Trước nay đã sợ thì không nói, mà đã nói thì không sợ. Vốn rất thông cảm với các vị, đi trên lề phải do kẻ khác chỉ cho mà cũng phải rón rén, nên khi trả lời đã rất thận trọng và tự kìm chế. Nhưng đã giao hẹn không dùng thì thôi chứ không cắt xén mà các vị thất tín, đăng một cái bài đầu voi đuôi chuột thì uổng một phen thưa chuyện với người thiên hạ, nên đành post nguyên văn cái bài phỏng vấn của các vị ở đây để chờ nghe công luận, vậy thôi.
Nguồn gốc tội phạm: Xã hội phi quy chuẩn
Tình trạng vi phạm pháp luật hiện nay xảy ra ngày càng nhiều, trong đó một hiện tượng nổi bật là vì những chuyện không đáng gì người ta cũng có thể đánh nhau giết nhau. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho rằng hiện tượng nói trên có nguồn gốc là do xã hội Việt Nam đang rơi vào tình trạng phi quy chuẩn, tình trạng này là kết hợp sự yếu kém về pháp lý, sự lạc hậu về giáo dục – thông tin và sự phức tạp về cấu trúc xã hội. Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.
1. Chuẩn gì cũng có nhưng không có chuẩn gì là chuẩn
Nhiều cấu trúc xã hội đan xen nhau
* Thưa ông, cấu trúc xã hội có liên quan gì đến tội phạm?
Mọi tội phạm lớn nhỏ đều có hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội. Xã hội Việt Nam từ khi Pháp đô hộ đã bị tái cấu trúc một cách bị động, mà tình trạng chiến tranh từ 1945 trở đi còn khiến nó liên tục bị xáo trộn về kết cấu tổ chức và ý thức hệ. Sau 1954 ở miền Nam, nếu là con em cộng sản thì người ta hoặc phải tiếp tục con đường của cha anh mà chống đối chính quyền, hoặc sẽ bị kiểm soát một cách đặc biệt. Ở miền Bắc nếu chẳng may là con cháu địa chủ thì sau cải cách ruộng đất là hết đường ngóc đầu. Căn bệnh thời chiến ấy qua thời bình cũng để lại một số di chứng trong đó nổi bật là tập quán phân loại công dân, sau 1975 tập quán ấy đã chia người dân thành nhiều nhóm có lợi ích kinh tế và nguyện vọng xã hội khác nhau. Tại các thời điểm khó khăn, nhiều trong các nhóm xã hội ấy phải sống trong một tâm lý thường xuyên cảm thấy mình bị thua thiệt. Nhìn từ khía cạnh đồng đại, sự phân hóa về mức sống, lối sống và quan niệm sống đang diễn ra khá hỗn loạn trên cái mặt bằng đa hệ ấy, nhóm nào người nào bị gạt ra khỏi các vòng quay tái sản xuất mở rộng thì dễ thấy mình không có tương lai, thậm chí nhiều chuẩn mực xã hội đối với họ cũng là đối tượng phá phách để xả stress.
Nhìn từ khía cạnh lịch đại thì nhiều cấu trúc xã hội khác nhau lướt qua lịch sử của dân tộc này quá nhanh như vậy còn khiến hiện nay chúng ta có một xã hội pha trộn các yếu tố của nhiều cấu trúc xã hội cả cũ lẫn mới đan xen vào nhau. Một đám cưới tổ chức hai lần, lần ở thành phố thì dùng công nghệ đám cưới với đủ loại nghi thức hiện đại, lần ở dưới quê thì cô dâu chú rể phải lạy lục các kiểu, tức họ ứng xử theo hai hệ chuẩn nghi thức cách nhau hàng mấy trăm năm.
Một người có bốn mẫu ruộng, hai con trai, trước khi chết nói chia cho mỗi người hai mẫu. Người con lớn không chịu, nói mình là trưởng nam nên phải được nhiều hơn, nếu không có thể y sẽ bạo hành với người em. Ở đây y đã suy nghĩ theo chuẩn mực của xã hội tông pháp chế được pháp chế hóa từ Luật Hồng Đức thời Lê tới Luật Gia Long thời Nguyễn. Đừng nói đạo đức ở đây vì nó không giải quyết được gì. Vấn đề thuộc một phạm trù khác.
Trong những trường hợp vừa nêu, sự phức tạp về cấu trúc xã hội là xuất phát điểm khiến xã hội Việt Nam đi từ chỗ có quá nhiều chuẩn mực tới chỗ phi quy chuẩn.
* Vậy làm sao để thống nhất các cấu trúc xã hội?
Xã hội của ta đang trong tình trạng đan xen nhiều cấu trúc nên có nhiều hệ chuẩn mực (còn chúng có đúng đắn và phù hợp hay không lại là chuyện khác). Muốn san bằng sự chênh lệch ấy thì ngoài việc phát triển kinh tế xã hội phải có một hệ chuẩn mực chính thống làm hệ quy chiếu, mẫu số chung. Nhưng hiện nay cái chuẩn mực chính thống ấy nó ẩm ẩm ương ương.
* Ẩm ương làm sao, thưa ông?
Chuẩn mực luôn có ba yếu tố là tính lợi ích, tính bắt buộc (khả năng chế định) và tính khả thi. Về tính lợi ích, trên thực tế vẫn còn nhiều xung đột. Ví dụ nếu nhà nước lấy đất của người dân rồi đền bù với giá 50.000 đồng/m2 để xây công trình công ích thì họ chịu vì có lợi cho họ, nhưng nếu sau đó lại quy hoạch rồi bán với giá cao gấp nhiều lần thì quan hệ giữa đôi bên phát sinh mâu thuẫn về lợi ích, và chuẩn mực về sự tuân thủ pháp luật nhất định sẽ bị vi phạm, vậy thôi.
Trên nguyên tắc, hệ thống pháp luật nội trị được dùng để điều chỉnh ba mối quan hệ tức giữa nhân dân với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan công quyền và trong nội bộ các cơ quan công quyền. Trong mối quan hệ giữa nhân dân với nhân dân, hiện tượng lờn luật đang khá phổ biến. Có nhiều tuyến đường ở thành phố giăng khẩu hiệu kiểu “Người tự trọng không đi lấn tuyến”, nhưng ở đó đường sá kẹt cứng, lô cốt giăng đầy thì người ta phải lấn tuyến. Chưa nói tới chuyện không khả thi, thì ý thức tự trọng và việc tuân thủ pháp luật là hai chuyện khác nhau, tuyên truyền pháp luật bằng cách hô hào đạo đức như vậy không có tính bắt buộc, làm sao người ta không lờn luật.
Các quy định pháp luật điều chỉnh mối quan hệ trong nội bộ cơ quan công quyền cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thời Nguyễn, một con voi chiến ở Gia Định chết già, quan địa phương báo cáo về triều rằng con voi tên gì đó chết ngày tháng năm nào, cưa cặp ngà được mấy cân mấy lạng đã nộp vào kho, Minh Mạng phê “Đã biết”. Một cặp ngà voi mà Minh Mạng cũng đích thân kiểm soát thì tủn mủn thật nhưng rõ ràng hệ thống hành chính thời đó rất chặt chẽ. Còn hiện nay thì trong khoảng một năm, một vị Thứ trưởng bị bắt giam, được thả ra rồi phục hồi đủ thứ, kế lại bị cách chức, vậy công tội ra sao, được đánh giá theo chuẩn mực nào? Đó là chưa kể tới những kẽ hở pháp luật dễ tạo điều kiện cho người có thẩm quyền lạm dụng quyền lực hay né tránh đùn đẩy trách nhiệm, thì làm sao được.
* Còn các chuẩn mực phong tục và đạo đức được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác thì sao, thưa ông?
Xã hội càng phát triển thì các chuẩn mực càng phải toàn diện hơn và thấm vào các quan hệ xã hội đồng bộ hơn. Thế nhưng pháp luật là chuẩn mực có khả năng chế định mạnh nhất thì không phát huy được hiệu lực, phong tục và đạo đức thì ít có khả năng chế định, nhất là trong môi trường đô thị. Nhiều yếu tố trong hệ thống chuẩn mực đạo đức chính thống ở nước ta ngày càng không còn giá trị chuẩn mực, thứ đạo đức không cần nhân cách ấy đã trở thành một phương tiện tốt của loại người vô đạo đức rồi.
* Theo ông thì chuẩn mực xã hội bây giờ phải như thế nào?
Nó phải như thế nào thì do lợi ích chung của xã hội quy định. Tôi chỉ biết đã là chuẩn mực xã hội đúng đắn, nhất là những chuẩn mực điều chỉnh quan hệ giữa nhân dân với nhân dân thì bất kể thế nào cũng phải được thực thi. Chuyện bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm là một ví dụ hai mặt đấy, vì nó chỉ giảm thiểu thiệt hại về tính mạng sau khi tai nạn giao thông xảy ra chứ không hề góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông như nhiều người đã đánh tráo khái niệm. Nước ta bây giờ chuẩn mực tồn kho còn xài chưa hết, chỉ thiếu kỷ cương vì lợi ích chung thôi.
2. Đụng là chém: Sự buông thả trong một xã hội bị nguyên thủy hóa
Quản lý yếu kém làm cơ chế lệch chuẩn xã hội càng thêm phức tạp
* Theo như ông phân tích thì các chuẩn mực chính thống làm hệ quy chiếu, mẫu số chung hiện nay ở nước ta cũng không phải là chuẩn mực nốt?
Đúng. Vì nó chưa hoàn toàn phù hợp và nhất là không được thực hiện nghiêm ngặt và triệt để. Nếu ví những cấu trúc xã hội khác nhau như những sứ quân thì giống như xã hội đang có 12 sứ quân, một sứ quân khác đứng lên dẹp loạn nhưng không dẹp được nên lại trở thành sứ quân thứ 13. Sự lệch chuẩn xã hội luôn mang tính chất lan truyền, xã hội càng phức tạp thì sự lan truyền ấy càng phức tạp. Chuyện này giống như tia sáng đi qua một tấm kính, ít nhiều bị lệch đi nhưng chỉ gãy một nhát thôi (quang học gọi là khúc xạ). Nhưng khi ghép hai tấm kính dày mỏng trong đục khác nhau lại thì nó vừa gãy nhát đầu lại gãy tiếp nhát nữa làm cho độ khúc xạ phức tạp hơn. Có thể nói sự quản lý yếu kém của chính quyền càng làm phức tạp thêm cơ chế khúc xạ ấy, vì đã ghép thêm vào đó một tấm kính không có năng lực điều chỉnh tương ứng.
Khi chuẩn mực xã hội đã lệch lạc méo mó thì người ta khó mà quan tâm tới cộng đồng, mà một xã hội bình thường lại luôn đòi hỏi mọi người phải quan tâm tới lợi ích cộng đồng mới bảo vệ được lợi ích cá nhân. Cô vứt rác ra đường, tôi và nhiều người ở các nhà bên cạnh cũng vứt rác ra đường, thì chúng ta sẽ cùng sống trong một khu phố đầy rác.
* Vậy những chuyện chẳng đáng gì cả vẫn đánh nhau, chém nhau là bắt nguồn từ…?
Từ hệ giá trị chung bị tan rã. Những chuyện như nhìn mặt thấy ghét: đánh, mời nhậu không uống: chém!… đều là dấu hiệu của một xã hội bị nguyên thủy hóa ở đó nhiều quan hệ lẽ ra phải chật chẽ trở nên lỏng lẻo, con người dễ hành động theo bản năng hơn. Vì không bị chế định đủ mức cần thiết nên con người dễ buông thả theo khả năng và sở thích của mình. Các chế định xã hội càng thiếu hiệu lực thì cái Tôi cá nhân càng có xu hướng mở rộng tới mức phi lý. Nếu cá nhân ấy có ưu thế gì đó thì y càng dễ làm càn. Một thiếu úy cảnh sát cậy thần cậy thế múa kiếm ở sân bay, lúc bị giữ còn hùng hổ nói chỉ làm việc với người lãnh đạo cao nhất ở thành phố Đà Nẵng thôi. Vị lãnh đạo ấy thì có quyền hành gì với sân bay mà y cũng nổ tung tóe như thế? Y không đủ sức làm càn bằng kiếm nên dùng bạo lực mồm đấy.
* Tại sao có nhiều người biết vi phạm có thể bị pháp luật trừng trị nhưng vẫn cứ làm?
Bởi vì có thể họ không bị trừng trị.
* Thực tế vẫn bị trừng trị đó chứ?
Hoặc là không, hay không ăn thua. Xác suất 50/50. Balzac có nói Pháp luật là một tấm mạng nhện, lũ ruồi to thì qua khỏi, lũ ruồi nhỏ thì bị vướng lại. Tôi mà là chính quyền thì gã thiếu úy côn đồ kia phải lãnh án tù giam cùng một khoản tiền phạt tương xứng với thứ oai phong lưu manh của y chứ không chỉ bị tước quân tịch mà thôi đâu. Pháp luật được đặt ra là để bảo vệ cho người yếu không bị kẻ mạnh hiếp đáp, người ngu không bị kẻ khôn lừa gạt, mà thực thi pháp luật như thế là để bảo vệ ai?
* Ông cho rằng sự lạc hậu về giáo dục – thông tin cũng góp phần đẩy xã hội đến chỗ phi quy chuẩn?
Mục tiêu giáo dục của xã hội hiện đại là trang bị kiến thức, kỹ năng để tất cả mọi người có thể bước vào đời một cách bình đẳng chứ không phải để biến họ thành công cụ của hệ thống chính trị. Hệ thống giáo dục – thông tin hiện đại phải góp phần đặt nền tảng tri thức cho năng lực sống của tất cả mọi người để họ có thể tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước, cần có sự độc lập nhất định mới có thể phản biện tích cực với hệ thống chính trị, tác động tốt tới sự phát triển xã hội. Trước 1945, Nam Kỳ thuộc Pháp là khu vực duy nhất có phong trào cộng sản công khai, có thể đấu tranh bằng cả báo chí, nghị trường chính vì được quản lý theo quy chế thuộc địa, có điều kiện giáo dục – thông tin gần với chính quốc nhất Việt Nam đấy.
Hơn 30 năm qua chúng ta vẫn chưa san bằng được sự chênh lệch giữa các nhóm xã hội về dân trí bằng hoạt động giáo dục - thông tin, mà chỉ dạy họ đồng ca một bản hợp xướng chính trị. Cho nên nước ta bây giờ có những người đạt tới tầm quốc tế về mặt tri thức, nhưng cũng có những người không biết tới cả những khái niệm pháp luật cơ bản nhất. San bằng sự chênh lệch về dân trí bằng chính trị là một con đường không có tương lai.
* Có nghĩa là sự quản lý của chính quyền còn nhiều thiếu sót?
Với tư cách là hệ thống chính trị chính thống của quốc gia thì nhà nước Việt Nam còn thiếu một nền tảng hành chính minh bạch và pháp lý nhất quán nên rất hay hô hào đạo đức lý tưởng này nọ. Còn với tư cách là một bộ máy hành chính thì nó còn rất lạc hậu về quan niệm và kỹ thuật quản lý, dễ đánh đồng quản lý với kiểm soát và kiểm soát với ngăn cấm nên lệnh cấm càng nhiều thì vi phạm càng tăng, thậm chí nhiều nhân viên và cơ quan nhà nước cũng vi phạm. Vì trình độ quản lý chưa được nâng lên tương xứng với các nhu cầu phát triển của xã hội và đất nước nên chính quyền hay hướng tới giới hạn các nhu cầu ấy trong phạm vi năng lực quản lý có hạn của mình, có khi còn hành xử một cách tùy tiện ngẫu hứng, kiểu như toan ra lệnh ngực lép thân lùn không được điều khiển xe máy, suýt nữa đã khoác cho bao nhiêu người một cái tội trời ơi. Còn có chuyện nhân cách và trình độ của nhiều người trong bộ máy công quyền nữa, đại diện cho quyền lực nhà nước mà phạm tội tư thì dốt nát hung hãn như côn đồ, phạm lỗi công thì lươn lẹo dối trá như lưu manh, ăn hối lộ thì như hạm mà nói đạo đức thì như két, tóm lại có nhiều điều phải chấn chỉnh lắm.
* Xin cảm ơn ông.
Đây là bài trả lời phỏng vấn rất có giá trị, đề cập thẳng đến những vấn nạn trong cấu trúc xã hội Việt Nam hiện tại. Báo Pháp luật TPHCM đã không đăng nguyên văn bài này mà cắt xén đi nhiều. Tìm được bài này trên blog, có thể của chính ông Cao Tự Thanh.
http://blog.360.yahoo.com/blog-0lIwRp4yeqlSlANVd_hNqS7b?p=3573#comments
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét