Các đại sứ của EU và đại diện một số bộ, ngành của Việt Nam vừa tham dự vòng đối thoại về nhân quyền tại Hà nội.
Một nguồn tin ngoại giao từ Hà Nội cho BBC Việt Ngữ hay cuộc họp được tổ chức sau phiên họp của nhóm nước cấp viện. Đại sứ của các nước thành viên EU, trưởng phái đoàn EU tham dự cuộc họp.
Giữa EU và Việt Nam có cơ chế đối thoại nhân quyền thường xuyên, họp hai lần trong năm.
Nhóm đại sứ phương Tây chủ yếu làm việc với Bộ Ngoại giao. Cạnh đó một số bộ khác cũng tham dự. Lần này người ta thấy đại diện Bộ Tư pháp phát biểu.
“Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường. EU cho rằng đối thoại về nhân quyền là một phần quan trọng của mối quan hệ. Và đối thoại về nhân quyền vẫn sẽ tiếp tục. Tôi hy vọng đối thoại này sẽ mạnh mẽ hơn, bàn về nhiều chủ đề hơn,” Đại sứ Anh tại Hà Nội, Tiến sĩ Antony Stokes cho BBC Việt Ngữ biết trong cuộc phỏng vấn ngày 10/12.
“Trong đối thoại về nhân quyền giữa EU và Việt Nam, tôi cho rằng chúng tôi đã khá trực diện. Chúng tôi đã nói chuyện một cách công khai và thẳng thắn.”
Cơ chế đối thoại
Nhìn rộng ra, thảo luận về nhân quyền giữa EU và Việt Nam được thực hiện dưới các hình thức khác nhau. Đáng chú ý nhất là cơ chế đối thoại họp 6 tháng một lần.
Cạnh đó EU và VN cũng bàn về nhân quyền trong quá trình thương thảo về Hiệp định PCA – Hiệp định về Đối tác và Hợp tác.
Đầu năm nay chính phủ Việt Nam nói họ sẵn sàng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do, FTA với khối EU. Một trong những cách thúc đẩy nhanh quá trình thương thảo FTA là Việt Nam cần hoàn tất hiệp định PCA với EU, một số chuyên gia nói.
“Về tổng thể mà nói, EU chỉ được phép kết thúc đàm phán FTA với quốc gia nào đã hoàn tất thỏa thuận về PCA,” ông Antonio Berenguer, cựu tham tán thương mại của phái đoàn EU tại Hà Nội cho BBC Việt Ngữ biết trong cuộc phỏng vấn hồi tháng Ba năm nay.
“Đối tác của EU cần phải có sự tôn trọng quyền cơ bản của người dân, như được nói tới trong PCA.”
Cựu tham tán thương mại của EU nói thêm: “Chúng tôi hy vọng VN hiểu được mối liên hệ giữa tôn trọng nhân quyền và khả năng được hưởng lợi từ sự tiếp cận toàn diện đối với thị trường EU.”
Quay trở lại đối thoại thường niên về nhân quyền giữa Việt Nam và EU, đại sứ Anh TS Antony Stokes cho hay nếu cảm thấy quan ngại về chủ đề gì đó, ông tìm cách đề đạt sớm.
“Liên quan đến nhân quyền và phát triển kinh tế, đại diện của EU nhắc đến quyền được bàn luận công khai các chính sách của chính phủ.
“Làm sao tạo ra môi trường để người dân có thể bình luận, chỉ trích chính sách của chính phủ, báo chí có quyền đưa tin công khai. Người viết blog không sợ bị bắt khi đưa ra nhận định không có lợi cho chính phủ.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam bảo vệ quyền tranh luận công khai của người dân.”
Đại sứ Anh tại Việt Nam nói thêm, ông thấy có một số tín hiệu tích cực gần đây, ví dụ một số buổi tranh luận tại quốc hội được truyền hình trực tiếp. “Tôi thấy làm như vậy là được,” tiến sĩ Stokes nhận xét.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/12/101211_vn_eu_dialogue.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét