Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Bắc Kinh Là Một Cơn Ác Mộng

Một góc Bắc Kinh, qua ống kính của Ngải Vị Vị, Tháng Sáu năm 1994

Ngải Vị Vị
- Bản dịch của Hải - Ngày 20110901




Một cơn ác mộng không dứt....


Bắc Kinh là hai thành phố. Một thành phố của quyền lực và tiền bạc. Cư dân bất cần biết hàng xóm của họ là ai, và không tin bạn. Một thành phố khác là sự tuyệt vọng. Tôi nhìn mọi mọi người trên xe buýt công cộng, nhìn mắt họ tôi thấy họ vô vọng. Họ cũng chẳng thể tưởng tượng là sẽ có thể mua nhà. Họ đến từ những ngôi làng nghèo khó, nơi họ chưa bao giờ thấy điện hoặc giấy vệ sinh.

Mỗi năm nhiều triệu người đến Bắc Kinh xây cầu đường và nhà cửa. Mỗi một năm họ dựng thêm một Bắc Kinh lớn bằng thành phố cũ vào năm 1949. Họ là nô lệ của Bắc Kinh. Họ sống lẩn lút trong những khu gia cư bất hợp pháp mà Bắc Kinh sẽ phá hủy khi tiếp tục bành trướng. Ai là chủ các ngôi nhà (hợp pháp) vậy? Những người thuộc về chính quyền, trùm ngành than, chủ doanh nghiệp lớn. Họ đến Bắc Kinh dâng quà (hối lộ) - vì thế nhà hàng, quán nhạc karaoke và phòng tắm hơi mớt phát đạt. Bắc Kinh bảo người nước ngoài rằng họ có thể hiểu thành phố, rằng chúng tôi cũng có cùng loại kiến trúc: Sân vận động Tổ Chim, tháp truyền hình CCTV. Các quan chức mặc com lê và đeo cà-vạt như khách nước ngoài và nói với họ rằng chúng ta giống nhau, và chúng ta có thể làm ăn được. Nhưng họ lại từ chối (người dân) chúng tôi những quyền cơ bản. Bạn sẽ thấy trường học của dân công đóng cửa (1). Bạn sẽ thấy bệnh viện – nơi họ cho bệnh nhân mấy mũi khâu và khi biết bệnh nhân không có tiền, họ kéo mũi khâu ra. Đó là thành phố của bạo lực.         

Điều tồi tệ nhất về Bắc Kinh là bạn không bao giờ có thể tin hệ thống pháp luật. Không có sự tin tưởng, bạn chẳng thể xác định cái gì; nó như cơn bão cát. Bạn không thấy mình là một phần của thành phố - không nơi quyến thuộc mà bạn muốn đến. Không một góc phố hay khu vực nào toả ra một loại tia sáng. Bạn không lưu luyến bất kỳ một vật liệu, thớ hàng (2) hay hình khối gì. Mọi thứ thay đổi liên tục theo ý muốn của ai đó, theo quyền lực của ai đó.  

Muốn thiết kế Bắc Kinh cho đúng, bạn phải để thành phố có khoảng sống cho những sở thích khác biệt hầu mọi người có thể sống chung, hầu xã hội có một cơ thể đầy đủ. Thành phố là nơi khả dĩ cung cấp tối đa tự do. Nếu không nó thiếu hoàn chỉnh.

Tôi thấy tiếc khi nói rằng mình không có nơi chốn yêu thích ở Bắc Kinh. Tôi không có ý đi bất kỳ nơi nào trong thành phố. Mọi chỗ quá đơn giản. Bạn không muốn nhìn một người vừa đi qua vì mình biết rõ cái gì trong đầu anh ta. Không tò mò. Và cũng chẳng có ai tranh cãi với bạn.

Không một phần nào trong nghệ thuật của tôi lại thể hiện Bắc Kinh. Tổ Chim, tôi không bao giờ nghĩ về nó (3). Sau Thế vận hội, dân gian chẳng ai nói về nó vì Thế vận hội không đem niềm vui  cho họ. 

Có những điều tích cực ở Bắc Kinh. Người ta vẫn sinh con. Có một vài công viên đẹp. Tuần trước tôi bước vào một vườn và vài người tới gần ra dấu tán thành hoặc vỗ nhẹ vào vai. Tại sao họ phải vậy một cách giấu giếm? Không ai dám nói ra. Họ đợi cái gì? Họ luôn nói với tôi, “Vị Vị, ra khỏi nước đi” hoặc “hãy sống lâu hơn và xem chúng chết.” Hoặc là đi, hoặc là kiên nhẫn xem chúng chết ra sao. Tôi thực sự không biết mình sẽ làm gì.

Vụ hoạn nạn của tôi làm tôi hiểu rằng trên thớ vải (4) này có nhiều vết kín mà họ nhét vào những kẻ không căn cước. Chẳng có tên, chỉ một con số. Họ bất cần xem bạn đi đâu, phạm tội gì. Họ có thấy bạn hay không thì cũng chẳng khác gì nhau. (Bắc Kinh) có ngàn chốn như vậy. Chỉ gia đình bạn là gào thét vì bạn mất tích. Nhưng bạn không có câu trả lời từ công chúng hoặc viên chức chính quyền, thậm chí từ cấp cao nhất, như tòa án, cảnh sát hay người dứng đầu quốc gia. Nhà tôi đã viết kiến nghị như thế mỗi ngày, gọi điện thoại tới đồn cảnh sát mỗi ngày. Chồng tôi ở đâu? Chỉ cho tôi biết chồng tôi ở đâu. Không có tờ giấy, không có tin tức gì.

Đặc điểm mạnh nhất của những khoảng sống như vậy là chúng bị xé rời khỏi ký ức hoặc bất cứ cái gì bạn thấy gần gũi. Bạn bị cách ly hoàn toàn. Và bạn không biết mình sẽ ở đấy bao lâu, nhưng thành thực tin rằng họ có thể ra tay bất cứ điều gì với bạn. Thậm chí chẳng có cách nào nêu vấn đề. Bạn không được cái gì bảo vệ. Sao tôi lại ở đây? Trí óc bạn không xác định được thời gian. Bạn như phát điên. Thật rất khó cho tất cả mọi người. Thậm chí với cả những ai có đức tin mãnh liệt.

Thành phố này không về người khác, về các cao ốc hay đường phố mà về cấu trúc tinh thần của mình. Nếu chúng ta nhớ những gì (tác giả Franz) Kafka viết về "Thành Bảo" của ông, chúng ta cảm ra điều ấy (5). Các thành phố thực sự là khung cảnh tâm thần. Bắc Kinh là một cơn ác mộng. Một cơn ác mộng không dứt.

_______________



Bài viết dễ cảm nhận mà thật ra lại càng khó dịch! Và khó dịch ra sự cô đọng có hơn 800 chữ của nguyên bản. Trong ý ngợi ca tác giả, người dịch xin thu gọn cho thật ngắn. Xin cám ơn bác Nghĩa đã hiệu đính và ghi chú thêm vài chỗ cho sáng ý. Những chữ trong ngoặc đơn (...) là của người dịch. Khi dịch, chúng tôi suy nghiệm ra tâm tư và tâm cảnh của tác giả Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ đa năng về nhiều lĩnh vực mỹ thuật như hội họa, điêu khắc, kiến trúc và vừa bị chính quyền Bắc Kinh giam giữ không có lý do.

(1)   "migrants" là di dân. Nhưng tại Trung Quốc, cư dân từ thôn quê ra tỉnh kiếm việc làm thì được gọi là "dân công". Họ không có "hộ khẩu", không có quyền cư ngụ hay phúc lợi y tế giáo dục gì. Vì vậy mà trường học cho con em mới bị đóng cửa.
(2)   "texture" là thớ chất, khái niệm gần gũi với họa sĩ hay kiến trúc sư, vì ảnh hưởng đến những cảm xúc về thị giác, xúc giác.
(3)   "Tổ Chim" hay "Điểu Sào" là kiến trúc chính yếu của sân vận động Bắc Kinh cho Thế vận hội năm 2008. Nó có hình dạng của một tổ chim, do Ngải Vị Vị góp phần thực hiện với một văn phòng kiến trúc quốc tế của Thụy Sĩ. Ông nổi tiếng với tác phẩm nghệ thuật đã thành tiêu biểu cho Thế vận hội mà nay viết thẳng rằng chẳng còn ai nhớ nữa, kể cả chính mình!
(4)   "fabric" chỉ là vải. Nhưng dưới cái nhìn của tác giả, có lẽ đây là vải bố (canvas) được căng trên khung tranh. Ngải Vị Vị nói đến Bắc Kinh như một bức tranh có những đốm đen nhốt người trái phép sau vụ hoạn nạn của ông ("ordeal" là một tai họa về pháp lý; dịch là "pháp nạn" thì có khi gây hiểu lầm qua chuyện tôn giáo)! Người dịch cố cảm nhận ý tứ của một nghệ sĩ hội họa.
(5)   Franz Kafka là một tác giả Âu Châu thuộc loại lừng danh nhất thế kỷ 20. Cuốn truyện "Castle" được dịch sang Hoa ngữ là "Thành Bảo", thành trì có bảo vệ, "Cấm Thành", chứ không hẳn là một lâu đài. Tác phẩm chưa hoàn tất này nói đến quyền lực u ám và đen tối của một bộ máy thống trị đầy tính thư lại và vô nhân.


Ngoài ra, đã có hai bản dịch rất hay, xin trân trọng giới thiệu qua mạch dẫn sau đây:


http://namhai-truongson.blogspot.com/2011/08/bac-kinh-la-con-ac-mong-vinh-hang.html

(Tấm ảnh ở trên của Ngải Vị Vị là do Dainamax giới thiệu. Xin cố tìm xem Mao Trạch Đông ở đâu...)

Nguồn: Dainamax

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét