Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

một bài thơ chưa từng công bố

Đã 34 năm trôi qua.hòa bình cũng dài ngang bằng cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử .chưa có cuộc chiến nào ám ảnh một dân tộc cho bằng cuộc chiến tranh này,nó thay đổi hình thái xã hội.thay đổi số phận con người.Công bố bài thơ viết năm 27 tuổi,bảy năm sau hòa bình(1982).nay nhìn lại ,tôi cũng không hiểu điều gì đã dẫn dắt cho những dòng chữ này. khi làm xong nghĩa vụ một thanh niên thời hậu chiến ,người có lý lịch may mắn không vướng phải chuyện lính tráng dù thế hệ tôi sau“mùa hè đỏ lửa 1972” hầu hết cũng đã” yên vị “ khói hương trên bàn thờ gia đình.còn nhớ những năm của thập niên 80,giáo sư Nguyễn Khắc Viện viết một bài đanh thép trên báo Sài Gòn Giải Phóng”sen hay bùn” về danh xưng khi nào thì gọi là thành phố Hồ Chí Minh,khi nào thì gọi là Sài Gòn?và ông khẳng định cái tốt thì gọi tp HCM,cái tệ nạn ,cái xấu ,cái "tồn đọng"thì gọi là Sài Gòn.giáo sư Nguyễn Ngọc Lan đã đối thoại bằng một bài báo khác(tất nhiên ông không thể đăng bài phản biện ấy trên báo SGGP như trong một xã hội bình thường),ông nhắc rằng hiện tại sau 10 năm giải phóng, thành phố vẫn còn một tờ báo lớn tiếng nói chính thức của “Đảng bộ và nhân dân thành phố” tờ Sài Gòn Giải Phóng( nó vẫn còn đến tận hôm nay),còn một nhà máy thuốc lá Sài Gòn,còn một đội bóng danh tiếng mang tên Cảng Sài Gòn(nay đã không còn)…bài thơ này,có lẽ là cái nhìn đau đớn đầu tiên của một người trẻ tuổi vừa từ chiến trường K trở về với bao nhiêu hoài bão sau khi chứng kiến những hy sinh cao đẹp của một thế hệ thanh niên Sài Gòn,những con người thành phố tuổi chỉ mới đôi mươi…

hai mươi bảy tuổi và một bài thơ dài nhất của đời mình...

Đỗ trung quân

TẠ LỖI TRƯỜNG SƠN

(1982)

1.

Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm

Các anh từ Bắc vào Nam

Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc

Các anh đến

Và nhìn Sai Gon như thủ đô của rác

Của xì ke,gái điếm, ,cao bồi

Của tình dục,ăn chơi

“Hiện sinh-buồn nôn-phi lý!!!”

Các anh bảo con trai Sai Gòn không lưu manh cũng lính ngụy

Con gái Sai Gòn không tiểu thư khuê các,cũng đĩ điếm giang hồ

các anh bảo Sai Gòn là trang sách “hư vô”

văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc

ngòi bút các anh thay súng

bắn điên cuồng vào tủ lạnh ,ti vi

vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ

các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản

các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn

là thiêu thân ủy mị,yếu hèn

các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương

mang tuổi trẻ Sai Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

2.

Tội nghiệp Sài Gòn quá thể

Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý

Có anh thợ điện ra đi không về

Tội nghiệp những “bà mẹ Bàn Cờ” của những ngày chống mỹ

Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me

Tội nghiệp những người sài gòn đi xa

Đi từ tuổi hai mươi

Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc

Có ai hỏi những hàng dương xanh

Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hóa thân vào sóng nước

Tội nghiệp nhưng đêm Sài Gòn đốt đuốc

Những “người cha bến tàu” xuống đường với bao tử trống không

Tội nghiệp nhưng ông cha rời khỏi nhà dòng

Áo chùng đen đẫm máu

Tội nghiệp những chiến trường văn chương,thi ca ,sách báo

những vị giáo sư trên bục giảng đường

ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc

Sài Gòn của tôi-của chúng ta.

có tiếng cười

và tiếng khóc

3-

Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót

Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi

Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện

Những gã du đãng giang hồ cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển

Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình

Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát .hy sinh…

4-

Và khi ấy

Thì chính “các anh”

Những người nhân danh Hà Nội

Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới

Chửi đã đời .

Chửi hả hê

Chửi vào tên những làng quê ghi trong lý lịch của chính mình

Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh

Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!

Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc

Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt

Những bà mẹ làm ra hạt lúa

Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin

Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm

để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch

Bây giờ

Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”

Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân

Các anh

đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân

đã bờm xờm râu tóc,cũng quần jean xắn gấu

Cũng phanh ngực áo,cũng xỏ dép sa bô

Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi,casette .radio…

Bia ôm và gái

Các anh ngông nghênh tuyên ngôn”khôn & dại”

Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”

Các anh cũng chạy đứt hơi

Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ

Sài Gòn 1982 lẽ nào…

Lại bắt đầu ghẻ lở?

5-

Tội nghiệp em

Tội nghiệp anh

Tội nghiệp chúng ta những người thành phố

Những ai ngổn ngang quá khứ của mình

Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”

Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

6-

Xin ngả nón chào các ngài

“Quan toà trong sạch”

Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi

Bình thản đổi thay lốt cũ

Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn

Hồn nhiên xanh muôn thưở

để yên cho xương rồng,gai góc

Chân thật nở hoa

Này đây!

Xin đổi chỗ không kỳ kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa

Nơi một góc (chỉ một góc thôi)

Sài Gòn bầy hầy ,ghẻ lở

Bây giờ…

Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào” thượng đế”

Khi sống hả hê giữa một thiên đường

Ai bây giờ

Sẽ

Tạ lỗi

Với Trường Sơn?

Đỗ trung quân (1982)

(*) năm 1995-nhà xuất bản Trình Bày có ý định in bài thơ này với cái tên tác giả "Chung Do Kwan" trong phần" thơ dịch".sự cân nhắc này là nhã ý của nhà Trình Bày khi biết tác giả thật sự vẫn còn đang sống ở VN.cũng từ đó cái tên Chung Do Kwan ra đời với tinh thần (ngỡ như) hài hước (“phiên âm” từ tên tác giả).nó không liên quan gì đến tay độc tài quân phiệt Chung do kwan trong thập niên 60-70.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

TÔI ĐÃ KÝ NHƯ LÀ TÔI THỞ

Trân trọng gửi các anh các chị đã và sẽ cùng ký tên vào KIẾN NGHỊ VỀ VỤ KHAI THÁC BAUXITE Ở TÂY NGUYÊN :

KIẾN NGHỊ VỀ VỤ KHAI THÁC BAUXITE Ở TÂY NGUYÊN

BÙI MINH QUỐC

Tôi đã ký

Vâng chính tôi đã ký

Đây chính là chữ ký của tôi

Và ghi rõ họ tên địa chỉ

Bùi Minh Quốc

Số 3

Nguyễn Thượng Hiền

Đà Lạt

Tôi đã ký

Như là tôi thở

Tôi đã ký

Để mắt nhìn thẳng mắt mọi người

Để tôi nguyên vẹn tôi

Con dân Việt Nam

Vinh hạnh cùng các anh các chị

Ngẩng đầu đi giữa Việt Nam

Giữ Việt Nam

Nâng niu Việt Nam

Từng tấc máu giang san

Đường xa không mỏi

Bền bỉ và hiên ngang

Người bên người dấn bước

Tim cất lời non nước

Rung vang :

Chặn lại ngay những cái vòi bạch tuộc

Bọn thẻ đỏ tim đen

Đang sục ngầu rừng đất Tây Nguyên !

Đà Lạt 26.04.2009

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

MỘT NGÀY PHẢI KHÁC MỌI NGÀY

(Sau một ngày thống kê một cách khách quan những bi hài kịch thời sự nóng hổi)

Chào một ngày giống hệt mọi ngày

Sóng truyền hình phủ toàn phim Trung Quốc

Từ HTV, VTV, BTV, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… cho đến “cáp”

Hết “Triều Đại Mãn Thanh” đến “Đại Tống Truyền Kỳ”

Chào một ngày giống hệt mọi ngày

Đọc báo thấy cha ông mất hút

Thấy thiên hạ quỳ mọp dưới tượng đài Binh Pháp Mặc Công, Ngọa Hổ Tàng Long, Họa Bì, Xích Bích…

Con nít thuộc lòng Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Diệp Vấn, Diệp tùm lum hơn thuộc sử Tiên Rồng

Chào một ngày đất nước tự lưu vong

Cội rễ văn hiến 4000 năm trốc gốc

Tuổi teen gối đầu giường Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lạ hoắc

Pano giăng khắp nơi hình ảnh Củng Lợi, Chương Tử Di, Thành Long phơi phới toét miệng cười

Chào một ngày phát triển giống đười ươi

Đi trên xã tắc thấy người thua xa khỉ

Thấy lô cốt ngáng đường, thấy nước ngập tận mông, thấy thánh hiền sợ quỷ

Thấy truyền thống chống ngoại xâm co rúm lại vì… tiền

Chào một ngày vong bản vì… hèn

Sống chết mặc bây, túi thầy vô cảm

Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam , xưa rồi Diễm…

Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Nguyễn Phi Khanh rơi ở tận… nước Tàu

Chào một ngày bãi biển hóa nương dâu

Thác Bản Giốc rời Cao Bằng như có cánh

Thắng cảnh để lại của tiền nhân bị cháu con ghẻ lạnh

Các di tích, kỳ quan cứ mất tích đều đều

Chào một ngày hình chữ S tong teo

Tài nguyên bôxit bị bới đào như… bọ xít

Nhôm và đô la chẳng thấy đâu, chỉ thấy đất Tây Nguyên rên xiết

Ô nhiễm mạch ngầm, nước sông làm nghẹt thở Chín Con Rồng

Chào một ngày long mạch bị xới tung

Máu bầm đất đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo

Ai cho phép Hoàng Sa Trường Sa thành Tam Sa lếu láo

Tội nghiệp rừng cọc nhọn của Hưng Đạo Đại Vương trên sóng Bạch Đằng

Chào một ngày giống hệt cõi âm

Những xác chết anh hùng bật dậy

Máu trả máu, đầu trả đầu. Nhớ đấy

Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền

Chào một ngày soi rõ mặt anh em!

21 – 4 - 2009

BÙI CHÍ VINH

Nguồn: http://www.viet-studies.info/BuiChiVinh_MotNgayPhai%20Khac.htm

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

DỰA VÀO AI?

DỰA VÀO AI?

Tiểu luận của Đào Hiếu

Hãy giả định mấy tình huống sau đây:

TÌNH HUỐNG THỨ NHẤT

Quần chúng Việt Nam căm phẫn vụ Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thảm sát người Việt ngày 17.02.1979, ép buộc Việt Nam phải ký một hiệp định về biên giới nhằm hợp thức hóa những vùng đất mà chúng đã chiếm của Việt Nam … Quần chúng biểu tình và được nhà nước ủng hộ nên bùng nổ thành phong trào chống Trung Quốc rộng khắp đất nước. Đoàn biểu tình bao vây tòa đại sứ Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải trả lại Hoàng Sa, Trường Sa, trả lại những phần đất đã bị cướp v.v…

TÌNH HUỐNG THỨ HAI

Đoàn biểu tình tập hợp được vài ba trăm người vừa rục rịch xuống đường chống Trung Quốc là đã bị công an cảnh sát Việt Nam cô lập, rượt bắt, còng tay, đưa về đồn công an nhốt, bạt tai, đá đít, chửi rủa, lăng mạ, ghép cho cái tội gây rối trật tự công cộng, có ý đồ lật đổ chính phủ v.v…

PHÂN TÍCH CÁC TÌNH HUỐNG:

Tình huống thứ nhất: bang giao giữa hai nước Việt Trung sẽ rất căng thẳng có thể dẫn đến chiến tranh.

Bạn nghĩ gì về tương quan lực lượng hai bên? Nếu chúng ta đánh nhau với Trung Quốc trên biển để giành lại hai hòn đảo thì chẳng những chúng ta không thắng nổi mà e rằng hải quân Việt Nam với tàu chiến cũ kỹ, vũ khí rỉ sét lạc hậu, bộ đội ngán ngẩm vì một xã hội thối nát… liệu chúng ta có cầm cự nổi “một canh giờ” trước lực lượng hải quân hùng hậu và hiện đại như Trung Quốc không?

Nếu đánh nhau trên bộ, chiến sự có thể dằn co, nhưng vì nhà nước đã mất chỗ dựa vào dân nên chiến thắng chỉ là ảo tưởng. Và mất thêm đất, thêm nhiều thành phố là điều chắc chắn.

Hiện nay tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc chẳng khác nào giữa Palestine và Israel. Một nhà nước Palestine bất lực đến nỗi để cho kẻ thù hành quân đến bắt nhốt hàng tá bộ trưởng dễ dàng như lấy đồ vật trong túi thì còn đánh đấm cái gì!

Vài bạn trẻ đi học nước ngoài về nói với tôi: ”Chú ơi, tụi Tây nó phục Việt Nam mình lắm. Nó nói kinh tế Việt Nam phát triển thần kỳ.” Bạn trẻ ấy không hề biết rằng đó chỉ là những câu “xã giao làm quà”.

Thực ra Việt Nam đã làm được gì?

Viêt Nam có đóng tàu thủy nhưng chỉ đóng được cái vỏ tàu còn những bộ phận quan trọng là máy tàu và các hệ thống trang thiết bị hiện đại trên tàu thì đều của nước ngoài. Việt Nam có sản xuất ô-tô đủ loại, xe máy, ti-vi, tủ lạnh, máy móc điện tử, computer …nhưng chỉ là lắp ráp theo dây chuyền công nghệ của người ta. Việt Nam có vệ tinh viễn thông Vinasat-1 nhưng đó là mua của công ty Lockheed Martin Commercial Space Systems (Hoa Kỳ) với giá 300 triệu USD và 80 % số tiền này là mượn nợ. Một chi tiết thú vị là tiền bảo hiểm cho vệ tinh này là 170 triệu USD!

Vậy nền công nghiệp Việt Nam thực chất làm được gì? Xin thưa: đó là chiếc xe đạp. Chúng ta có đủ trình độ chế tạo một chiếc xe đạp hoàn chỉnh từ A đến Z.

Với một nền kinh tế èo uột như vậy, một nền công nghiệp “lắp ráp theo kiểu học sinh mẫu giáo ghép hình” như vậy mà chúng ta có tham vọng đánh thắng Trung Quốc sao?

Tình huống thứ hai: Tại sao Trung Quốc ngang nhiên chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ngày 17.02.1979 và áp đặt một hiệp định về biên giới trên biển và trên bộ rất bất lợi cho Việt Nam như vậy mà nhà nước Việt Nam cũng ký?

Tại sao nhân dân phản đối sự bạo ngược và xự xâm lăng của Trung Quốc bằng các cuộc biểu tình mà nhà nước Việt Nam lại cấm đoán, bắt giam, phỉ báng và đàn áp?

Cho dù chúng ta yếu kém về mọi mặt nhưng lẽ ra nhà nước phải để cho dân bày tỏ lòng yêu nước, bày tỏ ý chí bất khuất trước kẻ xâm lược để ngăn chặn những tham vọng kế tiếp của chúng.

Sự đàn áp thẳng tay và lộ liễu của nhà nước Việt Nam đối với đoàn biểu tình chống Trung Quốc, chứng tỏ họ là tay sai của Trung Quốc, đang âm thầm thực hiện ý đồ “diễn biến hòa bình” như nhà văn Bùi Minh Quốc từng viết.

Nhân dân sẽ tự hỏi: tại sao nhà nước Việt Nam lại bênh vực kẻ thù và chống lại nhân dân?

Trừ một số tư sản mại bản, tư sản đỏ… thì đại đa số nhân dân Việt Nam đều căm ghét chế độ hiện nay ở Việt Nam. Vì thế mà chính quyền không có chỗ dựa. Không có chỗ dựa mà lại muốn “thiên thu trường trị, nhất thống giang hồ” như kiểu Đông Phương Bất Bại nên họ phải dựa vào ngoại bang, đó là Trung Quốc.

Trung Quốc biết rõ nhược điểm đó nên tha hồ áp đặt vấn đề biên giới và lãnh thổ. Rồi kế tiếp sẽ là vấn đề chính trị, văn hóa, kinh tế (mà cụ thể là việc Trung Quốc “xuất khẩu thảm họa môi trường sang Việt Nam” bằng việc đưa hàng ngàn người Trung Quốc vào Tây nguyên để khai thác quặng bauxite.)

Chính vì thế mà hơn ai hết, hiện nay Trung Quốc rất cần một nhà nước Việt Nam bị nhân dân căm ghét. Và nhà nước Việt Nam cũng “vô tư thoải mái” trước sự căm ghét ấy vì dân càng ghét thì Trung Quốc càng ủng hộ và vỗ béo (theo cái kiểu mà Mỹ vỗ béo các ông hoàng xứ Saudi Arabia. Rồi đây các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng sẽ có những cái cầu tiêu bằng vàng cho mà xem!)

GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG

Tôi không phải là một chính trị gia. Tôi cũng không có tham vọng chính trị. Nhưng bằng tình tự dân tộc, tôi nghĩ tình thế hiện nay có thể giải quyết mà chưa cần một cuộc lật đổ đẫm máu:

Chính quyền HÃY DỰA VÀO DÂN. Có chỗ dựa ở dân thì ngoại bang dù hùng mạnh và gian ác đến đâu cũng không dám lộng hành như hiện nay.

Muốn dựa vào dân thì hãy dẹp bỏ cái quốc hội bù nhìn đi. Hãy can đảm chấp nhận một quốc hội có đối lập, và quốc hội đó sẽ soạn thảo một bản hiến pháp mới, trong đó không có điều 4, vì điều 4 chủ trương độc tài đảng trị, hủy diệt nhân quyền và dân chủ.

Điều 4 của hiến pháp Việt Nam viết:

”Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Thực tế đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là một tập đoàn tư sản đỏ đang bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, đang vơ vét tài nguyên quốc gia và mồ hội nước mắt của dân tộc, đang làm tay sai cho Trung Quốc để đổi lấy sự “bảo kê” lâu dài của ngoại bang…thế thì làm sao có đủ tư cách và có độc quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội”?

Tôi có thể đoan chắc rằng không một đảng viên CS nào, khi đọc lại điều 4 hiến pháp, mà không khỏi đỏ mặt vì ngượng. Và các anh sẽ phải xấu hổ đến nỗi không dám đọc nó lần thứ hai.

Các anh thường nói: “Chúng ta đã đổ biết bao nhiều xương máu để giành độc lập, chẳng lẽ bây giờ để đất nước rơi vào tay kẻ khác sao?”. Vậy xin hỏi: Trong cuộc chiến vừa qua ai đã đổ xương máu? Xin thưa, đó là xương máu của hàng triệu những người lính đã chết trong trận Mậu Thân, trong chiến dịch Campuchia, trên dòng sông Thạch Hãn, trong cổ thành Quảng Trị… nào phải là xương máu của các anh!

Vậy xin hỏi: Các anh sợ nước mất vào tay ai? Các anh quên rằng đất nước này đã mất vào tay các anh từ lâu rồi sao? Hiện nay nhân dân không còn gì cả. Nếu nhân dân có đòi lại đất nước của mình thì đó là quyền thiêng liêng của họ, tại sao các anh phải sợ, tại sao các anh phải tìm mọi cách để ngăn cấm?

Sự thể đã đến nước này mà các anh còn đủ can đảm để khư khư ôm lấy cái điểu 4 quá bẽ bàng và quá vong ân bội nghĩa ấy sao?

Các anh đừng sợ dân chủ, đừng sợ mất của. Dân Việt Nam rất hiền lành và độ lượng. Thằng Mỹ ngày xưa gieo rắc bom đạn khủng khiếp như thế mà Bill Clinton qua Việt Nam còn được nhân dân Việt Nam chào đón niềm nở, huống chi là Đảng CSVN, cùng chung nòi giống Lạc Hồng!

Hiện nay các anh có 2 con đường để chọn lựa: hoặc là mãi quốc cầu vinh, hoặc là DÂN CHỦ (tức là đứng về phía nhân dân) để có chỗ dựa vững chắc, để phục hồi tư thế và sức mạnh dân tộc.

Quay đầu là bờ. Nếu không các anh sẽ chết chìm trong ô nhục!

Ngọn bút lịch sử không bao giờ ráo mực. Nó đang chờ để ghi chép những việc làm kế tiếp của các anh./-

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

khả phiêu lại lên tiếng chống tham nhũng

Hôm nay đọc BBC mới hay tin cựu TBT Lê Khả Phiêu "tái lên tiếng" chống tham nhũng với hãng AP.
Bèn tức cảnh sinh tình mà mần thơ con cóc như sau:

Hoan hô lồng chí khả phiêu
lê la một thuở, quyền kiêu ngất trời

Nay ngồi một chỗ bồi hồi
Trống đồng, tượng đúc, vườn chơi... trong nhà

Bỗng dưng lồng chí ngộ ra
tham ô nhũng lạm... bài ca thuở nào

Mang ra ca tiếp thì (có làm) sao
danh mình vẫn sạch, tiền (đã) vào khó ra

..."xem kìa các nước gần xa
làm quan cũng để vét xa vét gần"

"tôi nay nô bộc của dân"
bận tâm "quốc nạn hành dân nhũng làm"

"tôi nay tri túc, chẳng ham
bái Phật, niệm chú, mô nam di đà"...

"nguyện đem công sức mình ra
ca cho quan chức tránh xa bạc tiền"

"lại ca cho đám dân hiền
mau giàu, mau mạnh, hết phiền đó nghe"

"nhược bằng ai đó chẳng ke (care)
ca thì ca vậy, ai nghe (là) phước rồi"


Khả phiêu quen thóc bốc rời
Trăm ngàn đổ một trận cười - hư không.


Link: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/04/090422_lekhaphieu_corruption....
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2009/02/090227_lekhaphieu_house_tc2....

Bọn Trung cộng đã giết hải quân Việt nam thế này (video)

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng hải quân Trung cộng. Đoạn video clip này đã được TC tung lên mạng như một lời thách thức dân Việt.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Tình dục, nghệ thuật, chính trị, dối trá và đạo đức giả Việt Nam

Báo Du Lịch và Mác

Trần Khải

“… hành vi đóng cửa báo Du Lịch, dù chỉ là ba tháng, cũng đã làm lộ nguyên hình Đảng CSVN đang khai tử Các Mác …”

Người khai sáng ra các kinh điển chủ nghĩa Cộng Sản - Karl Marx, tức Các Mác - sẽ suy nghĩ thế nào về tình hình nhà nước Hà Nội ra lệnh đình bản báo Du Lịch trong ba tháng? Trước tiên, nên thấy rằng Các Mác là người bênh vực quyền tự do báo chí, và bản thân Mác đã hưởng dụng quyền tự do báo chí để viết ra các kinh điển đồ sộ làm nền móng cho các phong trào cộng sản quốc tế.

Thứ nữa, đóng cửa báo Du Lịch phía sau có phải là một cuộc tranh chấp nội bộ ngầm hay không? Về mặt kinh tế, đóng cửa báo này là phá hoại Tổng Cục Du Lịch, trong khi nhà nước có thể chỉ cần kỷ luật hành chánh đối với người chọn bài, hay người viết bài là đủ, nếu thực sự thấy rằng báo này đã "sai phạm". Vì đóng cửa báo này, là làm tê liệt một hoạt động lớn của Tổng Cục Du Lịch, đánh một quả rất là nặng nề khi đóng cửa một bộ phận liên hệ tới đời sống gia đình của hàng trăm nhân viên biên tập, quảng cáo và phát hành. Hãy nhìn trường hợp báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên… khi đụng tới vấn đề các quan lớn tham nhũng, cũng chỉ có hai nhà báo bị khởi tố, nhưng không hề đóng cửa các báo này ngày nào. Hay có phải, đóng cửa báo Du Lịch ba tháng là để dằn mặt toàn thể báo giới VN, rằng nói chuyện biên giới biển đảo là "vi phạm nghiêm trọng luật báo chí Việt Nam", theo lệnh đình bản do Thứ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông, còn "nhạy cảm" hơn chuyện chống tham nhũng?

Theo quyết định đình bản, lý do chính vì các bài viết và thông tin trên số báo Tết Kỷ Sửu 2009, và dịp này lệnh cũng yêu cầu báo này chỉnh đốn lại đội ngũ lãnh đạo.

Trên trang mạng của báo Du Lịch, phần "Giới thiệu chung" ghi rằng:
"Báo Du Lịch là cơ quan ngôn luận của Tổng cục Du lịch, hoạt động theo Luật Báo chí; có chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách phát triển du lịch và hoạt động của Ngành theo định hướng của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch. Báo Du Lịch chịu sự quản lý trực tiếp của Tổng cục Du lịch và quản lý nhà nước về hoạt động báo chí và xuất bản của Bộ Văn hoá và Thông tin…"
Như thế, đây không phải là báo tư nhân. Mà thực tế, không hề có báo tư nhân ở VN hiện nay. Vậy thì sao lại tự mình đóng cửa một tờ báo của mình, tự mình bịt miệng của mình ba tháng như thế? Hay bởi vì Tổng Cục Du Lịch trước giờ không chịu cúng phong bì với Bộ Thông Tin? Bởi vì, kỷ luật các báo khác trước giờ chỉ làm nhẹ thôi - hình phạt đình bản là hình phạt giành cho kẻ thù, không phải để áp dụng với chính "cơ quan ngôn luận" của mình? Tại sao như thế? Hay phải chăng, bàn chuyện biên giới, biểu tình vì Trường Sa và Hoàng Sa là lập tức trở thành kẻ thù của nhà nước?

Chưa hết, chính hành vi đóng cửa báo Du Lịch, dù chỉ là ba tháng, cũng đã làm lộ nguyên hình Đảng CSVN đang khai tử Các Mác.

Trên trang Ý Kiến, bài viết nhan đề
"Đảng ta… giết Các Mác bằng Luật báo chí?" do người ký tên Sinh viên Sơn gửi, đã viết:
"Có người nói Luật Báo Chí của VN là nhát dao giết Các Mác (Karl Marx). Phải tìm hiểu mới thấy câu này không vô lý.

Nhà nước VN định sửa đổi Luật Báo Chí nhưng nay lại hoãn. Cái khó nhất là phải đưa ra định nghĩa thế nào là "báo chí tự do" ở nước ta, để cho nó không "chửi" lại quan niệm chung của cộng đồng quốc tế. Chúng ta hãy chờ xem Luật Báo Chí được đảng CSVN sửa đổi ra sao.

Ông tổ của Chủ nghĩa CS - Các Mác - từng là nhà báo, từng phụ trách một tờ báo tư nhân dưới chế độ tư bản. Chế độ này tất nhiên không ưa cộng sản, nhưng vẫn để những báo cộng sản lưu hành tự do và đảng Cộng Sản hoạt động. Ngược lại, không một đảng CS nào khi đã "cướp chính quyền" lại dám để các đảng khác hoạt động, dù là hoạt động hoà bình.

Bản thân Mác cũng chính thức đưa ra quan điểm về báo chí tự do. Theo ông, đối nghịch với báo chí tự do là "báo chí bị kiểm duyệt". Ông hết lời ca ngợi báo chí tự do và lên án nghiêm khắc dạng đối nghịch…

…Ông nêu cái đối lập của báo chí tự do (tức là báo chí bị kiểm duyệt) "là cái quái dị không có tính cách", "là con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa."
Nhưng, ông Thứ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông, người đã ký quyết định đình bản bốn tháng sau số báo Tết Kỷ Sửu, có phải là hiện thân của "con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa" mà ông Các Mác đã nói?

Bài viết nhan đề
"Đằng sau quyết định đình bản báo Du Lịch" do Nam Nguyên, phóng viên đài RFA, thực hiện ngày 18-4-2009 đã viết về cuộc phỏng vấn do đài này thực hiện:

"…Trả lời đài chúng tôi, ngày 16/4 ông Nguyễn Quốc Thái Trợ Lý Phó Tổng Biên Tập Phụ Trách của tờ Du Lịch phát biểu:

"Chúng tôi chấp hành quyết định của Bộ Thông Tin Truyền Thông (TTTT) nhưng tôi không đồng ý với nội dung của quyết định đó.

Bởi vì trong quyết định đó, Bộ TTTT nói để kiện toàn tổ chức, phần này chúng tôi không bàn. Còn về những bài trong số báo Xuân, trong đó nêu ra bài 'Tản mạn đảo xa' của phóng viên Trung Bảo. Chúng tôi thấy rằng bài báo đó là một bài viết thể hiện những bức xúc, lo lắng và buồn phiền của một công dân một quốc gia bị nước khác xâm lấn phần đất quê cha đất tổ của mình. Một biểu lộ về lòng yêu nước như vậy, tôi nghĩ không nên bị kết án."

Đình bản vì biểu lộ lòng yêu nước?…"
Điều cần ghi nhận thêm về số báo sau cùng, trong đó có bài viết về khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên, có phải đây là thêm một nguyên nhân chính để Bộ ra lệnh đình bản?

Đài RFA tường thuật thêm:
"Sự kiện chúng tôi ghi nhận được là trong số báo sau cùng ngày 13/4/2004, tờ Du Lịch có bài báo khác cũng không kém phần nhạy cảm. Bài báo có tựa đề ' Dự án Bauxite-Nhôm Tân Rai Lâm Đồng: Đã tính đến nông dân chưa?'

Bài viết có đoạn: 'Là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia về Bauxite-Nhôm, triển khai ở Tây Nguyên. Dự tổ hợp Bauxite-Nhôm Tân Rai Thị trấn Lộc Thắng tỉnh Lâm Đồng có diện tích 2.297ha. Trong lúc còn nhiều ý kiến trái chiều về các dự án khai thác Bauxite; sự phồn thịnh của người dân trong vùng chưa thấy, thì dự án này ngày càng lộ ra nhiều điều đáng quan tâm như: môi trường sinh hoạt, tái định cư, đầu tư sản xuất của người dân.

Ở một đoạn khác phóng viên viết: ' Đến xã Lộc Ngãi huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng trong những ngày giữa tháng 4, một không khí lao động hối hả trải dài trên diện tích hàng nghìn ha. Chưa đầy hai năm trước, toàn bộ khu vực này còn là một màu xanh của những nương chè, cà phê, đồi thông…bây giờ mọi thứ đã thay đổi, thay vào đó là màu đỏ đất bazan, khói bụi…"
Tới đây thì hình như quá nhạy cảm. Thế nên, người phụ trách báo Du Lịch nói là 'không bình luận.'

Đài RFA kể thêm:
"Chúng tôi nêu câu hỏi với ông Nguyễn Quốc Thái, Trợ lý Phó Tổng Biên Tập Phụ Trách Báo Du Lịch, phải chăng giọt nước tràn ly, bài Bauxite Lâm Đồng đăng ngày thứ Hai 13/4 thì ngày 14/4 Báo Du Lịch bị đình bản. Ông Thái đáp:

"Xin các ông tự nhận định và đánh giá, tôi xin phép được không bình luận vấn đề này"…"
Thấy rõ, ông Các Mác hay ông Hồ Chí Minh có tái sinh vào Hà Nội hay Bắc Kinh thì cũng bó tay thôi. Không chỉ là bịt miệng ba tháng, mà thực tế là bịt miệng từ khi chào đời, bởi vì có báo tư nhân nào đâu để cho ông Mác, ông Hồ được viết. Như thế, các chuyện biên giới và biển đảo kể như không có trong tự điển ngữ vựng của ông Mác, ông Hồ rồi.

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Những bạo chúa Neron Việt Nam

Tự nhiên, tôi bỗng nhớ tới khung cảnh kinh thành La Mã bốc cháy trong tác phẩm Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz và thấy những trùng hợp kỳ lạ với hiện trạng Việt Nam.

Giữa thập niên 60 của thế kỷ công nguyên đầu tiên ấy, những người nghèo khó La Mã hướng về ngọn đuốc sáng Yêu Thương đã bị nhìn như kẻ tử thù bởi triều đình của một bạo chúa.

Gần như không có cách biệt khi so sánh thân phận những người nghèo khó ấy với 80 triệu con dân Việt Nam hiện nay. Cũng tương tự, nếu so sánh tập đoàn lãnh đạo Việt Nam với triều đình Neron thuở đó.

Neron luôn ngùn ngụt tham vọng biến mình thành kẻ vĩ đại bậc nhất trên mặt địa cầu tới mức thản nhiên hạ sát cả vợ, cả mẹ để giảm bớt cản trở trong nếp sống xa hoa tàn bạo. Con người phi nhân tới mức đó lại được một đám cận thần tung hô, tôn xưng như thần thánh và sẵn sàng tuân theo mọi lệnh chỉ. Vì thế, khi Neron muốn tìm cảm hứng nhìn lửa cháy để tạo một tác phẩm nghệ thuật mà y tin sẽ vượt xa các tác phẩm lẫy lừng Illiade và Odyssée, đám cận thần đã dâng sáng kiến hoả thiêu La Mã. Toàn bộ kinh thành bốc cháy khơi dậy sự giận dữ trong quần chúng, sự giận dữ mà Neron và đám cận thần không ngờ tới. Kế sách đối phó được đề ra là lập tức rao truyền chính đám người nghèo khó theo chúa Jesus đã nổi lửa và cái triều đình ác thú ấy ban lệnh “ném ngay lũ Thiên Chúa Giáo cho sư tử.”

Cơn uất hận vì cơ ngơi bị huỷ hoại, người thân bị chết thảm đã khiến từng đám đông cuồng nộ trở thành hung thú lao vào tàn sát những kẻ cũng là nạn nhân như mình theo lệnh truyền của chính các thủ phạm gây tội ác. Đây đúng là cảnh đã kéo dài trên đất nước Việt Nam từ 1945 qua mọi biến cố do chỉ hai động lực Ngu - Hèn. Cái Ngu đã khiến nhiều thế hệ lao vào xâu xé lẫn nhau bởi không nhận chân nổi thủ đoạn lường gạt của một bạo chúa, đồng thời cái Hèn đã liên tục tạo thêm sức mạnh cho bạo chúa mặc tình thao túng. Ai cũng dễ dàng nhận thấy nếu không có những Tigellinus và đội ngự lâm quân, không có những Chilon Chilonides … thì dù Neron có ba đầu sáu tay cũng không thể gieo tai rắc hoạ, không thể chỉ một giây phút phù du thiêu hủy cả một kinh thành…

Khác biệt giữa hai thảm cảnh La Mã thuở nào và Việt Nam hiện nay là La Mã có sự hiện diện của thằng hèn Chilon Chilonides. Thằng hèn Chilon đã nhúng tay vào đủ thứ nhơ nhuốc, bạo ngược để được trở thành cận thần của bạo chúa. Thằng hèn Chilon cũng là kẻ đi ban bố lệnh truyền “ném bọn Thiên Chúa Giáo cho sư tử”. Nhưng, chính thằng hèn Chilon đã đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt Neron, cáo giác kẻ chủ mưu đích thực vụ đốt phá kinh thành là ai.

Một thời tôi đã bị cuốn hút tới mức đọc đi đọc lại nhiều lần hai chương Quo Vadis nói về giây phút cuối cùng của thằng hèn Chilon Chilonides - một chương chấm dứt với sự thản nhiên trước cực hình rút lưỡi để được đứng bên đám người nghèo khó vẫn giữ vững nhịp con tim chan chứa tình người và một chương chấm dứt với nụ cười mãn nguyện cùng những dòng nước mắt đón nhận niềm vui của nạn nhân vào giây phút lìa đời.

Nhưng vượt lên trên hết vẫn là hình ảnh thằng hèn Chilon đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt bạo chúa, hình ảnh ghi lại bước khởi đầu sự cáo chung của một triều đại man rợ ghê tởm để những con tim của đám người nghèo khó La Mã đang bị treo trên thập tự giá, bị quăng vào móng vuốt ác thú, bị moi gan rút lưỡi… tiếp tục gửi tình Yêu Thương tới khắp năm châu.

Ý nghĩ cuối cùng dấy lên từ những trang “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” lại là sự trở về với một thằng hèn trong hình ảnh một ước mơ.

Mong sao sớm xuất hiện tại Việt Nam những thằng hèn Chilon Chilonides!

Virginia, March 09, 2009

© Uyên Thao

Trích từ: Đọc "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn". DCV Online

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

Vấn đề báo Du Lịch tạm đình bản

“...Báo Du Lịch có tội «thông tin không trung thực» hay không, tòa án dư luận đã phán xét. Theo đó những người yêu nước chỉ được vinh danh. Riêng những người làm nhục Nam Quan, mặc dầu họ có cả bộ máy đàn áp qui mô, pháp luật cũng do họ nắm, họ có thể phân xử bất kỳ ai dưới bất kỳ tội trạng nào, nhưng họ không thể bóp chết lòng yêu nước của mọi người...”

Theo tin BBC, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa quyết định đình bản báo Du Lịch trong ba tháng vì 'sai phạm nghiêm trọng' trong số Tết Kỷ Sửu 2009. Các sai phạm là: «không 'thông tin trung thực', không tuân thủ 'tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước' và đã 'kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước'». Quyết định này do bộ trưởng bộ Thông Tin và Truyền Thông Lê Doãn Hợp ký ngày 14 tháng 4 năm 2009. Bộ này cũng nói: Trong thời gian đình bản ba tháng, sẽ có biện pháp củng cố, kiện toàn tổ chức tờ báo và nhân sự lãnh đạo. Như thế số phận của ban biên tập báo Du Lịch đã được quyết định.

Theo tin RFA thì ban biên tập báo Du Lịch tuân thủ quyết định này và không đưa vấn đề ra trước một tòa án, (ít nhất đến lúc bài này được đăng).

Nhưng thực sự thì báo Du Lịch có phạm các tội như bộ Thông Tin và Truyền Thông (TT&TT) đã «kết án» hay không ? Các tội ở đây gồm ba tội: (1) là thông tin không trung thực, (2) là không tuân thủ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và (3) là kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước.

Số báo Du Lịch Xuân Kỷ Sửu có hai bài viết đề cập rất sơ lược tình trạng tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải giữa VN và Trung Quốc là các bài “Ải Nam Quan” và bài “Tản Mạn Cho Đảo Xa”. Nếu xét theo nội dung hai bài báo thì có lẽ bài Ải Nam Quan bị qui vào tội 1 và tội 2, nhưng bài «Tản Mạn Cho Đảo Xa» không thể kết bất kỳ một tội nào cho bài báo này được. Không lẽ yêu nước khi chưa cho phép thì cũng là một tội hay sao? Thực ra, nếu ban biên tập báo Du Lịch phạm tội: «kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước» như bộ TT&TT đã lên án thì không thể chỉ bị tạm đình bản ba tháng đơn thuần được. Và tội gọi là «không tuân thủ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng» có thể gọi là một tội hay không nếu đường lối, chính sách của đảng và nhà nước sai (như vụ khai thác bô-xít là chủ trương lớn của đảng và nhà nước)? Và nếu chủ trương của đảng và nhà nước sai, báo Du Lịch viết lại cho đúng, thì đây có là tội «thông tin không trung thực» hay không?

Theo tôi, báo Du Lịch có phạm tội hay không, bộ TT&TT không có quyền kết luận, cho dầu là nhân viên dưới quyền của mình, nhất là với những tội danh vu vơ, không bằng chứng, mà theo hình luật có thể bị hình phạt nặng. Đây là công việc của tòa án. Nội vụ vấn đề này có nhiều khuất tất. Vấn đề pháp lý xin dành cho các chuyên gia về pháp lý. Người viết xin có vài dòng về 2 tội «thông tin không trung thực» và «không tuân thủ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước».

Trước hết nên tìm hiểu chủ trương của đảng và nhà nước về ải Nam Quan như thế nào? Chủ trương này có đúng hay không ? Báo Du Lịch thông tin về Ải Nam Quan ra sao ? Sau đó mới có thể kết luận là báo này có phạm các tội đã dẫn trên hay không.

1. Chủ trương của nhà nước về Ải Nam Quan

Chủ trương này được biết đến qua các bài phỏng vấn của các viên chức phụ trách phân định và cắm mốc biên giới Việt-Trung. Có nhiều bài báo, bài phỏng vấn của các vị như Lê Công Phụng, Nguyễn Dy Niên, Vũ Dũng… trong quá khứ. Mới nhất là bài báo đăng trên Vietnamnet vào ngày 2 tháng 1 năm 2009.

Theo đó, ông Dũng nói về Ải Nam Quan, tức khu vực Hữu Nghị Quan, nguyên văn như sau:

Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc, đường biên giới nằm phía nam Trấn Nam Quan. Theo “Đại Nam Nhất thống chí” , Trấn Nam Quan được xây dựng từ thời nhà Minh; sau đó, đời Nhà Thanh cho tu bổ lại vào năm 1726. Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị là mốc 19 cũ do Pháp Thanh cắm năm 1894. Vừa qua ta và Trung Quốc đã tiến hành cắm mốc 1117 trùng với vị trí mốc 19 cũ, đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray hiện tại 148m. Như vậy có thể khẳng định đường biên giới tại cửa khẩu Hữu nghị vừa được PGCM là phù hợp với lịch sử và thực tiễn quản lý ở khu vực này”.

«Chủ trương của đảng và nhà nước» là lời tuyên bố của ông Vũ Dũng, Thứ Trưởng bộ Ngoại Giao. Nhưng chủ trương của đảng và nhà nước về Ải Nam Quan như thế có đúng với thực tế hay không?

Kiểm chứng với các tài liệu lịch sử, tôi cho rằng những dữ kiện của ông Vũ Dũng về khu vực Nam Quan đều sai hoặc không chính xác.

a/ Ông Vũ Dũng dẫn Đại Nam Nhất Thống Chí để nói rằng đường biên giới luôn nằm phía nam của Nam Quan. Việc này không chính xác. Vì ở phía nam nhưng đường biên giới cách cổng này bao nhiêu mét ? Ông Lê Công Phụng, người tiền nhiệm của ông Vũ Dũng cũng đã từng nói như thế, nay ông Dũng lặp lại. Ở Hà Nội hay Sài Gòn cũng đều phía nam của Nam Quan, không lẽ đường biên giới đi qua các nơi đây? Nó không chính xác là vì thế.

b/ Cột mốc tại Nam Quan:

Xét các tài liệu lịch sử (tài liệu phân định biên giới Pháp Thanh 1885-1897):

- Biên bản phân định biên giới số 4, ký kết ngày 7 tháng 4 năm 1886 giữa hai phái đoàn Pháp-Thanh, phân định từ Nam Quan đến Bình Nhi, nguyên văn như sau (Hình 1):

Hình 1


La Commission de Délimitation Franco-Chinoise a reconnu, le sept avril mil huit cent quatre-vingt-six, qu’à partir du point situé à cent mètres en avant de la Porte de Nam-Quan, sur la route de Nam-Quan à Ðồng-Ðăng, la frontière remonte à l’Ouest jusqu’au sommet de la montagne rocheuse sur lequel est situé le fort marqué A sur le croquis ci-joint, suit à partir de ce fort le haut de la muraille rocheuse qui domine la route de Ðồng-Ðăng jusqu’au point marqué B sur le croquis…»

Xin tạm dịch như sau:

«Uỷ Ban Pháp Trung Phân Ðịnh Biên Giới nhìn nhận, nhằm ngày bẩy tháng tư năm một ngàn tám trăm tám mươi sáu, từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng, đường biên giới theo hướng Tây đi lên đến đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A trên sơ-đồ kèm theo đây, sau đó đường biên giới đi từ điểm này, theo đường nối đỉnh cao của dãy núi đá nhìn xuống con đường Ðồng Ðăng, cho đến điểm B đánh dấu trên sơ-đồ…»

Biên bản này xác định đường biên giới qua một điểm trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng 100m.

- Biên bản cắm mốc ngày 15 tháng 12 năm 1890 (xem Hình 2) do đại tá Frandin lập: 3e section de Nam Quan à Bình Nhi. 1e borne: sur le chemin de Nam Quan à Dong Dang (à 100m, au S de la porte). Cột thứ nhất: trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng (cách cổng 100m về phía nam).

Hình 2


- Xét Biên bản phân giới của đại tá Galliéni 19 tháng 6 năm 1894, là biên bản chung cuộc của đoạn biên giới Quảng Tây, cũng là giác thư, hay nghị định thư (?) kết thúc công trình phân giới cắm mốc vùng Quảng Tây, công nhận công trình của Frandin ghi trên, kết quả cột mốc Nam Quan mang số 18, được cắm không thay đổi, tức trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng 100m về phía nam. (Hình 3)

Hình 3


Như thế, từ lúc phân định biên giới, 7 tháng 4 năm 1886, sang lúc phân giới cắm mốc 15 tháng 12 năm 1890, và biên bản tổng kết cắm mốc 19 tháng 6 năm 1894, hai bên Pháp và nhà Thanh đã luôn nhất trí rằng đường biên giới tại cổng Nam Quan đi qua một điểm trên con đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng 100m về hướng nam. Điểm đó sau này là cột mốc phân giới mang số 18, tên là Trấn Nam Quan Ngoại 鎭南關外.

«Chủ trương của đảng và nhà nước» hoàn toàn không nhắc đến cột mốc số 18!

c/ Cột ki lô mét zéro: Ông Vũ Dũng nói: đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray… Cột ki lô mét 0 không phải là cột mốc biên giới. Cột này chỉ ghi nhận số ki lô mét trên đường quốc lộ. Vì sao ông Dũng nói đường biên giới đi qua cột ki lô mét 0 trên đường quốc lộ mà không nói đến cột mốc số 18? Cột 18 đã ra sao?

Tài liệu mang tên Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung Quốc do nhà XB Sự Thật ấn hành năm 1979, trang 10 có ghi (Hình 4): «phía Trung-Quốc đã ủi nát mốc biên-giới số 18 nằm cách cửa Nam-Quan 100m trên đường Quốc-Lộ để xoá vết-tích đường biên-giới lịch-sử, rồi đặt cột mốc ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh-thổ Việt-Nam trên 100m, coi đó là vị-trí đường quốc-giới giữa hai nước ở khu-vực này».

Hình 4

Thì ra cột mốc 18 bây giờ trở thành cột ki lô mét zéro; cột Km 0, theo tài liệu dẫn trên, lùi về VN khoảng 100m.

Nhưng trên thực tế, theo các nhân chứng, cột ki lô mét 0 hiện nay cách cổng Nam Quan ít ra là 4 hay 5 trăm mét.

d/ Cột mốc số 19: Ông Vũ Dũng nói: Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị là mốc 19 cũ do Pháp Thanh cắm năm 1894….

Ông Dũng nói việc này hoàn toàn sai. Di tích tại cổng Nam Quan (Hữu Nghị Quan) là cột số 18 chứ không phải cột số 19. Cột mốc số 19 cách cột số 18, tức cách cổng Nam Quan, theo bản đồ của Sở Địa Dư Đông Dương (SGI) dưới đây (Hình 5), ít nhất là 500 m về hướng đông.

Hình 5

e/ Điểm nối ray: Điểm nối ray không thấy trên bản đồ SGI vì lý do đường ray chỉ đặt sau này. Theo tài liệu Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung Quốc do nhà XB Sự Thật ấn hành năm 1979 dẫn trên, trang 10, nguyên văn như sau (Hình 4):

«Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Yên Viên, gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua».

Như thế đường biên giới hiện nay cách điểm nối ray 148m. Đó cũng là đất mà VN bị mất cho TQ qua hiệp ước phân định biên giới 25-12-1999.

2. Báo Du Lịch nói về Ải Nam Quan như thế nào?

Có thể nội dung bài này thể hiện qua nội dung bài thơ «Hận Nam Quan» của Hoàng Cầm dẫn trong bài. Có người nói báo Du Lịch «hàm ý» cho rằng nhà nước làm mất ải Nam Quan cho TQ.

Báo Du Lịch có «hàm ý» như thế không, mọi người có nhận định riêng của mình. Nhưng giả sử báo này có nói thế, thì báo này có «loan tin không trung thực» không? Không có điều gì chắc chắn.

Ông Vũ Dũng trích dẫn Đại Nam Nhất Thống Chí cho rằng ải Nam Quan của TQ. Vấn đề là ta nên hiểu «ải» có ý nghĩa như thế nào.

a/ Ải là cái cổng Nam Quan:

- Theo Phương Ðình Ðịa Dư Chí của cụ Nguyễn Văn Siêu (nxb Văn-Hoá Thông-Tin, Hà-Nội 2001, biên tập Đặng Thị Huệ, tr 451): «Ải Nam Quan ở địa phận hai xã Ðồng Ðăng và Bảo Lâm châu Văn Uyên. Phía Bắc giáp địa giới châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, 2 bên tả hữu núi đá cao ngất, ở giữa mở một cửa quan, cánh cửa có khoá, chỉ khi có việc sứ mới mở, tên là cửa Nam Quan (một tên là Ðại Nam Quan, một tên là Trấn Di Quan, lại có tên là Trấn Nam Quan».

Theo tài liệu này ải Nam Quan thuộc địa phận hai xã Đồng Đăng và Bảo Lâm, như thế ải thuộc Việt Nam.

- Theo Địa dư Các Tỉnh Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thư và Đỗ Đình Nghiêm (Nhà in Lê Văn Tân xuất-bản, Hà Nội, 1926), cửa Nam Quan ở ngay biên giới Trung quốc và Việt Nam. Từ Hà Nội lên đến Lạng Sơn là 150 km; đến cây số 152 là chợ Kỳ Lừa; đến cây-số 158 là Tam Lung; đến cây số 162 là Đồng Đăng; đến cây số 167 là cửa Nam Quan đi sang Long Châu bên Tàu. Như vậy từ Đồng Đăng lên cửa Nam Quan có 5 km; từ Kỳ Lừa lên Nam Quan mất 15 km và từ tỉnh lỵ Lạng Sơn lên Nam Quan là 17 km.

Tài liệu này cho rằng đường biên giới đi ngang qua cửa ải.

- Theo Đại Nam Nhất Thống Chí (thực ra ghi chép ở điểm này rất giống với Đại Thanh Nhất Thống Chí), Trấn Nam Quan thuộc nội địa nuớc Tàu, dựng dưới đời vua Gia Tĩnh (1522-1566) nhà Minh. Năm 1726, dưới đời nhà Thanh, niên hiệu Ung Chính thứ ba, quan Án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhũ Lai có cho tu bổ lại cửa quan này. Cửa này dài 110 trượng (khoảng 50m), có đề ba chữ Trấn Nam Quan.

Như thế, giữa các sử liệu nước nhà cũng đã có những mâu thuẫn. Phương Đình Địa Dư Chí thì nói ải này thuộc địa phận hai xã Bảo Lâm và Đồng Đăng, tức thuộc VN. Còn Địa dư Các Tỉnh Bắc Kỳ thì nói ải này ở ngay biên giới Việt-Trung.

Nếu báo Du Lịch tham khảo Phương Đình Dư Địa Chí hay Địa dư Các Tỉnh Bắc Kỳ thì báo này nói sai hay nói đúng? Nếu kết tội báo nói sai, thì nguồn dẫn của báo này sai, người viết không có tội. Người ta đâu có bịa sử ra để viết mà kết tội loan tin không trung thực?

b/ Ải là một đoạn đường qua núi:

Định nghĩa ải là một đoạn đường qua núi, thí dụ: «Ải Chi Lăng, không phải cổng hay cửa mà là một trận đồ hiểm ác... một thung lũng hẹp, hình bầu dục, chiều dài Bắc-Nam khoảng 4km. Có hai cửa, cửa phía Bắc gọi là Quỷ Môn Quan, cửa phía Nam gọi là Ngõ Thề. Ải Chi Lăng cách Hà Nội chừng 110km và cách biên giới 60km » (Nguồn: Hoàng Nguyên Nhuận, “Chiều Mưa Biên Giới Anh Đi Về Đâu”, báo Chuyển Luân 27, tháng 4-2002).

Như thế ải Nam Quan cũng là một thung lũng hẹp, hai bên là «núi đá cao ngất», bắt đầu từ Đồng Đăng và chấm dứt ở Quang Thiên Ải (gần Bằng Tường, TQ), dài tổng cộng 5Km. Cổng Nam Quan (Hữu Nghị Quan) được dựng lên giữa ải, đánh dấu biên giới hai nước, mỗi bên có khoảng 2,5 Km.

Phần «ải» của VN hôm nay còn hay mất ?

Theo bản đồ phân giới khu vực 249 C dưới đây, do ông Nguyễn Ngọc Giao đưa lên internet từ nhiều năm trước, so sánh nó với bản đồ SGI, ta thấy: toàn bộ khu núi đá phía bắc Đồng Đăng đã thuộc về TQ. Ải Nam Quan của VN như thế đã mất hoàn toàn.

Việt Nam không còn ải Nam Quan nữa. Báo Du Lịch, giả sử có hàm ý rằng Nam Quan đã mất cho TQ, thì họ viết đúng hay sai?

Hình 6

3. Nam Quan, những tang thương và hùng tráng của lịch sử (Dẫn từ tài liệu của Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao)

Cửa Nam Quan từng là nơi diễn ra và chứng kiến nhiều cảnh tang thương và hùng tráng trong suốt thời gian của Việt sử nghĩa là từ thời nước ta lập quốc cho tới nay. Năm 40 Tây lịch Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán, Nam Quan đã là cửa ngõ xâm lược của danh tướng Mã Viện…Thời nhà Minh xâm lăng đô hộ nước ta, năm 1406, ông Nguyễn Trãi theo cha là Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Tàu cùng cha con Hồ Quý Ly. Tại ải Nam Quan, Nguyễn Trãi đã vâng nghe theo lời cha ghi nhớ hận Nam Quan và sau này phò Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh, thu hồi lại nền tự-chủ cho nước nhà...

Nhục Nam Quan là hành động ươn hèn của Mạc Đăng Dung và bầy tôi đã quỳ gối dâng biểu, dâng đất xin hàng nhà Tống vào năm 1541 để bảo vệ quyền lực cho dòng họ nhà Mạc.

Ngược lại, Nam Quan cũng đánh dấu nhiều chiến công huy hoàng của dân tộc Việt bất khuất như năm 40 Thái thú Tô Định bị nghĩa quân của Hai Bà Trưng đánh đuổi phải bỏ chạy về Tàu qua ngả Nam-Quan... Năm 981 vua Lê Đại Hành đã chém đầu Hầu Nhân Bảo và đánh đuổi tàn quân nhà Tống ở cửa Nam Quan. Đời nhà Lý, năm 1060, quân xâm lược nhà Tống lại bị chận đánh ở Nam Quan và Lạng Châu tức Lạng Sơn... Đời nhà Trần, năm 1285 Trấn Nam Vương Thoát Hoan phải nhục nhã chui vào ống đồng trốn chạy về Tàu qua Trấn Nam Quan… Năm 1427, Liễu Thăng bị phục binh của nghĩa quân Bình Định Vương Lê Lợi chém chết ở Đảo Mã Pha thuộc ải Chi Lăng, ở về phía nam cửa Nam Quan khoảng 50 km, và tàn quân Minh cũng phải theo cửa Nam Quan mà trốn chạy về nước... Cảnh này lại tái diễn sau chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung Nguyễn Huệ ở Đống Đa vào mùa xuân năm Kỷ dậu 1789. Tàn quân nhà Thanh của Tôn Sĩ Nghị cũng lũ luợt chạy qua cửa Nam Quan để thoát về Tàu.. ..

4. Trở lại vấn đề báo Du Lịch

Như thế chủ trương của nhà nước, qua lời của ông Vũ Dũng, hoàn toàn sai, nhà nước đã làm mất đất ải Nam Quan cho TQ. Tương tự vấn đề khai thác bô-xít hiện nay, đây mặc dầu là «chủ trương lớn» của đảng và nhà nước, nhưng hoàn toàn sai, rất nhiều người lên tiếng phản đối. Vấn đề để mất Nam Quan, ông Dũng cố gắng đưa Đại Nam Nhất Thống Chí vào để biện hộ, nhưng không hề thuyết phục.

Báo Du Lịch có tội «thông tin không trung thực» hay không, tòa án dư luận đã phán xét. Theo đó những người yêu nước chỉ được vinh danh. Riêng những người làm nhục Nam Quan, mặc dầu họ có cả bộ máy đàn áp qui mô, pháp luật cũng do họ nắm, họ có thể phân xử bất kỳ ai dưới bất kỳ tội trạng nào, nhưng họ không thể bóp chết lòng yêu nước của mọi người. Hiện nay nguy cơ mất biển Đông là có thật. Nhà nước này hiện nay cũng có chủ trương Biển Đông, như đã có các chủ trương ở Nam Quan, Bản Giốc… Có người viết về biển Đông theo lối dọn sân cho nhà nước đem Biển Đông, HS&TS cống cho TQ, thì lại được vinh danh. Những người phản biện lại, hay ai lên tiếng về biển Đông, HS&TS là của VN, thảy đều bị bôi nhọ, bị bắt, bị đàn áp, mất việc làm... Có người đến nay vẫn ngồi tù chưa ra.

Hận Nam Quan của báo Du Lịch đánh dấu một thời kỳ mới: yêu nước là tội phạm. Thông điệp của nhà nước này đã rõ: Trí thức từ nay khôn hồn ngậm miệng lại! Ngậm miệng là ăn tiền, mở miệng là lãnh đủ!
Trương Nhân Tuấn

Tài liệu tham khảo

- Tài liệu phân định biên giới 1885-1897: CAOM, Indo, GGI, các thùng carton số 65353 đến số 65360
- Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao, “Từ cửa Nam Quan đến ải Chi Lăng, Châu Ôn và núi Phân Mao”. Blog TruongNhanTuan.
- Thông tin báo chí từ BBC, RFA, Vietnamnet

Thông tin liên quan:
• Đỗ Thái Nhiên, « Giai phẩm Xuân Du Lịch: khi “Lề phải” nổi giận». Thông Luận, ngày 06/02/2009.

© Thông Luận 2009

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

Liên Hiệp Quốc làm khổ nhân dân Việt Nam

Nhã Nam (Talawas)

Mấy ngày nay rồi, bất kể sáng, trưa, chiều là bà con khu phố tui phải chịu đựng sự tra tấn của cái loa phường. Thế mới hiểu nỗi thống khổ của bà con ngoài Hà Nội chịu đựng vài chục năm có lẻ về cái sự tra tấn tinh thần đó.

Nhưng lạ. Lâu nay khu phố tôi không hề có vụ loa phường tác yêu tác quái này… Sao bây giờ lại nảy sinh nhỉ? Hay là ông phường mới sắm bộ loa mới? Hay là có chỉ đạo của cấp trên về vấn đề nâng cao nhận thức “nhăn răng”? Hay là trưởng ban tuyên giáo phường mới nhậm chức? Hay là cái loa bị chập điện? Cứ tự hỏi mà chẳng có câu trả lời…

Bữa nay tui quyết định tìm hiểu nguyên nhân. Không phải là lên phường để chất vấn đâu. Trước tiên phải nghe cái loa nó nói cái chi rứa, mấy ngày rồi chỉ nghe eo éo mà có biết eo éo chuyện chi. Sau khi định thần suốt nửa tiếng ngoài balcon, tui vẫn không biết nó eo éo nói, hát cái gì. À… biết rồi, tui leo lên mái nhà và phát hiện ra vấn đề khi nghe thủng một câu giới thiệu: “Sau đây là ca khúc ‘Tình anh điều tra’”.

Không nghe thấy tên tác giả, chỉ nghe eo éo tiếp. Thì cũng đại loại “Ơiii… anh cán bộ điều tra của ta, anh đi khắp chốn, anh ghé từng nhà, anh hỏi cụ ông, anh hỏi cụ bà… anh là cán bộ điều tra, là lá la la là là lá la la…”. Bất giác tui tự hỏi có ca khúc nào về các cán bộ kế hoạch hóa gia đình chưa, nếu có thì bài ca hẳn sẽ có câu “Ơiii (nhất thiết phải có câu Ơiiiii” dễ thương này, kiểu như “Ơiii cuộc sống mến thương”, “Ơiiii cô du kích nhỏ”…) anh cán bộ đặt vòng, ơiii chị cán bộ nạo hút, ơiii cô nữ hộ sinh… mỗi ngày anh làm bao nhiêu ca, mỗi suất cô nạo bao nhiêu lần… cái vòng là vòng của ta, ta quyết ta đặt bao la, ta quyết ta khuyên từng nhà nạo hút thường xuyên đó nha…”. Một bài hát tầm cỡ như vậy mới có tác dụng hiệu quả, vì đích thị chuyện nạo hút vốn là “chủ trương lớn” của Đảng và Nhà nước mà. Và vô khối ca khúc cho tất cả các loại cán bộ khác nữa. Việt Nam vốn có rất rất nhiều nhạc sĩ tài ba mà.

Trở lại chuyện điều tra dân số, té ra với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc, cả nước Việt Nam đang tiến hành cuộc điều tra dân số và nhà ở. Một cuộc điều tra “long trời lở đất”. Lên phường chứng cái giấy rất khó gặp cán bộ vì hầu hết cán bộ đang mắc bận điều tra. Đúng là nhà nhà điều tra, người người điều tra… Ô hay nhỉ. Thế cái sổ hộ khẩu bấy lâu nay làm gì, vì nếu chính quyền quản thật chặt cái sổ, cán bộ, công an hộ khẩu làm tròn trách nhiệm là dư biết dân số có bao nhiêu mạng cơ mà. Đích thị các chú cán bộ lơ là trong việc quản người rồi. Phải có Liên Hiệp Quốc can thiệp thì mới tiến hành nổi cuộc điều tra đại quy mô xem thực ra dân số Việt Nam là bao nhiêu. Mà đã có Liên Hiệp Quốc nhúng tay vào là không lơ tơ mơ được. Phen này vô khối chú cán bộ, cán gáo phải kiểm điểm thôi, nhưng chắc chắn sẽ có vô khối chú cán bộ trúng được gói thầu của Liên Hiệp Quốc này. Hèn chi cán bộ phường siêng năng điều tra, hèn chi cái loa phường cất tiếng tra tấn lỗ tai nhân dân.

Suy ra, Liên Hiệp Quốc đã bắt tay chặt chẽ với cán bộ Việt Nam để sáng tác ca khúc và tra tấn nhân dân qua hệ thống loa phường tinh vi. Ơiiii anh liên hợp quốc ơiiiii, anh làm khổ tui.
© 2009 Nhã Nam

© 2009 talawas blog

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Trung Quốc mở học viện Nguyễn Trãi ở Bắc Kinh

Chính phủ Trung Quốc vừa chấp thuận cho mở thí điểm Học viện Nguyễn Trãi, mà thực chất là trung tâm văn hóa Việt Nam

Tin cho hay: "Văn phòng Chính phủ Trung Quốc vừa có công văn số 1992/VPCP-QHQT gửi các bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Công an và Văn phòng Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc thông báo ý kiến của Tổng bí thư và Thủ tướng Quốc Vụ Viện cho phép thí điểm thành lập một Học viện Nguyễn Trãi tại Trung Quốc ".

Ông Hồ Cẩm Đào giao cho Phó thủ tướng Giả Khánh Lâm "chỉ đạo việc thí điểm thành lập Học viện Nguyễn Trãi theo các quy định hiện hành".

Chưa rõ học viện này sẽ được đặt ở đâu và bao giờ bắt đầu xây dựng.

Học viện Nguyễn Trãi là cơ quan truyền bá văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài, do chính phủ Hà Nội tài trợ; tương tự Viện trao đổi Văn hóa Pháp (Alliance francaise) hay Hội đồng Anh (British Council).

Học viện này có chức năng giảng dạy tiếng Việt; đào tạo giáo viên Việt ngữ; tổ chức thi trình độ tiếng Việt; chiếu phim Việt Nam, tư vấn du học; tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị... với mục tiêu cuối cùng là mở rộng ảnh hưởng của nền văn Việt Nam trên phạm vi toàn cầu.

Viện Nguyễn Trãi trung tâm hình như sắp được đặt tại thủ đô Hà Nội.

Việt Nam có kế hoạch thiết lập khoảng 100 Học viện Nguyễn Trãi tại các nước trên thế giới.

Truyền bá văn hóa

Kể từ nay, khi Học viện Nguyễn Trãi ở nước ngoài sắp đầu tiên được thiết lập tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nay các cơ sở dạng này sẽ xuất hiện tại khoảng 40 quốc gia trên thế giới, có mặt ở hầu hết các lục địa.

Một vài nước sẽ có cơ sở Học viện Nguyễn Trãi ở nhiều thành phố. Nước gần với Trung Quốc là Thái Lan cũng sẽ có Học viện Nguyễn Trãi tại thủ đô Bangkok và thành phố Chiang Mai phía bắc đất nước.

Nguyễn Trãi là triết gia nổi tiếng thời Trung Hoa xâm chiếm Việt Nam dưới triều đại nhà Minh. Nguyễn Trãi bị dập vùi thời kỳ Cách mạng Lệ Chi Viên, tức vụ án Vườn Đào nhưng đã được nhà Hậu Lê giải oan và sắp được giới lãnh đạo Việt Nam cổ súy như một trong các nền tảng tinh thần của "xã hội hài hòa" thời hiện đại.

Hà Nội sẽ có nhiều nỗ lực truyền bá Tư tưởng Nguyễn Trãi ra nước ngoài như biểu tượng của bản sắc và sức mạnh văn hóa Việt Nam.

Học viện Nguyễn Trãi cũng có chức năng cấp chứng chỉ HSK, được coi như chứng chỉ quốc tế về tiếng Việt. Nhu cầu học tiếng Việt đang ngày càng cao ở các nước, nhất là khi Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế năng động và có ảnh hưởng nhất toàn cầu.

20731313_images1389929_Gai mai dam di bo tren duong Nguyen Trai

Khuyến mãi: cảnh bắt khách đêm trên đại lộ Nguyễn Trãi, Hà Nội

Theo Blah Blah chấm Com

Lại không được nhập cảnh Việt Nam

Nguyễn Hưng Quốc

Lần này chuyến đi Việt Nam của tôi được tiến hành một cách khá bí mật. Trừ vợ con và một số ít đồng nghiệp ở đại học nơi tôi dạy, tôi không hề hé môi với bất cứ ai cả. Người quen: không. Bạn bè: không. Ngay với thân nhân của tôi, trong đó có ba tôi, người lúc nào cũng khắc khoải mong gặp lại tôi “lần cuối” - theo chữ ông thường dùng - tôi cũng giấu bặt. Tôi định chỉ thông báo cho mọi người biết khi tôi đã đặt chân an toàn trên đất Việt Nam.

Thật ra, chuyến đi cũng chẳng có một “sứ mệnh” gì đặc biệt đến nỗi phải giữ bí mật đến như vậy. Tôi chỉ về Việt Nam để tham dự một cuộc hội nghị quốc tế do đại học Monash ở Úc và Đại Học Mở ở Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề của cuộc hội nghị rất hiền lành: Vai trò của ngôn ngữ và giáo dục đa văn hoá trong việc giáo dục các cộng đồng địa phương trong nền kinh tế toàn cầu (The role of language and multicutural education in educating local communities in global economies) dự định được tổ chức trong hai ngày 7 và 8 tháng 4. Bài tham luận tôi sẽ trình bày cũng rất hiền lành: “Việc bảo tồn tiếng Việt tại Úc: nhìn từ kinh nghiệm của các gia đình hôn nhân dị chủng Việt Úc” (Vietnamese language maintenance in Australia: A perspective from cross-language Australian - Vietnamese families). Đây là một phần trong dự án lớn được trường Đại Học Victoria ở Melbourne tài trợ để nghiên cứu trong năm 2008. Kết quả các cuộc điều tra dân số trong nhiều năm qua cho thấy: tiếng Việt là một trong vài ngôn ngữ cộng đồng được bảo tồn tốt nhất tại Úc. Tỉ lệ những người Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh như ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình rất thấp; ở thế hệ thứ hai cũng thấp; thấp hơn hẳn các ngôn ngữ cộng đồng lớn khác ở Úc. Số lượng học sinh học tiếng Việt tại các trường ngôn ngữ sắc tộc ở Melbourne rất cao, chỉ đứng sau tiếng Hoa (gồm cả tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại). Nhưng đó là trong các gia đình Việt Nam. Còn trong các gia đình hôn nhân dị chủng giữa người Việt và người Úc thì sao? Ở đây cũng có điều cần ghi nhận: cộng đồng Việt Nam là cộng đồng ít lấy người nước ngoài nhất tại Úc: ở thế hệ thứ nhất, tỉ lệ người Việt có vợ hay chồng khác chủng tộc chỉ khoảng 8 hay 9 phần trăm; ở thế hệ thứ hai chỉ khoảng 14%. Vấn đề tôi đặt ra trong đề tài nghiên cứu của mình là: Con cái trong các gia đình hôn nhân dị chủng này có biết nói tiếng Việt hay không? Nếu có, tại sao? Và mức độ thông thạo đến đâu? Vai trò của cha mẹ trong việc duy trì tiếng Việt của con cái như thế nào? V.v… Để trả lời các câu hỏi ấy, tôi và các phụ tá nghiên cứu đã phỏng vấn 14 gia đình. Phỏng vấn bố. Phỏng vấn mẹ. Phỏng vấn con. Tư liệu thu nhặt được khá phong phú. Đủ để phân tích và đi đến một số phát hiện thú vị liên quan đến quan niệm của bố mẹ, người Việt và người Úc, về vấn đề song ngữ (bilingualism) và vấn đề bản sắc song văn hoá (bicultural identity).

Tôi giữ bí mật cũng không phải vì có âm mưu gì ghê gớm cần giấu giếm cả. Không. Ngoài việc tham dự hội nghị, nếu có chương trình gì khác, chắc chắn cũng chỉ quanh quẩn trong mấy việc quen thuộc: đi mua sách, đi bát phố, gặp gỡ và tán dóc với thân nhân và bạn bè. Vậy thôi. Tôi giữ bí mật chỉ vì dè dặt. Dè dặt chỉ vì một kinh nghiệm cay đắng đã từng xảy ra vào cuối năm 2005, lúc tôi dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam du khảo. Lần ấy, tôi cũng có visa. Vậy mà đến phi trường Tân Sơn Nhất vẫn bị từ chối nhập cảnh, cuối cùng, phải bay ngược về lại Úc, bỏ mặc đám sinh viên Úc ngơ ngác ở phi trường, không biết chuyện gì xảy ra với thầy của mình, và cũng không biết làm gì ở một đất nước, với phần lớn các em, hoàn toàn xa lạ. Lần ấy, không ai cho tôi biết lý do tại sao tôi bị cấm vào Việt Nam. Trong biên bản, phần lý do, công an cửa khẩu chỉ ghi mấy chữ: “Theo lệnh trên”. Trên là ai? Và lệnh ấy là gì? Không ai cho biết. Về lại Úc, trường đại học nơi tôi công tác, viết thư lên Toà Đại Sứ Việt Nam để hỏi, cũng chẳng có ai trả lời, bất chấp những quy tắc ngoại giao và xã giao tối thiếu.[1]

Chuyện xảy ra năm 2005 cũng có thể xảy ra bây giờ. Tôi biết vậy. Nhưng tôi vẫn muốn thử. Trước hết, tôi cho việc cấm tôi nhập cảnh vào Việt Nam năm 2005 chỉ là một quyết định vu vơ, chẳng có lý do gì chính đáng, và do đó, càng không có lý do gì để kéo dài cả. Vả lại, tôi cũng nhớ Việt Nam. Nhiều thân nhân tôi còn ở đó. Nhiều bạn bè tôi còn ở đó. Quá khứ với gần 30 năm đầu tiên trong đời của tôi ở đó. Tiếng Việt, cái ngôn ngữ gần gũi nhất của tôi, cái làm cho tôi-là-tôi, cũng chủ yếu ở đó. Trên các ngả đường. Trong các tiệm ăn. Ở mọi nơi. Hơn nữa, đó cũng là quê hương của tôi, điều mà tôi tin là không có ai có thể dành độc quyền hay trấn lột được.

Khi được chính thức mời tham dự cuộc hội nghị, tôi gửi đơn xin nhập cảnh. Cũng chẳng hy vọng gì lắm. Cũng là một cách “thử” thôi. Không ngờ, mấy ngày sau, tôi lại nhận được visa với chữ ký của tham tán Toà Đại Sứ Việt Nam tại Úc, bà Hồ T. Phương Thảo. Cẩn thận, tôi không kể với ai cả. Để khỏi làm “rách việc”, nói theo ngôn ngữ đang thông dụng trong nước. Nhưng trong lòng vẫn tự nhủ: chẳng có lý do gì để gặp trục trặc lần nữa. Bởi, tôi nghĩ, Toà Đại Sứ Việt Nam ở Úc thừa biết tôi là ai. Họ cũng thừa biết là tôi đã từng gặp trục trặc trong việc nhập cảnh lần trước. Chắc thế nào họ cũng “tham khảo” với Bộ Công An để tránh lặp lại cái điều đã từng xảy ra hồi cuối năm 2005.

Cuộc hội nghị chính thức diễn ra trong hai ngày 7 và 8 tháng Tư. Tối Thứ Hai, ngày 6, là buổi tiệc khoản đãi các diễn giả. Tôi muốn đến Hà Nội trước một ngày. Ngày ấy không có chuyến bay thẳng nào từ Melbourne đến Hà Nội. Nên tôi phải ghé lại Bangkok và phải mất thêm hai tiếng đồng hồ chờ đợi đổi chuyến bay, cộng thêm một tiếng rưỡi nữa để bay về Hà Nội. Tổng cộng là 12 tiếng. Mệt, nhưng nghĩ đến chuyện được gặp lại thân nhân và bạn bè, kể cũng vui.

Chiếc máy bay TC682 từ Bangkok hạ cánh xuống phi trường Nội Bài vào lúc 9:27 sáng Chủ Nhật 5/4. Phi trường quốc tế Nội Bài, với tôi, khá lạ. Lần đầu tiên tôi đến phi trường này là vào năm 1996, trên một chuyến bay từ Hong Kong. Sau đó, tôi về Việt Nam vài lần nữa, nhưng lần nào cũng ghé Sài Gòn trước, làm hết thủ tục nhập cảnh rồi mới bay ra Hà Nội, trên một chuyến bay nội địa. Bởi vậy, lần này, tôi thấy mọi sự đều mới mẻ. Từ cảnh đến người. Chỉ duy có một điểm chung nhất, ở tất cả các phi trường tại Việt Nam, từ quốc tế đến quốc nội: đó là gương mặt lạnh lùng, vô cảm của các nhân viên hải quan. Đặt chân đến các nước khác qua ngả hàng không, điều chúng ta bắt gặp đầu tiên có thể là một nụ cười. Ở Việt Nam thì không. Tuyệt đối không. Gương mặt nào cũng lạnh tanh. Ánh mắt nào cũng lạnh tanh. Không khí chung quanh lạnh tanh.

Nhân viên hải quan ở quầy tôi đến mang bảng tên Đặng Tiến Dũng với mã số 008-688. Còn trẻ. Nhưng vẫn lạnh tanh. Dũng săm soi tờ hộ chiếu của tôi rất lâu. Rồi nhìn trên computer. Lại lật tới lật lui tờ hộ chiếu. Lại chăm chú đọc gì đó trên màn ảnh computer. Tôi linh cảm có gì không ổn. Nhưng vẫn kiên nhẫn chờ đợi. 10, rồi 15 phút trôi qua. Các hành khách trên chuyến bay từ Bangkok đã đi gần hết. Sau đó, Dũng đi gọi một nhân viên hải quan khác, mang bảng tên Dương Văn Huấn đến. Huấn cũng lại nhìn trên màn ảnh computer. Sau đó, Huấn cầm tờ hộ chiếu của tôi đi ra và bảo tôi đi theo. Đến phòng Công An Cửa Khẩu Nội Bài, Huấn bảo tôi ngồi chờ trên dãy ghế ngoài cửa rồi vào trong. Bằn bặt. Ngồi buồn, tôi mở điện thoại di động ra gọi cho một số người thân. Là, tôi đang chờ ở phi trường Nội Bài. Cả nửa tiếng đồng hồ sau, mới có một người mặc thường phục - sau này tôi biết tên là Lê Thao, đại diện hãng Hàng Không Thái Lan tại Việt Nam - ra hỏi tôi có hành lý không. Tôi bảo có. Thao bảo tôi ra ngoài lấy hành lý. Có mấy công an đi sau. Lúc ấy quầy hành lý đã vắng lắm. Chỉ có hai cái va-li của tôi chạy lòng vòng. Thao và một viên công an khác đẩy hành lý của tôi, cả bọn vào lại văn phòng công an cửa khẩu. Vẫn đứng ở ngoài cửa. Thao rút điện thoại di động nói chuyện với ai đó. Bảo, thu xếp gấp một vé máy bay đi Bangkok cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn. Tôi vọt miệng hỏi: “Chuyện gì xảy ra cho việc nhập cảnh của tôi?” Thao đáp: “Em là đại diện của hãng Hàng Không Thái Lan. Em được công an cho biết là phải lo vé cho anh về lại Bangkok.” Tôi ngạc nhiên: “Nhưng tôi có visa vào Việt Nam mà?” Lúc ấy, một trong bốn, năm tên công an đứng chung quanh mới lên tiếng: “Nhưng nhà nước Việt Nam không hoan nghênh anh vào Việt Nam.” Tôi lặp lại câu nói vừa rồi: “Nhưng tôi đã được Toà Đại Sứ Việt Nam tại Úc cấp visa nhập cảnh vào Việt Nam rồi mà!” Viên công an ấy lại lặp lại câu nói vừa rồi: “Nhưng nhà nước không hoan nghênh việc nhập cảnh của anh.” Tôi ngạc nhiên thực sự: “Nếu vậy, tại sao Toà Đại Sứ Việt Nam ở Úc lại cấp giấy nhập cảnh cho tôi?” Viên công an ấy đáp: “Chuyện ấy thì anh về hỏi lại Toà Đại Sứ ở Úc.” Nói xong, viên công an ấy và mấy người khác kéo hành lý của tôi và giục tôi đi. Tôi hỏi: “Đi đâu?” Lê Thao dành đáp: “Anh lên máy bay về lại Bangkok. Chuyến bay đang chờ anh.” Tôi bảo đưa tôi xem giấy quyết định cấm tôi vào Việt Nam. Một viên công an chạy vào trong; một lát, chạy ra đưa tôi tờ biên bản đã ký sẵn, trừ chữ ký của “khách không đủ điều kiện nhập cảnh” - là tôi.[2]

Đọc tờ biên bản, tôi mới thấy những câu “nhà nước Việt Nam không hoan nghênh việc nhập cảnh của anh” là câu đã được in sẵn. Họ chỉ lặp lại. Như vẹt.

Tôi điện thoại cho người đại diện Ban tổ chức cuộc hội nghị, báo tin tôi không được nhập cảnh. Chị bảo sẽ liên lạc ngay với công an. Tôi gọi điện thoại cho gia đình và một số bạn bè. Cũng để thông báo cái điều tương tự. Các công an cửa khẩu đứng kiên nhẫn nghe tôi trò chuyện. Xong, Lê Thao bảo: “Chúng ta đi.” Tôi sực nhớ lại cảnh tôi bị trục xuất ở phi trường Tân Sơn Nhất vào chiều Thứ Bảy 19 tháng 11 năm 2005. Lần đó, tôi ở phi trường đến hơn 5 tiếng. Trời oi bức lạ thường. Tôi phải vào toilet mấy lần để đi tiểu hoặc rửa mặt. Lần nào cũng có một, hai tên công an đi theo. Tôi rửa mặt, họ đứng bên cạnh. Tôi đứng đái, họ cũng ở bên cạnh. Thực tình, tôi chẳng biết họ canh chừng điều gì. Nhưng tôi không hề muốn lặp lại cái cảnh mình đứng đái có người kè kè bên cạnh. Tôi đứng dậy, đi theo Lê Thao.

Đó cũng là chiếc máy bay mới chở tôi từ Bangkok sang. Vẫn những cô tiếp viên cũ. Có người nhận ra tôi ngay. Tôi mới ngồi xuống ghế, chiếc máy bay đã lăn cánh ra phi đạo. Lúc ấy là 10:45 phút sáng. Tính ra, tôi chỉ ở phi trường Nội Bài đúng một tiếng 15 phút. Lúc máy bay cất cánh, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Lần tới… là bao giờ!” của Trần Tiến Dũng. Bài thơ được viết sau ngày tôi bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 2005, đã được đăng trên Tiền Vệ. Tôi lẩm nhẩm đọc, một mình, bài thơ trong trí nhớ:

mưa và nước đái chảy qua thành phố ngây ngất ướt
tiếp tục đi dưới mưa tháng mười hai
ngóng dòng sông người và ngó xuống
con cặc của mình chờ tới giờ đi đái với sự áp tải của hai gã công an
mọi sắc óng ánh đều lạnh sau gáy
tiếp tục đọc thơ và đái
và cầm cặc nhịp nhịp từng giọt
mừng tưng tưng rơi ướt từ ống quần đến mõm giày
rơi dài dài và nhớ lại
một bệt phân mùa cúm chim rớt trúng đầu
cái màu đỏ hắt nước mưa đầy mặt
nhớ lại đi em
mọi người sống trơ trơ trong đô thị tháng mười hai
những cái đầu trống rỗng đến mát mẻ
chúng ta là bạn tù
một người nào đó núp dưới cửa sổ đã gọi tên em
nhớ lại đi em
một thằng gieo mình vào vòng tay tuyệt vọng
thằng đó tin rằng nách em thơm như ngày xưa
lông nách và mùi nách không bao giờ có tuổi
chúng ta ở tù chưa đủ lâu để viết những câu cuối cho bài thơ
chưa đủ lâu để có cái la bàn và tranh cãi và cá độ
cửa nhà tù ở hướng nào trong cơn mưa của đôi mắt?
Nguyễn Hưng Quốc
Lần tới... là bao giờ!
được phép thăm nuôi người cha mỏng manh và bạn tù văn nghệ
về hai con nhỏ chân dài
ngây ngất ướt dưới tháng mười hai Sài Gòn
chúng ta tiếp tục đọc thơ và cá độ
hai con nhỏ dâm hết biết đó
tìm đường Tự Do hay chìm giữa hố người Đồng Khởi.
(30/11/2005)

Lúc ấy, tôi chợt nhớ là, trong suốt hơn một tiếng đồng hồ ở phi trường quốc tế Nội Bài, tôi chưa kịp đái một phát nào cả.

Thật tức.

Thôi, hẹn dịp khác vậy.

Melbourne ngày 7.4.2009

Nguồn: Tienve.org

Cấm nhập cảnh lần 1 (link)

Ảnh: Nguyễn Hưng Quốc (thứ 3 từ phải sang)

_________________________

[1]Xem bài “Không được nhập cảnh vào Việt Nam!” đăng trên Tiền Vệ ngày 22.11.2005.

[2]Hai trang trên passport với hai lần visa bị huỷ: