Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Tuyên chiến với pháp quyền?

Tôi không thể tin vào mắt mình khi đọc những bài tường thuật nhanh vụ xử luật gia Cù Huy Hà Vũ với bản án đã được sắp sẵn rất nặng dành cho anh: 7 năm tù giam + 3 năm quản chế.

Vì đây là vụ án chính trị chưa từng có trong chế độ do Đảng Cộng sản cầm quyền, xét về nhiều mặt:

- xét xử một người xuất thân từ gia đình cách mạng lớn, nổi tiếng cả về chính trị lẫn văn hóa.

- xét xử một trí thức nổi tiếng trong nước và quốc tế về những việc làm công khai đấu tranh cho sự thực thi pháp quyền, dân quyền.

- xét xử một con người hành động và phát ngôn hoàn toàn trên tư cách cá nhân, không tham gia hay liên quan đến bất kỳ tổ chức, phe nhóm nào kể cả trong lẫn ngoài nước.

- xét xử một nhân vật được sự ủng hộ chưa từng thấy của công luận và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, trong đó có rất nhiều vị cách mạng lão thành từng giữ cương vị cao trong Đảng và Nhà nước.

- phiên tòa được sự quan tâm theo dõi của đông đảo người dân và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

- phiên tòa diễn ra trong bối cảnh cao trào dân chủ đã biến thành những cuộc cách mạng ở Bắc Phi, lật đổ không ít nhà độc tài tưởng như không thể lay chuyển, truyền cảm hứng mãnh liệt cho người dân trong những chế độ độc tài, toàn trị khắp thế giới.

Vậy mà vụ án này đã được thực thi một cách khinh suất, bừa bãi, bất chấp thủ tục tố tụng từ đầu đến cuối, khiến tất cả những ai có lương tri đều phẫn nộ, biến việc bảo vệ pháp luật thành trò hề trong tay một nhóm người có quyền lực.

Như trước khi xét xử:

- đã dàn dựng việc bắt giữ trái pháp luật, với tang chứng nhơ nhuốc sẽ đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam là “hai bao cao su đã qua sử dụng”

- đã công bố tội trạng một cách võ đoán trước khi có sự kết luận của tòa án.

Đặc biệt nghiêm trọng là trong phiên tòa:

- đã công nhiên thô bạo ngăn cấm người dân tham dự hoặc theo dõi phiên tòa trước cổng tòa án.

- đã không chịu đáp ứng đòi hỏi hợp pháp của các Luật sư bào chữa là công bố những bằng chứng buộc tội thân chủ của họ, rồi vì chuyện đó mà đuổi 1 Luật sư ra khỏi tòa, và dẫn đến việc 4 luật sư còn lại từ chối tham dự, kết quả là phiên tòa chính trị chưa từng có trên thế giới không có Luật sư bào chữa.

Làm sao hiểu nổi những việc làm như thế, rất nguy hiểm cho một nền pháp trị, dù là pháp trị “xã hội chủ nghĩa”, do chính những người có trách nhiệm điều hành nền pháp trị ấy cố ý gây ra?

Lẽ nào ta phải kết luận: qua vụ án này, có những quyền lực muốn phát tín hiệu tuyên chiến với pháp quyền?

H. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

http://boxitvn.blogspot.com/2011/04/tuyen-chien-voi-phap-quyen.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét