Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Khi vị đại sứ 'khó chịu'


michalak.jpg

Cuối cùng thì ngài đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Michael Michalak, cũng chính thức lên tiếng.

Ông được Reuters trích dẫn: "Chúng tôi thất vọng về việc VTV đưa tin một số công dân Việt Nam nhận tội về các hoạt động mà tại nhiều nơi khác trên thế giới là việc làm bình thường, những cuộc thảo luận bình thường nhằm củng cố nhà nước pháp quyền tại Việt Nam".

Hà Nội, ít nhất qua đoạn băng video lần thứ hai của luật sư Lê Công Định, trong sêri "nhận tội", đã để cho luật sư Định cung khai thoải mái về các tiếp xúc của giới ngoại giao và chính giới Hoa Kỳ với anh, và qua đó gián tiếp cho mọi người tự hiểu một điều tương tự như "Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ của Việt Nam".

Ngài Đại sứ đương kim Michalak cũng có tên trong số chính khách, các nhà ngoại giao đã tiếp xúc và trao đổi với luật sư Định, được nhắc tới qua đoạn clip được truyền thông nhà nước công bố rộng rãi.

Tất cả diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ hiện đứng đầu danh sách các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tổngsố vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2009, lên đến gần 4 tỷ Mỹ kim.

Như vậy thì người Mỹ khó chịu là đúng rồi, vừa mang tiền của vào một quốc gia, nhưng lại bị an ninh và nhà cầm quyền quốc gia đó "bóc mẽ" là can thiệp, kiểu "diễn biến hoà bình, lật đổ" này khác.

Thực hư ra sao còn phải bàn. Thế nhưng sau khi họ tỏ ra khó chịu như thế, thì liệu họ có tiếp tục vui vẻ "đổ tiền" và "xui con dân của họ" đổ tiền vào đầu tư ở nước anh nữa hay không nhỉ?

Riêng với ông đại sứ mà thời hạn nhiệm kỳ đáo hạn không xa, một trong những đợt về Hoa Kỳ gần đây của ông, tiếp xúc với Việt kiều tại Mỹ, ông này bị nhiều người Mỹ gốc Việt phản đối.

Họ cho ông là nhu nhược, đánh giá thấp chính sách cứng rắn của các nhà lãnh đạo tại Hà Nội, và đe dọa sẽ yêu sách đòi tổng thống Obama, quốc hội và Bộ ngoại giao Mỹ triệu hồi ông.

Thế nhưng, tạm gác mọi chi tiết khác sang một bên, có một điều mà Hà Nội, sau khi phát bóng tấn công đi, có vẻ đã nhận lại đường phản công khá nặng ký. Đó là khẳng định của ông Michalak, đại ý, cho rằng Hà Nội đã xử phạt các công dân của mình vì những hành vi mà ở các nước dân chủ khác lại là những bàn luận bình thường, hợp pháp.

Nói gì thì nói, người Mỹ vẫn có uy tín trên toàn cầu, và điều mà lâu nay họ không nói ra, có thể vì họ còn châm chước vì giao thiệp giữa anh với họ, nay họ đã cho thấy rõ quan điểm của mình.

Cuối cùng, còn một điều nữa mà dư luận nhiều nơi trong và ngoài nước có thể nghĩ tới, đó là khác biệt trong thái độ dè dặt, chiếu dưới của Hà Nội với Bắc Kinh so với kiểu hành sử dám "đánh vỗ mặt vừa rồi" của Hà Nội với người Mỹ.

Mới gần đây, người ta còn bàn tán chuyện các ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc tiếp tục bắt giữ, đòi tiền phạt, rồi Trung Quốc tuyên bố cấm đánh cá trong khu vực được tuyên thuộc lãnh hải của nước này (vùng tranh chấp liên quan tới Việt Nam), chưa hết, hải quân của Trung Quốc mạnh mẽ đi tuần, thị uy. Việt Nam thì cho một tàu hải quân sang Trung Quốc thăm viếng, để...đá bóng. Lần gần nhất, ngay tuần này thì hai Đảng lại cử cán bộ cấp dưới "họp bàn về tình hữu nghị và lòng tin".

Bắc Kinh hẳn phải vui lòng với chính sách ngoại giao "thân thiện" kiểu này, trong khi hài lòng với việc, người "anh em" của mình dám vỗ mặt, đánh tới tấp "con hổ giấy" Hoa Kỳ, dù đang sống nhờ đồng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài của chính chú Sam.

Quốc Phương (BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét