Không. Bài blog này không phải nói về trận đá banh World Cup sắp tới giữa đội tuyển Việt Nam và Châu Phi vì thật ra Việt Nam có vô lọt được tới đâu mà đá! Mà tôi đặt tựa đề như thế là vì hôm nọ nhân dịp đi ngang thủ đô Kampala của Uganda tôi thấy trên một bức tường gạch trong thành phố chính phủ có cho vẽ một câu khẩu hiệu về dân chủ mà tôi nghĩ tôi nên chụp lại để giới thiệu cho độc giả của đài cùng xem. Khẩu hiệu ấy được ghi như sau:
For Democracy. Reject Ignorance. Listen, Analyse, and Choose.
Vì Dân Chủ. Hãy Từ Bỏ Sự Ngu Dốt. Lắng Nghe, Phân Tích, và Chọn Lựa.
Lúc đọc xong tôi bỗng nghĩ: chẳng biết đến bao giờ thì nhà cầm quyền Việt Nam sẽ cho vẽ một khẩu hiệu y như vậy ở Sài Gòn và Hà Nội.
Đối với đại đa số người Việt tôi đoán chắc ai cũng nghĩ Châu Phi là nơi nghèo nhất, loạn lạc nhất và nói chung là kém văn minh nhất trên thế giới. Chúng ta nghĩ nói gì đi nữa cho dù có tệ đến mấy thì Việt Nam cũng còn hơn được Châu Phi. Tôi cũng đã từng có sự suy nghĩ như thế.
Nhưng từ hôm sang Châu Phi làm việc cho đến nay và thấy được tận mắt những thay đổi lớn lao trong xã hội từ Uganda sang đến Kenya, Egypt và Nam Phi, tôi ý thức được rằng tôi đã hơi bị… sai. Không hẳn là sai hoàn toàn vì Việt Nam vẫn còn hơn một số nước khác như Congo, Zimbabwe, Somalia, v.v… nhưng đã sai rất nhiều khi cho là cả lục địa Châu Phi đều nghèo nàn và lạc hậu như thế.
Đối với những quốc gia tương đối giàu có và đang trên đà phát triển như Nam Phi, Kenya, Ai Cập chắc chắn là Việt Nam không thể sánh bằng. Từ lĩnh vực kinh tế, giáo dục cho đến xã hội dân sự hay chính trị. Nhưng ngay cả đối với những nước cách đây một hai thập niên vẫn còn bị chiến tranh tàn phá, hàng ngàn hàng vạn người đã bị giết dã man như ở Uganda hoặc Rwanda, tôi thấy tại thời điểm này Việt Nam vẫn có thể học được nhiều bài học từ họ.
Bài học thứ nhất tôi nghĩ chúng ta có thể học được là sự cam kết của các chính phủ đương thời thực thi những quyền lợi căn bản nhất của người dân trong nước: quyền được tự do hội họp, thành lập đảng phái và tự do ngôn luận. Những tờ nhật báo ở Uganda mà tôi đọc hằng ngày đều cho đăng và bàn cãi những vấn đề thời sự nổi bật liên quan đến các chính sánh của quốc gia và sự chỉ trích của những đảng phái khác về việc bầu cử toàn quốc vào Quốc Hội trong năm 2011.
Bài học thứ hai chúng ta cần phải học từ Châu Phi là mặc dù ở những quốc gia này phần lớn đều đang phải đối phó với vấn đề bộ lạc (tribalism), người từ bộ lạc này không tin người ở bộ lạc khác, nhưng nhìn chung họ đều đồng ý xây dựng một hệ thống pháp lý tương đồng nhưng độc lập hoàn toàn đối với chính quyền hiện tại.
Tôi cho đây là một điểm son không phải vì tôi là luật sư nên tôi thích thấy có những cải tổ ở lãnh vực này mà vì nếu như hệ thống luật pháp không công bằng, minh bạch và quan trọng hơn là độc lập không bị chính quyền chi phối thì không một xã hội nào có thể tiến lên một cách nhanh chóng và hiệu quả được. Nếu không muốn nói là những xã hội ấy ngày sẽ càng bất công hơn vì hệ thống pháp lý cuối cùng chỉ là công cụ dùng để kiểm soát và bóc lột người bị trị.
Cũng có thể là tôi quan trọng hóa vấn đề. Nhưng ngày càng lớn tôi càng cảm nhận được sự cần thiết của những hệ thống căn bản cần phải có để làm nền tảng cho sự trưởng thành của một xã hội. Phải có nó, một hệ thống tam quyền phân lập, một nền báo chí tự do không bị bất kỳ một thế lực nào chi phối và một xã hội dân sự có sự góp mặt của nhiều tiếng nói và tổ chức phi chính phủ khác nhau – phải có được từng ấy thì người dân họ mới có thể ‘reject ignorance, listen, analyse, and choose’.
Biết đến khi nào thì người dân Việt Nam mới có thể làm được những điều ấy bạn nhỉ?
Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010
Vietnam v. Africa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét