trước hết tôi rất vui được trả tự do nhưng tôi cũng lo lắng cho các đồng chí của tôi đang còn ở trong tù. Việc trả tự do cho tôi có thể khai thông được tình hình tuy có muộn. Tôi hy vọng các đồng chí của tôi sắp tới đây cũng sẽ được trả tự do. Lệnh giam giữ họ đã hết hạn từ ngày 7 tháng 11 vừa rồi tức là bốn tháng kể từ ngày 7 tháng 7 do chính phủ ấn định.

Chúng tôi lẽ ra phải được trả tự do rồi vì không còn có lý do gì để giam giữ chúng tôi nữa. Nhưng như các bạn thấy thì chính phủ này là như vậy đó. Còn đối với tôi, tôi đã nói với chính quyền là tôi không chấp nhận một điều kiện nào cho việc trả tự do. Bây giờ tôi được tự do và tôi vẫn sẽ theo đuổi những hoạt động phản kháng như trước và tiếp tục công việc nghiên cứu kinh tế mà tôi đã làm trước khi bị bỏ tù. Không một nơi nào trên thế giới lại coi đây là những hoạt động bất hợp pháp".

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20101115-cuba-tra-tu-do-cho-mot-tu-chinh-tri-tu-choi-song-luu-vong

Vì sao người dân, trí thức phải lên tiếng?

Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh vừa công bố hai bài viết trên trang mạng Bấm Bauxite Việt Nam với tựa đề "Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước" và bài "Phải công bố bản kiến nghị về bauxite."

Hai bài viết như tựa đề hàm ý, kêu gọi thực hiện dân chủ thực sự cho Việt Nam và yêu cầu các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản và Nhà nước phải công bố rộng rãi và trả lời bản kiến nghị của nhiều trí thức, nhân sỹ, cán bộ lão thành về các dự án gây tranh cãi về môi trường và an ninh trong nước.

Sau vụ bắt giữ luật gia Cù Huy Hà Vũ, người công khai có các bài viết ủng hộ dân chủ cũng như có đơn thư khởi kiện lãnh đạo Chính phủ về dự án Bauxite, sự xuất hiện của các bài báo mới nhất của ông Lê Hiếu Đằng thu hút sự chú ý của dư luận như một diễn biến mới mang tính thời sự.

Nhân dịp này, BBC Việt ngữ đã phỏng vấn tác giả hai bài viết, và câu hỏi đầu tiên đặt ra cho ông Đằng là vì sao ông chọn công bố các thông điệp của mình trên trang mạng không chính thức Bấm Bauxite Việt Nam và nhất là vào thời điểm hiện nay.

Ông Lê Hiếu Đằng: Vì tôi biết là báo chí công khai trong tình hình hiện nay không dám đăng. Vả lại, nhóm trí thức Việt Nam là nhóm đã lựa chọn trang bauxite để đăng bản kiến nghị năm điểm, nên tôi nghĩ đăng bài viết trên trang mạng này là phù hợp nhất.

Còn lý do mà tôi đăng bài này là vì bản kiến nghị của anh chị em trí thức, cán bộ cách mạng lão thành, tướng lãnh, kể cả các quan chức nhà nước cao cấp như chị Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Nước, hay nhà toán học Ngô Bảo Châu, từng có thư riêng gửi Quốc Hội, cũng như ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là người đầu tiên có ý kiến phản đối dự án Bauxite, rất tiếc, đều không được ai trả lời.

Một điều hết sức vô lý là một bản kiến nghị công khai gửi Quốc Hội như vậy mà báo chí Việt Nam lại không đăng. Báo chí công khai như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao động... tức là tất cả báo chí Việt Nam đều không đăng. Chỉ có VietnamNet có đăng thoáng qua. Có thể có hai khả năng là cơ quan nào đó, hay cá nhân nào đó cấm không cho đăng.

Mà nếu điều này là có, thì đó là vi phạm một quyền gọi là quyền được thông tin của công dân đã được luật pháp quy định và bảo hộ. Còn khả năng thứ hai là nếu không có ai cấm mà báo chí Việt Nam không đăng, có nghĩa là báo chí Việt Nam sợ, tự kiểm duyệt.

Còn bài viết thứ hai về vấn đề dân chủ, trên hết tôi thấy một vấn đề lớn ở Việt Nam hiện nay là không hiểu tại sao ai cũng sợ. Do đó những vấn đề quan trọng của đất nước không ai dám lên tiếng mà nhất là giới trí thức.

Vì vậy với tư cách một công dân, tôi đặt vấn đề là đã đến lúc mọi người phải có tiếng nói, phải có những hành động trong vòng luật pháp, hiến pháp, để ngăn chặn các tệ nạn như vậy.

BBC:Ông dự đoán ra sao về tác động của hai bài viết trên trang Bauxite Việt Nam này của ông?

Lê Hiếu Đằng: Qua điện thoại nhận được cũng như gặp gỡ bạn bè, nói chung nhiều người ủng hộ quan điểm của tôi. Họ nói là tôi có thái độ dũng cảm, nhưng tôi chỉ nghĩ là tôi nghĩ sao thì nói vậy, đặt vấn đề lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên.

Tôi đã từng bị Tòa án Vùng 3 Chiến thuật kết án tử hình vắng mặt. Tôi không ông sợ chết, sợ tù đày gì cả. Vấn đề là mình phải đấu tranh cho dân chủ, cho đất nước của mình để cho nó thoát khỏi những tệ nạn.

Nhiều người cũng gọi điện khuyên tôi thế này, khuyên tôi thế kia, nhưng tôi nói "không", việc làm của tôi là công khai minh bạch, không có gì phải dấu diếm. Suy nghĩ của tôi không phải của riêng tôi mà có cả một khuynh hướng của anh chị em trí thức, rồi của nhiều người dân hiện nay. Vì vậy tôi tin rằng nó sẽ được sự ủng hộ của nhiều người.

BBC: Những lời nhắn nhủ của ông trên trang Bauxite trong bài viết của mình tới những người "đồng chí kháng chiến" cũ của ông như các ông Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang hay Lê Thanh Hải, mong mỏi các ông này lên tiếng đấu tranh ngăn chặn nguy cơ dự án Bauxite và việc cho người nước ngoài thuê rừng đầu nguồn..., liệu có được trả lời hay không, hay sẽ rơi vào im lặng?

Lê Hiếu Đằng: Khi tôi nhắn nhủ ba đồng chí đó, thì tôi vẫn tin rằng ba vị đó vẫn còn những tâm huyết dành cho đất nước. Còn nếu không, tôi sẽ im lặng. Còn nói chung tôi hy vọng rằng điều đó khi tới tai các đồng chí, thì các đồng chí ấy, từ vị trí của mình, sẽ suy nghĩ và có những động thái đứng về phía quyền lợi của đất nước, về phía lợi ích của dân tộc, tôi vẫn tin như vậy.

BBC: Gần đây Quốc hội đã có một quyết định được cho là không tán thành với đề nghị của đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đòi điều tra trách nhiệm chính trị của Chính phủ trong vụ Vinashin, ý kiến của ông?

Như trong bài viết về dân chủ, tôi nói rằng thực ra dân chủ không phải của ai ban cho, qua kinh nghiệm hoạt động của mình tôi thấy không có ai có quyền lực lại tự dưng rời bỏ cái ghế của mình. Thành ra dân chủ chỉ có thể đạt được qua đấu tranh.

Lê Hiếu Đằng: Phải công nhận anh Nguyễn Minh Thuyết là một đại biểu Quốc hội hết sức kiên cường, hết sức thẳng thắn. Ngoài anh Thuyết ra, tôi thấy anh Lê Văn Quân ở Thanh Hóa, chị Phạm Thị Loan ở Hà Nội, hay bản thân anh Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An Ninh của Quốc Hội, đều ủng hộ đề nghị của anh Thuyết.

Nhưng cái đó chỉ là một số ít người, trong khi quy định của Quốc Hội là phải hội đủ chữ ký của một số đông người là đại biểu khác thì mới có thể đặt vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Cơ quan quyết định việc thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm của Chính phủ này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng người ta đã kết luận là 'chưa cần thiết' để thành lập ủy ban lâm thời đó, mà điều đó, người ta làm căn cứ theo quy định. Thành ra tôi nghĩ khi phát biểu vấn đề đó ra, tôi nghĩ bản thân anh Thuyết cũng biết lập ra Ủy ban đó là một việc rất khó khăn.

BBC: Trong khi luật gia, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ vừa bị Công an bắt giữ vì cáo buộc vi phạm các điều luật nghiêm trọng nhất thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản, Nhà Nước và Chính phủ Việt Nam, thì bài viết về dân chủ của ông đề cao việc người dân thực hiện quyền kiện các cơ quan nhà nước xâm phạm lợi ích công dân của họ. Vào thời điểm này, việc này có mâu thuẫn gì không?

Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ là không có gì mâu thuẫn cả vì một khi hình thành xã hội dân sự, bên cạnh nhà nước pháp quyền, thì người dân, đặc biệt giới trí thức phải biết hành xử các quyền hiến định và luật định của mình để bảo vệ quyền lợi, lợi ích.

Như trong bài viết về dân chủ, tôi nói rằng thực ra dân chủ không phải của ai ban cho, qua kinh nghiệm hoạt động của mình tôi thấy không có ai có quyền lực lại tự dưng rời bỏ cái ghế của mình. Thành ra dân chủ chỉ có thể đạt được qua đấu tranh. Gần đây có một số hiện tượng có thể nói là manh nha đáng mừng như tôi đã nói.

Còn việc của anh Cù Huy Hà Vũ bị bắt phải đợi luật pháp người ta xét xử như thế nào. Nhưng dư luận người ta thấy rằng cách tiến hành như vậy không hay lắm. Chẳng thà anh thẳng thắn nói ông này phạm các tội đó thì bắt chứ dàn dựng một vụ như vậy thì nó hơi không đẹp lắm!

Tôi nghĩ thiệt thòi cuối cùng là của những người đã dàn dựng ra việc đó thôi. Còn ông Cù Huy Hà Vũ có tội hay không, thì những tài liệu công khai, ông cũng đã đăng trên mạng rồi. Luật pháp sẽ xem xét, nhưng tôi nghĩ là khó buộc tội ông Vũ.

BBC:Theo ông, để được an toàn hơn, liệu người dân có nên đợi đến sau Đại hội Đảng sắp nhóm đầu năm tới đây, họp xong xuôi, để lên tiếng về những bức xúc hay đưa ra những kiến nghị thẳng thắn của mình?

Lê Hiếu Đằng:Theo tôi không phải đợi tới sau Đại hội Đảng lần thứ XI họp. Bởi vì sau Đại hội Đảng cũng không có thay đổi gì nhiều đâu.

Vấn đề là các tầng lớp nhân dân mà trong đó có giới trí thức, vì lợi ích của đất nước, dân tộc, sẽ đấu tranh để buộc Chính quyền phải thay đổi một số chủ trương, chính sách sao cho phù hợp và bảo vệ được đất nước, bảo vệ được môi trường, cuộc sống của người dân, cũng như bảo vệ được luật pháp.

Đây là cả một quá trình lâu dài chứ đừng nói là chỉ sau Đại hội của Đảng cộng sản lần thứ XI được.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101115_le_hieu_dang_inv.shtml

Thành viên Mặt trận Tổ quốc đòi hỏi dân chủ

Một luật gia, cựu quan chức cao cấp Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh vừa công bố hai bài viết kêu gọi đấu tranh cho dân chủ và yêu cầu công bố rộng rãi cho toàn dân kiến nghị của các trí thức, nhân sỹ đòi dừng dự án Bauxite Tây Nguyên gây nhiều tranh cãi.

"Lòng dân đang rất bất an, dân không thể tiếp tục tin yêu chế độ nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này," trên trang mạngBấmBauxite Việt Nam, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận TQVN TPHCM nhận định về tâm lý chung trong quần chúng.

"Đảng Cộng sản phải nhận rõ vấn đề để chủ động chuyển đổi thể chế chính trị phù hợp với tình hình mới," ông Đằng lên tiếng trong bài viết có tựa đề "Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước" khởi đăng trên trang mạng không chính thức trong nước, hôm 15/11.

Sau khi nêu dẫn chứng về việc lãnh đạo láng giềng của quốc gia cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo vừa công khai cảnh báo nguy cơ của ĐCS Trung Quốc nếu không 'cải cách để dân chủ hóa xã hội,' người hiện đang giữ chức Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương MTTQVN, nhận định:


"Tuy nhiên, toàn dân không thể thụ động ngồi chờ chính quyền tự thay đổi," ông Đằng viết.

"Trong đời hoạt động của mình, tôi luôn được dạy rằng: không có người cai trị nào tự nguyện từ bỏ quyền lực, ghế ngồi của mình."

"Dân chủ chỉ có được qua đấu tranh."

Đánh giá rằng việc đấu tranh mà không phá vỡ 'sự ổn định chính trị' là một bài toán phải giải quyết, tuy nhiên ông Đằng khẳng định: "Nhưng quyết không thể nhân danh ổn định mà kìm hãm cuộc đấu tranh để xây dựng nền dân chủ."

'Tín hiệu đáng mừng'

Ông cũng đánh giá những tín hiệu xã hội mà ông cho là đáng mừng về điều mà ông gọi là sự 'nâng cao ý thức dân chủ' của người dân.

Ông Đằng trích dẫn các trường hợp người dân khởi kiện các cơ quan nhà nước vì xâm phạm lợi ích của họ như một người dân ở Sài Gòn kiện ngành giao thông, người dân huyện Bình Chánh kiện điện lực thành phố và người dân tỉnh Quảng Nam kiện thủy điện xả lũ.

"Thời gian qua đã có những dấu hiệu đáng mừng về nâng cao ý thức dân chủ của người dân: những vấn đề lớn của đất nước người dân không còn để mặc chính phủ tự quyết định như thói quen từ trước đến nay...," cựu quan chức TPHCM tổng kết.

"Hơn thế nữa, người dân đã bắt đầu dám đứng lên thực hiện một quyền được pháp luật cho phép mà không ai có thể chụp mũ này nọ: quyền kiện các cơ quan nhà nước xâm phạm lợi ích công dân."

Trong khi trong nước đang rộ lên dư luận về các vụ bắt bớ những người bất đồng chính kiến hoặc có ý kiến phản biện, phản bác công khai Đảng Cộng sản và nhà nước, có khả năng tiếp tục sau vụ luật gia Cù Huy Hà Vũ bị bắt mới đây, cũng như một số trang blog cá nhân về thời sự, nghị luận chính trị xã hội, có thể bị 'tấn công' hoặc 'xóa sổ', tác giả bài bài báo viết:

"Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, chúng ta không có gì phải sợ..."

"Mà tại sao chúng ta phải sợ? Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận."

Thông điệp nhắn nhủ

Còn trong bài viết thứ hai với tựa đề "Phải công bố bản kiến nghị về bauxite," ông Lê Hiếu Đằng trên trang mạng Bauxite Việt Nam 'nhờ' trang này nhắn nhủ một thông điệp tới các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước vốn là cựu đồng chí của ông trong thời gian chiến tranh.

"Nhân đây, tôi cũng xin qua mạng BấmBauxite Việt Nam để nhắn chủ những đồng chí từng sát cánh chiến đấu với tôi ở nội thành Sài Gòn - Gia Định, các chiến trường miền Đông Nam Bộ, ven Sài Gòn...," ông Đằng viết.

"Đó là các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải. Mong các đồng chí lên tiếng đấu tranh để ngăn chặn những nguy cơ cho đất nước như Dự án Bauxite và việc cho thuê rừng đầu nguồn nói trên."

Sau khi đề nghị Quốc hội công bố rộng rãi bản kiến nghị trước toàn dân về dự án tranh cãi Bauxite, đồng thời yêu cầu cơ quan lập pháp này 'tập trung làm rõ' hai vấn đề trên, tránh 'để bị lạc hướng vì những chuyện khác', luật gia Lê Hiếu Đằng kêu gọi:

"Đã đến lúc tất cả chúng ta, cán bộ, Đảng viên, nhân dân, phải có ý kiến, không thể nhân nhượng, không thể dĩ hòa vi quý với cái sai, cái nguy hại cho đất nước, cho dân tộc."

"Chúng ta không có gì phải sợ, vì chúng ta trong sáng, chúng ta thực tâm yêu nước thương nòi, chúng ta làm đúng theo luật pháp, hiến pháp."

 

 

Đề nghị trả lời cho dòng họ Cù Huy

Đơn của ông Cù Huy Thước, chú ruột Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

clip_image002

Thư Nicolae Ceauşescu gửi Ivan Kraus

Chuẩn Phạm Nhân

Cám ơn anh Nguyễn Gia Thức đã đồng cảm với bài “Lý sự cùn...”, của tôi trong mục Đối Thoại.
 
Cám ơn anh Hoàng Ngọc-Tuấn đã nhanh chóng tìm và dịch bằng một văn phong khôi hài đặc biệt, bức thư của Ivan Kraus gửi nhà độc tài Nicolae Ceauşescu. Và thú vị hơn nữa còn kèm theo một trích đoạn bộ phim The Censor.
 
Tôi đã bật cười lớn khi đọc bản dịch bức thư và xem trích đoạn bộ phim. Đó là một tác phẩm hài hước thuộc dạng kinh điển. Bằng vào việc ngài Nicolae Ceauşescu phải cử thích khách của Lỗ Mã Ni đi ám toán nhà văn Ivan Kraus, ta thấy sự hài hước cũng có sức mạnh ghê gớm.
 
Khi Elise Thu Sang, bạn tôi, đưa tiểu thuyết TRẠI SÚC NHÂN lên website Tiền Vệ, tôi đã khuyên tác giả nên có một câu đề trước khi vào truyện:
 
Kẻ nào mưu toan tìm những ẩn nghĩa đằng sau câu chuyện này sẽ bị xử tử cho dù kẻ đó chỉ có thể bị khép vào các tội danh: Đái bậy nơi công cộng, Trốn thuế thu nhập khi trúng vé số, Ngủ với trẻ quá tuổi thành niên... – Thay mặt Chánh án toà án Nhân dân Tối cao đã ký: E. T. S.
 
Nhưng Elise Thu Sang đã không muốn bắt chước Mark Twain khi tác giả lừng danh người Mỹ này cho in một câu tương tự như vậy ở trang đầu cuốn sách The Adventures of Huckleberry Finn.
 
Bức thư do anh Hoàng Ngọc-Tuấn dịch đã gợi cảm hứng cho bài viết này:

 

________________

 

Thư Nicolae Ceauşescu gửi Ivan Kraus

 

Đọc bức thư xỏ xiên của mi,

ta đau,

nỗi đau chọc đến tận những nơi “nhạy cảm” nhất,

như người bị sỏi thận,

như người bị viêm bóng đái,

Không! Ta đau tức nghẹn như bị đá vào “bi”,

một nơi không thể đấm bóp hay xoa dầu khuynh diệp.

 

Ta đã nổi giận đùng đùng, đập phá những thứ có trước mắt

Elena Ceauşescu[*] thất kinh, vội gọi bác sĩ thần kinh

Ta đuổi cổ lão bác sĩ tay run lập cập mở hộp đồ nghề

Ta gọi tướng Iulian Vlad, kẻ đứng đầu Securitate[**]

 

Ta thét lên: Iulian Vlad!

Hãy cử ngay một đội đặc nhiệm gồm thật nhiều “007 – Romania”

Tìm và hành hình gã Ivan Kraus

Nghe này,

Ivan Kraus - Mảnh thủy tinh hiểm ác xứ Bohemia

Ivan Kraus - Vại bia đen bị thối tha của thành Plzeň

Ta sẽ xử bắn tên thủ hạ nào chỉ giết mi bằng một viên đạn

 

Sẽ rất từ từ, từ từ thôi, Ivan Kraus thân mến...

Vào việc từ đâu nhỉ, thôi, cứ bắt đầu từ “bi”

“Bi” của mi sẽ bị cắt bằng chiếc rìu cùn

Rồi đến bộ da, ta sẽ lột sống da mi làm đệm ghế

Dĩ nhiên thợ lột da mi sẽ làm việc bằng lưỡi cưa cùn

Đấy hãy tạm như thế đã... cứ nằm rên la chờ ta nghĩ tiếp

 

Ivan Kraus này,

Ta nghĩ mãi không ra điều thú vị cần làm trên thân thể mi,

Ta nghĩ mãi... cho đến ngày 25 tháng 12 năm 1989

Đứng trên tuyết trắng trước bức tường, ta vẫn nghĩ

Trước những họng súng đội hành quyết, ta vẫn nghĩ

Ta nghĩ trong khi vợ ta đứng cạnh khóc xin tha tội.

 

Ta vẫn nghĩ khi nước mắt giàn giụa, miệng kêu lên:

“Rồi sẽ có người trả thù cho ta”

Nhưng, đến phút cuối ta đã nghĩ ra:

A, Ivan Kraus, Ivan Kraus!

Mi sẽ chết tức vì thấy ta trào phúng hơn mi

Và ta hát khi những nô lệ trước đây của ta nổ súng:

Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian!...[***]

 

 

Sức mạnh của nhân dân trong chính biến tháng 12-1989 tại Romania

 

Ảnh nhà độc tài bị đốt trong chính biến 1989

 

 

_________________________

[*]Elena Ceauşescu: Vợ của Nicolae Ceauşescu, tốt nghiệp lớp 4 tiểu học, được phong kỹ sư hóa học, giữ chức chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Romania, rồi Phó thủ tướng thứ nhất, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng.

[**]Tướng Iulian Vlad, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Romania (Securitate) và các đơn vị cảnh sát địa phương, dưới thời Nicolae Ceauşescu.

[***]Theo hồi tưởng của trung sĩ Dan Carlan, người tham gia cuộc hành quyết vợ chồng Ceauşescu: Trong những giây phút cuối cùng, Ceauşescu khóc và kêu lên rằng, người ta sẽ báo thù cho cái chết của ông. Rồi Ceauşescu cất tiếng hát bài “Quốc tế ca”...

http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=2F4BBC6B5B8DF27D1E88A47282D1FEAA?action=viewArtwork&artworkId=11612

Ivan Kraus - Một giải pháp đơn giản

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

Lời người dịch:

 
Hôm qua (09.11.2010), trong bài đối thoại “Bỏ tù cả bảng mẫu tự, thì mới yên!”, anh Nguyễn Gia Thức (một người Việt Nam đang sống tại Tiệp-khắc) có đưa ra một lời đề nghị rất thú vị: “Nếu quý vị nào tìm được lá thư độc đáo của nhà văn Ivan Kraus [gửi cho ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nicolae Ceauşescu] thì hãy dịch ra tiếng Việt cho mọi người cùng đọc cho biết.”
 
Thật may mắn, hôm nay (10.11.2010) tôi tìm thấy bản Anh ngữ của lá thư này dưới nhan đề “A simple solution” [“Một giải pháp đơn giản”] in trong cuốn An Embarrassment of Tyrannies: Twenty-five Years of Index on Censorship do W.L. Webb & Rose Bell biên tập (New York: George Braziller Publisher, 1998), và tôi xin dịch ngay ra tiếng Việt để gửi đến độc giả bốn phương.
 

 
Ivan Kraus (~1939), nhà văn, kịch tác gia kiêm diễn viên Tiệp lưu vong, là tác giả của hơn 30 tác phẩm gồm nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản. Tác phẩm của ông thường mang tính châm biếm, khôi hài, với ngụ ý chính trị, vì thế đã bị cấm xuất bản ở Tiệp mãi đến năm 1990, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Năm 1968, ông đã cùng vợ và con gái di dân sang Tây Đức, rồi năm 1976, sang Pháp. Kịch bản The Censor [Cán bộ kiểm duyệt] của ông, xuất bản lần đầu trên tạp chí Index on Censorship năm 1976, đã được dựng thành phim với diễn xuất của tài tử lừng danh Anthony Hopkins. [Mời độc giả xem một trích đoạn dài 2 phút 49 giây trên Youtube]
 
Lá thư gửi Nicolae Ceauşescu là một văn bản mang tính châm biếm sâu cay đối với chế độ kiểm duyệt của nhà cầm quyền cộng sản độc tài. Năm 1985, khi nghe tin Nicolae Ceauşescu (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Romania kiêm Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Romania) ban hành một loạt sắc luật quái gở, trong đó có cái sắc luật bắt buộc tất cả các máy đánh chữ trên toàn đất nước Romania phải được đăng ký với chính quyền, Ivan Kraus đã viết lá thư này gửi đến Nicolae Ceauşescu.

 

 

MỘT GIẢI PHÁP ĐƠN GIẢN

 

Ông Ceauşescu thân mến,

Bấy lâu nay tôi vẫn theo dõi sự nghiệp chính trị của ông với một niềm cảm phục to tát bởi vì tôi biết chỉ một mình ông quyết định cái gì là tốt và cái gì là không tốt cho đất nước Romania. Đây là một thời đại mà ở nhiều nước các chính trị gia vẫn còn phí nhiều thì giờ cho những cuộc tranh luận dài dòng và vô ích tại các quốc hội và các hội đồng lập pháp. Do đó, tôi tin tưởng mà không hề phóng đại rằng không có một nhà cầm quyền nào trên thế giới hôm nay quan tâm đến các công dân của mình một cách riêng tư như ông.

Tôi vừa đọc báo thấy ông ban hành những sắc luật mới nhất. Sau khi biết chắc mẩm rằng nhân dân Romania ăn uống quá nhiều và vì vậy có đến một phần ba dân số bị các bệnh do chứng mập phì gây ra, ông đã ban hành một chế độ ăn uống gồm 10 quả trứng, 100 gram bơ và 1 ký thịt cho mỗi công dân mỗi tháng.

Ông cũng ra sắc luật rằng nhiệt độ trong phòng không được cao hơn 15 độ C, vì ông nhận thức rõ ràng rằng công dân của một nước xã hội chủ nghĩa thì phải có sức chịu lạnh giỏi, chứ không được yếu ớt mảnh khảnh quá trớn.

Cũng vậy, cái sắc luật của ông rằng các thang máy chỉ được sử dụng từ tầng ba trở lên chắc chắn sẽ giúp tăng cường sự tráng kiện về thể chất cho nhân dân của ông, cũng giống như cái quyết định cấm sử dụng tủ lạnh vào mùa đông và phải tắt ti-vi lúc 10 giờ đêm, ngoại trừ vào các dịp đặc biệt như những ngày mà cả nước làm lễ mừng sinh nhật — của ông, của vợ ông, hay của những người khác trong gia đình ông.

Thật đáng tiếc rằng một số công dân của ông hình như không hiểu cái minh triết của các sắc luật mà ông đã quyết định ban hành, bởi vậy nên lực lượng công an cần phải can dự vào và cảnh giác theo dõi để cầm chắc rằng nhân dân không sưởi cho nhà của họ ấm quá, không dùng tủ lạnh vào mùa đông hay xài quá nhiều điện để thắp đèn, nấu ăn, ủi quần áo hay xem ti-vi. Đây chỉ là thái độ vô trách nhiệm của một số cá nhân cho nên công an cần phải ra tay ngăn chận họ.

Tuy nhiên, tôi là một người lạc quan và tôi tin chẳng bao lâu nữa mọi người đều sẽ nhận thức được rằng họ chỉ có thể hy vọng trông thấy một ngày mai sáng sủa hơn nếu hôm nay họ tắt đèn sớm. Hiển nhiên là ông và cả gia đình ông phải làm việc rất nặng nhọc. Nicu, con trai của ông, là Bộ trưởng Thanh niên; các em trai của ông là Ion và Ilie đang nắm Bộ Kế hoạch Nhà nước và Bộ Quốc phòng; và Nicolae, một em trai khác của ông, cầm đầu Bộ Nội vụ. Hơn thế nữa, vợ của ông là Phó Chủ tịch Thứ nhất của ông.

Ai cũng biết rằng tất cả 50 người trong gia đình của ông phải cống hiến hết thì giờ, công sức và tài năng vào việc điều khiển đất nước Romania, với hơn 22 triệu dân. Có nghĩa là mỗi thành viên trong gia đình của ông làm chủ gần nửa triệu công dân, và đó là một kỷ lục mà không một nơi nào trên thế giới hôm nay có thể sánh nổi. Ngay cả các đại công ty như Flick ở Tây Đức, Heineken ở Hòa-lan, Grundig hay Ford cũng không thể làm việc có hiệu quả bằng ông. Duvalier chỉ đạt được lợi tức tối thiểu với đội ngũ thuộc hạ của lão, Idi Amin thì đã khánh tận, và Khomeini thì có quá nhiều kẻ chia phần và vẫn không thể thành công.

Tôi nhắc đến tất cả những điều này chỉ vì tôi nghĩ rằng cái ý tưởng mới đây nhất của ông — sắc luật về việc đăng ký tất cả các máy đánh chữ trong toàn quốc — đòi hỏi một sự diễn giải tinh tế hơn một chút. Vì thế, xin ông cho phép tôi bàn luận về cái sắc luật ngoạn mục này và nêu ra một vài đề nghị làm thế nào để có thể nâng cấp nó.

Trước hết, điều tuyệt đối thiết yếu là buộc phải đăng ký tất cả những viên phấn, những cây bút máy, bút chì, cọ vẽ, cũng như mực, dầu vẹc-ni và những lọ sơn xịt (bởi vì xét cho cùng thì ở đất nước của ông người ta cũng có thể kiếm ra các món này), và các vật liệu khác như giấy, những cuốn sổ tay và những cuốn vở. Và, nói về giấy, xin ông đừng quên giấy gói hàng và giấy chùi đít. Đồng thời là tất cả các thứ vật liệu mà từ đó có thể cắt ra, dán lên, hay nếu không thì có thể sắp đặt các chữ cái trong bảng mẫu tự. Tôi đang nói về những tờ báo, những cái xách tay, những thứ vải vóc, những cái kéo, những thỏi keo, và những thứ đinh, kim, ốc, vít.

Tuy nhiên, người ta cũng có thể dùng các phương tiện khác để phát biểu những ý tưởng chống lại Nhà Nước hay những ý tưởng tai hại khác. Sử dụng các ký hiệu Morse, chẳng hạn, người ta có thể truyền tin bằng một tia ánh sáng. Bởi lý do đó, tôi đề nghị bắt buộc đăng ký tất cả các thứ đèn để bàn, đèn treo, đuốc, bóng điện, những cục pin, những đèn chiếu trên sân khấu, những cái lồng đèn, pháo hoa, cũng như những tấm gương.

Các phương pháp thô sơ hơn như ra hiệu bằng khói cũng có thể dùng để chuyển những khẩu hiệu chống lại Nhà Nước, do đó tôi đề nghị hạn chế việc bán diêm, nến, hộp quẹt, cũng như xì-gà và thuốc lá điếu.

Hơn thế nữa, xin ông đừng quên tất cả những thứ đồ vật có thể được sử dụng để truyền tín hiệu âm thanh. Bất kỳ một công dân nào không có giấy phép thì không được mua những cái chuông, những cái còi huýt, và những thứ nhạc khí (bộ gõ, bộ hơi, và bộ dây — để dùng ở khoảng cách gần). Tổng số các nhạc khí hiện diện trong các dàn nhạc và các nhóm hòa tấu nên được kiểm tra ngay lập tức, và các nhạc sĩ đáng tin cậy được chấp sổ hộ chiếu âm nhạc.

Tất cả những điều này, tuy nhiên, vẫn chưa đủ.

Những người muốn bày tỏ ý tưởng chống lại Nhà Nước có thể cực kỳ tài tình, như tôi đã phát hiện ở Prague vào năm 1968, khi cuộc xâm lăng của bộ đội Liên-xô đã làm nổi lên cái mà tôi có thể gọi là một ngày hội của sự sáng tạo chống lại Nhà Nước.

Bài học mà chúng tôi lúc ấy đã học được là các công dân có thể dùng những lon rỗng, sọt rác, hộp gỗ, thùng rượu, cũng như những lốp xe và các vật liệu xây cất như gạch, những khối bê-tông, những dầm gỗ và những tấm ván. Các dụng cụ tìm thấy trong bất kỳ nhà kho nào cũng phải được gồm vào trong phạm trù này, chẳng hạn: kềm, cuốc chim, xẻng, lưỡi cuốc, mũi khoan, lưỡi hái, ngay cả lưỡi liềm!

Các đồ dùng trong nhà cũng có thể tiện dụng. Người ta chỉ cần vài thứ bàn, ghế, giá treo mũ, ghế dài, tủ quần áo, là có thể xếp vào nhau thành một khẩu hiệu.

Cũng không nên bỏ sót các nông dân và các tá điền. Họ có thể đạt được cùng một kết quả như thế bằng cách dùng củ cải, khoai tây, bí ngô, bất kỳ thứ rau đậu nào cũng như tất cả các loại quả lớn hơn — nghĩa là dễ đọc hơn. Ngay cả những loại quả nhỏ hơn, chẳng hạn những quả lý chua, quả việt quất, quả mâm xôi, cũng có thể dùng để viết, nếu họ không viết trên những bức tường, thì chắc hẳn họ viết trên những mặt bàn.

Cũng vậy, các thứ nồi, niêu, xoong, chảo, những cái vung, những cái đĩa, nói tóm lại, mọi thứ đồ dùng nhà bếp, chén, tách, dao, nĩa, cũng có những khả năng tương tự.

Và, than ôi, chúng ta không thể bỏ qua những lọ thuốc và những viên thuốc, gồm cả những viên sinh tố, trong khi đó thì các thứ thức ăn cũng có thể bị người ta dùng sai chỗ. Những thỏi xúc-xích, giò chả, những ổ bánh mì, những thỏi bánh cuộn, bơ, sữa chua, bia và các loại chai khác — tất cả những thứ này đều là những vật liệu có khả năng thông tin, cũng như nhiều món đồ dùng cá nhân, chẳng hạn những thỏi son, những hộp phấn thoa mặt, những đồ trang điểm, những chiếc ví, những chiếc đồng hồ, và kẹo cao-su.

Cuối cùng, tôi phải xin ông chú ý đến một đồ vật nữa — cuốn sách. Đúng ra, những cuốn sách. Tôi biết chúng đã được kiểm duyệt cẩn thận trước khi chúng đến các tiệm bán sách, các thư viện, các trường học hay các viện khoa học. Nhưng không phải nội dung của chúng khiến tôi lưu tâm ở đây.

Chính cái hình dạng của cuốn sách làm cho nó trở thành một công cụ lý tưởng để xếp thành những chữ hay cả những câu văn, cho nên khi một kẻ có óc sáng chế muốn chống lại Nhà Nước thì tất cả những gì mà hắn cần chỉ là, chẳng hạn, một đống sách tiểu sử của chính ông — với nội dung tuyệt đối thích nghi với ý thức hệ — hay những tác phẩm đã được chính thức cho phép lưu hành, để từ đó hắn xếp lại thành một khẩu hiệu bất xứng.

Tôi biết rõ rằng mọi biện pháp có hệ thống để ngăn ngừa sự lan tràn của những ý tưởng chống lại Nhà Nước theo cách mà tôi đã trình bày trên đây thì chắc hẳn là cực kỳ tốn kém.

Tôi nhận ra rằng để thực hiện điều đó thì cần phải bổ nhiệm các nhân viên kiểm duyệt đặc biệt ở từng văn phòng, từng công xưởng, từng học viện và từng hợp tác xã. Họ cũng phải được gửi đến các bộ phận khác, chẳng hạn các sở hoả xa, giao thông vận tải, và các cơ quan hành chánh địa phương và khu vực, và quan trọng nhất là họ phải có mặt trên mọi đường phố và trong từng nhà. Đó là chưa kể trong cả các lực lượng quân đội và công an.

Nếu tôi tính đến phí tổn của việc báo cáo và đăng ký có hệ thống của mọi thứ đồ vật, mà lại phải cộng thêm sự tốn kém trong việc thiết lập và điều hành các văn phòng kiểm duyệt và các uỷ ban kiểm soát trung ương, thì tôi — trong lúc đang ngồi đây viết bằng một cái máy đánh chữ vẫn còn tự do, chưa đăng ký — nghiệm ra rằng có một giải pháp đơn giản hơn và rẻ hơn nhiều, mà tôi mạo muội đề nghị lên để ông cứu xét.

Tôi đề nghị rằng chúng ta giải quyết cái vấn nạn này một cách hợp lý và đơn giản bằng cách dẹp bỏ bảng mẫu tự.

Đó là cách duy nhất giúp chúng ta đạt đến chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng và không có rủi ro.

 

Tháng Tám 1985

Ivan Kraus

 

 

-----------
Dịch từ bản Anh ngữ “A simple solution” của George Theiner trong cuốn An Embarrassment of Tyrannies: Twenty-five Years of Index on Censorship do W.L. Webb & Rose Bell biên tập (New York: George Braziller Publisher, 1998) 126-129.
 

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Bỏ tù cả bảng mẫu tự, thì mới yên!

Cảm ơn tác giả Chuẩn Phạm Nhân (một bút danh rất hay, đúng với thân phận của vô số trí thức Việt Nam hôm nay). Cảm ơn anh/chị đã viết bài thơ “Lý sự cùn chơi, nhân có một người bị bắt...”. Tôi đặc biệt tâm đắc với đoạn cuối:

“Gì thì mi cũng có tội, cả bọn mi đều có tội

Kẻ viết bài này và những kẻ đọc bài này

Bọn mi đều phạm vào Điều X, Khoản Y, Mục Z, Bộ luật KOUKAK!

Lẽ ra ta phải bỏ tù buồng trứng của bà Âu Cơ!”

Đọc bài thơ này tôi nhớ trong những năm 80, nhà độc tài Nicolae Ceauşescu (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Rumania kiêm Chủ tịch nước Rumania) đã ra lệnh cấm sử dụng máy đánh chữ trên toàn quốc Rumania. Ai cần sử dụng thì phải đăng ký máy, và mỗi tháng phải báo cáo cho Công An toàn bộ nội dung những gì đã được gõ bằng máy đánh chữ của mình. Ai không báo cáo đầy đủ và chính xác hay lén dùng máy đánh chữ thì đều bị bắt giam và bị kết án “tuyên truyền chống phá Nhà Nước XHCN”! Thời ấy không ai dám mua một lần một rim giấy 500 tờ vì chắc chắc sẽ bị Công An theo dõi và đến nhà lục soát. Ai cần giấy thì chỉ dám mua mỗi lần một vài tờ về dùng. Hầu hết các nhà văn đều đem nộp máy đánh chữ, không dám dùng. Thà viết tay mà có cơ may khỏi bị ở tù!

Năm 1985, Ivan Kraus (một nhà văn Tiệp lưu vong, lúc ấy đang làm việc như một phóng viên của đài BBC và Radio Free Europe) đã gửi cho ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nicolae Ceauşescu một lá thư đề nghị giải pháp an ninh tốt nhất cho chế độ là ra lệnh cấm sử dụng mẫu tự. Nghĩa là tuyệt đối cấm viết dưới bất kỳ hình thức nào!

Bức thư ấy đã khiến Nicolae Ceauşescu căm giận và ra lệnh cho gián điệp lẻn ra nước ngoài để lùng giết nhà văn Ivan Kraus. May thay, chưa ám sát được nhà văn Ivan Kraus, thì chế độ Cộng sản độc tài của Nicolae Ceauşescu đã sụp đổ và Nicolae Ceauşescu phải đền tội ác, bị xử tử cùng vợ vào cuối năm 1989.

Nếu quý vị nào tìm được lá thư độc đáo của nhà văn Ivan Kraus thì hãy dịch ra tiếng Việt cho mọi người cùng đọc cho biết.

Nguyễn Gia Thức

http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=B206670625EEAC75E2DFF4CADC1967E5?action=viewArtwork&artworkId=11602

Bước Đại Nhảy Vọt – Made in Vietnam

 

. Đinh Tấn Lực

 

Thời sự tuần qua hùng hồn chứng thực (ở mức không thể chối cãi) rằng đảng và nhà nước xứ này đã thành công vượt bực trong bước Đại Nhảy Vọt – Made in Vietnam: từ Đánh Ghen lao tới Đánh Rắm.

 

*

Dịch Vụ Đánh Ghen Miễn Phí

Vụ việc bộ công an vây bắt TS luật Cù Huy Hà Vũ vào nửa đêm rạng sáng 5/11/2010 tại Sài Gòn đã khuấy động dư luận cả trong lẫn ngoài nước… Lời bàn tán (trên mạng/quán nhậu lề đường/tiệm hớt tóc/quán cà phê…) có vẻ xôn xao/trào lộng vạn lần hơn thời gian cử hành đại lễ vừa qua tại thủ đô. Kết quả Google lên đến gần 2 triệu kết quả cho cụm từ “Cù Huy Hà Vũ” & “khởi tố”.

Bài phóng sự “nền tảng” trên báo CA đã được các nhà báo có thẻ trên cả nước đồng loạt sao chép lại, với các dữ kiện “Được biết…” (đảm bảo chưa qua công đoạn thanh/khử/tiệt trùng) được trưng bày/triển lãm tối đa, cốt đập thẳng vào mặt độc giả để vừa khuếch trương vừa câu khách trong buổi chợ chiều báo chí:

  • Về cốt chuyện, cả tình lẫn tiết, có cảnh cơ quan An ninh Điều tra của bộ CA bỗng dưng phát giác và bắt khẩn cấp một đôi nam nữ “có khả năng” mua/bán dâm trong khách sạn, tức là vi phạm đạo lý cơm phở/vợ chồng.
  • Về mặt hiển thị đã có ảnh cận cảnh “tươi mát” (không áo) và các dòng mô tả nam nghi can chỉ trần sì mặc sịp gọi là ở các “tư thế rất riêng tư/nhạy cảm”.
  • Về mặt hành chính đã có người liên hệ (trực thuộc Hội luật gia Thành phố) ký nhận vào biên bản tại hiện trường, cùng với chữ ký của chủ khách sạn, cộng thêm lời khẳng định của nhà chức trách rằng người “mua dâm” nhất quyết không phải là luật sư.
  • Về mặt chứng cứ đã có đến những hai bao cao su “đã qua sử dụng” (nhăn nhúm thành hình hai số 8) và các thứ tài sản/tư trang linh tinh khác, trong đó, chứng cứ trọng điểm của hành vi “quan hệ dâm ô trụy lạc” cấu thành tội phạm là …chiếc máy vi tính xách tay.
  • Về mặt nút thắt luật lệ thì cơ quan hữu trách tự thành khẩn khai báo là nghi phạm đã có thái độ “bất hợp tác và hành hung chống người thi hành công vụ”…

Ngay lập tức sau đó, CA đã khám nhà nghi can ở Hà Nội, là nơi người phối ngẫu của đương sự đang cư trú (và có thể chưa kịp biết tin các cơ quan chức năng của bộ CA đã phối hợp hành quân đánh ghen giúp ở Sài Gòn). Trong tiến trình khám nhà (ở nơi cách xa hiện trường gần 1600 cây số), bỗng dưng CA phát giác thêm được trên dưới 240 trang tài liệu “phản động” đã từng chạy dập dìu trên mạng từ nhiều năm qua.

Từ đó, tội danh của nghi can cũng bỗng dưng được thăng cấp từ dân sự qua hình sự, cụ thể là từ “vi phạm hành chính” sang tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Đó là quả đèn xanh do nhà nước bật mở cho dàn truyền thông chính thống vươn tầm nâng bợ thành một mini phong trào chen lấn biểu tỏ tính nhanh nhẩu đạp nhầu nhau để lột tả tấm lòng trung. Kết quả đáng ngẫm là một dàn phóng viên thi đua phóng uế như dịch tiêu chảy cấp lên mặt báo, leo tới đỉnh điểm của sự tởm lợm là thiên phóng sự/bình luận có tựa đề: “Bài học cho những kẻ ngông cuồng và ảo tưởng”. Phấn đấu là tốt, tuy nhiên, tác giả Xuân Bằng cũng cần tự lượng sức, không nên tranh giành tước vị “đáng tởm” mà Roger Mitton đã ưu ái phong tặng cho thủ tướng Odious Dung trên tờ Hoa Thịnh Đốn Thời Báo.

Riêng các bài học cho các cơ quan hữu trách cũng không ít. Có thể tạm liệt kê một vài điểm nhà nước cần phải cực lực cải thiện như sau:

  • Kỹ thuật Photoshop: Một hình bằng ngàn chữ. Nhà nước cần phải trau dồi khả năng photoshop, không thể ở cương vị chính phủ mà tiếp tục làm trò cười cho bàn dân thiên hạ trong ngoài bằng cách giữ rịt lề thói sử dụng hình ảnh quá đát và lồng ghép/chỉnh sửa/chắp vá sơ sài cho những vở diễn then chốt từ thời vây bắt nữ sĩ Trần Khải Thanh Thủy cho tới TS Cù Huy Hà Vũ thế này.
  • Kỹ thuật bất ngờ xông ập vào chỗ ở của nghi can (không phân biệt là nhà ở hay nhà trọ) mà không có trát tòa là trái luật hình. Nhà nước cần giáo dục thêm cho nhân viên công lực phải trước tiên là những người hành động đúng luật nhất. Bởi, một khi nhân viên công lực không tự khép mình vào luật, thì không thể gán ghép cho đối tượng tội danh chống người làm trái luật được. Càng không nên gia cố tội danh thành hành hung người thi hành công vụ trong trường hợp này. Nó là vu khống cấp hai.
  • Kỹ thuật úp mở của CA: Khi biết rõ là cần giữ kín chi tiết nội vụ trong lúc điều tra, theo luật định, thì không nên xì ra danh tính cùng nhân thân của đối tượng nữ (dù viết tắt). Đó cũng là lý do để đương sự khởi kiện ngược cơ quan an ninh thành phố về tội xúc phạm nhân phẩm công dân, cũng theo luật định. Nhà nước cũng cần giáo dục lại cho CA chấm dứt ngay các hành vi phát tán dữ kiện trong lúc điều tra nhằm bôi nhọ đối tượng nam trong ý đồ khuấy động dư luận trước khi tòa án phán quyết. CA cần phải được tách rời ra khỏi chức năng truyền thông. Hữu Ước không cần đổi tên thành Hữu Chước.
  • Kỹ thuật leo thang tội danh từ hành chính (ở chung phòng khách sạn với phụ nữ) sang chính trị (lưu trữ tài liệu chống phá nhà nước): Đây là chiêu hạ sách của nhà nước, tính từ kẻ viết kịch bản ở cấp trung ương cho tới đứa thi hành ở cấp bộ và dưới bộ. Nó không chỉ tô đậm thế lưỡng nan của nhà nước trước các đợt sóng phản biện sắc bén ngày càng nhặt của trí thức VN, mà còn chứng tỏ mức độ trí năng bại liệt và tư cách đớn hèn của những kẻ ở thế yếu, không đủ trình luật để đối thoại, phải dàn dựng trò dơ để bẫy bắt khẩn cấp người dám ứng cử chức bộ trưởng, và (“cần phải trả thù hơn hết”, là) dám kiện thủ tướng ban hành văn bản vi luật. Mặt khác, nó còn gián tiếp báo động khả năng của phong trào dân chủ hóa VN đang chiếm thượng phong, với sự trưởng thành của các hình thái sinh hoạt xã hội dân sự. Một chính phủ phải dùng đến chiêu hạ sách dịch vụ đánh ghen để bắt người cỡ này quả thật không còn gì nhiều trong quỹ thời gian còn sót lại của nó.

Đảng không sợ cá nhân TS Hà Vũ. Đảng chỉ ngại tập thể xã hội dân sự chung quanh TS Hà Vũ. Đảng chỉ tuyên dương TS Hà Vũ là đối thủ một khi tập thể tinh hoa kết tụ đó lên quá số ngàn và còn tăng trưởng. Đó là lúc đảng cần triệt hạ uy tín đối thủ bằng mọi giá, kể cả cái danh giá treo dưới thắt lưng. Đảng cần chuẩn bị dư luận để mở đường cho chiêu kế tiếp, càng tụt thấp hơn nữa, là tự nâng bợ uy tín đã sát đáy của mình.

*

Kịch Nghệ Đánh Rắm Thị Uy

Chỉ xấp xỉ 2 tuần sau dịp hụ còi đưa tiễn trọng thị và an toàn tay nữ khủng bố (có nụ cười hoa hậu) Võ Hồng lên tận cửa máy bay về lại Melbourne, chính phủ CHXHCNVN, “sau khi cân nhắc kỹ nhiều mặt”, đã dồn sức huy động cả 2 bộ (nổi tiếng hao tổn ngân sách nhất nước là) an ninh và quốc phòng vào một vở kịch giả tưởng viễn ảo đại quy mô trình diễn ngoài trời: Giải cứu con tin bị khủng bố VT bắt cóc tống tiền 1 triệu USD!

Khác hẳn các cuộc diễn nháp trước đây (28/4/2009 hay 7/6/2009), lần này (10/11/2010), tổ chức khủng bố được long trọng nêu tên, dù chỉ dám viết tắt. Rất tiếc là các tay đạo diễn lừng danh thế giới Trương Nghệ Mưu và Cận Đức Mậu, vì bận việc đột xuất ở Thượng Hải, nên không thể sang Hà Nội thưởng lãm (và mở mang kiến thức về) tầm quy mô của vở diễn:

Cả 2 tay bộ trưởng Hồng Anh Lê và Quang Thanh Phùng (cùng hầu hết 2 bộ sậu tướng tá trợ lý) đều có mặt ở khán đài trên bờ sông Hồng, khúc chảy ngang thủ đô vừa mới khép màn (chưa kịp đúc kết tài chính) một vở kịch tốn kém vĩ đại khác, từng được chuẩn bị ròng rã suốt 8 năm trời, nhằm để nhiệt liệt chào mừng quốc khánh cái đất nước đông dân và sính khạc nhổ nhất hành tinh này.

Theo dõi từ xa là 1 tay bộ trưởng khác cùng 1 thống đốc và bộ sậu thứ ba, có nhiệm vụ giải ngân và sơ kết phí tổn toàn bộ vở kịch để quyết toán vào ngân khoản tổ chức đại lễ ngàn năm (mà theo chỉ thị của “trên” là phải tiết kiệm và không được vượt quá 10% tổng phí tổn đại lễ).

Còn, lấp ló bên cánh gà khán đài bờ sông vừa kể, là tay tuyên giáo TW và bộ trưởng 4T cùng bộ sậu thứ tư, loay hoay chỉ huy điều động tác chiến các phó nhòm hàng tuyển và các cây bút gạo cội của làng báo chí nước nhà cùng nhau phối hợp tác nghiệp để hoàn tất bài tường thuật mẫu mã làm giềng mối cho toàn thể 700 cơ quan báo đài cả nước. Chỉ tiêu công tác?

  • Một là chỉ được viết chạm ngưỡng, để cho độc giả tự đọc ra vanh vách tên thật của cái tổ chức đối đầu (đòi ôn hòa tháo gỡ độc tài và canh tân đất nước) mà đảng và nhà nước ở đây coi là bất cộng đái thiên đại hán. Tuyệt đối không được viết nguyên tên, để tránh những khó khăn ngoại giao với các quốc gia có nhiều liên hệ/hỗ trợ/hội ý mật thiết với nó là Hoa Kỳ, Tây Âu và Úc.
  • Hai là không được tiêu đường mắm muối… hay xài ảnh tự chụp, nhưng nhất định các bài phóng sự tường thuật “riêng” này phải toát ra được tiếng vỗ tay đồng nhịp tụng ca một cuộc diễu binh theo hình thái tiểu thuyết hư cấu hoàn toàn mới lạ và hấp dẫn người coi.
  • Ba là minh chứng cho toàn thế giới thấy rõ hiệu năng an toàn trên lý thuyết của chiến lược “Vũ Lực Chống Diễn Biến Bất Bạo Động” đậm đà bản sắc hư cấu (độc đảng/một tình huống giả định) của CHXHCNVN, bất chấp mọi liên tưởng đến khả năng quân sự gấp triệu lần hơn của Liên Xô và Đông Âu bất cập trước đây.
  • Bốn là phải át cho được cái hậu vị chát đắng của một đại lễ rình rang và cực tốn kém nhằm tỏ rõ ý chí thần phục tuyệt đối thiên triều, mà lại bị bọn khủng bố chuyên nghiệp tập họp nhân dân để tuyên đọc lời kêu gọi “vì Thăng Long ngàn tuổi - chống hiểm họa bắc triều” từng khiến Trung Nam Hải cau mày.
  • Năm là, kháng sinh không bằng an thần: Mục tiêu chỉ mặt/gọi tên/lên án bọn khủng bố nhằm giúp độc giả biết tới và (hy vọng sẽ) cảnh giác (theo kiểu “Quyết tâm chống diễn biến hòa bình: Bài học cho những kẻ ngông cuồng và ảo tưởng” đề cập ở đoạn trên), thực sự không quan trọng bằng đích nhắm quan yếu hàng đầu là giúp cho lãnh đạo tạm thời hạ huyết áp để ăn ngon ngủ yên.
  • Sáu là những thước phim do cục điện ảnh trách nhiệm thu hình vở diễn này sẽ được “trên”, có thể là do bộ  sậu “tận cùng trên”, cắt xén/ráp nối/biên tập lại để nâng cấp tính bi hài của cốt truyện, nhất thiết đảm bảo cho các thiên tử khán giả an lòng là lãnh đạo Hà Nội quyết một lòng núp ló trong sông, đã long trọng nhấn mạnh cụm từ “đường thủy nội địa”, tức là  không hề có ý bò ra biển Lưỡi, đặc biệt là ngay khi TS Vương Hàn Lĩnh đang có lời chí tình giáo huấn bắc bộ phủ ở đây.

Theo nguồn tin thông thạo từ các Giáo Sư/Tiến Sĩ Tình Báo (2 trong 1 - cả tình lẫn báo) cực kỳ khả kính và nhạy cảm, thì với chức năng tuyên giáo và thông tin nặng như núi Thái/sâu tợ biển Lưỡi như thế, vở tuồng diệt địch cứu con tin này, nhất định không thể do tay Trịnh Văn Sơn viết kịch bản, cũng không để tay Bùi Thạc Chuyên trách nhiệm đạo diễn, vì e là sẽ gặp phải làn sóng đàm tiếu chớt nhã như bộ phim tập Đường Về Thăng Long đang đóng bụi.

Để khắc phục sơ hở sinh tử đó, bộ chính trị đã phấn đấu kiêm nhiệm cả hai phần vụ (hư cấu tình tiết kịch bản, cùng chỉ đạo đạo diễn tối cao), và nhất trí phó thác cho 2 đại tướng ủy viên võ trang cốt cán Hồng Anh và Quang Thanh trọng trách liên đới chỉ huy thuộc hạ các cấp, các ngành/ban/bệ… cùng 900 diễn viên thủ vai cơ động/đánh bắt/bắn tỉa/cứu hỏa/cứu hộ/cứu nạn/đặc tình/đặc nhiệm/đặc công (khô/nước)… thực hiện, từ khâu tuyển chọn/dàn dựng/tập luyện… cho đến khâu trình diễn.

Riêng phần chẩn đoán/kiểm sát/điều chỉnh/can thiệp/khống chế thời tiết, ánh sáng, và quan trọng nhất là âm thanh trong ngày trình diễn, được giao khoán cho kiến trúc sư kiêm chủ tịch UBND thủ đô Thế Thảo (tự Văng Nổ) phụ trách. Với nhiệm vụ phụ trội là đánh tan nghi vấn về vụ 2 containers pháo hoa đã bỗng dưng tan xác trước nhiệm kỳ quy hoạch vừa qua.

Ngày N với giờ G đã điểm. Chiến thuật 3 hướng đã triển khai. Ca-nô cao tốc đã dập dình. Xe lội nước đã bơi thỏa thích. Người nhái đã nín thở lặn hụp. Trực thăng đã nhộn nhịp thả phao. Đặc công nhìn máy ảnh cười nụ. Quả mìn đã kích nổ thành khói. Tàu chuyên dụng đã phun nước vòi. Diễn viên khủng bố đã bị tó. Một triệu đô tiền chuộc còn nguyên. Một tài tử đặc tình hy sinh. Con tin thở phào được giải phóng. Ngân sách đã rộn ràng bốc hơi. Những thước phim kịch cỡm đã quay. Hàng trăm ảnh dzung dzăng đã chụp. Và, hàng ngàn khán giả đòi trả vé…

Sao vậy? Rõ là nhà nước “gánh vàng đi đổ sông Ngô” (bên tàu). Đảng và nhà nước xứ này quả không có cách nào khác (khá hơn) để trả thù VT về lời kêu gọi “vì Thăng Long ngàn tuổi - chống hiểm họa bắc triều” đúng 1 tháng trước chăng? Đảng mong muốn nhân dân thấy ra sức mạnh bạo lực của 2 bộ võ trang tận răng, song nhân dân khịt mũi nhắc lại hàng chục cuộc cách mạng màu (êm như nhung) đã đánh bại hàng chục bộ quốc phòng và mật vụ tàn bạo hơn nhiều trong nửa thế kỷ qua. Lắm người còn nhắc lại, để khịt mũi lần nữa, vụ tàu cá của ngư dân ta, từ Hòa Lộc tới Lý Sơn, bị đâm chìm và  bị bắt làm con tin đòi tiền chuộc thường xuyên suốt mấy năm nay mà chẳng thấy đâu các lực lượng võ trang thiện chiến hay cứu hộ thiện nghệ này.

Mà nghĩ cho cùng, cái tình huống giả định của vở diễn, nghe lốp bốp là vậy, song thực ra không mảy may đáng lo cho bằng tình trạng kèo cột chống đỡ của đảng bị rút mỏng dần, trong lúc chiếc nồi cao áp “ổn định” của đảng đã bật tung nắp.

Trong thời đại màn sắt mắc màn tre, những tiếng còi hụ/súng nổ loại này họa may có sức âm vang một vài ngày, nhưng với thời đại a còng hôm nay, cả một nỗ lực huy động hàng ngàn người và dăm ba triệu đô để tạo vở diễn hư cấu có mìn nổ khói bay thế này, dù sứ tàu ở đâu đó có thể cường điệu thành “sấm động thủ đô” đi nữa, thì trên thực tiễn vẫn chưa khá hơn một tiếng đánh rắm. Chỉ cần so với một phim hành động hạng B của bọn Mỹ cũng đủ thấy là chắc chắn Hollywood không có dư dép cho chính phủ ta xách hộ.

Chỉ 1 tháng sau khi thả một nữ lưu từng được dày công dán nhãn khủng bố, đảng và nhà nước này lại thêm một lần nữa tốn công hao của để PR miễn phí cho VT!

*

Chốt Lại

Độc giả và cả khán giả thấy gì ở lãnh đạo đảng và nhà nước này, qua bước đại nhảy vọt từ đánh ghen cực tồi cho tới đánh rắm cực thối tuần trước?

Đảng không sợ cá nhân A, hay B, hay C…

Đảng chỉ lo khi họ đứng chung trong tổ chức ABC.

Đảng không sợ ABC hay XYZ…

Đảng chỉ lo ABC và XYZ… liên hoàn hoạt động và liên tục dí đảng vào thế khó xử.

Đảng chỉ nêu tên đối đầu mỗi mình VT trong một vở diễn cơ bắp hơi bị nhão.

Đảng không hù dọa nổi VT bằng kịch bản chém gió tả tơi này.

Đảng chỉ nhằm báo động toàn dân về một Vi Ti đòi tháo gỡ độc tài mà đảng tuyên chiến với tinh thần quyết tử cho đảng quyết sinh.

Nhân dân nghĩ thế nào?

Hề Hề! Có vẻ đảng gặp thế lưỡng nan bẻ cua:

Trái vào Ngõ Cụt - Phải ra Đường Cùng!

Dường như đảng đang cố “sáng tạo” một chiến lược mới cho nhiệm kỳ XI:

Móc túi Tây phương – Vâng lệnh Tàu phù - Dựa hơi Hoa Kỳ - Đối trọng Vi Ti.

Ngắn gọn là:

Nhón Tây - Khấu Tàu - Tựa Mỹ - Hãi Tân.

 

15/11/2010 - Nhiệt liệt chào mừng ngày khai trương đường bay Hà Nội-Vácxava

Blogger Đinh Tấn Lực



Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Nhà báo Nga biểu tình đòi hỏi chính quyền có thái độ

DCVOnlineTin AFP


Mạc Tư Khoa (Moscow) - Hằng trăm phóng viên, nhà báo và bloggers đã tập trung ở trung tâm thành phố Mạc Tư Khoa hôm qua thứ Năm ngày 11 tháng Mười Một để yêu cầu điện Cẩm Linh (Kremlin) trả lời về một loạt tấn công nhắm vào giới truyền thông vốn đang tập chú vào những tự do căn bản cho người dân Nga.

Khoảng 400 đến 500 người biểu tình ở Công trường Pushkin ở Mạc Tư Khoa - chỉ cách điện Cẩm Linh vài đường phố - với những tấm bảng đòi hỏi “chấm dứt cuộc khủng bố” và cũng đòi hỏi điệm Cẩm Linh phải có một cuộc điều tra toàn diện những cuộc tấn công giới báo chí, truyền thông ngày càng nhiều.

“Tấn công nhà báo là tấn công độc giả,” một tấm bảng khác viết.

Nhà báo Oleg Kashin đã bị hai người lạ mặt tấn công, ông bị đánh vỡ xương hàm trên lẫn dưới, vỡ xương sọ ở thái dương, gãy một chân, và các ngón tay bị bẻ gãy... Theo nhà báo Julia Ioffe, điều này chứng tỏ những người hành hung ông Oleg Kashin đã không thích những gì ông viết! Nguồn: Julia Ioffe
Nhà cầm quyền Mạc Tư Khoa đã có một quyết định bất thường khi cho phép cuộc biểu tình được xảy ra sau cuộc tấn công nhắm vào nhà báo hàng đầu của Nga ông Oleg Kashin hôm cuối quần rồi – ông Kashin là một blogger viết rất nhiều về các chủ đề trong nước gây nhiều tranh cãi cũng như những vấn đề xã hội khác.

Việc hành hung ông Kashin đã được máy (CCTV) thu lại và sau đó được trình chiếu rộng rãi trên hệ thống truyền thông của chính phủ Nga. Điều này đã làm tổng thống Nga ông Dmitry Medvedev nhanh chóng lên tiếng cam kết – chưa từng có trước đây – là sẽ hậu thuẩn hoàn toàn cho tự do báo chí.

Nhà lãnh đạo Nga cũng hứa với cả nước là nhà cầm quyền sẽ tìm cho ra những người tấn công ông Kashin “bất luận vai vế người đó trong xã hội, nắm giữa vai trò gì hay đã có những công trạng gì trước đây.” Giới báo chí đang căng thẳng của Nga ghi nhận thanh tra Nga mở lại hồ sơ bị dập lâu ngày trước đây khi một phóng viên độc lập khác bị đánh đập tàn nhẫn trong năm 2008, người phóng viên này cũng đã từng viết những đề tài tương tự như ông Kashin.


© DCVOnline



Nguồn:

(1)
Russian journalists protest. AFP, 12 November 2010
(2)
Oleg Kashin's Horrible Truth. Foreign Policy, by Julia Ioffe, 6 November 2010

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Lại đổ tiền “chống khủng bố” xuống sông Hồng

Sau khi xoay trở đủ đường mà vẫn không biết làm sao dán nhãn “khủng bố” lên các đảng viên Việt Tân xuất hiện kêu gọi chống hiểm họa Bắc Triều tại vườn hoa Lý Thái Tổ, giữa lòng Hà Nội ngày 9/10 vừa qua, các quan chức CSVN đành xoay qua đóng một vở kịch cực lớn trên sông Hồng để trấn an lẫn nhau.

Vào ngày 10/11/2010, tức vừa đúng 1 tháng sau, hầu hết báo đài nhà nước đồng loạt đưa tin về cuộc diễn tập chống khủng bố “VT” ở đoạn sông Hồng chảy ngang Hà Nội. Điều làm người đọc thấy chán khá nhanh là mọi tờ báo đều chỉ đăng từ MỘT bài viết. Các phóng viên chẳng thu thập được chi tiết nào cả mà chỉ đổi thứ tự các câu từ một bài viết duy nhất. Ngay cả hình ảnh cũng phải dùng chung vì cùng từ một nguồn cung cấp. Các chi tiết trong “tình huống giả định” xuất hiện trên mọi tờ báo càng làm người đọc cảm thấy đây là một vở kịch tuyên truyền được sắp xếp sẵn để tạo ấn tượng chứ không phải một cuộc tập dượt quân sự. Vì trên thế giới, chẳng có cơ quan chống khủng bố nghiêm chỉnh nào lại chia xẻ đồng loạt cho báo chí loại chi tiết như vậy.

Tuy vậy, màn kịch đồ sộ này tốn kém không nhỏ. Tại hiện trường có 2 đại tướng đóng vai chính là Lê Hồng Anh, Bộ Trưởng Công An và Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng Quốc Phòng. Chung quanh họ là hàng loạt các thứ trưởng, các tướng tá công an và quân đội, các trưởng phòng, trưởng cục, trưởng sở, và 900 diễn viên phụ trên sông nước. Hiển nhiên, toàn bộ các diễn viên này và vô số các nhân viên hậu cần ở sau sân khấu phải tập tành trong suốt một tháng qua. Chỉ tính rất thoáng, số tiền chi phí đã dễ dàng lên đến hàng chục triệu mỹ kim.

Nhưng toàn bộ số tiền quí giá trong một nước nghèo đó đều trôi theo nước sông Hồng ra biển vì mọi mục tiêu của cuộc diễn tập đều không đạt. Trước hết là mục tiêu trấn an nội bộ. Chính những người cho tổ chức màn kịch qui mô này biết rõ họ đang đánh gió, đang chém vào khoảng không. Các lực lượng đấu tranh cho tự do, dân chủ ngày nay, kể cả đảng Việt Tân, đều không chọn phương thức chiến tranh quân sự. Họ chẳng dại gì đi vào lãnh vực mà đối phương có ưu thế tuyệt đối. Do đó, giới lãnh đạo CSVN biết họ đang tung ra đủ loại sở trường, múa đủ loại quyền cước trong một đấu trường vắng lặng, KHÔNG CÓ đối thủ. Dân tộc đang đánh họ ở những nơi khác và bằng nhiều cách khác. Chính nhận thức này khiến hàng ngũ quan chức bối rối và tiếp tục run rẩy trong lòng vì trong đấu trường Bất Bạo Động, các phương tiện hùng hổ mà họ sở trường đều hầu như hoàn toàn vô dụng. Thực tế này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà đã diễn đi diễn lại ở gần 40 nước chỉ trong 50 năm qua. Khi các chế độ độc tài tại Ấn Độ, Chí Lợi, Philippines, Nam Dương, Ba Lan, và ngay cả Liên Xô xụp đổ, guồng máy bạo hành hầu như còn nguyên vẹn.

Trò trấn an nội bộ bằng cách đem súng ống ra chùi rửa làm người ta nhớ đến cuộc diễn binh rầm rộ tại nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức (tức cộng sản Đông Đức) trước đây dưới sự chủ tọa của Tổng Bí Thư Erich Honecker và có Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh tham dự. Không đầy một tháng sau đó, cả ông Honecker lẫn chế độ độc tài của ông đều đi vào quá khứ lịch sử.

Kế đến là mục tiêu hù dọa dân chúng của vở kịch sông Hồng cũng chẳng đi đến đâu và nhiều phần phản tác dụng. Dĩ nhiên đối với giới ngoại giao tại Hà Nội và công luận quốc tế thì nỗ lực dán nhãn đảng Việt Tân là khủng bố đã quá nhàm và thành trò cười từ lâu. Nhưng đối với người dân Việt Nam, những nhà soạn kịch “Sông Hồng” cũng không dám “hù” quá. Tên đảng Việt Tân chỉ dám viết tắt là “VT” trên báo chí và các chi tiết đưa ra chỉ toàn mang tính ám chỉ. Rõ ràng giới lãnh đạo Hà Nội vẫn lo ngại đang quảng cáo không công đảng Việt Tân. Câu hỏi hiển nhiên trong đầu người đọc hiện ra: Việt Tân là ai mà toàn bộ dàn giáo từ cấp đại tướng, cấp bộ trưởng, cấp thành viên Bộ Chính Trị phải công khai tạo hình ảnh đối phó như thế. Câu hỏi đó chỉ khiến nhiều người dân muốn tìm hiểu thêm cái phương thức đấu tranh mà đảng Việt Tân đề nghị. Kế đến, cách soạn giả vở kịch “Sông Hồng” cũng sợ các kênh thông tin, các báo đài lề phải tung ra nước ngoài sẽ bị kiện và bị phạt nặng về tội vu khống. Nay là thời đã có ký kết và ràng buộc trách nhiệm pháp lý hẳn hoi giữa Việt Nam và quốc tế. Chính phủ các nước cũng biết trương mục của các công ty quốc doanh và nhà nước CSVN nằm ở đâu. Kết quả là trên mọi tờ báo đăng kịch “Sông Hồng”, giới cầm quyền Hà Nội chọn thái độ hành xử lấm lét như một tên trộm.

Nhưng ngoài việc đổ xuống sông xuống biển tiền bạc quí giá của dân tộc, lãnh đạo Hà Nội còn tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó ăn khó nói hơn nữa. Họ càng khoe các lực lượng phòng chống khủng bố của bộ công an, các lực lượng đặc công nước, lực lượng người nhái lặn sâu, các lực lượng ca nô truy đuổi cao tốc, các lực lượng đặc nhiệm bắn tỉa, tác chiến điện tử, v.v. họ càng cứng họng khi người dân hỏi: Các lực lượng này lập ra để làm gì và cất ở đâu khi hải quân Trung Quốc bắn giết và bắt ngư dân Việt làm con tin đòi tiền chuộc? Hành động đó của Tàu vẫn chưa đủ để gọi là khủng bố sao?

Vũ Thạch

http://dailyvnews.wordpress.com/2010/11/11/l%E1%BA%A1i-d%E1%BB%95-ti%E1%BB%81n-%E2%80%9Cch%E1%BB%91ng-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91%E2%80%9D-xu%E1%BB%91ng-song-h%E1%BB%93ng/

Dương Thu Hương: Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng – phần 1: Lợi quyền

Dương Thu Hương – viết riêng cho DCVOnline

Sáng ngày 27 tháng 10 năm 2010 toà án tỉnh Trà Vinh đã kết án ba nhà sáng lập công đoàn Tự do với mức án khiến công chúng kinh ngạc hoặc kinh hoàng.

- Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng chịu án chín năm tù giam.
- Anh Đoàn huy Chương chịu án bẩy năm tù giam.
- Chị Đỗ thị Minh Hạnh chịu án bẩy năm tù giam.

Những người tù cộng sản
Nguồn: ©baovelaodong.com

Thấy dư luận xôn xao một cách thái quá, tôi xin góp đôi lời bình về nỗi kinh ngạc hoặc kinh hoàng của dân ta. Bởi vì, từ sự kiện này, chúng ta có cơ hội để phân tích hiện trạng đất nước một cách bao quát.

Hai tính từ “kinh ngạc” và “kinh hoàng” đều chỉ một hiện tượng: sự vật bất bình thường, hoặc chưa bao giờ thấy, hoặc phi logic, hoặc quá liều lượng cũng như chiều kích quen thuộc, và tất cả các đặc điểm trên khiến người ta ngờ vực. 

Chúng có một điểm khác biệt: kinh ngạc chỉ trạng thái sửng sốt, bất tin một cách thuần tuý. 

Kinh hoàng, bao gồm cả sự ngạc nhiên lẫn sự sợ hãi, sợ hãi đến tê liệt, và điều này đối với nhà cầm quyền quan trọng hơn. Nói một cách thẳng thừng, đây là hiệu ứng mà nhà cầm quyền Hà Nội cố tình tìm kiếm. Bất cứ chế độ độc tài nào cũng dùng các vụ xử án như một vũ khí đặc biệt hiệu nghiệm để trấn áp những kẻ đối lập và hù doạ dân chúng, biện pháp này tuy cổ điển nhưng chưa bao giờ lỗi thời.

Trở lại sự việc cụ thể là vụ xử án ba nhà sáng lập công đoàn Tự do: Tại sao họ lãnh án nặng đến như vậy? Phải chăng đây là cơn bốc đồng của một ông quan toà tỉnh lẻ vì bị vợ cắm sừng hay mắc chứng táo bón trầm kha nên trút nỗi oán hơn lên đầu kẻ khác, hoặc phải chăng đây là sự nhầm lẫn do lơ là, do vô ý, và một khi đã nhỡ nhầm thì các quan lớn không muốn rút lại lời?... 

Tôi không tin vào những chuyện cắc cớ như vậy cho dù chúng vẫn thường xẩy ra trong cuộc đời. Đối với người cầm quyền Hà Nội, án của ba thanh niên sáng lập công đoàn tự do kia là xứng với tội danh của họ, thậm chí còn quá nhẹ. Nếu không e ngại sự phản ứng dội vào từ phía ngoài biên giới, ắt các án này còn cộng thêm nhiều năm cấm cố nếu chẳng phải là chung thân. 

Hơn tất cả các thứ đảng phái đối lập, hơn mọi lời tuyên bố hùng hồn, văn vẻ của các bậc mũ cao áo dài, ba kẻ bình dân kia mới thực sự là mối đe doạ của họ, mối đe doạ sờ thấy được, ngửi thấy được, hình dung được một cách rõ ràng, mối đe doạ xác lập trên các nghiệm sinh. 

Nghiệm sinh của con người vốn là phần cốt lõi nhất trong nhận thức của họ đối với thế giới xung quanh cũng như với chính bản thân, nghiệm sinh là kiến thức trực tiếp, yếu tố thứ nhất trong cấu tạo nền, mà yếu tố thứ hai là sự tổng hoà, sự điều tiết giữa bản năng với các kiến thức mà họ thâu nhận được trong quá trình sống theo cách gián tiếp (giáo dục, học hành, trao đổi với tha nhân). 

Nếu như cuộc đời của một con người có các ngã rẽ, có các chuyển hướng căn bản thì những sự kiện trọng đại này thường xảy ra dưới áp lực của nghiệm sinh, vì lẽ các kiến thức trực tiếp luôn luôn là động năng tiên quyết điều khiển hành vi cũng như ứng xử của con người. 

Nhà cầm quyền Hà Nội sợ hãi ba thanh niên đứng lên cầm ngọn cờ của những người lao động bởi vì ba người này là vọng âm, là hình ảnh phản chiếu, là bản sao lại của chính bản thân họ vào những năm tiền khởi nghĩa, những năm mà “quốc tế ca của những người lao động” vang vọng khắp nửa địa cầu:

Vùng lên, hỡi các nô lệ của thế gian, 
Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần hàn,
Đấu tranh này là trận cuối cùng...


Nói cho rõ ràng hơn, có thể ví hai chàng trai và cô gái đứng sau vành móng ngựa của toà án tỉnh Trà Vinh ngày hôm nay như đoạn phim chiếu lại hình ảnh người cộng sản những năm cuối thập kỉ 30 sang thập kỉ 40 khi họ đứng sau vành móng ngựa của các toà án thực dân, khi họ sôi sục nhiệt tình cách mạng và sẵn sàng quên mình vì độc lập của dân tộc. 

Do tinh thần hy sinh và lòng can đảm cộng với các ưu thế đương thời, người cộng sản đã thành công trong khi rất nhiều chàng trai yêu nước dấn thân vào các xu thế chính trị khác, cũng đầy lòng hy sinh và thừa dũng khí, nhưng không đi đến được thắng lợi cuối cùng. 

Hãy nhắc tên Nguyễn thái Học như biểu tượng của lớp người này, dù không đạt được vinh quang, nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc và bất cứ người Việt yêu nước nào cũng phải xây trong tim mình một đài tưởng niệm cho những anh hùng bất đắc chí. 

Như thế, chính quyền cộng sản được dựng lên ngày 02/09/1945. Từ năm 1945 đến nay hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, các chàng trai cộng sản năm ấy giờ ở đâu? Họ là ai? 

Đương nhiên, nói theo nghĩa xác thực thì rất nhiều người trong số họ đã qua đời. Những người còn lại như ông Đỗ Mười, ông Lê Đức Anh và một số khác đã trở thành các tù trưởng bộ lạc, các lão trượng ngồi trên đống vàng, con cháu họ hàng của họ đoàn đoàn lũ lũ lúc nhúc chia nhau cầm nắm các vị trí then chốt, các rường cột của quốc gia, chia chác nhau các mối lời béo bở, tha hồ đục khoét ngân khố, đương nhiên thụ hưởng toàn bộ lợi quyền mà hàng chục triệu người dân Việt nam đã đổ xương đổ máu để giành lấy. Vậy thì bài ca “quốc tế lao động” khi dịch lời sang tiếng Việt đã ứng nghiệm một trăm phần trăm câu hát này:

Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình!

BAO NHIÊU LỢI QUYỀN ẮT QUA TAY MÌNH!

Đó là một ước muốn mãnh liệt nhưng kém phần phần thuận lý và hoàn toàn thiếu vắng tinh thần cao thượng.

Năm 1988, khi nói chuyện tại câu lạc bộ Trí thức Sài gòn, tôi đã chỉ ra đích danh câu hát này, nó phản chiếu một cách vô thức chí hướng cũng như tâm tư những người cộng sản Việt Nam mà ở đó, toát ra một cách không thể che giấu, lòng tham vô độ cũng như khát vọng thống trị tuyệt đối. 

Trong bất cứ xã hội nào, khi một nhóm người đã chủ tâm thâu tóm toàn bộ lợi quyền vào tay mình thì xã hội đó ắt không thể tồn tại lâu dài bởi vì từ cổ chí kim, xã hội nào cũng hình thành trên sự cộng sinh, sự cộng sinh đòi hỏi sự tồn tại cùng một lần nhiều lớp người khác biệt và do đó phải có một đường lối chính trị thích hợp để cho mọi công dân đều có quyền lao động, sống, thụ hưởng cũng như có cơ hội phát triển. Điều này ở phương Tây người ta gọi là “Bình đẳng về cơ may cho mọi người”, còn ở nước Việt trong các triều đình thịnh vượng trước đây, tinh thần đó được phản chiếu một cách nôm na trong câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nếu kẻ cầm quyền chỉ nghĩ đến mối lời của chính họ, ắt những nhóm người khác sẽ bị đẩy sang bên lề, bị tước đoạt, bị bần cùng hoá, nô lệ hoá, chịu đựng sự nhục mạ và nỗi đau khổ với các phương thức khác biệt, và như thế, con đường khởi loạn ắt không tránh khỏi.

Đừng quên rằng chính quyền Hà Nội hình thành được là nhờ ân sủng của cuộc cách mạng tháng tám. Cuộc cách mạng tháng tám thành công vì nó dựa trên hào khí của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cảm hứng chủ yếu của phong trào này là ý chí tự chủ, sự kế tục truyền thống từ các khởi nghĩa Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... 

Một nghìn năm nô lệ giặc Tầu, tiếp đến một trăm năm nô lệ giặc Tây, trong vô thức dân tộc, đó là một dòng chảy không ngưng nghỉ của một cuộc kháng chiến không ngưng nghỉ, dẫu rằng có những giai đoạn chìm trong bóng tối lặng câm của máu và nước mắt. Nếu ông Hồ chí Minh không biết bắt chước (hoặc học hỏi, nói một cách văn chương hơn) các vua xưa để đoàn kết dân chúng, làm sao có chín năm kháng chiến thành công? Nếu những người dân Việt không quên thân vì tổ quốc, làm sao có thể xẻ dọc trường sơn đi cứu nước? Các cuộc chiến tranh này chẳng là gì khác hơn sự kéo dài các cuộc chiến tranh chống xâm lăng của Trần Hưng Đạo, Lý thường Kiệt, Nguyễn Huệ Quang Trung. Chiến thắng Điện biên Phủ chẳng là một công trình duy nhất, là hiện tượng đơn lẻ trong lịch sử Việt Nam mà nó chỉ là sự thay đổi địa dư và tên gọi của các trận thuỷ chiến Bạch Đằng, của trận chiến oanh liệt trên Gò Đống Đa. 

Tuy nhiên, chế độ cộng sản Hà Nội đã núp dưới bóng ngọn cờ liềm búa, với chủ thuyết đấu tranh giai cấp của Mác như một người đàn bà Việt Nam cạo răng đen để lấy bộ răng có mầu cải mả và đổi bộ váy chùng sang chiếc quần. Phải nói rằng sự chọn lựa đó có tính định mệnh, kèm theo nó là các ưu thế tạm thời cùng những yếu tố phản động có tác hại lâu dài về mặt lịch sử. 

Số phận một dân tộc cũng giống như số phận một con người, thường bị quyết định hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nằm bên ngoài ý chí của chính họ. Vì thế, chúng ta không đặt lại vấn đề bằng những cụm từ “giả sử” hay “nếu như” bởi trong thực tiễn, các danh từ này là vô nghĩa. Điều chúng ta cần quan tâm là xã hội Việt Nam hiện nay, năm tháng này, bởi hiện tại và tương lai là các vấn đề khẩn cấp trong sinh tồn của một dân tộc. 

Nếu coi chế độ cộng sản như một thứ triều đình, để tiện so sánh với các triều đình trong quá khứ như triều Lê, triều Lý, triều Trần, thì thứ chính trị mà chính quyền Hà Nội thực thi là thứ chính trị phi nhân, bất nghĩa, tham tàn nhất trong lịch sử Việt Nam. Sáu mươi lăm năm chỉ là một chớp mắt so với vĩnh hằng, nhưng quãng thời gian đó đã bộc lộ đầy đủ quá trình thối rữa của bộ máy quyền lực mà khởi thuỷ, ra đời được là nhờ sự ủng hộ của đại bộ phận dân chúng, bởi dân chúng tin vào các tiêu chí họ nêu lên:

Một chính quyền Nhờ dân, Do dân, và Vì dân.

Kiểm lại các sự kiện, ta thấy rằng:

Nếu sau chiến tranh, vua Trần đã quăng tráp đựng hồ sơ những người cộng sự với Tầu vào lửa để xoá đi một quá khứ nô lệ, để hoà giải mọi thành phần dân tộc, để có đủ hào khí viết nên trang sử mới cho đất nước thì ngược lại, sau năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản đã bắt bớ, đàn áp, giam giữ, hành nhục hàng trăm ngàn binh sĩ của chính quyền miền Nam trong các trại tù khổng lồ, là tác nhân gây ra cuộc vượt biển tập thể chưa từng thấy trong lịch sử thế giới về mặt quy mô cũng như về tính tàn khốc.

Thuyền nhân!

Đó là danh từ độc đáo mà chính quyền Hà Nội đã sáng tạo ra. Danh từ này được dùng với một mật độ dày đặc trên các phương tiện thông tin toàn trái đất trong một quãng thời gian dài, từ những năm cuối thập kỉ 70, qua suốt thập kỉ 80, cho đến những năm đầu của thập kỉ 90. Danh từ này mô tả cuộc di dân kinh hoàng, bằng chứng sống động về tội ác của nhà nước cộng sản Việt Nam, gây phẫn nộ lẫn sự khinh bỉ một cách rộng rãi trên dư luận toàn thế giới. 

Danh từ “Thuyền nhân” sẽ mãi mãi vĩnh định trong tất cả các cuốn tự điển của nhân loại, để ghi nhận khả năng độc ác và sự man rợ của con người đối với con người, một hiện tượng được liệt kê sau các lò thiêu Do Thái của Đức và quần đảo Goulag của Nga. Ở các nước châu Âu, nơi cuộc chiến tranh chống Mỹ được nêu lên như bằng cớ về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt, thì tiếp theo đó, danh từ “Thuyền nhân” trở thành biểu tượng của thần tượng sụp đổ, của tội ác bị lộ diện, nói cách khác: mặt trái của tấm mề đay. 

Thời xưa, sau các cuộc chiến tranh khi nhân tài, vật lực hao tổn, các vua Lý vua Trần đã ban hành chính sách khuyến khích sản xuất, cổ vũ dân cầy để tu tạo lại xã tắc giang sơn, do đó triều đình của họ mới bền vững. 

Bất kể là ai, khi đã khoác long bào đều phải ghi xương khắc cốt câu “Chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”, cho nên sự vỗ về dân chúng không thời nào được lơi lỏng. Một khi triều đình quay lưng lại dân chúng, chỉ lo tham lam vơ vét cho đầy túi, chỉ lo thoả mãn lòng dục của bản thân, lúc ấy vua quan đã biến thành một lũ thú vật chỉ lo liếm láp bộ lông của chính mình, ắt giặc giã phải nổi lên khắp nơi và triều đình phải đi đến sự huỷ diệt. 

Nhìn lại thời Mạt Trần là thấy rõ. Từ ngày khởi lập nhà Trần cho đến năm Hồ Quý Ly đoạt ngôi là bao nhiêu năm tháng? Từ 1225 đến 1400 là 175 năm. Một trăm bảy mươi lăm năm dẫn từ vàng son đến tro bụi, đó là thời gian cho quá trình thối rữa. Khá ngắn ngủi so với các triều vua phương Bắc nhưng lại quá dài so với chế độ Hà Nội. 

Vào năm 1287, triều Trần tròn 62 tuổi, tướng Trần Hưng Đạo còn đủ uy tín, tài lực để làm cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Mông. Năm nay, chính quyền Hà Nội 65 tuổi, giả như bây giờ quân xâm lược kéo đến, liệu họ còn khả năng như tướng Trần Hưng Đạo năm xưa? Liệu trong đám các uỷ viên ngồi quanh bàn họp bộ chính trị, ai đủ nhân cách để đứng lên hô hào dân chúng? 

Không cần đọc tin tức và các bình phẩm trên các site Internet, bởi những người sử dụng phương tiện này đã nghiễm nhiên được coi như “bộ phận tinh hoa” của xã hội, chỉ cần lắng nghe lời đám bình dân kháo nhau nơi quán xá một cách vô cùng hài hước và chua chát cũng có thể hiểu được thái độ của họ. 

Nào là “bọn Vinashin thuộc phe thằng Dũng xỉn, chắc thằng khác muốn nhoi lên trong đại hội đảng kì tới nên lôi vụ này ra. Nếu tính đếm, còn bao nhiêu vụ Vinashin chưa bị lòi mặt?” Nào là “Con gái thằng Dũng xỉn nắm yết hầu ngành ngân hàng, liệu bố con nó có dưới hay trên một tỷ đô la?” Nào là “Đố các ông ai là tác giả vụ bô-xít ? Thằng Dũng xỉn kí nhưng kẻ giật dây lại chính là Tô Huy Rứa. Phải chăng thằng này là hậu duệ của lão Tô Định mấy ngàn năm xưa?” Nào là “Lão Nông Đức Mạnh đi đêm với bọn Tầu bao nhiêu lượt? Nghe đồn chúng nó ngầm bán đất cho Tầu lấy 5 tỷ đô la. Tất thảy các con số công bố trên báo chí đều là con số rởm”. Nào là “Trong mười năm vừa qua, mụ Trương Mỹ Heo và gia tộc nó đã cướp được bao nhiêu đất của dân cày?” Vân vân và vân vân... 

Những lời bình phẩm quanh mâm cơm, quanh ấm trà thường nhật khá đủ để đo đếm mức độ khinh bỉ của dân đen đối với kẻ cầm quyền. Như thế, so với các triều đại cũ, quá trình băng hoại của chính quyền Hà Nội xảy ra một cách quá nhanh chóng, nói cách khác, quá trình thối rữa này được tính theo cấp số luỹ thừa. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Tôi cho rằng lý do đầu tiên là sự kiêu ngạo của nhà cầm quyền Hà Nội, lòng kiêu ngạo mà chính họ tự nhận là “Lòng kiêu ngạo cộng sản”. 

Lòng kiêu ngạo cũng giống như lòng tham, làm mờ mắt con người. Mắt đã mờ thì tai cũng dễ điếc theo và trí nhớ trở nên cùn nhụt. Những người cộng sản Việt Nam mắc bệnh Alzheimer quá sớm. Họ ngửa mặt lên trời vênh vang hô không mệt mỏi “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, đinh ninh rằng đó là thành công của riêng họ

Họ đã quên rằng Điện Biên Phủ có được là nhờ hàng chục ngàn binh sĩ dũi đất, đào hầm, kéo pháo vượt núi đèo, hàng trăm ngàn dân công khắp các miền thồ lúa gạo ra tiền tuyến. Những con người này hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, đương nhiên, nhưng cũng đồng thời hy vọng vào một ngày mai tươi sáng khi khẩu hiệu “Người cày có ruộng” trở thành hiện thực. 

Kẻ cầm quyền cộng sản cũng lại quên rằng cuộc kháng chiến chống Pháp thành công là nhờ vào hàng nghìn gia đình hữu sản dốc vàng, đổ tiền nuôi tướng lẫn nuôi quân như ông bà Trịnh văn Bô, như giám đốc nhà máy in tiền Con Trâu Xanh, như bà Nguyễn Thị Năm, như cụ Cửu... 

Ông Trường Chinh cũng như đa phần các đồng chí của ông ta từng ăn mòn bát tại nhà bà Nguyễn Thị Năm, các binh đoàn liên tục đến đó đóng quân vật hết đàn bò này đến đàn lợn kia ra ngả thịt. Thế nhưng, sự thật hiển nhiên cho thấy bà Năm là người đầu tiên bị bắn trong cải cách ruộng đất cùng cụ Cử, sau đó đến lượt hàng vạn người yêu nước khác, những người móc hầu bao lấy đến đồng xu cuối cùng để mua thóc gạo, thuốc men và quần áo gửi ra chiến trường. 

Về phía những người nông dân, phần cay đắng cũng không thua kém. Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng khẩu hiệu “Người cày có ruộng” cho đến ngày hôm nay vẫn chỉ là một lời dối trá không e thẹn, và người cày, thay vì là nô điền cho chánh tổng, lý trưởng, địa chủ trở thành nô điền cho các cán bộ đảng. 

Vậy thì, đối với tầng lớp hữu sản, người cộng sản cầm quyền là lũ vô ơn, ăn cháo đái bát, còn đối với đám nông dân cùng khổ thì họ là kẻ lừa đảo trắng trợn không mảy may áy náy lương tâm. Những chiếc răng chó sói luôn luôn là răng chó sói, dù chúng sơn đen hay để trắng, kẻ tham tàn dù nói lời lẽ nào vẫn là kẻ tham tàn. Hiện thực mạnh hơn mọi thứ xảo ngôn. Lá cờ búa liềm vẫn được kéo lên mỗi kì họp đảng, nhưng liệu còn ai tin rằng những kẻ đứng giơ tay chào lá cờ này còn là những người vô sản, đang nỗ lực tranh đấu cho các giai cấp bần cùng?

Câu trả lời sẽ là: Có! Vẫn còn những người tin vào điều đó, ấy là các con bệnh tâm thần, những ai đang sống trong trại điên Trâu Quỳ, đang ở nhà thương điên Đà Nẵng, hoặc các cơ sở chữa trị tâm thần khác trên đất nước. Tóm lại, những kẻ mất trí nhớ, những kẻ đập vỡ đồng hồ từ năm Con Ngựa (1954), hoặc những người bị bệnh Down.

Đại bộ phận dân chúng đều biết các quan chức cộng sản giờ đây đang sống ra sao. Họ đang xuỳ tiền mở các resorts, tức là các khu nghỉ mát cao cấp để hứng khách nước ngoài. Họ cưỡi máy bay sang Hồng Kông để đánh bạc và chơi gái. Họ có ngân khoản khắp các nhà băng trên thế giới, từ Thụy Sỹ đến Washington, từ Singapore đến Bangkok, từ Paris sang Berlin. Con cái họ đặt mua váy cưới tại các tiệm sang nhất trên đại lộ Champs Elysées, mỗi chiếc váy giá từ 130.000 đến 210.000 euros. Vợ lớn vợ bé hoặc gái bao của họ cưỡi các loại ô tô đắt tiền, các loại xe mà những người ngoại quốc làm việc tại Hà Nội hay Sài Gòn nhìn thấy phải tái mặt. Được như vậy là vì họ đã thực hiện một cách tuyệt vời câu ca “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”!

Chỉ một câu này thôi, đủ lý giải mọi chính sách được thực thi trên đất nước từ nửa thế kỉ nay. 

Cho nên, xét trên phương diện tính thực dụng thì lá cờ liềm búa lúc này là thứ bùa hộ mệnh, tuy đã lợt mầu, nhưng vẫn còn hữu hiệu. 

Trước hết, nó được sử dụng như loại thuốc an thần để dẫn đám dân đen vào giấc ngủ, đám dân bị tước đoạt và bị lùa ra bên lề xã hội, những nông dân bị đuổi khỏi đất đai, trở thành vô gia cư, vô điền địa, chen chúc quanh các kênh rạch bẩn thỉu của Sài Gòn hoặc các khu ngoại ô Hà Nội, làm đủ thứ nghề để tồn tại, mà trong các thứ nghề bấp bênh, khốn khổ nhằm mưu sinh, nghề làm điếm, ăn cắp là không thể tránh. 

Lá cờ kia nhắc nhở một cách mơ hồ rằng các quan lớn cũng đã từng có thứ dây mơ rễ má nào đó, gần gũi họ, một thứ chủ nghĩa dân túy đặc biệt xảo quyệt và trữ tình. 

Sau nữa, lá cờ này được coi là thứ khói độc, kiểu như lựu đạn cay của cảnh sát, để làm mù mắt (dù tạm thời) những công nhân lao động đến kiệt sức để lĩnh đồng lương trên dưới một triệu đồng Việt Nam, mà tiền thuê nhà trọ, nơi họ nằm xếp hàng như những con cá hộp, cũng đã mất năm trăm hoặc sáu trăm ngàn.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng, trong nhiều trường hợp, chính trị rất giống thứ nghề cổ truyền nhất trên trái đất: Nghề làm đĩ. 

Xét trên khía cạnh bản chất của sự vật thì lá cờ búa liềm bây giờ là mảnh váy nát che đậy bộ phận sinh dục lầy lụa của những người cộng sản Việt Nam. Họ tiếp tục dùng nó dù trong thâm tâm, biết rằng tấm giẻ rách này không thể che kín thân xác họ một cách lâu dài. 

Trong thâm tâm, họ sợ. Trong thâm tâm, họ biết rằng họ dối láo và không sự dối láo nào có thể đứng vững lâu dài. Già hay trẻ, ngu hay khôn, họ đều biết rõ rằng những năm tháng này là những năm tháng cuối cùng họ chen chúc trên chuyến tầu vét, mỗi kẻ tìm cách vơ cào vơ cấu, ngõ hầu lèn đầy túi, còn tương lai đất nước, vận mệnh dân chúng, lương tâm kẻ cầm quyền, trách nhiệm trước lịch sử, những khái niệm đó đã nằm bên ngoài mối quan tâm của họ. Hoặc là, họ chưa bao giờ với tới các ý tưởng đó, chúng là thứ quá xa xỉ đối với đời sống tinh thần của họ, những kẻ đang ngụp lặn trong tiền tài và khoái lạc. Hoặc là, khi nghĩ đến những điều đó, ngay lập tức họ sẽ hiểu rằng họ là kẻ bất khả và vì lòng tự ái luôn luôn mạnh hơn lý trí, họ sẽ cố tình lãng quên. 

Nếu như trong đội ngũ quan chức, còn đôi kẻ biết giữ liêm sỉ, còn đôi kẻ biết lo âu khắc khoải cho vận mệnh non sông, những kẻ đó ắt bị vô hiệu hoá. Giữa một bầy chuột đang đục khoét, con chim sẻ lạc vào ắt bị cắn phòi ruột. Giữa đám chó sói, kẻ nào trái nòi, kẻ đó ắt bị phanh thây.

Bây giờ, để định danh giai cấp cầm quyền, ta cần lùi lại đôi bước trong quá khứ. 

Thời cách mạng tháng tám, người cộng sản tự nhận là vô sản, dù rất nhiều người trong bọn họ xuất thân từ đám tiểu quan lại hay hào lý, bởi lẽ tấm môn bài vô sản lúc ấy vô cùng hiệu lực, nó là tiếng kèn đồng vang dội nhất với âm sắc tương hợp và nhạc cảm quyến rũ, đủ sức lôi cuốn, vẫy gọi và tập hợp tuyệt đại đa số nông dân bị bần cùng dưới chế độ thống trị của thực dân. 

Những người dân cầy quả thực là động lực chủ của cuộc cách mạng này, bởi họ đã từng chứng kiến hai triệu đồng loại chết đói còng queo, xác rải dọc các con đường từ Thái Bình về Nam Định, từ Nam Định về Hà Nội, từ Thanh Hoá vào Vinh... Những xác chết này trở thành mối hù dọa đối với họ, bởi chính họ cũng sẽ có ngày gục xuống vì đói khát. 

Tóm lại, sự tuyệt vọng và cái chết rình rập người dân cầy phía trước con đường. Để tự cứu mình, chỉ còn lối thoát duy nhất là vùng lên chiến đấu, lối thoát này được hình thành trong ngõ cụt, trong cơn tuyệt vọng của một đám đông. Đám đông ấy đã đi theo cách mạng để phá kho thóc, cứu đói, và cướp chính quyền. Trong con mắt dân chúng, người cộng sản lúc ấy thực sự là các anh hùng bởi họ đáp ứng một cách chính xác các khát vọng của một dân tộc nô lệ và đói khổ. 

“Những anh hùng năm xưa, những người cầm cờ đỏ sao vàng vẫy gọi dân chúng làm cuộc cách mạng tháng Tám, giờ họ ở đâu? ”

Chúng ta cần lặp lại câu hỏi này vì điệp khúc bao giờ cũng là phần dễ nhớ nhất trong một bài hát. Câu trả lời sẽ là: Tuyệt đại đa số các chàng trai cộng sản năm xưa đã nằm trong nghĩa trang Mai Dịch. Còn người cộng sản bây giờ thực sự là các nhà tư sản đỏ, giai cấp tư sản được hình thành một cách đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt nên chưa từ điển bách khoa nào trên thế giới tìm được định danh. 

Giai cấp tư sản này được xác lập theo cách “truyền ngôi”, nói nôm na là được thâu tóm các vị trí quan trọng của guồng máy quốc gia một cách vô điều kiện để làm giầu, và quá trình làm giầu của họ được đặt trên các ưu thế tuyệt đối do quyền lực. 

Tác giả Dương Thu Hương
Nguồn: i.telegraph.co.uk

Lấy một ví dụ cụ thể, nếu như trước cách mạng, ông Đỗ Mười dắt lợn rong qua các làng cho lợn nhẩy, hành nghề thiến lợn làm kế mưu sinh, thì con rể ông từ những năm cuối thập kỉ 80 đã trở thành chủ khách sạn Bảo Sơn. Để cho khách sạn này làm ăn thuận tiện, nhà nước đã mở đại lộ Nguyễn Chí Thanh, con đường được coi là đẹp nhất Hà Nội. 

Chắc chắn không có gia đình tư sản nào ở Pháp được hưởng một thứ ân sủng hoàng gia theo kiểu đó. Điều này chỉ có thể xảy ra (dẫu rằng hiếm hoi) dưới các triều đại trước cách mạng tư sản, khi giai cấp quý tộc còn trong thời vàng son. 

Hiện tượng sử dụng tài sản quốc gia vào mục tiêu kiếm lợi cho cá nhân được coi như đương nhiên và phổ biến trong chính quyền Hà Nội. Dưới các hình thức khác nhau, hiện tượng này xảy ra trên khắp các lĩnh vực, từ các vụ mua bán khí giới cho quân đội đến các vụ đấu thầu những công trình quốc gia như cầu, đường, điện lực, từ thương mại cho đến công, nông nghiệp, từ các hoạt động văn hoá, giáo dục cho đến các nghề nghiệp phục vụ khác. 

© DCVOnline