Ngô Nhân Dụng
Gần đây ở nước ta có rất nhiều người dân chết trong đồn công an. Từ giữa năm 2007 đến nay hơn 20 người đã chết sau khi bị công an bắt giữ; nhiều người được nói là đã tự hủy mình. Khắp thế giới, chính quyền nào cũng phải chịu trách nhiệm về nơi mình giam người. Sơ ý để một người tự tử trong phòng giam là những cơ quan giam giữ bị khiển trách và trừng phạt. Không biết ở Việt Nam hiện nay có theo tục lệ văn minh đó hay không.
Tháng 3 năm nay là một tháng xấu; không chỉ vì lạm phát mà còn vì công an. Trong một tháng 3 năm 2011, ba người Việt Nam bị công an đánh tới chết hoặc “treo cổ tự tử” trong đồn công an. Bắt đầu là ngày 6 tháng 3, ông Nguyễn Lập Phương 46 tuổi tắt thở sau khi bị công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) giam giữ 4 ngày vì tình nghi ông ăn trộm cau ở Khu Công Nghiệp Shinec. Ngày 8 tháng 3, ông Trịnh Xuân Tùng, 54 tuổi, đã chết sau khi bị một trung tá công an dùng gậy đánh gẫy cổ, sau khi ông bị bắt ở bến xe Giáp Bát, Hà Nội, trước đó 8 ngày. Ngày 14 tháng 3 năm 2011, ông Ðặng Ngọc Trung, 48 tuổi, xô xát với một phụ nữ trước quan Karaoke ở thị xã Ðồng Xoài (Bình Phước), ông bị bắt, rồi sáng hôm sau thấy chết ở trụ sở công an; họ nói ông Trung tự tử.
Hai nạn nhân đầu tiên đều bị công an đánh đập, trước và trong khi bị giam giữ. Khẩu hiệu của công an Việt Nam là “Ðảng Còn thì Mình Còn.” Nhưng không có dấu hiệu nào chứng tỏ ba nạn nhân trên từng có ý định chống đối nhà nước. Chắc chắn họ không bao giờ tính lật đổ độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nghĩa là việc đánh những người này đến chết không hề có lý do chính trị, công an không giết họ vì cần bảo vệ chính quyền “chuyên chế vô sản.” Các hành động sát nhân đó xẩy ra hoàn toàn trong những nghiệp vụ bình thường của các vị “công an nhân dân.” Chính cái vẻ bình thường đó mới thật là điều đáng kinh ngạc. Và đáng lo ngại.
Anh Nguyễn Lập Phương bị bắt ngày 2 tháng 3 năm 2011, 4 ngày sau, công an nói, họ thấy anh “có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên cho đi cấp cứu, lên viện thì chết.”Trong đêm mùng 1 tháng 3, bị bắt giữ tại Khu Công Nghiệp Shinec, anh Nguyễn Lập Phương đã bị những người “bảo vệ” của xí nghiệp này đánh.” Sáng hôm sau, họ đưa anh tới công an xã Thiên. Vì trên người anh Phương có nhiều vết bầm tím, nên công an xã đã đưa anh đến bệnh viện huyện Thủy Nguyên. Các bác sĩ ở đó chứng nhận anh Phương đã “bị chấn thương phần mềm ở mặt, chân tay, đầu gối, sườn sưng tím, không kêu đau bụng, đau đầu hoặc ngực, trạng thái tỉnh táo.” Ngày 6 tháng 3 năm 2011 anh lại được công an huyện đưa vào bệnh vào buổi chiều. Nửa giờ sau, công an xã nhận được tin anh Phương đã tử vong và đã đến báo cho gia đình biết. Anh Nguyễn Trung Trực, em trai nạn nhân cùng người nhà có mặt tại nhà xác bệnh viện Thủy Nguyên, chứng kiến thi thể anh Phương có nhiều vết bầm tím trên 2 tay, dọc hai bên sườn, chân, cằm và ngực bầm tím, hai mi mắt và hai bên tai có vết rách. Các bác sĩ cho biết: “Bệnh nhân Nguyễn Lập Phương được công an huyện đưa vào bệnh viện lúc 15 giờ 30 phút ngày 6 tháng 3 trong tình trạng đã ngưng thở.”
Theo lời thân nhân của Nguyễn Lập Phương thì lối giải thích ông bị tử vong “do suy tim” là vô lý. Họ cả quyết “từ trước đến nay, anh này không hề có bệnh gì.” Ông Hoàng Phú Giảng, phó trưởng công an xã Thiên Hương cũng khẳng định: “Trong thời gian từ sáng đến chiều ngày 2 tháng 3, tại trụ sở công an xã, anh Phương hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh tật, trừ việc kêu đau ở tay vì bị đánh. Buổi trưa, anh này còn ăn được hai bát cơm đầy do công an xã đem cho.” Nguyễn Lập Phương cao khoảng 1m70, nặng 65 ký, khi làm việc trong tổ bốc vác, anh được các đồng sự coi là người khỏe nhất. Do đó, cái chết của anh chắc vì bị đánh đập trong lúc ở đồn công an huyện.
Sau khi anh Phương qua đời 2 ngày, đến lượt ông Trịnh Xuân Tùng chết, sau khi bị công anh cùng với một nhóm dân phòng đánh đập ở bến xe Giáp Bát, Hà Nội từ 8 ngày trước. Ông Tùng đã bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh dùng gậy đánh vào cổ.
Theo lời tường thuật của thân nhân thì trưa ngày 28 tháng 2, 2011, ông Tùng thuê xe ôm đi đến bến xe Giáp Bát đón xe lên đường vào Nam. Khi gần tới bến xe, ông xin người lái xe ôm dừng lại, ông cởi mũ an toàn ra để gọi điện thoại cho một người bạn. Trung Tá Nguyễn Văn Ninh (Công an phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai) thấy ông Tùng không đội mũ an toàn bèn đòi phạt người lái xe, bắt xe, đưa về phường Thịnh Liệt và hẹn chiều sẽ giải quyết. Khi hai người trở lại để “giải quyết,” anh lái xe không chịu nhận lỗi. Hai bên cãi nhau, Trung Tá Ninh đã túm cổ người lái xe, cho nên ông Tùng can ngăn, gỡ tay ông ta ra khỏi cổ người lái xe ôm; từ đó đưa tới giằng co. Sau đó viên trung tá công an đòi 150 ngàn đồng tiền phạt (khoảng 10 đô la Mỹ), nhưng ông Tùng chỉ chịu nộp 100 ngàn đồng thôi. Cuộc mặc cả đưa tới cãi cọ, xô xát; ba cán bộ về trật tự trong bến xe cũng tới đánh ông Tùng. Trung Tá Ninh đã dùng gậy đánh vào đầu và cổ ông Tùng, xích ông vào gốc cây, rồi giải về phường với lý do đã chống người thi hành công vụ.
Năm giờ chiều, gia đình ông Tùng tới trụ sở công an phường Thịnh Liệt thăm, thấy ông quá yếu, đã bị liệt nửa người, nên xin cho đưa ông đi bệnh viện, nhưng bị từ chối. Công an nói họ “không có thời gian để giải quyết vụ việc này.” Ông Trịnh Xuân Tùng tiếp tục bị còng, cho tới 9 giờ 30 tối mới được cho đi tới bệnh viện Bạch Mai, hai tay vẫn bị còng. Vì tình trạng nguy kịch, ông Tùng được đưa tới bệnh viện Việt Ðức. Ông đã qua đời ngày 8 tháng 3, 2011, mười ngày sau khi bị đánh vào đầu và cổ.
Cuối cùng người Việt Nam nào cũng phải tự hỏi: Có cách nào cho những vụ đánh chết người đó không tái diễn nữa? Ðể trả lời câu hỏi này,chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao những người gác Khu Công Nghiệp Shinec và công an huyện Thủy Nguyên lại đánh chết ông Nguyễn Lập Phương chỉ vì trộm mấy buồng cau? Vì đâu Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh lại đánh ông Trịnh Xuân Tùng đến nỗi chết chỉ vì nghi đã đi xe gắn máy không đội mũ an toàn? Người Việt Nam nào cũng phải tìm hiểu căn nguyên những cái chết này.
Không nên giải thích rằng lý do chính là tính tình các ông công an này nóng nẩy, cục cằn. Ðổ tội cho tính vũ phu, tàn ác của những cá nhân thì không chấp nhận được. Có người sẽ chua chát nói rằng mạng sống dân ta rẻ lắm, ai cũng giết người khác dễ dàng chỉ vì những vụ cãi nhau, đánh nhau. Nhưng đây không phải là chuyện giết nhau giữa những người dân thường. Nhũng vụ đánh chết người này xẩy ra trong mối quan hệ giữa các nhân viên công lực đang làm việc với một người dân (mà các vị công bộc này có nhiệm vụ bảo vệ). Chắc chắn đây không phải là những tranh chấp riêng tư.
Cuối cùng, chúng ta phải vượt trên phạm vi cá nhân mà đi tìm đến “lỗi hệ thống!” Ðó một từ thông dụng bây giờ, từ khi được ông Nguyễn Văn An nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và lại được cô Song Chi ghi nhớ. Nhìn tới cả hệ thống, ta cần hiểu vì sao có các vị công an lại ra tay đánh chết người dân chỉ vì những cái lỗi nhỏ nhoi như cái mũ an toàn, giờ quen gọi là mũ bảo hiểm; hoặc vì một vụ trộm cau.
Rất nhiều người sẽ lên án cả chế độ chính trị đã tạo ra những người công an như ông Nguyễn Văn Ninh và các ông ở Thủy Nguyên. Nhưng chế độ chính trị đó như thế nào, nó làm cái gì mà gây ra những vụ đánh chết người này?
Chắc chắn không một hệ thống chính trị nào lại cho phép cảnh sát, công an đánh chết người chỉ vì phạm luật đi đường hay đi ăn trộm vặt. Không có đạo luật giao thông nào nói rằng nếu người dân cãi lời, đôi co to tiếng với cảnh sát, hoặc dám mặc cả giá tiền phạt với công an, thì nhân viên công lực được quyền đánh cho hắn gẫy cổ, chết bỏ. Tàn bạo như chế độ của các ông Hitler, Stalin hay các ông Mao Trạch Ðông chắc cũng không thiết lập những định chế cho phép công an giết dân dễ dàng như vậy.
Thế thì cái gì trong hệ thống chính trị ở nước ta đã đưa tới những vụ công an giết dân?
Như ai đã nghe chuyện đều biết, Trung Tá Nguyễn Văn Ninh đã gây ra cái chết của ông Tùng khi đang thi hành quyền của một người cảnh sát. Ông có trách nhiệm bảo đảm rằng luật lệ về giao thông được dân chúng tuân thủ. Công an Thủy Nguyên gây ra cái chết của ông Phương trong khi thi hành quyền giam giữ một người, để bảo vệ tài sản của các công dân khác. Những người công an trên biết rằng họ đang thi hành quyền bắt người, do nhà nước giao cho; họ là những người được ủy nhiệm. Họ tin rằng nhà nước mà họ đại diện đã được xã hội ủy nhiệm các quyền đó, để bảo vệ trật tự, an ninh. Các ông công an đã giết người khi nhân danh cả chuỗi những sự ủy nhiệm này. Tất cả các xã hội loài người đều ủy nhiệm những quyền bảo vệ an ninh, trật tự cho nhà nước.
Tất cả các guồng máy nhà nước đều ủy nhiệm cho cảnh sát công an làm những công việc bắt người vi phạm luật để đưa ra tòa án. Ở Việt Nam cũng như ở Bắc Phi. Ngày 17 tháng 12, tại nước Tunisia một sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc làm, anh Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, bị một chị công an 45 tuổi tát tai, bắt về bóp, sau khi cãi nhau về tội anh đẩy xe bán rau không giấy phép. Ngày 4 tháng 1, 2011, anh Bouazizi chịu nhục nhà không nổi, đổ xăng tự thiêu. Ngày 6 tháng 6 năm 2010, tại Ai Cập, anh Khaled Said, 28 tuổi, bị công an đánh chết. Hai cái chết đó đưa tới những cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài ở hai quốc gia này, rồi lan ra các nước Á Rập khác.
Tại sao ở các nước văn minh chúng ta không thấy cảnh công an giết chết người một cách dễ dàng như ở Tunisia, Ai Cập, và ở nước ta? Chúng ta cần suy nghĩ đến vấn đề Quyền và sử dụng Quyền trong xã hội.
Bao nhiêu người dân Hà Nội đã tới dự đám tang của ông Trịnh Xuân Tùng dù không quen biết. Trong lòng nhiều người chắc cũng phải suy nghĩ về những câu hỏi này: Người dân ủy nhiệm cho nhà nước những quyền nào? Những quyền hành đó có giới hạn hay không? Có định chế nào bảo đảm rằng những giới hạn này được tôn trọng hay không? Tất cả những câu hỏi đó là để trả lời tại sao anh Tùng bị đánh chết. Người dân Hà Nội đã có ai đưa các câu hỏi trên ra thảo luận trước công chúng, trên các mạng lưới hay chưa?
Một bài thơ của Quang Dũng viết về Người Hà Nội kết thúc với hai câu thơ:
“Hàng Gai tay bỏng trục ba càng.
Ðất cũ Thăng Long người lẫm liệt.”
Con người Thăng Long lẫm liệt, không phải chỉ vì biết ôm súng chống ngoại xâm. Con người lẫm liệt phải đặt ra những câu hỏi căn bản về cuộc sống của xã hội mình: Tại sao chúng tôi phải sống mãi như thế này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét