Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

NGẮC NGOẢI VINH & CHẾT NHỤC & HẤP HỐI THƠM THO

Ông nhà văn kiêm triết gia Vương Văn Quang, ngoại hiệu là Bulldog, trong tuần qua phải lên thớt để quý vị lương y mổ xẻ tim gan phèo phổi chi đó. Trong tình cảnh tấm thân mỏng manh đang thập phần ẻo lả và có nguy cơ về chầu tổ, ông vẫn bật lên những dòng tức cảnh sinh tình. Xin đăng lại từ talawas bài này của ông và cầu mong ông qua cơn nguy biến.

Ảnh: "bộ đội cụ hồ" nguyễn tiến trung nhập ngũ trong sự  quan tâm đặc biệt của 1 "bạn dân".


Buổi sáng hôm nghe tin Lê Công Định bị bắt, chưa hiểu đầu cua tai nheo, chỉ biết rằng một tình cảm lập tức ùa vào ngập tràn hồn tôi: đó là sự bàng hoàng! Bàng hoàng đến rã rời. Trời ơi, tại sao, tại sao, tại sao… Tại sao người ta lại có thể đầy ải một con người như vậy vào chốn lao tù? Một con người ưu tú, một đại diện của giới “intelligentsia” trẻ, một con người rất, rất có thể là một nhân tố thúc đẩy đất nước này sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Hồ Chủ tịch dạy thiếu niên nhi đồng năm xưa?

Sau khi Lê Công Định xuất hiện trên truyền hình đọc bản nhận tội, thi sĩ Bùi Chát nhắn tin cho tôi: “Anh thất vọng về Lê Công Định quá” (tôi và Bùi Chát, vì ai cũng tranh làm anh nên đều xưng anh với nhau). Tôi nhắn tin trả lời: “Em không nên bắt ai cũng là anh hùng. Vì anh hùng luôn là của hiếm. Chưa kể vụ việc đầu cua tai nheo ra sao ta còn chưa hề biết. Và quan trọng hơn nữa, ta là ai, là cai thá gì mà đòi hỏi người này phải thế nọ, người nọ phải thế kia?”. Chát lại nhắn: “Ừ, anh cũng công nhận điều đó, nhưng anh ước gì Công Định được như Công Nhơn (Nhân), hay một phần Công Nhơn thì hay biết mấy” (Chát thích phát âm theo phương ngữ Nam bộ mặc dù trong huyết quản hắn còn đầy máu chiêm trũng Thái Bình trên tầu há mồm.) Tôi nhắn lại: “Em ạ, dân ta hiện có khoảng tám sáu triệu người. Anh không cần ai cũng giống, cũng khí phách như Công Nhân, thậm chí chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ thôi. Anh chỉ cần chừng 2%, nhắc lại nhé: hai phần trăm con người có tư tưởng và khí phách tương đương như Công Nhân, thì khiêm tốn nhất cũng có thể khẳng định rằng Việt Nam chúng ta là đất nước tự do, văn minh và giầu mạnh vào loại nhất nhì khu vực ĐÔNG-NAM-BẮC Á – tất nhiên không sánh với mấy ông Tây Á – Trung Cận Đông – Vùng Vịnh, chuyên móc bùn móc đất lên đổi Bảng Anh với Dollar. Nhưng đó chỉ là vấn đề kinh tế. Còn dân trí, văn hóa, chúng ta sẽ vượt họ xa lắc. Ta chẳng hề chủ quan mà nói thế.”

*

Cũng trong thời gian đó, trên talawas blog xuất hiện một bài viết của một tác giả lớn tuổi, ông lớn gấp đôi tuổi tôi – tiếc rằng tôi cũng có quen biết ông mà không góp ý được cho ông. Tôi tôn trọng ông về tuổi tác. Tôi cũng nên tôn trọng chính kiến của ông. Thậm chí, tôi nên tôn trọng ngay cả sự ngây ngô bốc đồng của ông ta nữa. Ông khoe ông đã hoàn tất một bài thơ để ca ngợi Lê Công Định, nhưng khi thấy Lê Công Định đọc bản nhận tội, xin khoan hồng, ông đã nổi giận đùng đùng vo viên bài thơ ném đi và ông cảm thấy như ông đã bị phản bội. Ông viết ra giấy trắng mực đen như thế. Thật lòng, tôi thương ông. Ông đã quá nhiều tuổi đời, mà bản lĩnh đối nhân xử thế cũng như bản lĩnh chính trị ông còn (nói thì bảo xấc, nhưng sự thật là như vậy) kém thằng con trai tôi.

Cũng cần nói thêm. Tôi ham vui, “xong sớm nghỉ sớm” nên con tôi năm nay đã sắp hết năm hai đại học. Nói cho công bằng, đến cử nhân ở Việt Nam còn chẳng hơn lợn con bao nhiêu, năm hai đại học mang ra khoe chẳng bõ xấu mặt. Ấy thế nhưng mà thằng cu này nó lại có cái đáng để khoe, bởi nó khác chúng bạn ở điểm: nó quan tâm tới các vấn đề xã hội, chính trị, văn hóa hơn các trò bắn đì đùng như StarCaft, Halflife, Audition hay chatchit với show hàng qua webcam. Và (khổ thân nó) lại rất thích triết. Làm thơ thì vào loại khá hay (càng khốn nạn thân nó). Từng lọt vào tới chung khảo (1 trong 5 tác phẩm lọt vòng chung kết) một cuộc thi thơ coi như lớn nhất Việt Nam hiện nay, năm 1988. (Lẽ ra, cháu phải ăn giải nhất, bởi những người biết thẩm thơ đều công nhận điều đó, vì độ chênh với 4 cuốn còn lại… hơi bị xa xôi. Nhưng cháu nó không ăn giải vì “can tội” trong thơ cháu hơi nhiều “phân bò”, “tử cung”, “huyệt mộ” v.v. Thôi thì bắt chước nói theo kiểu bác Hoàng Ngọc Hiến: Cái Việt Nam mình nó thế.)

Đến lần này, sau khi đọc bài: “Những nhà dân chủ thích sống nhục” thì cháu trở nên trẻ con thật sự, không hề đáng mặt trang nam tử 19 tuổi tí nào khi mà cháu bừng bừng đỏ mặt tía tai, đá thúng đụng nia rồi hét lên: “Ông ta ngồi khểnh, gãi… ấy bên Ba Lan, uống bia Bỉ, rồi ông vỗ ngực vỗ mông, ông kết án ai, sỉ nhục ai, mạt sát ai thế nào mà chả được. Ông anh hùng thế sao ông không về Việt Nam mà dấn thân? Sao ông không về Việt Nam mà làm dân chủ để chết vinh, để khi dựa cột phút giây thiênganh còn gọi Bác ba lần, rồi còn tranh thủ mà thò chân vào lịch sử để thơm cho con cháu? Cho con cháu được dịp đánh bóng lư đồng mỗi khi giỗ Tết?”

Thú thật, tôi không nghĩ cháu nói sai, nhưng tôi phải mắng át đi. Rằng đây không phải chuyện của con. Rằng đây không phải vấn đề con quan tâm (tuy rằng tôi coi cháu như bạn, chẳng mắng mỏ to tiếng bao giờ), vì dẫu sao, cháu cũng đã 19 tuổi. Tôi không muốn cháu bức xúc vì những chuyện không đáng. Nhưng thật bất ngờ, đợi cho tôi hùng hổ quát lác xong xuôi, cháu điềm đạm hỏi tôi: Vậy theo bố, đây là chuyện dành cho ai quan tâm? Là chuyện của ai? Của người Hàn Quốc chăng?

Tôi ớ người. Ớ thật sự. Và, tôi còn có thể nào thốt lên dù chỉ là nửa lời? Trong đầu tôi hiện lên một hình ảnh vô cùng bi đát, thằng con tôi, đẹp giai ngời ngời, mắt kính cận lòi tói đang dán vào những viên gạch sỉ to vật vã có tên, nào Hiện tượng học tinh thần, nào Phê phán lí tính thuần túy…, rồi những viên gạch thẻ nhè nhẹ hơn về trọng lượng từ các lò có tên J. Sartre đến M. Heidegger, rồi Freud, K. G. Jung, chán chê thì la liếm sang Kierkegaard, Edmund Husserl, rồi lang thang vật vờ qua M. Foucault, Roland Barthes… Cỡ gạch thẻ 2 lỗ như Bàn về tự do của J. Stuart Mill hayThế giới như tôi nhìn thấy của A. Einstein thì nó ngấu nghiến như phở bò Bát Đàn hay bánh dầy Quán Gánh. Nói nó thông làu là ngoa ngôn, là bốc phét, có thể đọc 10 nó chưa hiểu 1, nhưng oái oăm thay, đó lại là ý thích của nó. Cứ những cục gạch to tổ bố mang tên “philosophy” là nó vồ lấy gặm lấy gặm để. Hiểu đọc đã đành, không hiểu cũng đọc luôn. Mà tai quái là càng không hiểu nó lại càng đọc! Đấy, một thanh niên như vậy, (nói dại và trộm vía) chính là một hình mẫu đầy tiềm năng vào một ngày đẹp trời nào đó sẽ lên ti vi, cầm tờ giấy có nội dung: vi phạm luật 88 BLHS và lại đỏ mặt thỏ thẻ xin nhà nước CHXHCNVN khoan hồng.

Mắt tôi chợt cay xè và mồm đắng như uống nhầm nhựa đường. Tôi có phải con người đúng nghĩa không? Và tôi đang sống ở đâu đây? Xứ phù thủy độc ác trong truyện thần thoại chăng?

Đấy là tôi còn chưa muốn kể ra một serie những lập luận của cháu, những lập luận hoàn toàn tư biện nhưng vô cùng thuyết phục, nó cũng khiến một thằng già vừa ngu vừa bựa như tôi thầm cảm phục. Và kết luận của cháu là gì: Là cái tình hình làng xã Việt Nam, với những người đấu tranh, rồi bị bắt, bị đưa ra làm hề, theo cách nhìn, cách đánh giá của các “chuyên gia phân tích trời Tây” và các nhà tiên tri phỏng đoán trời Ta thật không hình ảnh so sánh nào đắc địa hơn cái hình ảnh, ếch ngồi đáy giếng và phán rằng, trời xanh kia to đúng bằng cái vung.

*

Trường hợp của Nguyễn Tiến Trung thì quả là một trò hề. Trò hề vừa vụng vừa nhạt. Và hơn hết, nó tỏ ra vô cùng rẻ tiền. Cực kì rẻ tiền. Rẻ tiền, nhạt nhẽo, tựa như những chương trình hài vẫn phát trên TV nhà nước vậy. Thứ hài mà khi xem khiến ta nổi da gà, vì… xấu hổ. Đây là xấu hổ thay. Nói theo các cụ là: “Người dại để lồn người khôn xấu hổ”.

Một thanh niên có trình độ, cộng với bản tính khá điềm đạm, vậy mà trong hơn một năm quân ngũ, anh luôn phải “bật như tôm” (từ lóng, chỉ hành vi chống lệnh), kiên quyết từ chối không đọc 1 trong 10 lời thề của Quân đội Nhân dân Việt Nam, chính  là lời thề đầu tiên, lời thề thứ nhất: Thề trung với Đảng [Cộng sản]. Tôi tin chắc rằng, trên thế giơi này, không có một thứ quân đội nào lời thề đầu tiên là thề trung thành với một đảng phái chính trị. Quân đội nào cũng vậy thôi, kể cả quân đội trên sao Hỏa, tôi tin chắc như thế! Lời thề đầu tiên là phải trung thành và bảo vệ đất nước. Đây là một lí lẽ không thể chối cãi. Không thể và không có cơ sở tranh luận. Chưa kể, đây là lời thề mà Đảng CSVN tự tiện thay đổi so với nội dung 10 lời thề của QĐNDVN do đích thân Hồ Chủ tịch soạn thảo. Và nó luôn là như vậy: Trung với nước/Hiếu với dân… Trong khi đó, giờ đây, người ta bắt quân đội của một quốc gia cất lên lời thề đầu tiên là thề trung thành với một đảng phái chính trị. Vô hình chung, người ta đặt đảng phái của một thiểu số người cao hơn Tổ quốc, cao hơn Đất nước, cao hơn Dân tộc. Điều này có thể lọt tai ai đây?

Và Trung đã bị kỉ luật lên kỉ luật xuống, hành lên hành xuống (chính đồng đội của Trung kể), mà kỉ luật của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì biết rồi. Ai đã từng đi lính, từng xem lính bị kỉ luật thì mới biết đủ trò… vui. Vui một cách cay đắng. Vui một cách khốn nạn. Ví dụ: Vi phạm kỉ luật: gánh nước giếng từ chân đồi lên đỉnh đồi (Quả đồi đât đỏ cao chừng 20 m, trời mưa, đường lép nhép khó đi, dép cao su sút quai liên tục, thùng loại 20 lít. 2 thùng = 40 lít = 40 kg. Và việc tất yếu là anh lính nọ “vồ ếch” liên tục. Vồ ếch là té, là ngã, là đổ nước tóe tòe loe. Lại quay lại múc) sau đó lại gánh lên đỉnh đồi để đổ cho đầy… một rổ nước. Tôi, kẻ viết bài này đã từng được xem một “xen” như vậy. Đó là vào năm 1988, đơn vị lính nọ đóng tại Ba Vì (Hà Tây cũ), tôi đi cùng thằng bạn, lên thăm anh nó đóng quân tại đó. Chuyện thật trăm phần trăm, không đùa bỡn chút nào. Tất nhiên, rổ nước cũng sẽ đầy, đó là khi B hay C trưởng (thường là C trưởng) ngồi chán quá, phẩy tay phán: Đầy rồi.

Hơn một năm được tôi luyện trong môi trường quân đội, mà không chỉ tôi luyện “suông”, Trung còn “bật như tôm” để liên tục lãnh án kỉ luật, và anh chàng vẫn không khuất phục. Vậy mà chỉ vài ngày vào cơ quan an ninh, Nguyễn Tiến Trung ta bỗng trở nên yểu điệu thục nữ, liễu yếu đào tơ, đài các thanh tao, thỏ thẻ oanh vàng tỏ tình nhận tội ngọt xớt.

Liệu đây có phải là một kiểu logic?

*

Trở lại vụ Lê Công Định. Khi đó, ngoài người bạn hiền của tôi, sau khi làm một bài lục bát để ca ngợi anh Tô Vĩ Dọ lấy thân chèn pháo, nhưng chưa kịp công bố trên tờ Văn nghệ thì anh đã bị phản bội phũ phàng. Tên Lê Công Định tuổi trẻ tài cao đẹp giai như sĩ điều đã vội phản bội mà không nhận lấy bài thơ của anh, thật phí! Trong cái bản Symphony khá dở và ồn ào đó, tôi thấy nổi lên giai điệu cung minor của cây Cello vô cùng liêu trai huyền hoặc, nhưng cũng không kém phần… đanh thép, cây Cello cung Mi thứ mang tên Phạm Thị Hoài. Chữ tỏ tình là tôi “thuổng” trong cái cung Mi thứ huyền hoặc ấy của chị (mà trong bài viết này tôi cũng có dùng).

Tôi không muốn bình luận gì nhiều cái danh hiệu “Những nhà dân chủ thích sống nhục”. Bởi giữa tôi và anh Đức có đôi chút thân tình. Hơn nữa, bình luận nó, tôi chỉ phệt không tới ba dòng thì cái luận điệu đầy bồng bột và đầy chất bé thơ kia sẽ không thể đứng vững. Nôm na: nó là quả tạ đặt trên cọng bún. Nếu muốn “sống nhục”, Tiến Trung hoàn toàn vẫn là một nhà “dân chủ nhớn”, “xếp sòng” của THTNDC, đàng hoàng tiếp kiến từ Tổng thống Mỹ, tới Thủ tướng Canada, lại bắt tay đá chân Chủ tịch Liên hiệp EU, đồng thời với tấm bằng thạc sĩ, Trung hoàn toàn có thể sống và làm việc thoải mái tại Paris hoa lệ. Với từng đấy cái gạch đầu dòng, sao anh ta phải sống nhục nhỉ? Quả là khó hiểu!

Về anh Lê Công Định. Anh là một trí thức sáng giá, một luật sư tiếng tăm, nếu thật sự anh là thứ “… ấu trĩ, nông nổi về tư duy cách mạng, ngựa non háu đá, ảo tưởng, thích nổi tiếng vớ vẩn, bạc nhược,” thì quả thật, chẳng cần thêm bất cứ chút cố gắng nào anh đã đầy đủ những cái gọi là “nổi tiếng”. Văn phòng riêng hoành tráng, vợ hoa hậu, nhà nằm trong khu quí tộc đất Sài thành, thỉnh thoảng buồn tình quẳng lên BBC những bài viết cực kì sang trọng, cực kì chất lượng (anh Đức có thể tìm, và đọc lại), sự “nổi tiếng” chẳng cần làm thêm trò gì anh cũng đã có. Thậm chí có… hơi bị nhiều. Một trí thức học vấn đầy mình như anh mà còn ấu trĩ, nông nổi, ngựa non háu đá ư? Điều này e rằng mang ra kể với học sinh vùng sâu vùng xa cấp tiểu học chúng nó cũng khó mà tin nổi.

Khi sự việc anh Lê Công Định tỏ tình với nhà nước Việt Nam, xin tha đét đít, rất, rất nhiều người cay đắng, phẫn nộ. Họ đòi hỏi Lê Công Định phải như Phù Đổng Thiên Vương, hay chí ít cũng là Sơn Tinh núi Tản với dương vật vắt vai thì mới hài lòng. Tại sao chúng ta không dành vài giây để nghĩ rằng, chúng ta đều là người, người trần mà thôi?

Ngược chút thời gian, một nhân vật cũng lên TV tỏ tình xin tha đét đít, nhưng có vẻ như công luận không mấy quan tâm tới. Bởi vậy họ chưa bắt bà cưỡi mây hay cưỡi hạc. Đó là bà Trần Khải Thanh Thủy. Sau khi tỏ tìnhrất đỗi nồng nàn, vài tháng sau, chàng nhà nước cũng rộng lòng buông háng thả bà, đặng để bà đi bộ về đoàn tụ với chồng con. Nhưng chỉ không lâu sau đó, cửa nhà bà trở thành cái hố xí công cộng, cái chuồng chồ hai lỗ (tôi dùng toàn từ Bắc nghe cho nó gợi). Gia đình bà cứ dùng cơm với những thứ mùi đó, đảm bảo sẽ khỏe, sẽ mang đầy tính giai cấp, đỡ tốn tiền mua thức ăn. Trường hợp của bà Thanh Thủy, anh Đức gọi là gì đây?

Kết luận: Thật lòng, tôi sẽ không mất công gõ tới từng này chữ, nếu cái tựa đề bài viết của anh Đức xuất hiện trên báo CAND, hay ANTG. Nhưng cơ khổ, nó lại ưỡn ẹo nằm chình ình trên talawas, cho nên tôi đành lòng mà cầm… ấy vậy.

© 2009 Vương Văn Quang

© 2009 talawas blog

1 nhận xét: