Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Trung Quốc đang sợ hãi

Guy Sorman
CITY JOURNAL

Mùa xuân Ả Rập đang khiến lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh giác

Người Trung Quốc không dễ phát âm cái tên “Mohamed Bouazizi”. Nhưng Ding Yfan, một học giả nổi tiếng và là đầu mối liên lạc chính thức của tôi với Đảng Cộng sản tại Bắc Kinh, vẫn cứ cố học phát âm cho thật chính xác. Công việc của ông Dinh là giải đáp “trung thực” những câu hỏi của các nhà trí thức Phương Tây tới thăm Trung Quốc. Trước khi tôi kịp nêu chủ đề về cuộc nổi dậy của thế giới Ả Rập – được khơi nào từ vụ tự thiêu của Bouazizi tại Tunisia hồi tháng 12 năm ngoái – ông Ding đã tìm cách thuyết phục tôi rằng những cuộc nổi loạn kiểu ấy không thể xảy ra ở Trung Quốc. Ông khẳng định rằng người Trung Quốc không phải như người dân ở các nước thuộc khối Ả Rập, hiện nay họ đang có cuộc sống sung túc hơn và vì thế họ không có tình cảm bất mãn. Cách suy luận của ông ta đúng là theo kiểu Mác-xít nguyên bản:  kinh tế, chứ không phải tư tưởng và chắc chắn không phải sự đói tự do, mới là động lực của một cuộc cách mạng.

Người Trung Quốc quả thực giờ đây đang ngày càng giàu có hơn trước. Điều này có thể thấy rất rõ ở Bắc Kinh nơi tràn ngập những cửa hàng và nhà hàng sang trọng, nơi quý tử của những triệu phú đang khoe của. Sự phát triển kinh tế của đất nước này – được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10 phần trăm trong 30 năm qua – đã cho ra đời một tầng lớp cực kỳ giàu, số lượng người giàu hiện nay có khuynh hướng ngày càng tăng và họ nắm giữ cả quyền lực chính trị lẫn ảnh hưởng kinh tế. Nhưng trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trở thành một thứ tập đoàn đầu sỏ giàu có thì người nông dân ở các tỉnh miền đông và miền trung của nước này có thể nói là vẫn đang sống như ở vào thời Trung Cổ. Hiện nay nhờ những cuộc di dân từ nông thôn ra những công trường và nhà máy lớn mà người nông dân Trung Quốc (hoặc con cái của họ) đang dần dần được hưởng một chút nền kinh tế hiện đại, cho dù họ vẫn đang nhận đồng lương thấp.

Cho dù không thể xảy ra phiên bản Trung Quốc của Mohamed Bouazizi thì các cuộc nổi dậy ở Trung Đông vừa qua đã cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy rằng Internet nguy hiểm thế nào. Ông Ding trích dẫn lời Mao Trạch Đông Mao: “Một tia lửa có thể làm bùng cháy cả một đồng cỏ.” Bouazizi chính là tia lửa như vậy và Internet là nơi lan truyền ngọn lửa, từ Tunisia tới tất cả vùng thuộc thế giới Ả Rập, kể cả những nơi có nền kinh tế đang tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế tạo ra niềm hi vọng, song hi vọng đôi khi lại làm cho một xã hội trở nên bất ổn và đòi hỏi nhiều thứ khác nữa chính là do chỗ hoàn cảnh sống đang được cải thiện – người dân mong muốn có tất cả mọi thứ thật nhanh. Alexis de Tocqueville khi nhìn lại cuộc Cách mạng Pháp đã nhận ra cái động lực sau đây: bởi vì tự do và phồn vinh đã mở rộng tới khắp nước Pháp cho nên, ông lý luận, rằng người Pháp muốn có mọi thứ ngay ở đây, ngay lúc này.

Khổng tử theo cách riêng của mình cách đây 25 thế kỷ cũng nói ra ý kiến tương tự: “Chỉ có những xã hội có mức sống vừa đủ để tồn tại thì mới ổn định,” ông viết, “bởi vì điều kiện sống của tất cả mọi người đều như nhau.” Sự đàn áp giờ đây đang diễn ra dữ dội hơn bao giờ hết ở Trung Quốc:  Internet bị kiểm duyệt, tốc độ kết nối bị làm cho chậm đi. Trí thức bất đồng chính kiến phải đối mặt với án tù trung bình là 11 năm; luật sư làm trái ý chính phủ trong các vụ kiện dân sự bị biến mất mà không cần cảnh cáo. Chỉ cần vừa có dấu hiệu tụ tập hoặc đình công là cảnh sát đã đưa những nông dân hoặc công nhân cầm đầu tới các trại cải tạo với án ba năm. Lưu Hà (Liu Xia), vợ của Lưu Hiểu Ba người được giải Nobel hiện đang bị ngồi tù, đã bị mất tích từ tháng 1; vợ của nhà tranh đấu dân chủ Hu Jia, hiện cũng đang bị ngồi tù, bị cấm rời khỏi nhà. Và hôm mồng 3 tháng 4 vừa qua nghệ sĩ và nhà bất đồng chính kiến Ngải Vị Vị đã bị bắt giữ và bỏ tù tại Bắc Kinh.

Bằng con mắt thông thường thì dễ không nhận ra sự đàn áp đang gia tăng hiện nay. Khách du lịch, doanh nhân và những nhà kinh doanh (và gần đây nhất có cả ca sĩ nhạc rock đã tới Trung Quốc như Bob Dylan) đều chọn cách là thôi thì phớt lờ những đợt rung chuyển kia đi cốt đừng để ảnh hưởng tới công việc của họ – miễn là những đợt rung chuyển đó đừng gây ra một trận động đất. Liu Jiming, một nhà nghiên cứu khoa học chính trị và một nhà lý luận về thị trường tự do đã can đảm làm tiếp công việc của bạn ông là Lưu Hiểu Ba, đã có suy nghĩ ngược lại hẳn với Ding Yfan, rằng Trung Quốc có hàng triệu Mohamed Bouazizis. Nông dân Trung Quốc ở khắp nơi, giống như Bouazizi, đang bươn chải để thoát khỏi nghèo và cũng giống như ở thế giới Ả Rập, họ cũng từng bị cảnh sát không để cho họ yên ổn với những phương tiện làm ăn nhỏ lẻ chỉ vì họ không có giấy phép (thông thường phải hối lộ một viên chức nào đó thì mới có được giấy phép). Theo ông Liu, sự khác nhau nằm ở chỗ đất nước Trung Quốc quá rộng cho nên khó nổ ra một phong trào đồng loạt. Ngay cả có thêm tiềm năng kích thích của Internet thì cũng không phải là dễ để biến những người nổi dậy đơn độc thành một cuộc tổng nổi dậy chống lại Đảng Cộng sản.

Trung Quốc và thế giới Ả Rập còn có một điểm khác biệt nữa, ấy là cảnh sát Trung Quốc hiệu quả và tàn nhẫn hơn. Không gì đàn áp một cuộc cách mạng hiệu quả hơn một lực lượng cảnh sát hùng mạnh.  Mặc dù vậy ông Liu tin rằng một cuộc tổng nổi dậy sớm muộn sẽ xảy ra. Chỉ có sự giàu có mới cho phép Đảng Cộng sản duy trì quyền lực của nó. Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, Đảng sẽ mất quyền kiểm soát đối với cảnh sát, quân đội và những lãnh chúa phong kiến thời nay và những thành viên trong giới lãnh đạo của Đảng, bởi vì đó là những người trung thành với Đảng chỉ hoàn toàn là vì tiền. Khác với các nhà lãnh đạo ở thế giới Ả Rập, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rõ xã hội của họ. Họ biết nhân dân ghét họ – song nhân dân vẫn sợ họ.

Và trên thực tế thì tăng trưởng kinh tế đã chậm lại – năm tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống còn 8% – và lạm phát thì nhảy lên khoảng 10% đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Liệu Đảng có còn giữ được tính tồn tại hợp pháp của nó trước những sự siết chặt kinh tế này? Đảng sẽ không thể dựa vào lòng trung thành của nhân dân vào chủ nghĩa Mác mà giờ đây chẳng còn ai tin vào nó nữa. Chủ nghĩa Mác chỉ được dạy ở trường phổ thông và đại học như một thứ giáo lý lỗi thời ép buộc – giống như đạo Khổng vậy. Cộng sản đã đưa tư tưởng Khổng tử vào chương trình học của nhà trường với ý định tạo ra sự liên hệ giữa hiện tại với quá khứ, cứ như thể Đảng là hiện thân của một đất nước Trung Quốc vĩnh cửu vậy. Đối với người Trung Quốc thì Khổng tử vẫn là vị tổ sư của mọi luân lý, là người ủng hộ sự tôn trọng quyền uy và trật tự xã hội. Vì thế Đảng đã dựng một bức tượng Khổng tử trông rất “sến” ở Quảng trường Thiên An Môn, cách không xa lăng của Mao Trạch Đông và nằm gần Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là nơi hiện đang trưng bày một hiện vật ca tụng thắng lợi liên tục của các lãnh đạo Đảng kể từ năm 1949 – một hoạt động thuần tuyên truyền. Các trung tâm văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài đã được đổi tên thành Viện Khổng Tử. Thế là đạo Khổng – hay nói chính xác hơn là cái bức tượng tầm thường hời hợt kia được đem ra thay thế cho những trước tác khó hiểu của Khổng Tử  – đã nhận được sự ủng hộ đồng lòng của người Trung Quốc. Nhưng bất chấp Đảng có nỗ lực hết sức đến mấy song rất nhiều người Trung Quốc bình thường đều không thể liên hệ nổi đạo đức Khổng Tử với những thái tử Đảng đang cai trị cuộc sống của họ. Vì lợi ích của Đảng, tốt hơn hết đừng để cho nhân dân đọc Khổng tử kỹ quá, Liu Jimming nói: việc ông ấy phê phán những kẻ làm quan tham nhũng và bất bình đẳng xã hội chỉ tổ có hại cho những đảng viên hiện nay.

Ông Liu chỉ ra rằng đạo Khổng không phải là toàn bộ tư tưởng Trung Quốc, dù là tư tưởng cổ điển hay đương thời. Lão Tử, thầy cũ của Khổng Tử, ở vào thời của ông đã là một người ủng hộ sự nổi loạn tuyệt đối; không có triết học chính trị Phương Tây nào có khả năng tạo ra sự hoài nghi như đạo Lão. Ông Liu kết luận rằng người Trung Quốc có thể tóm tắt nhanh 2.500 năm văn minh Trung Quốc bằng một cuộc đối thoại giữa Lão Tử và Khổng Tử – tự do cá nhân của đạo Lão và triết lý vua hiền của đạo Khổng.

Jiming và các người bạn trí thức đồng chí của ông (họ buộc phải giấu tên) không có ảo tưởng về ảnh hưởng của họ đối với đất nước Trung Quốc ngày nay. Họ thừa nhận rằng người sẽ lật đổ Đảng không phải là những nhà lý luận mà là một cuộc nổi dậy của những Bouazizis Trung Quốc. Giờ đây họ cho rằng đối đầu trực tiếp với Đảng sẽ chỉ dẫn đến nhà tù bởi vì Đảng quá mạnh về mặt vật chất. Những tuyên ngôn chính trị, chẳng hạn như một tuyên ngôn do Lưu Hiểu Ba phát đi từ trong nhà tù, giờ đây đang bắt đầu lỗi thời. Tuyên ngôn là cái thuộc về thế giới tranh đấu chính trị cũ trước đây. Giờ đây giới trí thức đã bắt đầu tin rằng ngày nay sự thay đổi thật sự sẽ bắt nguồn từ bất ổn xã hội chứ không phải từ những tuyên bố mang tính tư tưởng hệ. Điều này có nghĩa là nhiệm vụ chính của các nhà hoạt động Trung Quốc giờ đây là chuyển tải tin tức về những cuộc nổi dậy ở các địa phương – chúng xảy ra hầu như mỗi ngày ở bất cứ nơi đâu trên cái đất nước rộng lớn và không lúc nào yên ổn này – như thế thì mới có hi vọng rằng việc phổ biến những hình ảnh và thông tin thông qua Internet sẽ tạo ra những mối liên kết giữa các nhà bất đồng chính kiến ở các địa phương và cuối cùng họ hội tụ lại thành một phong trào toàn quốc.

Giờ đây giới trí thức tin rằng vai trò của họ chỉ bắt đầu sau khi phong trào nói trên nổ ra: vai trò của họ là chuẩn bị những thể chế của xã hội dân chủ sẽ thay thế, xây dựng công thức cho một liên minh của các tỉnh trong đất nước và xây dựng các thể chế dân chủ để điều hành các tỉnh, để cho dân chủ – chứ không phải sự hỗn loạn hoặc một kiểu chuyên chế khác – có thể thay thế chế độ độc tài.  Các nhà dân chủ Trung Quốc hiểu rằng thế giới Ả Rập do chỗ nó không tự chuẩn bị cho một sự chuyển tiếp như vậy nên họ có thể chuyển từ một nền chuyên chế này sang một nền chuyên chế khác. Các nhà dân chủ Trung Quốc học phương pháp của các nhà lý luận Phương tây – của châu Âu và Mỹ: làm thế nào để xây dựng một nền dân chủ trong khi tránh được sự hỗn loạn mà cuộc cách mạng thường gây ra? Họ tin rằng nhân dân Trung Quốc hiểu rất rõ dân chủ là gì. Nhưng bởi vì các cuộc nổi dậy của thế giới Ả Rập đang chứng tỏ là mọi chuyện sao mà quá đơn giản, cho nên con đường từ cuộc cách mạng đến nền dân chủ hoàn toàn không phải là thênh thang.

Guy Sorman là cộng tác viên biên tập của City Journal. Ông còn viết sách và là tác giả của cuốn Đế chế của những dối trá: Sự thật về Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Người dịch: Phạm Anh Tuấn

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

http://anhbasam.wordpress.com/2011/04/13/462-trung-qu%E1%BB%91c-dang-s%E1%BB%A3-hai/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét