Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010

“Tủ sách Tuổi Hoa” trở lại

Hình lấy từ trang web fahasasg.com.vn Nhà sách Xuân Thu ở TPHCM có rất nhiều loại sách cho mọi lứa tuổi, kể cả sách ngoại văn

Khánh An, phóng viên RFA
2010-03-25

Đối với các thế hệ người Việt thập niên 60, 70, rất nhiều người đã từng say mê và yêu mến những tác phẩm của “Tủ sách Tuổi Hoa”, với ba loại Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím.

Thế nhưng sau năm 1975, độc giả Việt Nam đã không còn cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm vốn có rất nhiều đóng góp cho công tác giáo dục thanh thiếu niên trước đây. Chính vì vậy, việc tái xuất bản các tác phẩm của “Tủ sách Tuổi Hoa” đã thu hút sự quan tâm của không chỉ độc giả ở trong nước.

Một giá trị văn học

Linh mục Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, người chịu trách nhiệm xin giấy phép xuất bản để những tác phẩm của “Tủ sách Tuổi Hoa” một lần nữa được đến tay bạn đọc, cho biết: “Chúng tôi đang bắt đầu tái bản trở lại, đã xin phép nhà nước cho tái bản nên chúng tôi cho phát hành. Hiện nay, chúng tôi đã ra được 99 đầu sách và chúng tôi sẽ lần lượt ra hết.”

Khánh An: Dạ vâng. Tất cả sách trước đây đều được phép phát hành hết hay sao, thưa cha?

LM Phạm Trung Thành: Không biết ạ, tại chúng tôi xin từng đợt. Hiện nay về vấn đề phát hành sách ở Việt Nam thì tương đối cởi mở thêm một chút. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng để phục hồi văn hóa đọc cho giới trẻ và nhất là chúng tôi nhận thấy cái giá trị của “Tủ sách Tuổi Hoa”, có thể giới trẻ ngày nay không mặn mà lắm nhưng dù sao, mình vẫn phát hành.

Khánh An: Dạ vâng. Văn phong của “Tủ sách Tuổi Hoa” là văn phong của trước năm 1975, so với sách dành cho thanh thiếu niên bây giờ là ngôn ngữ mới sau này. Vậy liệu “Tủ sách Tuổi Hoa” có còn phù hợp với các bạn trẻ hiện nay không, thưa cha?

LM Phạm Trung Thành: Quan điểm của tôi thế này, hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay thiếu những nhà giáo dục và những nhà văn tâm huyết cho tuổi trẻ để có thể có những tác phẩm xuyên qua những câu chuyện thường ngày mà mang tính giáo dục.

Cái đó thì thực sự là thiếu, dẫu rằng ngày nay giới trẻ ở Việt Nam nói chung, giới trẻ ở thành phố Sài Gòn này nói riêng, họ không mặn mà gì với lối hành văn cũ như thế nhưng chúng tôi thấy rằng cần phải gìn giữ một giá trị văn học đã có một thời đóng góp vào trong nền văn học của Việt Nam. Thí dụ, ngày nay người ta không viết văn theo kiểu của Tự Lực Văn Đoàn nữa nhưng mà không thể phủ nhận được giá trị của Tự Lực Văn Đoàn.

Có thể ngày nay ít người đọc Tự Lực Văn Đoàn nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không gìn giữ. Chỉ có một cách duy nhất để gìn giữ “Tủ sách Tuổi Hoa”, đó là tái bản. Chúng tôi tái bản, ví dụ, một đầu sách 1000 cuốn. Bán được một nửa thôi, dù lỗ, chúng tôi vẫn tái bản để trong thư viện một số nơi, của một số nhà giáo dục, một số trường, vẫn có để khi cần cho một đôi ba tâm hồn nào đó.

Nhưng mà trong một, hai tháng phát hành vừa rồi, tôi thấy là đúng, giới trẻ không mặn mà nhưng lứa tuổi của chúng tôi trở lên, tuổi của trước năm 1975, lứa tuổi mà có một thời đã say mê Tuổi Hoa thì họ đi tìm lại.

Lệch pha giữa hai thế hệ

DongSuaMe-200.jpg
Một tựa sách loại HOA XANH: tình cảm nhẹ nhàng (gia đình, bạn bè). Hình chụp từ trang web tuoihoa.hatnang.com

Khánh An: Và như vậy cha có nghĩ rằng mình sẽ có một hướng nào khác, giống như một Tủ sách Tuổi Hoa thời đại mới cho các bạn trẻ không?

LM Phạm Trung Thành: Trong quá khứ, hai ba năm vừa rồi, tôi đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm, đó là chúng tôi mở ra các cuộc thi viết truyện ngắn dành cho các bạn trẻ để phát hiện những cây bút trẻ. Nhưng mà chúng tôi xin nói thật là ba lần chúng tôi phát động, chúng tôi cũng có trao giải thưởng rồi cũng tập hợp những bài trúng giải để in, nhưng mà chất lượng thì đúng là không cao.

Hay là bây giờ tôi và ban giám khảo là những lớp người đã cổ, không tìm được những điều hay ở trong áng văn mới hay sao, tôi cũng không rõ. Ví dụ, ban giám khảo của chúng tôi, tôi mời nhà thơ Đình Bảng, là một trong những nhà văn, nhà nghiên cứu xuất thân từ Đại học Văn khoa cũ, phần đông ban giám khảo đều xuất thân từ Đại học Văn khoa cũ, khoa Văn, và phần đông đều lắc đầu và chấm để nâng đỡ các em, rồi mở giải, vỗ tay với nhau.

Chúng tôi cũng đang dự định là thử mở một trại sáng tác để cho những anh, những bậc trưởng thượng, những bậc đại thụ trong văn học Việt Nam còn sống sót, nâng đỡ các em bằng cách truyền đạt nghề. Chúng tôi đang suy nghĩ với nhau chuyện này. Hoàn cảnh hiện nay cũng đang có những cơn lốc, cơn lốc sống kinh khủng lắm và những hình thức nghệ thuật khác ở Việt Nam cũng đang lấn lướt nhiều.

Tôi có một kinh nghiệm là những giá trị của Tự Lực Văn Đoàn đã xây dựng nên con người, thế hệ của chúng tôi. Cho nên tôi cũng muốn, thôi thì, mình cố gắng làm một cái gì đó.

Khánh An: Dạ. Cha nhận xét như thế nào về văn hóa đọc của các bạn trẻ hiện nay, thưa cha?

LM Phạm Trung Thành: Tôi không dám vơ đũa cả nắm nhưng những cái đang ồn ào ở trên mạng, ở trước mắt thì nó cũng giống như là ca nhạc vậy. Tức là, hay là tại vì mình lớn tuổi rồi và mình chịu ảnh hưởng quá lớn bởi lối hành văn của ngày xưa (nên) mình không cảm nhận được giới trẻ hay sao. Thí dụ như là tôi có thể nghe nhạc tiền chiến, tôi có thể nghe những ca khúc sonate, họăc là những bài giao hưởng, tôi rất là thích thú.

Nhưng tôi không thể chịu đựng được nhạc, cách nhảy múa và lối ăn mặc của ca sĩ ngày nay trên sân khấu. Đang khi đó, tôi nhìn trên màn ảnh hoặc đến các tụ điểm, tôi thấy là các bạn trẻ kéo đến rất đông và họ nhảy múa theo như thế. Tôi vẫn nghĩ, hay là chúng tôi đã đi lùi thời đại và chấp nhận một cái mới như là chấp nhận nó đáng có và không thể nào chống đối lại các em.

Mặc dù vậy, thỉnh thỏang trên báo chí ở Việt Nam, ở Sài Gòn, vẫn có những nhà phê bình họ nói những lời báo động và kêu cứu rất nặng nề. Bây giờ thì quan điểm của tôi là không nên phê bình giới trẻ mà làm sao phải đồng hành, hội nhập để cùng với các em đi tìm, khám phá lại những gì đẹp, hay. Còn thú thật, cũng giống như ca nhạc vậy, một số sách mà tôi đọc, tôi rất là nản.

hoado-200.jpg
Một đầu sách loại HOA ĐỎ: truyện phiêu lưu, mạo hiểm, trinh thám. Hình chụp từ trang web tuoihoa.hatnang.com

Tôi lấy thí dụ, hầu như không tìm được một đoạn văn nào miêu tả một khung cảnh mà làm cho tâm hồn mình nhẹ nhàng lên. Mình không tưởng tượng đựơc khung cảnh mà nhân vật đang ở như thế nào. Trong khi đó đối với Tự Lực Văn Đoàn hay là đối với những tác phẩm Tuổi Hoa nhẹ nhàng hơn, thì bao giờ cũng có những đoạn văn tả cảnh trước, mây trời thế nào, sắc trời ra sao, rồi bên đường đi có những gì, đại khái như vậy, thì gần như những tác phẩm bây giờ không có những miêu tả đó, mà vô là đối thoại, hành động ngay.

Cảm thông với giới trẻ

Khánh An: Và như cha nhận xét, đó là một cơn lốc hiện nay. Là người làm sách có tâm huyết thì mình sẽ đi theo hướng nào, “cuốn theo chiều gió” hay đi ngược lại chiều gió, thưa cha?

LM Phạm Trung Thành: “Cuốn theo chiều gió” thì chắc chắn không vì mình không thể làm cái gì đó khác mình. Đi ngược thì không nên, bởi vì tôi có một kinh nghiệm khi mình còn trẻ, mình bị các cụ la rầy, chê bai tuổi trẻ bây giờ không bằng tụi tao ngày xưa thế này thế nọ, thì mình cảm thấy là các cụ không cảm thông.

Còn bây giờ, như tôi thưa chuyện hồi nãy, có lẽ chúng ta phải tìm một cuộc gặp gỡ, một sự cảm thông. Tôi luôn luôn đứng về phía họ để nhìn ra họ là nạn nhân của thời cuộc, đặc biệt là thời cuộc của đất nước chúng ta ở trong nước. Phải nói là các bạn trẻ là nạn nhân, nạn nhân của rất nhiều vấn đề xã hội.

Từ đó, nó tác động đến tâm hồn và con người. Tôi nghĩ rằng tôi không thể chiều theo cơn lốc vì tôi không thể làm khác tôi. Đồng thời, tôi cũng không được phép đi ngược lại cơn lốc bởi vì tôi không thể chống chính người học trò, con cái, anh em mình.

Có lẽ phải có gì đó cảm thông, hội nhập để tìm cách gìn giữ và cũng phải cân nhắc lại mình, coi chừng mình hoài cổ. Tôi nghĩ, làm sao phải giữ được cái hồn Việt cho các em, thật sự khó. Hiện nay, cơn lốc về kinh tế đã tạo ra một sự phá sản về đạo đức trong xã hội.

Nhân đây tôi cũng nói luôn, khi tôi thực hiện cuốn này, tôi cũng đã tham khảo luật pháp Việt Nam và luật tác quyền, tôi cũng muốn nói với các tác giả, một số tôi đã được gặp, còn một số không biết lưu lạc ở phương trời nào rồi, thì chúng tôi sẵn sàng và muốn được gặp một số tác giả mà có tác phẩm chúng tôi tái bản, để chúng ta có thể nói chuyện với nhau về tác quyền.

Khánh An: Dạ vâng. Cảm ơn cha rất nhiều.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tuoi%20hoa-fiction-books-before-1975-were-published-KAn-03252010153753.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét