Sự kiện giáo dân Thái Hà, đòi lại đất hiện đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi trên dư luận. Thực ra chuyện đòi lại mảnh đất đã phát xuất từ 12 năm trước đây, khi giáo dân Thái Hà đứng trước nguy cơ là mảnh đất của họ bị chiếm đoạt phi pháp. Lúc ấy LM Vũ Ngọc Bích đã gửi đơn khiếu nại, những mong vùng đất có chủ quyền hợp pháp ấy sẽ được chính quyền trả lại. Nhưng đơn thì có đi, mà hồi âm chẳng có, trong khi chủ nhân hợp pháp tức nhà xứ Thái Hà thiếu đất trầm trọng cho những nhu cầu mục vụ.
Gần đây nhất, miếng đất còn đang trong tình trạng chờ giải quyết trả lại thì lại bị xẻ thịt để chia chác cho các tư nhân. Chẳng đặng đừng, những gíao dân thấp cổ bé họng ấy phải dùng phương sách mà họ có là những lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện vì công lý ấy đã liên kết thêm nhiều giáo dân các vùng lân cận và đã trở thành cao trào khiến chính quyền lo sợ. Chính quyền đã phải dùng hạ sách là truyền thông một chiều và bạo lực. Nếu trước đây vài năm, hai phương sách ấy là thượng sách rất hữu dụng để trấn áp dư luận thì nay đã bộc lộ điểm yếu chết người. Đơn giản vì thời đại đã thay đổi, thời đại của hội nhập, của thông tin toàn cầu. Nhân dân đã biết tìm đến nguồn thông tin trung thực, và giáo dân Thái Hà không còn đơn độc trên hành trình tìm công lý.
Truyền thông một chiều của phía chính quyền chỉ còn là bàn tay giơ lên che ánh sáng mặt trời. Chính vì lý do ấy, vài tờ báo, vài đài truyền hình của Đảng dù ra sức vu khống, mạ lỵ, bóp méo sự thật, kích động chia rẽ tôn giáo - nhân dân và vu cáo rằng "có thế lực thù địch hậu thuẫn" để chuẩn bị cho dùi cui điện, nhà tù, hơi cay trấn áp giáo dân thì giáo dân chẳng còn sợ hãi, trái lại còn tạo thêm nhiều căm phẫn, thêm nhiều thông tin vạch trần sự giả dối tàn ác đó. Một sự kiện ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ngay giữa thủ đô kéo theo nhiều ngàn người tham dự và chứng kiến thì truyền thông sai sự thật chỉ là tự giết mình. Nếu để ý người ta sẽ thấy những tờ báo lớn, có chút uy tín và lượng độc giả đông đảo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên... dường như ý thức được điểm tử ấy nên đã lựa chọn cách an toàn là im lặng hoặc chỉ đưa tin chiếu lệ sơ sài.
Còn các cơ quan thông tấn, truyền thông uy tín của thế giới đã nhanh chóng vào cuộc. Những thông tin trung thực chính xác đã liên tục được cập nhật và truyền tải đi khắp thế giới cách tức thời. BBC đã dành hẳn một chuyên mục cho sự kiện Thái Hà, rồi AFP, Reuter, RFI, VOA, RFA, Thông Tấn xã Công giáo, Asia News, Spero News đều đã vào cuộc, đó là chưa kể đến rất nhiều báo giấy, báo điện tử quốc tế; nhiều website, blogs, forum, email loan tải thông tin khiến cho sự kiện càng lúc càng nóng bỏng. Hình ảnh những bà cụ bị dùi cui đập tóe máu mặt, những gíao dân tay không tấc sắt bị đánh túi bụi, bị xịt hơi cay, bị còng tay lôi đi được phát tán rộng rãi khắp nơi. Bên cạnh đó là lời kêu gọi hiệp thông trong toàn thể giáo hội Việt Nam, Hải Ngoại... Từ thư Mục tử của Hồng Y Phạm Minh Mẫn, TGM Ngô Quang Kiệt, của Linh mục đoàn Hà Nội, hình ảnh hiệp thông cầu nguyện của GM Thái Bình, GM Hải Phòng, cộng đoàn các tu sĩ Công giáo, các giáo dân khắp nơi nô nức đến tham dự và chia sẻ đã khiến cho truyền thông giả trá bị vạch mặt. LM Thiện Cẩm, trong bài viết về Thái Hà đăng trên báo Công giáo và Dân tộc (cơ quan của UB Đoàn kết Công giáo) có kể rằng, ông được đài Truyền hình và báo Sài gòn Giải phóng mời trả lời phỏng vấn nhưng ông từ chối vì ông không có đủ thông tin, họ lại đưa băng hình mà họ quay được cho ông, ông vẫn từ chối vì rõ ràng đó chỉ là thông tin một chiều. LM Thiện Cẩm đã không bị mắc lừa vì Giáo xứ Thái Hà không có báo chí, không có đài truyền hình, họ có cải chính thông tin sai sự thật thì không báo nào, đài nào đăng. Trang điện tử của BBC có bài "Bút chiến quanh vụ Thái Hà", thực ra cách dùng từ đó chưa thật chính xác, vì lẽ cả hai bên phải có quyền đăng tải thông tin của mình trên cùng một diễn đàn với độc giả làm trọng tài. Đằng này báo chí, truyền thông là công cụ của Đảng thì phải hùa theo, làm theo chỉ đạo của Đảng thì "bút chiến" thế nào được. Có chăng là những hình ảnh do các giáo dân Thái Hà tự chụp ảnh được, tự quay phim được để truyền tải lên những trang blog cá nhân hoặc cùng lắm đưa bài viết, hình ảnh ấy lên trang nhà của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam để tự minh chứng. Cái cách tự minh chứng bất đắc dĩ ấy vô tình trở thành một "vũ khí" hiệu quả, trở thành một trào lưu dân báo rộng rãi. Người dân đã tháo cởi cái rọ bịt miệng để cất lên tiếng nói vì sự thật, cũng vì sứ mạng loan báo sự thật đồng thời là một sức mạnh khiến người dân chẳng còn khiếp sợ bạo lực. Những lời vu cáo về "thế lực thù địch", về kích động... trở thành trâng tráo, vô duyên, không ai tin được.
Tờ Wall Street Journal, một tờ báo uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ đã nhận định những sự kiện vừa qua, nhất là vụ giáo dân Công giáo đòi đất ở Thái Hà sẽ khiến phần về Việt Nam "không được đánh giá tích cực" và "các tiến bộ tôn giáo ở Việt Nam đã bị khựng lại" từ đó "có lý do" để đưa Việt Nam trở lại vào danh sách những nước phải được "quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo" (CPC). Ngoài các cơ quan truyền thông Công giáo quốc tế, các báo trong vùng ở Thái Lan, Đài Loan cũng trích nguồn thông tấn về vụ hôm 29/08 khi có giáo dân cáo buộc công an "đánh dân".
Như vậy, cách hành xử của chính quyền nên thay đổi, dù mảnh đất ấy có giá trị hàng triệu đô la, dù đã lỡ chia chác thì cũng nên trả lại cho chủ nhân hợp pháp là cộng đồng Thái Hà vì dù sao đất ấy cũng của dân tộc Việt, mưu ích cho người Việt. Đừng đẩy giáo dân hiền lành thành thế lực đối đầu nữa. Đừng nên chia rẽ dân tộc vì tư lợi của số ít người nào đó nữa. Cơ ngơi của tiền nhân để lại là núi sông, là hải đảo cần hợp sức dân tộc để gìn giữ trước sự xâm lấn của ngoại bang quan trọng hơn nhiều.
Lịch sử Công giáo đã ghi lại, cứ nơi nào máu người công chính đổ ra để minh chứng cho công lý thì nơi ấy sẽ trổ sinh muôn vàn chồi công chính mới. Liệu sự bất công có trấn áp được công lý mãi hay không. Câu hỏi tưởng đã có lời đáp.
Nhã Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét