Đức Trần Hưng Ðạo trước khi qua đời đã đáp lời vấn hỏi kế sách chống quân Nguyên và xây dựng đất nước có đoạn kết ngắn ngủi với vua Trần Anh Tông như sau:
“Làm thế nào thu hút được quân lính như cha con một nhà mới có thể dùng để chiến thắng được. Và Phải khoan sức dân để làm cái kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước, không còn gì hay hơn.”[1]
Lời chung kết trối trăn súc tích là một bài học giữ nước cực kỳ quý báu, cho dù các binh gia lừng danh thời xưa như Tôn Vũ Tử, Ngô Khởi… cũng không có lời nào hay hơn. Hưng Đạo Vương cô đọng toàn bộ sách lược giữ nước thần kỳ siêu xuất, vẫn còn tiếng vọng giá trị đến hôm nay. Thế hệ chúng ta cần tiếp tục khai triển lời nói của một danh tướng từng đánh bại đoàn quân viễn chinh xâm lược Mông Cổ mà vó ngựa đã từng làm bá chủ thống trị gần hết lục địa Á, Âu để làm bài học.
Chính trị góp phần viết nên trang sử mới, hay ngược lại học lịch sử để đi làm chính trị, là liên hệ tất yếu giữa quá khứ và tương lai. Khi lịch sử trở thành bài học quí giá cho những hoạt động chính trị thì đó chính là sự tiếp nối khai triển những tinh hoa, khơi dòng lịch sử chính trị vào thời đại mới. Trí tuệ kết tinh của nhân loại nhiều ngàn năm đã viết nên bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đó là ánh sáng soi rọi vào đời sống con người trên nhiều phần đất ngày hôm nay còn tối tăm tù hãm, xuyên suốt mọi thành trì hủ lậu của các chế độ độc tài từ phát xít đến cộng sản mang dáng dấp tư tưởng lệch lạc, lỗi thời nơi Hitler, Lenin, Stalin, đến Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và mọi lãnh tụ độc tài khác trên thế giới đã và đang được một số ít người u mê suy tôn ca tụng. Thần thánh hóa lãnh tụ là một tư tưởng sai lầm, bệnh hoạn, vì khi tôn thờ lãnh tụ, hành động và tư tưởng chúng ta luôn bị rập theo những khuôn đúc sáo mòn, ta đã bị người khác bóc lột, lợi dụng bằng những mỹ từ rất hay, nhưng thực chất đó có thể là những cạm bẫy dẫn ta lạc bước vào những mục tiêu đầy mơ hồ không tưởng và hẳn nhiên ta đã đánh mất quyền làm chủ nơi chính ta, ta đã tự dựng nên những rào cản chống lại sự Tự do, Bình đẳng và làm thui chột mọi giá trị về Dân chủ và Nhân quyền.
Học bài học lịch sử không phải là tôn thờ lãnh tụ, vì tôn thờ lãnh tụ đã thuộc về quá khứ thời phong kiến, không còn phù hợp trong thời đại dân chủ hôm nay. Nhắc đến câu nói của người xưa để tìm lý giải những ý nghĩa tinh hoa không phải là mù quáng cả tin; đó là sự khách quan của tinh thần khoa học và dân chủ.
Cũng với ý nghĩa tinh thần vừa nêu trên, người viết xin khai triển một phần nguyên văn đoạn cuối câu nói của Đức Trần Hưng Ðạo.
1. Về mặt quân sự: Làm thế nào thu hút được quân lính như cha con một nhà mới có thể dùng để chiến thắng được.
2. Về mặt văn hóa, kinh tế và chính trị: Phải khoan sức dân để làm cái kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước, không còn gì hay hơn.
Ngày nay, đối sách với Bắc Kinh tất yếu là điều đầu tiên trong sách lược trường kỳ bảo vệ chủ quyền Việt Nam.
Ai cũng biết Thế vận hội 2008 Bắc Kinh đã tận lực khuếch đại, tổ chức đầy tốn kém, những tưởng sẽ làm cho thế giới khâm phục ngưỡng mộ bộ mặt Trung Quốc, nhưng thực tế đã làm cho thế giới thêm khinh miệt một chế độ dã man, thẳng tay đàn áp, giết hại người dân Tây Tạng! Việc nhiều nguyên thủ quốc gia từ chối tham dự lời mời của Bắc Kinh, song song với những cuộc biểu tình ngăn chặn, dập tắt ngọn đuốc thế vận đã cho Bắc Kinh một bài học ê chề. Truyền thống của Trung Hoa từ trước đến giờ là chỉ muốn bành trướng, thống trị theo kiểu thiên tử cai trị chư hầu thôi! Nhìn lá cờ Trung quốc ngày nay thì rõ. Ngôi sao lớn trên nền cờ Trung Hoa ví như sao Bắc đẩu, được coi như là Thiên triều Đại Hán, còn các ngôi sao nhỏ ví như chư hầu chịu sự điều hợp cai quản của sao Bắc đẩu. Trong lục địa Trung Hoa, các sắc dân lớn như Mông, Mãn, Hồi, Tạng v.v… phải chịu sự cai trị của Đại Hán, tất cả đều phải bị sự đồng hóa theo Hán tộc; từ đó mở rộng ra các quốc gia mà Bắc Kinh đang muốn tiến chiếm khác như Mông Cổ, Miến Điện, Việt Nam v.v… thì hẳn nhiên Bắc Kinh trước tiên luôn muốn kiềm tỏa trong vòng ảnh hưởng như là những chư hầu trong quỹ đạo điều hành của mình.
Xã hội Trung Hoa ngày nay vẫn đầy dẫy những bất công, bất bình đẳng, nhân quyền luôn bị trù dập. Xây dựng một xã hội dân chủ không thể bằng lời nói suông, nếu cứ lặp đi lặp lại hoài sẽ trở thành sáo ngữ, ngụy biện. Biết bao nhiêu “tầm chương trích cú”, những lời của Khổng tử, Mạnh tử trước sau vẫn là những lý thuyết mộng mơ, còn bàng bạc ở mức độ triết lý bằng lời nói suông. Hãy quên đi những danh từ hoa mỹ như “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” nhiều người cứ lẩn quẩn bàn tới bàn lui mà vẫn không tìm ra lối thoát. Trong thực tế, muốn xây dựng một nền tảng xã hội dân sự, trả quyền làm chủ cho người dân, thì nhà nước trước tiên phải xây dựng một cơ chế chính trị dân chủ có tam quyền phân lập giữa Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp, có Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao đại diện hợp hiến chính thức cho dân, những nền tảng này mới là tiền đề đảm bảo việc xây dựng, phát huy sự tự do, dân chủ và nhân quyền. Các giá trị trên thực sự đã trở thành phổ cập chung trong thế giới văn minh ngày hôm nay.
Xem xét mọi mặt của Trung Hoa từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, người viết không thấy xã hội dân sự tại đất nước gần 1,5 tỷ người này có những thành tựu đúng mức theo chiều hướng phát triển dài hạn các giá trị tự do và nhân quyền, trái lại chỉ kéo lùi một số đảo quốc như Hồng Kông, và viễn ảnh đen tối một mai khi Bắc Kinh dùng vũ lực thống hợp Đài Loan thì thế giới lại sẽ chứng kiến thêm cảnh tang tóc điêu linh vì tham vọng bá quyền của các ông trời con tự cao tự đại. Chỉ có một nước Trung Hoa được tách rời trở lại thành nhiều quốc gia như thời Chiến quốc mới tạo nên những vận hội lớn cho việc phát huy quyền Tự do, Dân chủ và Nhân quyền; những tiên đoán này đã được cựu Tổng thống Đài Loan là Lý Đăng Huy nói tới và ông cũng đã từng tranh đấu vận động cho một Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập, không phải phập phồng lo sợ bị cái vòng “kim cô” của Bắc Kinh triền miên đe dọa dùng vũ lực đánh sập.
Nước Tàu cho chúng ta học hỏi được điều gì ngoài sự tự cao tự đại mà giới cầm quyền Bắc Kinh không bao giờ chịu chấp nhận thực tế xã hội đang lan tràn những bất công, mất ổn định? Khi mũi súng bạo lực được buông ra thì vô số các dân tộc sẽ nổi dậy đòi độc lập như trường hợp Tây Tạng, Tân Cương… Riêng Việt Nam, tuy thân phận nhỏ bé nhưng đã sớm tách ra khỏi sự cai trị Hán hóa từ trên ngàn năn nay rồi, không lẽ hôm nay lại tự dâng mình chui đầu vào rọ trở lại để chịu cảnh nô lệ, vong quốc trên chính quê hương mình? Việt Nam có nhiều cơ may tạo nên dân cường nước mạnh chính là nhờ những yếu tố thuần nhất vốn có sẵn như ngôn ngữ, văn hóa không dẫy đầy dị biệt như xã hội Trung Hoa đang có cơ dẫn đến xáo trộn tan rã ra nhiều mảnh như tiên đoán của cựu Tổng thống Lý Đăng Huy. Ta cần có cái nhìn tổng hợp vào 3 lãnh vực chính yếu là kinh tế, chiến lược và nhân quyền. Việt Nam ta đã mạnh về kinh tế chưa? Đã xây dựng được chiến lược hoàn hảo đủ để bảo vệ chủ quyền quốc gia chưa? Đã phát huy đời sống tinh thần dân sinh ra sao trong chính sách văn hóa giáo dục…? Đó là các mối lo chính yếu mà một công dân bình thường cũng nhận thấy được. Sở dĩ nhắc lại lời nói của Hưng Đạo Vương cách nay trên 700 năm, cốt ý để thế hệ mai sau nhìn thấu rõ công khó dựng nước của tiền nhân có rất nhiều điểm tương đồng, bởi vì những giá trị khi được công nhận là sách lược thì tất nhiên sẽ có chung nhiều nét cơ bản giống nhau. Đó cũng là những viễn kiến tinh hoa trong công cuộc giữ nước và dựng nước được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu muốn sống còn thì phải biết kiên trì tiến thủ tới mục tiêu đó.
© 2010 Phạm Thiên Thơ
© 2010 talawas
[1] Trích Trần Hưng Đạo, Binh thư yếu lược, trang 23, do nhà xuất bản Quê Mẹ Paris ấn hành 1988.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét