Ở chính tổ quốc mình, không ít người coi ông Gorbatchev là kẻ phản bội lý tưởng Cộng sản, dẫn đến sự chấm dứt quyền uy tối thượng của ĐCS, làm tan rã Liên bang Xô-viết và khiến nước Nga đánh mất vị trí siêu cường.
Sáu năm tại vị trên cương vị tổng bí thư đảng, cũng như tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô, Gorbachev bị nhìn nhận là đã thất bại với những chính sách kinh tế, khiến đời sống cư dân Liên Xô kiệt quệ và bi đát, những nhu yếu phẩm quan trọng nhất như thịt cá, đường… cũng phải mua theo tem phiếu (và nhiều khi còn không có mà mua).
20 năm nhìn lại.
Gần 20 năm nhìn lại, có thể thấy rằng sự thất bại của Gorbachev đối với những chính sách nội trị và dân sinh có thể coi là “tất yếu”, nếu chúng ta để ý rằng mỗi đường đi nước bước của Gorbachev đều gặp phải sự kháng cự quyết liệt của phe bảo thủ trong đảng.
Và, chính ý đồ muốn dung hòa giữa các phe phái, cải tổ ít nhiều mang tính nửa vời trong khuôn khổ vẫn giữ vai trò lãnh đạo của ĐCS, và vẫn giữ cấu trúc của Liên bang Xô-viết mà không đi đến cùng trong vấn đề sắc tộc, đã khiến Gorbachev phải “chịu trận” trong gọng kìm của cả hai phe, cởi mở cấp tiến và bảo thủ, để rồi mất dần quyền lực vào tay Boris Yeltsin, người từng là đồng chí của ông trong công cuộc đổi mới.
Có thể điểm qua, theo trình tự thời gian, những truân chuyên trong nội trị của Gorbachev kể từ khi lên nắm chức vụ tổng bí thư ĐCS Liên Xô năm 1985.
Glasnost và Perestroika.
Ngay sau khi nên nắm quyền, Gorbachev đã tuyên bố tình trạng trì trệ của ĐCS và sa lầy của nền kinh tế quốc dân Liên Xô, và đề ra những mô hình glasnost (mở cửa, công khai hóa), perestroika (tái cơ cấu, đổi mới) và uskoreniye (tăng tốc trong kinh tế).
Cải cách đáng kể đầu tiên được Gorbachev đưa ra trong kinh tế là cải cách về rượu năm 1985, nhằm ngăn chặn tệ nghiện ngập bao trùm Liên bang Xô-viết, ảnh hưởng đến sức lao động và xã hội Liên Xô, bằng cách tăng giá rượu bia và điều tiết việc mua bán, sử dụng đồ uống có chất cồn, cũng như hạn chế hình ảnh rượu bia trên phim ảnh và các phương tiện đại chúng.
Tuy nhiên, đối với một nước Nga truyền thống nghiện ngập và ưa rượu chè, cải cách này đã hoàn toàn thất bại: không những không làm giảm chứng nghiện rượu, nó còn khiến ngân khó quốc gia sụt giảm ghê gớm, và tệ chợ đen tăng mạnh.
Gần một năm sau, ngay sau khi Đại hội lần thứ 26 ĐCS Liên Xô thông qua và đưa lên tầm nghị quyết của đảng những cải cách do Gorbachev đề xuất, tai nạn khủng khiếp của lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl xảy ra và việc Gorbachev không nhận được những thông tin cần thiết để kịp thời đưa sự việc ra trước công luận như ông mong muốn, cho thấy hố sâu giữa phe cởi mở và phe bảo thủ trong nội bộ đảng ngày càng lớn.
Trong vụ này, Gorbachev đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích từ thế giới, cho dù ông đã ra chỉ thị cho chính quyền “phải đưa ra ánh sáng toàn bộ sự thật”, nhưng bộ máy quan liêu đã ngăn chặn ông làm điều đó.
Năm 1987, trong phiên họp của Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô vào tháng Giêng, nhiều cải tổ chính trị cấp tiến của Gorbachev được đưa ra, như khả năng có nhiều ứng viên cho một vị trí trong các cuộc bầu bán, đưa người không phải đảng viên vào Chính phủ, hoặc khả năng mở rộng hệ thống hợp tác xã để cho yếu tố tư nhân tham gia nền kinh tế quốc dân và kinh doanh với ngoại quốc.
Phe cải tổ đối đầu quyết liệt với phe bảo thủ.
Trong năm, rất nhiều đối thủ chính trị của Stalin từng thiệt mạng trong các cuộc thanh trừng thập niên 30 đã được phục hồi danh dự, công cuộc “phi Stalin hóa” được sang một trang mới.
Tuy nhiên, phe bảo thủ - viện cớ Liên Xô bị suy yếu và “mất mặt” sau sự việc một phi công Tây Đức công nhiên hạ cánh với chiếc máy bay cá nhân nhỏ ngay tại Hồng trường – đã lên tiếng công kích đổi mới, cho rằng đó là sự phản bội những nguyên tắc của CNCS.
Sự giành giật giữa Gorbachev và phe cải tổ, với những phần tử bảo thủ trong đảng càng quyết liệt trong năm 1988, khi Gorbachev tuyên bố chính sách glasnost (công khai hóa), cho phép người dân có thể có những quyền tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do báo chí, với hy vọng người dân sẽ ủng hộ nhiều hơn những nỗ lực cải tổ kinh tế thông qua các cuộc tranh luận công khai trong xã hội. Nhiều tù nhân chính trị, những người bất đồng chính kiến, đã được trả tự do trong dịp này.
Đặc biệt, Đạo luật về các cơ sở kinh tế (thường được gọi là Luật Hợp tác xã) có hiệu lực từ tháng 3-1988 – có lẽ là cải cách kinh tế cấp tiến nhất trong những năm đầu của Gorbachev - đã cho phép người dân sở hữu các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và thương mại với nước ngoài. Một số yếu tố căn bản của quá trình tư nhân haó sau này đã được bắt đầu từ đây.
Liên Xô : 10 năm sa lầy tại Afghanistan.
Năm 1988 còn đánh dấu một sự kiện quan trọng khác : quân đội Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan sau gần 10 năm sa lầy tại đây, khiến 15 ngàn quân nhân bị thiệt mạng, kinh tế Liên Xô suy sụp và uy tín nước này bị suy giảm nặng nề trên trường quốc tế. Động thái nói trên, kèm việc Gorbachev tuyên bố Liên Xô từ bỏ Học thuyết Brezhnev, không can thiệp vào nội bộ các quốc gia Đông Âu, trở thành những cải cách quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Gorbachev và là tiền đề cho việc chấm dứt Chiến tranh lạnh.
Cảm nhận được hiểm họa đánh mất quyền lực, sự độc tôn của ĐCS và vai trò đại cường của Liên Xô trên thế giới trước những cởi mở của Gorbachev, phe cứng rắn trong bộ máy đảng và chính quyền Liên Xô đã ngấm ngầm chống phá ông trong 2 năm cuối của thập niên 80.
Đồng thời, những nỗ lực ly khai - hệ quả của quá trình dân chủ hóa - của nhiều nước cộng hòa đã đặt Gorbachev vào tình thế khó xử và cuối cùng, ông vẫn chọn giải pháp níu kéo mô hình Liên bang Xô-viết trên cơ sở những nước cộng hòa độc lập và tự nguyện qua sự đề xuất Hiệp ước Liên bang. Quyết định của Gorbachev không thỏa mãn được phe cấp tiến, và cũng không ngăn chặn được việc một nhóm lãnh đạo bảo thủ trong đảng mở cuộc đảo chính lật đổ ông vào tháng 8/1991.
Cho dù được giải cứu sau 3 ngày bị quản thúc ở Crimea, nhưng quyền lực của Gorbachev lúc đó đã mất, lời nói của ông không còn trọng lượng, và nước Nga đã về tay người anh hùng Boris Yeltsin. Ý định của Gorbachev nhằm giữ ĐCS Liên Xô và biến cải nó theo con đường dân chủ xã hội theo mô hình Thụy Điển cũng phá sản hoàn toàn sau khi Yeltsin đặt ĐCS ra ngoài vòng pháp luật.
Kinh tế trì trệ nhưng giá trị tự do, dân chủ vẫn còn.
Sự ra đi của Gorbachev khi quyền lực thực tế đã không còn vào ngày 25/12/1991 có thể coi là hợp lý và đối với thế giới, ông đã làm tròn những sứ mệnh của mình. Cho dù tại quê hương ông, Gorbachev cho đến giờ vẫn phải nhận nhiều điều tiếng, như kẻ làm tan vỡ đất nước, chôn vùi CNCS và đưa đất nước vào cảnh kinh tế khủng hoảng, nhưng có lẽ những giá trị tự do, dân chủ mà Gorbachev mang lại thì ít ai muốn phủ nhận.
Di sản ông để lại cho nước Nga và Đông Âu, những xứ sở mà Gorbachev đóng vai trò không nhỏ trong biến chuyển dân chủ hai thập niên trước, có lẽ phải một thời gian dài nữa chúng ta mới nhìn nhận và đánh giá được một cách toàn diện !
RFI