Hành động khó hiểu phơi bày sự thật dễ hiểu
Dường như thấy rằng những hậu quả, những hành động của chính quyền trong trận lụt vừa qua chưa đủ để nhân dân phẫn nộ, đêm 15/11/2008, nhằm ngày lễ Các Thánh tử đạo Việt Nam, chính quyền phường Quang Trung thuộc quận Đống Đa đã dẫn đầu một đoàn ô hợp đến phá cổng đền Giêrađô tại Giáo xứ Thái Hà gây huyên náo cả khu vực, bắt đầu vào lúc 22 giờ đêm.
Khác với những lần trước, lần này, chính quyền và công an phường xuất hiện đầu tiên, dẫn theo một nhóm người hung hãn chửi bới và thoá mạ tôn giáo một cách ngang nhiên, cùng nhau lay giật cửa Đền Thánh Giêrađô ầm ầm cả đêm. Họ bất chấp sự bình yên của người dân ở khu dân cư cạnh đó. Họ bất chấp số phận và sinh mệnh của những bệnh nhân đang cần yên tĩnh trong bệnh viện ngay gần kề. Họ bất chấp những nguyên tắc và sự yên bình của một dòng tu mà Hiến pháp, Pháp luật đã ghi bằng giấy trắng mực đen là được bảo hộ.
Ông Hoan, Chủ tịch Mặt trận phường, là người có mặt đầu tiên trong đám la hét, vậy nhưng sau đó lại ra giả vờ hỏi han những lời tử tế và đã bị giáo dân vạch mặt. Các cán bộ chủ chốt của phường và đoàn thể như uỷ ban, công an, phụ nữ… đã dẫn đầu đám dân này.
Những diễn biến của sự việc đã được các bài tường thuật, các bản tin tả chi tiết. Chuông nhà thờ đổ hồi dài, tiếng xe, tiếng người hối hả chạy đến Thái Hà. Cuối cùng, trước sự phản ứng của nhân dân, của giáo dân và các linh mục, tu sĩ, đám người kia phải rút lui.
Đám người kia đã cùng với cán bộ, công an rút đi, nhưng hậu quả họ đã để lại là gì? Chẳng cần bình luận nhiều, những người chứng kiến đều hiểu.
Nếu những giáo dân Thái Hà không nhẫn nhục nghe lời các chủ chăn mà im lặng, liệu sự việc có được yên? Nếu những người kéo nhau vào phá cửa Đền Giêrađô kia tràn vào khu đất nhà thờ, việc gì sẽ xảy ra?
Hành động này một lần nữa làm cho người ta thấy khó hiểu với cách hành động của chính quyền. Tại sao họ làm vậy vào thời điểm hiện nay?
Nhiều người cho rằng, họ muốn lập thành tích chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc quận Đống Đa mà các khẩu hiệu chào mừng đang giăng đầy đường phố. Họ muốn nói với cả cộng đồng nhân dân rằng, câu khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” ngày nào của Hồ Chí Minh chỉ là dĩ vãng.
Có người cho rằng chính quyền đã quyết định thách thức nhằm đẩy giáo dân vào con đường tử đạo đến nấc thang cuối cùng nên nhằm ngày lễ “Các Thánh Tử đạo Việt Nam” để ra tay?
Người thì cho rằng, họ tiếp tục hà hiếp tu sĩ, giáo dân Thái Hà như một việc làm khoái trá. Họ làm vậy để thoả mãn tính kỳ thị tôn giáo sau khi được hệ thống truyền thông nhà nước “vẽ đường”.
Bởi họ thấy giáo dân quá hiền lành và kiên nhẫn, muốn đánh, muốn chửi cũng cứ vô tư. Họ nghĩ rằng, đám giáo dân tay không kia không hề phản ứng, chỉ âm thầm chịu đựng và cầu nguyện, vì vậy, họ có thể làm bất cứ điều gì, vào bất cứ lúc nào? Họ tự tin, vì đằng sau họ là công an, là chính quyền, là mặt trận?
Những gì đã xảy ra với giáo dân và tu sĩ Thái Hà làm người ta liên tưởng tới bộ phim về thế giới động vật, một con hươu con lạc vào giữa bầy sói và mỗi con cắn một miếng tuỳ thích để cuối cùng cả đàn cùng nhau xẻ thịt. Có phải những người tổ chức sự việc này đang muốn diễn lại cảnh đó trên đất Thủ đô ngàn năm văn hiến?
Phải chăng, họ đang định diễn lại trò làm vườn hoa, để các cấp chính quyền trung ương và thành phố tiếp tục rót tiền xuống cho họ, những cái đèn xanh cho họ mặc sức hành động mà bất chấp những nguyên tắc pháp luật thông thường? Hay chỉ đơn giản là ngày mai, họ lại có cớ mà chi hàng đống tiền cho những sự việc này?
“Quần chúng tự phát” và chính quyền làm việc ban đêm – con bài lỗi thời và phạm pháp
Điều cần nói ngay là tại sao chính quyền phường Quang Trung đã không làm việc ban ngày với Nhà thờ Thái Hà về những việc có liên quan, để đến đêm khuya mới dẫn đám người kia vào gây huyên náo khu vực? Tại sao phải đợi đến khi bóng đêm đã dày đặc và dân chúng đã chìm vào giấc ngủ mà hành động? Đó có là hành động “quang minh, chính đại” hay không?
Những người đã gây ra những việc tương tự và sự việc tối 15/11 này có biết họ đang vi phạm pháp luật ngang nhiên không? Tôi nghĩ là có. Việc nửa đêm kéo đến nơi tu hành, nơi nhà ở của nhân dân bất cứ là ai, để hò hét đe doạ, đập phá là việc không thể coi là hợp pháp dù với bất cứ lý do nào. Việc cán bộ chính quyền, công an, đoàn thể có mặt mà không ra tay dẹp loạn, là sự vi phạm pháp luật rõ ràng.
Hậu quả của những việc đó có lớn không? Rõ ràng là rất lớn, bên cạnh dòng tu, khu dân cư, bệnh viện… thì việc gây huyên nào cả khu vực không thể gọi là nhỏ. Việc đe doạ phá hoại tài sản người khác, uy hiếp tính mạng cả một cộng đồng không thể coi là việc nhỏ.
Cái gọi là “quần chúng tự phát” đã được nhiều báo chí, quan chức nhà nước đưa ra để bào chữa cho những hành vi vi phạm pháp luật ngang nhiên, nhằm chối tội trước dư luận trong và ngoài nước như vụ 21/9, khi hàng ngàn người được huy động đến bao vây phá hoại Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà cả đêm, cũng như bao vây Toà Tổng Giám mục Hà Nội, mà không ai chịu trách nhiệm.
Ai cũng biết, quần chúng nhân dân sau mấy chục năm sống trong chế độ “Xã hội chủ nghĩa” đã miễn dịch với những bất công và vô lý trong xã hội ngay cả với những chuyện bức xúc nhất. Còn những người tâm huyết với nhân dân, với đất nước, đang bị đối xử như thế nào. Những người biểu tình chống bọn Đại Hán ngang nhiên chiếm Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đã bị ngăn cản, bắt giữ ra sao.
Nếu đám quần chúng tự phát kia có lòng đấu tranh chống những điều bức xúc của nhân dân, hẳn họ đã kéo nhau không chỉ một lần mà sẽ là nhiều lần đến ngay nhà Phó Chủ tịch TP Đỗ Hoàng Ân để làm rõ câu hỏi: “Tại sao ông không chỉ đạo thực hiện làm đường thông từ hồ Đống Đa ra Láng Hạ qua ngõ 25 và 39 theo đúng quy hoạch đã được điều chỉnh theo Quyết định 104 nêu trên, lại tích cực chỉ đạo dẹp biết bao nhà dân để mở đường thông qua ngõ 59 đi qua nhà ông ta”? Đoạn đường đến nhà Đỗ Hoàng Ân chắc gần hơn nhiều đến Thái Hà.
Đến nay, câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ như một nỗi nhục và là sự hèn nhát, cậy mạnh ép yếu theo đóm ăn tàn của những kẻ bất chấp lương tâm và đạo đức, bất chấp liêm sỷ và chuyện phúc đức hậu thế cho con cháu.
Nhìn gương mặt của những kẻ già nua hò hét kêu gọi những lời khát máu, tôi không thể tưởng tượng được họ đã sống và làm những gì cho đất nước này trong quá khứ và hiện tại. Càng không thể hiểu họ có khi nào để cho lương tâm con người trong họ được một lần cất tiếng nói hay không? Và tôi cũng có thể tưởng tượng được hình ảnh họ trong con mắt con cháu họ như thế nào.
Những mô hình gia đình các “giáo gian” cốt cán, các cán bộ tham nhũng, chỉ biết nhằm mấy đồng tiền nhơ bẩn làm mục đích, là tấm gương, mô hình cho những người có nhu cầu tốt đẹp và lương thiện phải tránh xa.
Bất cứ ai, khi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm, đó là quy định hiển nhiên của luật pháp. Vì vậy, dù họ là quần chúng hay công an, hoặc cán bộ nhà nước, kể cả tổng bí thư, chủ tịch nước vi phạm pháp luật, đều phải được đối xử công bằng. Như vậy mới là một nhà nước pháp quyền, lấy pháp luật làm căn cứ điều hành xã hội.
Vậy hệ thống chính quyền và các cơ quan pháp luật đã làm gì?
Những người giáo dân cho rằng, tài sản của mình bị chiếm đoạt vô lý, đã làm đơn khiếu nại cả chục năm không được giải quyết thoả đáng, bởi những căn cứ được cung cấp cho giáo dân đã thể hiện sự phi pháp của việc chiếm đoạt khu đất của họ trước đây (điều này, ngay trong cáo trạng của VKSND quận Đống Đa đã nói rõ về ngày cấp đất cho Xí nghiệp Thảm len là ngày 31/1/1961 theo Quyết định 76, trong khi chính TP Hà Nội đã giấu nhẹm chứng cứ này khi cung cấp cho Nhà thờ để biện minh rằng “đất được giao cho chính quyền từ năm 1963”?) nên họ đã đến cầu nguyện và dỡ bỏ một đoạn hàng rào để tiếp cận tài sản của mình thì đang trong vòng lao lý, chờ một phiên toà, mà ngay khi chưa xét xử, toà đã trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra thêm tội.
Giáo dân cầu nguyện ôn hoà, không hề la hét, không hề đòi doạ giết ai, không có bất cứ một tấc sắt trong tay, cầu nguyện có giờ, có buổi đã được ghép cho tội “gây rối trật tự công cộng”. Vậy những hành động phá hoại tài sản người khác, làm náo loạn khu vực dân cư, bệnh viện, nơi thánh thất lúc nửa đêm, cần được coi là phạm tội gì? Ai là người chịu trách nhiệm và ai sẽ bị đưa ra xét xử để đảm bảo cho việc thực thi pháp luật?
Việc những giáo dân dỡ bỏ đoạn tường rào mà họ cho là đang xây dựng bất hợp pháp với đầy đủ chứng cớ của họ, đã bị ghép vào tội “phá hoại tài sản”. Vậy những kẻ ngang nhiên dùng ô tô kéo đổ cửa sắt đền Thánh Giêrađô lúc nửa đêm có cả hàng loạt cán bộ, công an đứng đó sẽ được xử lý với tội gì?
Nếu cho rằng đó là đám “quần chúng tự phát” nên họ không có tội, vậy giáo dân có được coi là quần chúng không? Việc cầu nguyện kia có thể coi là “tự phát” không hay đương nhiên là hành động gây rối trật tự công cộng?
Những cán bộ, chiến sĩ công an có trách nhiệm bảo vệ sự an bình của nhân dân, sự ổn định xã hội, những cán bộ chính quyền có mặt lúc giáo dân phá hàng rào và đám “quần chúng” phá cửa Đền Giêrađô sẽ chịu trách nhiệm gì khi để vụ việc ngang nhiên xảy ra trước mắt mình mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời? Họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình được nhân dân thuê họ bằng tiền dân đóng góp chưa? Hay chỉ có việc theo dõi giáo dân, nhằm có thể quy tội họ bất cứ lúc nào?
Tất cả những điều trên, cần có một câu trả lời bằng hành động thực tế từ nhà cầm quyền. Để những người dân bình thường còn có chút niềm tin và hi vọng vào một xã hội được minh định nhiều lần rằng “Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” thay cho câu khẩu hiệu “Sống làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã không thấy được nhắc đến từ lâu.
Không làm được những điều đó, thì xin đừng nói đến những điều ghê gớm và hoa mỹ, bởi chúng chẳng thể lừa bịp được ai. Và khi đó, câu nói “mọi người đều bình đẳng” được ghi ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 liệu có còn ý nghĩa hay cần xem xét lại?
Tai mắt nhân dân không còn như những ngày nào chỉ biết nghe và tin. Họ đều có những cảm nhận và suy nghĩ của họ.
Thiết nghĩ rằng, đó là những điều không thể bỏ qua nếu muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hà Nội, Ngày 16 tháng 11 năm 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét