Thứ Hai, 13 tháng 10, 2008

Entry for October 13, 2008

Cái này được cho là chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TW với báo chí về vụ xử hai nhà báo, đăng trên blog Tắc Kè. Không rõ tính xác thực của văn bản này đến mức nào? Tạm phân tích vài điểm trên cơ sở giả thiết "chỉ đạo" này là có thực.

"Chỉ đạo" đầy mâu thuẫn, câu nọ dẫm chân lên câu kia, vừa yêu cầu bao chí "dân chủ, công khai, công bằng, ...đưa tin chính xác, khách quan" nhưng lại cấm không được bình luận, không được đưa tin sâu, không được đưa tin đậm, không được phân tích... Và như thế được Ban Tuyên giáo TW gọi là dân chủ và công bằng, chính xác và khách quan. Quả là một trò cười.

Điều 5 cho rằng các báo "
phải xem đây như một phiên toà bình thường, như bất cứ phiên toà nào khác." Nhưng nếu là một phiên tòa bình thường, tại sao Ban Tuyên giáo phải "chỉ đạo" TBT các báo, phải đưa ra những giới hạn như cấm đưa tin sâu, không được gọi là cán bộ công an hay nhà báo mà phải gọi là "nguyên cán bộ công an" và "nguyên nhà báo"...Cái đạo đức "pháp trị" này là đạo đức bắt người ta coi những việc bất bình thường là bình thường dù ai cũng hiểu rằng nó bất thường. Những từ như dân chủ, công bằng, công khai, chính xác, khách quan được dùng trơn tru, không nháy mắt, như một sự nhạo báng với các giá trị đạo đức, luật pháp và quyền tự do con người, và không chỉ thế, còn là sự nhạo báng đối với ngôn ngữ và những giá trị đạo đức xã hội mà người ta vẫn gắn với những từ ngữ đó. Nếu anh chỉ vào một thằng (mà ai cũng biết là) ăn cắp và gọi đó là người anh hùng thì đó là sự phỉ báng đạo đức xã hội. Cũng tương tự nếu anh chỉ vào nhà tù và gọi đó là tự do.

Điều 5 cũng trơ tráo. Nếu coi đây là phiên tòa bình thường như bất cứ phiên tòa khác thì từ đó có thể suy diễn rằng trong tất cả các phiên tòa "bình thường" khác, các báo cũng bị cấm "bình luận" "suy diễn" và chỉ được phép đưa tin. Vậy nền báo chí XHCN còn là cái gì, ngoài cái loa tuyên truyền lỗ mãng?

Ngay điều 1 cũng không hợp lý. Hai sĩ quan công an chưa bị tước quân tịch và đuổi khỏi ngành. Hai nhà báo chưa bị các tòa báo họ làm đuổi việc, cũng chưa bị luật nào cấm viết báo, do đó họ vẫn là nhà báo cho dù có là nhà báo không thẻ (bởi cái thẻ nhà báo không phải là thứ có thể biến một người thành nhà báo, và việc tước thẻ cũng không có nghĩa là người bị tước thẻ không còn là nhà báo). Tại sao lại bắt các báo phải gọi những người này là nguyên công an và nguyên nhà báo?


14-15/10: Xử 2 nhà báo Hải-Chiến, tướng Quắc, tá Huynh về vụ đưa tin PMU18


""Ban Tuyên giáo TW đã có họp với các Tổng biên tập các báo trước khi phiên tòa diễn ra để chỉ đạo cách thức và nội dung đưa tin:

1. Khi tường thuật vụ xử, báo chí phải viết rằng “2 sĩ quan công an là "nguyên cán bộ công an," và hai nhà báo là "nguyên nhà báo”
2. Việc thay đổi tội danh so với lúc khởi tố phải được giải thích để công chúng biết, rằng đây “không phải là đặc quyền đặc lợi đối với công an và nhà báo” mà là sự “xem xét các cống hiến của họ.”
3. Khi viết, báo chí phải dân chủ, công khai, công bằng, đúng người, đúng việc, đưa tin chính xác, khách quan, nhưng không đưa tin giật gân, câu khách, không được bình luận và không được suy diễn. Không được đưa tin đi sâu về các tình tiết xét xử hay quá trình tranh tụng, không được đưa tin đậm quá mức cần thiết

4. Tổng Biên Tập các báo phải dự phòng các vấn đề phức tạp có thể diễn ra quanh phiên toà.
5. Phải xem đây như một phiên toà bình thường, như bất cứ phiên toà nào khác.
6. Không nên để bạn đọc hiểu là những bị cáo này được hưởng đặc quyền đặc lợi."

Nguồn: Linh blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét