Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Của cõi Trời và Người từ đêm Giáng Sinh

“Vương quốc của cõi Trời cũng giống như chất men mà người phụ nữ kia lấy trộn vào đấu bột làm cho tất cả phải bừng dậy lên.” (Luke 13:20-21)

Glenn Tinder, trong một luận đề mang tên, "Can We Be Good Without God?" (Chúng ta có thể tốt lành nếu không có Thượng đế?) đăng trong tạp chí Atlantic ở Hoa Kỳ cách đây hơn mười ba năm, đã đặt một câu hỏi lớn về giá trị của xã hội thế giới Tây Phương.  Tinder lý luận rằng con người Tây Phương càng ngày càng quá hãnh diện về chính mình để rồi tách rời khỏi ý thức Thượng đế trong tiến trình hiện hữu cá nhân. Ông nói rằng cái vinh quang mà nhân loại đang có được là từ Thượng đế.  Sự vinh hiển được làm người, như là một mầu nhiệm quý báu - như trong kinh Phật (Pháp Hoa) nói đến - phải được tự mỗi cá nhân xác nhận và khơi sáng trong sự chiêm nghiệm về Thượng đế và sứ mệnh của cuộc đời.  Giá trị tối thượng của con người nằm trong tương lai khi con người tìm ra và trở về với Thượng đế. Ý thức được giá trị của chính mình nằm trong tương lai là định mệnh của nhân loại.  Thượng đế, do đó, là nơi Trở về - một thể tính Chân thức vĩnh hằng - nơi có sự sống đời đời, không bi vọng.


Theo Tinder, chúng ta phải biết phân biệt giữa định mệnh (destiny) và số phận (fate). Số phận chỉ nói lên được bản chất đầy thảm họa và đau khổ của hiện hữu và nhấn mạnh đến tính chất tạm thời và vô thường của cuộc sống. Trong khi đó, định mệnh là một tiến trình có chủ đích mà sự sống là chuyến tàu của tâm thức nhằm mở tung cánh cửa mang ánh sáng đến cho con người giác ngộ được bản lai diện mục của chính mình. Ðịnh mệnh là gốc rễ của số phận. Ðịnh mệnh là chủ nhân, vừa là ân huệ, và cũng là tác giả của vở bi kịch của đời sống tâm linh.  Con người có một ngu xuẩn lớn: phí phạm số vốn của định mệnh khi hoang phí cuộc đời vào sự trốn tránh chính mình trong sự say sưa với số phận.  Ta tự đánh mất sự sống bằng cách đóng vai kẻ cắp vô ý thức đối với giá trị sinh hữu mà định mệnh giao phó để rồi chấp nhận một số phận vô lý, tầm thường, và nhỏ bé.

Những gì mà Tinder nói thể hiện được tinh hoa của nội dung giáo lý Phật giáo và Thiên Chúa giáo cả hàng ngàn năm nay.  Trong truyền thống của tam giáo Abraham (Do Thái, Thiên Chúa và Hồi giáo) thì Adam, sau khi được ân tặng món quà tự do ý chí (free-will), đã trở nên hãnh diện quá đáng về chính mình.  Adam là ảnh tượng và là khuynh hướng thú vật tự nhiên của con người.  Khi thiếu sự khiêm nhường và hiểu biết cần thiết, mỗi Adam trong từng cá nhân tự cho mình là có khả năng làm chủ cuộc đời và giá trị liên hệ.  Từ đó, vì thái độ hãnh tiến, hắn đánh mất những kinh nghiệm tốt lành và tâm thức hướng thượng mà con người vốn có.  Hắn, vì thế, không còn bất tử.  Vì khi cái chết đã trở thành tối hậu - nhưng vô nghĩa - chúng ta không còn suy tưởng về lý do và giá trị huyền nhiệm của cuộc đời.  Và rốt cuộc, đời sống trần gian trở nên là cái chỉ tiêu độc tôn mà hắn theo đuổi.  Với cuộc đời này làm cứu cánh duy nhất và cao nhất, cá nhân trở nên nô lệ cho xúc động và tình cảm tiêu cực. Con người với tất cả những bất an và vọng tâm, chỉ còn có biết ái dục ngã mạn, tham vọng vật chất, và khoái lạc thân xác - mà tất cả cọng lại là một chiếc còng lớn, vô hình giam hãm hắn vào trong một nhà tù khốn khổ.

Khi chỉ còn biết đến trần gian và cuộc đời thân xác, con người hôm nay có cảm tưởng rằng mình đã thoát khỏi võng lưới thần quyền của tôn giáo quá khứ - và được tự do.  Tuy nhiên, tự do ở đây chỉ có đồng nghĩa với những chọn lựa giới hạn trong hiện tại với đời sống vật thể, không còn gì hơn và khác.  Trong điều kiện chọn lựa giới hạn này, hắn bị ngự trị bởi ham muốn vật chất và ái dục vô thường. Và rồi tất cả khả năng và ý lực tâm linh chỉ để phục vụ cho một chu vi hạn hẹp của cái ta nhỏ bé và chỉ để gia tăng cái gia vị tầm thường của cơ sự làm người bằng khoái lạc của cái ta.  Nhân loại có thể được thoát ra khỏi quá khứ, nhưng lại bị đi vào một nô lệ tính bi thảm và tiêu cực hơn: sự độc tài chuyên chế của dục vọng và ngã mạn. 

Khi ý thức hướng thượng và siêu nhiên không còn, con người mang một tham vọng khác: chủ nghĩa "nhân chủ".  Nhân chủ chỉ có biết đến con người khi mà chân lý đầu tiên và cuối cùng của nó là nhân loại.  Từ Protagoras, "Con người là thước đo cho tất cả" đến Marx, "Gốc rễ của con người là con người chính nó", hành trình của tham vọng nhân chủ hoàn tất bằng một thất bại hiển nhiên trong bản tính văn minh vật chất Tây phương, và ngày nay, cả thế giới.  Nhân chủ phải thất bại vì nó là một con bạc gian lận và trá hình cho sự hãnh diện quá đáng về khả năng tri kiến thực nghiệm, chấp nhận khuyết điểm lịch sử để xem sai lầm và thoái hóa như là biện minh cho tự do làm người.  Nhân chủ phủ nhận năng thức tâm tưởng nguyên thuỷ của cá nhân là hướng thượng và giải thoát - một ý chí vật lộn và tranh đấu với chính mình để hiện thực hóa Thượng đế tính, hay tâm Phật, vùi sâu trong mỗi cá nhân.  Con người có thể phủ nhận một hình ảnh Thượng đế ngoại thân, như là một huyền thoại văn hóa, nhưng đã trở nên vô ý thức khi cho rằng không có một thực tính huyền nhiệm nào ngoài cái ta trống rỗng, trơ trọi và bất an này.  Thượng Ðế, hay là Chân thức, cho dù không thể chứng minh bằng thực nghiệm, cũng là một chủ thể tối cần cho tâm thức, như Kant đã quan niệm, khi mà mệnh lệnh đạo lý của hiện hữu đòi hỏi trí năng phải giả định (postulate) đến một Siêu thể.  Khi từ chối khả thể huyền nhiệm của con người, chủ nghĩa nhân chủ là một chiếc chổi thô lậu nhằm cố quét bỏ những dằn vặt sinh hiện vốn tiềm tàng trong mỗi cá nhân.  Nhân chủ từ chối lối thoát ra khỏi số phận bần kiệt của kiếp người bằng cách gia tăng cường độ bi đát để cho con người thưởng thức cái ảo giác tự do của ngã kiến và tham vọng độc tôn.  Nhưng cho dù vui chơi với chính ta trong tất cả những náo nhiệt tạm thời và vô vọng, bất định hướng, con người có lúc cũng phải mệt mỏi, để rồi mỗi cá nhân lại cũng phải trở về với chính mình, đối diện với khoảng trống tâm linh, và nhìn lại cái ta này thêm lần nữa.

***


Cách đây 2010 năm, một hài nhi mang tên Jesus ra đời.  Trong đêm đông lạnh giá, trong hang đá quạnh hiu, chỉ có làn hơi ấm của thú vật và ngôi sao sáng trên trời. Ðây là sự ra đời của tính Chúa, hay là Phật tính, trong mỗi chúng ta - giữa cái hoang dã lạnh lùng của cuộc sống thân xác và thế gian. Ðêm đó là đêm im lặng. Ðêm ấy là lúc mà con người phải trở lại chính mình. Ðêm ấy là lúc cái Thánh tính của Chân thức tiềm tàng phải được đánh thức. Ðó là lúc con người đang làm đúng việc cho cơ sự làm người: khai sáng cái tinh hoa nhân tính bị vùi quên bởi cuộc đời và thân xác.  Chúa Jesus giáng sinh, cũng như Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, là hai tia ánh sáng biểu tượng nhằm nhắc nhở chúng sinh về một con đường khác.  Cả hai đều là tín hiệu của một cõi, của hai tiếng chuông đánh thức nhắm về một nhân loại đang ngủ quên trong vô minh và phiền não.

Thế nhưng, ở Tây phương ngày nay, chúng sinh đánh mất bàn thờ bên ngoài, và từ chối cái tinh hoa của tín hiệu Giáng sinh bên trong nội tâm.  Càng đến ngày lễ Giáng sinh, con người càng say sưa vật lộn với nhu cầu mua sắm, tiệc tùng để phục vụ thế gian và cái ta, càng đắm chìm sâu vào chiếc áo thế gian sặc sỡ, để rồi sáng hôm sau Giáng Sinh, khoảng trống tâm linh của mỗi chính họ lại trở về.  Cõi trời đã không còn hiện diện trên thế gian khi những tín hiệu ánh sáng siêu việt không còn là chất men để đánh thức đấu bột tinh thần.  Tất cả chúng sinh vẫn còn đang ngủ say trong giấc mơ làm người giới hạn và chật hẹp.  Đâu còn là những hồi chuông thanh cao trong cõi thế gian náo nhiệt?

Khi Thượng đế kêu người, như tiếng chuông vang lên trong tâm thức, thì hãy đừng trả lời như Adam đã, "Thưa, tôi nghe, nhưng tôi sợ lắm, vì tôi đang trần truồng.  Và tôi phải trốn".  Vì khi không có đời sống tâm linh thì dù có mặc bao nhiêu chiếc áo thế gian bạn vẫn trần truồng trong mắt của Thượng đế.  Hãy ý thức được ý nghĩa của Giáng sinh trong chiếc áo tình thương, trong chiếc áo tri thức sâu thẳm, trong tấm lòng nhân ái. Ðể biết chính mình. Ðể được lớn lên. OM, AMEN.

Nguyễn Hữu Liêm

© Đàn Chim Việt Online

Talawas bị tin tặc tấn công

 

ĐỨC - Trang web “Talawas”, diễn đàn và Blog có tiếng của giới trí thức và văn nghệ do nhà văn Phạm Thị Hoài cùng nhiều cộng sự khởi xướng tại Đức vừa bị tin tặc tấn công.

Lúc 11 giờ tối 20 tháng 12, giờ Callifornia khi vào địa chỉ www.talawas.dewww.talawas.org người đọc chỉ thấy trang trắng và lời thông báo 'Vì lí do kỹ thuật, Talawas ngừng hoạt động vô thời hạn.'

Sáng 21 tháng 12, giờ California, dòng chữ nói trên đã bị xóa và thay bằng thông báo của Ban Biên Tập về việc bị tin tặc phá hoại. Nhưng dường như chỉ ít phút sau dòng thông báo biến mất và độc giả không còn vào được trang này.

Trả lời phỏng vấn của Đài BBC Việt ngữ, nhà văn Phạm Thị Hoài, Tổng biên tập Talawas cho biết, “trục trặc xảy ra vào sáng ngày 21/12, hoàn toàn không có dấu hiệu nào khác thường trước đó.”

Theo nhà văn Phạm Thị Hoài, 'việc trang web bị tấn công có thể phần nào liên quan tới các vụ xử người bất đồng chính kiến sắp diễn ra - gồm vụ Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung.'

BBC Việt ngữ nói rằng, “Những người phụ trách kỹ thuật của Talawas chưa có thông tin cuối cùng nhưng nói họ có thể khôi phục lại kho bài vở và tư liệu.”

Nhà văn Phạm Thị Hoài nói với BBC, “hy vọng Talawas có thể hoạt động trở lại trong ngày lễ Giáng sinh.”

Diễn đàn điện tử Talawas tháng 11 năm ngoái tuyên bố tạm đóng cửa sau bảy năm tồn tại để chuẩn bị cho một hình thức mới.

Tháng Ba năm nay, trang web này tái ra mắt như một diễn đàn hàng ngày, với sự tham gia thường xuyên của những blogger cố định, cùng khách mời, và thu hút độc giả tranh luận trên blog.

Trong vòng một tuần vừa qua, một trang web khác là “Bauxite Việt Nam” (www.bauxitevietnam.info) cũng bị tin tặc đánh phá và vừa mở trở lại sau một tuần để sửa chữa.

“Bauxite Việt Nam” cho biết họ “Luôn bị tấn công và theo dõi 24/24”.

Những người chủ trương trang web nói, “Từ khi ra đời đến nay, trang Bauxite Việt Nam đã bị đánh phá ác liệt đến không dưới 5 lần, bởi những nhóm người lạ mặt.”

Những người “lạ mặt” ở đây, theo “Bauxite Việt Nam”, rằng “Không ai dám chắc đây là một nhóm vì họ đánh bằng nhiều cách.”

Cách đánh phá của những người “lạ mặt” ở đây là, “Có khi họ xâm nhập trang quản trị mạng và thay đổi hẳn phần hình ảnh trong một bài nào đó bằng hình ảnh của hải quân Trung Quốc. Có khi họ khống chế để bạn đọc không tài nào vào được trang chủ, biến trang chủ thành trang trắng. Lại có khi họ thay đổi mật mã khiến anh chị em biên tập viên “mất dấu”. (KN)


Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Nhà văn Phạm Ðình Trọng giải thích lý do bỏ Ðảng: ‘Ðảng ngày càng tiến sâu vào sai lầm’

Trả thù người miền Nam khiến ‘đất nước kiệt quệ’

Lữ Tống (riêng cho Người Việt)

LTS: Mới đây, nhà văn Phạm Ðình Trọng công khai từ bỏ đảng tịch Ðảng Cộng Sản Việt Nam sau gần 40 năm tham gia sinh hoạt. Nhà văn Phạm Ðình Trọng cũng là một thiếu tá Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam, từng là cây viết của Binh Chủng Thông Tin Liên Lạc, sau đó về tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội. Ông là học viên khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du, làm biên kịch cho xưởng phim Quân Ðội và có nhiều sáng tác đã được xuất bản. Lữ Tống có cuộc phỏng vấn đặc biệt với nhà văn, thiếu tá quân đội Phạm Ðình Trọng để tìm hiểu thêm lý do khiến ông đi tới quyết định này. Người Việt xin giới thiệu cùng độc giả sau đây.

-Lữ Tống: Thưa ông, xin cảm ơn thời gian mà ông dành cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn này. Trước nhất xin được hỏi, là một đảng viên 40 tuổi Ðảng, thời gian có thể kể là dài, đủ để đặt niềm tin vào một việc gì đó so với cả một đời người. Xin ông cho biết tại sao cuối cùng ông quyết định từ bỏ Ðảng, tức là từ bỏ niềm tin mà ông đã đặt vào?

-Nhà văn Phạm Ðình Trọng: Tôi là Phạm Ðình Trọng, nhà văn, đảng viên Cộng Sản lớp Hồ Chí Minh từ ngày 19 Tháng Năm, 1970. Từ lúc tự nguyện tham gia hàng ngũ cộng sản, cho đến khi tự rút ra khỏi đảng chỉ thiếu vài tháng là đủ 40 năm; cả một quá trình chuyển biến trong tôi. Ðây là sự thay đổi về nhận thức, từ nhận thức bằng tình cảm chuyển dần sang nhận thức bằng lý trí. Nhận thức này đi cùng với nhận thức về quá trình chuyển biến của chính đảng Cộng Sản, từ ý chí vì dân vì nước trong giai đoạn ban đầu, đã chuyển sang sang ý chí chỉ vì sự tồn tại của đảng vào ngày hôm nay.

Trong lúc cả nước còn nghèo, thậm chí có nơi còn đói, còn phải nhờ vào thế giới giúp đỡ, thực tế vẫn tồn tại các quan chức, đảng viên giàu có vượt cả sự tưởng tượng của người dân. Có đảng viên mang cả triệu đô la đi đánh bạc và sống sa đọa nhưng ở chi bộ họ vẫn được xét là đảng viên “bốn tốt!” Bên cạnh đó, những việc hồi gần đây cho thấy đảng đang tiến ngày càng sâu vào những sai lầm và không có dấu hiệu gì thay đổi mặc cho nhiều đảng viên lẫn trí thức đưa ra hàng trăm kiến nghị yêu cầu đảng tự sửa chữa các lỗi lầm từ trong quá khứ và đang kéo dài mãi tận ngày nay.

-Lữ Tống: Ông có thể đưa ra một vài dẫn chứng cái mà ông gọi là sai lầm tồn tại và vẫn kéo dài?

-Phạm Ðình Trọng: Ðấy là chuyên chính vô sản đã gây ra Cải Cách Ruộng Ðất, Cải Tạo Công Thương Nghiệp Tư Bản Tư Doanh. Ðấy là các vụ án chưa bao giờ công khai ra trước ánh sáng công lý, như vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, vụ án Xét Lại Chống Ðảng, đã chà đạp lên số phận bao người trung thực, tài giỏi, gây nỗi kinh hoàng cho dân tộc, gây thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước. Ðấy là những cuộc bắt bớ, đấu tố đang diễn ra như cuộc cải cách ruộng đất kinh hoàng năm nào vẫn đang âm thầm tái diễn đến tận hôm nay! Ðấy là những cuộc đàn áp người tranh đấu cho dân chủ, tức là tranh đấu cho quyền lợi nhân dân, nhưng đảng lo sợ và đảng đã đàn áp họ thẳng tay.

Còn về sự kiện năm 1975, những người sáng suốt đều nhìn thấy đây không phải là chiến thắng của ý thức hệ Cộng Sản. Nếu đảng biết đặt dân tộc lên trên, đất nước sẽ có một tiềm lực vô cùng to lớn. Cơ sở vật chất kỹ thuật và lực lượng lao động cao cấp còn ở lại miền Nam là một vốn quí, một bệ phóng thuận lợi cho nền kinh tế nước nhà nhưng đảng đã không sử dụng tiềm lực này mà ngược lại đã tiêu diệt thẳng tay bằng nhiều cách, khiến cho đất nước kiệt quệ cả nhân lực lẫn cơ sở vật chất.

-Lữ Tống: Thưa ông, có người nói đó là “tâm lý chung,” tức là, hành động tịch thu, trả đũa sau bao nhiêu năm chiến tranh?

-Phạm Ðình Trọng: Ðảng đã giành hết vinh quang về cho đảng. Người cộng sản trở nên kiêu ngạo, tự mãn, và càng tự tin vào tín điều cộng sản! Ðảng say sưa đấu tranh giai cấp! Ðảng cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh! Ðảng hủy hoại khối lượng lớn của cải, làm tan hoang những cơ sở vật chất của một nền sản xuất công nghiệp tương đối phát triển! Ðảng gây hận thù dân tộc, đẩy hàng vạn người từng tham gia với chính quyền cũ vào những trại cải tạo, gây chia rẽ, ly tán trong lòng dân tộc! Thời cơ mất đi! Tiềm lực vô cùng quý giá để phát triển đất nước cũng mất đi! Ðất nước bị đẩy đến tận cùng quẫn bách.

Nỗi đau ly tán của dân tộc Việt Nam còn âm ỉ, nhức nhối đến hôm nay là hậu quả tất yếu của kiên trì tín điều Cộng Sản đưa giai cấp lên trên dân tộc, là trách nhiệm không thể chối bỏ của đảng Cộng Sản.

-Lữ Tống: Ông đưa ra nhận định về năng lực lãnh đạo, với ý cho rằng đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến đất nước bị mất dần đường biên giới. Xin được nghe chi tiết hơn?

-Phạm Ðình Trọng: Tôi cho là lãnh đạo đảng ở cấp cao không có sự nhạy bén, năng động. Không có sự mẫn cảm và sáng láng của trí tuệ và tài năng tạo ra bước ngoặt cần có cho dân tộc. Ngược lại, đảng vẫn kiên trì với những tín điều cộng sản. Những người lãnh đạo đảng ở cấp cao đã có những nhượng bộ, thỏa hiệp để Trung Quốc vạch lại biên giới, phân chia lại vùng biển, chiếm đất, chiếm biển của ta. Trong thư ngỏ gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 3 Tháng Ba, 2009, tôi đã dẫn chứng về việc mất đất mất biển. Những hợp đồng kinh tế dễ dãi, ưu ái dành cho Trung Quốc. Dự án bauxite gây lo lắng cho cả dân tộc về môi trường, văn hóa, lẫn an ninh quốc phòng. Quan trọng hơn hết, là đảng không lắng nghe sự góp ý chân thành của những người trí thức. Ðảng luôn tuyên bố là vì lợi ích dân tộc nhưng trong dự án bauxite tôi cho rằng là vì lợi ích của ai kia chứ không phải cho dân tộc như đảng nói.

-Lữ Tống: Ông từng viết “Ăn Mày Dĩ Vãng,” nhằm chống lại những điều mà ông gọi là sử dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách giả dối, thần thánh hóa lãnh tụ. Xin ông chia sẻ thêm?

-Phạm Ðình Trọng: Trong đời sống chính trị của nước ta hiện nay, từ ngữ có tần số sử dụng cao nhất là từ Hồ Chí Minh. Thần thánh hóa Hồ Chí Minh, đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn nói đi theo con đường Hồ Chí Minh đã chọn, rầm rộ học tập tư tưởng đạo đức ấy. Trong bài viết “Ăn mày dĩ vãng - Thực Chất Cuộc Vận Ðộng Học Tập Tư Tưởng Ðạo Ðức Hồ Chí Minh,” tôi đã thẳng thắn nêu ra sự làm trái đó.

-Lữ Tống: Bài viết ấy, theo dư luận, đã gây khó khăn cho ông rất nhiều phải không, thưa ông?

-Phạm Ðình Trọng: Trong cuộc họp vào ngày 13 Tháng Mười Một, 2009, Ðảng ủy nơi tôi sinh hoạt đã kết luận bài viết của tôi là “phủ định chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã thể hiện rõ rằng tôi không còn trung thành với Ðảng, với tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, đã xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh.”

-Lữ Tống: Ông suy nghĩ về những kết án này như thế nào?

-Phạm Ðình Trọng: Ðó là kết luận áp đặt, khiên cưỡng, thiếu thiện chí với tôi và né tránh, không đủ dũng khí nhìn vào sự thật.

-Lữ Tống: Ông có tâm sự gì muốn chia sẻ thêm với chúng tôi?

-Phạm Ðình Trọng: Tôi xin nói thêm ba điều như thế này. Thứ nhất, đây không phải là hành động chống đối đảng Cộng Sản. Thứ hai, về hình thức thì việc từ bỏ Ðảng Cộng Sản, nếu xét theo vận động cơ học thì đây là việc làm bình thường của bất cứ tổ chức nào. Có vào thì phải có ra, rất bình thường. Thứ ba là bản chất sự việc, ra khỏi đảng là thức tỉnh của nhận thức, sự thức tỉnh này không phải chỉ riêng cá nhân tôi mà nó mang tính thời cuộc. Thời này tôi nghĩ là thời của tự thức tỉnh. Có rất nhiều anh em lớp trước hay cùng lứa với tôi, đều có chức vụ đại tá, thượng tá cả, và họ đã từ khước việc sinh hoạt đảng sau khi về hưu tại nơi các anh ấy sống bằng cách không nộp giấy sinh hoạt đảng cho các tổ chức đảng tại địa phương. Giống như các anh ấy, chúng tôi đều thấy là có sự thất vọng và hụt hẫng vô cùng to lớn. Vì thế tiếng nói từ bỏ đảng của tôi không phải là tiếng nói lẻ loi hay duy nhất, mà là một trong những tiếng nói chung của rất nhiều người như tôi mà thôi.

-Lữ Tống: Xin cám ơn về thời gian ông dành cho chúng tôi.

Nguồn: Người Việt Online