Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Ivan Kraus - Một giải pháp đơn giản

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

Lời người dịch:

 
Hôm qua (09.11.2010), trong bài đối thoại “Bỏ tù cả bảng mẫu tự, thì mới yên!”, anh Nguyễn Gia Thức (một người Việt Nam đang sống tại Tiệp-khắc) có đưa ra một lời đề nghị rất thú vị: “Nếu quý vị nào tìm được lá thư độc đáo của nhà văn Ivan Kraus [gửi cho ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nicolae Ceauşescu] thì hãy dịch ra tiếng Việt cho mọi người cùng đọc cho biết.”
 
Thật may mắn, hôm nay (10.11.2010) tôi tìm thấy bản Anh ngữ của lá thư này dưới nhan đề “A simple solution” [“Một giải pháp đơn giản”] in trong cuốn An Embarrassment of Tyrannies: Twenty-five Years of Index on Censorship do W.L. Webb & Rose Bell biên tập (New York: George Braziller Publisher, 1998), và tôi xin dịch ngay ra tiếng Việt để gửi đến độc giả bốn phương.
 

 
Ivan Kraus (~1939), nhà văn, kịch tác gia kiêm diễn viên Tiệp lưu vong, là tác giả của hơn 30 tác phẩm gồm nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản. Tác phẩm của ông thường mang tính châm biếm, khôi hài, với ngụ ý chính trị, vì thế đã bị cấm xuất bản ở Tiệp mãi đến năm 1990, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Năm 1968, ông đã cùng vợ và con gái di dân sang Tây Đức, rồi năm 1976, sang Pháp. Kịch bản The Censor [Cán bộ kiểm duyệt] của ông, xuất bản lần đầu trên tạp chí Index on Censorship năm 1976, đã được dựng thành phim với diễn xuất của tài tử lừng danh Anthony Hopkins. [Mời độc giả xem một trích đoạn dài 2 phút 49 giây trên Youtube]
 
Lá thư gửi Nicolae Ceauşescu là một văn bản mang tính châm biếm sâu cay đối với chế độ kiểm duyệt của nhà cầm quyền cộng sản độc tài. Năm 1985, khi nghe tin Nicolae Ceauşescu (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Romania kiêm Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Romania) ban hành một loạt sắc luật quái gở, trong đó có cái sắc luật bắt buộc tất cả các máy đánh chữ trên toàn đất nước Romania phải được đăng ký với chính quyền, Ivan Kraus đã viết lá thư này gửi đến Nicolae Ceauşescu.

 

 

MỘT GIẢI PHÁP ĐƠN GIẢN

 

Ông Ceauşescu thân mến,

Bấy lâu nay tôi vẫn theo dõi sự nghiệp chính trị của ông với một niềm cảm phục to tát bởi vì tôi biết chỉ một mình ông quyết định cái gì là tốt và cái gì là không tốt cho đất nước Romania. Đây là một thời đại mà ở nhiều nước các chính trị gia vẫn còn phí nhiều thì giờ cho những cuộc tranh luận dài dòng và vô ích tại các quốc hội và các hội đồng lập pháp. Do đó, tôi tin tưởng mà không hề phóng đại rằng không có một nhà cầm quyền nào trên thế giới hôm nay quan tâm đến các công dân của mình một cách riêng tư như ông.

Tôi vừa đọc báo thấy ông ban hành những sắc luật mới nhất. Sau khi biết chắc mẩm rằng nhân dân Romania ăn uống quá nhiều và vì vậy có đến một phần ba dân số bị các bệnh do chứng mập phì gây ra, ông đã ban hành một chế độ ăn uống gồm 10 quả trứng, 100 gram bơ và 1 ký thịt cho mỗi công dân mỗi tháng.

Ông cũng ra sắc luật rằng nhiệt độ trong phòng không được cao hơn 15 độ C, vì ông nhận thức rõ ràng rằng công dân của một nước xã hội chủ nghĩa thì phải có sức chịu lạnh giỏi, chứ không được yếu ớt mảnh khảnh quá trớn.

Cũng vậy, cái sắc luật của ông rằng các thang máy chỉ được sử dụng từ tầng ba trở lên chắc chắn sẽ giúp tăng cường sự tráng kiện về thể chất cho nhân dân của ông, cũng giống như cái quyết định cấm sử dụng tủ lạnh vào mùa đông và phải tắt ti-vi lúc 10 giờ đêm, ngoại trừ vào các dịp đặc biệt như những ngày mà cả nước làm lễ mừng sinh nhật — của ông, của vợ ông, hay của những người khác trong gia đình ông.

Thật đáng tiếc rằng một số công dân của ông hình như không hiểu cái minh triết của các sắc luật mà ông đã quyết định ban hành, bởi vậy nên lực lượng công an cần phải can dự vào và cảnh giác theo dõi để cầm chắc rằng nhân dân không sưởi cho nhà của họ ấm quá, không dùng tủ lạnh vào mùa đông hay xài quá nhiều điện để thắp đèn, nấu ăn, ủi quần áo hay xem ti-vi. Đây chỉ là thái độ vô trách nhiệm của một số cá nhân cho nên công an cần phải ra tay ngăn chận họ.

Tuy nhiên, tôi là một người lạc quan và tôi tin chẳng bao lâu nữa mọi người đều sẽ nhận thức được rằng họ chỉ có thể hy vọng trông thấy một ngày mai sáng sủa hơn nếu hôm nay họ tắt đèn sớm. Hiển nhiên là ông và cả gia đình ông phải làm việc rất nặng nhọc. Nicu, con trai của ông, là Bộ trưởng Thanh niên; các em trai của ông là Ion và Ilie đang nắm Bộ Kế hoạch Nhà nước và Bộ Quốc phòng; và Nicolae, một em trai khác của ông, cầm đầu Bộ Nội vụ. Hơn thế nữa, vợ của ông là Phó Chủ tịch Thứ nhất của ông.

Ai cũng biết rằng tất cả 50 người trong gia đình của ông phải cống hiến hết thì giờ, công sức và tài năng vào việc điều khiển đất nước Romania, với hơn 22 triệu dân. Có nghĩa là mỗi thành viên trong gia đình của ông làm chủ gần nửa triệu công dân, và đó là một kỷ lục mà không một nơi nào trên thế giới hôm nay có thể sánh nổi. Ngay cả các đại công ty như Flick ở Tây Đức, Heineken ở Hòa-lan, Grundig hay Ford cũng không thể làm việc có hiệu quả bằng ông. Duvalier chỉ đạt được lợi tức tối thiểu với đội ngũ thuộc hạ của lão, Idi Amin thì đã khánh tận, và Khomeini thì có quá nhiều kẻ chia phần và vẫn không thể thành công.

Tôi nhắc đến tất cả những điều này chỉ vì tôi nghĩ rằng cái ý tưởng mới đây nhất của ông — sắc luật về việc đăng ký tất cả các máy đánh chữ trong toàn quốc — đòi hỏi một sự diễn giải tinh tế hơn một chút. Vì thế, xin ông cho phép tôi bàn luận về cái sắc luật ngoạn mục này và nêu ra một vài đề nghị làm thế nào để có thể nâng cấp nó.

Trước hết, điều tuyệt đối thiết yếu là buộc phải đăng ký tất cả những viên phấn, những cây bút máy, bút chì, cọ vẽ, cũng như mực, dầu vẹc-ni và những lọ sơn xịt (bởi vì xét cho cùng thì ở đất nước của ông người ta cũng có thể kiếm ra các món này), và các vật liệu khác như giấy, những cuốn sổ tay và những cuốn vở. Và, nói về giấy, xin ông đừng quên giấy gói hàng và giấy chùi đít. Đồng thời là tất cả các thứ vật liệu mà từ đó có thể cắt ra, dán lên, hay nếu không thì có thể sắp đặt các chữ cái trong bảng mẫu tự. Tôi đang nói về những tờ báo, những cái xách tay, những thứ vải vóc, những cái kéo, những thỏi keo, và những thứ đinh, kim, ốc, vít.

Tuy nhiên, người ta cũng có thể dùng các phương tiện khác để phát biểu những ý tưởng chống lại Nhà Nước hay những ý tưởng tai hại khác. Sử dụng các ký hiệu Morse, chẳng hạn, người ta có thể truyền tin bằng một tia ánh sáng. Bởi lý do đó, tôi đề nghị bắt buộc đăng ký tất cả các thứ đèn để bàn, đèn treo, đuốc, bóng điện, những cục pin, những đèn chiếu trên sân khấu, những cái lồng đèn, pháo hoa, cũng như những tấm gương.

Các phương pháp thô sơ hơn như ra hiệu bằng khói cũng có thể dùng để chuyển những khẩu hiệu chống lại Nhà Nước, do đó tôi đề nghị hạn chế việc bán diêm, nến, hộp quẹt, cũng như xì-gà và thuốc lá điếu.

Hơn thế nữa, xin ông đừng quên tất cả những thứ đồ vật có thể được sử dụng để truyền tín hiệu âm thanh. Bất kỳ một công dân nào không có giấy phép thì không được mua những cái chuông, những cái còi huýt, và những thứ nhạc khí (bộ gõ, bộ hơi, và bộ dây — để dùng ở khoảng cách gần). Tổng số các nhạc khí hiện diện trong các dàn nhạc và các nhóm hòa tấu nên được kiểm tra ngay lập tức, và các nhạc sĩ đáng tin cậy được chấp sổ hộ chiếu âm nhạc.

Tất cả những điều này, tuy nhiên, vẫn chưa đủ.

Những người muốn bày tỏ ý tưởng chống lại Nhà Nước có thể cực kỳ tài tình, như tôi đã phát hiện ở Prague vào năm 1968, khi cuộc xâm lăng của bộ đội Liên-xô đã làm nổi lên cái mà tôi có thể gọi là một ngày hội của sự sáng tạo chống lại Nhà Nước.

Bài học mà chúng tôi lúc ấy đã học được là các công dân có thể dùng những lon rỗng, sọt rác, hộp gỗ, thùng rượu, cũng như những lốp xe và các vật liệu xây cất như gạch, những khối bê-tông, những dầm gỗ và những tấm ván. Các dụng cụ tìm thấy trong bất kỳ nhà kho nào cũng phải được gồm vào trong phạm trù này, chẳng hạn: kềm, cuốc chim, xẻng, lưỡi cuốc, mũi khoan, lưỡi hái, ngay cả lưỡi liềm!

Các đồ dùng trong nhà cũng có thể tiện dụng. Người ta chỉ cần vài thứ bàn, ghế, giá treo mũ, ghế dài, tủ quần áo, là có thể xếp vào nhau thành một khẩu hiệu.

Cũng không nên bỏ sót các nông dân và các tá điền. Họ có thể đạt được cùng một kết quả như thế bằng cách dùng củ cải, khoai tây, bí ngô, bất kỳ thứ rau đậu nào cũng như tất cả các loại quả lớn hơn — nghĩa là dễ đọc hơn. Ngay cả những loại quả nhỏ hơn, chẳng hạn những quả lý chua, quả việt quất, quả mâm xôi, cũng có thể dùng để viết, nếu họ không viết trên những bức tường, thì chắc hẳn họ viết trên những mặt bàn.

Cũng vậy, các thứ nồi, niêu, xoong, chảo, những cái vung, những cái đĩa, nói tóm lại, mọi thứ đồ dùng nhà bếp, chén, tách, dao, nĩa, cũng có những khả năng tương tự.

Và, than ôi, chúng ta không thể bỏ qua những lọ thuốc và những viên thuốc, gồm cả những viên sinh tố, trong khi đó thì các thứ thức ăn cũng có thể bị người ta dùng sai chỗ. Những thỏi xúc-xích, giò chả, những ổ bánh mì, những thỏi bánh cuộn, bơ, sữa chua, bia và các loại chai khác — tất cả những thứ này đều là những vật liệu có khả năng thông tin, cũng như nhiều món đồ dùng cá nhân, chẳng hạn những thỏi son, những hộp phấn thoa mặt, những đồ trang điểm, những chiếc ví, những chiếc đồng hồ, và kẹo cao-su.

Cuối cùng, tôi phải xin ông chú ý đến một đồ vật nữa — cuốn sách. Đúng ra, những cuốn sách. Tôi biết chúng đã được kiểm duyệt cẩn thận trước khi chúng đến các tiệm bán sách, các thư viện, các trường học hay các viện khoa học. Nhưng không phải nội dung của chúng khiến tôi lưu tâm ở đây.

Chính cái hình dạng của cuốn sách làm cho nó trở thành một công cụ lý tưởng để xếp thành những chữ hay cả những câu văn, cho nên khi một kẻ có óc sáng chế muốn chống lại Nhà Nước thì tất cả những gì mà hắn cần chỉ là, chẳng hạn, một đống sách tiểu sử của chính ông — với nội dung tuyệt đối thích nghi với ý thức hệ — hay những tác phẩm đã được chính thức cho phép lưu hành, để từ đó hắn xếp lại thành một khẩu hiệu bất xứng.

Tôi biết rõ rằng mọi biện pháp có hệ thống để ngăn ngừa sự lan tràn của những ý tưởng chống lại Nhà Nước theo cách mà tôi đã trình bày trên đây thì chắc hẳn là cực kỳ tốn kém.

Tôi nhận ra rằng để thực hiện điều đó thì cần phải bổ nhiệm các nhân viên kiểm duyệt đặc biệt ở từng văn phòng, từng công xưởng, từng học viện và từng hợp tác xã. Họ cũng phải được gửi đến các bộ phận khác, chẳng hạn các sở hoả xa, giao thông vận tải, và các cơ quan hành chánh địa phương và khu vực, và quan trọng nhất là họ phải có mặt trên mọi đường phố và trong từng nhà. Đó là chưa kể trong cả các lực lượng quân đội và công an.

Nếu tôi tính đến phí tổn của việc báo cáo và đăng ký có hệ thống của mọi thứ đồ vật, mà lại phải cộng thêm sự tốn kém trong việc thiết lập và điều hành các văn phòng kiểm duyệt và các uỷ ban kiểm soát trung ương, thì tôi — trong lúc đang ngồi đây viết bằng một cái máy đánh chữ vẫn còn tự do, chưa đăng ký — nghiệm ra rằng có một giải pháp đơn giản hơn và rẻ hơn nhiều, mà tôi mạo muội đề nghị lên để ông cứu xét.

Tôi đề nghị rằng chúng ta giải quyết cái vấn nạn này một cách hợp lý và đơn giản bằng cách dẹp bỏ bảng mẫu tự.

Đó là cách duy nhất giúp chúng ta đạt đến chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng và không có rủi ro.

 

Tháng Tám 1985

Ivan Kraus

 

 

-----------
Dịch từ bản Anh ngữ “A simple solution” của George Theiner trong cuốn An Embarrassment of Tyrannies: Twenty-five Years of Index on Censorship do W.L. Webb & Rose Bell biên tập (New York: George Braziller Publisher, 1998) 126-129.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét