Tân Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã lần đầu tiên có phản ứng quốc tế đối với các chỉ trích về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Một số nguồn tin nói ông Minh được cử làm người lãnh đạo ngành ngoại giao bất chấp phản đối của Bắc Kinh rằng họ "không thích" ông, cũng như họ đã từng ép Việt Nam để cha của ông phải rời khỏi vị trí bộ trưởng ngoại giao khi Việt - Trung bình thường hóa quan hệ hồi đầu thập niên 90.
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt, cả hai nước vẫn có khá nhiều điểm chung.
Ngoài hệ thống chính trị và mô hình kinh tế, tình trạng nhân quyền của cả Hà Nội và Bắc Kinh đều bị phương Tây chỉ trích.
'Hãy nhìn nước Anh'
Hãng thông tấn AFP nói ông Minh đã bị chất vấn tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Hoa Kỳ trong chuyến thăm tới Liên Hiệp Quốc ở New York hồi cuối tháng Chín.
Vấn đề người ta đưa ra chất vấn là chuyện Việt Nam dùng vũ lực để đối phó với các cuộc tụ họp của giáo dân trong năm qua.
Ông Minh có ý nói chính quyền dùng vũ lực vì người dân có hành vi gây rối khi ông nhắc tới các vụ bạo loạn tại Anh hồi tháng Tám.
Ông nói: "Hãy nhìn vào nước Anh. Nếu quý vị có lo ngại về an ninh, quý vị phải có biện pháp thôi. Đó là chuyện bình thường.
"Nhưng chúng tôi tôn trọng quyền con người trong tất cả các lĩnh vực vì chúng tôi là thành viên của công ước quốc tế về nhân quyền."
Tránh thương vong
So sánh Anh Quốc, một nước tự hào đã khai sinh ra khái niệm dân chủ và nhân quyền, với Việt Nam về mặt quyền coi người phổ quát là điều các nhà lãnh đạo Việt Nam không mấy khi làm.
Cảnh sát Anh không được phép dùng tới đạn giả hay vòi rồng khi bị tấn công bằng gạch đá, gậy gộc và cả bom xăng
Trong những ngày bạo loạn tại London và một số tỉnh hồi đầu tháng Tám, người ta đã thấy cảnh sát Anh kiềm chế và trong rất nhiều trường hợp không chống lại những người biểu tình ném gạch đá hay bom xăng vào họ để tránh căng thẳng leo thang.
Ngay cả khi lửa cháy tại nhiều nơi, cảnh cướp phá diễn ra hàng loạt, cảnh sát cũng không được trang bị vòi rồng và đạn nhựa hay đạn cao su nhằm tránh gây thương vong và đổ thêm dầu vào lửa.
Tụ họp và biểu tình ở Anh phải được phép của cảnh sát nhưng một sỹ quan cảnh sát nói với BBC Tiếng Việt trong một cuộc nói chuyện mới đây rằng họ phải cấp phép cho hầu hết các cuộc biểu tình vì luật pháp buộc họ phải làm như vậy.
Viên sỹ quan này nói chuyện với BBC khi đang cùng vài cảnh sát khác bảo vệ cho một cuộc biểu tình của khoảng 100 người Ấn Độ phản đối án tử hình diễn ra ngay sát Đại sứ quán Ấn Độ, nằm cách nơi làm việc của BBC Tiếng Việt vài chục mét.
Các cuộc biểu tình nhỏ diễn ra thường xuyên tại thủ đô London, nhất là vào các dịp cuối tuần.
Và trong khi những cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội không được phép diễn ra, người Việt tại Anh được cấp phép biểu tình ngay trước Đại sứ quán Trung Quốc ở London.
Biểu tình phản chiến
Ngay cả cách đây hơn 40 năm, khi Cuộc chiến Việt Nam đang diễn ra và một số chính trị gia Anh ủng hộ cuộc chiến này (Anh không gửi quân tham chiến vì sự phản đối của Đảng Lao động và công chúng), những cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng vạn người vẫn được phép diễn ra ở trung tâm London và ngay trước đại sứ quán Hoa Kỳ.
Các cuộc biểu tình phản đối Cuộc chiến Việt Nam với hàng vạn người tham gia được phép diễn ra ở thủ đô London
Cảnh sát đã phải dùng tới ngựa để ngăn những người biểu tình gây bạo lực và bắt hàng trăm người.
Nhưng trước khi bạo lực nổ ra, nữ diễn viên Vanessa Regrave cùng ba người phản chiến khác vẫn được cho vào trong Đại sứ quán Hoa Kỳ để chuyển thông điệp phản chiến của họ.
Quyền động vật
Sau hơn 40 năm, người Anh ngày nay quan tâm tới quyền của động vật nói chung chứ không chỉ có quyền con người.
Giết mổ súc vật phải được thực hiện nhanh chóng, tối hiểu hóa việc gây đau đớn kéo dài.
Luật pháp buộc những người nuôi thú cảnh đối xử tử tế với chúng. Những người lơ là trong việc chăm sóc chó mèo có thể bị phạt tiền hay bị tòa tuyên án tù.
Ngay hôm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam phát biểu ở New York, tòa ở tây nam Anh đã phạt đôi sinh viên người Trung Quốc 7.000 đô la vì để chó của họ đau đớn trong hơn 24 giờ mới đưa đi bác sỹ.
Những chuyện như thế này gần như không thể xảy ra ở Việt Nam vào thời điểm hiện nay.
Và nó cho thấy những so sánh Việt Nam với Anh Quốc về vấn đề quyền con người hay quyền động vật nói chung là khập khiễng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét