Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Từ nạn nhân trở thành kẻ thù của chế độ Bắc Kinh

Vừa qua Trung Quốc kỷ niệm một năm trận động đất ở Tứ Xuyên. Và trong hai tuần lễ nữa là đến ngày kỷ niệm lần thứ 20 Mùa Xuân Bắc Kinh với cuộc thảm sát tại Thiên An Môn. Nhưng lãnh đạo Bắc Kinh chỉ muốn kỷ niệm những gì mà họ muốn người dân giữ lại trong ký ức và hai sự kiện nêu trên không được ghi lại như nhau khiến cho « Người Trung Quốc là nạn nhân của một ký ức có chọn lựa ». Đây là tựa đề của một bài phân tích trên tờ Le Monde.

Brice Pedroletti, thông tín viên của Le Monde tại Thượng Hải, nhận thấy là ngày 12 tháng 5 vừa qua, một năm sau cuộc động đất ở Tứ Xuyên, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đến tận nơi và ông đã ca ngợi các chiến dịch cứu trợ và tái thiết như là « một thắng lợi giành được nhờ vào một cuộc đấu tranh cam go » và ông đã nhắc lại rằng « đoàn kết là sức mạnh ».

Nhưng các báo đài ở Trung Quốc không hề đả động đến cuộc đấu tranh tìm sự thật của các cha mẹ có con bị thiệt mạng trong trận động đất do các trường tiểu học đã được xây cất một cách cẩu thả. Bài phân tích trên Le Monde nhận định là « ngày nào mà nguyên nhân làm cho các trường tiểu học bị sụp đổ không được làm sáng tỏ thì câu chuyện về tội sát nhân do tham nhũng và chểnh mảng gây ra thể nào cũng sẽ tái diễn ».

Bị công an kiểm soát chặt chẽ, lại không được lịch sử chính thức nhắc đến, một số người trong thành phần phụ huynh thấy lý lịch tư pháp của họ có ghi tội phá rối trật tự công cộng. Từ quy chế nạn nhân, những người này tự nhiên biến thành kẻ thù của chế độ.

Một nhà đấu tranh nhân quyền có ý định thực hiện một đài tưởng niệm trên Internet dành cho các em chết trong trận động đất. Nhưng cuối tháng ba vừa qua ông bị bỏ tù vì tội muốn lật đổ chính quyền.

Ngải Vị Vị, một nhân vật nổi tiếng ở Bắc Kinh trong giới nghệ thuật đương đại, đã tiếp tục cuộc đấu tranh trên trang blog, nhưng các bài viết kê khai nạn nhân trận động đất hay phỏng vấn bố mẹ nạn nhân đã liền tức khắc bị xoá bỏ.

Đài kỷ niệm trên Internet dành cho nạn nhân Thiên An Môn và Cách mạng Văn hoá.

Tổ chức Các Bà Mẹ Thiên An Môn cũng thành lập trên Internet một đài kỷ niệm ghi tên của những nạn nhân và người bị thương trong vụ đàn áp ở Thiên An Môn. Nhưng địa chỉ web của họ cũng bị chính quyền chặn lại. Trên trang internet này, tháng 6 năm ngoái, nhà văn Dư Kiệt đã viết : « Cuộc đấu tranh của các bà mẹ Thiên An Môn đã kéo dài từ 19 năm qua, cuộc đấu tranh của các Bà mẹ Ôn Tuyền (tâm điểm của trận động đất) vừa mới bắt đầu ».

Từ 20 năm qua, tất cả những người không chấp nhận tiền bồi thường để giữ im lặng hoặc là từ chối chấp nhận người thân của họ đã thiệt mạng vì tai nạn, thưòng xuyên bị công an truy bức hoặc hù dọa.

Bài báo trên Le Monde của Pedroletti nhắc đến tên của nhà sử học Vương Hữu Cầm, thuộc trường đại học Chicago. Năm 2000, bà đã thành lập trên internet một đài kỷ niệm các nạn nhân cuộc Cách mạng Văn hoá. Nhưng hai năm sau địa chỉ http://www.chinese-memorial.org/ bị ban kiểm duyệt ngăn chặn, khiến cho lời kêu gọi nhân chứng phát biểu không đạt được kết quả. Trang web này muốn liệt kê tất cả nạn nhân của các vụ giết người và hành hạ do Hồng Vệ Binh gây ra.

Đối với sử gia họ Vương, biện pháp làm biến mất tất cả nạn nhân cho phép chế độ Trung Quốc giữ im lặng về khiá cạnh diệt chủng trong các chiến dịch bạo động đẫm máu do Mao Trạch Đông đề xướng.

Nguồn: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét