Ioan Savu là một trong những người cầm đầu cuộc cách mạng Romania tại thành phố Timisoara nằm ở phía tây của nước này.
Trong giai đoạn chộn rộn trước khi chế độ cộng sản sụp đổ hồi tháng 12 năm 1989, ông Ioan Savu ra mặt thách thức nhà cầm quyền khi đứng ra hô to rằng các người lãnh đạo cuộc đấu tranh sẵn sàng chết cho tự do của họ.
Con trai của ông, Adrian Savu, mới có 11 tuổi vào lúc đó, và nay làm việc cho Liên Hiệp Âu Châu, và có ba người con.
Cuộc trao đổi giữa Ioan và Adrian Savu nằm trong khuôn khổ của tám cuộc phỏng vấn giữa hai thế hệ tại các nước Cộng Hòa Czech, Slovania, Đức, Hungary, Nga, Ba Lan, Romania, Tajikistan và Cuba.
Adrian Savu: Ba còn nhớ giai đoạn năm 1989, và biến cố năm đó, nói lên điều gì ?
Ioan Savu: Năm 1989 là giai đoạn trong sáng nhất đời ba. Ba thực sự cảm thấy nhẹ nhõm. Cái não trạng độc đáo đó, cái cảm giác được tự do, trước đó và bây giờ cũng hiện hữu tại quê nhà của chúng ta là thành phố Timisoara.
Trước khi xuống đường, ba có bàn thảo rất kỹ với mẹ con. Ba đã thuyết phục mẹ con rằng ba không thể tiếp tục sống với cái trạng thái "bỏ đảng" được nữa. Phải làm một cái gì đó. Ba đã nói với mẹ con " Nếu có một cái gì đó xảy ra mà ba không có mặt thì sao? Làm sao ba có thể nhìn mặt các con?"
Cái rủi ro quá lớn cho tất cả chúng ta, nhưng phải có một người nào đó bắt đầu tiến trình đổi mới. Chúng ta không thể chờ đợi mãi mãi một người nào đó đi bước trước.
Adrian Savu: Vào lúc đó, con chưa thấy hết tất cả các rủi ro của Ba. Họ chỉ bảo cho chúng con là phải sẵn sàng rời nhà. Con mới có 11 tuổi nên không hiểu hết sự nguy hiểm mà con sẽ giáp mặt.
Con chỉ nhớ ba cạo bộ râu đi, một dấu hiệu rõ rệt cho thấy chúng con phải đi trốn ở một nơi nào đó. Nói thật, đi trốn là một chuyện khá hứng thú, vì đi trốn, là một chuyện mà bố con mình đã làm nhiều lần dưới thời cộng sản.
Sau này con mới nhận thức được tầm mức của sự quyết định của ba, và nay, trong cương vị của một người cha, con mới biết rằng làm cha là phải hy sinh cho con.
Ioan Savu: Các lời con vừa nói làm cho ba nhớ lại thuở niên thiếu của mình.
Lúc đó, ba cũng không lớn gì hơn con ở năm 1989. Ông nội của con từ chối gia nhập vào hợp tác xã nông nghiệp, do đó, chính quyền cộng sản đã tịch thu hết tài sản của gia đình: đàn bò, các cục gạch góp nhặt được để xây một căn nhà mới, áo quần. Tất cả.
Khi không còn gì để tịch thu nữa, họ đã chĩa mũi súng vào ngực của ông nội con, và bảo ông phải ký giấy đồng ý gia nhập hợp tác xã. Ông nói “bắn tôi đi, tôi không chịu ký!"
Vào thập niên 1950, khi cả tài sản gia đình bị mất qua đêm, bà nội lâm bệnh. Bà bị trụy tim và không hoàn toàn phục hồi được. Đó là lý do tại sao ba không sống được với cộng sản chủ nghĩa.
Trong tim hoặc tâm khảm của ba, không hề có chỗ đứng cho cái chủ nghĩa đó.
Adrian Savu: Có một điều mà con không đồng ý với ba là sau năm 1989, ba quyết định không dính líu vào chính trị. Con tin rằng rất khó cho ba phải nhận lấy hình thức trách nhiệm đó, với quá nhiều nhân vật trước đây đã từng là đảng viên, nay vẫn giữ các vị thế hàng đầu sau khi chế độ sụp đổ. Và nay, xã hội Romania vẫn phải đấu tranh với những người có não trạng quá xưa cũ này.
Ioan Savu: Vào lúc đó, ba và các bạn biết rất rõ những gì mà chúng ta không muốn tồn tại nữa. Nhưng ba và các bạn không biết những gì mà ba và các bạn muốn và làm sao để đạt tới những gì mà mình mong muốn. Ba và các bạn quả quyết rằng mọi chuyện sẽ tự đổi mới. Chúng ta quá ngây thơ, và ba công nhận rằng ba là một trong các kẻ ngây thơ đó.
Trước năm 1989, ba đã nhiều lần cố gắng rời bỏ đất nước để ra đi, và lần nào cũng vậy, ba đều thất bại.
Nếu như mọi chuyện không thay đổi hồi năm 1989, thì có lẽ ba đã bỏ nước ra đi rồi.
Adrian Savu: Chúng tôi đã vượt qua được thời cộng sản, và đối với con, mọi chuyện bây giờ khá hơn nhiều, nhưng đất nước vẫn còn gặp nhiều vấn nạn xã hội nghiêm trọng.
Trước năm 1989, cộng sản chủ nghĩa giống như một cái lọng khổng lồ che phủ mọi công dân, dù họ có muốn hay là không. Mọi cá nhân phải hoàn toàn tùy thuộc vào chế độ đó. Chế độ làm cho họ ù lì, không có sáng kiến gì cả.
Chúng tôi đã thấy rõ tình trạng này từ năm 1989. Khi chúng tôi gặp phải một vấn đề xã hội nào đó, hoặc thậm chí sau một thiên tai, chúng ta thờ ơ, không có phản ứng gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét