Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Giải Nobel Hòa Bình cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc: Ai mới đúng là những thằng hề?

Lê Diễn Đức - RFA
2010-12-09

Trong ngày 9 tháng 12, Công đoàn Đoàn kết Ba Lan đã kêu gọi nhà cầm quyền Bắc Kinh trả tự do vô điều kiện cho ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010.

Bức thư của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan đã được chuyển tới Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Gdansk, nơi có trụ sở chính của Công đoàn Đoàn kết.

Bằng cách này, Công đoàn Đoàn kết Ba Lan muốn biểu hiện tình đoàn kết với các hoạt động hòa bình, các sáng kiến cải cách dân chủ và bảo vệ quyền con người của nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.

Trong thư, Công đoàn Đoàn kết Ba Lan đòi chính quyền Trung Quốc phải tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản, bao gồm cả quyền được thành lập công đoàn độc lập và phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Công đoàn Đoàn kết Ba Lan nhấn mạnh rằng, "Trung Quốc đã bác bỏ tất cả các khuyến nghị của các nước thành viên Liên Hợp Quốc liên quan đến quyền tự do ngôn luận, lập hội, sự độc lập của ngành tư pháp, bảo vệ nhân quyền, án tử hình, cấm tra tấn hoặc tự do truyền thông".

Mặc dù Trung quốc đã điên đảo tiến hành chiến dịch tẩy chay lễ trao giải thưởng bằng những áp lực ngoại giao khiếm nhã và liên tục đe dọa trừng phạt thương mại các nước tham dự, trong ngày 10 tháng 12 tại Oslo vẫn diễn ra lễ trọng thể trao Giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, bất luận có người nhận hay không.

Cho đến hôm nay, vẫn chưa biết có ai có thể sẽ đứng ra nhận phần thưởng thay ông Lưu Hiểu Ba. Ông Lưu đang ở trong tù, còn vợ ông bị quản thúc tại gia, không thể rời khỏi đất nước.

Ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và là đồng tác giả của Hiến chương 08 (một bản kiến nghị kêu gọi cải cách hiến pháp, dân chủ và bảo vệ quyền con người, được ký bởi hơn 10.000 công dân Trung Quốc), đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt vào năm 2009. Ông bị buộc tội "hoạt động lật đổ gây tổn hại cho nhà nước" và bị xử 11 năm tù giam.

Ông Lưu Hiểu Ba năm nay 55-tuổi, là nhà văn, học giả văn học. Trước đây ông cũng đã bị cầm tù vì tội "tuyên truyền phản cách mạng" và tham gia cuộc biểu tình của sinh viên tại Thiên An Môn vào năm 1989, nơi mà hàng ngàn người đã bị giết chết tàn nhẫn dưới xích sắt xe tăng của nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc.

Ngày 10 tháng 12 còn có một ý nghĩa cao đẹp khác: Ngày Nhân Quyền.

62 năm trước đây, vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên ngôn Quôc tế Nhân quyền, tài liệu quan trọng nhất về quyền con người và là văn bản đầu tiên thuộc loại này được chấp nhận bởi cộng đồng quốc tế. Để kỷ niệm sự kiện quan trọng này, ngày 10 tháng 12 được tổ chức kỷ niệm trên toàn thế giới như là Ngày Nhân Quyền.

Ủy ban Nobel đã công bố hôm 9/12 rằng, Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc là một tín hiệu cho Trung Quốc rằng, đã đến lúc phải tiến hành cải cách chính trị, chứ không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế.

Xem ra, chiến dịch chống đối và kêu gọi tẩy chay lễ trao giải thưởng không mang lại kết quả mong muốn, Trung Nam Hai bèn đưa ra Giải thưởng “Khổng tử Hòa Bình” nhằm trả đũa.

Ý tưởng ra đời “Khổng tử Hòa bình” xuất hiện gần đây trên “Global Times", một tờ báo Trung Quốc phát hành bằng tiếng Anh được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.

Giải thưởng được trao cho ông Liên Chiến (Lien Chan), cựu Phó Tổng thống Đài Loan vì những nỗ lực cải thiện quan hệ Trung Quốc - Đài Loan.

Cũng tin từ Bắc Kinh cho hay, ông Liên đã "đánh bại" các ứng viên cho giải này (không biết những ứng viên do ai giới thiệu và thành phần Ban giám khảo như thế nào?) trong đó có cả những người đã đoạt Giải thưởng Nobel Hòa bình như Nelson Mandela của Nam Phi và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Ông Liên Chiến vào năm 2005 là Chủ tịch đảng dân tộc Quốc Dân Đảng, đảng đối lập trong quốc hội Đài Loan, đã đến thăm Trung Quốc và gặp gỡ Hồ Cẩm Đào. Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo của hai bên kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã được cải thiện kể từ khi Quốc Dân Đảng thắng cử tổng thống trên đảo vào năm 2008. Kể từ đó, hai bên đã ký một số thỏa thuận thương mại quan trọng.

Trong ngày hôm kia, bà Khương Du, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Bắc Kinh đã gọi những thành viên trong Ủy ban Nobel là “những thằng hề”, nhưng với giải thưởng “Khổng tử Hòa bình” những nhà lãnh đạo Bắc Kinh mới đích thực là những thằng hề chính hiệu.

Thật mỉa mai khi người chiến thắng “Khổng Tử Hòa bình” không gặp bất kỳ trở ngại nào nhưng đã không xuất hiện tại lễ trao giải và cũng không đưa ra một bình luận công khai nào. Thậm chí những người tổ chức đã trình diễn vụng về đến mức làm em bé được chọn nhận thay run lên vì sợ hãi – Hãng tin Reuters cho biết.

“Sáng kiến” của giải “Khổng tử Hòa bình” được giải thích là “nhằm góp phần vào sự truyền bá triết học Nho giáo” - như tờ "Global Times" viết – và "dạy cho phương Tây làm thế nào để nuôi dưỡng tinh thần và cư xử lịch lãm với các quốc gia mang những giá trị khác nhau và cách sống khác nhau".

Nhưng thực chất, “Khổng Tử Hòa bình” đã chứng tỏ phản ứng thô thiển của Bắc Kinh trước việc Ủy ban Nobel vinh danh nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba mà họ coi là “tội phạm”.

“Khổng Tử Hòa bình” còn bôi bác và làm trò cười cho thiên hạ, vì mang danh "hòa bình' nhưng lại từ một nhà nước độc tài cộng sản, đối nội thì đàn áp thô bạo tự do dân chủ, nhân quyền, đối ngoại thì duy trì chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ, bá quyền, giương nanh vuốt đe dọa các quốc gia láng giềng. Riêng với Việt Nam, từ hàng ngàn năm lịch sử nay, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ mộng xâm lăng, luôn luôn muốn biến Việt Nam thành một nước chư hầu hoặc một Tây Tạng thứ hai.

Đấy là chưa nói đến giá trị tiền bạc. Giải “Khổng tử Hòa bình” tưởng phải khủng khiếp lắm vì của một Đại Hán huyênh hoang, cao ngạo có vị trí kinh tế thứ nhì thế giới (nhưng thu nhập bình quân ở mức thường thường bậc trung), rốt cuộc chỉ chi cho giải ỉu xìu với… 15 ngàn đôla, so với khoảng 1,4 triệu đôla của Giải Nobel!

Đúng là “so gì so phấn với vôi, so L… con đĩ với môi thợ kèn” (Ca dao Việt Nam)!■

© Radio Free Asia 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét