Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Trương Duy Nhất – “Một góc nhìn khác”, hay là cái nhìn tinh tướng và bất lương?


Sau chuyện ồn ào, ngông nghênh, thổi tù và, rung cheng om sòm, gom tất cả những ai có thái độ thiếu văn hoá trên các diễn đàn mạng, Trương Duy Nhất kết luận như đinh đóng cột rằng, những người ấy thuộc “làn gió dân chủ”, là quần chúng “của các nhà dân chủ” nhằm thoá mạ những con người chân chính đã và đang hoạt động cho dân chủ và nhân quyền.

Cùng đăng trên tờ báo điện tử “Dân Luận” bài viết của ông Trương “Ngô Bảo Châu và sự sợ hãi” với nội dung ác ý trên là bài của tôi “Cù Huy Hà Vũ, Ngô Bảo Châu, một phương trình, hai nghiệm số”. Trong bài của mình, tôi đưa ra một vài phân tích về sự chụp mũ, vu khống thiếu cơ sở, nếu không nói là hồ đồ. Đồng thời tôi cũng đặt ra những câu hỏi và đề nghị ông Trương Duy Nhất trả lời.

Đã không trả lời cho công luận, ông ta tiếp tục khoe khoang có đến mấy ngàn comments dưới một bài khác “Cơn phẫn nộ mang tên: dân chủ”, cũng với luận điệu như cũ. Tôi đã viết comment trên trang Facebook của ông Trương dưới bài này nhưng đã bị xoá đi sau đó.

Trương Duy Nhất hung hăng chơi trò chụp mũ nhưng ông ta đang đội cái nón bảo hiểm của ai, ăn trái của cây nào và rào cho cây nào, dân làng báo trong nước không lạ lẫm gì!

An ninh mạng đã từng có thành tích đánh sập hơn 300 trang web, trong đó có cả blog của tôi trên WordPress. Nhiều nguồn tin đã xác định rằng, tin tặc có nguồn xuất phát từ Việt Nam cũng đã liên tiếp dùng phương pháp DDoS, cùng một lúc sử dụng hàng trăm ngàn computers đánh nghẹt các mạng như Bauxite Việt Nam, Talawas, Dân Luận, Dân Làm Báo, X-Caphe, Đàn Chim Việt, v.v… Vậy thì có khó gì khi họ tung lên trang của ông Trương Duy Nhất vài ngàn, thậm chí vài vạn cmts nếu thích, rồi mặc sức đổ thừa rằng những comments đểu ấy là “của các nhà dân chủ”?

Mà cho dù các comments chửi bới ấy không phải của an ninh đi nữa, trên cơ sở nào mà ông Trương lại cho ra kết luận chúng thuộc quần chúng “của các nhà dân chủ”, “khoác áo dân chủ”? Nhà dân chủ nào? Ai khoác áo? Tại sao không nghĩ đơn giản họ chỉ là những người thích chửi ông Trương, khoái chửi ông Trương cho bõ ghét, chứ chẳng phải dân chủ hay dân tớ gì ở đây ráo trọi!

Đấy là tôi chưa nói tới việc gạt tất tần tật những khuôn mặt ảo, không thể xác định họ đích thực là ai trên không gian điện tử, để phỉ báng, thoá mạ phong trào dân chủ, là hành động vô liêm sỉ của một người mang danh nhà báo!

Trên trang Bauxite Việt Nam trong ngày 16 tháng 4 năm 2011 đăng bài “Không lợi dụng thần tượng” của tác giả Phạm Anh Tuấn (tôi biết tác giả này). Tuy nội dung ngắn, nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc, bài viết một lần nữa vạch mặt những kẻ cơ hội, “tinh tướng” “dạy đời”.

Tác giả Phạm Anh Tuấn không nói rõ người mình nhắm vào là ai cụ thể, nhưng tôi cho rằng còn ai khác ngoài ông có tên Nhất, họ Trương, đệm là Duy – Một góc nhìn khác, tức là góc nhìn tinh tướng và bất lương!

Xin trích:

Sự ồn ào dấy lên quanh một phát biểu hoặc có thể là mọi phát biểu của GS Ngô Bảo Châu cũng là điều dễ hiểu. Nó xuất phát từ hình ảnh của mỗi người về một thần tượng. Nhưng khi sự ồn ào bắt đầu lắng dần thì người ta lại bắt đầu thấy lấp ló một vài bàn tay cơ hội chủ nghĩa muốn khều khều vài thứ ra để chụp mũ và biến sự ồn ào vô hại đó thành một thứ phong trào “dân chủ”, hoặc một thứ hoa lài mà theo họ là chóng tàn quá nên hóa thành “hoa cứt lợn” (để chê hay để lấy lòng ai?), và cả những đầu óc ảo tưởng trong đó có cái tổ chức rất lớn ở nước ngoài đang ảo tưởng về một blogger được họ xếp là “blogger chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam”.

Song, những người cơ hội chủ nghĩa mới thực sự là nguy hiểm. Họ là những người chọc ngang-phá ngang, chả biết cái gì đến đầu đến đũa cả. Họ là những người đã có một chỗ xong xuôi cho riêng mình ở đâu đó rồi và bây giờ được thấy là đang đi lại nghênh ngang – họ gọi đấy là “tự do”. Họ đã thu hoạch xong lúa vụ mùa chính vụ rồi và bây giờ rủng rỉnh rảnh rang đứng đằng xa quan sát những con người đang chịu thất bát ngay cả vụ hoa màu – họ gọi đấy là “khách quan”. Họ chưa bao giờ khổ cả, chứ đừng nói là đau khổ thực sự vì điều gì vượt ra ngoài cuộc sống bản thân họ”.

Không ai có thể tinh tướng, có thể dạy đời cho cuộc sống. Nhà văn cựu chiến binh Mỹ Larry Heinemann suýt bỏ mạng ở chiến trường Việt Nam có lần đã dùng Moby-Dick để dạy tôi “mày đừng tưởng mày tóm được cuộc sống, cuộc sống nó tóm mày đấy” (life hold thou, not thou it). Tại vì có một điều chắc chắn là không ai có thể giả vờ sống. Với ai đó có thể chạy trốn được trong cuộc sống ngoài đời thực, chẳng hạn, ngồi trên chiếc Camri tiền tỉ rong ruổi ngang dọc đất nước lúc ghé Hà Nội nghỉ đêm tại Sofitel Métropole de Hanoi đêm xuống buồn buồn gọi một chai Ballantine nhẹ nhàng, nhưng làm gì có chỗ núp mãi mãi cho bất cứ ai dù là trong cuộc sống ảo trên mạng Internet”.

Giờ thì tôi và chúng ta thấm hiểu thêm tại sao cái nhà ông có họ Trương tên Nhất lại hỉ hả “bỏ báo viết Blog”!■

Ngày 18 tháng 4 năm 2011

© 2010 Lê Diễn Đức  – RFA Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét