Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Việt Nam phản đối Trung Quốc uy hiếp tàu đánh cá Việt Nam

Thanh Phương

Theo nguồn tin chính thức, ngày 1/6 vừa qua, 3 tàu quân sự của Trung Quốc đã dùng súng để uy hiếp một tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Phú Yên, trong khi tàu này đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đào Trường Sa của Việt Nam. Hôm qua, 2/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối về vụ này. 

Hà Nội xem đây là hành động « xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và không phù hợp với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ( DOC ) ». Trước đó, tàu hải giám của Trung Quốc cũng đã xâm nhập hải phận của Việt Nam và đã xách nhiễu hai tàu thăm dò địa chấn của công ty Petro Việt Nam vào tuần trước và vào thứ ba vừa qua (31/5), thậm chí đã cắt đứt dây cáp của một tàu Việt Nam.

Những vụ xâm phạm lãnh hải Việt Nam liên tục trong mấy ngày qua của Trung Quốc đang khiến dư luận Việt Nam ngày càng phẩn nộ. Trên các mạng xã hội hiện đang lan truyền lời kêu gọi biểu tình vào ngày Chủ nhật tới trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn. Những người sẽ tham gia biểu tình được kêu gọi là giữ thái độ ôn hòa và không đem theo vũ khí. Các khẩu hiệu được đề nghị là « Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam », « Hãy trả lại Hoàng Sa và Trường Sa » hoặc « Trung Quốc phải ngừng khiêu khích Việt Nam ».

Đây sẽ là lần thứ hai diễn ra các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Vào tháng 12 năm 2007, hàng trăm người dân Việt Nam đã từng biểu tình trước các cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một công ty du lịch ở Việt Nam, công ty Canaan Tourist hôm nay còn thông báo ngưng bán tour du lịch sang Trung Quốc cũng như tháo gỡ các thông tin du lịch Trung Quốc ra khỏi trang web, để « nêu cao tinh thần của người yêu nước » trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn chủ quyền Việt Nam. Trả lời phỏng vấn RFI hôm nay, anh Nguyễn Tuấn Kiệt, giám đốc Canaan Tourist tại Việt Nam cho biết:

Tuy rằng nó ảnh hưởng đến doanh số của công ty vì mình cắt đi một thị trường đưa khách đến, nhưng mà ở đây, tụi em muốn nêu cao tinh thần của người Việt. Trong thời điểm hiện tại mình không nên đi tham quan Trung Quốc, tại vì mình tham quan Trung Quốc nghĩa là góp phần vào việc tăng doanh số du lịch Trung Quốc. Đem tiền của mình sang Trung Quốc tiêu xài, trong khi tình hình đất nước thì như vậy thì không nên. Nếu khách hàng có hỏi tour đi Trung Quốc thì em khuyên khách hàng nên chuyển đi các nước khác hoặc du lịch trong nước. Như thế là nâng cao tinh thần dân tộc của mình.

RFI : Theo anh biết thì Canaan Tourist có phải là công ty duy nhất có sáng kiến như vậy hay không, hay còn có những công ty khác nữa ?

Nguyễn Tuấn Kiệt : Hiện nay thì một số công ty cũng đang có ý kiến giống như vậy, nhưng mà bày tỏ một cách mạnh mẽ thì có công ty Canaan và có một công ty nữa đó là công ty Côn Đảo Explorer. Công ty này làm ngược lại, tức là Công ty Canaan không đưa khách đi Trung Quốc, thì ngược lại công ty Côn Đảo Explorer không phục vụ khách Trung Quốc.

RFI : Phía khách hàng Việt Nam, họ có đồng tình với quyết định của Canaan Tourist không ?

Nguyễn Tuấn Kiệt : Về phía khách hàng Việt Nam thì họ cũng rất là đồng tình, tại vì cái tinh thần yêu nước ở trong nước hiện nay dâng lên rất cao. Khi công ty đưa thông tin đó lên thì một lượng lớn khách hàng đã truy cập vào trang web, gởi E-mail, cũng như gọi điện thoại động viên tinh thần. Đó là điều rất khích lệ cho công ty của em khi được rất nhiều khách hàng đồng tình như vậy.

RFI : Trong thời gian qua thì cũng có những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Với tư cách là người tiêu dùng thì anh thấy ý kiến này có xác đáng hay không, trong bối cảnh mà bây giờ hàng Trung Quốc cũng tràn ngập thị trường Việt Nam ?

Nguyễn Tuấn Kiệt : Cái hành động đó, em nghĩ nó cũng mang tính chất rất là hay. Thứ nhất, nhân dịp này mình không dùng hàng hóa Trung Quốc để mình bày tỏ thái độ phản kháng với người Trung Quốc. Có nhiều cách khác nhau để bày tỏ thái độ phản kháng. Không dùng hàng Trung Quốc là để cho Trung Quốc thấy rằng mình không hài lòng về cái cách mà họ lấn tới với mình. Cái thứ hai nữa là, không dùng hàng Trung Quốc để chuyển sang dùng hàng Việt là điều rất mong muốn từ lâu rồi, nhưng không có dịp. Đôi lúc hàng Trung Quốc nó rẻ hơn, hàng hóa Việt Nam mình thì lại mắc hơn. Để nêu cao tinh thàn dân tộc, mình không mua hàng Trung Quốc nữa, mình chuyển sang mua hàng Việt. Đó là một cách kích thích nền kinh tế, trong khi nền kinh tế Việt Nam của mình cũng đang rất khó khăn. Em nghĩ đó là hành động hữu ích và thiết thực.

RFI : Xin cảm ơn anh Nguyễn Tuấn Kiệt, Giám đốc công ty du lịch Canaan Tourist.

RFI Vietnam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét