Tiếp theo việc công bố giải thưởng Kinh tế học, danh sách giải thưởng Nôben năm nay cũng đã được xác định. Tổng thống Mỹ Ôbama được ban giải thưởng vì hòa bình, làm cho cả thế giới sửng sốt và gây ra rất nhiều tranh cãi. Cao Côn (tên tiếng Anh Charles Kuen Kao) từng giữ chức Hiệu trưởng Đại học Trung văn Hồng Kông, là một trong 3 người được giải thưởng về Vật lý. Do Cao Côn cùng lúc là viện sỹ Viện Nghiên cứu Trung ương của Đài Loan và Viện Khoa học Trung Quốc, nên cộng đồng người Hoa không những đưa tin rầm rộ hơn cả những giải thưởng khác, mà còn viết hàng loạt bài về việc người Hoa đoạt giải thưởng Nôben. Cao Côn sinh tại Thượng Hải, Trung Quốc, sau đó di cư sang Đài Loan, Hồng Kông, rồi tiếp tục sang Anh học tập nghiên cứu chuyên sâu, đồng thời còn có quốc tịch Anh, Mỹ. Tin tức liên quan đến Cao Côn đưa bằng tiếng Hoa, thường hay nhắc đến ông ta là “người gốc Hoa”, nói ông ta là “người Hoa” cũng không phải là quá đáng; song coi ông ta là “người Trung Quốc”, hoặc có một tờ báo ở Đài Bắc chụp ngay cho ông ta là “Cao Côn, người Thượng Hải”, thì rõ thật sai lầm.
Cũng tình huống tương tự, xảy ra đối với giải thưởng Nôben về hóa học năm ngoái. Giáo sư Tiền Vĩnh Kiện (tên tiếng Anh Roger Yonchien Tsien) của Đại học Bang Santiago de los Caballeros Mỹ, là một trong 3 người đoạt giải thưởng Nôben về Hóa học. Nhà khoa học gốc Hoa sinh tại NewYork này, khi đối mặt với hàng loạt câu hỏi của các nhà báo Trung Quốc như “Ông là người Trung Quốc à?” “Có biết nói tiếng Trung không?”"Thành tựu của ông có ý nghĩa gì đối với các nhà khoa học Trung Quốc?”, đã trả lời bằng tiếng Anh: “Không biết nói tiếng Trung. Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tôi không phải là nhà khoa học Trung Quốc”. Theo báo chí, câu trả lời của Tiền Vĩnh Kiện khiến cho một số nhà báo Trung Quốc rất bực bội.
Chuộng chủ nghĩa dân tộc, bá quyền
Tin tức liên quan đến giải thưởng Nôben và người Trung Quốc trong 2 năm liền, rõ ràng không kể là Đài Loan, Trung Quốc, đặc biệt là giới chính trị, truyền thông, đều có chung một tâm lý, chỉ muốn gán quan hệ những vinh quang trên thế giới cho người Trung Quốc. Tâm lý này, nếu chỉ xuất phát từ cảm giác mong được cùng sánh vinh quang, thì thuộc loại hão huyền kiểu nhận vơ họ hàng, tuy không đúng với thực tế, chỉ tự gây ra khó xử, song cũng không đáng làm người ta phải lo lắng. Nhưng nếu kết hợp với chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bá quyền một cách mù quáng, tâm lý này sẽ không tránh khỏi thành ra ép người ta phải làm người Trung Quốc, tô vẽ làm đẹp cho kẻ thống trị chuyên quyền, tuyệt đối không phải như biện bạch “xã hội hài hòa”, mà chỉ mang thêm tai họa.
Lựa chọn làm người gì, trên cơ bản thuộc về quyền của mỗi cá nhân, do công dân tự do quyết định. Theo giá trị chung của toàn nhân loại và công ước quốc tế, cá nhân có quyền tự do ra vào nước mình, tiếp đó có thể cư trú ở nước ngoài, lựa chọn thay đổi quốc tịch. Như Willard Boyle cùng đoạt giải Nôben về Vật lý với Cao Côn, cùng một lúc có cả quốc tịch Mỹ và Canada. Cho dù hiện thực vẫn còn nhiều hạn chế, thông thường thì con người hay di chuyển từ vùng lạc hậu đến vùng tiên tiến; đặc biệt là các nước tự do, dân chủ, giàu có, trước nay luôn lọt vào mắt xanh của những người di dân, nó phản ánh đặc thù cơ bản của loài người là luôn muốn vươn lên.
Bản tính và đặc thù trong sự lựa chọn tự do của người dân, luôn tạo ra sự kiểm nghiệm to lớn đối với người cầm quyền mỗi nước. Đạo lý cơ bản của người cầm quyền là khéo đối xử với người dân, tạo dựng môi trường sống tự do, dân chủ, phồn vinh. Ví như nước Mỹ, tương đối phù hợp lý tưởng, hơn 200 năm lại đây, luôn có sức hút đối với người dân các nơi trên thế giới, họ di cư sang đó tìm kiếm giấc mơ nước Mỹ, hình thành giá trị và sự đồng tình chung; thậm chí còn có rất nhiều di dân trái phép, chỉ vì muốn trở thành người Mỹ mà tìm đủ trăm phương nghìn kế để vượt biên sang đó.
Nếu cùng so sánh, Trung Quốc ngày nay, luôn ép người khác làm người Trung Quốc, sự thực, dẫu rằng đức Khổng Tử từng đưa ra đạo lý “kẻ ở xa không phục, thì phải làm sáng tỏ giáo hóa lễ nhạc để cho họ tìm đến”, nhưng nói một đằng làm một nẻo vẫn cứ là đặc sắc của văn hóa Trung Quốc, thuyết “Vương đạo” mang tính tương đối của Khổng Tử, không những được thực hiện rất ít, chủ nghĩa bá đạo ép người khác phải làm người Trung Quốc, vẫn còn thể hiện sâu đậm trong văn hóa, xã hội, chính trị Trung Quốc.
Thuyết lãnh thổ, dòng máu làm thế giới không yên
Ép người khác phải làm người Trung Quốc, xem ra luận điệu cũng như thủ đoạn có hàng đống hàng mớ. Thường gặp nhất là thuyết lãnh thổ, rêu rao đất này từ xưa tới nay là “lãnh thổ vốn có” của Trung Quốc. Cơ sở của thuyết này, thậm chỉ chỉ cần lên mạng tra thấy thư tịch cổ từng nhắc đến vùng đất nào đó, liền nhập chỗ ấy vào lãnh thổ thần thánh; sống trên mảnh đất ấy, không kể có bằng lòng hay không, đều phải là người Trung Quốc. Thuyết dòng máu cũng rất thịnh hành, chỉ cần hơi dính dáng với dòng máu người Hán, thì quy hết sạch thành người Trung Quốc, chính là một trong những câu chuyện cổ tích của thuyết này. Nếu như có ai không theo, liền bị đả kích là “mất gốc”; như nhà bình luận Kim Hằng Vỹ từng chỉ ra rằng: nước lã sánh sao được với máu đào, phải giết hết không tha.
Những luận điệu như thế, đã không phù hợp với sự thực lại còn thiếu văn minh. Từ vốn hiểu biết chung, nếu thuyết lãnh thổ, dòng máu mà đứng vững, thì nay nước Mỹ vẫn cứ là con dân nước Anh, hơn 200 nước trên thế giới, trước kia có lẽ không nên thoát khỏi đế quốc hoặc mẫu quốc thực dân để độc lập. Khắp thế giới chỉ nên có một nước gồm dân Ethiopia ở châu Phi nơi mà thủy tổ của loài người là Ardi từng sinh sống. Sự thực, cơ sở phổ biến để hình thành các nước cận đại, là ý thức chung của người dân, xây dựng đất nước của mình bằng ý chí chung. Chính là như học giả chính trị nước Mỹ Samuel P. Huntington đã nhấn mạnh, sự đồng tình về đất nước của con người Mỹ, chủ yếu là quan niệm và thể chế chính trị.
Trung Quốc trỗi dậy tiếng ác lan xa
Trung Quốc tuy trỗi dậy gần 30 năm, chuyển sang con đường chủ nghĩa tư bản, khiến một nhóm người trở nên giàu có, cũng khiến cho càng nhiều người coi việc trở thành người Trung Quốc là vinh quang. Nhưng người Trung Quốc có vô dụng đi nữa, có đầy đủ “bản sắc của Trung Quốc” đi nữa, cũng không đến mức chỉ biết có tiền, đồng tình và chấp nhận lâu dài với thể chế độc quyền một đảng chuyên chính.
Cũng chẳng ngại xem thử người Trung Quốc nhìn nhận bản thân như thế nào. Hai năm trước nhà văn Chung Tổ Khang viết trong cuốn Kiếp sau không làm người Trung Quốc, dẫn chứng từ điều tra bạn đọc mạng Trung Quốc, có đến 2 phần 3 người “kiếp sau không muốn làm người Trung Quốc”. Nguyên nhân chính bao gồm: Trung Quốc không có tự do, người Trung Quốc thiếu sự tôn nghiêm của con người, ở Trung Quốc không đi học nổi, không khám bệnh nổi, không kết hôn nổi, không đẻ con nổi, làm một người Trung Quốc có cảm giác sống trong căm phẫn, thậm chí đến chết cũng không chết nổi. Căn bản nhất, không làm người Trung Quốc, bởi vì “bản tính của con người là không chịu làm nô lệ”. Chính vì vậy, ngay cả đến bộ phim đồ sộ để dâng lên lễ mừng 60 năm thành lập Trung Quốc như “Nghiệp lớn dựng nước” đã lộ ra trong hàng loạt ngôi sao tầm cỡ lớn, có đến 21 người mang quốc tịch nước ngoài.
Ngoài người dân làm bữa nào ăn bữa nấy và các ngôi sao, nhà văn Nghê Khuông thời trẻ từng tham gia Quân Giải phóng Nhân dân, khi được Đài truyền hình Hồng Kông phỏng vấn riêng cuối tháng 9, nhắc lại thêm ông ta “đời này không làm người Trung Quốc, thật vô cùng thất vọng”. Nghê Khuông nhận thấy, Đảng Cộng sản Trung Quốc những năm gần đây có thay đổi, có điều là thay đổi xấu đi, trở thành chủ nghĩa tư bản tồi tệ nhất. Đồng thời, Trung Quốc dù đã xuất hiện tầng lớp nhiều tiền, nhưng không giống với tầng lớp trung sản trong xã hội phương Tây, yêu cầu dân chủ tự do, “lại thành ra càng dựa vào chuyên quyền, để mong được càng nhiều lợi ích”
Tiếng nói tự đáy lòng của những người đời này kiếp khác không muốn làm người Trung Quốc, cốt lõi đương nhiên là người cầm quyền Trung Quốc không khéo đối xử với người dân của mình. Bất kể là dân chủ chính trị, quyền công dân, tự do báo chí, Trung Quốc đều nằm ở nhóm cuối trong bảng xếp hạng quốc tế. Bức hại những người bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền, thành viên Pháp luân công, người Tây tạng, dân tộc Duy Ngô Nhĩ, thật đúng là tiếng ác lan xa. Đặc biệt là Ôlimpic Bắc Kinh năm ngoái và Quốc khánh Trung Quốc vừa rồi, Trung Quốc phòng bị vô cùng nghiêm ngặt, coi nhân dân như là kẻ địch đáng gờm, đấy chính là sự miêu tả câu nói “Bịt miệng dân, còn nguy hơn cả chặn dòng sông”.
Những người già sinh ra tại Đài Loan trước thời kỳ chiến tranh nay đã trên 65 tuổi, đều từng là người Nhật Bản. Đài Loan trước khi dân chủ hóa, người cầm quyền cũng ép người Đài Loan phải làm người Trung Quốc như thế, vả lại thông qua áp đặt chính trị, tư tưởng văn hóa trong giáo dục và truyền thông để tẩy não “loại bỏ Đài Loan hóa”, người Đài Loan không còn tự do để lựa chọn làm người Đài Loan, không ít người thành ra cứ ra rả ngoài miệng “Người Trung Quốc chúng ta”. Cho dù như vậy, Tưởng Kinh Quốc khi cuối đời cũng đã tuyên bố ra miệng “Tôi cũng là người Đài Loan”, hiển nhiên đã có bụng giã từ chủ nghĩa Trung Quốc cực đoan, để hòa quyện vào Đài Loan. Sự tỉnh ngộ giống như Tưởng Kinh Quốc, cộng thêm quá trình chuyển hóa sang dân chủ, cho đến nay bộ phận đồng tình với Đài Loan, tự coi mình là người Đài Loan đã thành tuyệt đại đa số.
[*] Tác giả là người làm nghề báo có thâm niên, nguyên Tổng biên tập Nhật báo kinh tế của Đài Loan.
Nguồn: http://www.libertytimes.com.tw/2009/new/oct/18/today-p6.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét