Lê Phan
Tuần rồi, Hà Nội, hay đúng hơn công an Huế đã làm cả thế giới, nhất là những nhà ngoại giao sửng sốt, khi họ tấn công một nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Ngay lập tức chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức “mạnh mẽ phản đối” với chính phủ Hà Nội về những tin tức là công an đã hành hung một nhà ngoại giao Hoa Kỳ vốn là tùy viên chính trị chuyên theo dõi những vấn đề nhân quyền, trong khi ông đang tìm cách đến thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Ðại Sứ Michael W. Michalak ở Hà Nội đã diễn tả vụ tấn công ông Marchant là “một vụ vô cùng đáng quan ngại.”
Theo tin tức từ chính Linh Mục Lý, từ các nguồn tin báo chí thì vụ này xảy ra ở Huế, nhưng chi tiết thì không rõ rệt lắm. Theo Ðài Á Châu Tự Do, Linh Mục Lý kể lại là ông Marchant đã bị vật xuống đất ngay trước cửa nhà nơi linh mục đang bị quản thúc tại gia, và sau đó bị bắt mang đi. Một bản tin của hãng thông tấn AP thì nói công an nhiều lần tìm cách đóng cửa xe vào chân của ông Marchant. Nhật báo New York Times nói là họ không liên lạc được với ông Marchant, một tùy viên chính trị tại Tòa Ðại Sứ ở Hà Nội từ năm 2007. Ông được các bạn đồng nghiệp nói là một người hết lòng ủng hộ quyền tự do chính trị và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Mới đây ông đã được trao giải thưởng Nhân Quyền và Dân Chủ mà Bộ Ngoại Giao trao tặng cho một nhân viên ngoại giao, và theo gia đình ông ở Hoa Kỳ thì ông sẽ nhận lãnh giải thưởng đó từ chính tay Ngoại Trưởng Hillary Clinton trong một ngày gần đây.
Trong khi đó Hà Nội có vẻ lúng túng. Theo Thông tấn xã AP, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hà Nội Nguyễn Phương Nga nói là chính phủ Việt Nam đang cứu xét xem chuyện gì đã xảy ra. Bà Phương Nga cũng nói là các nhà ngoại giao “phải tuân thủ luật lệ của nước chủ nhà.”
Không biết bà Phương Nga có được học luật lệ của ngành ngoại giao quốc tế hay không, nhưng nguyên tắc miễn tố ngoại giao mà tiếng Anh gọi là “diplomatic immunity,” được bảo đảm bởi Công ước Vienna về liên hệ ngoại giao, là nguyên tắc mà các quốc gia đều công nhận. Công ước này ghi rõ là các nhà ngoại giao có quyền hành xử nhiệm vụ không sợ bị cưỡng bức hay sách nhiễu bởi quốc gia chủ nhà. Ðiều 29 của Công ước còn ghi rõ: “Các nhà ngoại giao phải không bị bắt bớ hay giam giữ. Họ được miễn tố trước mọi cáo buộc dân sự cũng như hình sự.” Một chính phủ, nếu không bằng lòng trước thái độ hay cách hành xử của một nhà ngoại giao có thể tuyên bố họ là “persona non grata-người không được chấp nhận” và trục xuất nhà ngoại giao chứ không có quyền hành hung bắt bớ một nhà ngoại giao. Nói cách khác, ông Marchant có thể bị trục xuất nhưng không thể nào bị hành hung và bị bắt giữ.
Hành động như vậy đối với một nhà ngoại giao là một điều tối kỵ. Ngay cả đến trong giai đoạn tệ hại nhất của các chế độ độc tài toàn trị như Liên Xô hay Ðức Quốc xã, chính quyền cũng không hành xử như vậy với một nhà ngoại giao của một quốc gia mà mình đang có bang giao.
Dĩ nhiên đây không phải lần đầu tiên công an ngăn cản các giới chức Hoa Kỳ gặp gỡ các nhân vật tranh đấu. Tờ Wall Street Journal nhắc lại là năm 2007, công an đã ngăn cản vợ và mẹ của các nhân vật tranh đấu được mời đến Tòa Ðại Sứ để dùng trà với Ðại Sứ Michael Marine và Dân Biểu Loretta Sanchez. Bà Sanchez đã diễn tả là hai bà đã bị “hành hung” ngay bên ngoài tư dinh ông đại sứ. Năm 2009, một đoàn đại diện của Ủy ban Quốc tế về Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ tìm đến gặp gỡ các nhân vật tranh đấu cho tự do tôn giáo đã bị cản trở. Một ủy viên của ủy ban đã nói với ủy ban Quốc Hội điều tra về tự do tôn giáo là công an đã giả một vụ tai nạn xe hơi để chặn đường không cho họ đến gặp các nhân vật này.
Ðiều khó hiểu hơn là trong vòng năm qua, Hà Nội đã săn đón và tìm cách xích lại gần hơn với Hoa Kỳ để làm lực đối trọng với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc về vấn đề Biển Ðông.
Nhưng hành động lần này xảy ra vào lúc mà Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn với một Quốc Hội Hoa Kỳ mà thế lực của đảng Cộng Hòa đang lên. Hành động này sẽ chỉ làm cho một số vị dân cử Cộng Hòa thêm bực tức. Trước đó, Dân Biểu Ed Royce, Cộng Hòa-California, và là một thành viên thâm niên của Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, đã đưa ra một dự luật áp đặt trừng phạt lên các viên chức Việt Nam tham dự vào các vi phạm nhân quyền.
Chả trách mà ông Phil Robertson, giám đốc Ðông Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã phải nhận xét: “Chúng tôi nghĩ chính phủ Việt Nam không còn kiểm soát được công an nữa.”
Dư luận trong và ngoài nước thì đưa ra nhiều diễn dịch. Có người bảo đây là cố gắng của nhóm thân Trung Quốc nhằm phá hoại những liên hệ mới giữa Hoa Kỳ và Hà Nội. Có người thì nghĩ vụ này nằm trong khuôn khổ của cuộc tranh giành quyền lực đang xảy ra trong giai đoạn tiến tới đại hội của đảng Cộng Sản sẽ bắt đầu vào tuần tới. Cũng có người đồng ý với ông Robertson của Human Rights Watch nói là “công an đã thành kiêu binh.”
Mỗi diễn dịch này đều có một căn bản nào đó. Quả là trong những tháng gần đây, đã có một số nhân vật trong đảng Cộng Sản Việt Nam tỏ ra lo ngại về việc xích lại gần với Hoa Kỳ. Những người này nghĩ là thà đi theo Trung Quốc để mất nước còn hơn là đi theo Hoa Kỳ sẽ mất đảng, tức là họ sẽ mất luôn quyền hành và phồn vinh.
Cũng như vậy, quả là trong nội bộ đảng Cộng Sản đang có những tranh giành gay gắt. Có thể là việc chia phần và phân chức vụ đã xong, nhưng những tranh chấp vẫn tiếp tục vì có vẻ không phe nào hài lòng.
Và quả thật công an của Hà Nội có vẻ càng ngày càng “quá quắt” lắm. Nội trong năm 2010 vừa qua, đã liên tiếp có những vụ công an đánh chết dân. Human Rights Watch năm ngoái ghi nhận là có ít nhất 19 vụ công an hành hung trong đó có 15 người bị thiệt mạng. Chế độ nay đã phải hoàn toàn trông cậy vào công an để kiểm soát dân chúng, do đó chuyện công an trở thành kiêu binh cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Nhưng có giải thích thế nào chăng nữa thì hành động của mấy tên công an ở Huế này đã đến vào lúc tệ hại nhất cho chính quyền. Hà Nội phải hiểu là tuy cần Việt Nam trong ván bài vùng Ðông Á, Hoa Kỳ không thể và không chấp nhận để Việt Nam có một thái độ như vậy với một viên chức của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét