Có hốt phân thì mới là “hồng” cả “chuyên” nữa chứ và phải làm sao cho tụi trí thức “thấy sung sướng rằng mình không còn là trí thức nữa”, thì cách mạng mới thành công (A Peyrefitte trích dẫn).
Mao cho in không biết bao nhiêu triệu bản (có sách nói là 740 triệu, không tiền trong lịch sử nhân loại) một tập Sách đỏ truyền bá tư tưởng của ông.
Ông cho rằng bước nhảy vọt và công xã nhân dân của ông thất bại. Ông chịu nhận là thất bại rồi, chịu nhận rằng những thống kê của cán bộ công xã là láo toét vì được sống mấy năm trong hoà bình, cán bộ hủ hoá, mất tinh thần cách mạng năm 1935 (vụ Trường hành), thành một bọn công chức tiểu tư sản, sợ khó nhọc, biếng nhác… vậy phải làm lại cách mạng, đưa hết những bọn cán bộ, trí thức, học sinh ở thành thị về nông thôn sống với dân quê, vào trong các nhà máy sống với các thợ thuyền, lao động cực khổ, để cho tinh thần cách mạng của họ phục hồi lại. Họ phải có tinh thần chịu nghèo, thích nghèo, thích làm các công việc tay chân, không thèm dùng máy móc của bọn tư sản không chuyên môn hoá, luôn luôn chống bọn thư lại, tiểu tư sản. Như vậy là thay đổi lại cả một nền văn hoá, cho nó thành thứ văn hoá bần cùng, vô sản, lao động. Mao dùng từ “văn hoá” theo nghĩa ấy.
Cứ khoảng 10 năm lại phải làm lại cuộc cách mạng văn hoá đó, cho tới trăm năm, ngàn năm, nếu ngưng lâu thì con người lại hủ hoá, tư sản hoá, lại có giai cấp đấu tranh nữa. Vậy cách mạng văn hoá đó có phải là thường trực tuyệt đối.
Từ khi có loài người tới nay, chưa ai có ý nghĩ làm một cuộc cách mạng như vậy. Thay đổi hẳn 600 triệu người, bắt họ thụt lùi lại, sống thời trung cổ hay thượng cổ nữa.
Cuốn Sách đỏ (tuyển tập) của Mao chỉ lớn bằng bàn tay, có thể bỏ túi được. Bọn Hồng vệ binh nhiều kẻ chỉ mới 15-16 tuổi phải học thuộc tập đó, rồi đi khắp nơi, tới cả các hang cùng ngõ hẻm, truyền bá tư tưởng của Mao, triệt hạ kẻ nào dám chống đối.
Ngày 18.8.1966, mấy trăm ngàn Hồng vệ binh tập hợp nhau tại Thiên An Môn (Bắc Kinh) để tỏ lòng trung thành với Mao rồi chia nhau thành đoàn đi khắp tỉnh, vênh váo ra lệnh cho người lớn, dạy bảo hạng người bằng tuổi cha ông chúng. Chúng thấy sách là đốt vì sách nào cũng lạc hậu, nếu không phải là phản động, đồi truỵ. Mới 4-5 giờ sáng, chúng đã cho máy khuyếch thanh chạy oang oang, nhồi vào tai thiên hạ tư tưởng của Mao.
Các tiệm sách phải đóng cửa hết. Trong 6 năm liền không in tập sách nào cả, trừ tập Sách đỏ của Mao và ít cuốn về kỹ thuật. Đúng là chính sách Tần Thuỷ Hoàng thời xưa. Muốn kiếm một bộ Tam Quốc hay Thuỷ Hử cũng không có. Trong các thư viện, người đọc sách chỉ được mượn những tác phẩm ngoại quốc đã được lựa chọn kỹ: Balzac, Zickens, Zola “những tác giả chứng nhân của thời đại mục nát, tan rã của giai cấp tiểu tư sản”. Gorki và MaiaKoski đứng hàng đầu vì họ ca tụng vô sản.
Người ta duyệt lại các giá trị văn hoá cũ của nhân loại: Shakespeare, Mozart, Bethoveen, Bach bị đả kích; ngay Tolstoi, Hugo trước kia được coi là tiến bộ nay cũng bị mạt sát.
Sáu năm sau (1972) mới bắt đầu cho in lại truyện như Hồng Lâu Mộng, Tam quốc diễn nghĩa, Ba trăm bài Đường thi… và bản dịch những cuốn L’esprit des lois của Monstquieu, Histoire de la guerre de Péloponèse của Thucydide, La critique de la raison pure của Kant. Tức thì thiên hạ đổ xô lại mua còn những tiệm bán sách của Mao, Marx, Lenine thì vắng teo (Alam Peyrefitte – Quand la Chine s’éveillera – tr.121)
Các đền đài, viện bảo tàng đóng cửa hết, có nơi dùng làm kho chứa rác, làm trại lính. Bảo vật, nhất là các tượng bị phá huỷ.
Dân chúng có đồ cổ, tranh cổ cũng phải dấu cất đi; bọn vệ binh lau nhau có thể vào đập phá. Những tàn tích của thời phong kiến lạc hậu đó, ai còn giữ thì là phản động. Phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới mẻ. Về sau bị báo chí phương Tây chê là không biết trọng di sản văn hoá của dân tộc Mao mới sửa sai, cho khai quật một lăng tẩm của vua chúa đời Minh, được rất nhiều cổ vật đem qua Tây Âu triển lãm để thế giới thấy rằng Mao không vong bản. Lúc đó, Mao cần lấy lòng của Tây phương để được vô Liên Hiệp quốc (1971)
Đồng thời với công việc phá huỷ đó, Mao bắt thị dân phải về nông thôn, sống vời nông dân, làm việc với nông dân. Thật là một phong trào di cư vĩ đại. Ở Thiên Tân, hơn 40.000 học sinh trung học và trên 10.000 sinh viên đại học về nông thôn. Nhưng tỉnh Giang Tây mới đáng làm kiểu mẫu: trên 720.000 người (130.000 cán bộ, giáo viên, y sĩ) về nông thôn chia làm 12.000 đội sản xuất như nông dân. Các nhân viên hành chánh giảm xuống chỉ còn 1/5, còn 4/5 về nông thôn. Chỉ khổ cho các công xã nhân dân phải nuôi họ, kiếm chỗ ở, việc làm cho họ.
Các nhà bác học may mắn hơn còn được tiếp tục khảo cứu, nhưng không được ở thị trấn, gần thư viện, trong các “la bô” (phòng thí nghiệm) nữa, cũng phải về đồng ruộng hoặc vào các xưởng xem nông dân, thợ thuyền cần gì thì cũng phải tìm tòi cùng họ về cái đó.
Giáo sư đại học phải đi hốt phân, đổ vào một xe “bù ệt” (xe một bánh) đẩy đi. Quách Mạt Nhược bảo: “văn minh phát từ phân mà ra, từ khi bọn du mục biết rằng phân cừu, phân ngựa của họ chôn xuống đất làm cho cây cỏ tốt tươi”. Họ Quách bác học và thông minh thật.
Các giáo sư chở phân ra ruộng, đổ phân xuống ruộng, rồi dùng hai bàn tay nhồi đất cho thật đều, thật nhuyễn, để có sự hoà hợp mật thiết giữa đất và phân thì kết quả mới tốt. Có nơi còn tổ chức một cuộc tiếp đón linh đình, đủ kèn, trống, cờ, biểu ngữ (không hiểu có múa lân không) để đón một ngàn xe “bù ệt” phân tới.
Có hốt phân thì mới là “hồng” cả “chuyên” nữa chứ và phải làm sao cho tụi trí thức “thấy sung sướng rằng mình không còn là trí thức nữa”, thì cách mạng mới thành công (A Peyrefitte trích dẫn).
Chính Chu Ân Lai làm gương. Tôi đã thấy một tấm hình, không nhớ ở sách báo nào chụp Chu đẩy một chiếc xe bò chở đồ. Mặt ông bình tĩnh nhưng không tươi cười như khi ông tiếp khách ngoại quốc. Đúng là truyền thống từ đời Chu: thời xưa, đầu năm thiên tử ra ruộng, cày một luống để mở đầu công việc đồng áng cho dân; bây giờ đại thần (Chu) thay thiên tử (Mao); chỉ khác có thế thôi.
Mục đích của Mao là nghiền các giai cấp, trộn lộn làm một chỉ còn một thôi. Công việc của nông dân, thợ làm cũng được, và ngược lại công việc của giáo sư, y sỹ, bác học,… nông dân và thợ làm thay cũng được và ngược lại, công việc hốt phân, cày ruộng, đập sắt, xây nhà,… nhà trí thức nào làm cũng được. Cũng là truyền thống nữa. Khổng Tử chẳng bảo từ 2.500 năm trước rằng “sỹ khả bách vi” (kẻ sỹ tức hạng trí thức có thể làm được mọi việc) đấy ư? Nhưng chính Khổng Tử lại đáp Phàn Trì, môn đệ của ông muốn xin ông chỉ cho nghề nông “Ta không bằng một lão nông”, vậy là ông trọng sự chuyên môn, còn Mao thì muốn diệt cả sự chuyên nghiệp.
Các trường đại học đóng cửa luôn 4 năm từ năm 1966 đến 1970, khi mở cửa trở lại thì rút từ 4 năm xuống còn 2-3 năm. Muốn được tuyển vào thì phải giỏi về ý thức hệ, phải thuộc và biết áp dụng tư tưởng của Mao, phải biết sống chung với dân chúng, phải có tinh thần phục vụ giai cấp vô sản.
Học hết trung học (trước 6-7 năm nay rút xuống còn 4-5 năm), phải thực tập trung bình 3 năm hoặc trong xưởng hoặc ngoài đồng ruộng. Con nông dân, thợ thuyền, binh lính thì không buộc có bằng cấp gì cả.
Như vậy mới đúng với lập trường giai cấp.
Chương trình học thay đổi hẳn: nhiều môn bỏ hoặc giảm (như sử học, văn học); có mấy môn thêm như canh nông (lý thuyết và thực hành) văn hoá cách mạng… mà sinh viên ngành nào cũng phải học. Về canh nông dĩ nhiên người ta đưa nông dân lên làm giáo sư; khổ cho họ (nông dân) chứ họ không cho đó là một vinh dự.
Hậu quả là sau cuộc cách mạng tôn giáo bị dẹp, các chùa chiền, giáo đường Hồi và Ki tô phải đóng cửa, báo chí bị rút giấy phép; các rạp hát trong toàn quốc chỉ còn diễn đi diễn lại 6-7 vở tuồng (trên tổng số là 50.000 vở) mà vở Bạch Mao nữ (trang ở sau) được diễn nhiều nhất và quay phim. Vô số trí thức thất nghiệp bỏ nghề, họ không được đào tạo thêm; 5-6 năm sau, khi tình trạng bình thường trở lại Trung Hoa thiếu kỹ thuật gia một cách trầm trọng. Có tỉnh lớn bằng nửa nước ta mà trong số lãnh đạo không kiếm ra được 10 cán bộ có bằng cấp đại học; một nửa số cán bộ không hiểu nổi tài liệu của Đảng. Bộ Chính trị, Uỷ ban Trung ương Đảng không ai có bằng cấp cao. Trên số 11.3 triệu cán bộ thì 7 trịêu bị đàn áp, non 2 triệu xử tử, nên phải tuyển thêm 20 triệu Đảng viên.
Một số nhà văn bị nhục, phải xử tử như Lão Xá, hoặc phải trốn ra nước ngoài, còn đa số phải tự phê như Quách Mạt Nhược. Quách năm đó đã 70 tuổi, tuyên bố: “theo các tiêu chuẩn hiện nay, những gì tôi viết ra trước đây không có giá trị gì cả và đáng đem đốt hết…” Nhờ nghiên cứu các tác phẩm của Mao chủ tịch, thợ thuyền, nông dân và binh sỹ viết hay hơn tôi” (nhưng trước sau tôi có thấy tác phẩm nào của ba giai cấp đó đâu).
Có lẽ Quách hơi ức nên dùng mấy tiếng hạn chế: “theo các tiêu chuẩn hiện nay”, và bọn binh đỏ hiểu ý tại ngôn ngoại của “quân chủ bại”, là “tên văn sỹ phản động con đẻ của gia đình phong kiến. Quách là Viện trưởng Viện khoa học nổi tiếng khắp thế giới mà còn bị như vậy thì Đinh Linh, Mao Thuần đâu được tha. Ngay Chu Dương, người từ trước vẫn là phát ngôn viên của Đảng về văn hoá mà cũng bị kết tội là mê say văn nghệ tư sản thế kỷ XIX, là phản cách mạng, đề cao Kroutchev là “cáo già, chó sói, rắn độc” (theo K.S.Karol trong La Chine de Mao – Robert Laffont – 1996)
Báo chí Trung Quốc gần đây bảo cuộc cách mạng đó đã giết chế 20 triệu người, không biết nhà cầm quyền (Đặng Tiểu Bình và bộ hạ) có phóng đại để kết tội bọn tay sai của Mao, tức bốn tên Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt (thư ký của Mao), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên (nên kể thêm Giang Thanh, vợ Mao nữa), tức bốn hung thần trong cuộc cách mạng văn hoá không.
Một nhà báo của Tây phương ví Mao với Tần Thuỷ Hoàng: Mao đáp: “Tần Thuỷ Hoàng chỉ giết có 460 kẻ sỹ. Còn tôi, tôi đã giết 46.000 trí thức, tôi hơn Thuỷ Hoàng cả trăm lần chứ!”.
Ngày nay Mao đã chết, chính sách của Mao đã bãi bỏ, nhưng dù ghét Mao thì cũng chưa ai dám đập thần tượng Mao.
Rốt cuộc Mao chỉ muốn tố cáo, hại những kẻ thù của ông: Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình,… nhất là Lưu, kẻ đã chiếm ngôi Chủ tịch hội đồng Nhà nước của ông, nên phải tìm ra một lý thuyết mới: cách mạng thường trực, mớm cho bọn con nít là Vệ binh đỏ để chúng mạt sát, trừng trị bọn tay sai hoặc có cảm tình với Lưu ở các tỉnh, nhưng tuổi trẻ hăng quá, chỉ trong một tháng, chỉ trong 1 tháng, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 1966, chúng tố cáo lung tung, kết tội gần hết các nhà cầm quyền địa phương và bọn này phải phản ứng, cũng tổ chức Hồng Vệ binh địa phương để tiêu diệt Hồng vệ binh Trung ương, sinh ra loạn khắp nước, nhất là ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, hai bên đâm chém nhau. Các nhà cầm quyền địa phương lại thừa dịp tách riêng ra, không chịu nhận mệnh lệnh trung ương nữa, muốn tự trị. Bắc Kinh phải vội vàng nắm lại bọn Hồng vệ binh, dùng quân nhân dạy bảo chúng, bắt chúng vào kỷ luật.
Chu Ân Lai cũng cảnh cáo chúng là chúng chỉ có nghĩa vụ lật đổ những kẻ chính phủ chỉ cho chứ không phải là lật đổ chế độ.
Riêng thị trấn Thiên Tân, người ta đưa hàng vạn Hồng vệ binh về ruộng để được cải tạo, để được bần nông dạy dỗ cho. Đến phiên chúng phải gánh phân, nhồi phân, trồng cải bẹ (món ăn chính của bình dân Trung Hoa cũng như rau muống ở Bắc Việt). Thế là hết nạn Hồng vệ binh.
Nhưng chúng ta nên công bằng: cách mạng văn hoá ở Trung Hoa có điểm đáng khen là nghiên cứu y học cổ truyền, nhất là khoa học châm cứu, thực hiện cải thiện phương pháp, thực hiện được nhiều tiến bộ, làm được một số giải phẫu mà khỏi phải dùng thuốc mê, thuốc tê được người phương Tây khen và hiện nay môn đó bắt đầu được phát triển ở vài nước như Pháp, Việt Nam…
Tháng 10/1968, trong một cuộc họp của Uỷ ban Trung ương Đảng, Mao làm chủ tịch, người ta thừa nhận chính sách của Mao từ 1966 về cuộc cách mạng văn hoá và toàn thể đồng lòng đuổi vĩnh viễn tên “phản động” Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi đảng, tước hết các chức vụ của Lưu ở trong và ngoài đảng, bỏ tù Lưu và sau Lưu chết thê thảm ở trong ngục vì bị hành hạ tàn nhẫn, vợ con không hay gì cả.
Qua vài năm sau đến phiên của Đặng Tiểu Bình. Người ta dẫn ra những lỗi của Đặng trước kia, chẳng hạn Đặng bảo: “Chủ tịch Mao tuyên bố năm 1962 rằng tình trạng kinh tế tốt đẹp; không nó xấu chứ không tốt đẹp” – “dân chúng thiếu ăn, thiếu mặc, chúng ta tự tin quá, lừa gạt nhân dân quá” – “một số đông nông dân đòi chia đất lại cho họ; họ không tin chính sách kinh tế tập thể” – “cá nhân hay tập thể điều đó không quan trọng, quan trọng là tăng sự sản xuất thực phẩm; mèo trắng hay mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo ấy tốt” – “đa số các nhà tư sản Trung Hoa đều tay trắng làm nên nhờ nghị lực và tài năng của họ; lại Thượng Hải mà xem họ tổ chức xí nghiệp trung bình và nhỏ của họ ra sao” – “đối với bọn trí thức tiểu tư sản… thì lúc này ta cần tới họ, mặc dầu họ càu nhàu đi nữa, miễn là họ biết dạy, điều này mới là quan trọng”. Chủ trương đó của Đặng hợp với đường lối của Lénine, Lénine khuyên phải học bọn tư bản và trí thức, ít nhất là trong buổi đầu. Vì vậy mà buổi trước Đặng không bị “chỉnh”, bây giờ Đặng bị trục xuất, sở dĩ không bị hại như Lưu vì Đặng không có ý tranh quyền với Mao.
Sau cùng đến phiên Lâm Bưu, Lâm là bạn chiến đấu chí thiết của Mao, trung thành với Mao, theo triệt để đường lối của Mao, được Mao chọn làm người kế vị của mình. Vậy mà bỗng nhiên năm 1971 Lâm mất tích. Báo chí đưa ra tin Lâm cùng tám bộ hạ lên máy bay trốn qua Nga, chiếc đó bị nạn (đâm vào núi?!) ở Mông Cổ, tan xác hết…. Mọi người nghi ngờ tin đó, Lâm cùng hoà một khúc với Mao, mạt sát chính sách “xét lại” của Nga thì qua Nga làm gì? Người ta ngờ rằng Lâm đã bị Mao thủ tiêu vì Mao căm Lâm muốn hất mình khi đã nắm được quân đội miền Bắc thời Mao thất thế. Cũng chỉ là phỏng đoán vậy thôi. Việc đó hoàn toàn bí mật. Mãi năm sau mới có tin chính thức rằng Lâm bị trục xuất, thế thôi. Bị giam ở đâu hay bị giết rồi, không biết .
Nguồn: Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CÁCH MẠNG VĂN HÓA Ở TRUNG QUỐC
17 tháng Giêng 1967 nhiếp ảnh gia Li Zhensheng tại Harbin đã chụp nhóm hồng vệ binh, những người đã tổ chức tòa án tự quyền xét xử đối với hai cán bộ giảng dạy đại học công nghiệp. Các giáo viên, về phía mình, từng là thủ lĩnh của nhóm “hồng vệ binh” địa phương.
29 tháng tám 1966, cũng Harbin. Li Sya – vợ của một cán bộ đảng địa phương bị hồng vệ binh đánh đập và dẫn ra “tòa án cách mạng”.
“Hồng vệ binh đã “chỉ trích” (tức là hạ nhục và hành hạ về thể xác, như một nguyên tắc, công khai ” những người bị chính quyền trù úm và đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, “những kẻ xét lại đen”, “những kẻ thù của Chủ tịch Mao”, các giáo sư và những nhà tri thức, tiêu diệt những giá trị văn hóa trong chiến dịch “Đập ta bốn tàn tích”.
Chúng đã thực hiện phê phán hàng loạt với sự trợ giúp của daszybao. Hồng vệ binh có thể chặn bất cứ người nào trên đường phố và bắt phải trình Mao tuyển hoặc phải trích dẫn một câu nào đó của cuốn sách đó theo trí nhớ.
Trước năm 1967 chủ yếu họ điều chuyển về các vùng nông thôn Trung Quốc trong quá trình chiến dịch “Hãy lên núi và về nông thôn”.
Theo
http://drugoi.livejournal.com/3053918.html
kinh tởm, đúng là một thứ chủ nghĩa quái thai, phản nhân loại !
Trả lờiXóaói hàng !
Trả lờiXóaĐọc nhức đầu quá!
Trả lờiXóaLâu lâu cũng phải nhìn lại để rõ mặt bọn Tàu, đến người dân của chúng nó cũng không đáng là giẻ rách huống hồ...
Trả lờiXóa