Nhã Nam
Liên tiếp hai ngày cuối năm 2011 (17/12 và 18/12), thế giới chứng kiến hai cái chết của hai nhân vật chính trị nổi tiếng, đó là cựu tổng thống Vaclav Havel của Tiệp Khắc và Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) đương kim lãnh tụ Bắc Hàn. Theo dõi truyền thông quốc tế và các diễn đàn trên mạng của người Việt, ta thấy hai thái cực cảm xúc khi đón nhận tin tức về hai cái chết này.
Sự ra đi của cựu tổng thống Vaclav Havel mang lại nỗi tiếc thương cho thế giới vì sự nghiệp kỳ vĩ của ông. Những lời chia buồn từ khắp nơi trên thế giới đã gửi về Cộng hòa Czech sau khi tổng thống đầu tiên của nước này thời hậu cộng sản, ông Vaclav Havel qua đời.
Sinh ngày 05/10/1936 tại Praha, trong một gia đình trí thức tư sản nổi tiếng của Tiệp Khắc. Sau Thế chiến II, sự nghiệp học hành của ông gặp trắc trở vì lý lịch. Havel tự học và trở thành nhà văn, nhà viết kịch.
Mọi người nhớ đến ông như là một trí thức lớn đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh cho dân chủ và quyền con người. Là một nhà soạn kịch, các vở kịch của ông có nội dung châm biếm cuộc sống dưới chế độ cộng sản, tuy nhiên các tác phẩm của ông đã bị cấm dàn dựng sau khi tham gia vào phong trào "Mùa Xuân Praha 1968" và Liên Xô đưa quân đội vào đàn áp. Ông đã bị bắt giam nhiều lần, bị cấm viết và soạn kịch công khai sau năm 1968. Ông Havel đã dấn thân đấu tranh dân chủ, soạn thảo cương lĩnh nhân quyền và hành động cho tới khi phong trào "Hiến chương 77" đòi dân chủ do ông khởi xướng thành công và Havel trở thành lãnh tụ dẫn dắt cuộc "Cách mạng Nhung". Ông trở thành người nổi tiếng khắp thế giới.
Là một nhà tư tưởng thấm nhuần đạo đức chính trị và nhân đạo, ông để lại nhiều trước tác. Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của Vaclav Havel là “Power of the Powerless”, viết năm 1978 và đã được Bác sỹ Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề “Quyền lực của không quyền lực”. Đây là tác phẩm kết tinh tư tưởng của Havel. Tác phẩm này đã ảnh hưởng đến các phong trào chống toàn trị ở Đông Âu, định hướng lại lý thuyết chính trị về chế độ cộng sản, và góp phần tạo ra một làn sóng đương đại về xã hội dân sự.
Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào cuối năm 1989, ông được nội các liên hiệp lâm thời bầu làm tổng thống Czech và Slovakia. Ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ. Có những đánh giá cho rằng ông là một công dân dấn thân đấu tranh, hơn là một nhà chính trị. Trên sân khấu chính trị một nước Châu Âu, ông Havel không phải là tả hay hữu mà là một nhà nhân bản. Và nhà ly khai đứng đầu một nhóm trí thức đã đột nhiên trở thành người đại diện của cả một dân tộc.
Ông từ chức vào năm 1992 sau khi những người dân tộc chủ nghĩa Slovakia đã thành công trong việc vận động tách Slovakia ra khỏi Cộng hòa Czech. Sau đó được bầu là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech vào tháng Giêng năm 1993 và phục vụ cho đến khi ông từ chức vào năm 2003 khi tình trạng sức khỏe xấu đi.
Rời chính trường năm 2003, ông Havel, một người hút thuốc lá nặng, và bị bệnh phồ̉i thời ở tù cộng sản đã yếu dần nhưng vẫn có uy tín lớn ở châu Âu. Ông được Nobel Hòa bình và đã đề cử giải này cho bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện. Sau khi rời chính trường, vẫn trở lại với nghệ thuật kịch và điện ảnh cho tới lúc qua đời. Trước khi mất, ông còn có cuộc tiếp đón nhà lãnh đạo tâm linh Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Praha vào tuần trước.
Ngày 10/12/2011, ông Vaclav Havel tiếp đón
Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Praha
Những nhà lãnh đạo của các cường quốc đều dành cho ông những lời trang trọng và yêu mến. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói "Cộng hòa Czech đã mất đi một trong những người con yêu nước vĩ đại nhất, nước Pháp đã mất một người bạn, và châu Âu đã mất một trong những người khôn ngoan nhất”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu: “Sự nghiệp đấu tranh vì tự do và dân chủ của ông cũng đáng nhớ như tính nhân đạo cao cả của ông,” bà mô tả ông Havel là ‘một người châu Âu vĩ đại’.
Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt nhận xét "Vaclav Havel là một trong những người châu Âu vĩ đại nhất thời nay". Từ bên kia đại dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận xét "Havel đã giúp khơi thủy triều lịch sử dẫn đến một châu Âu dân chủ".
Hôm thứ Hai 19/12 lúc 18 giờ tất cả nhà thờ ở toàn Cộng Hòa Czech đều đổ chuông, quan tài của ông Havel được đưa từ quê nhà của ông đến thủ đô nhà thờ St Anna tại Praha. Một tang lễ quốc gia sẽ được tổ chức vào thứ Sáu 23/12.
Cộng hòa Czech sẽ để tang trong một tuần và hàng trăm ngọn nến đã được thắp lên ở Quảng trường Wenceslas – nợi từng là trung tâm của cuộc ‘Cách mạng Nhung’ đã lật đổ chế độ cộng sản của quốc gia này.
Còn tại vùng Đông bắc Á, lãnh tụ của nhà nước cộng sản Bắc Hàn, Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) cũng đã tử vong vào ngày 17/12. Nhưng hai ngày sau, ngày 19/12/2011 nhà cầm quyền nước này mới chính thức công bố cho dư luận trong nước và quốc tế trong một bản tin truyền hình đẫm nước mắt tang tóc.
Kim Chính Nhật, nhà lãnh đạo Bắc Hàn được xem như một kẻ độc tài bí ẩn và kỳ quái nhất hành tinh. Năm 1994, sau khi cha ông ta là Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) qua đời, Kim Chính Nhật được thừa kế vị trí quyền lực từ người cha và từ đỉnh cao quyền lực ấy ông đã củng cố bức màn sắt u tối cho nhân dân cũng như tận hưởng tất cả các sở thích bệnh hoạn nhất mà một kẻ độc tài có thể nghĩ ra.
Cũng như nhiều lãnh đạo của các quốc gia cộng sản, cuộc đời Kim Chính Nhật luôn được phủ một lớp hào quang của huyền thoại. Bộ máy tuyên truyền đã vẽ ra những đức tính và khả năng ngoại hạng của lãnh tụ bất chấp thực tế khác hẳn. Những danh xưng đẹp đẽ nhất như "lãnh tụ kính yêu", "cha già dân tộc", “tinh hoa đất nước”, “Ngôi sao Bắc đẩu của Thếkỷ21”… rồi những khả năng siêu phàm như của thần thánh trong tất cả mọi lĩnh vực đều được sử dụng và bơm thổi vô tội vạ hầu làm ma mị suy nghĩ quần chúng. Thế giới kinh ngạc, chuyển cho nhau xem những đoạn video clips cảnh người dân khóc lóc thảm thiết và tự hỏi tại sao lại có những cảnh tượng phi lý đó.
Có một thực tế hiển nhiên là trong suốt giai đoạn cha con Kim Il-sung, Kim Chính Nhật trị vì đã có nhiều lần dân chúng chết đói hàng loạt, những đoàn người bất chấp chết chóc, tù đày, tra tấn kéo nhau vượt biên để mong thoát khỏi cái ách dã man của một bọn cầm quyền vô lương tâm. Những câu chuyện của các tổ chức từ thiện, những nhà ngoại giao, những người đã đào thoát kể lại đủ làm cho mọi người phải sửng sốt về những sự thật trong “thiên đường cộng sản” ấy. Mọi thứ dường như vượt qua khỏi sức tưởng tượng của con người. Nhiều tài liệu đã kể về cách sống cực kỳ xa hoa, những sở thích quái dị, những hành động bệnh hoạn của Kim Chính Nhật, song tất cả những tài liệu, tất cả những chứng nhân vẫn chưa diễn tả đầy đủ con người có hơn 50 danh hiệu đẹp đẽ để xưng tụng là Kim. Kim Chính Nhật vẫn là một bí ẩn và hẳn bí ẩn ấy sẽ theo y xuống mộ?
Một Kim vừa chết đi và một Kim mới sẽ lại trị vì một đất nước khốn khổ, một dân tộc bất hạnh. Như ngày xưa Kim Il-sung đã truyền ngôi cho Kim Chính Nhật. Con trai thứ 3 của y, KIm Chính Ân (Kim Jong Un) một kẻ béo phì chưa đến 30 tuổi đã nhảy vọt lên chức đại tướng và chuẩn bị tiếp nhận quyền lực của cha mình. Có lẽ còn quá sớm để dự đoán tương lai Bắc Hàn, nhưng dựa vào những sự kiện và dữ kiện hiện tại, không ai hy vọng đời sống người dân Bắc Hàn sẽ tươi sáng hơn. Cái chết của Kim Chính Nhật đã khiến đất nước Bắc Hàn rơi vào bóng tối của bi thương, của nghi kị, bộ máy cai trị đang dồn mọi nỗ lực để kiểm soát đời sống nhân dân chặt chẽ hơn. Tất cả các người nước ngoài bị xua đuổi ra khỏi thủ đô Bình Nhưỡng, cấm mọi sự tụ tập từ 4 người trở lên (ngoại trừ để khóc thương lãnh tụ trong sự tổ chức). Các nước Nam Hàn, Mỹ, Nhật, Pháp cũng cảnh giác cao độ, những lò vũ khí nguyên tử chưa ai biết sẽ được giữ an toàn ra sao. Ngay cả Trung Quốc vốn là “anh cả đỏ” của Bắc Hàn cũng tỏ ra lo lắng. Thị trường Châu Á và Châu Âu tụt điểm vì lo âu cho những bất ổn của bán đảo Triều Tiên.
Quan sát dư luận, có thể thấy một khối lượng khổng lồ các bài viết và tường thuật ở khắp nơi trên thế giới, từ các hãng thông tấn quan trọng hàng đầu cho đến những weblog nhỏ bé. Hầu hết đều hoan hỉ vì kẻ độc tài Kim Chính Nhật đã chết (tất nhiên trừ những nước cộng sản toàn trị). Danh xưng dành cho Kim chỉ còn là “kẻ độc tài”, “tên bạo chúa”. Kim Chính Nhật đã chết trong một năm đầy “vận hạn” với những tên độc tài và các chế độ toàn trị, từ Ben Ali phải tháo chạy khỏi Tunisia, Mubarak bị lật đổ bởi dân chúng Ai Cập, Gaddafi bị giết tại Lybia, Osama Bin Laden bị giết, chế độ hà khắc của al-Assad tại Syria, của Putin tại Nga bị lung lay…
Rồi đây, nhân loại sẽ vẫn nhớ đến Vaclav Havel như một anh hùng của Tiệp Khắc vì công trạng của ông mang lại cho nhân dân đất nước của ông và cho loài người. Trái lại, Kim Chính Nhật chỉ mang lại những ký ức khủng khiếp vì đã đầy đọa quê hương, dân tộc mình dưới đáy của sự khổ đau.
Những ngày cuối cùng của năm 2011 đầy sự kiện đang dần qua, năm mới 2012 đang dần đến. Dẫu còn đó nhiều bất ổn, song nhân loại có quyền hy vọng vào một năm mới với nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón.
Nhã Nam
http://ethongluan.org/component/content/article/1091-hai-cai-chet-trai-nguoc-hien-nhan-va-bao-chua.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét