Tôi làm điều này bởi vì nếu tôi sinh ra ở Việt Nam thì chắc là tôi cũng phải vào ngồi tù như họ.
Hôm nọ tôi có dịp lên New York để gặp tổ chức Human Rights Watch mà tôi xin tạm dịch là ‘Theo Dõi Nhân Quyền’. Đây là một trong những tổ chức hàng đầu thế giới luôn đứng ra bênh vực và bảo vệ quyền làm người của tất cả những ai đang bị các thế lực, chế độ độc tài lên án, chà đạp. Và vì vậy ‘chuyện thường tình thế thôi’, họ cũng bị các chế độ này lên án ngược trở lại. Như Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam thường làm chẳng hạn!
Nhưng có đến đây bạn mới thấy sự hết lòng, quyết tâm của các bạn trẻ đang làm việc ở nơi này, đang có cùng một lý tưởng chung, mong xây dựng một thế giới ngày càng được công bằng, dân chủ hơn.
Họ đến từ khắp năm châu. Tôi gặp hai đứa bạn cũng là luật sư ở Úc sang làm việc cho Human Rights Watch ở New York đã được vài năm. Nhưng bước qua từng hàng, từng lớp, bàn, ghế, phòng ốc cái này liền cái khác, cũng có phải trên 100 căn phòng lớn nhỏ nằm trên 4 tầng lầu khác nhau trong tòa nhà nổi tiếng Empire State Building ở ngay khu downtown của Manhattan, đến lúc ấy tôi mới thấy sự đa dạng và phong phú của những tổ chức nhân quyền nổi tiếng trên thế giới như Human Rights Watch.
Không như nhiều người lầm tưởng, họ không phải chỉ đến từ nước Mỹ. Và không phải ai cũng là người da trắng muốn ‘dạy bảo’ cho những nước nhược tiểu biết thế nào là văn hóa, khi nào cần văn minh.
Phần lớn họ đều ở vào khoảng thế hệ của tôi (được cho là thế hệ X sinh ra trong thập niên 70) hoặc trẻ hơn là thế hệ Y (sinh ra trong thập niên 80). Vì vậy có một điều gì đó rất thân mật, rất gần gũi khi tôi gặp các bạn trong tổ chức này. Đã thế tôi lại còn được cho biết thêm một điều nữa đó là vì Human Rights Watch luôn theo dõi, quan sát tất cả những sự vi phạm trên thế giới nên vì vậy những người mà tổ chức này tuyển vào phần lớn cũng đều là… những người ngoại quốc. Gốc Úc, Anh, Trung Quốc, Phi Châu, v.v… tất tần tật, tôi thấy đủ màu.
Thế mới thích.
Và càng thích hơn khi tôi vừa ngồi xuống chưa kịp nói gì thì cô bạn của tôi đã đưa cho tôi xem ngay hai quyển sách vừa được in ra rất đẹp, rất ấn tượng. Vì cái thứ nhất nói về tình trạng của những người tù, những người bị bắt đi cai nghiện luôn tiện bị bắt đi làm lao động khổ sai ở Việt Nam. Và cái thứ hai với hình bìa là hình ảnh hiên ngang của Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ tay bị còng nhưng mắt vẫn sáng ngời, đứng trước cổng tòa án nhưng mặt vẫn hiên ngang không hề sợ hãi.
Trong tiếng Anh có câu: a picture is worth a thousand words. Một bức hình đáng giá hơn ngàn lời nói. Nếu phải phục, tôi phục nhất là người đã góp ý cho anh Vũ và tìm cho anh có được bộ đồ vest để mặc và cà vạt để mang trước ngày ra tòa.
Cũng có thể người đó là vợ anh cũng không chừng.
Sau một lúc nói chuyện, hàn huyên tâm sự tôi cũng nghiệm thêm được một điều nữa đó là có rất nhiều người trên thế giới thật sự quan tâm đến tình trạng nhân quyền đang bị chà đạp ở Việt Nam. Mặc dù họ không phải là người Việt Nam và cũng chẳng có liên quan gì đến đất nước này ngoại trừ sự đồng cảm mà họ dành cho những người tù lương tâm vì bức xúc, vì lòng tự trọng, buộc phải lên tiếng.
Như lời cô bạn của tôi chia xẻ hôm ấy: I do this because if I were born in Vietnam, chances are I would end up in prison just like them. Tôi làm điều này bởi vì nếu tôi sinh ra ở Việt Nam thì chắc là tôi cũng phải vào ngồi tù như họ.
Mà không phải chỉ có Human Rights Watch thôi không đâu các bạn ạ. Có rất nhiều những tổ chức khác trên khắp năm châu đang cùng nhau cố gắng giúp cho những tiếng nói đối kháng, những hành động can đảm có thêm nghị lực, tiền bạc để tranh đấu cho sự sống còn của chính nghĩa. Để chúng ta không còn phải thấy cảnh cậy lực hiếp người, chỉ biết dùng súng đạn, dùi cui, sự sợ hãi để dọa nạt, hà hiếp, bắt bớ tất cả những ai dám nói lên một tiếng nói khác.
Như tiếng nói của nhà tài phiệt nhưng cũng là người luôn ủng hộ những giá trị dân chủ trong suốt hơn 30 năm qua trên khắp thế giới đó là ông George Soros. Chính ông là người, thông qua tổ chức Open Society Institute do ông sáng lập, đã tuyên bố cách đây đúng một năm là ông sẽ tặng tất cả 100 triệu đô cho Human Rights Watch trong những năm tới.
Vâng. 100 triệu đô. Chứ không phải đồng nhé các bạn!
Xem ra thì đây quả là một tiếng nói có… khá nhiều trọng lượng phải không các bạn? Nếu có dịp tôi sẽ cho các bạn biết thêm về nhân vật này. Hoặc các bạn có thể tự lên google và wikipedia để tìm hiểu thêm.
Là người gốc Do Thái sinh ra vào năm 1930 ở Hungary, khi ông vừa lớn lên thì đó cũng là lúc nước Hungary bị Đức Quốc Xã thôn tính, những người có gốc Do Thái bị truy lùng, hãm hại. Họ đã không có tiếng nói ngay trên đất nước của họ. Có lẽ vì vậy mà sau này khi đã thành công trên thị trường chứng khoán, ông là một trong những nhà tài phiệt hiếm hoi luôn có chủ tâm muốn giúp đỡ cho tất cả các xã hội được dân chủ hơn. Vì chỉ khi ấy thì mọi tiếng nói của mọi thành phần, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, thiểu số hay đa số, tất cả đều mới được đối xử y như nhau.
Con số 100 triệu mà ông dành tặng riêng cho Human Rights Watch rõ ràng không phải là một con số nhỏ. Nhưng nếu các bạn biết rằng mỗi năm cơ quan Open Society Institute của ông chi ra khoảng trên dưới 600 triệu để giúp đỡ trên 60 quốc gia thì các bạn mới thấy được nỗ lực và sự quyết tâm của chính ông. Cũng như của những người có cùng chung một lý tưởng như ông.
Tôi mong là trong một ngày gần đây tôi sẽ có dịp gặp được ông. Để tôi có thể nói rõ cho ông biết những gì đang xảy ra ngay trên đất nước tôi. Đối với những người bạn của tôi. Để tất cả chúng ta có thể cùng nhau tranh đấu cho một đất nước Việt Nam thật sự có được tự do, người dân thật sự được làm chủ. Chứ không phải là cái Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ thích tự biên, tự diễn từ Bắc vào Nam suốt trên ba thập niên qua.
Tôi tin tưởng rất mãnh liệt là trong một ngày không xa, chúng ta, chính nghĩa, sự sáng suốt của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thắng. Vì như tôi nói với cô bạn của tôi trước lúc chia tay: We are younger than them. So they will definitely die before us!
Khỏi dịch câu này, bạn hỉ?
Trịnh Hội (VOA Blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét