Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2008

Phi công thành giặc lái (chuyện chàng Hợp)?

Bữa nay xem vnexpress mới thấy dung nhan anh Hợp, xin nói rõ là anh Đặng Xuân Hợp chớ hổng phải anh Lê Doãn Hợp à (cái bản mặt LDH thì ai mà không biết), anh Đặng Xuân Hợp - phi công của vietnam e lai - coi rất sáng sủa, đẹp giai, trí thức, mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao dòm hổng giống ăn trộm chút xíu nào hết, chỉ hao hao Mã Giám Sinh.

Mấy bữa trước đọc báo chỉ thấy 1 chàng bị trùm kín mít mặt mũi, hông biết chàng phi công - nay thành giặc lái này - vì nhục nhã quá xá nên lấy áo trùm mặt hay là mấy chú pu lít Nhựt Bổn thương cho bản mặt tội phạm nên hổng cho cánh nhà báo có dịp chộp chân dung rạng ngời mà không chói lóa của chàng Hợp.

Vnexpress nói chàng ta cương quyết, nhất quyết, hông công nhận là mình biết những phi vụ chuyển hàng đó là hàng ăn cắp, có lẽ chàng tin chắc hàng đó là hàng đàng hoàng. Chàng chỉ "cầm dùm" thiên hạ, kiếm mỗi phi vụ 100USD, mỗi tháng 2 phi vụ là 200 đô cũng là cải thiện đời sống thôi. Hông lẽ đẹp giai trí thức như chàng mà làm chuyện phi pháp với giá rẻ dzậy sao? Hàng "cầm dùm" như bà lớn ngọai giao Vũ Mộc Anh bên Nam Phi còn có giá gấp cả trăm lần kìa - mà rồi cũng im re. Chàng Hợp nói gì thì cứ nói, tòa chưa tuyên thì cứ tin là chàng vô tội, có tội cùng lắm là tội ngây thơ. Chàng tuyệt đối tin rằng các trí thức tu nghiệp sinh CHXHCNVN là luôn sáng ngời đạo đức cách mạng, hơn cả các bậc tiền bối Đông Du thời cụ Phan Bội Châu nữa, chắc chắn hổng ai thèm ăn cắp đồ siêu thị, cùng lắm họ chỉ "cầm nhầm" của thiên hạ thôi.

Nghe nói để đào tạo một phi công (hông phải giặc lái à) tốn rất nhiều tiền của, công sức đến độ có thể ví trọng lượng cơ thể một phi công bao nhiêu ký là bấy nhiêu vàng phải bỏ ra đào tạo. Thông tin này nghe lâu rồi, cũng báo nhà mình nói, hông biết có thiệt hông nhưng ai cũng biết tiền của bỏ ra là tiền ngân sách, là của toàn dân. Một đồng cũng là mồ hôi nhân dân, một đống tiền đào tạo phi công đó mà bỏ ra nuôi heo chắc lãi bộn rồi, phải hàng trăm tấn heo hơi chớ ít gì. Như vậy là mấy năm gần gần đây đã có mấy vụ phi công buôn lậu, ăn cắp rồi bị nước ngoài phát giác, rồi bị ở tù... Thiệt hết biết. Tưởng được đào tạo nhiều, đi đây đi đó nhiều thì mang tri thức, mang hiểu biết về giúp dân giúp nước, nào ngờ chỉ biết ăn cắp, tư túi đến nỗi phải đeo mặt mo trở về. Nhục ơi là nhục...

Vong linh cụ Phan Bội Châu ở dưới suối vàng chắc cũng giận run bần bật vì lớp hậu sanh khả ố!

Cách mạng to hơn liều mạng

Hôm qua, thấy blog Tạ Phong Tần loan báo có "tin khẩn" trên Yahoo Hỏi Đáp về vụ công an bắn 9 thường dân ở Kiên Giang. Bữa nay đọc được tường thuật vụ này trên RFA , có cả audio phỏng vấn đàng hòang... Cha, chuyện này là rắc rối to rồi đây. Gì thì gì chớ, đụng đến mấy ông cưỡng chế rất rách việc, xem lại thử vụ khu công nghệ cao ở quận 9, Sì gòng là đủ biết. Cũng 9 mạng vô khám bóc lịch dài dài. Mấy ví dụ kiểu này ngày càng nhiều, cứ nơi đâu thường dân xúm lại kêu gào thì y như rằng súng ống được dịp biểu dương. Thì đó, vụ xử án giáo dân Thái Hà, dòm thấy xe đặc dụng, chó đặc chủng, công anh đặc nhiệm chạy rần rần đầy đường... người yếu bóng vía thiếu điều đái ra quần luôn.

Ai biểu dân thường tay không tấc sắt mà dám so cựa với dùi cui, súng ống?? Láng cháng là mấy ổng quăng cả chùm lựu đạn liền một khi. Thời bây giờ là thời của bạo lực cách mạng mà. Nhưng nói thì nói vậy thôi, dồn con người ta vô đường cùng rồi. Thử hỏi có miếng đất kiếm chút cơm chút cháo nuôi con qua ngày mà cũng bị cướp, chưa kể công vỡ đất khai hoang biết bao công sức, mồ hôi trộn máu dù tanh, hay mặn chát cũng chỉ để đắp đổi qua ngày đoạn tháng, đặng còn mơ tới ngày đuợc vào thiên đường XHCN, có đủ cả độc lập trộn lẫn tự do, ngào chung với hạnh phúc... Vậy mà, đùng một phát.

Lại tần mần vào gúc gồ search một phát xem báo chí nhà mình có tin này hay chưa.

Í mẹ ơi, Tiền Phong Online lại nói vầy: Ba chiến sỹ công an bị đánh trọng thương

"Hai chiến sỹ công an Nguyễn Văn Hoàng và Phạm Văn Phái bị nứt, gãy sống mũi do bị ném đá. Anh Nguyễn Tân Xuyên bị thương nặng vùng cánh tay, vai, lưng với nhiều vết bầm tím do bị đánh. Tất cả đang phải nằm viện điều trị.

Ngày 18/12, kết quả chụp X-quang tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết.

Nguyên do, sáng 17/12, tại ấp T4, xã Vĩnh Phú (Kiên Lương, Kiên Giang) diễn ra cuộc cưỡng chế đất và khoảng 200 người dân đã quyết liệt chống lại.

Hai chiếc ghe chở lực lượng cưỡng chế bị nhấn chìm, nhiều người trong đoàn cưỡng chế bị ném đá, bị đánh. Một cán bộ thi hành án huyện Kiên Lương bị những người chống đối bắt giữ và cởi hết quần áo.

Phóng viên truyền hình tỉnh Kiên Giang cũng bị đánh khi có mặt tác nghiệp. Những người chống cưỡng chế còn bắt giữ 3 cán bộ, một con chó nghiệp vụ để đòi thả 2 người dân vừa bị bắt… Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã phải chỉ đạo dừng ngay việc cưỡng chế.

Ông Huỳnh Văn Tam, Trưởng Thi hành án tỉnh Kiên Giang cho biết: “Việc cưỡng chế thực hiện theo 6 bản án của TAND tỉnh Kiên Giang tuyên từ năm 2006.

Nội dung các bản án buộc 7 hộ dân trả lại 30 ha đất nông nghiệp cho các đơn vị và cá nhân ở TP Rạch Giá và huyện Châu Thành (Kiên Giang) mà các hộ dân thuê để trồng lúa từ năm 2003”. Đây là những người dân địa phương không có đất sản xuất. "

Dzậy là có vụ cưỡng chế thiệt, có chó nghiệp vụ, có lực lượng công an cưỡng chế, có đài truyền hình đủ thứ. Hổng thấy Tien Phong nói dân thường bị sao hết, chỉ có ghe của công an bị nhận chìm, nhà báo bị dân wính, chó bị bắt chung với cán bộ, cán bộ bị lột truồng... cũng hổng thấy nói súng ống, dùi cui, có bị quăng, lựu đạn có bị lép không nữa. Thiệt tình, tui thấy tui thương mấy anh chiến sĩ công an quá sức, hổng biết ăn cái chi mà nghe lời xúi dục đi cướp đất của bà con dân nghèo mình mần chi. Dân oan bi giờ có cái gì để bị mất nữa, ngòai cái mạng mình? Mấy anh chiến sĩ công an "cách mạng" lại đụng ngay dân oan liều mạng. Thử xem mạng ai cao hơn mạng ai. Bi giờ mấy anh chiến sĩ công an đặc chủng nằm nhà thương có thuốc men đặc trị. Còn thường dân chắc hổng dám đưa vô nhà thương rồi. Thôi thì trải rơm cỏ cho nằm, hái lá ngòai ruộng trám vô vết thương cho mau lành. Có mất mạng thì đào lỗ chôn ngay ruộng cho tiện.

Té ra mạng cách mạng bao giờ cũng lớn hơn mạng liều mạng.

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2008

Ghế ít, đít nhiều (relax cuối tuần...)

Relax cuối tuần với ca dao mới (copy từ blog DongA thị)

Lời quan tham

Bây giờ ghế ít đít nhiều
Chúng mày hãy nhớ những điều sau đây

* * *

Ăn chia là việc của tao
Việc nghĩ, việc viết, thôi giao chúng mày
Việc tao ngồi ký suốt ngày
Thực thi công việc, chúng mày thay tao
Việc tao là hưởng lộc cao
Công lên việc xuống lại giao chúng mày

Ví dụ :

- Uống rượu là việc của tao
Còn khiêng, bưng rót, thôi giao chúng mày
- Nhậu nhẹt là việc của tao
Còn khâu thanh toán, thôi giao chúng mày
- Ăn ốc là việc của tao
Còn khâu đổ vỏ, thôi giao chúng mày
- Báo cáo thành tích để tao
Còn nhận khuyết điểm lại giao chúng mày
- Giao du khắp thế gian này,
Mở rộng tầm mắt, việc này phần tao
Trèo đèo lội suối gian lao
Tính toán rất kỹ, thôi giao chúng mày

* * *

Lại đây tao bảo cái này :
Tao cấm chúng mày nghĩ chuyện chống tao !
Chống tao, tao chẳng làm sao
Nhưng mày nghĩ bậy, thì tao trị mày!
Trời cao, biển rộng, đất dày
Tao đố chúng mày thoát khỏi tay tao !
Trên trời muôn vạn vì sao
Đố ai đo được lòng tao với mày.!

Chân dung dân biểu Joseph Cao Quang Ánh

Lần đầu tiên từ hơn 100 năm, các cử tri New Orleans đã bầu cho một người không thuộc đảng Dân chủ đại diện cho đơn vị 2 của bang Louisana vào Quốc hội. Tuy nhiên, chiến thắng của luật sư Cao Quang Ánh đáng chú ý ở chỗ ông là người Việt đầu tiên được bầu vào Hạ viện, và nay ông đã gia nhập nhóm nhỏ các thành viên quốc hội không sinh trưởng tại Hoa Kỳ.

Ông Ánh ứng cử vào quốc hội và dùng tên Joseph là tên Thánh của ông, theo tên vị Thánh Joseph.

Là con trai của một sĩ quan quân đội Việt nam Cộng hòa, dân biểu tân cử Cao Quang Ánh sinh năm 1967 tại vùng ngoại ô Saigon gần một căn cứ quân sự, giữa thời điểm cuộc chiến chống cộng sản Bắc việt với sự trợ lực của Hoa Kỳ lan tràn dữ dội khắp đất nước này. Quân Bắc việt tiến vào Sài gòn năm 1975, khi ông Ánh mới vừa 8 tuổi. Ông Ánh và các anh chị em được di tản bình yên tới đất Mỹ

Ông Ánh nói: “Tôi bị xa rời gia đình trong nhiều năm. Tôi tới Mỹ chỉ với một bà chị và một cậu em. Tôi được một ông chú nuôi dưỡng, một người cô thì nuôi em trai tôi.”

Sau khi Saigon thất thủ, cha của luật sư Ánh bị cầm tù trong một trại cải tạo trong 6 năm. Rất lâu sau đó ông mới được đoàn tụ cùng cha, khi ông đã trưởng thành. Dù vậy ông cũng đã được hưởng sự dìu dắt của cha trong quá trình trở thành một luật gia kiêm chính khách 41 tuổi.

Ông Ánh nói: “Vào khoảng 9 tuổi, tôi nhận được một lá thư cha tôi viết từ trại giam ở Việt Nam. Trong thư ông viết: 'Con à, cha rất buồn đã không thể sống cạnh con. Nhưng có 3 điều cha muốn con làm, thứ nhất, học hành siêng năng, thứ 2, làm việc siêng năng, thứ 3, con phải đóng góp cho cộng đồng và xứ sở của con'. Lá thư đã tác động mạnh đến tôi ngay từ lúc 9 tuổi.”

Ông Cao Quang Ánh đã làm việc cật lực và nhờ đó đã đạt được thành tựu là một bằng cao học về môn Triết và tốt nghiệp Luật tại trường Đại học Loyola của New Orleans.

Từ lúc lập nghiệp tại New Orleans để hành nghề luật sư, ông Aùnh đã là một thành viên tích cực của cộng đồng người Việt. Hiện nay ông đang cộng tác với Trường Liên văn hóa và tập đoàn phát triển cộng đồng thuộc nhà thờ Mary Queen of Vietnam, là những cơ sở đang đang giúp xây dựng một dưỡng đường, một trung tâm hưu trí, một trung tâm cộng đồng và một trang trại ngoại ô vùng Đông New Orleans.

Luật sư Cao Quang Ánh cũng là một thành viên Hội đồng cố vấn quốc gia cho Hội nghị các giám mục Thiên chúa giáo Hoa Kỳ. Ông Ánh cho rằng đức tin của ông cộng với sự sáng suốt của lý trí sẽ giúp ông đi tới những quyết định tốt cho các cử tri của ông.

Ông Ánh nói: “Tôi đã có lợi điểm được huấn luyện tại Dòng Tên với các tu sĩ Dòng này trong 6 năm. Tôi đã làm việc với những người thuộc nhiều giai tầng, từ người rất nghèo cho đến người rất có thế lực. Và tôi tin rằng với sự rèn luyện đó tôi có thể ngồi xuống và bàn luận xây dựng với đồng viện, thực thi công việc qua đường lối của Chính Đảng để đáp ứng các nhu cầu của đơn vị 2.”

Theo luật sư Ánh, những nhu cầu cấp thiết nhất của đơn vị ông là đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhanh chóng phục hồi những khu vực ven biển bị bão Katrina tàn phá cách đây 3 năm, và cung cấp sự săn sóc sức khỏe hiệu nghiệm hơn. Được biết ông Ánh đã hỗ trợ việc xây cất một bệnh viện mới và mở những dưỡng đường cấp cộng đồng nhỏ hơn.

Luật sư Ánh cũng muốn bành trướng những chương trình mở những trường được tài trợ nhờ tiền thuế thu được của tiểu bang, nhằm giúp các gia đình nghèo hưởng được nền giáo dục tư thục; ngoài ra ông cũng mong tiếp tục các nỗ lực cải tiến bộ mặt chính trị của Louisana từng bị hoen ố vì một lịch sử tham ô. Và theo vị dân biểu tân cử, thì tất cả những vấn đề vừa nêu đều rất hệ trọng đối với dân chúng New Orleans.

Ông Ánh nói: “Bạn biết không? Dù bạn thuộc Đảng Cộng hòa hay thuộc Đảng dân chủ, dù bạn là người Mỹ gốc Phi, người gốc Âu hay người gốc Á, tất cả chúng ta đều muốn có hệ thống săn sóc sức khỏe tốt, tất cả chúng ta đều muốn có một hệ thống giáo dục tốt cho con cái chúng ta, và tất cả chúng ta đều muốn được bảo vệ chống lại bão tố.”

Thắng lợi của luật sư Ánh trước một đối thủ tại vị đã 18 năm khiến ông rất đỗi ngạc nhiên. Nói với tờ Times-Picayune tại New Orleans vào đêm chiến thắng, ông cho hay trong đời chưa bao giờ ông nghĩ lại có thể trở thành một đại biểu quốc hội. Giấc mơ nước Mỹ đã trở thành hiện thực sống động. Dân biểu tân cử Cao Quang Ánh cám ơn cộng đồng Việt Nam đã hỗ trợ ông đi tới chiến thắng, và ông kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam sống tại Hoa Kỳ hãy vận động một cách ôn hoà cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

“Nửa kín, nửa hở” về chuyện "đo" bức xúc của dân

Vietnamnet (tuanvietnam)
10/12/2008 07:54 (GMT + 7)

http://tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/5534/index.aspx

(Bài này đăng vài giờ thì bị rút xuống)

“Nửa kín, nửa hở” về chuyện "đo" bức xúc của dân

"
Chúng tôi “quét” hết tất cả các thông tin về các vấn đề trong xã hội, có các phòng chức năng để nghiên cứu từng loại vấn đề: Người dân nghĩ gì? Nói sao? Ở đâu xảy ra chuyện gì? Tầng lớp nào bức xúc cái gì?..."

PGS.TS Vũ Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) trò chuyện về công việc của mình.

Dư luận, bức xúc, căng thẳng được "đo" thế nào?


PGS. TS Vũ Hào Quang

- Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội đã ra đời khá lâu, nhưng có lẽ gần đây người ta mới biết nhiều thông tin về nó. Ông có thể nói qua vài nét về Viện?

- PGS.TS Vũ Hào Quang: Viện này do Ban Bí thư cho phép thành lập, nhằm nghiên cứu những luồng dư luận trong các tầng lớp xã hội và được phép báo cáo thẳng lên cơ quan cao nhất của Đảng là Ban Bí thư và Bộ Chính trị.

Có hai loại báo cáo: Loại thứ nhất là báo cáo nhanh, mang “tính rộng” tới Chủ tịch nước, một số bộ trưởng hoặc một số thứ trưởng (không phải là tất cả).

Loại báo cáo thứ hai là dạng báo cáo mang “tính chất hẹp” dạng tuyệt mật, thì báo cáo trực tiếp lên đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư để đồng chí báo cáo lại với Bộ Chính trị.

Viện này ngang các Vụ, nhưng chỉ có Viện này mới được báo cáo Bộ Chính trị mà không nhất thiết phải qua Ban Tuyên giáo TƯ, mặc dù nó trực thuộc Ban Tuyên giáo TƯ.

PGS.TS Vũ Hào Quang

- Sinh 1954, Quê: Nam Định
- 1977-1983: Đại học Tổng hợp Tashkent (Liên xô, cũ)
- 1990-1991: Cao học tại Đại học Lublin (Ba Lan)
- 1991-1994 : Bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Lomonoxop
- 1994-2001: Làm việc tại khoa Xã hội học – Đại học KHXH&NV HN
- Từ 27-12-2007 đến nay: Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương)

- Nghiên cứu dư luận, nhưng cụ thể là nghiên cứu về cái gì, thưa ông?

- Chúng tôi “quét” hết tất cả các thông tin về các vấn đề trong xã hội. Viện có các phòng chức năng để nghiên cứu từng loại vấn đề: Người dân nghĩ gì? Nói sao? Ở đâu xảy ra chuyện gì? Tầng lớp nào bức xúc cái gì? Nguyên tắc của chúng tôi là trao đổi và thăm dò, nhưng không bao giờ nêu tên.

Chúng tôi tiếp nhận mọi luồng dư luận, kể cả từ thế lực phản động… và không hề có chuyện quy kết. Trên cơ sở những luồng ý kiến đó Viện sẽ tiến hành phân tích.

Chúng tôi muốn lắng nghe tất cả mọi ý kiến từ thượng vàng hạ cám: bức xúc về cắt điện, nước; giá cả leo thang làm đời sống nhân dân khó khăn… để phản ánh lên những lãnh đạo cao nhất của Đảng từ đó có những điều chỉnh kịp thời.

- Công việc hàng ngày của ông, với tư cách là một Phó Viện trưởng, là gì?

- Lãnh đạo Viện có 3 người. Riêng tôi phụ trách mảng nghiên cứu khoa học và đào tạo. Công việc chủ yếu của tôi là tham gia vào công tác đào tạo cán bộ, tổ chức những cuộc khảo sát.

Năm nay chúng tôi có 13-14 cuộc khảo sát (bình quân mỗi tháng có hơn một cuộc). Thông tin về kết quả của các cuộc khảo sát này thường ở dạng mật, không công bố, mà chủ yếu là để báo cáo lãnh đạo, mà cao nhất là Ban Bí thư và Bộ Chính trị.

Tôi thường tham gia khảo sát ở từng địa bàn với anh em, với từng chủ đề cụ thể… rồi về viết báo cáo. 14 cán bộ của Viện làm việc không ngừng.

- 14 nhân viên mà khảo sát dư luận của cả xã hội, liệu có kham nổi không, thưa ông?

- Ngoài các báo cáo của chúng tôi, thì thường có các báo cáo của cộng tác viên. Chúng tôi có một đội ngũ đông đảo cộng tác viên, ở hầu hết các cơ quan chủ chốt. Một dạng là công khai, và một dạng là không công khai (người nào được giao thì chỉ người ấy biết – gọi là cộng tác viên đơn tuyến). Cộng tác viên của ai thì chỉ có người ấy mới được biết.

Những thông tin thu nhận được sẽ được trao đổi một cách thẳng thắn với lãnh đạo Viện, để báo cáo lên cấp trên. Chúng tôi không loại trừ bất cứ vấn đề nào, kể cả những bức xúc về kinh tế, chính trị, tôn giáo…

Chúng tôi muốn lắng nghe tất cả mọi ý kiến từ thượng vàng hạ cám: bức xúc về cắt điện, nước; giá cả leo thang làm đời sống nhân dân khó khăn… để phản ánh lên những lãnh đạo cao nhất của Đảng từ đó có những điều chỉnh kịp thời..."

- Xin hỏi thật ông, có bao giờ ông cảm nhận được cảm giác: liệu có người nghĩ rằng Viện này na ná một cơ quan mật vụ không?

- Nhiều người hiểu sai như vậy đấy. Chúng tôi khẳng định là Viện Nghiên cứu Dư luận là một cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu về dư luận, tìm hiểu một cách khoa học về thực tại của đời sống xã hội; tiếp nhận tất cả các ý kiến phản biện để giúp cho Đảng và Nhà nước nhìn thấy rõ hiện thực của các chính sách, chủ trương, nghị quyết… đã đi vào đời sống của người dân thế nào. Có gì chưa tốt để có thể tìm hướng khắc phục. Viện này rất gần với nhân dân.

Đừng ngại là chúng tôi thu thập thông tin của người nào đó, rồi về theo dõi họ. Hoàn toàn không có chuyện đó. Điều đó ngược với chức năng của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội.

Chúng tôi nghe mọi ý kiến để nắm bắt được tâm trạng và suy nghĩ của mọi tầng lớp nhân dân: vui, buồn hay khủng hoảng ra sao?! Đây là cơ quan nghiên cứu duy nhất của Đảng về dư luận. Đóng góp cho Đảng những ý kiến trung thực nhất để góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn!

- Lại xin hỏi ông một câu… thật hơn: Từ cương vị Trưởng khoa Xã hội học của trường Đại học KHXH&NV HN, bỗng chuyển sang làm Viện phó của viện này, bạn bè có dè dặt khi nói chuyện với ông?

- Tôi được các giáo sư rất tin. Người ta biết tôi làm Viện này, và người ta không có cảm giác phải e ngại, hay sợ sệt tôi. Khi có một sự kiện gì lớn, vì dụ: việc bắt các nhà báo, hoặc các sự kiện về tôn giáo… thì họ gọi điện cho tôi để chia sẻ quan điểm và tâm tư. Tôi rất vui vì điều đó.

- Có khi nào đó sau khi điều tra thấy dư luận rất bức xúc về một vấn đề nào đó. Nhưng vì sợ nói thật quá với cấp trên, “không phải đầu cũng phải tai”, nên trong báo cáo các ông phải “giảm áp” cho tình hình?

- Có lẽ với bản lĩnh của chúng tôi thì chắc chắn không có chuyện đó. Chúng tôi là những người khá từng trải, và được các lãnh đạo tin tưởng.

Chúng tôi không sợ bị quy kết là chao đảo lập trường, vì trong chức năng của Viện, nó được quyền nói (kể cả những luồng thông tin ngược). Nhưng điều tất nhiên là các thông tin đều phải qua bộ lọc của chúng tôi.

Chúng tôi là những nhà khoa học, có kinh nghiệm, nên dứt khoát là phải lọc tin… Các lãnh đạo không thể đọc hết mọi tin tức được.

- Có khi nào, sau khi đọc bản báo cáo của ông xong, một lãnh đạo nào đó đã gặp sự phản ứng ngay không?

- Không. Những báo cáo mà tôi viết thì không thấy có phản ứng.

- Làm ở Viện này, có lúc nào đi “hỏi thăm” những bức xúc của người dân, mà để lại ấn tượng khó quên trong ông?

- Có thể nói kỷ niệm thì nhiều lắm. Khi tôi đi qua 42 Nhà Chung, thấy bà con công giáo nhốn nháo, tụ tập đông người… Tôi tự đặt câu hỏi về nguyên nhân tại sao lại có chuyện đó? Có phải thuần túy đó là vấn đề họ chống lại Đảng, Nhà nước không? Tôi luôn tự đặt cho mình những câu hỏi và tự phản biện với mình như vậy.

Tôn giáo là một trong những vấn đề rất phức tạp, nên đòi hỏi cần tiếp cận nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc, cẩn trọng. Những lần khảo sát thực tế như vậy, chúng tôi đã phân tích vấn đề dưới góc độ xã hội học và tâm lý học, và thấy được nguyên nhân của nó một cách khoa học, từ đó có thể đề đạt những cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất.

Xin nói “nửa kín, nửa hở” với anh rằng, Viện đã có quan điểm đóng góp với các lãnh đạo về cách xử lý một số vấn đề căng thẳng. Tôi cho rằng các đóng góp đó đã góp phần rất lớn vào các thành công trong việc xử lý các va chạm. Hiện nay căng thẳng giảm đi rất nhiều.

…Và "biểu đồ bức xúc"

- Tự dưng tôi liên tưởng việc những người làm nghiên cứu dư luận là những người “mang” cái “máy đo” đi đo các bức xúc của xã hội; như thế liệu họ có chịu áp lực nào không?

- Người nghiên cứu xã hội học bao giờ cũng chú ý đến tính chất khách quan và tính chất thực chứng của sự kiện. Nên áp lực của nó đỡ hơn so với những người nghiên cứu tâm lý học.

Trong Viện chúng tôi có hai trường phái: Một trường phái là xã hội học, và một trường phái nữa là tâm lý học. Tôi luôn dặn anh em làm xã hội học khi nghiên cứu dư luận là không được vui quá, không buồn quá, không lạnh nhạt, không vô cảm trước mọi vấn đề… Phải nhìn sự vật thật tường tận.

- Về mặt khoa học, khi nghiên cứu tần suất của các bức xúc xã hội, ông nhận thấy nó đang diễn biến theo biểu đồ dạng nào?

- Có thể nói tần suất căng thẳng, hay trạng thái căng thẳng xã hội xuất hiện theo những vấn đề xã hội. Ví dụ như năm nay (đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay) bức xúc và căng thẳng tăng hơn năm ngoái nhiều, mặc dù năm ngoái chúng ta bị thiên tai ảnh hưởng khá nặng đến đời sống người dân.

Năm nay chúng ta phải chịu áp lực từ các vấn đề về kinh tế tài chính (có tính chất toàn cầu). Chúng ta bị ảnh hưởng tương đối trực tiếp từ việc gia nhập WTO, và xu hướng toàn cầu hóa. Giá xăng dầu tăng là một ví dụ điển hình, nó ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Căng thẳng xã hội bám sát với thị trường. Khi căng thẳng xã hội gia tăng, đời sống nhân dân giảm đi, thì có thể thấy được một điều khá rõ ràng là các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước sẽ nổi lên.

- Trong các bức xúc thì bó bức xúc nào là lớn nhất?

- Như tôi đã nói ở trên, bức xúc hàng đầu vẫn là kinh tế, giá cả hàng hóa… Người dân cần một biện pháp điều hành nhanh nhạy hơn, phù hợp hơn. Chúng tôi phản ánh chính cái đó…

- Sau bức xúc về kinh tế, thì xã hội bức xúc về chuyện gì, thưa ông?

- Xã hội có rất nhiều bức xúc, nhưng những bức xúc đó gắn chặt trước tiên với các nhu cầu kinh tế, sau đó mới là chuyện về văn hóa – tinh thần. Người dân khá bức xúc về việc một nhóm người giàu lên khá nhanh chóng bằng cách chụp giật, tham ô, bất chính. Bộ phận này chiếm tương đối. Các cán bộ hưu trí đặc biệt bức xúc về vấn đề này.

- Trong các nghiên cứu về căng thẳng xã hội, thì ông thấy căng thẳng nhất trong giới sinh viên hiện nay là gì?

- Nói thật, chúng tôi chưa có nhiều thông tin về sinh viên, có lẽ do đội ngũ cộng tác viên chưa đủ. Một trong những điều chúng tôi nắm được là việc sử dụng bằng cấp giả hiện nay.

Người học giỏi và học thật thì lo lắng ra trường không có việc, còn người học giả hoặc học dốt thì nghiễm nhiên có việc làm. Đó những bức xúc rất lớn trong sinh viên mà chúng tôi biết được.

Sinh viên hiện nay có 2 dạng rõ rệt nhất: một dạng là rất có hoài bão, sống có ước mơ lớn; còn một bộ phận chạy đua thành tích trong học tập, bằng cấp.

- Có bao giờ, về nhà thấy bà xã bức xúc về một vấn đề nào đó trong xã hội (chẳng hạn chuyện giá cả các mặt hàng tăng…), ông đã nghĩ đến một vấn đề bức xúc trong xã hội…?

- Có chứ. Từ đó mình phải biết cảm thông. Vợ kêu và tác động đến mình. Và chính vì điều đó đã thúc giục tôi tìm hiểu xem có bao nhiêu người khó khăn như gia đình mình, có bao nhiêu người không bị ảnh hưởng vì sự leo thang giá cả… Vì thực tế, có nhóm xã hội không bị ảnh hưởng khi giá cả tăng, nhưng nhóm khác lại bị ảnh hưởng rất nặng…

- Được biết ông đang có 2 người con đang đi học. Ông thấy dư luận thế nào trong gia đình mình (vợ, con…) về chuyện học phí nói riêng, và chất lượng nền giáo dục nói chung?

- Trong trường hợp học phí tăng, gia đình tôi lại thuộc nhóm xã hội không bị ảnh hưởng. Vì là đối tượng ưu tiên, tôi là thương binh, con tôi không phải đóng học phí; con tôi học trường ĐHKHXH&NV nên nhận được sự ưu tiên của nhà trường (nơi tôi đã và vẫn đang dạy).

Nhưng thông tin mà tôi biết, đại đa số xã hội rất không ủng hộ việc tăng học phí, dư luận phản đối kể cả chuyện thi gộp 2 kỳ thi trung học phổ thông và đại học làm một. Cái này chúng tôi cũng có ý kiến lên cấp trên.

- Cảm ơn ông đã trả lời phóng viên!

Lê Ngọc Sơn (thực hiện)

PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ
(khi bài còn đăng trên VNN)

Họ và tên: Minh Khoa
Địa chỉ: Quận Thanh Khê - ĐN
Email: dmthe@vdc.com.vn

Qủa là một cuộc phỏng vấn đầy lý thú: Cái lý thú nhất là từ trước tới nay tôi chưa được biết có một Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội như trong bài phỏng vấn. Nhưng tôi cảm thấy vui hơn, tin hơn khi được biết điều này. Tôi cũng rất mong muốn Quý Viện hãy quan tâm hơn nữa đến dư luận xã hội, nhất là người dân. Vì hiện nay rất nhiều điều bức xúc về mọi vấn đề xã hội: Kinh tế, giáo dục, y tế, tệ nạn xã hội, tệ tham nhũng v.v... vẫn còn tiếp diễn ngày càng phức tạp, nó làm cản bước tiến của toàn xã hội. Những cơ quan cấp trên cần được biết một cách chính xác, cụ thể, từng thời điểm những thông tin về bức xúc trong xã hội mới có thể đưa ra được những đường hướng đúng nhằm phát triển đất nước một cách bền vững về mọi mặt.
Xin cảm ơn bài phỏng vấn của tác giả Lê Ngọc Sơn.

Họ và tên: Thanh Bình
Địa chỉ: 21 Lê Trung Đình, Huế
Email: sweet_and_bitter_forever@yahoo.com

Đọc xong bài này tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên. Việc đo lường dư luận xã hội đã có từ rất lâu rồi. Điều này được bắt nguồn từ hàng loạt các học thuyết kinh tế -xã hội nhấn mạnh đến vai trò của người dân trong phát triển.

Tôi mừng vì lãnh đạo đất nước đã chủ động lắng nghe các bức xúc của dân. Nhưng cũng ngạc nhiên không kém vì theo lời ông Viện phó thì đây là cơ quan khoa học thế mà các kết quả nghiên cứu khoa học lại không được công khai. Tại sao thế nhỉ?

Nếu không công khai thì làm sao biết công việc của Viện này có tốt không nhỉ? Hay công khai thì sợ...loạn?

Họ và tên: Anh Trung
Địa chỉ: HÀ Nội
Email:

Tôi rất vui khi đọc bài phỏng vấn này. Vui vì lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã có một kênh thông tin gần như trực tiếp từ người dân, thậm chí từ phía "bên kia" tới. Mong quý Viện làm tốt chức năng của mình bằng tri thức và cái tâm thật trong sáng.

Họ và tên: Đào Thị Bình
Địa chỉ: Cầu Giấy, Hà Nội
Email: manuhangbt1965@yahoo.com

- Đó là một công việc hữu ích song cơ bản là nó được lắng nghe như thế nào? Điều chỉnh như thế nào? Nếu là phóng viên tôi rất muốn hỏi thêm: Nhờ nghiên cứu dư luận xã hội đã có vấn đề gay cấn nào được giải quyết hiệu quả theo đề xuất của Viện? Có thể kể một vài ví dụ không? Làm thế nào để không bị cộng tác viên hoặc bạn bè lợi dụng cung cấp thông tin không phổ biến, không có tính đại diện?

- Tôi thấy thích công việc này. Tôi có thể xin chuyển về công tác ở Viện được không? Tiêu chuẩn cán bộ của Viện thế nào?

Họ và tên: Lương ngọc nhật Linh; 28 tuổi
Địa chỉ: ban QLDA Phù Cát
Email: nhatlinhk22x1bd@yahoo.com

Chúc các bác sức khỏe và quét tham nhũng nhiều hơn, mạnh hơn và sắc bén hơn. quét tiền lương công chức mạnh hơn, quét bảo vệ sức khỏe nhiều hơn, quét giáo dục nhiều hơn, quét y tế nhiều hơn. quét bổ nhiệm công chức nhiều hơn. Theo tôi viện sẽ được dân tin yêu nếu viện tham mưu đạt hiệu quả

Họ và tên: Lê An Huy
Địa chỉ: Hà Nội
Email: anhuyfpt@yahoo.com.vn

Khi đọc trả lời của ông tôi thấy Ban tuyên giáo đã làm được một việc, nhưng đọc bài trả lời phỏng vấn của ông tôi chỉ tin 10% thôi vì nếu công việc của các ông "sát" dân như vậy, tại sao, chính sách vĩ mô, công tác cán bộ của chúng ta có nhiều sai sót thế.

Tại sao cũng chịu khủng hoảng kinh tế mà lạm phát của ta cao thế? Nạn chạy chức chạy quyền gần như ở Cơ quan Nhà nước nào cũng có tại sao ngày càng trầm trọng!

Trên thế giới, các cơ quan điều tra dư luận thế này, họ thường là các tổ chức phi chính phủ, tư nhân, bất ký Chính phủ hay một tập đoàn nào đặt hàng họ điều tra dư luận xã hội đều phải trả tiền và họ thực sự khách quan, độc lập (Vd: Viện Gallup của MỸ) nhưng Viện của ông Quang hay Ban Tuyên giáo nói chúng là một cơ quan của Đảng thì có khách quan được?

Ngay trong bài trả lời của mình, ông Quang cũng đã lảng tránh vấn đề tham nhũng trong khi dư luận bức xúc nhất là vấn đề tham nhũng- bài học Thái Bình xảy ra năm 1997 cốt lõi cuối cùng là do các cán bộ xã, huyện tham nhũng quá, và cách xử lý các vấn đề tham nhũng càng ngày càng lớn, ai cũng biết phải có chức, có quyền mới có thể tham nhũng được! Trên đây là mấy ý kiến xin Quý báo gứi tới ông Vũ Hào Quang !

Họ và tên: Nguyễn Ngọc Thắng
Địa chỉ: 5 Lý Tự Trọng, Hải phòng
Email: thangapl@yahoo.com

Không biết các vị đo bức xúc của dân và quét các thông tin bằng cách nào đây, vi hành chăng? Chẳng cần các vị đo hay quét đâu, cứ công khai địa chỉ, số điện thọai, fax, email của nơi cần tiếp nhận thông tin bức xúc, tôi đảm bảo rằng chỉ trong một ngày các vị cũng đủ thông tin để xử lý cho cả tháng .

Họ và tên: Hà Thị Thái
Địa chỉ: Hà Nội
Email:

Tôi đọc bài viết của anh Lê Ngọc Sơn tôi thấy PGS-TS Vũ Hào Quang đánh giá rất sát với thực tế xã hội 02 vấn đề:
1.Người học giỏi và học thật ra trường không có việc, còn người học giả hoặc học dốt thì nghiễm nhiên có việc làm. Tôi liên tưởng đến 01 em học trường DHSKDA Hà nội khoa K24 là sinh viên xuất sắc nhiều năm, nhưng đến nay công việc làm thật khó khăn tuy nhiên em có dự thi tuyển 01 số cq nhưng không có kết quả.
2. Các cán bộ hưu trí đặc biệt bức xúc về vấn đề: "Một nhóm người giàu lên khá nhanh chóng bằng cách chụp giật, tham ô, bất chính. Bộ phận này chiếm tương đối".Tôi rất đồng tình với PGS-TS Vũ Hào Quang đã có báo cáo vấn đề nhạy cảm với lãnh đạo cấp trên nhưng báo cáo cũng phải có hướng đề xuất, biện pháp phù hợp tới vấn đề tích cực của XH. Đảy mạnh công tác Phòng chống tham nhũng tới toàn dân.Phải hiểu đó là nhiệm vụ của mỗi người dân, tiến tới đất nước không còn bọn sâu mọt đục khoét.

Họ và tên: Lê Quang Hoà
Địa chỉ: Hà Nội
Email: quanghoa02@yahoo.com

Lúc đầu, tôi đọc bài "Nửa kín nửa hở..." do tò mò. Về sau thấy hơi hứng thú nhưng cuối cùng thì tôi thấy thất vọng.

Thứ nhất, đây là một Viện do Ban Bí thư thành lập, tuyển dụng, giao nhiệm vụ và trả lương thì rồi các vị cũng phải tìm cách nói sao cho lấy lòng được cấp trên để giữ cái ghế của mình. Điều này đã được chính ông PGS, TS Vũ Hào Quang trực tiếp thừa nhận: "Nhưng điều tất nhiên là các thông tin đều phải qua bộ lọc của chúng tôi." (chuyện này không có gì là ngạc nhiên ở nước ta).

Thứ hai, Viện có 14 người, kể cả lãnh đạo thì các vị làm sao đo được dư luận xã hội của 64 tỉnh thành với hơn 80 triệu dân. Thế mà các ông nói là mỗi năm Viện tiến hành được 13-14 cuộc khảo sát.

Tôi là một nhà Khoa học xã hội được đào tạo bài bản ở một trường đại học danh tiếng của phương Tây, tôi không thể hiểu nổi Viện khảo sát bằng phương pháp gì mà với hơn 10 cán bộ mà lại có thể làm được điều không tưởng đó.

Thứ ba, dư luận xã hội thì có gì là bí mật mà Viện phải giấu diếm các báo cáo của mình. Trên thế gian này có nơi nào ngoài Việt Nam người ta phải giữ bí mật dư luận xã hội không? Tôi cho rằng việc công khai các báo cáo của Viện cũng là một cách giám sát xem Viện có làm việc đàng hoàng và hoàn thành nhiệm vụ của mình hay không.

Viện không chịu sự giám sát của bất kỳ một bên thứ ba nào thì làm sao biết được Viện có hoạt động hiệu quả và khách quan.

Thứ tư, may mà hôm này có cuộc phỏng vấn này, tôi và rất nhiều bạn đọc khác mới biết trên đời này đã và đang tồn tại một Viện như vậy. Ấy thế mà ông Viện phó không nhân cơ hội này cung cấp cho bạn đọc biết địa chỉ, số điện thoại, số fax, email của Viện để đón nhận thông tin về những bức xúc của người dân.

Kính thư
Lê Quang Hoà

Họ và tên: Thái Phong
Địa chỉ: Saigon
Email: thaiphong16@yahoo.com

Dư luận xã hội luôn luôn tồn tại và là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế và phát triển cộng đồng, đặc biệt khi chúng ta biết phân tích và dự báo được chiều hướng tiến triển của nó.

Chúng tôi rất hoan nghênh sự ra đời của một Viện chuyên về vấn đề này. Hy vọng rằng vai trò nghiên cứu khoa học của Viện được phát huy đúng nghĩa của nó.

Chúng tôi chờ đợi nơi các nhà nghiên cứu của Viện một tinh thần khách quan trong nghiên cứu các vấn đề. Nhất là trong lãnh vực học thuật.

Như vậy theo tôi, Ông Phó Viện trưởng không nên dùng kiểu nói "thế lực phản động". Vì như thế dẫn đến việc mất đi tính khách quan trong nghiên cứu và có vẻ sẽ làm cho một số người phản cảm.

Họ và tên: Mạnh Cường
Địa chỉ: Hà Nội
Email:

Qua bài phỏng vấn tôi thấy rất lý thú vì Bộ Chính trị có một nguồn thông tin dư luận xã hội thông qua việc thu thập xã hội nhưng cũng có nhưng suy nghỉ xin được nêu lên để tác giả và bạn đọc xem xét.

1. Thông tin tôi cho rằng cần phải được công khai để xã hội biết cùng điều này giúp việc đánh giá của viện đã phù hợp chưa nếu phù hợp thì mọi người cũng biết việc thay đổi sự điều hành của đảng và nhà nước ra sao, có cải thiện được vấn đề không.

2. Nên nghiên cứu nhiều về giới trẻ đặc biệt là giới sinh viên và những người có độ tuổi từ 25-35 tuổi vì đây là thế hệ kế nhiệm tương lai (rất quan trọng), xem họ nghỉ gì về xã hội, kinh tế, thể chế trính trị.

3. Chúng ta vẫn mắc một bệnh chung đó là nói nhiều, làm ít, làm không tới nơi tới chốn, nói hay làm không ra gì. Tôi nghĩ cũng cần nghiên cứu về vấn đề này.

Họ và tên: Tran Anh Hieu
Địa chỉ: Trung Tu
Email: Utopia102008@gmail.com

Theo cuộc phỏng vấn thì được biết Viện Nghiên cứu dư luận là cơ quan của Đảng. Đảng chăm lo đến quyền lợi của dân, chủ trương xây dựng "nhà nước của dân, do dân và vì dân", vậy các thông tin dư luận lấy từ nhân dân, dù Viện có được độc quyền xử lý, thì cũng nên công khai phần nào chứ.

Thí dụ công khai 50% các cuộc thăm dò nghiên cứu, 50% còn lại có thể là chưa cần thiết vì dân trí ta... còn thấp, có thể gây bất ổn xã hội.

Cách lấy ý kiến dư luận trong thời buổi CNTT là rất hiệu quả: Thông qua môi trường Internet. Rất nhiều website đã tổ chức lấy ý kiến dư luận theo cách này, nhưng họ chỉ được làm điều tra về những vấn đề tầm phào như ăn chơi, cá cược...

Tại sao Viện ta không dùng cách làm hiện đại này cho những vấn đề nghiêm túc của xã hội, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng tính trung thực và hiệu quả điều tra nghiên cứu.

Xin đừng ngần ngại rằng công khai cách làm này là bất lợi cho Viện, cho Đảng hay cho dân, bởi Viện vẫn toàn quyền xử lý các thông tin này mà!

Họ và tên: Phùng Phương Thảo
Địa chỉ: UBND phường Cửa Nam
Email: dangthao7779@gmail.com.vn

Tôi không thích tiêu đề của bài viết vì nó gợi trí tò mò và sự liên tưởng về một vấn đề gì đó không minh bạch, rõ ràng. Nó có vẻ không phù hợp với nội dung của bài viết.

Bài phỏng vấn cho tôi một cái nhìn toàn cảnh hơn về công tác nghiên cứu và thu thập thông tin dư luận xã hội. Tôi nghĩ đây là một việc làm hết sức cần thiết và thường xuyên.

Ở đây mới chỉ đề cập tới cấp trung ương, thực ra mạng lưới dư luận xã hội và cộng tác viên thì có từ cấp cơ sở, quận huyện, tỉnh thành tới trung ương. Vì công tác trực tiếp tại cấp phường xã, tôi thấy việc duy trì mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội do thành phố Hà Nội thời gian vừa qua làm rất tốt.

Ở đây có một bạn đọc băn khoăn rằng liệu đại diện cho cơ quan Đảng thì việc thu thập thông tin liệu có khách quan không?

Nhưng tôi thì nghĩ, mạng lưới được tổ chức từ cấp cơ sở, với đội ngũ cộng tác viên được lựa chọn từ trong nhân dân, cho nên ý kiến phản ánh với Ban tuyên giáo các cấp là trung thực và khác quan.

Còn việc chính sách của chúng ta vẫn còn nhiều sai sót, hoặc những bức xúc của nhân dân để có thể giải quyết được ngay lập tức đòi hỏi phải có một cơ chế đồng bộ, sự đầu tư nghiên cứu và những quyết sách hợp lý, và phải diễn ra từng bước thì mới có thể đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

Nên tôi nghĩ những việc mà viện nghiên cứu dư luận xã hội đã và đang làm là cả một nỗ lực và cố gắng rất lớn, giúp cho Đảng và Nhà nước ta có những chính sách tốt trên con đường đổi mới của đất nước hôm nay.

Tôi rất mong muốn mạng lưới dư luận xã hội không chỉ từ cấp trung ương mà cả ở tỉnh thành, quận huyện, phường xã được nhân dân biết đến, tin tưởng để các cấp ủy Đảng, chính quyền quan nhiều kênh, nắm bắt được nhiều thông tin, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình

Họ và tên: Nguyên Hà
Địa chỉ:
Email: Nguyenha@yahoo.com

Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Lê Quang Hoà - Hà Nội. Nghe tiêu đề bài báo thấy vô cùng hấp dẫn, gây được sự chú ý của người đọc nhưng khi đọc nội dung thi thấy nó nhạt nhẽo chung chung.

Đây là một cơ quan của Đảng để thập ý kiến phản hồi của người dân nhưng liệu những bức xúc có đến tai những lãnh đạo thật không sau khi đã qua" bộ lọc".

Ta không thể trách những nhân viên làm trong viện kể cả Viên phó Quang, họ cũng chỉ là những người làm công ăn lương không dại gì " nói thẳng làm thật" để tự gây " áp lực" cho mình. Bởi điều này là việc làm đúng trong xã hội ta bây giờ.

Nếu Đảng và Chính phủ thực sự muốn biết những bức xúc của người dân sao không thực hiện một cuộc chưng cầu dân ý về lòng tin của người dân đối với Đảng và Chính phủ một cách công khai như các quốc gia khác vẫn làm?

Họ và tên: KhôiNguyên
Địa chỉ: Hải phòng
Email: khôinguyên@yahoo.com

Tôi thấy ý kiến của các bạn: LÊ AN HUY, NGUYỄN NGỌC THẮNG, LÊ QUANG HOÀ rất hay. Đấy là những ý kiến đóng góp thực sự và cũng là những bức xúc của nhiều người dân. Liệu các thông tin có được phản ánh trung thực hay đã được lọc cho trau truốt và không bao giờ dám công khai cho dân biết, thậm chí có phần né tránh khi động vào "vùng cấm".

Ở các quốc gia khác đã là luật thì không có "vùng cấm", nó chỉ áp dụng khi đụng đến bí mật quốc phòng an ninh quốc gia còn ở nước ta được dùng thường xuyên nếu không muốn nói là đụng đâu có đấy khi có liên quan đến quyền lợi kinh tế, uy tín của lãnh đạo.

Tôi đã gừi nhiều thư phản hồi sau khi đọc các bài báo xong không được đăng hết nội dung bởi cũng đã được thông qua "bộ lọc". Phải chăng ngay cả Ban biên tập cũng không muốn " tăng áp" cho mình khi đăng những ý kiến của tôi. Điều này tôi cũng rất thông cảm với Ban biên tập vì đó là việc làm chính đáng trong xã hội ta bây giờ. Hy vọng bài viết này của tôi sẽ không phải qua "bộ lọc" mà được đăng đầy đủ nội dung. Xin chân thành cảm ơn.

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2008

"Lấy lại hình ảnh đất nước không phải để được nhận ODA!"

09/12/2008 09:41 (GMT + 7) "Sự kiện PCI và quyết định của chính phủ Nhật ảnh hưởng đến thể diện của đất nước, đó là một tổn thất lớn. Tổn thất này không thể so với chuyện bị ngưng cung cấp ODA. Do đó, lấy lại hình ảnh tốt cho đất nước không phải là để được tiếp tục nhận ODA" - GS. Trần Văn Thọ - Giáo sư Waseda, Tokyo, Nhật Bản nhận định.

"PCI là vấn đề trực tiếp của Việt Nam, không phải của Nhật"

Theo ông, lý do nào khiến chính phủ Nhật Bản đi đến quyết định
tạm ngừng cấp viện trợ ODA cho Việt Nam trong năm tới, đồng thời đóng băng lượng tài trợ khoảng 700 triệu đôla đã cấp trong năm nay?

GS Trần Văn Thọ: Theo tôi, thái độ và cách tiến hành xử lý các vấn đề của Việt Nam liên quan đến vụ bê bối tham nhũng của công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật cho đến thời điểm này là chậm trễ. Phải mất 5 tháng, phía Việt Nam mới ra quyết định đình chỉ ông Huỳnh Ngọc Sỹ, người được nêu đích danh trong vụ việc.

Mặt khác, phát biểu của một thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 17/8/2008, (tức 2 tuần sau khi viện công tố Tokyo bắt tay khám xét và bắt giam các vị lãnh đạo PCI ở Nhật bản) đã gây bất bình cho công luận ở Nhật trong khi người Nhật đang trông chờ một lời giải thích đúng đắn và tích cực từ phía Việt Nam.

Dự án nước cho Tp. HCM, một dự án ODA khác của Nhật Bản. Ảnh: vietbao.Việt Nam

Lòng tin của Nhật Bản bị ảnh hưởng khi thấy những người liên quan vụ việc ở phía họ đã bị xử lý và đã khai đúng tên họ cụ thể của quan chức Việt Nam mà phía Việt Nam không tiến hành điều tra ngay.

Nhật Bản không hy vọng sẽ thấy kết quả mong muốn. Do đó họ phải đi đến quyết định đó để tạo áp lực mà họ nghĩ áp lực này sẽ được cả công chúng Nhật Bản và Việt Nam ủng hộ.

Theo kết quả của Hội nghị các nhà tài trợ (CG) vừa qua thì trước mắt chưa có hiệu ứng domino. Nhưng tùy theo kết quả điều tra sắp tới của Việt Nam về việc này, tình hình năm tới có thể xấu hơn hoặc không.

- Vậy theo ông, Việt Nam cần phải làm gì tiếp theo?

GS Trần Văn Thọ:
Bây giờ Việt Nam cần cho thấy thái độ nghiêm túc trong việc này. Tránh những
phát biểu thiếu trách nhiệm, thiếu suy nghĩ như của ông Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân TPHCM mới đây.

Cần nhận thức rằng đây là vấn đề trực tiếp của Việt Nam, không phải của Nhật (chỉ gián tiếp ảnh hưởng đến chính sách ODA của Nhật), Việt Nam trước hết phải điều tra nghiêm túc và kết quả phải thuyết phục được chính dân chúng Việt Nam.

Việt Nam phải cho thấy sẽ điều tra nghiêm túc vụ việc này, và chứng tỏ sẽ có biện pháp hữu hiệu trong việc phòng chống tham nhũng. Không thể chỉ cam kết mà phải có biện pháp cụ thể.

Chẳng hạn, trong ủy ban phòng chống tham những cần có tiếng nói độc lập với bộ máy nhà nước, cần để báo chí tự do phát hiện những tiêu cực.


- Viện trợ ODA cho Việt Nam đồng nghĩa với việc Nhật Bản muốn gia tăng ảnh hưởng kinh tế - chính trị lên khu vực này. Vì thế, có quan chức Việt Nam đã tự tin nói rằng, cấp ODA cho Việt Nam là lợi ích của chính Nhật Bản, do đó sớm muộn Nhật phải nối lại ODA cho Việt Nam. Ông nghĩ sao về nhận định này?

GS Trần Văn Thọ: Đúng là Nhật dùng ODA để tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực Á châu. Nhưng không vì thế mà Nhật Bản có thể tiếp tục cấp ODA cho những nước dùng ODA một cách bất chính. Dư luận Nhật Bản không cho phép.

Dư luận thế giới cũng sẽ lên án, sẽ chê trách và cái giá của Nhật phải trả trong truờng hợp đó sẽ lớn hơn lợi ích chính trị, kinh tế do ODA mang lại. Theo tôi, quan chức Việt Nam không nên có thái độ lạc quan trong trường hợp này, và dù lạc quan thật sự cũng không nên phát biểu như vậy.

- Có ý kiến cho rằng hành động dứt khoát này của Nhật lại có tác dụng tốt đối với Việt Nam vì người ta không thể chữa bệnh nan y nếu không có thuốc đắng được. Quan điểm của ông như thế nào về nhận xét này?

GS Trần Văn Thọ: Tôi cũng có ý kiến như vậy. Nhiều năm nay tại Việt Nam hầu như ai cũng đồng ý rằng thất thoát trong xây dựng cơ bản rất lớn. Tệ nạn tham nhũng ai cũng thấy. Nhà nước cũng đã lập Ủy ban phòng chống tham nhũng. Nhưng rất tiếc là chúng ta chưa thấy được kết quả như mong muốn.

Qua sự kiện ảnh hưởng đến thể diện quốc gia này, dân chúng sẽ nghiêm khắc hơn nữa và nhà nước sẽ phải nghiêm túc hơn nữa.

Nhật cũng từng nhận ODA của Mỹ

Việt Nam lấy lại hình ảnh đất nước không phải để được nhận ODA!
(Ảnh nguồn: SkyscraperCity)

- Theo ông, sự việc này đã tác động như thế nào đến hình ảnh Việt Nam trong mắt công chúng và chính phủ Nhật Bản?

GS Trần Văn Thọ:
Dĩ nhiên đây là sự kiện rất đáng tiếc. Tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam thế giới đã biết. Hàng năm, nhiều tổ chức quốc tế điều tra tình hình tham nhũng và môi trường đầu tư tại các nước đã cho thấy như vậy. Ví dụ theo bảng xếp hạng về cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố tháng 9 năm nay, trong 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam xếp thứ 121.

Nhưng cho đến nay chỉ những tổ chức quốc tế, những người có đầu tư ở Việt Nam, có nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam mới biết rõ tình trạng tham nhũng ở nước ta. Bây giờ qua sự kiện này, nguời dân bình thường ở Nhật cũng biết. Hình ảnh Việt Nam xấu đi trong lòng người Nhật là điều không tránh được.

- Và cuối cùng, vấn đề là, liệu Việt Nam có nên cố gắng hết sức lấy lại hình ảnh chỉ để chứng minh Việt Nam là một nước xứng đáng được nhận vốn ODA từ các nước ? Có con đường nào khác cho Việt Nam phát triển trong thời điểm này nếu thiếu đi những đồng vốn ODA?

GS Trần Văn Thọ: Sự kiện PCI và quyết định của chính phủ Nhật ảnh hưởng đến thể diện của đất nước, đó là một tổn thất lớn. Tổn thất này không thể so với chuyện bị ngưng cung cấp ODA.

Do đó, lấy lại hình ảnh tốt cho đất nước không phải là để được tiếp tục nhận ODA. Phải xem ODA chỉ là hiệu quả phụ trong vấn đề nầy.

ODA chỉ có vai trò giúp cho quá trình phát triển tiến nhanh chứ không phải có tính cách quyết định cho công cuộc phát triển. Những nước phát triển trước 1945 hầu như không nhận ODA.

Sau 1945, Nhật Bản có nhận ODA của Mỹ nhưng với kim ngạch rất nhỏ và chỉ trong thời gian 10 năm. (Nhân tiện đây, tôi xin mở ngoặc, trong thời gian Nhật Bản nhận viện trợ của Mỹ, các Bộ trưởng, thứ trưởng khi đi công du nước ngoài luôn chọn ở khách sạn 3 sao, giá phòng ở thủ đô Mỹ Washington hồi đó khoảng 7 –8 USD/đêm, có lẽ tương đương 40-50 USD bây giờ, và ở chung 2 người một phòng).

Sau thế chiến thứ hai, nhiều nước nhận ODA nhưng thành quả phát triển thì rất khác nhau. Chẳng hạn, Thái Lan và Philippines đều nhận nhiều ODA từ Nhật, nếu tính gộp từ năm 1960 đến năm 1995, tổng ngạch ODA của Nhật rót vào hai nước nầy hầu như ngang nhau. Nhưng Thái Lan thì phát triển mạnh mẽ còn Philippines thì trì trệ. Năm 1960, GDP đầu người của Philippines gấp đôi Thái Lan, nhưng đến năm 1995 thì chỉ bằng một nửa.

Như nhiều ước tính cho thấy, Việt Nam thất thoát tới khoảng 30% ngân sách các công trình trong xây dựng cơ bản. Vấn đề tiên quyết của Việt Nam bây giờ là cải thiện tình trạng này trước khi tính chuyện tìm thêm các nguồn tài trợ ODA.

Tại Việt Nam, ODA chỉ chiếm độ 25% trong tổng kim ngạch đầu tư của khu vực công. Do đó, nếu con số thất thoát 30% là đúng thì, nói một cách hơi cực đoan, dù không có ODA, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển như bây giờ nếu tình trạng thất thoát hoàn toàn được khắc phục.

Nguồn: Tuần Việt Nam

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

"Đẹp thay tấm lòng của ông bà chủ cty massage Tân Hoàng Phát"

Copy từ blog Linh

Một bài báo từ tháng 5/2008 trên tờ Kinh tế nông thôn của nhà báo Chí Cường


Tiếp sức cho những mảnh đời nghèo khó

"KTNT - Mặc dù còn khá trẻ và vừa qua giai đoạn “lập nghiệp” khó khăn nhưng vợ chồng chị Phan Thị Yến và anh Phan Cao Trí ở khu phố 4, đường 4, phường Linh Chiểu (Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh) được nhiều người biết tiếng nhờ ý chí, nghị lực vươn lên và đóng góp trong công tác từ thiện xã hội.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, Yến sớm phải xa gia đình lên TP. Hồ Chí Minh mưu sinh kiếm sống. Yến đã trải đủ nghề cực nhọc nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo bám... Gặp và nên duyên vợ chồng với anh Phan Cao Trí, chị như được san sẻ bớt khó khăn. Họ đỡ đần, động viên nhau cùng vượt qua những ngày thiếu thốn, vất vả. Anh chị xoay trăm nghề, thắt lưng buộc bụng dành dụm từng đồng vốn nhỏ... Năm 2001, chị Yến bàn với chồng gom hết tiền tích cóp để thành lập Công ty TNHH Tân Hoàng Phát. Từ nghèo khó vươn lên, anh chị thấu hiểu được nỗi vất vả của những người nghèo. Khi Công ty ăn nên làm ra, ngoài việc luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, vợ chồng chị còn luôn quan tâm đến đời sống nhân viên. Anh chị lo lắng từ chỗ ăn, nghỉ, tiền thưởng... để động viên, khuyến khích công nhân. Gần đây, đôi vợ chồng trẻ còn trở thành “mạnh thường quân” trong công tác từ thiện của nhiều địa phương.
...

Chúng tôi hỏi về việc làm từ thiện, chị Yến cười đôn hậu: “Việc có nghĩa, có tình mình không làm thì còn làm việc gì? Mình giúp đỡ được một người nghèo là đã giúp giảm bớt một gánh nặng cho xã hội. Vợ chồng tôi thấy lòng rất thanh thản khi tham gia công việc này, đó chẳng phải là món quà vô giá hay sao?”.

Đẹp thay những suy nghĩ, tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng chị Yến. ước gì có nhiều doanh nhân có tấm lòng nhân ái như họ, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn..."

Trong cả bài báo ca ngợi ông bà chủ Tân Hoàng Phát, nhà báo không hề đả động tới công ty Tân Hoàng Phát kinh doanh gì. Và nhà báo ca ngợi họ bằng những lời có cánh, thậm chí ước có nhiều doanh nhân có tấm lòng nhân ái như họ.

Và đây là bằng chứng của lòng nhân ái, và những tấm lòng đôn hậu, chân thành:

"Trong thời gian làm việc, tiếp viên nào vi phạm kỷ luật như không chiều khách, bị khách khiếu nại với chủ sẽ bị phạt làm vệ sinh, rửa chén hoặc bị nhốt ở bãi xe và nhà trọ (số 46 và 48 đường số 4 phường Linh Chiểu). Theo lời Hậu khai, chìa khóa nhà do Hậu giữ và có bảo vệ canh bên ngoài. Những tiếp viên nào “ngoan cố” sẽ bị điều ra massage Hoàng Vân tại ngã ba Vũng Tàu để “cải tạo” (chi nhánh của Tân Hoàng Phát). Nếu ai có ý định bỏ trốn mà bị phát hiện, Hậu nhốt vào trong chuồng chó với ba chó bẹc-giê rất dữ. Ông Sỹ (hiện đã bỏ trốn) còn thẳng tay đánh những cô gái nào vi phạm và dùng súng hăm dọa, chĩa vào đầu. Dưới trướng của Sỹ là những đối tượng quản lý, bảo vệ cũng tham gia đánh tiếp viên.

Được giải thoát khỏi “địa ngục” trần gian, cả trăm cô gái cùng người thân vui mừng, nhiều người quá xúc động không cầm được nước mắt. Trước đó, có trường hợp một số gia đình mang “giấy đỏ” để thế chấp hoặc nộp tiền chuộc cứu con về nhưng bị chủ từ chối thẳng thừng."

"Trường hợp của TTHT (21 tuổi, quê Đồng Tháp) thì thê thảm hơn. Tháng 8-2007, lúc rạng sáng, T. nhảy từ lầu hai của nhà số 58 (Linh Chiểu, Thủ Đức) xuống đường thì bị gãy xương sống. Bảo vệ nhìn thấy xông tới đánh đập cô. Tương tự như T., hai cô gái khác cũng nhảy lầu và gãy chân cũng bị bảo vệ bắt lại đánh đập.

Mọi sinh hoạt từ ăn ngủ, mua sắm, tiếp người thân lên thăm của các cô gái bị giam lỏng trong nhà 46, 48, 58 (đường số 4, phường Linh Chiểu) đều bị bảo vệ theo dõi, dò xét. Bà NTD, mẹ của một cô nói: “Tôi vào thăm con phải qua lớp bảo vệ, bị khám xét giỏ xách kỹ lưỡng rồi mới cho vào”. "

Và thực tế là cái tổ quỷ này đã được phát hiện từ năm 2004 nhưng vẫn được tiếp tục hoạt động nhờ sự bảo kê của một số người. Báo Lao Động đã đăng bài từ năm 2006 về việc Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Nguyễn Thị Hữu Hòa nâng đỡ cho công ty Tân Hoàng Phát, nhưng rồi những bài báo đó cũng chìm vào trong lãng quên.

Thậm chí còn có chuyện công an bán súng cho tội phạm nữa, với giá chỉ 10 triệu đồng/khẩu. Thật kinh khủng, còn rẻ hơn mua súng ở Mỹ.

"Theo lời khai của Phan Văn Vũ (21 tuổi, ngụ Vĩnh Long, giữ xe cho Tân Hoàng Phát), vào ngày 2-10, Vũ đi trễ một ngày bị Sỹ chửi mắng và rút súng ra bắn chỉ thiên hai phát. Ngày 15-11, Sỹ chĩa súng vào đầu Cường (quản lý), tát vào mặt và bắn chỉ thiên để “dạy dỗ”. Hai khẩu súng này Sỹ và Hậu nạp sẵn đạn bọc đồng và luôn đem theo trong người.

Chiều qua, PC14 đã bước đầu làm rõ lai lịch hai khẩu súng mà Sỹ và Hậu sử dụng. Hai khẩu súng này do bà Nguyễn Thị Kim Thanh Giám đốc Công ty TNHH Thái Thanh mua của một cán bộ Công an thị xã Long Khánh với giá 10 triệu đồng/khẩu, sau đó bán lại cho Sỹ và Hậu với giá gấp đôi. Hai khẩu súng này có giấy phép sử dụng, được Công an tỉnh Đồng Nai cấp cho Công an thị xã Long Khánh nhưng địa chỉ trong giấy phép lại là Công ty TNHH Thái Thanh. Hiện cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ hành vi mua bán vũ khí quân dụng trái phép của bà Thanh."

* Triệt phá “địa ngục” massage Tân Hoàng Phát: Bộ mặt thật của ông bà chủ

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

Ngày này năm ngoái

Lần đầu tiên sau 32 năm, thanh niên và sinh viên Sài Gòn đã công khai xuống đường biểu lộ chính kiến:
sau những ngày nổi giận

chúng ta có gì nào?...

những năm 80-phim ĐÀI LOAN
những năm 90-Phim HỒNG kÔNG
những năm 2000-Phim TRUNG QUỐC
những năm 2007-phim HÀN QUỐC.

chúng ta có gì nào?
ngoài một nền điện ảnh èo uột
đến tự vệ cũng không xong
Sử Ta ra đứng đường
đành thuộc Sử Tàu cho tiện


chúng ta có gì nào?

sau những ngày nổi giận?

ta có...
một nền văn chương mò mẫm
quen những lối an toàn.
ta có...
mỗi ngày chạm mặt ma túy
chạm mặt tham nhũng
chạm mặt kẹt đường...
ta có nỗi buồn
lớn như định mệnh bi thảm của tổ quốc
bản đồ dính liền kẻ cướp!

biển chặn lối-cùng đường!

sau những ngày nổi giận
ta còn gì nào?

còn cái duy nhất
còn cái cuối cùng
gương mặt
NHỮNG CON NGƯỜI BIẾT CÁCH YÊU ĐẤT NƯỚC MÌNH
không thể khác!
từ blog Chung Do Kwan và Um a Hum

Close

Biểu ngữ viết bằng tiếng Hoa được trương lên...

Close

Những nắm tay biểu tình của sinh viên sau 32 năm lại vung lên giữa phố Sài Gòn

Close

Lưng áo của một thanh niên với dòng chữ: "Đừng để chúng cắt rời Hoàng sa và Trường Sa ra khỏi thân thể đất nước".

Close

Cùng ký tên phản đối Trung Quốc lên Quốc kỳ Việt Nam

Close

Biếm họa đặc biệt thể hiện câu chuyện Trung Quốc và Việt Nam quanh sự kiện Hoàng sa, Trường Sa!

Close

Đám đông với các biểu ngữ

Close

Tràn ngập một đoạn đường

Close

Gào to các khẩu hiệu

Close

Nhà thơ Hoàng Hưng (giữa) vừa từ Hà Nội vào nhập cuộc.

Close

Nhóm nhà báo

Close

Tuấn Khanh nói, và chẳng ai làm theo!!!

Close

Hình đảo Hoàng Sa được in ra và trương lên giữa đoàn biểu tình.

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2008

Đoạn tình thư ODA

Em,

Ta viết thư này cho em mà lòng đau như cắt, nhưng lỡ đau, đau một lần rồi thôi... Thư này coi như tình ta và em thôi đã thôi rồi. Em cũng biết lòng ta vằng vặc bao năm qua, nhưng chính em là kẻ đã phụ tình...

Ôn lại chuyện để em thấy, ta và gia đình Phù Tang đã gắn bó, đã phù trợ cho em và gia đình suốt bao năm qua. Mỗi năm, ta đại diện gia đình chắt chiu gửi cho gia đình em hàng tấn ngân khỏan, những mong gia đình em vượt qua cơn khốn khó bần hàn... Ngờ đâu, chỉ em và vài kẻ khôn vặt trong nhà là béo tốt, vinh thân phì gia, còn tuyệt đại đa số vẫn nghèo đói thất học liên miên. Thôi nhé em, từ nay em hãy tự mình mà đi tiếp, dòng họ ta không thuận nên ta buộc ngắt đứt đường ngân khoản cho em bấy lâu.

Nhớ xưa, hai gia đình ta có khác biệt gì đâu, cũng chỉ là hai dòng họ nhỏ bé trước kẻ thù chung là gã láng giềng khổng lồ Hán tộc. Tuy vậy, dòng họ ta và em vẫn khí phách hào hùng... Ta đã từng nhiều lần mượn ngọn Thần Phong đánh gã láng giềng đó đại bại, còn dòng họ em cũng bao phen đánh họ "sạch sanh kình ngạc, tan tác chim muông".... Nhưng phận chúng ta thì nhỏ, chỉ biết cắn chắc răng mà tự mình vươn dậy. Ta tự hào dòng họ Phù Tang của ta đã làm được chuyện đó, từ chỗ một nhược tiểu bại trận, gia cảnh tan hoang, ta đã thắt chặt lưng, nắm chặt tay, ngày đêm nằm gai nếm mật ôn nhục để quyết chí vượt lên. Bây giờ, nhắc đến tên dòng họ Phù Tang của ta là mọi lân bang đều kính nể, gã láng giềng khổng lồ ngày xưa còn phải cúi đầu.

Dòng họ em thì sao? Tiếc thay, tiếc thay... khí phách ngày xưa nay đã thui chột. Bao nhiêu năm nay, các em cứ mải lo tự hào, tự tâng bốc mà quên thảm họa nghèo đói, hèn hạ đang chực chờ. Thiên hạ bây giờ đua nhau tiến nhanh vùn vụt, các em thì ngược thời gian mà mặc sức thoa son trét phấn. Kịp tỉnh lại thì đã muộn rồi, có mang hia ngàn dặm thì đường đua đã xa tít tắp... Bao nhiêu thế kỷ nữa cho dòng họ em bắt kịp dòng họ ta? E rằng tận thế cũng không thể. Bao nhiêu thế kỷ cho kịp dòng họ Tân Gia Ba, em cứ công tâm trả lời đi. Còn nữa, các dòng họ ngày xưa nhược tiểu, đâu xứng đáng ngang tầm gia thế nhà em, nay họ đang nhìn xuống dòng họ em mà cười ngạo nghễ... Đó Nam Dương, kìa Xiêm La, kia Hàn Quốc...

Em,

Ta và dòng họ Phù Tang đã hết kiên nhẫn, chỉ một giọt nước sau cùng đã làm tràn ly. Chuyện tham ô gia đình em lẽ ra ta mặc em lo liệu, nhưng gia đình em đã làm hư hỏng con dân của ta, đã lôi kéo con em ta vào chuyện bất chính. Con em ta thì ta răn dạy bảo ban rồi. Còn em và dòng họ cứ ra sức bệnh che, bao đỡ cho nhau. Đừng tưởng ta không biết, bao nhiêu năm nay ta đã nghe, ngân khoản ta cho vay cứ tiêu tán vào túi riêng bầy công bộc, còn lương dân ngậm đắng nuốt cay, chịu cảnh bần hàn. Mới đây thôi, cây cầu đã sập, bao mạng người oằn oại thảm thương. Vẫn còn đây cống hầm vỡ lở, nước dâng cao, đường xá tan tành... Ta không thể bịt tai che mắt, không lặng thinh cho bọn công bộc nhà em cứ mãi hợm mình, còn đòi răn dạy cả ta! Ta đã nhắn nhủ, nếu không cấp tốc lôi bọn khuyển mã tham ô thì đừng trách. Chẳng lẽ ta nên đặt lại tên cho gia đình em là xứ Phi Tang cho hợp bản chất? Mới đây thôi, em lại miệng lưỡi leo lẻo hứa ruồi: "sẽ làm kiên quyết", còn chú Ba: "lộ đến đâu, làm nghiêm đến đấy"... Than ôi, sao em ngu dại thế, nhục nhã thế không biết?

Nay ta đã rút gươm ra, quyết đoạn tình. Dù ngân khoản cho vay ta sẽ đòi trả đủ, em không thể thì con cháu em phải trả. Một lần bất tín, vạn lần bất tin, nay một cắc ta cũng ngưng, em đừng kỳ kèo khẩn khoản.

Phù Tang ấn ký

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2008

Nhậu say, cán chết người, Giám đốc Sở bắt tài xế nhận tội

Quyền lực nhà quan

Lái xe gây tai nạn chết người, nhưng ông Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây (cũ) lại bắt nhân viên lái xe đứng ra nhận tội thay.

Dù có sự đồng loã của những kẻ biết rõ sự việc, nhưng hành vi gây án mạng của kẻ phạm pháp vẫn không thể che giấu được sự trừng phạt của pháp luật.

Sự "cả nể" định mệnh

Chiều ngày 17/7/2008, tại khu du lịch Thác Đa, Ba Vì, lãnh đạo Sở NNPTNT Hà Tây (cũ) và Sở NNPTNT Hà Nội đã tổ chức bữa liên hoan mừng ngày hợp nhất hai cơ quan.

Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi bữa nhậu tàn cuộc, ông GĐ Sở NNPTNT Hà Tây (cũ) Chu Văn Thưởng ra về trên xe ôtô BKS 33A-1134.

Mặc dù lúc đó trên xe còn có các nhân viên của sở gồm: Ông Trần Thanh Nhã - Phó GĐ Sở NNPTNT Hà Tây, ông Đinh Công Sơn - Phó phòng Kế hoạch, bà Đoàn Thị Thuỷ và bà Nguyễn Thị Diệu Thuý là các cán bộ của sở, nhưng ông Thưởng đã bắt lái xe là Đặng Văn Toản - nhân viên lái xe của Sở NNPTNT Hà Tây phải nhường tay lái cho ông.

Mặc dù biết ông Thưởng mới lấy được bằng lái xe có 10 ngày, nhưng trước "mệnh lệnh" của "sếp", lái xe Toản phải giao xe cho ông Thưởng lái trên đường Láng - Hoà Lạc.

Khi xe đi đến km 15-366 thì xuất hiện người đi xe máy phía trước bất ngờ rẽ trái, ông Thưởng không kịp phản ứng, để ôtô đâm thẳng vào chiếc xe máy BKS 33R2-9410 do anh Phùng Văn Hải điều khiển, phía sau chở con gái là Phùng Thị Hoa, sinh năm 1990.

Tai nạn làm anh Hải chết tại chỗ, cháu Hoa bị thương nặng và cũng qua đời sau gần một tháng nằm tại Bệnh viện 103.

Chạy tội không thoát

Điều gây bất bình dư luận là khi gây tai nạn, ông Chu Văn Thưởng đỗ xe lại rồi trả tay lái cho lái xe Đặng Văn Toản. Không cứu giúp người bị tai nạn do mình gây ra, ông Thưởng và những người trên xe đã phóng xe chạy thẳng về trụ sở cơ quan ở thành phố Hà Đông.

Đến lúc này, ông Thưởng mới nói với Phó Giám đốc Trần Thanh Nhã và Đinh Công Sơn lấy xe ô tô BKS 1124 quay lại hiện trường xảy ra vụ tai nạn để nắm tin tức.

Tại hiện trường vụ tai nạn, khi gặp các chiến sĩ Cảnh sát Giao thông (CSGT) đang khám nghiệm hiện trường, ông Nhã đã khai nhận xe ôtô BKS 33A- 1134 của cơ quan gây ra vụ tai nạn này.

Khoảng 23 giờ cùng ngày, khi CSGT đến làm việc về vụ tai nạn, ông Thưởng đã gọi anh Toản lái xe lên dặn phải khai với CSGT rằng "Toản là người lái xe gây tai nạn".

Ông Thưởng đã gọi những người đi cùng xe chứng kiến vụ tai nạn dặn cứ khai với CSGT là lúc tai nạn xảy ra chính Toản là người lái xe, mọi người đang ngủ không biết gì hết. Do nể nang với ông Giám đốc sở nên mọi người đã khai theo lời "mớm cung" của ông Thưởng.

Ngày 6/8, CA huyện Quốc Oai đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Đặng Văn Toản về tội: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Đến lúc này, những người biết sự thật của vụ án tỏ thái độ bất bình, đã làm đơn gửi đơn lên cơ quan điều tra TP.Hà Nội phản ánh sự việc.

Sau khi điều tra lại, Cơ quan CSĐT (PC14) Công an TP.Hà Nội đã điều tra và xác định người điều khiển xe gây ra tai nạn chết người chính là ông Chu Văn Thưởng, còn Đặng Văn Toản chỉ là người nhận thay ông Thưởng.

Ngày 7/10, Cơ quan CSĐT (PC14) Công an TP đã ra quyết định khởi tố bị can số 87 đối với ông Chu Văn Thưởng về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và đã được Viện KSND thành phố Hà Nội ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can số 55 (ngày 10.10).

Thông tin từ phòng CSĐT tội phạm (PC14) CATP cho biết: Hiện, cơ quan này đang hoàn tất hồ sơ vụ án.

Ảnh chỉ để minh họa