Uyên Vũ (danlambao) - Tôi dám chắc rằng, với những người quan tâm đến vận mạng và tình hình đất nước thì những hình ảnh về cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 24/07/2011 vừa qua đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp. Vâng, ngay giữa trái tim của thủ đô Hà Nội, hàng hàng lớp lớp người Việt, từ những mái đầu bạc phơ cho đến trẻ thơ lẫm chẫm, từ trí thức nổi danh cho đến các bà nội trợ, từ nghệ sĩ đường phố đến cô sinh viên… hợp lại thành đoàn tuần hành quanh Hồ Gươm, họ đang biểu thị tình cảm nồng nàn dành cho đất nước, quê hương…
Tất cả đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về tình yêu nước, về sự gắn bó, hòa hợp dân tộc. Không thấy dùi cui, lá chắn, không cả những khuôn mặt lầm lì đeo băng đỏ lôi người sềnh sệch, không thêm cú đạp nào vào mặt nhân dân. Dù cho lực lượng công an có phạm luật giao thông khi đi ngược chiều, nhưng có lẽ họ chỉ bất đắc dĩ mới phạm luật, chung quy chỉ để giữ trật tự công cộng (!). Vâng, dù có đôi chút tiểu tiết chưa đẹp lắm, như việc TS Nguyễn Quang A còn bị rầy rà khi tham gia tuần hành, dù ít người còn vô ý đạp lên cỏ xanh… Cuộc tuần hành đã để lại dư âm hết sức tốt lành cả cho người trực tiếp tham gia lẫn đông đảo người dân Việt khắp ba miền chỉ được xem hàng ngàn bức ảnh, hàng chục video clip qua internet.
Có hai hình ảnh đẹp nhất đọng lại trong tôi.
Thứ nhất là danh sách những chiến sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 và tại Trường Sa năm 1988 đã được công khai vinh danh. Với các chiến sĩ QĐNDVN hy sinh bảo vệ Trường Sa năm 1988 còn dễ hiểu vì ngày 27 tháng 7 hàng năm luôn được nhắc nhớ đến họ. Riêng 74 chiến sĩ VNCH hy sinh năm 1974 thì quả thật, từ bây giờ họ đã được nhân dân yêu nước ghi ơn ngay giữa lòng Hà Nội. Những bảng tên chiến sĩ với ngày tháng hy sinh tại Hoàng Sa được mỗi người cầm trên tay, trang trọng giương cao là minh chứng cho sự hòa hợp dân tộc trong một tình yêu tổ quốc mãnh liệt. Có thể nói, ý tưởng này đã đi một bước tuyệt vời, không cần nghị định, nghị quyết và đã bước trước chính quyền một bước. Dân ta là thế đấy.
Thứ hai là hình ảnh một phụ nữ và một cô gái mặc áo dài cầm băng rôn vinh danh các liệt sĩ, đi đầu đoàn biểu tình và luôn hô vang lời yêu nước. Nếu người phụ nữ với chiếc áo dài rất đẹp, trông như một nữ tướng, thì cô gái mảnh mai với chiếc áo dài trắng học trò, guốc mộc đơn sơ lại là hình ảnh trong sáng, thuần khiết đầy nữ tính. Tôi dám chắc nhiều người đã lưu lại hình ảnh tuyệt đẹp của cô gái này, nhìn dáng vẻ vừa dịu dàng, vừa quả cảm, đầu ngẩng cao trong ánh nắng ban trưa, cô đã thành “hoa hậu” không cần vương miện trong lòng biết bao người. Đến khi biết cô gái chính là Trịnh Kim Tiến, chắc hẳn nhiều người còn sửng sốt, bỡ ngỡ hơn nữa.
Vài tháng trước, Trịnh Kim Tiến là cô gái mắt đẫm lệ, quỳ trước cửa nhà kêu gào công lý cho cái chết oan khiên, tức tưởi của cha mình. Lúc ấy cô nhỏ nhoi, bi thương. Hôm nay nét mặt cô rạng ngời bừng sáng, dù công lý đối với gia đình cô vẫn mịt mờ. Như tiếp nối một truyền thống lâu đời, cô đã “dẹp thù nhà để trả nợ nước”, cũng có người nói cô ấy đã “biến đau thương thành hành động”. Vâng, khí phách ấy dễ mấy ai có được? Chẳng phải suốt chiều dài lịch sử đất nước những anh hùng hào kiệt, những liệt nữ anh thư đều đã đặt nợ nước trên thù nhà và biết biến đau thương thành hành động đó sao? Trịnh Kim Tiến đang nối bước tiền nhân để ghi vào lòng người một nét son hào hùng. Tôi cũng dám chắc nhiều nhà báo của nhiều tờ báo khắp Việt Nam đang tự xấu hổ vì chỉ biết khai thác đời tư nhăng nhít, chỉ biết “chộp lén” những giây phút hớ hênh của các “sao” Việt làm cần câu cơm!
Hôm nay đọc được một bài viết của cô về ”Những đứa trẻ không có ngày mai” trên Facebook cá nhân, Kim Tiến chia sẻ: “Tôi chưa hề nghĩ rằng tôi - một con bé nghịch ngơm, nhí nhảnh, chỉ biết la cà, đùa giỡn giờ lại trở thành một điều gì đó. Hình tượng người con gái xuống đường thể hiện lòng yêu nước, thật lòng là có choáng ngợp trong ánh hào quang, pha vào đó là chút gì đó áp lực, chút nặng nề, và một chút sợ hãi…”.
Nhưng cô cũng mau chóng vượt qua để quan tâm về những mảnh đời bất hạnh bằng những hành động thiết thực: xin mọi người cùng chung tay lo cho những đứa trẻ trong gia đình chị Nguyễn Thị Liễu ở Chương Mỹ, Hà Tây. Chị Liễu “ cùng 1 số các công nhân khác của nhà máy đình công để mong tăng 1 bữa ăn trưa thêm 5 000 đồng nữa (đang là 10 nghìn tăng lên 15 nghìn thôi) mà chị phải chết, còn 1 số người khác bị thương. Sau khi giết chị, người ta nói đó là tai nạn khi lưu hành giao thông. Công ty Giai Đức đổ hết trách nhiệm cho nhân viên bảo vệ Lê Tuấn Minh, kẻ đã lao cả xe tải vào đoàn người đang đứng trong cổng công ty. Đến nay, Lê Tuấn Minh có lẽ cũng chỉ đi tù vì vi phạm an toàn giao thông, còn số phận của gia đình chị sẽ đi về đâu?”.
Hành động ấy chắc chắn không nhằm tô vẽ thêm cho hình ảnh của Kim Tiến mà nó phát xuất từ tấm lòng chân thực là chia sẻ nỗi đau mồ côi và đói nghèo của những người bất hạnh. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Người Việt Online, Tiến đã nói: “‘Hãy cứ coi em như một sinh viên yêu nước. Đừng coi em là Trịnh Kim Tiến vì ba bị công an đánh chết mà xuống đường. Em xuống đường chỉ vì em cảm thấy lương tâm em lên tiếng”.
Hình ảnh của Trịnh Kim Tiến sáng chủ nhật 24/07/2011 và tâm tình mà cô đã chia sẻ đủ làm lu mờ hình ảnh khoe thân, khoe của của hàng loạt “ngôi sao”, “người mẫu”, “hoa hậu” khắp các trang báo Việt.
Một cuộc biểu tình đẹp biết bao!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét