Với tựa đề « Trung Quốc đào sâu những điều bị quên lãng trong lịch sử », nhật báo Libération hôm nay tường trình về việc Viện bảo tàng Quốc gia Trung Quốc (Bắc Kinh) vừa mở cửa cuộc trưng bày lớn về lịch sử Trung Quốc hiện đại mang tên « Con đường hướng đến sự Phục sinh ». Tờ báo nhấn mạnh, trong toàn bộ cuộc triển lãm có bốn bức ảnh về các nạn nhân của Mao Trạch Đông, trong khi các nhà sử học đã nêu ra con số ít nhất 30 triệu người chết trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa.
Toàn bộ cuộc trưng bày cho thấy những thắng lợi đầy vinh quang của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, của Mao Trạch Đông và những người kế tục, kể từ giữa thế kỷ XX, sau một thế kỷ bị ngoại bang xâm chiếm và hạ nhục.
Cách nhìn này về lịch sử Trung Quốc thống nhất với các bài học trong sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc hiện đại, trong đó hàng triệu người chết dưới thời Mao đã không hề được nhắc đến.
Theo ông Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), tổng biên tập Nguyệt san sử học về lịch sử Trung Quốc qua các thời đại (Viêm Hoàng Xuân Thu - Yanhuang Chunqiu), « Trung Quốc hiện nay vẫn còn chưa có đủ năng lực thừa nhận các sai lầm trong quá khứ ». Tạp chí lịch sử với ấn bản hạn chế này là một xuất bản hiếm hoi tại Trung Quốc, dám đưa ra một cách nhìn khác với quan điểm chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, dưới chế độ độc đảng, lịch sử là lĩnh vực chỉ có đảng Cộng sản mới có quyền nói đến. Tất cả những gì liên quan đến quá khứ được hai cơ quan quản lý. Đó là Trung tâm nghiên cứu lịch sử của Đảng và Ủy ban bảo vệ bí mật quốc gia. Tháng trước, Ủy ban Quốc gia về phát thanh, điện ảnh và truyền hình đã đưa ra quyết định cấm tất cả các chương trình liên quan đến « cuộc du lịch theo thời gian », khái niệm này liên quan đến các cuốn phim nhiều tập xuất hiện rất nhiều trong thời gian gần đây, mang tính hư cấu, đưa những nhân vật trong lịch sử cận đại vào bối cảnh của các thời kỳ quá khứ.
Công việc của tạp chí lịch sử của nhà báo Dương Kế Thằng, nguyên phóng viên Tân Hoa Xã về hưu, đi ngược lại với đường lối chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Dương Kế Thằng không đơn độc, vì đứng đằng sau ông là cả một lực lượng những cán bộ cao cấp về hưu, còn tin tưởng vào các hứa hẹn dân chủ hóa của Đảng, và hy vọng Trung Quốc tiến đến chế độ đa nguyên. Nổi bật trong số đó là Lý Nhuệ (Li Rui), một người đã từng là thư ký của Mao Trạch Đông trong những năm 1950. Ông cũng là người phản đối lại các biện pháp cực đoan của « Lãnh đạo Tối cao ».
Cho đến nay, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn chưa thừa nhận các sai lầm của mình trong quá khứ. Trong lần xuất bản mới nhất của cuốn Lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, những hậu quả của Cách mạng Văn hóa chỉ được nhắc đến qua một con số, 60.000 cán bộ bị chết vì tra tấn và không có một lời giải thích nào.
Hàng chục triệu người chết đói trong Đại Nhảy Vọt (1958-1962)
Tuy nhiên, thảm họa lớn nhất do đảng Cộng sản thời Mao gây ra là cái chết của khoảng từ 30 triệu đến 35 triệu người trong nạn đói khủng khiếp được giữ trong vòng bí mật, trong những năm 1958-1962, khi Mao Trạch Đông chủ trương tiến hành « cuộc Đại Nhảy Vọt », nhằm đuổi kịp và vượt nước Anh.
Tác phẩm « Bia Mộ » (Mubei), dày 1.000 trang, về nạn đói này (xuất bản năm 2008 tại Hồng Kông) đã đưa ra các bằng chứng bác bỏ luận điểm chính thống của đảng Cộng sản, cho rằng nạn đói này chỉ là do thiên tai. Các nghiên cứu lịch sử do những người khác tiến hành cũng đưa ra những con số khổng lồ. Nhà sử học Yu Xiguang người Bắc Kinh, từng bỏ ra hai mươi năm nghiên cứu các hồ sơ về chủ đề này, đưa ra con số khoảng 55 triệu người chết, trên tổng số 650 triệu cư dân thời đó.
Một giai đoạn đen tối khác trong lịch sử Trung Quốc dưới thời Cộng sản, đó là khi hàng trăm nghìn người bị quy là địa chủ, bị giết hại trong giai đoạn cải cách nông nghiệp (1949-1950). Về giai đoạn này, có một xuất bản của nhà sử học Gao Wangling, với 100.000 ấn bản, cho thấy « các địa chủ không ác đến mức như người ta nói. Nhìn chung, họ đã cho thuê đất với giá cả tương đối hợp lý ».
Trong Bảo tàng Quảng trường Thiên An Môn, có một bức ảnh Mao và dòng chú thích : « Mao Trạch Đông và nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương đã để cho tình cảm tự mãn và tự hào lấn át. Coi thường các quy tắc kinh tế và mong muốn đạt được các kết quả ngay lập tức, họ đã tiến hành chiến dịch Đại Nhảy Vọt. Cuối cùng, họ đã bị một làn sóng sai lầm tả khuynh lấn lướt và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã hứng chịu những thất bại nặng nề ». Libération bình luận, một lần nữa họ Mao lại được tha bổng.
Nguồn: RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét