Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

“Ma chiến hữu” ‒ Cộng đồng blogs lên tiếng và lệnh thu hồi sách

Nguyên Hân

Lần đầu tiên tôi được biết đến cuốn “Ma chiến hữu” là qua bức biếm họa của họa sĩ Babui đăng trên DCVOnline ngày 26 tháng Hai. Qua sự góp ý của bạn đọc, và cũng như các links đưa đến những blogs, nói về đề tài này mà tôi đã hiểu hơn về cuốn sách tuy chưa có dịp đọc đến. Trước hết, cần xác định là cuốn “Ma chiến hữu” không phải là tác phẩm vừa ra đời của nhà văn Trung Hoa Mạc Ngôn; Theo blogger Trang Hạ: “Thực chất, ‘Ma chiến hữu’ đã được Mạc Ngôn viết xong từ 17 năm trước và được NXB Văn Học xuất bản cách đây tròn một năm, nó chưa hẳn đã là ‛món quà cho kỷ niệm ba mươi năm Chiến tranh biên giới 1979’ như nhiều bạn đọc đồn đại.”

Theo nhà báo Lê Phú Khải, trong bài “Nhà xuất bản Văn Học muốn gì?” đăng trên blog “Lề Bên Trái” của nhà văn Đào Hiếu:

Cuốn sách “có tên là ‘Ma chiến hữu’, của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, được Trần Trung Hỷ dịch, Nguyễn Cừ chịu trách nhiệm xuất bản, Triệu Xuân và Mạc Nguyên biên tập, được nhà xuất bản Văn Học liên kết với công ty văn hóa Phương Nam xuất bản… Bìa trước có vẽ hình ba người lính Trung Quốc, bìa sau còn có hình nhiều tên xâm lược Trung Quốc… Dưới cùng còn có lời giới thiệu của những người làm sách: Một cách nghĩ khác về chiến tranh; Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng…”

Và nhà báo Lê Phú Khải kết luận bài viết của mình như sau:

“Cuộc chiến vượt biên giới, vào sâu đất liền giết hại đồng bào ta, đập phá nước ta năm 1979 của những tên xâm lược Trung Quốc được giải thích là một cuộc ‛đánh nhau’! Nghĩa là không có kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược. ‛Địch’ ở đây chính là Việt Nam, giết Việt Nam tức là giết địch (!) Thứ lý luận lưu manh truyền kiếp và tàn độc đó lại được ‛anh em ta’ ở nhà xuất bản Văn Học dịch ra in thành sách để đồng bào mình đọc(!)”

Theo blogger Nam Phong, thì “hôm 2 tháng Ba, tờ Tuần báo Việt Nam, thuộc báo VietNamNet, đăng bài của tác giả Vũ Hoàng Linh nói về cuốn sách này và những sai lầm trong xuất bản nhưng đã nhanh chóng bị gỡ xuống.” Chưa thấy, hay tối thiểu là người viết bài này chưa có dịp đọc những bài viết nói về cuốn sách này trên các báo của nhà nước Việt Nam. Nhưng đồng loạt ngay sau đó, đã có một số bài của nhiều tác gỉa trong nước viết về cuốn sách này và đăng trên các blogs cá nhân của họ. Đơn cử một vài ý kiến và quan điểm của những bloggers về vấn đề này như sau.

Blog Người Buôn Gió nhận định, “Không thể nói là họ vô tình để lọt những bài báo, tác phẩm như thế này. Nếu chúng ta được biết rằng những cây bút viết về chiến tranh Nam – Bắc trước 1975 ở Việt Nam hiện nay khó lòng mà xuất bản tác phẩm của họ.”

Và tác gỉa cũng bày tỏ quan điểm của mình

“Trước vong linh của các chiến sĩ Việt Nam đã ngã xuống bởi đạn của bọn Tiền Anh Hào (tên một nhân vật chính trong ‘Ma chiến hữu’, NH). Tôi nguyền rủa tên Trần Trung Hỷ dịch giả, tên Nguyễn Cừ chịu trách nhiệm xuất bản và những tên khốn nạn có liên quan đến việc cho ra cuốn sách này tại Việt Nam.

Chúng đã can tâm bán rẻ xương máu của người Việt Nam qua việc xuất bản cuốn sách này.”

Trong blog cá nhân của mình, tác gỉa Tuấn Khanh đã có bức thư ngỏ gởi cho
“Các ông Triệu Xuân và Ông Mạc Nguyên, biên tập; Ông Trần Trung Hỷ, dịch giả; Ông Nguyễn Cừ, chịu trách nhiệm xuất bản”, với tư cách của một người dân như tác gỉa trình bày đầu thư, tác gỉa Tuấn Khanh bày tỏ nỗi bức xúc của anh: “Các ngài đang là kẻ chỉ đường cho bọn xâm lược dồn đuổi dân tộc mình đến chỗ khốn cùng. Vì tôi, các ngài và cùng sống chung trên một mảnh đất thấm máu cha ông. Tôi muốn nói thẳng rằng: các ngài, kể cả những ai còn giấu mặt có tham vọng bịt mắt dân tộc này, tất cả các ngài, nếu có thể, thì cứ tự do bán đi tất cả thuộc về các ngài, nhưng hãy giữ lại lương tri của tổ tiên truyền lại, để cứu chuộc cho chính bản thân mình.”

Hình trái: Người tị nạn Việt Nam chạy trốn quân đội Trung Quốc đang tiến vào tỉnh Lạng Sơn nằm ở biên giới và có tính chiến lược. Vào ngày 5 tháng Ba, chỉ một ngày sau khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chiếm thành phố chính của Lạng Sơn, Bắc Kinh tuyên bố rút toàn bộ quân lực ra khỏi đó. Hình phải: Người dân Lạng Sơn qua sông Kỳ Cường bằng chiếc cầu tạm thời xây bằng phao, vì cầu chính đã bị đánh sập. Nguồn: Bettmann/Corbis
Một blogger khác, với tên Mr. Do viết trên blog của mình, “Tự do xuất bản, tự do ngôn luận, tự do báo chí là những điều chúng ta hướng tới. Trên tinh thần đó, tôi không thấy mình có lý do để chống việc phổ biến một cuốn tiểu thuyết ở Việt Nam.” Và blogger Mr. Do trình bày quan điểm của anh như sau:
“Nếu chống lại ‘Ma chiến hữu’, tôi sẽ tự đối lập với quan điểm bấy lâu nay của mình. Chống ‘Ma chiến hữu’ tức ủng hộ việc kiểm duyệt, cấm đoán, tôi sẽ nói sao khi mấy cuốn sách như “Quần đảo ngục tù”, “Trại súc vật”... bị cấm đoán ở Việt Nam? Sẽ nói sao khi những bộ phim bị cắt xén, khi những cuốn sách dịch bị chỉnh sửa? Sẽ nói sao về một thời bị đày đọa của Aleksandr Solzhenitsyn, Phùng Quán, Trần Dần...?”

Và Mr. Do kết luận, “Cấm một cuốn tiểu thuyết ra đời là hành động độc tài, chỉ xảy ra trong chế độ độc tài.”

Trong lúc đó blogger Nguyễn Xuân Diện lại đặt vấn đề về tinh thần nhất quán trong công tác quản lý xuất bản sách hiện nay. Tác gỉa cho rằng nó không công bằng khi tác phẩm “Rồng đá” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến bị cấm đoán ở Việt Nam cùng lúc với cuốn “Ma Chiến Hữu” được công khai cho phép xuất bản và phổ biến. Tác gỉa Nguyễn Xuân Diện bày tỏ:
“Với những lý do trên, đặt trong bối cảnh của chính trị và xã hội Việt Nam lúc này, và cũng đặt trong bối cảnh nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật (văn học, mỹ thuật, sân khấu...) viết về cuộc chiến tranh Việt – Trung tháng 2 năm 1979 đã và đang bị cấm đoán hiện nay (như Rồng đá của Vũ Ngọc Tiến chẳng hạn) thì việc để cho xuất bản và lưu hành tác phẩm này là không nên. Vì thế, theo tôi, đã thu hồi Rồng đá thì nên thu hồi cuốn ‘Ma chiến hữu’, hoặc cho phép lưu hành trở lại Rồng đá để biểu thị tinh thần nhất quán trong công tác quản lý hiện nay.”

Theo tác gỉa Trần Thái Du qua bài viết của ông đăng trên BBCVietnamese, tác gỉa cho hay ông đã đọc cuốn sách này “rất bình tĩnh”. Đây là một cuốn sách nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung qua cái nhìn của một nhà văn Trung Quốc. Cũng tương tự như cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh mô tả lại một phần cuộc chiến Việt Nam qua cặp mắt của chính tác giả, là một nhà văn Việt Nam và cuốn tiểu thuyết này sau đó đã được dịch và xuất bản tại Hoa Kỳ. Như thế, “tự thân chuyện dịch, xuất bản và đọc cuốn sách này ở Việt Nam thực ra không có vấn đề gì cả.”

Nhưng tác gỉa nhấn mạnh:
“Nhưng nó chỉ là bình thường với một điều kiện: đó là sách vở, báo chí Việt Nam được tự do bàn luận tới chiến tranh biên giới, được tri ân những liệt sĩ hy sinh, được bình luận, phê phán những góc độ khác nhau của chiến tranh... Nếu điều kiện đó không được đáp ứng thì việc xuất bản cuốn sách này lại là một việc rất bất thường và phản cảm.”

Hình trái: Trọng pháo Việt Nam nã vào quân Trung Quốc đang tiến về Việt Nam vào ngày 23 tháng Hai năm 1979, sáu ngày sau khi Trung Quốc tấn công biển người qua biên giới Việt Nam. Hình phải: Lãnh đạo Trung Hoa Cộng sản Đặng Tiểu Bình tuyên bố muốn “dạy cho Việt Nam Cộng sản ăn cháo đá bát một bài học” sau khi Việt Nam Cộng sản tấn công sâu vào Cam-bốt Cộng sản, một đồng minh của Trung Hoa Cộng sản. Ông Đặng Tiểu Bình nói rằng Cộng sản Hà Nội đã nhận viện trợ của Trung Cộng trong hai trận chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng quay về phe với Mạc Tư Khoa, là kẻ thù “chủ nghĩa xét lại” của Bắc Kinh. Nguồn: Bettmann/Corbis
Điều bất thường và phản cảm này đã xảy ra, khi nhân kỷ niệm 30 năm cuộc chiến Việt Trung xảy ra, nhà báo Huy Đức đã viết bài “Biên giới tháng Hai” đi trên báo Sài Gòn Tiếp thị hôm giữa tháng Hai, nhưng chỉ trong ngày, thậm chí chỉ vài giờ sau đã bị gỡ xuống. Nhưng, bài báo này đã được các độc gỉa quan tâm đăng lên lại trên các blog cá nhân của mình và được luân lưu trên mạng cả trong lẫn ngoài nước.

Theo nhà báo Huy Đức, “Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ.” Thế nhưng, thái độ im lặng, gỉa ngu gỉa điếc để mong có ngày “cứt trâu hoá bùn” không là một thái độ khép lại có lý có tình. Tối thiểu, nó không có tình với những người lính đã từng cầm súng, chiến đấu bảo vệ tổ quốc và đã hy sinh xương máu của họ trong trận chiến đó, và nó bạc nghĩa với người dân Việt Nam cũng đã qua đời trong tháng ngày máu lửa đó.

Cái sự “khép lại qúa khứ” như nhà báo Huy Đức đã viết trong bài ký của ông,
“Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.”

Vâng, cái giếng đó bây giờ có lẽ đã khô, nơi 43 xác người phụ nữ và trẻ con Việt Nam bị chặt từng khúc bằng búa bằng dao và ném xuống đó, nhưng lòng người Việt Nam chưa phải đến nỗi khô cạn cái nghĩa đồng bào dành cho những nạn nhân qúa cố như nhà nước cộng sản Việt Nam muốn người dân “khép lại qúa khứ” một cách xót xa và tàn nhẫn như thế, như những cành tre che lấp lối đi và miệng giếng. Vô tâm, bạc bẽo!

“Ma chiến hữu” qua nét cọ của họa sĩ Babui. Nguồn: DCVOnline
Vừa rồi, có dịp đi công tác ở nhiều nơi trên cả hai miền, người viết đã cố tâm đi tìm mua cuốn sách này để đọc, nhưng những tiệm sách lớn mà tôi đã có dịp đến - ở Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn - đều không có bán. Khi được hỏi đến cuốn “Ma chiến hữu” của Mạc Ngôn, câu trả lời rất hững hờ: “Đây không có cuốn đó. Nhưng có những cuốn khác của Mạc Ngôn.” Chỉ ở nhà sách Phahasa ở Sài Gòn, khi xin được gặp người quản lý nhà sách để hỏi trực tiếp, thì được trả lời, “Nhà xuất bản thấy không có lời, nên họ đã rút lại.”

Nhưng một việc có thật: cuốn sách đã bị thu hồi ngay sau khi phát hành.

Lý do nào làm người ta thu hồi lại cuốn sách này, và ai có thẩm quyền thu hồi lại cuốn sách này khi nó đã được phân phối đến các nhà sách, thì khó mà có được câu trả lời cho thỏa đáng. Nhưng điều ghi nhận được, là sự thu hồi này tuồng như xảy ra sau một loạt bài phản đối đăng trên những blogs cá nhân trong và ngoài nước. Như đã trình bày trước đây, người viết bài này chưa có dịp đọc được bài viết nào nói về cuốn sách này trên báo chí nhà nước, nên cho rằng sự thu hồi sách vì độc gỉa trong nước (theo tác gỉa Tuấn Khanh gọi là cộng đồng đọc) phản đối thì khó đứng vững, vì thực tế khó có một sự bày tỏ trung thực của độc gỉa về cuốn sách này mà được báo chí nhà nước cho đăng tải trên báo của họ. Vậy thì, có thể nào chăng cuốn sách được thu hồi là do những phản đối của “cư dân mạng và cộng đồng blogs”?

Nếu qủa thật như thế thì đây là một niềm vui. Vì nhà nước cộng sản Việt Nam hiện giờ vẫn chưa “truy kích đến tận hang ổ của những blogs phản động này”, hay tối thiểu là còn nương tay? Blogs vẫn là một diễn đàn – tuy ảo – cho những người quan tâm đến những vấn đề của đất nước bày tỏ quan điểm và chia sẻ cùng nhau.

Đã ba mươi năm từ ngày chiến tranh biên giới Việt-Trung bùng nổ, giờ đây nhìn lại qúa khứ, mỗi người có những cái nhìn rất riêng biệt của mình, dựa vào kinh nghiệm của chính họ. Rất có thể có nhiều điều người ta không đồng ý với nhau, nhưng như tác gỉa Trần Thái Du bày tỏ ý kiến của anh, “đó là sách vở, báo chí Việt Nam (cần) được tự do bàn luận tới chiến tranh biên giới, được tri ân những liệt sĩ hy sinh, được bình luận, phê phán những góc độ khác nhau của chiến tranh.”

Hình trái: Đi vào cõi chết. Hình chụp dân quân Trung Quốc với băng-ca bằng tre đang tập hợp đội hình chuẩn bị yểm trợ cho lính Trung Quốc trên trận địa. Theo tác gỉa Mạc Ngôn, đây là những con em nhà nghèo, ít học, bị “hốt” và đưa ra mặt trận mà chẳng biết “mình đi đâu, về đâu?”, nhưng theo blogger Hoàng Linh, thì “đối với đất nước và người dân Việt Nam, lính Tàu năm 1979 (trong đó có Hứu Thế Hữu), hẳn nhiên là địch, là kẻ xâm lược”. Hình phải: Tù binh Trung Quốc bị bắt hôm 26 tháng Hai năm 1979. Kinh nghiệm chiến trường dày dặn của quân đội Việt Nam dạo đó thừa bản lãnh ngăn chận những cuộc tấn công biển người cổ lỗ sĩ của Trung Cộng, là một chiến thuật được dùng ba thập kỉ trước ở chiến tranh Triều Tiên. Nguồn: Zentralbild/AFP/Getty Images
Và câu hỏi kế tiếp, là cơ quan nào đã ra lệnh thu hồi lại cuốn sách này? Có thể là quyết định đơn phương của nhà xuất bản Văn Học, hay của công ty phát hành sách Phương Nam. Điều này thiết tưởng cũng không có tính thuyết phục lắm, ngoại trừ họ bị áp lực từ phía nhà nước, bởi cơ chế thị trường hiện nay ở trong nước. Nếu Bộ Giáo dục đã từng toa rập để in sách giáo khoa cho học sinh hằng năm, và bắt buộc học sinh phải mua, con buôn chữ nghĩa thời đại đồ đểu này đã thu lời hằng chục triệu đô-la mỗi lần in để chia nhau, thì chuyện in cuốn sách Mạc Ngôn trong bối cảnh kỷ niệm ba mươi năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung để hốt tiền cũng là chuyện rất có thể. Đã in, đã phân phối đến các nhà sách, thì chuyện thu hồi lại nếu là quyết định của nhà xuất bản, ắt hẳn phải chịu một áp lực nặng nề nào đó từ các cơ quan tuyên giáo hay của Cục Báo chí của Bộ Công an.

Và nếu - (lại nếu!) - như lệnh thu hồi từ phía nhà nước, thì nó xác nhận một điều là Cục Báo Chí, thuộc Bộ Công An vẫn rà soát sít sao thế giới ảo – mà rất thật – của cộng đồng mạng và phản ứng kịp thời. Thu hồi sách như gáo nước lạnh tạt lên cục than hồng đang bừng bừng bốc lữa. Và thế là hết, “Ma chiến hữu” giờ đã qua chuyến đò chiều, là một … chuyện Diễm xưa! Đúng như nhà báo Huy Đức đã viết: “Khi ngồi viết blog, tôi vẫn nhìn thấy anh Thế Tuyển (Đại tá Trần Thế Tuyển, Phó cục trưởng Cục Báo Chí, đại diện A25 Bộ Công an) và các anh A.25. Vì vậy tôi viết rất cẩn thận!”. Và các anh A.25 đã ... chữa lửa kịp thời!

Nhận xét chung là đa số các bloggers trình bày quan điểm và nỗi quan tâm của mình về cuốn “Ma Chiến hữu” này nói riêng và chia sẻ về vấn đề chung của đất nước một cách thẳng thắn và can đảm, cho dẫu đối với nhiều bloggers trong nước, họ biết khi họ ngồi gõ phím, “các ông công an cục A.25 cũng cùng lúc đang ngồi thù lù trước mặt.”

Cư dân mạng và cộng đồng blogger Việt Nam – qua sự cố “Ma chiến hữu” này – đã chứng tỏ một sự đóng góp tích cực của họ trong tự do ngôn luận, và đòi hỏi một cách ôn hòa, rằng tự do thông tin cần phải được bày tỏ trung thực và tự do hơn. Rõ ràng, các bloggers trong nước đang đóng một vài trò rất gía trị cho thông tin, trong cái bối cảnh báo chí trong nước đang bị “lùa đi theo lề bên phải” như hiện nay, và nhà nước đã phải lắng nghe, tuy không chịu thừa nhận.

Long An, 12 tháng Ba 2009

© DCVOnline



Nguồn:

(1)
“Sự khốn nạn trong nền văn hoá Việt Nam hiện nay”. Blog Người Buôn Gío
(2)
“Hãy cứ bán đi tất cả phần mình, nhưng xin giữ lại lương tri”. Blog Tuấn Khanh
(3)
“Ý kiến của tôi về Ma chiến hữu”. Blog Nguyễn Xuân Diện
(4)
”Ma chiến hữu, con ma nào ở đây?”. Blog Mr. Do
(5)
“Nhà xuất bản Văn Học muốn gì?”. Bài của tác gỉa Lê Phú Khải, đăng trên Blog Lề Bên Trái của Đào Hiếu
(6)
“Biên giới tháng Hai”. Tác gỉa Huy Đức, đăng trên Blog Osin
(7)
“Anh Hùng”. Blog Hoàng Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét