Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Sao Tây - tù ta... Mới hôm qua, ở nước "tây", đứng trên sân khấu để nhận giải thưởng quốc tế cao quí, sau khi trở về nhà, thì trở thành thằng tù ở ta!

Bắt Bùi Chát là bịt miệng nhóm Mở Miệng. Liệu có được không?

Vài nét về nhà xuất bản Giấy Vụn

Việc nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập và điều hành nhà xuất bản Giấy Vụn tại Sài Gòn, được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, viết tắt là IPA) chọn để trao giải Tự Do Xuất bản năm 2011, một lần nữa, khẳng định tầm vóc và ảnh hưởng lớn lao của nhà xuất bản ngoài luồng này.

 


Nhà thơ Bùi Chát

 

Thật ra, ở Việt Nam hiện nay có không ít nhà xuất bản ngoài luồng. Được biết nhiều nhất là các nhà xuất bản: Cửa của họa sĩ Trịnh Cung và nhà văn Nguyễn Viện, Lề Bên Trái của nhà văn Đào Hiếu, Tùy Tiện của nhà thơ Bỉm, Minh Châu của nhà thơ Đoàn Minh Châu, Da Vàng của nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tân, Một Mình của nhà văn Cung Tích Biền, Mũi Tên của nhà thơ Liêu Thái, v.v… Tuy nhiên, thứ nhất, tất cả các nhà xuất bản này đều xuất hiện sau Giấy Vụn; và thứ hai, thường chỉ để tự xuất bản sách của người sáng lập, do đó, số lượng đầu sách rất hiếm, có khi chỉ có một, họa hoằn hơn mới có nhà xuất bản in được năm ba cuốn. Là hết.

 

Giấy Vụn, ngược lại, có quy mô lớn hơn hẳn. Có lẽ lớn nhất trong tất cả các nhà xuất bản chui ở Việt Nam từ trước đến nay.

 

Bắt đầu hoạt động từ năm 2002, với đứa con đầu lòng là tập thơ Vòng tròn sáu mặt của sáu tác giả (Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Trần Văn Hiến, Hoàng Long và Nguyễn Quán), đến nay, Giấy Vụn đã in được gần 30 đầu sách. Nhiều nhất là thơ, đặc biệt của các nhà thơ trong nhóm Mở Miệng (chủ yếu bao gồm hai người: Lý Đợi và Bùi Chát; giai đoạn đầu còn có sự tham gia, với mức độ vừa phải, của Khúc Duy và Nguyễn Quán) và những người đồng thanh tương ứng với họ, kể cả một nhà thơ nổi tiếng ở hải ngoại: Đinh Linh (với tập Lĩnh đinh chích khoái, xuất bản năm 2007). Hai nhà thơ có tác phẩm được xuất bản nhiều nhất cũng là hai người đứng đầu nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn: Lý Đợi (ba cuốn: Bảy biến tấu con nhện, 2003;Trường chay thịt chó, 2005; Khi kẻ thù ta buồn ngủ / When our enemy falls asleep – thơ song ngữ Anh Việt, 2010) và Bùi Chát (năm cuốn: Xáo chộn chong ngày, 2003;  Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn], 2004;  Tháng tư gãy súng, 2005; Xin lỗi chịu hổng nổi, 2007; và Bài thơ một vần/One-rhyme poems – thơ song ngữ Anh Việt, 2009) (1). Ngoài thơ sáng tác, Giấy Vụn còn in một số tác phẩm văn xuôi (như Lĩnh nam tạp lục của Vương Văn Quang, 2005; Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ, 2007; Lạc đường của Đào Hiếu, 2008; Viết của Bùi Hoàng Vị, 2011) và một số tác phẩm dịch, trong đó, đáng kể nhất là cuốn Trại súc vật của George Orwell (do Phạm Minh Ngọc dịch, 2010) và Việt Nam – hành trình một dân tộc của Philippe Papin (do Nguyễn Khánh Long dịch, 2011).

 

Không những in nhiều và có tính đa thể loại, Giấy Vụn dường như có tham vọng tự khẳng định mình như một nhà xuất bản chuyên nghiệp đường đường chính chính dù, dĩ nhiên, không được giấy phép của chính phủ Việt Nam. Tham vọng ấy thể hiện rõ ở cách trình bày sách của họ. Cuốn nào cũng cung cấp đầy đủ các thông tin thường thấy trên sách chính thức và chính thống, như: nhóm chủ trương (Mở Miệng), người chịu trách nhiệm xuất bản (thường là Bùi Chát), người phát hành (thường là Lý Đợi), người trình bày bìa, người đọc lại bản thảo, hình thức in (thường là photocopy), năm tháng phát hành, bản quyền (thường thuộc tác giả và nhà xuất bản Giấy Vụn), và cuối cùng, nơi nộp lưu chiểu (thường được ghi một cách đầy vẻ trang trọng: “nộp bản lưu cho tổ lưu trữ La Hán Phòng” – La Hán Phòng, thật ra, chỉ là căn phòng nhỏ xíu nơi hai nhà thơ Lý Đợi và Bùi Chát ở trọ!).

 

Những thông tin ấy cho thấy: Giấy Vụn là một nhà xuất bản chui nhưng không lén. Họ hoạt động công khai và sẵn sàng chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình.

 

Điều này cũng cho thấy một đặc điểm khác của Giấy Vụn: Họ có chủ trương rõ ràng và rất dứt khoát. Người khác có thể tự lập nhà xuất bản để in tác phẩm của chính mình như một trò đùa. Cho vui. Một lần rồi thôi. Với họ, tác phẩm là chính; cái gọi là nhà xuất bản chỉ là phụ. Giấy Vụn, ngược lại, có hẳn một lập trường riêng.

 

Lập trường về chính trị: từ chối, thậm chí, thách thức lại sự kiểm duyệt của nhà nước để tự hiện hữu như một đối trọng của hệ thống xuất bản chính thống do nhà nước kiểm soát từ đầu đến cuối. Ừ, nhà nước có nhà xuất bản; họ cũng có nhà xuất bản. Ừ, sách do nhà nước xuất bản có người chịu trách nhiệm, có bản quyền, có ngày và nơi nộp lưu chiểu; họ cũng có tất cả những thứ ấy. Lập trường ấy được Bùi Chát tóm tắt khi nói về nhóm Mở Miệng: “Mở Miệng trước hết là một thái độ phản ứng lại lối sinh hoạt máy móc của 1 cơ chế văn nghệ hết sức suy đồi, sau nữa là cách làm nghệ thuật của những người mang tinh thần tự do.”

 

Ngoài ra, Giấy Vụn còn có lập trường về nghệ thuật. Ở nhiều cuốn sách, dưới tên nhà xuất bản Giấy Vụn, có dòng chữ: “Cơ quan xuất bản chính yếu của văn chương vỉa hè”. Riêng sách của Bùi Chát và Lý Đợi thì thường có thêm các phụ đề: “thơ rác”, “thơ dơ”, hoặc “thơ nghĩa địa”. Những từ “vỉa hè’, “rác” hoặc “nghĩa địa” được dùng như những bổ ngữ của “thơ” hoặc “văn chương” như thế gắn liền với những chủ trương nghệ thuật vốn được nhóm Mở Miệng công khai tuyên bố từ lâu. Nói như Lý Đợi, họ “không muốn lệ thuộc vào hệ quy chiếu của những quan niệm” hiện đại hay lãng mạn vốn rất phổ biến và còn giữ vai trò thống trị, gần như độc tôn, ở Việt Nam. Với họ, “thơ nhiều khi chỉ là chuyện gây hấn, một chút hài hước, một cú sốc nhận thức, thậm chí là một trò đùa vui nơi bàn nhậu, chẳng kém phần nhảm nhí.”

 

Lập trường về nghệ thuật của nhóm Mở Miệng là một vấn đề thú vị nhưng hết sức phức tạp. Nó đã được nhiều người phân tích (2). Tôi xin tạm gác vấn đề này vào một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên một nhận định: Sách của nhà xuất bản Giấy Vụn, nói chung, bao giờ cũng có chất lượng thật cao.

 

Trước hết, về hình thức: dù chỉ xuất bản dưới hình thức photocopy và được đóng tập một cách rất ư thủ công, nhưng cuốn sách nào của Giấy Vụn cũng đẹp. Đẹp từ cách trình bày bìa đến cách chọn giấy, chọn phông chữ và chọn tranh minh họa. Giới thiệu tập thơ Bài thơ một vần (One-rhyme Poems)của Bùi Chát do Giấy Vụn xuất bản, blogger Nhị Linh (tức dịch giả Cao Việt Dũng) nhận định: “một quyển sách đủ đẹp để làm ghen tị toàn bộ hệ thống xuất bản Việt Nam từ trong nước đến ngoài nước, từ chính thống đến ngoài luồng.” Rồi anh viết thêm: “Dường như Bùi Chát và Giấy Vụn làm được một điều cực kỳ khó trong in sách: chỉ in những gì thật đẹp.”

 

Sách của Giấy Vụn còn có chất lượng cao ở nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật thơ: Tập thơ nào cũng thể hiện, ở góc độ nào đó và với mức độ nào đó, một nỗ lực khám phá và sáng tạo. Riêng của Lý Đợi và Bùi Chát thì có khá nhiều bài đặc sắc và gây tranh luận, có khi khá dữ dội, trên nhiều diễn đàn khác nhau.

 

In nhiều và in đẹp; phần lớn chỉ in sách hay và táo bạo về cả ngôn ngữ lẫn nghệ thuật và tư tưởng, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Giấy Vụn, trong gần mười năm qua, đã có nhiều ảnh hưởng và gây được một tiếng vang rất lớn.

Ảnh hưởng trong sinh hoạt: Nó khuyến khích, hoặc nếu không, cũng gợi hứng và gợi ý cho một loạt các nhà xuất bản chui khác. Ảnh hưởng trong thái độ: cổ vũ việc thẳng thắn từ chối thỏa hiệp với kiểm duyệt và hệ thống xuất bản giáo điều của nhà nước. Ảnh hưởng trong tư tưởng mỹ học: chủ trương một lối thơ ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại vốn ngờ vực các đại tự sự, các biểu tượng và ẩn dụ cổ điển, tính chất trữ tình hay ý niệm về cái “tôi” cũng như các quy phạm truyền thống về cái gọi là “thơ” hay “ngôn ngữ thơ”, đề cao các thủ pháp lắp ráp, nhại và giễu nhại trong sáng tác, v.v...

 

Còn tiếng vang?

 

Thì đã rõ. Ở Việt Nam, từ trước đến nay, không hề có nhà xuất bản chui nào nổi tiếng như Giấy Vụn cả. Chui, nhưng nó lại được nhiều người, ít nhất trong giới cầm bút, biết và nhắc nhở không thua kém các nhà xuất bản công khai và chính thức.

 

Tiếng vang của Giấy Vụn còn tràn cả ra ngoài biên giới Việt Nam. Ở đoạn mở đầu bài này, tôi có viết: “Việc nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập và điều hành nhà xuất bản Giấy Vụn tại Sài Gòn, được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, viết tắt là IPA) chọn để trao giải Tự Do Xuất bản năm 2011, một lần nữa, khẳng định tầm vóc và ảnh hưởng lớn lao của nhà xuất bản ngoài luồng này.” Nói “một lần nữa” là nói: việc khẳng định ấy đã có rồi. Trong quá khứ.

 

Ít nhất là hai lần: Một lần, vào năm 2008, khi Bùi Chát, đại diện nhà xuất bản Giấy Vụn, được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế mời tham dự Đại hội thứ 28 được tổ chức tại Seoul trong ba ngày, từ 12 đến 15 tháng 5, với nhiều tên tuổi lớn khác như Orhan Pamuk (Nobel Văn học năm 2006), Yoshinobu Noma (Phó chủ tịch Bộ xuất bản Nhật bản), Sheila Copps (Nguyên Phó Thủ tướng Canada), và Eugene Schoulgin (Thư ký Hội văn bút Quốc tế), v.v... Lần thứ hai, Bùi Chát, cũng đại diện cho nhà xuất bản Giấy Vụn, được Trung tâm văn học Literaturwerkstatt tại Berlin, dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Đức, mời “giao lưu” với đồng nghiệp quốc tế cũng như với độc giả tại Đức.

 

Lần này, với giải thưởng Tự Do Xuất Bản năm 2011, là lần khẳng định thứ ba: công việc thầm lặng nhưng đầy dũng cảm của nhà xuất bản Giấy Vụn đã được thế giới ghi nhận.

 

 

Nguyễn Hưng Quốc

 

***

Chú thích:

 

1. Không kể các tập thơ họ in chung với những người khác.

2. Ví dụ hai bài viết “Vài nhận định về nhóm Mở Miệng” và “Tản mạn đôi chút với bài thơ ‘Vô địch’ của Bùi Chát” của Như Huy;  đặc biệt bài “‘Ta, một công dân ô nhục bậc nhất, một thánh nhân nát rượu…’ — Thơ và Lề trong xã hội Việt Nam đương đại” của Đoàn Cầm Thi trên Tiền Vệ.

Blogger Thiên Sầu - Ngô Thanh Tú được thả sau 6 ngày giam giữ

danlambao - Tin cho biết, hôm nay, 30/04, Blogger Ngô Thanh Tú (Thiên Sầu) đã được cho về nhà sau 6 ngày giam giữ trái pháp luật. Theo mô tả, blogger này ra khỏi nơi giam giữ trong tình trạng "gầy đi rất nhiều, mặt mày hốc hác"

Trước đó, vào sáng ngày 25/04, Blogger Ngô Thanh Tú đã bị Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất ngăn cản không cho suất cảnh đi Thái Lan du lịch. Sau đó anh tiếp tục bị an ninh TP HCM lén lút giam giữ nhiều ngày tại số 4 Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) mà không thông báo cho gia đình.

Trong thời gian Thiên Sầu bị tạm giam, nhiều bạn bè của Blogger này cũng đã bị Công an gọi lên tra hỏi, hạch sách. Hôm 28/04, trang mạng DCVOnline cho biết, sau nhiều lần cố gắng gọi vào số máy của Tú thì tình cờ nghe được cuộc tra hỏi của cơ quan CA với anh. Giọng của viên công an nghe rất gay gắt, tức giận, xưng hô “mày”, “tao” với blogger này,  hậm hực đe dọa cho Thanh Tú vào tù vì “mày rất bố láo, mày không khai thật, không khai gì cả”. Sau đấy thì điện thoại bị tắt.

Theo RFI, trong suốt thời gian bị tạm giam, công an chủ yếu đã tra hỏi blogger này về mối liên hệ với nhà thơ Bùi Chát, người vừa được trao giải thưởng tự do xuất bản của Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế vào đầu tuần này tại Buenos Aires

Ngô Thanh Tú là thành viên của CLB Nhà Báo Tự Do, anh từng là một blogger khá nổi tiếng với nickname Thiên Sầu. 3 năm trở lại đây, hầu hết các thành viên CLB Nhà Báo Tự Do đều bị trấn áp hết sức khốc liệt, thậm chí có trường hợp bị bỏ tù như trường hợp Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn hải và AnhBaSG Phan Thanh Hải.

Trước những sách nhiễu của công an, Thiên Sầu bị đuổi học, nhiều lần bị đuổi ra khỏi nơi thuê nhà. Vì vậy mà anh đã phải ngưng blog một thời gian.  Gần đây, Ngô Thanh Tú xuất hiện trở lại với một trang facebook mang tên "Tào Lao".

Lúc 5 giờ chiều nay, 30/04, Blogger Ngô Thanh Tú đã xuất hiện & trao đổi với bạn bè trên facebook của mình

Kính Mừng Chân phước Gioan Phao lô II (1.5.2011) http://nhanam.multiply.com/journal/item/621/621

Tinh thần «chí nhân thay cường bạo» của Chân phước Gioan Phao Lồ II

Tú Anh

Năm năm sau ngày từ giã cõi đời, Cố Giáo hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị được phong Á thánh vào ngày chủ nhật 1/5/11 sắp tới. Với tinh thần khoan hòa, với lời nói có sức thu hút người đối thoại và quần chúng, lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ năm 1978 đến năm 2005 đã ghi dấu thế kỷ 20 với công lao làm sụp đổ chế độ cộng sản vào cuối thập niên 1980, xóa tan chiến tranh lạnh bao trùm thế giới suốt nửa thế kỷ.

Vào lúc tín đồ Công giáo trên thế giới đón chờ ngày phong Chân phước cho vị Giáo hoàng mà họ hằng yêu kính, các hãng thông tấn quốc tế nhấn mạnh đến vai trò của then chốt của nhân vật lịch sử người Ba Lan mà hầu như ai cũng công nhận công đầu trong việc xóa bỏ chiến tranh lạnh, hệ quả của bức màn sắt do chế độ Stalin dựng lên chia cắt con người tại châu Âu.

AFP nhắc lại, từ thời thơ ấu cho đến khi lãnh đạo Tòa thánh La Mã, cuộc đời của linh mục Karol Wojtila, người Ba Lan đầu tiên được bầu làm Giáo hoàng của Giáo hội Hoàn vũ, đã kinh qua nhiều biến động của lịch sử. Ngài đã vượt qua Thế chiến thứ hai, thành công trong việc đương đầu với hai chế độ độc tài tàn bạo nhất thế giới là Đức Quốc Xã và Cộng Sản . Ngài góp phần vào cuộc tranh đấu cam go của Công đoàn Đoàn Kết của Ba Lan, dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin mang lại tự do cho Đông Âu.

Nhưng cả hai chủ thuyết cộng sản man rợ và tư bản rừng rú đều bị Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ Nhị lúc sinh thời xem là kẻ thù của loài người.

Nhưng điều nổi bật ở Ngài và có lẽ cũng là một trong những lý do làm cho Ngài được mọi người kính phục, đó là tinh thần nhân ái. Vũ khí của Ngài là lòng « dũng cảm , không sợ hãi » để làm thay đổi định mệnh. Dù là trong hoàn cảnh xấu nhất cũng không đánh mất hy vọng.

Từ Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, đến Chủ tịch Cuba, Fidel Castro đều công khai tỏ lòng yêu kính Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lồ đệ Nhị.

Đại tướng Jaruzelski, người ban hành tình trạng thiết quân luật tại Ba Lan và quản thúc lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết, Tổng thống tương lai Ba Lan, sau này đã phải thừa nhận : thông điệp « Đừng khiếp sợ, hãy thay đổi bộ mặt thế giới » đã góp phần làm sụp đổ thẻ bài domino đầu tiên và đánh sập chế độ xô viết.

Cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa cũng công nhận sức mạnh của tinh thần “không sợ hãi”. Ông kể lại, trước khi linh mục Karol Wojtila lên làm Giáo hoàng thì phong trào Công đoàn độc lập vỏn vẹn chỉ có độ 50 thành viên. Đúng là « nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm ».

Nhưng chỉ 16 tháng sau, lực lượng Công đoàn độc lập tăng từ 50 thành viên nòng cốt lên 10 triệu thành viên. Một sớm một chiều hàng triệu người hết sợ xe tăng, công an, quân đội đàn áp. Hệ quả « trúc chẻ ngói tan » thì mọi người đã biết.

Cùng nhận định này, giáo sư bang giao quốc tế Lê Đình Thông và cũng là một tín hữu Công giáo tại Paris đã mượn một câu bất hủ trong Bình Ngô Đại Cáo để mô tả đức độ của Cố Giáo hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị : lấy chí nhân thay cường bạo…

Để tìm hiểu thêm về con người của vị tân Chân phước của Giáo hội Công giáo, Ngài đã sống ra sao, công đức làm thay đổi địa lý chính trị thế giới hư thực như thế nào, và thông điệp của Ngài đối với Việt Nam mà lúc còn tại thế từng xem là quê hương nhưng không được đặt chân đến, RFI đặt câu hỏi với giáo sư Lê Đình Thông, đại học Paris-Nanterre.

Giáo sư Lê Đình Thông : «Để trả lời câu hỏi Ngài đã sống như thế nào tôi xin mượn câu "Lấy chí nhân mà thay cường bạo, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn... " mà Nguyễn Trãi đã nói vào năm 1427…Ngài có góp phần làm sụp chế độ cộng sản… nhưng cũng phần khác , theo nhận định của linh mục Chân Tín thì chế độ cộng sản phải sụp đổ do chính những nhược điểm của nó, vì cách đối xử tàn tệ của nó… »

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110428-tinh-than-%C2%AB-chi-nhan-thay-cuong-bao-%C2%BB-cua-chan-phuoc-gioan-phao-lo-de-nhi

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

BBC: Một blogger bị tạm giữ để điều tra?

Có tin Ngô Thanh Tú, tức blogger Thiên Sầu, đang bị tạm giữ để điều tra ở TP Hồ Chí Minh sau khi không được phép xuất cảnh.

BBC đã tìm cách liên lạc với blogger này trong hai ngày hôm nay, nhưng không được.

Hôm thứ Năm, một bạn hữu của Thiên Sầu cho hay anh đang bị công an "tạm giữ". Tuy nhiên thứ Sáu 29/04, em trai của blogger, Ngô Thanh Hận Trường, nói với BBC rằng hiện vẫn "chưa có tin tức gì của anh Tú".

Anh Trường cho biết khi anh lên cơ quan an ninh điều tra tại số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, để hỏi tin tức anh trai thì được trả lời là họ "không biết gì về trường hợp của Ngô Thanh Tú".

"Chúng tôi rất lo lắng, không hiểu tình hình anh Tú ra sao và nhất là không biết cách nào để có thông tin về anh ấy."

Trong khi đó, một người bạn của Ngô Thanh Tú cho hay anh đã được tiếp xúc với blogger này vào chiều hôm trước đó.

Chiều thứ Năm 28/04, người bạn này đã được gọi đến Trụ sở Công an phường 2, quận Bình Thạnh, để làm thủ tục bảo lãnh cho blogger Thiên Sầu.

Tuy nhiên, anh cho biết sau một tiếng rưỡi đồng hồ làm việc, "một số cán bộ mặc thường phục nói với tôi rằng tôi không đủ điều kiện để bảo lãnh cho Thiên Sầu".

"Có được nhìn thấy Thiên Sầu ở bên ngoài, trông gầy rạc và hốc hác."

Cũng theo người bạn, blogger này theo kế hoạch đáng ra đã lên đường đi Thái Lan du lịch hôm 25/04 nhưng bị chặn lại ở sân bay và bị giữ từ đó tới nay.

Nhà báo Tự do

Hiện tại bạn bè và người thân cho hay chỉ có thể liên lạc với blogger Thiên Sầu qua điện thoại di động, nhưng điện thoại chỉ đổ chuông mà không ai nhấc máy.

Blogger Thiên Sầu, tên thật Ngô Thanh Tú, sinh năm 1982.

Anh là một trong các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do từ khi câu lạc bộ này được thành lập, với nhiều bài viết đăng trên internet về tình hình xã hội Việt Nam.

Blogger Thiên Sầu cũng từng tham gia biểu tình phản đối chính sách của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.

Em trai blogger Thiên Sầu nói mẹ anh bị bệnh tim do vậy "chưa cho cha mẹ biết chuyện" anh trai mình "mất tích".

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/04/110429_blogger_harassed.shtml

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Ủy ban tôn giáo Hoa Kỳ muốn trừng phạt VN

Việt Nam bị cáo buộc trấn áp các cá nhân và tổ chức tôn giáo

Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ ra báo cáo năm 2011 và khuyến cáo đưa Việt Nam vào danh sách cần quan tâm đặc biệt hay còn gọi là CPC.

Ngoài Việt Nam, danh sách 14 nước mà ủy ban muốn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt vào dạng CPC còn có Trung Quốc, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Iran, Iraq và Ai Cập.

Ủy ban đã nhiều lần muốn chính quyền Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách này kể từ khi Hà Nội được Bộ Ngoại giao bỏ Hà Nội khỏi danh sách hồi năm 2006 nhưng đều bất thành.

Trong  báo cáo năm nay, ủy ban nói:

"Chính quyền Việt Nam tiếp tục kiểm soát các cộng đồng tôn giáo, hạn chế nghiêm trọng và trừng phạt việc hành đạo độc lập và trấn áp tàn bạo các cá nhân và các nhóm được coi là thách thức chính quyền."

Mặc dù vậy báo cáo thừa nhận các hoạt động tôn giáo "tiếp tục phát triển" ở Việt Nam và chính phủ Hà Nội đã đưa ra "những thay đổi quan trọng" trong thập niên qua trước sự theo dõi của quốc tế và sau khi bị đưa vào danh sách CPC hồi năm 2004.

'Lạm dụng'

Ủy ban Tôn giáo đưa ra một danh sách dài những lý do mà họ muốn bà Hillary Clinton đưa Việt Nam vào lại CPC.

Đó là việc kết án tù hay bắt bớ người dân vì các lý do liên quan tới các hoạt động tôn giáo hay đòi tự do tôn giáo.

Ủy ban nói cảnh sát và các quan chức chính phủ không chịu trách nhiệm về các hành vi lạm dụng của họ đối trong các vụ trấn áp công dân.

Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc của Hoa Kỳ trong lĩnh vực tôn giáo và nói người dân Việt Nam được hưởng quyền tự do tôn giáo, tự do hành đạo.

Hà Nội bị cho vào danh sách CPC hồi năm 2004 và thoát khỏi danh sách hồi cuối năm 2006, trước khi Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tới Hà Nội dự hội nghị APEC.

Khi đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Việt Nam đã có "tiến bộ" về tự do tôn giáo.

Danh sách CPC của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường đi kèm theo các trừng phạt về tài chính hay quân sự.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/04/110428_viet_religion.shtml

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

“Một thế giới tốt đẹp hơn cần phải có nhiều hơn những người đàn ông và đàn bà tự do đi trên con đường của Bùi Chát và những đồng nghiệp ở Nga, Iran, Zimbabwe, Tunisia, những người trước kia đã nhận cùng vinh dự kiệt xuất này [*] ... Những điển hình tuyệt vời có thể khởi động sức mạnh cho những tâm hồn yếu đuối...” José Claudio Escribano

Công an Phú: Bây giờ chỉ có em mới cứu được chồng em thôi à./ Tại vì anh thích cái gì không được thì anh đòi cái đó!/ …Gặp mấy chỗ đó không có được, đi vô khách sạn gặp. http://nhanam.multiply.com/journal/item/618/618

Công an điện thoại “gạ” tình vợ nạn nhân?

Chiều 27-4, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ nạn nhân Nguyễn Công Nhựt - người chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương (Báo Người Lao Động ngày 27-4 đã thông tin), cho biết anh Nhựt đã được chôn cất tại quê nhà (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Trước đó, chiều 26-4, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng đã  khám nghiệm tử thi anh Nhựt.
 
Đám tang của anh Nguyễn Công Nhựt. Ảnh: MINH SƠN

“Em rất sợ bị trả thù”

Sau khi chôn cất chồng, chị Tuyền rời khỏi Tiền Giang. Ngay tức khắc, chị cung cấp qua email cho phóng viên Báo Người Lao Động hai đoạn băng ghi âm hai cuộc điện thoại giữa chị và một người đàn ông tự xưng tên Phú. Theo chị Tuyền, hai đoạn băng này được chị ghi lại khi chồng chị đang bị tạm giữ ở Công an huyện Bến Cát. Nội dung chủ yếu là ông Phú gạ gẫm chị vào khách sạn với ông ta. 

Chị Tuyền nói: “Khi công bố đoạn băng này, em rất sợ bị trả thù. Vì vậy em không ở Bến Cát nữa mà đang ở chỗ bí mật”. Chị cũng cho biết thêm trước khi cung cấp hai đoạn băng cho báo chí, chị cũng đã kịp copy và lưu trữ nhiều nơi.

Hiện gia đình nạn nhân đã liên hệ với luật sư nhờ tư vấn những bước đi tiếp theo nhằm thúc đẩy việc làm sáng tỏ cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt. 
 
Công an sẽ trả lời chính thức
 
Chiều cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã  trao đổi qua điện thoại với ông Phạm Xuân Trường, quyền Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, về nội dung của hai đoạn băng trên. Ông Trường cho biết hôm nay (28-4) sẽ tiếp phóng viên Báo Người Lao Động và tiếp nhận đoạn ghi âm để phục vụ công tác điều tra.
 
Ông Trường khẳng định sẽ xin ý kiến lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương để trả lời báo chí một cách chính thức về vụ việc. Chiều cùng ngày, chúng tôi cũng đã liên hệ với Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, tuy nhiên Thiếu tướng Đức từ chối trả lời qua điện thoại. Chúng tôi cũng đã liên lạc với nhân vật tên Phú từ số điện thoại do chị Tuyền cung cấp, sau khi nghe chúng tôi trình bày về đoạn băng ghi âm thì ông Phú cúp máy.
 
Chị Tuyền cho biết hiện chị vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía cơ quan chức năng về nguyên nhân cái chết của chồng. Ngay cả hai lá thư được cho là “thư tuyệt mệnh” của anh Nhựt, trong đó có một lá thư “gửi vợ”, chị cũng mới nhận được bản photocopy từ công an chứ chưa có bản chính. Theo chị Tuyền, sau một ngày nghiên cứu kỹ, chị phát hiện trong thư có hai nét chữ khác nhau.
 
Trích đoạn băng ghi âm 
(giữa ông Phú và chị Tuyền)

- Chị Tuyền: Anh hỏi giúp sức khỏe chồng em...
- Ông Phú:  Trả ơn anh cái gì?
- Chị Tuyền: Dạ thì anh muốn cái gì?
- Ông Phú: Giờ em đang ở đâu vậy?
- Chị Tuyền: Em đang ở nhà.
- Ông Phú: Ở nhà với ai vậy?
…..
- Ông Phú: Trả ơn anh cái gì?
- Chị Tuyền: Thì anh muốn cho anh cái gì em cho anh cái đó.
- Ông Phú: Giờ anh đòi tầm bậy thì sao?
- Chị Tuyền: Thôi, cái đó không được…

- Ông Phú: Bây giờ chỉ có em mới cứu được chồng em thôi à.
- Chị Tuyền:  Sao vậy anh?…
- Ông Phú: Tại vì anh thích cái gì không được thì anh đòi cái đó!

- Chị Tuyền: Thì em mời anh uống cà phê để em hỏi thăm chồng em một chút xíu đó mà.
- Ông Phú: …Gặp mấy chỗ đó không có được, đi vô khách sạn gặp.
- Chị Tuyền: Trời ơi anh cứ thế.
…..
- Chị Tuyền: …Nghe anh nói thì em cũng lo thiệt. Em tin chắc, khẳng định chồng em vô tội!
- Ông Phú: Nếu em có suy nghĩ kiểu đó thì sau này hậu quả… Tại sao ban đầu mình không làm đi?
- Chị Tuyền: Là sao anh?
- Ông Phú: Trời ơi! Mệt em quá đi.
….
- Ông Phú: Có nghĩa là chồng em biết mình phạm tội, kêu lo giùm… bán miếng đất (mà vợ chồng mua) để đền ơn đáp nghĩa mà anh còn không đồng ý.
- Chị Tuyền: Ảnh nói vậy sao? 
- Ông Phú: Chứ sao!... Ý anh nói như vậy, em phải hiểu hậu quả.
QUẢNG NHÂN – MINH SƠN

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Bùi Chát - Giấy Vụn và Tự Do Xuất Bản

Dân Làm Báo - Cộng tác viên của DLB đã liên lạc với ông YoungSuk "Y.S." Chi, chủ tịch Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA), Trưởng ban tổ chức Dr. Ana Maria Caballenas, ông Alexis Krirorian - giám đốc điều hành IPA, và ông Bjorn Smith-Simonsen - chủ tịch Uỷ Ban Tự Do Xuất Bản của IPA để tìm hiểu và phỏng vấn về giải thưởng Tự Do Xuất Bản mà IPA vừa trao cho nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập và điều hành nhà xuất bản độc lập Giấy Vụn. DLB xin gửi đến quý bạn đọc.

Buenos Aires là thành phố thứ 6 được Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA) chọn làm nơi để trao giải Tự Do Xuất Bản. Năm nay, người được nhận giải thưởng cao quý này là một người Việt Nam - anh Bùi Chát, sáng lập viên của nhà xuất bản độc lập Giấy Vụn.

Lễ trao giải được diễn ra vào lúc 4:30 chiều ngày thứ Hai tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Thành phần quan khách danh dự gồm có Bộ trưởng Văn hóa ông Hernán Lombardi, Thị trưởng thành phố ông Mauricio Macri, Phó giám đốc tờ báo lớn nhất của Argentina (La Nacion) - ông José Claudio Escribano, Chủ tịch IPA ông YoungSuk "Y.S." Chi, chủ tịch IPA và trưởng ban tổ chức Dr. Ana Maria Caballenas.

Bộ trưởng Văn hóa Hernán Lombardi, Chủ tịch IPA - YoungSuk "Y.S." Chi, Thị trưởng Mauricio Marci, Bùi Chát, José Claudio Escribano

Bên cạnh đó là sự tham dự của 3 đài truyền hình chính, 2 tờ báo lớn nhất của Argentina - Clarín và La Nacion cũng như các đài phát thanh.

Lễ trao giải thưởng được tổ chức như một phần chương trình và trong khuôn viên của hội chợ quốc tế lần thứ 37 tại thủ đô Buenos Aires.

Trong bài diễn văn trước khi trao giải, ông YoungSuk "Y.S." Chi, Chủ tịch của IPA đã phát biểu: "Nỗ lực của Giấy Vụn đã thúc đẩy một phong trào mới của những nhà tư tưởng mới, của những nhà văn, nhà thơ, những người làm nghệ thuật tự do... không chấp nhận sự áp đặt những tư tưởng chính trị, tuyên truyền lên họ."

YoungSuk "Y.S." Chi - Chủ tịch IPA

Kết thúc bài diễn văn ông Chi đã nói: "Trong nhiều thập niên, người dân Việt Nam đã bị tước đoạt quyền tiếp cận những thông tin trung thực, chính xác, quyền được thu thập những quan niệm, ý tưởng mới và quyền được tự do chọn lựa những gì mà họ muốn đọc. Nhà Xuất bản Giấy Vụn đã có những đóng góp to lớn cho việc gia tăng sự quan tâm của nhiều người về những nhân quyền căn bản: tự do suy nghĩ, tự do sáng tác, tự do xuất bản và tự do đọc mà không phải sợ hãi đe dọa, trấn áp. Khi chúng tôi trao cho Bùi Chát giải thưởng Tự Do Xuất Bản 2011 của IPA, xin mời mọi người hãy đứng dậy để vinh danh sự can đảm hiếm có, sự kiên trì, nhân cách, đam mê và ý nghĩ vươn về phía trước mà Bùi Chát và các cộng tác viên của anh đã thể hiện một cách rõ ràng. Cám ơn Bùi Chát và tất cả mọi người trong nhà xuất bản Giấy Vụn."

Khi nói về lý do chọn người nhận giải cho năm 2011, ông Alexis Krirorian - giám đốc điều hành của IPA đã chia sẻ với Dân Làm Báo rằng: "Tiêu chuẩn lựa chọn người nhận giải phải là một nhà xuất bản độc lập, đóng góp vào phong trào tự do xuất bản và Bùi Chát là một trong những người hiếm hoi trên thế giới đang kiên trì làm công việc ấy."

Bài diễn văn ngắn gọn, xúc tích của anh Bùi Chát trong buổi lễ đã tạo những ấn tượng sâu đậm trong lòng người tham dự. Bà Ana Maria Caballenas, nguyên chủ tịch IPA và là Trưởng ban Tổ chức, đã có nhận xét với Dân Làm Báo rằng đây là một bài diễn văn ngắn nhất nhưng nhiều ý nghĩa nhất.

Bùi Chát và bà Ana Maria Caballenas - nguyên chủ tịch IPA và trưởng ban tổ chức 2011trả lời phóng viên báo chí cô Martinez.

Phát biểu của nhà thơ Bùi Chát đã được thông dịch tại chỗ sang tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn nguyên văn phát biểu của Bùi Chát:

Tôi thật sự vui mừng khi có mặt nơi đây như một nhân chứng về những nỗ lực không mệt mỏi của những nhà hoạt động cho tự do ở Việt Nam.

Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viễn vông này chúng tôi đã chọn xuất bản.

Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri. Thông qua việc xuất bản một cách tự do những điều cần thiết, chúng tôi biết rằng nhiều độc giả của chúng tôi sẽ tìm thấy lại lương tri của mình.

Sách có thể biến thế giới thành tự do, chính vì thế chúng tôi tin rằng tự do sẽ đến, trước hết với những người làm sách, những người đọc sách, và những người bàn luận về những điều mà sách mang lại.

Bằng tất cả tình yêu dành cho sách và dành cho con người, tôi xin đón nhận và san sẻ niềm vinh dự này cho tất cả độc giả, đồng nghiệp, bạn bè, và những người ủng hộ.

Hy vọng giải thưởng sẽ là cú hích đáng kể cho sự phát triển của phong trào xuất bản độc lập, đặc biệt là sự phát triển của xã hội dân sự, tại Việt Nam.

Cám ơn tất cả mọi người.

*

Ngoài các bài phát biểu của Chủ tịch IPA, của Bùi Chát, là diễn văn của Bộ trưởng Văn hóa - ông Hernán Lombardi, Thị trưởng thành phố - ông Mauricio Macri, Phó giám đốc tờ La Nacion - ông José Claudio Escribano và Truởng ban tổ chức - Dr. Ana Maria Caballenas. Trước và sau buổi lễ, 2 tờ báo lớn của Argentina là La Nacion và Clarín cùng các đài phát thanh và 3 đài truyền hình lớn của Argentina đã tường thuật rộng khắp.

Sau buổi lễ trao giải, 2 ông Bjorn Smith-Simonsen (chủ tịch Uỷ Ban Tự Do Xuất Bản, IPA's Freedom to Publish Committee - FPC), Alexis Krirorian (giám đốc điều hành của Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản, IPA) đã chia sẻ một số điều về giải thưởng như sau:

Bjorn Smith-Simonsen, Alexis Krirorian, Bùi Chát

Bjorn Smith-Simonsen: trước tình trạng kiểm duyệt đang ngày càng gia tăng một cách tinh vi, dưới nhiều hình thức khác nhau, IPA quyết định thành lập FPC vào năm 2005. Một trong những việc làm của FPC là chọn ra những cá nhân có can đảm và nỗ lực đóng góp trong lãnh vực phát huy quyền Tự do xuất bản.

Alexis Krirorian: những thành viên của IPA, cá nhân những nhà xuất bản, các tổ chức quốc tế chuyên nghiệp và các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lãnh vực tự do ngôn luận đều có thể đề cử ứng viên cho giải thưởng. Sau khi nhận được danh sách ứng viên từ FPC, hội đồng quản trị của IPA sẽ bình bầu và chọn ra người xứng đáng nhất được nhận giải.

Bjorn Smith-Simonsen: ngoài giải thưởng Tự Do Xuất Bản, những việc mà Uỷ Ban Tự Do Xuất bản FPC có thể làm là thường xuyên phổ biến, thông báo và tạo sự quan tâm về tình trạng kiểm duyệt xuất bản của các nước, làm việc với những quốc gia hiện đang có những tình trạng tồi tệ trong lãnh vực này. Hiện nay Na Uy và Việt Nam đang có những phối hợp trong lãnh vực xuất bản nhưng phần lớn tập trung vào mặt bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên, FPC sẽ nương theo đó để có những yêu cầu chính đáng về mặt tự do xuất bản.

Alexis Krirorian: bên cạnh đó thì Uỷ Ban Tự Do Xuất Bản cũng đang có những nỗ lực vận động Liên Hiệp Quốc quan tâm đến Tự Do Xuất Bản và đưa vấn đề này vào trong những ký ước quốc tế giữa các quốc gia thành viên LHQ.

Alexis Krirorian: đối với những nhà xuất bản độc lập, tự do như Bùi Chát chúng tôi đã và đang gây dựng những quỹ khẩn cấp (emergency fund) để hỗ trợ cho gia đình của những người chủ xướng cũng như nhân viên nếu họ gặp khó khăn. Chúng tôi cũng có những kế hoạch vận động dư luận thế giới nhất là đối với giới xuất bản (IPA) và văn nghệ sỹ (PEN) quan tâm đến những nhà xuất bản độc lập để lên tiếng can thiệp khi họ gặp những khó khăn.

*

Hai tờ báo lớn nhất của Argentina - La Nacion và Clarín đăng tải tin tức vào ngày thứ Ba, 26.04.2011

*

Giải thưởng Tự Do Xuất Bản khởi đầu từ năm 2006 tại Goteborg, Thụy Điển. Sau đó đã được trao cho các nhà hoạt động xuất bản độc lập và tự do tại CapeTown - Nam Phi (2007), Amsterdam - Hòa Lan (2008), Oslo - Na Uy (2009), Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ (2010) và Buenos Aires - Á Căn Đình (2011).

*

IPA - International Publishers Association ( Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế) được thành lập tại Paris - Pháp quốc vào năm 1896 với mục tiêu phát huy và bảo vệ quyền xuất bản cũng như gia tăng sự quan tâm của mọi người về vai trò của xuất bản đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa và chính trị trên toàn thế giới. IPA tích cực đấu tranh chống lại mọi sự kiểm duyệt và là người bạn đồng hành của những tổ chức bảo vệ nhân quyền. Sau hơn 100 năm hoạt động, IPA hiện đang có 65 thành viên hội ở tầm quốc gia từ 50 đất nước khác nhau.

*

Bùi Chát và phóng viên Claudio của tờ Clarin

Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viễn, sinh năm 1979 ở Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai. Anh tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ văn - Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp HCM vào năm 2001. Anh là một nhà thơ, một nhà xuất bản độc lập và hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.

Năm 2001 Bùi Chát cùng với nhà thơ Lý Đợi và các bạn hữu như Khúc Duy, Nguyên Quán thành lập nhóm Mở Miệng và cùng các bạn hữu đề xướng các khái niệm ‘thơ rác’, ‘thơ nghĩa địa’.... Sau đó, anh sáng lập Giấy Vụn chuyên in ấn và phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới mọi hình thức có thể làm được. Chủ trương của Giấy Vụn, theo Bùi Chát, là giúp cho các nghệ sỹ sáng tác có thể thực hiện những tác phẩm trung thực với suy nghĩ của chính mình, giúp cho độc giả có thể tìm đến những tác phẩm mà họ thực sự muốn đọc. Năm 2004, anh và nhà thơ Lý Ðợi bị bắt giam hai ngày về tội phát tờ rơi tại một buổi đọc thơ mà công an đã ập vào và buộc phải giải tán.

Đến nay Giấy Vụn đã xuất bản gần 30 tác phẩm. Điển hình là:

Bài thơ của một người yêu nước mình - Thơ Trần Vàng Sao
Bài thơ một vần - Thơ Bùi Chát
Khi kẻ thù ta buồn ngủ - Thơ Lý Đợi
Trước khi thành giấy vụn - Trúc Ty
Việt Nam - hành trình một dân tộc (Phillippe Papin)
Lĩnh Đinh Chích Khoái - Thơ Đinh Linh
Quà tặng của quỷ sứ - Thơ Trần Wũ Khang
Trại súc vật (nguyên tác Animal Farm - George Owell)
Xáo chộn chong ngày (tập thơ)
Made in vietnam (conceptual art)
Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn] (tập thơ)
Tháng tư gãy súng (tập thơ)
Xin lỗi chịu hổng nổi (tập thơ nghĩa địa)
Vòng tròn sáu mặt (tập thơ in chung 6 tác giả)
Mở miệng (tập thơ in chung 4 tác giả)
Khoan cắt bê tông (tập thơ in chung 23 tác giả)
Có jì dùng jì có nấy dùng nấy (thơ vỉa hè)
47 tác giả & nhiều tập thơ cá nhân khác…


Chủ tịch IPA - YoungSuk "Y.S." Chi và Bùi Chát

Bùi Chát & Bộ trưởng BộVăn hóa của Argentina - ông Hernán Lombardi

Bùi Chát & ông José Claudio Escribano - Phó giám đốc Nhật báo La Nacion

Trả lời phỏng vấn TV - Buenos Aires


------

Vũ B. Giang (danlambao)

http://danlambaovn.blogspot.com/