Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Bố cáo, bỏ blog tui đi mần báo chống tham nhũng

Kính cáo,

Kính thưa bà con, tôi là Tư Trời đất, một blogger mới ra lò chưa tròn một tháng còn bỡ ngỡ đủ điều. Gần một tháng đó, tôi có dịp ngao du, quan sát và mở mắt sáng lòng vì thế giới blog muôn màu muôn vẻ...

Ai có ngờ đâu, trâu chậm uống nước đục. Trong khi quần hùng blogger đã phát huy hết tinh hoa, nhiều người lừng danh khắp chốn thiên hạ như đại cô nương Trang Hạ, đại tỉ Tạ Phong Tần - tức blogger Công lý & Sự thật (hổng phải công lý và báo thù à) và rất nhiều bậc tiền bối khác mà tui vô cùng ngưỡng mộ. Ấy vậy mà cũng có người khác phải nằm cắn móng tay trong khám lạnh, hổng nói ra, bà con cũng thừa biết đó chính là lão đại ca Điếu Cầy. Còn tui, chưa kịp viếng từng nhà thăm hỏi từng bà con đã có nguy cơ dẹp tiệm, nguy cơ này đích thị do bạn Doãn mập. Ở bài trước tui đã bàng hoàng, tê tái không kể xiết. Phải chi tui đã thỏa sức vẫy vùng thế giới blog này năm bẩy tháng, một năm thì có siết cổ tui cũng chịu. Đằng này, vừa mới ló đầu chào hỏi bà con là đã thấy nguyên sợi thòng lọng của bạn Doãn mập chuẩn bị thít. Ôi đau đớn dường bao!

Bữa nay, đôi điều bày tỏ cùng bà con, tui bỏ tuyên bố bỏ blog. Tui đi mần báo.

Nói tới đây, tui dám cá là có nhiều người le lưỡi. Hổng phải vì sợ tui đâu. Bà con chắc chắn le lưỡi ra chọc quê tui. Xí, thời buổi bi giờ báo chí đang nằm co, báo bán hổng chạy mà mần báo thứ gì... Dạ thưa, báo bán hổng chạy thì biếu chạy; mấy bà mấy cô bán xôi sợ mực đen hổng xài thì tui đưa dzìa quê cho sấp nhỏ đi cầu cá, đứa nào táo bón mới sợ, té re thì hổng sao. Nói chơi dzị thôi, bữa nay tui coi nhật trình, í quên cái báo khỉ khô điện tử xì rét gì gì đó, à vnexpress đây nè, báo đó nó nói cha nội tổng quản thanh tra chánh phủ Trần Văn Truồng, í lại quên, Trần Văn Truyền. Chả nói báo chí dạo này xuống sắc quá cỡ, mấy em nhà báo lo ngại đủ điều. Cơ quan chánh phủ mới gom đầu có mấy em ra tòa, bỏ tù một em, còn mớ nhà báo khác thì lột thẻ đuổi dzìa nhà bán cháo lòng nuôi vợ mà đã đái ra quần hết trơn, bao nhiêu nhuệ khí chống tham nhũng xẹp lép như bánh tráng nhúng nước. Chả đang khuyến khích, đốt lại ngọn lửa lòng mấy cha nhà báo để cố gắng hăng say dám đương đầu chống tham nhũng. Cha nội này lâu lâu phát biểu một câu nghe ngon thiệt. Được lời như cởi tấm lòng, tui cũng quyết tâm nghe chả xúi tui sẽ đi mần báo chống tham nhũng đây.

Chả cũng nói trước bữa nay rồi: "Tuy nhiên, những biểu hiện quá đà, xa rời tôn chỉ mục đích thì cần khắc phục. Báo chí cần tránh gây ra nhận thức không đúng cho dư luận xã hội, mất lòng tin vào chính quyền". Tui cũng có tôn chỉ, mục đích đàng hoàng đó là hổng né tránh, hổng lươn lẹo, hổng cắt xén, hổng đấm dzô không khí; thằng nào nói láo cho bà mụ bóp cổ nó đi. Dư luận xã hội bi giờ cũng tinh tường thấy bà nội, chắc hồi đó mấy thằng nhà báo ba xạo quá nên mới gây ra nhận thức không đúng, làm dân chúng mất lòng tin trầm trọng dzô chánh quyền chớ. Tui là tui quyết tâm lần nữa, cùng lắm chánh phủ gom tui dzô ấp nằm chung với đại ca Điếu Cầy cho dzui chớ gì mà sợ. Thì đó, cha nội Truyền cũng nhắc nhở sơ sơ: "Phòng chống tham nhũng rất khó khăn, người tham gia đôi khi cũng phải chịu ảnh hưởng, thiệt thòi", ờ thì đôi khi mới ảnh hưởng, thiệt thòi sinh mạng thôi mà.

Lỡ nói đi mần báo mà nói tầm bậy đặng bà con chê cười, sẵn đà tui khoe luôn, cái bài "Nhất quyết hổng thèm nhục" ở entry trước, tui có gởi đi cho các tòa báo lớn nhứt Việt Nam nhưng hổng nơi nào muốn đăng, chỉ có mấy báo nước ngoài như Đàn Chim Việt, Take2tango, Vietcatholic là đăng à, hổng tin bà con click dzô mà coi. Bởi vậy nếu tui xin vô mần mấy tờ báo lớn lối, à quên lớn lớn như Tuổi trẻ, Thanh niên mà hổng đứa nào chứa thì tui đi mần báo bi bi xi, rờ ép a... này nọ cho nó sướng. Còn mấy tờ lá cải như công an, an ninh thì có là tổng biên tập cởi áo lót đường mời tui viết tui cũng cóc thèm viết nhe.

Thôi, nói ít mong bà con hiểu nhiều nhiều. Tui mà có để bờ lốc này mốc meo thời bà con gần xa thông cảm. Lâu lâu nhớ thăm dò coi sinh mạng tui còn không, có tiêu dên thì bà con thắp cho nén nhang, có nằm khám thì bà con gửi đồ thăm nuôi.

Xin đa tạ.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

VN sẽ "đặt vấn đề" với Google và Yahoo để siết blog!

Vietnamnet hôm nay (28/11/2008) đăng bài về quyết tâm triệt blog của nhà cầm quyền VN. Với tiêu đề "Biến thông tin blog thành thông tin báo chí là phạm luật" Ông Doãn lại hùng hồn tuyên bố nhiều điều ngớ ngẩn và chỉ càng bộc lộ cho dư luận thấy cách hành xử của một nhà nước đang run rẩy cố đối phó với sự phát triển của công nghệ truyền thông và âm mưu dùng bạo lực để bịt miệng dân chúng.



Trong một thời gian ngắn, bộ TT&TT mà nhân vật tiêu biểu là Đỗ Quý Doãn đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề quản lý trang nhật ký điện tử cá nhân blog, từ ban hành các văn bản dưới luật cho đến tổ chức các cuộc hội thảo. Điều này chứng tỏ blog và các blogger đã vượt qua ranh giới của một hiện tượng hoặc một phong trào nhất thời mà biến thành một sức mạnh đáng kể. Chuyện các blogger biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa - Trường Sa gần 1 năm trước và lên tiếng tẩy chay Olympic Bắc Kinh là một ví dụ. Những ví dụ khác sinh động không kém là việc sụt giảm số lượng ấn hành của tất cả các báo VN, việc Đài TH VTV phản ứng về bài viết đăng trên blog của 1 giáo viên lật tẩy chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" mới xảy ra gần đây... và ngay cả việc các nhà báo dồn tâm huyết vào blog cá nhân của mình hơn là các bài viết "theo định hướng lề phải".



Có lẽ Việt Nam là nước hiếm hoi trên thế giới mà blog gây ảnh hưởng mạnh đến nhà cầm quyền như vậy, tất nhiên ta có thể kể thêm về trường hợp Miến Điện (Burma), Trung Quốc nữa. Câu kết luận là một nhà cầm quyền càng độc tài bao nhiêu càng sợ hãi việc minh bạch thông tin bấy nhiêu. Ở các nước có nền báo chí tự do thì việc phanh phui những chuyện mờ ám hay việc phản biện lại các quyết sách sai trái là những điều hết sức bình thường, dân chúng không cảm thấy cần thêm kênh thông tin nào để tìm hiểu những điều khuất tất hoặc để phản đối sai lầm của nhà cầm quyền.



Ông Doãn nói: "Yếu tố cá nhân trong blog là yếu tố cơ bản. Yếu tố này quy định blog không đại diện cho một tổ chức hay thông tin chính thống nào. Những blog vượt quá thông tin cá nhân là sai quy định". Với lời phát biểu trên, ông Doãn không nói "sai quy định" là quy định nào, quy định của nhà cung cấp dịch vụ hay quy định nào khác của nhà cầm quyền. Ta có thể thấy blog của nhà cung cấp Yahoo hay bất cứ nhà cung cấp nào đều cho phép khách hàng của họ có quyền để thông tin mở (public), như thế dù yếu tố cá nhân có là yếu tố cơ bản thì cũng không thể cấm người sử dụng có quyền chia sẻ thông tin, chia sẻ cảm nhận của cá nhân mình về xã hội. Thêm nữa, nếu một tổ chức hay một kênh thông tin nào chọn blog để quảng bá về họ thì không lẽ blog đó không thể đại diện cho họ hay sao, hay là họ không có quyền chọn blog làm phương tiện quảng bá thông tin về họ?



Tiếp tục lập luận như vậy, ông Doãn triển khai: "Blog, về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ của mình khó xác định. Nếu là tiếng nước ngoài thì nói blog là đã giới hạn khuôn khổ ngay trong khái niệm đó. Nếu đã đưa thông tin báo chí thì phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí . Người nào vượt quá phạm vi blog, biến thông tin trên blog thành thông tin báo chí là vi phạm Luật Báo chí". Không hiểu ông Doãn căn cứ vào đâu để nói những câu hàm hồ như trên, nói "blog đã giới hạn khuôn khổ ngay trong khái niệm" vậy tại sao các nhà cung cấp dịch vụ còn càng ngày càng mở rộng, càng thêm những công dụng khác của blog, khiến nó linh hoạt hơn báo chí. Thông tin nào là vượt quá phạm vi blog? Ví dụ tôi đọc một bài viết ngớ ngẩn hoặc sai sự thật trên báo, thay vì tôi viết một lá thư gửi cho các bạn bè chia sẻ cảm nghĩ của tôi thì tôi viết trên blog, vậy viết mail cc cho nhiều người thì không sao, còn viết trên blog thì vi phạm Luật báo chí? Ví dụ khác: thông tin báo chí cũng vẫn có những mục chia vui đám cưới, chia buồn đám ma, tâm sự nhỏ to... nếu tôi dựng 1 video clip có âm nhạc, hình ảnh, kỹ xảo để chia vui đám cưới bạn bè là cũng phạm Luật Báo chí?



Cũng ông Doãn nói: "Đã là nhật ký cá nhân thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là người thân của mình đọc. Nếu đưa ra đại chúng thì không thể là nhật ký mà vô tình biến nó thành trang thông tin điện tử, như vậy phải chịu sự quy định như đối với trang thông tin điện tử". Theo kiểu lập luận như vậy thì tất cả các loại nhật ký, hồi ký, gia phả, ghi chép không chỉ cho riêng cá nhân mình hoặc người thân của mình đều bị khép tội cả.



Để triệt mạnh tay hơn, ông Doãn không dấu giếm ý định gây áp lực hoặc mua chuộc 2 nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất thế giới là Yahoo và Google phải bán thông tin cá nhân hoặc hạn chế cung cấp cho khách hàng tại VN qua câu tuyên bố trơ trẽn: "Sắp tới, Bộ TT - TT sẽ đặt vấn đề với Google và Yahoo!, đề xuất họ hợp tác trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với Nhà nước để tạo môi trường hoạt động tốt nhất, lành mạnh nhất cho các blogger".



Chưa biết là mệnh lệnh của ông đối với công ty nước ngoài có khả thi hay không, nhưng đủ thứ rào cản, đe dọa, khép tội của hệ thống pháp luật kỳ quái mà nhà cầm quyền nghĩ ra để bóp nghẹt tiếng nói công dân trên blog mà gọi là để "tạo môi trường họat động tốt nhất, lành mạnh nhất" thì quả là khôi hài... đen.





Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

Thần Kim Quy xém bị làm thịt

Báo ĐCVOnline hôm nay đưa một tin ngắn dẫn theo AP về vụ 1 con rùa thuộc loại rất quý hiếm của thế giới đã được giải cứu khỏi một nồi súp một cách ngoạn mục.

Chuyện này lẽ ra có thể viết thành một kịch bản để dựng thành phim Hollywood như kiểu phim "Giải cứu binh nhì Ryan" mà còn có thể hay hơn nữa.

Đầu tiên là lão rùa này là linh vật của xứ Hà Lội, thành hoàng hồ Đồng Mô, là chủng loại gần như tuyệt chủng rồi, chỉ còn có 4 mạng mà hết 2 mạng ở sở thú xứ Ba Tàu, 1 mạng thường trú ngay Hồ Gươm lâu lâu trồi lên cho bà con chiêm ngưỡng, bà con Thăng Long (và ngay các trí thức đại gia) lâu nay khoái gắn việc trồi sụt của cụ rùa đó với vận mệnh quốc gia. Lâu nay cụ rùa Hòan Kiếm bị sao mà lặn mất tiêu, chứ nhớ hồi đó, cụ này nổi lên trùng với những sự kiện của quốc gia, thế là dư luận, báo chí, trí thức đại gia tha hồ đoán mò mà không cần rờ ... mu rùa.

“Cụ Rùa” là tên người Hà Hội đặt cho ông rùa được tin đã sống dưới hồ Hoàn Kiếm rất lâu, có thể hàng trăm năm. Có người tin rằng đây chính là ông rùa đã lấy lại thanh kiếm của Vua Lê Lợi. Theo ông Hà Định Đức, một giáo sư đã nghiên cứu về “Cụ Rùa” mười mấy năm, Cụ Rùa dài khoảng 2 mét, nặng khoảng 200kg.

Không biết trùng hợp hay ngẫu nhiên, nhưng nhiều người cho rằng mỗi lần Cụ Rùa xuất hiện đều có liên quan đến một sự kiện gì đó của quốc gia hoặc một lễ kỷ niệm về Lê Lợi. Ngày 26 tháng Tám, 1999, Cụ Rùa nổi lên để chứng kiến lễ đặt tên Vua Lê Lợi cho một công viên bên hồ Hoàn Kiếm, và, ngày 27, tháng Chín, 2000, Cụ Rùa nổi lên vào ngày khánh thành tượng đài kỷ niệm Lê Lợi trong công viên này".



Năm nay cụ rùa Hòan Kiếm chắc giận đời chuyện chi, chẳng lẽ chuyện tòa nhà quốc hội sắp xây đè lên Hòang thành Thăng Long hay chuyện Hà Nội biến thành Hà Lội, hay chuyện thằng đầy tớ chửi chủ là "ỷ lại"... tất cả cũng chỉ là đoán mò, đoán chơi cho vui. Để góp phần vào chuyện đoán chơi đó, tôi cũng đoán cụ rùa này đang phân chất xem nước Hồ Gươm có bị pha melamine hay không.



Trở lại chuyện lão rùa Đồng Mô mới được giải cứu, lão này nặng có 70kg thì chắc tuổi thọ chỉ chừng hai trăm năm, thuộc loại cháu chắt của cụ rùa kia và không dính dáng gì đến Lê Lợi hay Lê Lai gì hết. Đa phần đồng môn đồng tuế của lão đã yên giấc nghìn thu trong "kính thưa các lọai dạ dày" dân Tràng An rồi. Lâu nay, lão đã được theo dõi bảo vệ bởi một tổ chức (chắc chắn là nước ngòai) là Chương trình Rùa Á châu ở Sở thú Metroparks Cleveland. Ông Douglas Hendrie là giám đốc của tổ chức ấy đã theo đuổi lão suốt 2 tuần và đích thân giành giựt lão rùa trước khi lão bị cho vào nồi súp.





Nói nồi súp là cách nói gọn của mấy ông tây, nếu mấy ông tây này có dịp vào các nhà hàng đặc sản nhậu chơi sẽ thấy việc tiễn đưa bất kể một lọai thú quý hiếm nào trên nước VN này thật sự rất trọng thể, huống hồ lão rùa thế kỷ này. Chắc chắn sẽ có tay đầu bếp lành nghề đảm nhiệm màn cắt tiết, lấy tiết ấy pha vào rượu quý rồi chia nhau mà... ực; sau đó là màn phanh thây, lục phủ ngũ tạng lão rùa sẽ được bày ra; cái gì nấu với thứ chi, từ gan cật đến mu móng sẽ làm thế nào, và ô hô, cái "pím" thế kỷ của lão tức là cái dương vật ấy sẽ là thứ bảo bối không ai có quyền tranh giành ngòai các cụ tư bản đỏ. Nghề chơi vốn đã công phu từ thời cụ Nguyễn Du, huống chi nghề ăn của các cụ bây giờ.



200 đô la và 2 cái lưới đánh cá mới toanh là cái giá cho sự tự do của lão rùa Đồng Mô. Tôi đoan chắc là ông tây Hendrie cũng thuộc đẳng cấp thuyết khách, mồm miệng phải dẻo quẹo dữ lắm nên chỉ trong vài giờ đồng hồ đã thuyết phục nổi bác ngư phủ Nguyễn Văn Toàn từ cái giá 4.800 đô chịu hạ xuống giá đó. Mà cái cung cách của bác Toàn nhà ta vẫn là cung cách nhà quê, phải là tay con buôn thành thị thì giá có là hàng vạn đô có lẽ ông tây hay xót ruột Hendrie cũng sẽ phải bấm bụng mà chi thôi.



Trong bản tin ngắn không thấy nói có cấp chính quyền hay công an nào can thiệp vào vụ béo bở này. Thật là may cho bác Toàn nhà quê, nếu có ông trưởng khóm, trưởng ấp hay chú công an viên ghé vào, tôi đoán (mò) là thế nào bác Toàn cũng sẽ được mời lên xã "làm việc", ủy ban xã sẽ đích thân trao cho ngài Hendrie và cánh báo chí Hà Lội sẽ tha hồ tán dương tinh thần "cách mạng" của đảng ủy xã. Như thế thay vì nói "cám ơn Thượng Đế, chuyện giờ đã chấm dứt" thì ngài Hendrie sẽ phải cám ơn "kính thưa các loại cán bộ địa phương, cán bộ chuyên ngành, cán bộ nhà báo, cán bộ công an cùng xã hội chủ nghĩa Việt Nam tươi đẹp".



Lại trở về chuyện đào tẩu của lão rùa Đồng Mô. Bao nhiêu năm sống yên ổn trong hồ, (kể cả trên chục năm nay, từ cái hồ tít tắp chốn đìu hiu trở thành chốn ăn chơi bây giờ) lão vẫn điềm nhiên, như Thần Kim Quy tọa sơn nhìn thế sự, nay can cớ gì lại bỏ xứ? Bản tin chỉ bảo là lão bị nước lụt cuốn trôi, té ra xứ trung du ấy nay cũng lụt? Thần Sơn Tinh núi Tản Viên hết linh rồi, nay là thời của yêu tinh, núi rừng thượng nguồn hẳn đã bị chặt đốt trơ trụi khiến Thần Kim Quy cũng phải cấp thời sơ tán để xém bị thịt?



Sau đây là nguyên văn bản tin trên DCV Online:



Rùa hiếm ở Việt Nam xém vào nồi xúp.


SƠN TÂY - Một con rùa hiếm ở Việt Nam, mà người ta tin rằng đây là một trong bốn con còn sót lại trên thế giới hiện nay, đã bị trôi dạt theo trận lụt vừa rồi, đã bị bắt giữ bởi một ngư phủ có máu kinh doanh và xém một chút nữa lọt vào nồi xúp rùa.

Thay vào đó, con rùa nặng 150 cân Anh (khoảng 70 kg) đã được trả lại hồ hôm nay thứ Tư ngày 26 tháng Tư năm 2008 và những người công tác trong công cuộc bảo vệ môi trường thiên nhiên đã chào mừng sự thoả thuận giữa họ và người ngư phủ – qua đó sự thả tự do cho con rùa hiếm này được đồi lấy với gía 200 đô-la và hai lưới đánh cá mới.

Ông Douglas Hendrie và những người bảo vệ môi trường thiên nhiên khác đã cố gắng đi tìm con rùa này suốt hai tuần qua sau khi nước lụt đã cuốn nó ra khỏi hồ Đông Mô gần Hà Nội.

“Cám ơn thượng đế chuyện giờ đã chấm dứt,” ông Hendrie nói, ông là giám đốc của Chương trình Rùa Á châu ở Sở thú Metroparks Cleveland và cũng là người làm việc chung với nhóm bảo vệ môi trường thiên nhiên này, là nhóm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam. “Chúng tôi lấy làm vui rằng con rùa này giờ được trả về lại hồ.”
Chỉ có ba con rùa khác thuộc chủng rafetus swinhoei này được biết vẫn còn tồn tại – hai con hiện ở sở thú Trung Quốc và một con khác hiện đang ở hồ Hoàn Kiếm, nằm ngay ở phố chính Hà Nội, hồ đã được đặt tên này do liên quan đến một con rùa có tính truyền thuyết.



Theo huyền thoại được kể lại, một con rùa đã giựt kiếm của Vua Lê Lợi khi ông vua này đang dạo thuyền trên hồ và trả lại cho thần, người đã cho vua mượn để giúp vua đánh giặc xâm lăng Trung Hoa. Từ đó hồ đã được đặt tên Hồ Hoàn Kiếm (Lake of the Returned Sword).



Ngư phủ Nguyễn Văn Toàn đã tìm thấy con rùa này hôm sáng thứ Tư và đã đòi 1.400 đô-la để trả lại con rùa ông đã bắt được, ông cho rằng một chủ nhà hàng ở Hà Nội đã trả gía ông 30 triệu đồng (khoảng 4.800 đô-la) cho con rùa này.



Rùa được xem là món cao lương mỹ vị ở Việt Nam và các nước Á châu khác.



Ông Toàn mặc cả với chính quyền và các nhà bảo vệ môi trường thiên nhiên cả mấy giờ đồng hồ, thỉnh thoảng cầm gậy dọa đám đông khoảng 100 người đang tập trung trong sân nhà ông để theo dõi tuồng … trả gía này. Cuối cùng, ông Toàn đồng ý nhận tiền mặt và hai lưới đánh cá mới để thay cho hai cái lưới đã bị hỏng khi ông dùng để đánh bắt con rùa này.



“Đó là một phần thưởng nhỏ nhoi cho những người hiểu rõ rằng thật quan trọng để bảo vệ một trong những loài sinh vật đang bị hăm dọa diệt chủng trên thế giới,” cô Nguyễn Thị Vân Anh, một đồng nghiệp với ông Hendrie của nhóm Giáo dục Thiên nhiên nói.



Ông Toàn nói rằng ông thỏa mãn với kết qủa.



“Tôi rất lấy làm vui con rùa đang được trả lại với thiên nhiên,” ông cho hay.



© DCVOnline

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Trung Cộng loan báo dò tìm dầu khí ở khu vực Trường Sa

Ðảo đá ngầm Johnson Reef trong quần đảo Trường Sa bị Trung cộng chiếm hồi thập niên 80 và được Bắc Kinh biến thành một pháo đài trên biển với các phương tiện viễn thông vệ tinh.

BẮC KINH 25-11 (TH).- Công ty dầu khí quốc doanh Cnooc của Trung Quốc loan báo sẽ bỏ ra 200 tỉ quan hay khoảng 429 tỉ USD để dò tìm dầu khí trên biển Nam Hải mà Việt Nam gọi là biển Ðông, theo bản tin của hãng tin tài chính quốc tế Bloomberg hôm Thứ Hai 24/11/2008.

Số tiền này là tiền đầu tư dò tìm dấu khí cao nhất từ trước đến nay của Trung Quốc nhưng điểm chính lại là dò tìm tại khu vực đang có các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa nhiều nước trong vùng.

Ngoài quần đảo Hoàng Sa chiếm của VNCH hồi năm 1974, Trung cộng chen vào chiếm một số hòn đảo trong quần đảo Trường Sa do các đơn vị của Việt Nam và Phi Luật Tân đóng giữ hồi thập niên 1980 rồi tuyên bố chủ quyền trọn chuỗi quần đảo này. Từ đó, Bắc Kinh cho xây các căn cứ, cơ sở phòng thủ gồm cả đài viễn thông vệ tinh tại một số đảo đã chiếm.

Năm 2002, Trung Quốc ký tên vào thỏa ước Ứng Xử trên Biển Ðông với các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, trong đó nói rằng các bên sẽ phải tự chế, mọi tranh chấp phải giải quyết bằng đối thoại và tham vấn chứ không sử dụng võ lực.

Trong các lần gặp mặt các người cầm đầu đảng và nhà nước CSVN, đám lãnh tụ Bắc Kinh đều lập lại tinh thần này ở các bản tuyên bố chung trong khi trên thực tế vẫn đưa ra các kế hoạch hành động bá quyền nước lớn.

Ðầu năm 2007, Việt Nam ký thỏa thuận với công ty BP (Anh Quốc) dò tìm dầu khí ở khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn. Nhưng giữa năm này, Bắc Kinh đã áp lực BP phải ngưng lại. Giữa năm nay, công ty dầu khí Exxon-Mobil cũng ký thỏa thuận hợp tác với công dầu quốc doanh PetroVietnam dò tìm dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam nhưng cũng đã bị Bắc Kinh áp lực phải đình lại.

Bây giờ thì Bắc Kinh loan báo dự án khổng lồ lên tới $29 tỉ USD dò tìm dầu khí khu vực nước sâu trên biển Ðông mà người ta tin rằng nằm ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa là một chuỗi đảo nhỏ rải rác kéo dài cả ngàn cây số theo chiều bắc nam. Ðảo lớn nhất là đảo Thái Bình hiện do Ðài Loan chiếm giữ. Việt Nam đang trấn giữ các đảo Nam yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn v.v...

Phi Luật Tân, Mã Lai chiếm một số đảo và cũng có quân trấn giữ.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Quốc Vụ Viện Trung quốc ra nghị quyết thành lập thành phố Tam Sa cấp huyện, trực thuộc tỉnh Hải nam, gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thanh niên, sinh viên tại Việt Nam cũng như người Việt hải ngoại đã biểu tình phản đối mạnh mẽ.

Theo bản tin Bloomberg, công ty dầu khí quốc doanh Cnooc không có khả năng kỹ thuật để dò tìm cũng như khai thác dầu khí khu vực nước. Họ phải tùy thuộc vào sự hợp tác của các công ty ngoại quốc.

Hiện các đối tác dò tìm dầu khí trên biển của Cnooc là các công ty quốc tế Devon Energy Corp.; Husky Energy Corp.; và Anadarko Petroleum Corp.

Nhu cầu tiêu thụ điện năng và xăng dầu tại Hoa Lục ngày càng lớn theo đà phát triển kinh tế. Hiện nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng thứ nhì trên thế giới nhưng công ty Royal Dutch Shell Plc cho rằng Hoa Lục sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong vòng 5 năm.

Ðể thảo mãn nhu cầu, một trong những mục tiêu mà Bắc Kinh theo đuổi là dò tìm và khai thác dầu khí trên vùng nước sâu ở biển Ðông mà họ biết sẽ gặp phản ứng của các nước trong khu vực.

Tháng Bảy năm 2005, Trung Cộng ký một thỏa hiệp với Việt Nam và Phi Luật Tân mở các cuộc nghiên cứu địa chấn chung tại khu vực quần đảo Trường Sa. Dự án này hết hạn vào Tháng Bảy 2008 và không thấy có nước nào nhắc nhở gì đến chuyện gia hạn.

Trước sức mạnh quân sự quá trội vượt của Trung Cộng mà các nước tranh chấp các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không có khả năng đối địch, Tiến Sĩ Toshi Yoshihara, một chuyên viên nghiên cứu về chiến lược chính trị Trung Quốc tại Học Viện Hải Chiến (Naval War College) ở tiểu bang Rhodes Island, Hoa Kỳ, cho rằng cách tốt nhất là tìm một thế lực thứ ba đủ mạnh làm đồng minh. Ông nêu quan điểm như vậy trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC hồi cuối Tháng Bảy 2008 sau khi nghe thấy tin tức Bắc Kinh đe dọa các công ty Exxon-Mobil và BP.

Theo ước lượng của chuyên viên Trung Quốc, trữ lượng dầu trong khu vực biển nước sâu biển Ðông khoảng 22 tỉ thùng. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Trung Quốc sang năm 2009 khoảng 8.2 triệu thùng một ngày nên họ rất cần các nguồn trữ lượng mới thay thế cho những giếng dầu đang cạn dần của họ bên cạnh nguồn dầu nhập cảng.

Nguồn: Nguoi Viet Online

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Nhất quyết hổng thèm nhục.



Gần đây, bọn tư bản đua nhau sỉ nhục nước CHXHCNVN tươi đẹp làm cho kẻ ái quốc như tui cảm thấy rất phẫn nộ. Nhưng dù phẫn nộ đến đâu tui vẫn tự hào về chế độ CS quang vinh, bách chiến bách thắng của tui. Mặc dầu ngài Lê Dũng của tui đã hùng hồn tuyên bố đủ thứ, nhưng tui vẫn bức xúc một cách tự hào, vậy nhơn danh một Đảng viên, tui lên án các nước đang sỉ nhục CHXHCNVN như sau:

- Nước Nhật Bổn: Đã cố tình khui ra vụ PCI hối lộ cho Ban Dự án Đại lộ Đông Tây ở Sài Gòn cho dù số tiền vài triệu USD thực chất chẳng đáng là bao, mấy cái vốn ODA mà phía Nhật Bổn cho vay dài hạn đó thì thế nào tụi tui cũng trả mà, tụi tui hổng trả được thì con cháu tụi tui có trách nhiệm trả hết, làm chi mà dữ dzậy. Đồng chí Huỳnh Ngọc Sĩ kính mến của tụi tui cũng là thông gia với đồng chí Lê Thanh Hải, quyền uy ngang trời, sao báo chí Nhật Bổn cứ trương tùm lum làm cho bọn báo chí nước ngoài và bọn blogger ăn theo chửi quá xá. Tụi tui kiên quyết "lộ tới đâu xử lý tới đó" mà. Tui nghiêm khắc phê bình các đồng chí Nhật Bổn đó, thôi thì để còn giao hảo tốt đẹp đặng mượn vốn ODA xài, tui nói đồng chí Huỳnh Ngọc Sỹ kính mến tạm nghỉ một thời gian cho êm êm. Đừng chỉa mũi dùi nữa, có được không hả?

- Nước Nam Phi: Đúng là mấy cha nội đài truyền hình nhiều chuyện, bộ hết cái để quay hay sao mà tự nhiên vác máy quay rình mò đại sứ quán nước CHXHCNVN tươi đẹp với lá cờ đỏ tươi để quay nguyên xi cảnh mua bán sừng tê giác đang hồi tấp nập vậy mấy cha nội. Sừng tê giác là thứ hết sức quý giá cho các vị lãnh đạo tụi tui bồi bổ tráng dương, gì chớ món "tê pím", món tiết canh, rồi gan thận, lục phủ ngũ tạng con tê giác là thứ hết sức quý giá, tụi tui có có quan niệm rõ ràng “ăn jì bổ jì, ăn nấy bổ nấy” nên về cơ bổn, nước VN tui đã nhậu sạch tê giác rồi, mấy cha hổng biết xài thì tụi tui mua rẻ về xài.

Có dzậy thôi mà báo chí, truyền hình của mấy cha khai thác, thiệt là quá đáng. Bí thư số một Vũ Mộc Anh của sứ quán tụi tui có nói rõ rồi, đó chỉ là "cầm hộ" thôi chớ bộ! Ăn thua gì với mấy năm trước, mỗi lần đi công cán về cán bộ nào cũng "cầm hộ" các vị lãnh đạo mười mấy ký hết trơn á. Mà tui ghét mấy cha nội ghê, tự dưng nhè ngay mặt tiền ĐSQVN uy nghi thêm lá cờ đỏ quay hình chi hổng biết

- Nước CH Czech nữa nhen, khi khổng khi không tự dưng ngưng cấp visa cho công dân nước tui là sao chớ? Tui là tui thấy "bất ngờ" và rõ ràng là "hổng phù hợp" chút xíu nào nhe, Tui mong muốn là chính phủ Czech nên xem lại quyết định trên đi, hổng có lợi cho truyền thống giao hảo tốt đẹp nè, hổng có lợi cho mối quan hệ lâu đời từ hồi quý vị cũng là CS như tụi tui nữa. Mà thằng bộ trưởng nội vụ Ivan Langer gì đó cũng kỳ, nói "số vụ tội ác do người di dân từ Việt Nam tăng lên nhanh" và các vụ việc cũng "nghiêm trọng hơn" là phải có chứng cứ à nhen, hổng nói khơi khơi à. Cho tên kẻ nào phạm pháp đi, tụi tui sẽ dẫn về nước bắn bỏ liền. Quý vị nên học tập nước Ba Lan láng giềng là tạo điều kiện cho cơ quan an ninh A38 tụi tui qua bển, tụi tui sẽ xử đẹp mấy thằng tội phạm, nhơn tiện xử luôn mấy cha nội hay đòi hỏi nhơn quyền, dân chủ cho VN này nọ là êm re liền một khi.

- Nước Anh là nước bi giờ tui mới đề cập đó, từ hồi mấy năm trước lận, cứ hở ra là bắt bớ công dân nước tui rồi nói là "trồng cần sa, ma túy", "buôn người" này nọ. Thử hỏi, mấy thằng đó nó trồng là trồng trong nhà kín, thu hoạch xong xuôi nó chế biến rồi mang đi khắp nơi nó bán, tiền thuê nhà thì nó trả đầy đủ, nó sinh sống, mua bán cũng là góp phần cho kinh tế Ăng Lê phát triển, lâu lâu kẹt quá thì nó ăn trộm chút xíu điện để thắp sáng cần sa thôi mà. Tụi này theo tui là rất được, khi có lợi nhiều tụi nó thường về VN chi xài rất sộp, mấy khách sạn, quán bar sang trọng thấy tụi nó là mừng húm. Tụi nó còn biết điều với đất nước nữa, tiền nhiều mang kè kè làm chi, tụi nó đầu tư vô nhà cửa, đất đai, xây dựng nơi chơi bời quá trời, mà hổng phải tụi nó là tay vừa nhen, toàn con ông cháu cha đi từ Hải Phòng qua HongKong rồi tới Ăng Lê hông à. Quý vị giam nó lâu, ra được là nó chém liền một khi.

- Còn Singapore, ba cái siêu thị của mấy người không chịu làm chỗ gửi đồ, không chịu kiểm soát gắt gao... bởi vậy cho nên cán bộ nước tui chỉ lỡ cầm nhầm vài món mà các người làm dữ... Thiệt ra, cán bộ nước tui hổng phải tham ba cái thứ vặt vãnh vài trăm đô đó đâu, đáng gì so với tài sản kếch sù bên nhà, chẳng qua là kiểm tra coi siêu thị mấy người có hệ thống an toàn hông. Bác sĩ giám đốc bệnh viện tụi tui có cầm nhầm chai rượu hay cán bộ đoàn tụi tui "bỏ giỏ" vài lọ nước bông chính là để kiện toàn hệ thống sê cu ri ty của mấy người. Còn nữa, con gái xứ tui qua đây "làm ăn" giúp cho mấy người dzui dzẻ, sao mấy người coi rẻ, cứ đăng quảng cáo hạ giá trên báo hông vậy rồi còn làm lồng kiếng chưng giống như chưng chim hoa cá kiểng. Thiệt hết nói nổi. Nhơn danh công dân gương mẫu nước CHXHCNVN, tui đề nghị dẹp liền mấy cái vụ đó đi.

-Mỹ nữa nhen, mấy ông đừng ỷ giàu ỷ mạnh mà nay lên án, mai lên án này nọ. Chuyện nhơn quyền, dân chủ, tự do của nước tui là vấn đề nội bộ để tụi tui lo, hổng xía dzô hà.

Tụi tui ký vào hiến chương nhơn quyền LHQ thiệt, nhưng đó là chuyện xưa rích rồi. Đảng tui cho dân tui hưởng cái jì là được cái jì, mấy thứ xa xỉ như dân chủ, nhơn quyền gì đó thì còn khuya. Tụi tui khoái cách cai trị của mấy ngài Trung Quốc à, thằng nào láng cháng đòi hỏi là phạt ngang hết trọi, giống như xén bụi cây kiểng, nhánh nào đua ra là... phựt liền.

- Còn mấy cha củ sâm Cao Ly, mấy cha đòi xây cái biu đinh cao nhất thủ đô Hà Nội, cái đó tui hoan nghênh, nhưng mấy cha phải ráng sao cho kịp để tụi tui kỷ niệm 1.000 năm thủ đô văn hiến, mấy cha mà lề mề làm ăn trớt quớt hổng kịp tiến độ thì tụi tui lấy chi tự hào. Các chú, các bác cựu chiến binh bức xúc lắm rồi đó, sở dĩ các bác cựu chiến binh bày ra cái vụ cá độ là để mấy cha tự ái dồn dập mà xây cho kịp. Mấy cha đừng tưởng bở là các bác già rồi hổng biết, mấy cha có thắng cá độ thì luật sư của tụi tui sẽ phán quyết là vụ cá độ là cờ bạc, trái pháp luật là mấy cha chạy hổng kịp, 100 tỷ chớ bộ giỡn chơi sao. Có ngon thì tui cá độ với mấy cha là làm sao để kỷ niệm 1.000 năm Hà Nội, mấy cha làm cho Hà Nội hết ngập lụt thì làm nè, dám chơi hông? Tui là tui cá luôn 1.000 tỷ.

- Âu Châu là tui gom chung hết mấy nước để nắm, à quên, để nói cho dễ. Bộ mấy người nghĩ tụi tui lạc hậu rồi ăn hiếp, cứ mấy cái ngành lợi ít, công xá nhiều là chuyển qua cho nhơn công tụi tui mần, mấy người hưởng lợi trên đầu trên cổ. Sao hổng chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ bình minh đi. Ba cái công nghệ hoàng hôn hổng nước nào của mấy người thèm làm là xúi dân tui đứng ra mần. Rồi hứng lên là nay áp đặt giá thuế cao, mai hạn chế hạn ngạch gì gì đó. Tụi tui mà ghét rồi là tụi tui bắt chước mấy anh ba tàu, bỏ hóa chất độc dzô sản phẩm, dân mấy người mang giày thì ngứa, bận áo thì nổi mề đay, ăn cá thì nhiễm độc, ăn tôm là ăn toàn thuốc kháng sinh với thuốc tăng trưởng. Keke, khi đó thời mấy người mới hết ra nghị quyết lên án chánh phủ tụi tui, mấy người chỉ lo chữa bệnh cho dân mấy người là đủ mệt xỉu rồi. Keke.

- Nhơn tiện nói luôn mấy cái tổ chức quốc tế gì gì đó, khó đọc thấy tía, nào là WHO, RSF, PEN, Human Rights, Amnesty, Minh Bạch quốc tế… này nọ, hở ra là xách mé chê bai chánh phủ tui. Ba cái tổ chức đó tụi tui hổng coi ra ký lô ram gì ráo, đừng có mà lộn xộn, kể cả giải Nobel, có trao giải Nobel Hòa Bình cho lão Quảng Độ là tụi tui cũng chửi tới bến, chửi tắt bếp luôn. Coi gương mấy tổ chức NGO chuyên từ thiện kìa, họ mang tiền bạc, thuốc men tới bộn, thằng nào biết điều thì tụi tui bán cho một mớ con nít về làm con nuôi, thằng nào láng cháng là đuổi thẳng.

- Mấy cái hãng thông tấn, báo chí nữa, nào là BBC, RFA, DPA, VOA, rồi RFI, AFP, Reuter... Chiện nội bộ tụi tui xía dzô là tụi tui oánh xịt máu đầu, như thằng phóng viên AP dám binh vực Công giáo, dám chụp hình tụi tui tác nghiệp. Coi, TGM Hà Nội đứng đầu cả triệu giáo dân mà thích là tụi tui chửi, tụi tui cảnh cáo cái một. Sắp tới, Đảng tui bố trí cho anh Nông - Tổng bí thơ làm luôn chức Tổng Giám mục cho tiện cai trị luôn.

- Kính thưa các ngài sếnh sáng Trung Quốc vĩ đại. Em là kính phục các ngài lắm lắm, các ngài là mẫu mực để chúng em noi theo, em hổng phê phán chánh phủ, nhơn dân các ngài gì hết. Vụ Hòang Sa, Trường Sa (dạ, tức là Tam Sa) đâu vẫn còn y nguyên đó, hồi xưa 50 năm trước, tể tướng tụi em đã dâng cho các ngài rồi, chúng em cứ thế mà làm thôi. 16 chữ vẫn vàng rực trong tâm khảm tụi em. Dân em có đứa nào hó hé biểu tình chửi bới các ngài là em tém dẹp liền, lão Điếu Cày chúng em bỏ tù, bắt nộp phạt tơi bời, hổng để phiền các đại nhơn ra tay. Thiên triều các ngài mới cử tàu Trịnh Hòa tới Đà Nẵng với hàm ý gì thì chúng em dư hiểu, các ngài cứ yên tâm, mà em cũng chỉ gọi đại nhơn Trịnh Hòa là Zheng He thôi đặng bọn sinh viên hổng biết mà khích động. Nội bộ tụi em có thằng nào ngo ngoe làm thân với Mỹ là tụi em triệt liền, hổng để các ngài mích lòng. Mỏ dầu ở biển Đông, (à quên biển Nam Hải) của các ngài thì các ngài từ từ khui, chia cho tụi em phần nào hay phần đó, ngư dân tụi em hay tàu ngọai bang nào léo hánh tới đó các ngài cứ bắn thả giàn. Tụi em sẽ đều đều triều cống món ngon vật lạ, kể cả gái đẹp dân em cho các ngài thụ hưởng.

Tới đây, cơ bổn là tui đã làm công tác đối ngoại gọn gàng. Nay bố cáo cho toàn đảng, toàn dân, toàn quân rõ là dù thế nào thì thế chúng ta phải luôn tự hào, hổng được phép nhẹ dạ mà nghe kẻ ngọai bang đặng hổ thẹn. Nước nào sỉ nhục ta là nó tự sỉ nhục cha nó, ta cứ hiên ngang giơ hộ chiếu Việt Nam Quang Vinh cho bọn nó ngán. Bác chúng ta đã nói rồi, ta đánh thắng mấy đế quốc là sẽ có thể sánh vai với cường quốc năm châu. Bác rất khiêm tốn nên chỉ nói sánh ngang chứ thiệt ra, ta thừa sức đi tắt, đón đầu, vượt trước để lãnh đạo toàn thế giới luôn. Muôn năm, muôn năm, vạn tuế, vạn tuế Đảng ta.

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

CHÍNH QUYỀN HÀNH XỬ KIỂU GÌ ?

Hành động khó hiểu phơi bày sự thật dễ hiểu

Dường như thấy rằng những hậu quả, những hành động của chính quyền trong trận lụt vừa qua chưa đủ để nhân dân phẫn nộ, đêm 15/11/2008, nhằm ngày lễ Các Thánh tử đạo Việt Nam, chính quyền phường Quang Trung thuộc quận Đống Đa đã dẫn đầu một đoàn ô hợp đến phá cổng đền Giêrađô tại Giáo xứ Thái Hà gây huyên náo cả khu vực, bắt đầu vào lúc 22 giờ đêm.

Khác với những lần trước, lần này, chính quyền và công an phường xuất hiện đầu tiên, dẫn theo một nhóm người hung hãn chửi bới và thoá mạ tôn giáo một cách ngang nhiên, cùng nhau lay giật cửa Đền Thánh Giêrađô ầm ầm cả đêm. Họ bất chấp sự bình yên của người dân ở khu dân cư cạnh đó. Họ bất chấp số phận và sinh mệnh của những bệnh nhân đang cần yên tĩnh trong bệnh viện ngay gần kề. Họ bất chấp những nguyên tắc và sự yên bình của một dòng tu mà Hiến pháp, Pháp luật đã ghi bằng giấy trắng mực đen là được bảo hộ.

Ông Hoan, Chủ tịch Mặt trận phường, là người có mặt đầu tiên trong đám la hét, vậy nhưng sau đó lại ra giả vờ hỏi han những lời tử tế và đã bị giáo dân vạch mặt. Các cán bộ chủ chốt của phường và đoàn thể như uỷ ban, công an, phụ nữ… đã dẫn đầu đám dân này.

Những diễn biến của sự việc đã được các bài tường thuật, các bản tin tả chi tiết. Chuông nhà thờ đổ hồi dài, tiếng xe, tiếng người hối hả chạy đến Thái Hà. Cuối cùng, trước sự phản ứng của nhân dân, của giáo dân và các linh mục, tu sĩ, đám người kia phải rút lui.

Đám người kia đã cùng với cán bộ, công an rút đi, nhưng hậu quả họ đã để lại là gì? Chẳng cần bình luận nhiều, những người chứng kiến đều hiểu.

Nếu những giáo dân Thái Hà không nhẫn nhục nghe lời các chủ chăn mà im lặng, liệu sự việc có được yên? Nếu những người kéo nhau vào phá cửa Đền Giêrađô kia tràn vào khu đất nhà thờ, việc gì sẽ xảy ra?

Hành động này một lần nữa làm cho người ta thấy khó hiểu với cách hành động của chính quyền. Tại sao họ làm vậy vào thời điểm hiện nay?

Nhiều người cho rằng, họ muốn lập thành tích chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc quận Đống Đa mà các khẩu hiệu chào mừng đang giăng đầy đường phố. Họ muốn nói với cả cộng đồng nhân dân rằng, câu khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” ngày nào của Hồ Chí Minh chỉ là dĩ vãng.

Có người cho rằng chính quyền đã quyết định thách thức nhằm đẩy giáo dân vào con đường tử đạo đến nấc thang cuối cùng nên nhằm ngày lễ “Các Thánh Tử đạo Việt Nam” để ra tay?

Người thì cho rằng, họ tiếp tục hà hiếp tu sĩ, giáo dân Thái Hà như một việc làm khoái trá. Họ làm vậy để thoả mãn tính kỳ thị tôn giáo sau khi được hệ thống truyền thông nhà nước “vẽ đường”.

Bởi họ thấy giáo dân quá hiền lành và kiên nhẫn, muốn đánh, muốn chửi cũng cứ vô tư. Họ nghĩ rằng, đám giáo dân tay không kia không hề phản ứng, chỉ âm thầm chịu đựng và cầu nguyện, vì vậy, họ có thể làm bất cứ điều gì, vào bất cứ lúc nào? Họ tự tin, vì đằng sau họ là công an, là chính quyền, là mặt trận?

Những gì đã xảy ra với giáo dân và tu sĩ Thái Hà làm người ta liên tưởng tới bộ phim về thế giới động vật, một con hươu con lạc vào giữa bầy sói và mỗi con cắn một miếng tuỳ thích để cuối cùng cả đàn cùng nhau xẻ thịt. Có phải những người tổ chức sự việc này đang muốn diễn lại cảnh đó trên đất Thủ đô ngàn năm văn hiến?

Phải chăng, họ đang định diễn lại trò làm vườn hoa, để các cấp chính quyền trung ương và thành phố tiếp tục rót tiền xuống cho họ, những cái đèn xanh cho họ mặc sức hành động mà bất chấp những nguyên tắc pháp luật thông thường? Hay chỉ đơn giản là ngày mai, họ lại có cớ mà chi hàng đống tiền cho những sự việc này?

“Quần chúng tự phát” và chính quyền làm việc ban đêm – con bài lỗi thời và phạm pháp

Điều cần nói ngay là tại sao chính quyền phường Quang Trung đã không làm việc ban ngày với Nhà thờ Thái Hà về những việc có liên quan, để đến đêm khuya mới dẫn đám người kia vào gây huyên náo khu vực? Tại sao phải đợi đến khi bóng đêm đã dày đặc và dân chúng đã chìm vào giấc ngủ mà hành động? Đó có là hành động “quang minh, chính đại” hay không?

Những người đã gây ra những việc tương tự và sự việc tối 15/11 này có biết họ đang vi phạm pháp luật ngang nhiên không? Tôi nghĩ là có. Việc nửa đêm kéo đến nơi tu hành, nơi nhà ở của nhân dân bất cứ là ai, để hò hét đe doạ, đập phá là việc không thể coi là hợp pháp dù với bất cứ lý do nào. Việc cán bộ chính quyền, công an, đoàn thể có mặt mà không ra tay dẹp loạn, là sự vi phạm pháp luật rõ ràng.

Hậu quả của những việc đó có lớn không? Rõ ràng là rất lớn, bên cạnh dòng tu, khu dân cư, bệnh viện… thì việc gây huyên nào cả khu vực không thể gọi là nhỏ. Việc đe doạ phá hoại tài sản người khác, uy hiếp tính mạng cả một cộng đồng không thể coi là việc nhỏ.

Cái gọi là “quần chúng tự phát” đã được nhiều báo chí, quan chức nhà nước đưa ra để bào chữa cho những hành vi vi phạm pháp luật ngang nhiên, nhằm chối tội trước dư luận trong và ngoài nước như vụ 21/9, khi hàng ngàn người được huy động đến bao vây phá hoại Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà cả đêm, cũng như bao vây Toà Tổng Giám mục Hà Nội, mà không ai chịu trách nhiệm.

Ai cũng biết, quần chúng nhân dân sau mấy chục năm sống trong chế độ “Xã hội chủ nghĩa” đã miễn dịch với những bất công và vô lý trong xã hội ngay cả với những chuyện bức xúc nhất. Còn những người tâm huyết với nhân dân, với đất nước, đang bị đối xử như thế nào. Những người biểu tình chống bọn Đại Hán ngang nhiên chiếm Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đã bị ngăn cản, bắt giữ ra sao.

Nếu đám quần chúng tự phát kia có lòng đấu tranh chống những điều bức xúc của nhân dân, hẳn họ đã kéo nhau không chỉ một lần mà sẽ là nhiều lần đến ngay nhà Phó Chủ tịch TP Đỗ Hoàng Ân để làm rõ câu hỏi: “Tại sao ông không chỉ đạo thực hiện làm đường thông từ hồ Đống Đa ra Láng Hạ qua ngõ 25 và 39 theo đúng quy hoạch đã được điều chỉnh theo Quyết định 104 nêu trên, lại tích cực chỉ đạo dẹp biết bao nhà dân để mở đường thông qua ngõ 59 đi qua nhà ông ta”? Đoạn đường đến nhà Đỗ Hoàng Ân chắc gần hơn nhiều đến Thái Hà.

Đến nay, câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ như một nỗi nhục và là sự hèn nhát, cậy mạnh ép yếu theo đóm ăn tàn của những kẻ bất chấp lương tâm và đạo đức, bất chấp liêm sỷ và chuyện phúc đức hậu thế cho con cháu.

Nhìn gương mặt của những kẻ già nua hò hét kêu gọi những lời khát máu, tôi không thể tưởng tượng được họ đã sống và làm những gì cho đất nước này trong quá khứ và hiện tại. Càng không thể hiểu họ có khi nào để cho lương tâm con người trong họ được một lần cất tiếng nói hay không? Và tôi cũng có thể tưởng tượng được hình ảnh họ trong con mắt con cháu họ như thế nào.

Những mô hình gia đình các “giáo gian” cốt cán, các cán bộ tham nhũng, chỉ biết nhằm mấy đồng tiền nhơ bẩn làm mục đích, là tấm gương, mô hình cho những người có nhu cầu tốt đẹp và lương thiện phải tránh xa.

Bất cứ ai, khi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm, đó là quy định hiển nhiên của luật pháp. Vì vậy, dù họ là quần chúng hay công an, hoặc cán bộ nhà nước, kể cả tổng bí thư, chủ tịch nước vi phạm pháp luật, đều phải được đối xử công bằng. Như vậy mới là một nhà nước pháp quyền, lấy pháp luật làm căn cứ điều hành xã hội.

Vậy hệ thống chính quyền và các cơ quan pháp luật đã làm gì?

Những người giáo dân cho rằng, tài sản của mình bị chiếm đoạt vô lý, đã làm đơn khiếu nại cả chục năm không được giải quyết thoả đáng, bởi những căn cứ được cung cấp cho giáo dân đã thể hiện sự phi pháp của việc chiếm đoạt khu đất của họ trước đây (điều này, ngay trong cáo trạng của VKSND quận Đống Đa đã nói rõ về ngày cấp đất cho Xí nghiệp Thảm len là ngày 31/1/1961 theo Quyết định 76, trong khi chính TP Hà Nội đã giấu nhẹm chứng cứ này khi cung cấp cho Nhà thờ để biện minh rằng “đất được giao cho chính quyền từ năm 1963”?) nên họ đã đến cầu nguyện và dỡ bỏ một đoạn hàng rào để tiếp cận tài sản của mình thì đang trong vòng lao lý, chờ một phiên toà, mà ngay khi chưa xét xử, toà đã trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra thêm tội.

Giáo dân cầu nguyện ôn hoà, không hề la hét, không hề đòi doạ giết ai, không có bất cứ một tấc sắt trong tay, cầu nguyện có giờ, có buổi đã được ghép cho tội “gây rối trật tự công cộng”. Vậy những hành động phá hoại tài sản người khác, làm náo loạn khu vực dân cư, bệnh viện, nơi thánh thất lúc nửa đêm, cần được coi là phạm tội gì? Ai là người chịu trách nhiệm và ai sẽ bị đưa ra xét xử để đảm bảo cho việc thực thi pháp luật?

Việc những giáo dân dỡ bỏ đoạn tường rào mà họ cho là đang xây dựng bất hợp pháp với đầy đủ chứng cớ của họ, đã bị ghép vào tội “phá hoại tài sản”. Vậy những kẻ ngang nhiên dùng ô tô kéo đổ cửa sắt đền Thánh Giêrađô lúc nửa đêm có cả hàng loạt cán bộ, công an đứng đó sẽ được xử lý với tội gì?

Nếu cho rằng đó là đám “quần chúng tự phát” nên họ không có tội, vậy giáo dân có được coi là quần chúng không? Việc cầu nguyện kia có thể coi là “tự phát” không hay đương nhiên là hành động gây rối trật tự công cộng?

Những cán bộ, chiến sĩ công an có trách nhiệm bảo vệ sự an bình của nhân dân, sự ổn định xã hội, những cán bộ chính quyền có mặt lúc giáo dân phá hàng rào và đám “quần chúng” phá cửa Đền Giêrađô sẽ chịu trách nhiệm gì khi để vụ việc ngang nhiên xảy ra trước mắt mình mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời? Họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình được nhân dân thuê họ bằng tiền dân đóng góp chưa? Hay chỉ có việc theo dõi giáo dân, nhằm có thể quy tội họ bất cứ lúc nào?

Tất cả những điều trên, cần có một câu trả lời bằng hành động thực tế từ nhà cầm quyền. Để những người dân bình thường còn có chút niềm tin và hi vọng vào một xã hội được minh định nhiều lần rằng “Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” thay cho câu khẩu hiệu “Sống làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã không thấy được nhắc đến từ lâu.

Không làm được những điều đó, thì xin đừng nói đến những điều ghê gớm và hoa mỹ, bởi chúng chẳng thể lừa bịp được ai. Và khi đó, câu nói “mọi người đều bình đẳng” được ghi ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 liệu có còn ý nghĩa hay cần xem xét lại?

Tai mắt nhân dân không còn như những ngày nào chỉ biết nghe và tin. Họ đều có những cảm nhận và suy nghĩ của họ.

Thiết nghĩ rằng, đó là những điều không thể bỏ qua nếu muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hà Nội, Ngày 16 tháng 11 năm 2008

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Việt Nam : Người Công Giáo cưỡng lại Đảng



Trong khi chính quyền CS bảo vệ quyền lợi của những người tham nhũng trong chế độ, thì Giáo hội là nơi ẩn náu của những người thấp cổ bé miệng.

Hiện nay chưa phải là tình trạng đoạn tuyệt như Ba Lan vào thập niên 1980 hay một hài kịch dễ thương theo kiểu Don Camillo đối đầu với Peppone. Nhưng tại Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo tự khẳng định trong những tháng vừa qua như là lực lượng duy nhất có khả năng đứng dậy đối kháng với chính quyền Hà Nội, và làm cho chính quyền phải uốn mình.

Ngay giữa lòng thủ đô, cách nhà thờ chính tòa hai trăm thước, tại khu vực du khách, những mảnh đất mà Khâm sứ Tòa Thánh cư ngụ vào thời thuộc địa Pháp, từng được qui hoạch để trở thành một hộp đêm, rồi một siêu thị. Dĩ nhiên, Đảng Cộng Sản làm như thế là để thử khả năng đối kháng của Giáo Hội về vấn đề này. Và họ đã phải trả giá: hằng ngàn tín hữu, suốt bao nhiêu ngày, đã tuôn về nơi đấy, trong thái độ ngồi yên ôn hòa và thinh lặng.

Tại Việt Nam, từ ngày cách mạng đến nay, đây là điều chưa từng thấy. Ngày 19 tháng 9 vừa qua, Đảng đã lùi bước: Đảng đã ra lệnh phong tỏa khu vực với lực lượng cảnh sát trang bị súng đạn và dùi cui, cho xe ủi đất đến phá sập tường rào nơi đó, một nơi mang rất nhiều ý nghĩa biểu trưng đối với người Công Giáo. Hai hôm sau, mười ngàn tín hữu, cùng với toàn bộ chủng sinh đại chủng viện, tập họp tại đấy hát “Kinh Hòa Bình” của thánh Phanxicô Assisi. Và rốt cục hai bên đều không mất mặt, vì nơi ấy cuối cùng trở thành… công viên.

Đội ơn Chúa, tòa Khâm Sứ xưa sẽ không trở thành nơi buôn bán. Nhờ Đảng Cộng Sản, Nhà Nước Việt Nam cho thấy rằng họ không lùi bước trước áp lực của những người đại diện Vatican.

Giữa hai lực lượng gờm nhau suốt nửa thế kỷ, người Cộng Sản và các Giám Mục Việt Nam biết nhau rất rõ. Tại Hà Nội, họ sống chung với nhau trong tình trạng bắt buộc và căng thẳng, thường là xót xa hơn là thoải mái đối với Kitô hữu.

Sáu Triệu giáo dân

Sáu triệu giáo dân trong nước (gồm 7% trong số 85 triệu dân) rất hiệp nhất sau lưng vị Hồng Y tại TP Hồ Chí Minh, Đức Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, 26 giám mục và Tổng giám mục Hà nội, Đức Cha Ngô Quang Kiệt.

Phía bên kia, người cộng sản chia thành hai phe: phe bảo thủ theo đường lối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và phe trẻ hơn, sẵn sàng thiên về phía Hoa Kỳ, để tránh cho Việt Nam rơi vào nanh vuốt của con hổ Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp và đáng căm hờn. Như lời của một nhà báo trẻ tại Hà Nội: “Mỹ là kẻ thù của chúng tôi cách đây 30 năm, Pháp thì cách đây 60 năm, còn Trung Quốc thì liên tục suốt bốn ngàn năm qua.

Xung đột hiện này giữa công giáo và cộng sản liên quan đến các thửa đất và tòa nhà do Việt Minh tịch thu vào năm 1954. Cần phải quay về quá khứ để hiểu vấn đề này. Sau Hiệp Định Genève năm 1954 và đất nước chia đôi, một triệu người miền Bắc, trong số đó có 600.000 người công giáo, di cư vào Nam, như Hiệp Định đã cho phép. Nhưng tại Hà Nội, Giáo Hội Công Giáo đã bị lột trần, các linh mục cuối cùng đều bị giam giữ hay bách hại đến độ mất trí. Giữa thập niên 1980, bước theo Trung Quốc nhưng chậm hơn 5 năm, Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu mở cửa kinh tế để đón nhận đầu tư nước ngoài, và điều này đòi hỏi phải tôn trọng vài loại tự do cá nhân. Cho đến giữa thập niên 80, các nhà thờ đều bị cộng sản đóng cửa. Thế là bấy giờ có một sự nới tay.

Hiện nay, 350.000 giáo dân thường xuyên dự lễ ở các nhà thờ tại Hà Nội, và 550.000 giáo dân khác tại Hải Phòng. Đức Cha Nguyễn Chí Linh, giám mục Thanh Hóa giải thích như sau: “Trong quá khứ, chúng tôi không được rao giảng Phúc Âm cho người lương; hiện nay chủng viện chúng tôi thì đầy ắp. Giáo hội là cộng đồng duy nhất giữa lòng dân tộc đã dám lên tiếng. Chỉ có người Công Giáo mới dám tỏ thái độ một cách công khai!”

Cuộc đảo lộn tương quan lực lượng giữa ý thức hệ của Đảng Cộng Sản và các tín hữu dĩ nhiên đi kèm với sự cất cánh kinh tế của nước Việt Nam, giờ đây đã trở thành ‘con rồng nhỏ’ trong khu vực. Đất nước hiện nay tràn ngập vốn tư bản từ Nhật Bản, Hàn-Quốc, Đài-Loan, Xinh-ga-po và - đây là điều mới - từ Du-bai và A-rập Xê-u-dit. Một nhà ngoại giao Châu Âu giải thích: “Hiện nay tại Việt Nam, có 40 tỉ dành cho các dự án bất động sản, mà một trong các dự án là xây dựng một thành phố Dubai mới. Việt Nam đã trở thành nhà máy rửa tiền cho những đồng vốn đáng nghi ngờ trên hành tinh”.

Tại phường Hoàn Kiếm, quanh nhà thờ chính tòa do người Pháp xây dựng, mỗi thước vuông đất có giá là 20.000 USD, nghĩa là giá cao gấp ba lần so với khu trung tâm Bangkok. Dĩ nhiên, trong một cơ chế mà chính quyền Sô Viết rất thoải mái ủng hộ loại chủ nghĩa tư bản theo kiểu Dickens, thì Giáo Hội yêu cầu trả lại những tài sản đã bị tịch thu. Có hàng ngàn bất động sản như thế trên khắp đất nước.

Tại cố đô Huế, tiểu chủng viện đã trở thành một khách sạn hạng sang của thành phố. Một nhà thờ tại Hà Nội đã biến thành kho chứa hàng. Tại Đàlạt, đỉnh nhà nguyện của Viện Đại Học được gắn một ngôi sao đỏ. Dòng kín Hà Nội lột xác thành bệnh viện. Một cơ sở của các nữ tu, tại TP Hồ Chí Minh, giờ đây là một sàn nhảy; tập viện tại Huế là một siêu thị. Mỗi rẻo đất là cả một đống vàng. Một nhà ngoại giao Anh giải thích: “Những giáo dân lớn tuổi ủng hộ Giáo Hội trong cuộc đấu tranh này, vì việc hoàn trả tài sản cho Giáo Hội sẽ tạo nên một tiền lệ, Đảng Cộng Sản buộc phải trả lại hằng hà sa số tài sản cho chủ nhân trước đây.”

Vì thế Đảng không chùn bước, tuy nhiên không phải vì thế mà Đảng đang ở thế mạnh. Vì nền kinh tế sục sôi, bắt đầu bốc mùi khét, và có nguy cơ bùng nổ. Quả thật, trên đường phố Hà Nội, những trưởng giả mới đang phô trương sự giàu có của mình, họ kênh kiệu đi những chiếc xe Porsche Cayenne; các nhãn hiệu hạng sang thì đầy đẫy trong những phòng trưng bày của các khách sạn năm sao; và thành phố, dưới các máy xúc của những người hãnh tiến, mất đi vẻ đẹp xưa kia của mình. Thế nhưng trên cái vũng lầy của một đất nước được quản lý tồi tệ này, mà ngân sách công cộng rất mù mờ, mà lạm phát bùng lên đến 27% mỗi năm, thì những túp lều nghèo xơ nghèo xác mọc lên như cỏ dại hai bên bờ sông Hồng,… còn linh mục chính xứ chính tòa thì trao phép thanh tẩy cho 9.000 trẻ em mỗi năm; Giáo hội thu hút rất nhiều đôi vợ chồng trẻ, bởi vì Giáo hội đã thể hiện là Giáo Hội của nhân dân.

Lương hằng tháng của một kỹ sư thì dưới 100 Euros, của một bộ trưởng là 250 Euros và, như lời của ông Hoàng, một cán bộ cao cấp, “thế thì không thể tránh được cám dỗ, bởi vì cần ít nhất là 300 Euros mỗi tháng thì mới nuôi nổi gia đình mình”. Như thế, Việt Nam đang mắc căn bệnh tâm thần phân lập, giữa thực tế là các bộ trưởng đi trên những xe hơi hạng sang và cho xây những cung điện nguy nga, và một thực tế khác là chính quyền không còn chút uy quyền tinh thần nào nữa. Những hình ảnh thường ngày ngoài đường cho thấy rõ điều đó: một anh chạy xe gắn máy bị cảnh sát thổi nhưng vẫn tiếp tục vừa chạy vừa cười, trong khi người cảnh sát rượt đuổi hụt hơi, còn đám đông thì đứng nhìn chế nhạo.

Trong cái bối cảnh hậu cộng sản vô luật lệ này, Giáo hội chia sẻ với người nghèo, quở trách kẻ có quyền: Giáo hội thể hiện mình là chốn nương tựa. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chứng kiến sự đổi mới đức tin ngoạn mục nhất: các thành phố nhỏ tại đây xây dựng những thánh đường rộng lớn. Tại Hà Nội, chỉ cần tổng giám mục đặt tượng Đức Mẹ Maria sau một chấn song là người ta ùn ùn đổ xô đến đấy.

Tiếng nói tuyệt đối tự do

Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi giáo dân gieo mầm xào xáo đến tận lòng Đảng Cộng Sản. Điều này thể hiện vào mùa thu năm nay, qua những lời tuyên truyền đả kích mạnh mẽ của Nhà Nước đối với tổng giám mục Hà Nội, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt. Ngài nói: “Việc đòi đất đã tràn lan trên khắp đất nước Việt Nam, vì luật không công nhận quyền tư hữu, và điều này mở đường cho lắm trường hợp tham nhũng.”

Ta đã thấy rõ lý do: Giáo Hội bảo vệ quyền lợi của người thấp cổ bé miệng; còn Đảng thì bảo vệ quyền lợi của những kẻ tham nhũng. Mọi giám mục mà tôi gặp đều nói lên tiếng nói tuyệt đối tự do đối với chính quyền, cứ như thể là chính quyền đã mất đi khả năng gây phiền toái rồi.

Dù sao đi nữa, Đảng này đang đi vào một trong những cơn co giật trước khi trút hơi thở cuối cùng, bởi lẽ người cộng sản bảo thủ ở Việt Nam hiện nay buộc phải nương tựa vào các đồng chí Trung Quốc để thắng phe cấp tiến. Thủ tướng chính phủ, người đã gặp Giáo Hoàng Bênêđitô XVI tại Rôma năm vừa qua, đã bị những kẻ ‘phản động’ ấy làm suy yếu. Thật là một kết cục đáng buồn cho một Đảng Cộng Sản từng được bao phủ vinh quang, nhưng giờ đây, để dối diện với đất nước mình, thì lại cầu vả sự che chở của Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của mình trong suốt bốn ngàn năm.

Tác giả: François Hauter - Đặc phái viên báo Le Figaro tại Hà Nội.

Chuyển ngữ: Trần Duy Nhiên

Nguồn Le Figaro: Vietnam : les catholiques résistent au Parti, 13-11-2008.

http://www.lefigaro.fr/international/2008/11/13/01003-20081113ARTFIG00304-vietnam-les-catholiques-resistent-au-parti-.php

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Trịnh Hòa là ai mà léo hánh Đà Nẵng

. Đinh Tấn Lực

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Dũng vừa thông báo Tuần dương hạm Trịnh Hòa của Trung Quốc sẽ cặp cảng Đà Nẵng từ ngày 18-11 đến ngày 22-11-2008. Cùng lúc, Ban Tuyên giáo Trung ương lại chỉ thị cho dàn truyền thông ở đây “tuyên truyền chừng mực, không ồn ào” và nên dùng tên phiên âm là Zheng He thay vì từ Hán Việt là Trịnh Hòa.

Vậy, Trịnh Hòa là ai? Có liên hệ gì tới Việt Nam? Vì sao Hà Nội lại phải sợ húy kỵ?

zhenghe_warship

Phần đông du khách Việt Nam đến viếng Malacca, Mã Lai (cạnh eo biển giữa Mã Lai & Singapore) đều khá ngạc nhiên về kiến trúc của thành phố cổ này không khác gì Hội An của ta. Từ mái ngói, cổng chùa, cửa hàng, con hẽm, cho tới cả món cơm gà hấp…

Đến khi ghé vào nhà Bảo tàng Lịch sử ở khu Tháp Đồng Hồ (Clock Tower), người ta mới khám phá ra điểm chung của Malacca và Hội An: Cả hai cùng nằm trên bản đồ hải hành của Thủy sư Đô đốc TQ Trịnh Hòa cách đây đã 600 năm.

map1

Trịnh Hòa (Zheng He / Cheng Ho), sinh năm 1371, tên thật là Mã Hòa (Ma Ho), thuộc dòng dõi một gia đình chiến tướng Mông Cổ từng viễn chinh rồi định cư ở Makkah, Ả Rập Saudi, và theo đạo Hồi. Trong triều nhà Minh, Trịnh Hòa được biết đến dưới tên gọi là Mã tam bảo Thái giám, có tài thủy chiến, thông thạo ngôn ngữ Ả Rập, am hiểu cả thiên văn, địa lý. Đến năm 1404, Thái giám Mã Hòa được hoàng đế Vĩnh Lạc (tức Minh Thành Tổ Chu Đệ, con thứ tư của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương) sắc phong cho đổi tên hoàng tộc thành Trịnh Hòa.

Cùng thời, một thái giám người Việt Nam tên là Nguyễn An (vốn là một kiến trúc sư, do Hồ Hán Thương con của Hồ Quý Ly cống nạp để được Bắc Triều sắc phong chức An Nam Quốc Vương) cũng từng được Minh Thành Tổ Chu Đệ giao cho trọng trách xây dựng thành Bắc Kinh (tên cũ là Yên Kinh) từ năm 1404, đến năm 1420 mới hoàn tất.

Năm 1405, Chu Đệ sai sứ sang Việt Nam đòi đất Lộc Châu. Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương sai Cát địa sứ Hoàng Hối Khanh cắt đất của 59 thôn ở Cổ Lâu dâng cho nhà Minh. Đó là giai đoạn khởi đầu thời Minh thuộc của Việt Nam ta, trước khi người anh hùng áo vải đất Lam Sơn Lê Lợi dấy binh dựng cờ khởi nghĩa giành lại độc lập cho nước nhà.

Cũng bắt đầu từ năm 1405, kéo dài cho đến 1433, Trịnh Hòa đã chỉ huy các đoàn chiến thuyền và thương thuyền TQ thực hiện bảy chuyến viễn dương chu du qua 37 nước ven biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, tổng cộng gần 300.000 cây số, tương đương với hơn 7 vòng trái đất.

Chuyến xuất phát của hạm đội Trịnh Hòa vào năm 1405 (tức 87 năm trước chuyến thám hiểm của Christopher Columbus) bao gồm 317 chiến thuyền và thương thuyền chở tơ lụa, vàng bạc, khí cụ… với 27.870 thủy thủ, binh lính, thông ngôn, thương nhân, thầy thuốc và các nhà địa lý Tàu. Đa phần các thương thuyền này dài khoảng 100m, tương truyền rằng chiếc soái hạm dài đến 140m (tức gấp 5 lần chiếc tàu của Columbus khám phá ra Tân đại lục lúc gần cuối thế kỷ 15, và gấp đôi chiếc tàu hơi nước đầu tiên xuyên Đại Tây Dương 4 thế kỷ sau nó). Trên hải trình đi vào vịnh Thái Lan rồi xuyên eo biển Malacca để vòng qua Ấn Độ Dương, cảng đầu tiên đoàn tàu này ghé lại chính là Hội An.

chinazhengheship1405vssantamaria500pxw

Trong những chuyến sau đó, hạm đội củaTrịnh Hòa đã hướng đến vịnh Ba Tư, Biển Đỏ, ghé lại Mogadishu, Matindi, Mombassa, Zanzibar và có thể họ đã đến cả Mozambique. Đến chuyến thứ bảy, họ đến châu Phi, và có giả thuyết cho rằng họ đã khám phá ra châu Mỹ trước cả Columbus. Tuy nhiên trên đường về, vào năm 1433, Trịnh Hòa đã qua đời sau khi ghé hải cảng cuối cùng là Calicut, nam Ấn Độ. Trịnh Hòa đã được thủy táng trên biển Ấn Độ, theo nghi thức Hồi giáo, cùng với bộ phận trên người từng bị cắt và ướp giữ khi làm thái giám (để đầu thai nguyên vẹn kiếp sau, theo cách tin của người TQ).

trinhhoa00

Hạm đội Trịnh Hòa, vào đầu thế kỷ 15, chính là niềm tự hào tột đỉnh của TQ về sức mạnh thiên triều trên cả mặt biển. Trịnh Hòa đã đặt nền móng chủ nghĩa thực dân của TQ trên những vùng đất từ Đông Nam Á qua tới Ấn Độ và vịnh Ba Tư mà phải non thế kỷ sau đó, các đế quốc thực dân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Tây Ban Nha mới đến (theo dấu đoàn thám hiểm Vasco de Gama đi vòng từ phía tây châu Phi).

Theo học giả Nguyễn Huy Đức ở Pháp trên một bài khảo cứu về các chuyến viễn dương của Trịnh Hòa, thì “Nhiệm vụ của hạm đội này là thám hiểm các đại dương và làm cho thiên hạ nể sợ ‘oai trời’ mà chấp nhận triều cống nhà Minh. Trong ngày khánh thành Cấm Cung (năm 1421), Trịnh Hòa đã đưa về Bắc Kinh các vua chúa và sứ thần từ các nước Á châu, Ả rập, Phi châu để vào chầu Hoàng đế Vĩnh Lạc. Sự việc này chứng tỏ rằng nhà Minh đã chủ trương áp đặt hệ thống triều cống lên những quốc gia mà họ đã đặt chân đến”.

zhenghecoin

Cùng thời với các chuyến hải hành của Trịnh Hòa là giai đoạn nhà Minh chiếm đóng Việt Nam (1406-1427), với các tên thái thú Trương Phụ, Mộc Thạnh, Hoàng Phúc, Lý Bân, Mã Kỳ… Trong đó, Hoàng Phúc là kẻ thi hành triệt để chủ trương của Minh triều là đồng hóa dân ta.

Sách Việt Nam Sử Lược của học giả Trần Trọng Kim viết: “Từ khi nhà Minh sang cai trị An Nam, dân ta phải khổ nhục trăm đường, tiếng oan không kêu ra được, lòng tức giận ngấm nghía ở trong tâm can, chỉ mong mỏi ra cho khỏi đống than lửa”.

Tình hình trong nước bấy giờ được mô tả là dân tình điêu linh cực khổ nhất trong các thời Bắc thuộc, vì lẽ: “những người An Nam như Nguyễn Huân, Lương Nhữ Hốt, Đỗ Duy Trung theo hàng nhà Minh, khéo đường xu nịnh, được làm quan to, lại càng ỷ thế của giặc, làm những điều tàn bạo hung ác hơn người Tàu. Vả, trong những lúc biến loạn như thế, thì những đồ tham tàn gian ác, không có nghĩa khí, không biết liêm sĩ, lại càng đắc chí lắm, cho nên dân tình cực khổ, lòng người sầu oán”.

Xem ra, thời nay không khác là bao.

Trong cuộc tranh luận về chủ quyền lãnh thổ giữa VN và TQ, Bắc Kinh đã viện dẫn các chuyến hải hành của hạm đội Minh triều để lập luận rằng Trịnh Hòa đã khám phá ra Hoàng Sa và Trường Sa, và dùng đó để phản bác các chứng cứ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này từ nhiều thế kỷ trước đó.

Lãnh đạo Hà Nội, trong tư thế chư hầu khăn quàng đỏ của TQ, đã:

- ký công hàm 14-9-1958 công nhận chủ quyền của TQ trên quần đảo Trường Sa;

- không dám lên tiếng khi Quốc vụ viện TQ ban bố lệnh sáp nhập quản lý hành chánh huyện/thị xã Tam Sa bao gồm cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa vào tháng 11-2007;

- khủng bố các cuộc tuần hành của thanh niên sinh viên VN phản đối vụ Tam Sa, tháng 12-2007;

- bắt nguội, đàn áp, truy bức và áp án những người biểu tình phản đối vừa nói, kể cả nhà báo tự do Điếu Cày, ngày 20-4-2008;

- ruồng bố sinh viên thanh niên VN có ý định tuần hành phản đối TQ, ngược lại, bảo kê cho “du khách TQ” độc quyền biểu tình ủng hộ cuộc rước đuốc Olympic ngang qua Sài Gòn ngày 29-4-2008;

- ngoan ngoãn chấp nhận “tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước” và bảo đảm sự ổn định của vùng biển mà TQ gọi là biển Nam Trung Hoa, cũng như không tiến hành bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình (Nguyễn Tấn Dũng, 25-10-2008).

- rập đầu trước Ủy viên Thường vụ BCT/TQ Chu Vĩnh Khang, rằng: “trước sau như một, luôn hết sức coi trọng, chân thành mong muốn và làm hết sức mình để phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị truyền thống với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt” (Nông Đức Mạnh, 29-10-2008).

trinhhoacanon

Một tháng sau khi TT Nguyễn Tấn Dũng khấu kiến Bắc Kinh và Ủy viên BCT/TQ Chu Vĩnh Khang tham quan Hà Nội, chiến hạm Trịnh Hòa (chứ không phải là bất kỳ một chiến hạm nào khác) của TQ ghé cảng Đà Nẵng. Lãnh đạo tối cao của Hà Nội lại ra chỉ thị cho dàn báo chính quy tránh nói tục danh Trịnh Hòa, và ra lệnh chỉ được phép tuyên truyền chừng mực. Tại sao?

Năm 2005, TQ tổ chức linh đình một lễ kỳ niệm 600 năm chuyến hải hành đầu tiên của Trịnh Hòa. Năm 2006, TQ cho trình chiếu một bộ phim 40 tập để tôn vinh “Trịnh Hòa – Một Columbus của TQ”, với các tài tử gạo cội Đạo Quốc Cường thủ vai Chu Đệ, Lý Tiểu Lộ thủ vai Hoàng hậu… Đây là màn giáo đầu tập huấn về vị trí, vai trò và truyền thống bá quyền của TQ đối với các lân bang nói riêng và cả thế giới, nếu cần, nói chung.

Kế đến, tuần dương hạm Trịnh Hòa là một chiến hạm tối tân, hạ thủy năm 1987, từ bấy đến nay đã từng ghé Trân Châu Cảng và nhiều hải cảng quốc tế phương Tây. Gần đây, nó được điều quay về “thăm viếng” các quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Trong số đó, nhiều người cho rằng điểm ghé thăm quan trọng nhất của chiến hạm Trịnh Hòa trong vùng này là Việt Nam, nhằm chuyển tải một số “thông điệp” cần thiết:

chinarules

- biểu dương cho nhân dân VN nhìn thấy sức mạnh cơ bắp về cả 3 mặt kinh tế - chính trị - quân sự của Bắc Kinh, và vị trí bá chủ biển Đông của TQ;

- biểu dương cho nhân dân VN nhìn thấy thế tranh chấp thượng phong của TQ thông qua lập luận Trịnh Hòa khám phá ra các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;

- biểu dương cho nhân dân VN nhìn thấy thành quả TQ khống chế lãnh đạo VN thông qua các cuộc khấu kiến, gần nhất là với TT Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nông Đức Mạnh…

*

Thông qua chiến hạm Trịnh Hòa, tinh thần “Hữu Nghị” của Bắc Kinh đồng nghĩa với “Khuất Phục”.

Đảng và nhà nước quang vinh đã cúi đầu thần phục. Chỉ thị “tuyên truyền chừng mực” và tránh kỵ húy Trịnh Hòa đã trọng thị biểu dương ý chí khuất phục cao độ đó trước thiên triều.

Còn nhân dân Việt Nam anh hùng thì sao? Ta cần làm gì để tỏ thái độ đối với sứ quán và lãnh sự quán TQ tại VN, trong dịp này, và liên tục cho đến ngày đánh dấu tròn một năm vụ việc Tam Sa?

14-11-2008

Blogger Đinh Tấn Lực.

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

Viên chức PCI nhận đã hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ 820,000 USD


Tuesday, November 11, 2008





*Công tố viên: Tổng số tiền hối lộ đã đưa quan chức CSVN là $2.43 triệu USD


TOKYO 12-11 (TH) .- Bốn viên chức công ty tư vấn kiến trúc kiều lộ của Pacific Conlsultants International (PCI) có trụ sở chính ở Tokyo, Nhật Bản, nhìn nhận trước tòa là họ đã đưa hối lộ nhiều lần cho một viên chức cao cấp của Sở Giao Thông Vận tải Sài Gòn số tiền khoảng $820,000 USD liên quan đến dự án xây dựng đại lộ Đông Tây của thành phố Sài Gòn.


Dự án Đại lộ Đông Tây dài 22 cây số gồm cả một con đường hầm chui qua sông Sài Gòn khu vực Thủ Thiêm vẫn chưa hoàn tất (các đoạn đừơng hầm đúc nổi đang bị nứt nẻ) với tổng vốn đầu tư khoảng hơn $600 triệu USD.

Bốn bị cáo gồm Masayoshi Taga, 62 tuổi, nguyên chủ tịch PCI; Kunio Takasu, 65 tuổi, nguyên giám đốc điều hành PCI; Haruo Sakashita, 62 tuổi, nguyên giám đốc của PCI; và Tsuneo Sakano, 59 tuổi, nguyên trưởng văn phòng tại Hà Nội của PCI. Tất cả đã bị truy tố vì vi phạm Luật Phòng Chống Cạnh Tranh Bất Chính với các điều khoản cấm hối lộ cho các quan chức các chính phủ ngoại quốc.


Cả 4 người nói trên đã nhận tội (pleaded guilty) trong phiên xử đầu tiên, dự trù nhiều ngày, tại tòa án quận Tokyo.

Cho tới nay, cả Hùynh Ngọc Sĩ đến chế độ Hà Nội đều phủ nhận có chuyện ăn hối lộ xảy ra trong dự án Xa Lộ Đông Tây cũng như những dự án xây dựng phát triển khác đựơc thực hiện với vốn vay ưu đãi của Nhật Bản, thường đựơc gọi tắt là ODA (Official Development Assistance).


Hùynh Ngọc Sĩ hiện vẫn còn là phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải thành phố Sài Gòn. Sau khi tai tiếng bùng nổ, đám cưới con Hùynh Ngọc Sĩ lấy con Lê Thanh Hải, bí thư thành ủy Sài Gòn, đã bị hủy bỏ dù thiệp cưới đã in xong với ngày giờ địa điểm tổ chức đã sắp xếp đâu vào đó. Cả Sĩ cũng như Hải đều xuất thân từ tổ chức “Thanh Niên Xung Phong”, một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN.


Nhiều dự án xây dựng do cái tổ chức “TNXP” đứng thầu xây dựng đều rất tai tiếng, gồm cả dự án xây dựng “cầu nổi Văn Thánh” chưa xây xong đã lún sụt. Báo chí trong nước đăng tải rất nhiều về những cái quái đản và kinh hoàng trong cái dự án này nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu.


Trong phiên tòa ở Tokyo ngày 12/11/2008, công tố viên cáo bụôc rằng PCI đã bơm tốn phí của các dự án ODA để họ biết chắc là có lời để ăn cho dù phải hối lộ các quan chức CSVN có trách nhiệm giám sát thực hiện dự án Đông Tây ở Sài Gòn. Tổng số tiền mà PCI đã đưa hối lộ là khoảng $2.43 triệu USD, theo lời công tố viên, căn cứ theo hối suất vào lúc số tiền được trao tay.

Trong lời phát biểu mở đầu vụ án, các công tố viên cáo buộc viên chức PCI cam kết đưa hối lộ cho Hùynh Ngọc Sĩ số tiền lên đến $2.6 triệu USD, tương đương với 10% trị giá của gói thầu (tư vấn thiết kế và xây dựng). Đổi lại, PCI được cho trúng thầu. Các tin tức trước đây nói quan chức CSVN đòi ăn hối lộ số tiền lên tới 15% trị giá gói thầu, nhưng sau các cụôc mặc cả, đã giảm xuống còn 10%.


Để bảo đảm vẫn còn lời hơn 20% cho dù phải hối lộ, PCI đã bơm các tốn phí lên cao, gồm cả phí tổn nhân viên và các tốn phí khác trong bản ước tính phí tổn nộp cho Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn để được chấp thuận, các công tố viên cáo bụôc.

Để giữ lời hứa, Sakashita và những người kia đã đưa cho Hùynh Ngọc Sĩ tổng số tiền $650,000 USD làm hai lần vào Tháng Giêng và Tháng Bảy 2002, rồi tiếp tục đưa tiếp nhiều lần sau đó gồm $860,000 USD vào năm 2003, số tiền $540,000 USD vào năm 2004, số tiền $160,000 USD vào năm 2005 và số tiền $220,000 USD vào năm 2006.


Một điều đáng nói khác, theo bản tin của báo Yomiuri Shimbun, sau khi đọc bản tuyên bố mở đầu, các công tố viên cũng đã đọc một lời khai mà họ đã lấy từ Kimio Takeya, nguyên chủ tịch PCI. Theo đó, ông này xác nhận PCI đã hối lộ viên chức chính phủ ngoại quốc rất nhiều lần ở những trường hợp khác bên ngoài dự án Đông Tây ở Sài Gòn.


Công tố viên tòa án quận Tokyo từng đề nghị với nhà cầm quyền Hà Nội để họ sang Việt Nam thẩm vấn trực tiếp Hùynh Ngọc Sĩ. Tuy nhiên, đã bị CSVN từ chối và chỉ được hứa hẹn sẽ hợp tác. Bộ Ngoại giao CSVN cũng đã từng đề nghị với chính phủ Nhật bịt miệng báo chí để tránh làm tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nước.


Nguoi Viet Online

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2008

Thay máu cho báo chí Việt Nam?

Nhã Nam


Vụ Tổng biên tập Lý Tiến Dũng (con trai của giáo sư Lý Chánh Trung, một trí thức Công giáo thuộc "thành phần thứ ba" trước 1975, cũng bị thất sủng dưới chế độ cộng sản vì bài viết "Triết học Mác-Lê Nin, một môn mà thày không muốn dạy, trò không muốn học" - theo nhà báo Nguyễn Quốc Thái, thư kí toà soạn báo Doanh Nghiệp,
trả lời RFA) của báo Đại Đoàn Kết vừa bị thải hồi đã làm rúng động làng báo sau một loạt vụ thanh trừng báo chí Việt Nam. Người kế nhiệm tiếp theo là ông Đinh Đức Lập, một cựu Trưởng ban Tư tưởng Trung ương Đoàn và hiện là Giám đốc Trung tâm Đào tạo Cán bộ của Mặt trận.

Trả lời
phỏng vấn của BBC ngày 27/10, ông Lập mạnh miệng tuyên bố "Việc thay đổi chỉ nhằm nâng cao thêm chất lượng tờ báo. Chúng tôi đánh giá thời gian qua, Đại Đoàn Kết không hay bằng trước, trong khoảng sáu năm trở lại đây. Tờ báo cần phải hay hơn, mạnh mẽ hơn nữa." Ông cho biết ông "bất ngờ" khi được chọn để về nắm tờ báo vì đây là quá trình "được bàn thảo rất nhiều", "Nhưng tôi nghĩ đây không phải là việc quá sức với tôi," ông Lập nhấn mạnh. Còn hai ông Tổng biên tập và phó Tổng biên tập bị cách chức là do vi phạm Luật Báo chí (!)

Ông Lập được Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Vũ Trọng Kim bổ nhiệm giữ chức Quyền Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết từ ngày 1-11. Ông đã nhận quyết định bổ nhiệm là lãnh đạo mới của một tờ báo trung ương. Điều này sẽ khiến báo chí trong nước bàng hoàng vì cánh nhà báo không lạ gì tư cách của ông. Báo điện tử VnExpress (đăng lại từ báo Lao Động) năm 2001 đã từng phanh phui việc ông này sử dụng bằng giả dưới thời ông Vụ Trọng Kim làm bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCSHCM. Bài báo nêu rõ: "Trong đợt xét nâng lương tại Trung ương Đoàn năm ngoái, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đoàn Đinh Đức Lập 'bỗng’ có 2 tấm bằng mới: bằng trung cấp chính trị và chứng chỉ ngoại ngữ A. Với 2 'lá bùa’ này, ông Lập nghiễm nhiên được nâng lương, chuyển từ chuyên viên lên chuyên viên chính. Ông Nguyễn Văn Lùng, một người công tác ở Ban cho hay: 'Tôi rất bất bình vì đã công tác với ông Lập lâu nay mà có thấy ông học trung cấp chính trị hay ngoại ngữ đâu’. Ngày 18/7/2000, ông Lùng làm đơn gửi Ban kiểm tra Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn.
Ngày 24/10/2000, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn Nguyễn Đình Lượng đã ký công văn gửi Chi bộ Ban Tư tưởng khẳng định: 'Việc làm của ông Lập là sai. Yêu cầu ông Lập làm kiểm điểm và Chi bộ tiến hành xem xét, quyết định mức độ kỷ luật Đảng’. Ngày 9/2 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng ra thông báo đề nghị Ban Tổ chức Trung ương Đoàn thu hồi quyết định chuyển chuyên viên chính với ông Lập và truy thu số tiền chênh lệch mà ông Lập hưởng kể từ khi chuyển chuyên viên chính. Tuy nhiên, cho đến hôm 27/3, ông Lập mới chỉ bị phê bình, mà theo ông Lùng: 'Phê bình chưa phải là hình thức kỷ luật Đảng’".
(
http://www.vnexpress.net/GL/Phap-luat/2001/03/3B9AF106/)

Việc ông Vũ Trọng Kim bổ nhiệm một cựu thuộc cấp từng sai phạm vào một chức vụ danh giá (Đại Đoàn Kết là cơ quan ngôn luận chính của MTTQVN) sẽ khiến giới báo chí trong nước chùn tay như đã để vụ việc năm 2001 chìm xuồng. Bài báo VnExpress nêu trên có thể sẽ bị gỡ xuống nay mai. Dư luận chỉ có thể nghĩ rằng báo chí Việt Nam đang phải "thay máu", sau báo Đại Đoàn Kết sẽ là các báo nào?
Talawas 01/11/2008
Dư luận cũng vừa loan truyền tin Đinh Đức Lập đã mất ghế, không biết có phải do vụ bằng giả hay phe cánh yếu thế... Nhân vật được cho là thay thế chức TBT là Nguyễn Văn Pha, cựu Chánh văn phòng trung ương UBMTTQVN.