Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Quanh vụ công an VN hành hung một nhà ngoại giao Mỹ

Lê Phan

Tuần rồi, Hà Nội, hay đúng hơn công an Huế đã làm cả thế giới, nhất là những nhà ngoại giao sửng sốt, khi họ tấn công một nhà ngoại giao Hoa Kỳ.

Ngay lập tức chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức “mạnh mẽ phản đối” với chính phủ Hà Nội về những tin tức là công an đã hành hung một nhà ngoại giao Hoa Kỳ vốn là tùy viên chính trị chuyên theo dõi những vấn đề nhân quyền, trong khi ông đang tìm cách đến thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Ðại Sứ Michael W. Michalak ở Hà Nội đã diễn tả vụ tấn công ông Marchant là “một vụ vô cùng đáng quan ngại.”

Theo tin tức từ chính Linh Mục Lý, từ các nguồn tin báo chí thì vụ này xảy ra ở Huế, nhưng chi tiết thì không rõ rệt lắm. Theo Ðài Á Châu Tự Do, Linh Mục Lý kể lại là ông Marchant đã bị vật xuống đất ngay trước cửa nhà nơi linh mục đang bị quản thúc tại gia, và sau đó bị bắt mang đi. Một bản tin của hãng thông tấn AP thì nói công an nhiều lần tìm cách đóng cửa xe vào chân của ông Marchant. Nhật báo New York Times nói là họ không liên lạc được với ông Marchant, một tùy viên chính trị tại Tòa Ðại Sứ ở Hà Nội từ năm 2007. Ông được các bạn đồng nghiệp nói là một người hết lòng ủng hộ quyền tự do chính trị và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Mới đây ông đã được trao giải thưởng Nhân Quyền và Dân Chủ mà Bộ Ngoại Giao trao tặng cho một nhân viên ngoại giao, và theo gia đình ông ở Hoa Kỳ thì ông sẽ nhận lãnh giải thưởng đó từ chính tay Ngoại Trưởng Hillary Clinton trong một ngày gần đây.

Trong khi đó Hà Nội có vẻ lúng túng. Theo Thông tấn xã AP, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hà Nội Nguyễn Phương Nga nói là chính phủ Việt Nam đang cứu xét xem chuyện gì đã xảy ra. Bà Phương Nga cũng nói là các nhà ngoại giao “phải tuân thủ luật lệ của nước chủ nhà.”

Không biết bà Phương Nga có được học luật lệ của ngành ngoại giao quốc tế hay không, nhưng nguyên tắc miễn tố ngoại giao mà tiếng Anh gọi là “diplomatic immunity,” được bảo đảm bởi Công ước Vienna về liên hệ ngoại giao, là nguyên tắc mà các quốc gia đều công nhận. Công ước này ghi rõ là các nhà ngoại giao có quyền hành xử nhiệm vụ không sợ bị cưỡng bức hay sách nhiễu bởi quốc gia chủ nhà. Ðiều 29 của Công ước còn ghi rõ: “Các nhà ngoại giao phải không bị bắt bớ hay giam giữ. Họ được miễn tố trước mọi cáo buộc dân sự cũng như hình sự.” Một chính phủ, nếu không bằng lòng trước thái độ hay cách hành xử của một nhà ngoại giao có thể tuyên bố họ là “persona non grata-người không được chấp nhận” và trục xuất nhà ngoại giao chứ không có quyền hành hung bắt bớ một nhà ngoại giao. Nói cách khác, ông Marchant có thể bị trục xuất nhưng không thể nào bị hành hung và bị bắt giữ.

Hành động như vậy đối với một nhà ngoại giao là một điều tối kỵ. Ngay cả đến trong giai đoạn tệ hại nhất của các chế độ độc tài toàn trị như Liên Xô hay Ðức Quốc xã, chính quyền cũng không hành xử như vậy với một nhà ngoại giao của một quốc gia mà mình đang có bang giao.

Dĩ nhiên đây không phải lần đầu tiên công an ngăn cản các giới chức Hoa Kỳ gặp gỡ các nhân vật tranh đấu. Tờ Wall Street Journal nhắc lại là năm 2007, công an đã ngăn cản vợ và mẹ của các nhân vật tranh đấu được mời đến Tòa Ðại Sứ để dùng trà với Ðại Sứ Michael Marine và Dân Biểu Loretta Sanchez. Bà Sanchez đã diễn tả là hai bà đã bị “hành hung” ngay bên ngoài tư dinh ông đại sứ. Năm 2009, một đoàn đại diện của Ủy ban Quốc tế về Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ tìm đến gặp gỡ các nhân vật tranh đấu cho tự do tôn giáo đã bị cản trở. Một ủy viên của ủy ban đã nói với ủy ban Quốc Hội điều tra về tự do tôn giáo là công an đã giả một vụ tai nạn xe hơi để chặn đường không cho họ đến gặp các nhân vật này.

Ðiều khó hiểu hơn là trong vòng năm qua, Hà Nội đã săn đón và tìm cách xích lại gần hơn với Hoa Kỳ để làm lực đối trọng với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc về vấn đề Biển Ðông.

Nhưng hành động lần này xảy ra vào lúc mà Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn với một Quốc Hội Hoa Kỳ mà thế lực của đảng Cộng Hòa đang lên. Hành động này sẽ chỉ làm cho một số vị dân cử Cộng Hòa thêm bực tức. Trước đó, Dân Biểu Ed Royce, Cộng Hòa-California, và là một thành viên thâm niên của Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, đã đưa ra một dự luật áp đặt trừng phạt lên các viên chức Việt Nam tham dự vào các vi phạm nhân quyền.

Chả trách mà ông Phil Robertson, giám đốc Ðông Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã phải nhận xét: “Chúng tôi nghĩ chính phủ Việt Nam không còn kiểm soát được công an nữa.”

Dư luận trong và ngoài nước thì đưa ra nhiều diễn dịch. Có người bảo đây là cố gắng của nhóm thân Trung Quốc nhằm phá hoại những liên hệ mới giữa Hoa Kỳ và Hà Nội. Có người thì nghĩ vụ này nằm trong khuôn khổ của cuộc tranh giành quyền lực đang xảy ra trong giai đoạn tiến tới đại hội của đảng Cộng Sản sẽ bắt đầu vào tuần tới. Cũng có người đồng ý với ông Robertson của Human Rights Watch nói là “công an đã thành kiêu binh.”

Mỗi diễn dịch này đều có một căn bản nào đó. Quả là trong những tháng gần đây, đã có một số nhân vật trong đảng Cộng Sản Việt Nam tỏ ra lo ngại về việc xích lại gần với Hoa Kỳ. Những người này nghĩ là thà đi theo Trung Quốc để mất nước còn hơn là đi theo Hoa Kỳ sẽ mất đảng, tức là họ sẽ mất luôn quyền hành và phồn vinh.

Cũng như vậy, quả là trong nội bộ đảng Cộng Sản đang có những tranh giành gay gắt. Có thể là việc chia phần và phân chức vụ đã xong, nhưng những tranh chấp vẫn tiếp tục vì có vẻ không phe nào hài lòng.

Và quả thật công an của Hà Nội có vẻ càng ngày càng “quá quắt” lắm. Nội trong năm 2010 vừa qua, đã liên tiếp có những vụ công an đánh chết dân. Human Rights Watch năm ngoái ghi nhận là có ít nhất 19 vụ công an hành hung trong đó có 15 người bị thiệt mạng. Chế độ nay đã phải hoàn toàn trông cậy vào công an để kiểm soát dân chúng, do đó chuyện công an trở thành kiêu binh cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng có giải thích thế nào chăng nữa thì hành động của mấy tên công an ở Huế này đã đến vào lúc tệ hại nhất cho chính quyền. Hà Nội phải hiểu là tuy cần Việt Nam trong ván bài vùng Ðông Á, Hoa Kỳ không thể và không chấp nhận để Việt Nam có một thái độ như vậy với một viên chức của họ.

Foreign Policy - Nền kinh tế rối ren và ông thầy tu lộn xộn

Will Inboden
Tqvn2004 chuyển ngữ

Hai tin tức phát đi từ Việt Nam trong vài ngày qua cho thấy những thách thức đáng kể mà quốc gia đầy hứa hẹn này vẫn phải đối mặt. Những câu chuyện này, thoạt nhìn, tưởng như không có điểm gì chung. Tin thứ nhất, từ tờ Washington Post, liên quan một vụ việc kinh hoàng, trong đó tên côn đồ mang danh an ninh Việt Nam đã tấn công một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đang cố gắng tới thăm một linh mục Công Giáo bất đồng chính kiến, ông Nguyễn Văn Lý, người đang chịu sự quản thúc tại gia. Tin thứ hai, từ New York Times, mô tả những bất ổn kinh tế đang cản trở Việt Nam, khi mà các doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam và đồng tiền thiếu ổn định của quốc gia này đối mặt với thực tế khắc nghiệt của thị trường tài chính quốc tế. Phía sau hai câu chuyện nói trên là cùng một chủ đề: Trách nhiệm của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng duy nhất lãnh đạo Việt Nam, và sự độc đoán già yếu của nó.

Phần lớn các cuộc tranh luận hiện thời về mô hình phát triển của Trung Quốc (và cả Nga) với chủ nghĩa tư bản độc tài đã bỏ qua một thực tế là có những quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam, đang cố gắng theo đuổi con đường tương tự. Họ đã có cả thành tựu lẫn thất bại. Kể từ khi Bộ Chính trị của Việt Nam khánh thành phương án "đổi mới" chấp nhận tự do hóa nền kinh tế vào năm 1986, quốc gian này đã phát triển với tốc độ trung bình 7 phần trăm / năm. Đằng sau những con số ấn tượng là vô số công dân Việt Nam có đời sống được cải thiện đáng kể trong hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, như nhà kinh tế Herb Stein (đã qua đời) đã tuyên bố trong luật cùng tên của mình: "Nếu cái gì không thể tiếp tục mãi mãi, thì nó sẽ dừng lại". Đó là trường hợp của những hy vọng về tăng trưởng bền vững trong một hệ thống dễ vỡ như của Việt Nam, nơi mà Đảng Cộng sản vẫn lên kế hoạch cho nhiều hoạt động kinh tế và cố gắng trong tuyệt vọng để bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước khỏi các luật chơi của thị trường. Tin tức trên tờ Time bao gồm những thống kê cho thấy sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam: Các doanh nghiệp này hấp thụ 40 phần trăm vốn đầu tư trong nước, nhưng chỉ sản xuất 25 phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội. Sự phân bổ nguồn vốn sai lầm như vậy có hậu quả tai hại, chẳng hạn như lạm phát, xếp hạng tín dụng bị hạ thấp, lãi suất tăng, và thị trường chứng khoán đình trệ.

Trường hợp của Cha Lý miêu tả căn bệnh độc tài đảng trị ở Việt Nam một cách sinh động hơn so với các con số thống kê kinh tế. Cùng với sư thầy Thích Quảng Đô bên Phật Giáo, người cũng bị quản thúc tại gia - vâng, đúng ra là quản thúc tại chùa, Cha Lý là một trong những nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến nổi bật ở quốc gia này. Linh mục này đã bị cầm tù và được thả nhiều lần trước đây, chủ yếu do áp lực của quốc tế, và những chỉ trích trực diện của ông đối với chính quyền thường xuyên kích thích để Đảng CS hiển thị một cách dại dột những thói xấu của mình. Chẳng hạn như gần đây nhất, các nhân viên an ninh Việt Nam đã tấn công thành viên của Tòa đại sứ Hoa Kỳ, ông Christian Marchant, chỉ vì ông này cố gắng vào thăm nhà Cha Lý. Liệu có phải những nhân viên an ninh bạo tàn đó đã làm theo lệnh của một Ủy viên Bộ Chính Trị bực tức, đang gào lên "ai giúp tôi loại bỏ cái thằng cha linh mục lộn xộn kia không"? Hay hành động đó chẳng qua là một "hành vi quá khích của quan chức địa phương"? Dù diễn giải theo hướng nào đi nữa, thì vụ tấn công quan chức ngoại giao Hoa Kỳ này cũng là một điều không hay làm tổn thương đến chính phủ Việt Nam.

Một điều trớ trêu là, cả hai sự kiện tồi tệ về nhân quyền và về kinh tế này lại diễn ra vào lúc có sự gia tăng quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Những mối quan hệ được cải thiện, bắt đầu từ thời Clinton, và được tiếp tục dưới thời Bush và Obama, là một xu hướng đang hoan nghênh và cần được tiếp tục như một phần của chính sách chiến lược lớn của Hoa Kỳ tại Châu Á. Nhưng một chính sách địa chính trị không ngoan cần bao hàm tất cả mọi khía cạnh của mối quan hệ. Như chính quyền Bush đã chứng minh: có thể vừa ép Việt Nam mạnh mẽ về cải thiện nhân quyền, trong khi vẫn tăng cường các mối quan hệ song phương trên nhiều mặt. Thậm chí nhiều hơn như vậy, về lâu về dài, một Việt Nam tôn trọng cácquyền tự do kinh tế, chính trị và tôn giáo của người dân sẽ là một đối tác đáng tin cậy hơn đối với Hoa Kỳ, và có lẽ thậm chí trở thành một chương thành công khác trong câu chuyện về tự do ở châu Á.

Bài báo trên tờ Times kết thúc với một quan sát lạc quan rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức kinh tế mới nhất vì nó có những người dân năng động, dễ phục hồi, và tận tụy. Những ai đã đến thăm hay sống tại Việt Nam trong những năm gần đây đều có thể làm chứng rằng người dân Việt Nam quả thực là một viên ngọc: duyên dáng, chăm chỉ, lạc quan. Đó là lý do tại sao Việt Nam sẽ không bao giờ đạt đến tiềm năng của mình dưới một chính phủ vô trách nhiệm, luôn cố gắng để bịt miệng những công dân sáng tạo nhất, can đảm nhất của mình, như Cha Lý.

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Dân biểu Úc Luke Simpkins không được phép thăm LM Nguyễn Văn Lý

2011-01-09

Hai ngày sau khi tùy viên chính trị của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là ông Christian Marchant bị công an hành hung khi đến thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung Huế thì dân biểu Luke Simpkins của nước Úc cũng tới Nhà Chung với mục đích tương tự.

Photo courtesy of DB Luke Simpkins

Dân biểu Úc Luke Simpkins

Ông đã bị nhân viên an ninh cản trở và buộc phải trở về Úc sau đó. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn đặc biệt với dân biểu Luke Simpkins để tìm hiểu thêm chi tiết mời quý vị theo dõi.

Bị ngăn cản bằng nhiều cách

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông dân biểu đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa ông chúng tôi được biết ông đã có chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây và nhân đó ông đã bay từ Hà Nội vào Huế để thăm linh mục Nguyễn Văn Lý nhưng bị lực lượng an ninh của Việt Nam ngăn cản bằng nhiều cách. Xin ông cho thính giả biết vụ việc xảy ra như thế nào thưa ông?

DB Luke Simpkins: Như ông đã biết vào ngày 6 tháng Giêng vừa qua, một tùy viên chính trị của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã cố bằng mọi cách để đến gặp Linh mục Lý và sau khi có các tranh cãi xảy ra giữa ông này và lực lượng an ninh thì ông bị áp giải trở lại Hà Nội.

Trước khi tới Việt Nam tôi đã có chương trình ghé thăm LM Lý vì vậy tôi đã làm mọi thủ tục về phía tòa đại sứ Việt Nam. Tôi được Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói rằng họ không thể bảo đảm sự an toàn cho tôi khi tới thăm cha Lý cũng như cảnh báo rằng tôi sẽ gặp phiền phức nếu giữ ý định thăm cha Lý khi tới thăm Việt Nam.

Tôi được Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói rằng họ không thể bảo đảm sự an toàn cho tôi khi tới thăm cha Lý cũng như cảnh báo rằng tôi sẽ gặp phiền phức nếu giữ ý định thăm cha Lý khi tới thăm Việt Nam.

DB Luke Simpkins

Vào ngày 6 tháng Giêng Bộ Ngoại Giao tại Hà Nội gọi điện thoại cho tôi bảo rằng họ không bảo đảm an ninh cho tôi nếu tôi vào Huế thăm cha Lý. Tôi chẳng quan tâm lắm với những điều mà họ gọi là an ninh này nên quyết định đáp chuyến bay vào Huế để gặp cha Lý tại Nhà Chung.

Khi máy bay đáp xuống phi trường Huế thì một số nhân viên an ninh mặc thường phục đã xuất hiện tại đây và tôi biết họ là những nhân viên an ninh địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Họ đã tiếp cận tôi và chừng như không cho phép tôi được di chuyển một cách tự do. Nói cho đúng là họ ngấm ngầm bao vây tôi và làm cho tôi có cảm tưởng rằng mình bị bắt nhưng hoàn toàn không phải như vậy, họ làm như chỉ bảo vệ tôi một cách quá mức mà thôi.

Tôi tới nơi cha Lý cư ngụ thì an ninh bao vây nơi này rồi.Có nhiều nhân viên an ninh mặc thường phục trước Nhà Chung và những người này đã xét hỏi những người chở tôi một cách cặn kẽ khiến họ lo ngại. Tôi nghĩ có khoảng 20 nhân viên an ninh vừa mặc sắc phục lẫn thương phục bao vây nơi cha Lý cư ngụ và không cho phép ai vào kể cả tôi. Những người chạy ngang qua khu vực này cũng bị chận lại xét hỏi.

Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Tòa Tổng Giám Mục Huế hôm 15-3-2010.  Hình do thân nhân LM Lý gửi đến RFA.
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Tòa Tổng Giám Mục Huế hôm 15-3-2010. Hình do thân nhân LM Lý gửi đến RFA.
Tôi đã nhiều lần yêu cầu họ cho tôi vào gặp cha Lý nhưng cũng như ông biết họ thẳng thừng từ chối và bảo tôi phải có mẩu đơn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam cấp và đồng ý cho phép gặp cha Lý thì mới được gặp.

Tôi nghĩ rằng nếu mình cứ khăng khăng đòi gặp cha Lý cho bằng được thì chắc chắn họ sẽ trục xuất tôi hay tệ hại hơn họ sẽ đối xử với tôi như đối với viên tùy viên chính trị của tòa đại sứ Mỹ.

Mục đích của tôi chỉ nói chuyện với LM Nguyễn Văn Lý và nếu được thì giúp cha di chuyển vào Sài Gòn để tiện việc chữa bệnh mà thôi.

Mặc Lâm: Như ông vừa nhắc đến tùy viên chính trị của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội là ông Christian Marchant đã bị an ninh Việt Nam hành hung khi đến thăm cha Lý, liệu họ có đối xử với ông như vậy hay không mặc dù ông là một dân biểu của nước Úc?

DB Luke Simpkins: Khi nghe Bộ Ngoại Giao tại Hà Nội nói rằng họ không thể bảo đảm an ninh cho tôi khi tôi cố tình tới thăm cha Lý thì tôi biết mọi việc đều có thể xảy ra vì họ đã báo trước một cách gián tiếp như vậy. Việc họ đối xử với ông Marchant chắc chắn rồi cũng xảy ra cho tôi nếu tôi tiếp tục chống họ.

Rất thất vọng

christian-marchant-250.jpg
Ông Christian Merchant và các sinh viên trường ĐH Tây Nguyên. Photo courtesy of usembassy.
Mặc Lâm: Thưa ông sau khi những vụ việc xảy ra ông nhận xét thế nào về hành động của chính phủ Việt Nam đối với giới ngoại giao Hoa Kỳ cũng như một thành viên quốc hội của nước Úc, liệu những hành động này có thích hợp với thông lệ quốc tế hay không?

DB Luke Simpkins: Sau khi tôi có những trao đổi với nhân viên đại sứ quán Úc tại Việt Nam với những tiến trình mà nước Úc cố gắng thúc đẩy Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền thì đã có một ít tiến triển nhưng qua sự việc này thì tôi thấy rất thất vọng.

Tôi muốn nói rằng khi phái đoàn của chính phủ Việt Nam đến Canberra tháng tới tôi sẽ đưa vấn đề này ra để nói chuyện với họ cũng như về những áp đặt mà họ dùng đối với nhà thờ, đối với những người đặt niềm tin vào tôn giáo.

Mặc Lâm: Và trong phiên họp sắp tới tại Quốc hội liên bang Úc ông sẽ nói gì về những việc vừa xảy ra cho ông?

DB Luke Simpkins: Tôi nghĩ rằng trong nhiệm kỳ của tôi tại Quốc hội Úc tôi đã cố gắng giữ những hy vọng và liên tục thúc đẩy chính quyền Việt Nam thực hiện nhân quyền đối với người dân Việt Nam một cách nghiêm chỉnh. Tôi nghĩ rằng việc làm của mình cũng có những kết quả nhỏ nhưng chưa đủ với kỳ vọng của cử tri. Tôi tin rằng nếu Quốc Hội Úc tiếp tục thúc đẩy quá trình này thì nhà nước Việt Nam không thể không thực hiện những gì mà họ cần phải làm.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Cú Khều Ngoại Giao

Trần Khải

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ Christian Marchant vừa gặp trận xô xát với công an trước cổng Nhà Hưu Dưỡng Nhà Chung Tổng Giáo Phận Huế khi tìm cách vào thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Hãy quan sát xem chuyện gì đã xảy ra, và rồi phản ứng sau đó từ “sự cố” này.


Tất nhiên là phía Hoa Kỳ đã đổ lỗi cho công an mạnh tay, vi phạm công ước quốc tế về bảo vệ các nhà ngoaị giao. Tất nhiên là, đối lại, nhà nước VN đổ lỗi cho nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã tới nơi đang bị cấm, vì Linh Mục Nguyễn Văn Lý đang còn là “một người tù.”


Đài VOA loan tin:


“Bộ Ngoại giao cho biết đã gửi kháng thư đến Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington về vụ một nhà ngoại giao Mỹ bị thương trong một vụ xô xát với cảnh sát tại thành phố Huế.


Trong một cuộc họp báo quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mark Toner nói rằng ông Marchant bị thương nhẹ và phải đi khập khiễng sau vụ xảy ra hôm thứ Tư. Ông nói:


“Đã xảy ra một vụ việc và nhân viên ngoại giao Mỹ Christian Marchant đã bị thương trong vụ này. Chúng tôi đã gửi kháng thư mạnh đến chính phủ Việt Nam tại Hà Nội cũng như đến Đại sứ Việt Nam ở Washington. Và chúng tôi đang chờ một giải thích đầy đủ về chuyện gì đã xảy ra."...” (hết trích)


Tại sao phía Việt Nam không phản ứng mạnh, nếu thấy rằng ông ủy viên chính trị Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ Christian Marchant có lỗi?


Hãy hình dung rằng ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm triệu tập Đại Sứ Mỹ Michael Michalak lên để phản đối, và “gửi kháng thư mạnh đến chính phủ Mỹ... chờ một giải thích...” Tại sao ông Khiêm không làm như thế?


Theo báo Thanh Niên, có một người dân “bị ông Marchant đấm vào mặt” và một nhân viên  Sở Ngoại Vụ Thừa Thiên - Huế bị ông Marchant “chửi thề tục tĩu” bằng tiếng Anh và tiếng Việt, xô nhân viên này “ngã dúi dụi”...


Điều chúng ta muốn biết rằng, chắc chắn đã có quay phim từ các công an thường phục gần đó, tại sao các băng hình  có thể bất lợi cho ông Marchant không được công an Huế phổ biến để chứng minh rằng ông Marchant đang  “gây rối trật tự công cộng” theo quy chụp của báo Thanh Niên? Nếu không kịp mở máy camcorder để quay cho có hình rõ, sắc nét độ phân giải cao... thì băng hình quay bằng điện thoại di động cũng OK...


Hãy hình dung rằng, người dân bị ông Marchant đấm vào mặt kia nộp đơn kiện đòi bồi thường vì lý do chảy máu mũi, phải nhập viện chữa trị các thứ vì gãy xương bầm mặt? Tại sao không như thế?


Hãy hình dung rằng, nhân viên Sở Ngoạị Vụ kia gửi kháng thư lên trình bày với Đại Sứ Michalak và yêu cầu ông Marchant phảỉ xin lỗi vì “đã chửi thề tục tĩu và xô ngã dúi dụi” nhân viên này? Tại sao không như thế?


Hay có phải sự thực không như thế? Băng hình quay cuộc xô xát này sao chưa thấy phóng lên YouTube để chính phủ Hà Nội bêu xấu Bộ Ngoại Giao Mỹ? Bởi vì nếu có, thì đây sẽ là băng hình tuyệt vời nhất có thể có để chứng minh với khắp thế giới rằng có một tùy viên chính trị sứ quán Mỹ tới trước một khu nhà dân sự tại Huế để xô xát, để chửi thề, để đòi vaò thăm “ngườì tù bất đồng chính kiến” đang chữa bệnh nơi này...


Thêm nữa, Bộ Công An CSVN có thể phân tích thêm, rằng ông Christian Marchant có thể có âm mưu thánh chiến, vì bản thân ông từng là thầy truyền đạo Tin Lành của Hội Thánh Jesus Ky-Tô Các Thánh Ngày Sau tại  Cộng Hòa Tiệp và Slovakia trước khi vào ngành ngoại giao Mỹ, và bây giờ tới trước Nhà Chung Tổng Giáo Phận Huế để gây ầm vang những chuyện gì chưa rõ, nếu không phải kích động chuyện tôn giáo thì cũng là lấy cớ để Hạ Viện Mỹ ghép chính phủ VN vào danh sách các nước hung thần CPC (Các Nước Quan Ngại vì vi phạm Tự Do Tôn Giáo)... Thậm chí, nhà nước có thể chụp mũ rằng Thầy Truyền Đạo Tin Lành Marchant tính xông vào Nhà Chung để tuyên truyền cải đạọ các linh mục... Tại sao không quy chụp như thế?


Thậm chí, nếu trong bằng hình quay được mà có một âm thanh “chửi thề tục tĩu” (theo báo Thanh Niên) do ông Marchant trong lúc nóng giận nói lên các âm nghe như “ho” hay nghe như  “Hồ” hay nghe như  “Hu” (vì ông Marchant còn giỏi tiếng Tàu, có thể đoán là khi nóng giận sẽ chửi thề bằng tiếng Tàu, thì chữ Hồ viết là Hu...) thì lập tức ông Phạm Gia Khiêm có thể trục xuất ông Marchant về Mỹ dễ dàng... vì đã kêu tên ông Hồ Chí Minh mà mắng cả bằng tiếng Mỹ, tiếng Việt và cả tiếng Tàu.


Chỉ cần phóng băng hình có tiếng chửi thề này lên YouTube là bảo đảm Ngoạị Trưởng Mỹ Hillary Clinton phải kỷ luật ông Marchant liền, và Tổng Thống Obama sẽ lộ ngay “khuôn mặt trầm và buồn” nói rằng rất tiếc...


Hãy hình dung rằng, lúc đó bà Khương Du, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc sẽ lên giọng nghiêm trang “yêu cầu hai bên Mỹ-Việt tự chế” và bà sẽ nói trước buổi họp báo của các phóng viên quốc tế rằng bà “từ chối bình luận vì không muốn xen vào chuyện nội bộ các nước khác.” 


Đồng thời, bà Khương Du cũng sẽ nhắc lại câu nói của bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao VN, rằng các nhà ngoại giao nước ngoài cần “tôn trọng luật pháp củả nước sở tại...”


Hãy hình dung rằng Bộ Công An TQ sẽ đưa một pháí đoàn an ninh sang VN để học tập các chiêu thức gài bẫy có thu hình nhà ngoạị giao Mỹ “chửi thề tục tĩu, xô nhân viên Sở Ngoạị Vụ VN ngã dúi dụi... và đấm vào mặt một người dân.” 


Tuyệt vời là khi công an gài bẫy cho có băng hình như thế để sẽ bêu rếu với thế giới. Nếu báo Thanh Niên viết đúng như chuyện đã xảy ra, tại sao công an không phóng băng hình này lên?


Điều chúng ta còn thắc mắc, rằng nếu bản tin trên báo Thanh Niên viết đúng sự thật, thì “quát tháo ầm ĩ bằng tiếng Mỹ và tiếng Việt... bằng những ngôn từ rất tục tĩu” cụ thể là những chữ gì?


Trước tiên chúng ta có thể hỏi, chữ tiếng Mỹ nào mà ông Marchant nói lên là “rất tục tĩu” – mà có chữ “rất” mới là lạ. Nghĩa là có những chữ tiếng Anh hơi hơi tục tĩu, có những chữ kha khá tục tĩu, vậy mà ông Marchant lại xài chữ “rất tục tĩu”...  Thực tế, chửi “tục tĩu” là đủ nặng tội rồi, vậy mà lại chửi “rất tục tĩu” thì tội nặng  hiển nhiên là như núi.


Nếu không nghe kịp tiếng Anh thì cũng OK, câu hỏi tiếp theo là còn chữ tiếng Việt “rất tục tĩu” mà ông Marchant nói là những ngôn từ nào? 


Nếu có băng hình thì là tuyệt vời. Nguyên là Thầy truyền đạo Tin Lành, hiện đương nhiệm tùy viên chính trị Tòa Đại Sứ Mỹ tại VN... bỗng nhiên đấm vào mặt một người dân Việt, xô ngã một cán bộ, và chửi thề tục tĩu... thế mà chỉ bị lôi đi chỗ khác, chưa thấy công an xử  theo kiểu “đánh cho biết thế nào là lễ độ”. 


Cần biết thêm rằng, tháng sau, ông Christian Marchant sẽ được lãnh huy chương Bộ Ngoại Giao Mỹ có tên là State Department Human Rights and Democracy Award (Giải Thưởng Nhân Quyền và Dân Chủ Bộ Ngoạị Giao Mỹ).


Bản tin từ một tờ báo ở tiểu bang Kentucky nói rằng Marchant sẽ lãnh giải này tháng tới từ chính tay của Ngoại Trưởng Hillary Clinton trong một buổi lễ tại Washington.


Sẽ là tuyệt vời nếu nhà nước Hà Nội ra một độc chiêu: Ngoạị Trưởng Phạm Gia Khiêm sẽ gắn một huy chương cao quý nhất trong ngành ngoại giao cho nhân viên Sở Ngoại Vụ vì đã bị ông Marchant xô “ngã dúi dụi”...


Thêm nữa, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cần thưởng huy chương bảo vệ chế độ cho các công an đã lôi kéo ông Christian Marchant lên xe để áp giải đi, vì đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao.


Cần nhắc rằng, Đài BBC hôm Thứ Tư 5-1-2011 cho biết:


“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lực lượng công an dẹp bỏ âm mưu diễn biến hòa bình, chống lật đổ và ngăn chặn hình thành đối lập.


Ông thủ tướng vừa có mặt tại lễ khai mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 66 ở Hà Nội vào chiều thứ Ba 04/01.


Trong bài phát biểu chỉ đạo, ông Dũng nhấn mạnh một số "nhiệm vụ trọng yếu" của công an, trong đó đi đầu là việc công an phải "làm nòng cốt dẹp bỏ ngay các âm mưu diễn biến hòa bình".


Theo ông, "lực lượng công an phải nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ" và "kiên quyết không để xảy ra khủng bố, gây rối, bạo loạn, lật đổ và hình thành các tổ chức đối lập"...”(hết trích)


Tuyệt vời, thế là công an Huế đã xuất sắc “dẹp bỏ ngay các âm mưu diễn biến hòa bình” do ông Christian Marchant giăng bẫy trước cổng Nhà Chung Tổng Giáo Phận Huế. Thậm chí, có thể gọi đó là âm mưu của Liên Tôn, khi một cựu Thầy Truyền Đạo Tin Lành vào móc nối với một Linh mục...


Thế là vang dội toàn cầu. Chỉ tiếc là nhà nước Hà Nội không chịu phổ biến băng hình.

http://www.vietbao.com/D_1-2_2-66_4-168494_15-2/

Thất vọng

Hải Lý

Trong thời gian gần đây, cộng đồng Việt trên mạng xã hội Facebook lại một phen xôn xao vì những biện pháp chặn Facebook tại Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ và triệt để hơn. Mạng Facebook bị chặn ở Việt Nam chẳng phải là điều mới mẻ gì, nhưng lần này các Facebookers phải rất vất vả mới “trèo tường” (từ lóng chỉ việc vượt tường lửa firewall để đến được một website nào đó) vào được, gây nản lòng không ít cho những ai muốn tiếp cận thông tin và chia sẻ cùng bạn bè bốn phương.

Mình viết bài này không phải để mổ xẻ nguyên nhân việc chặn Facebook, mà là nói lên cảm tưởng của mình sau khi quan sát những biểu hiện của một số Facebookers Việt Nam.

Nói ngắn gọn chỉ có hai chữ: thất vọng.

1. Rất nhiều Facebookers sau khi vượt tường lửa bằng cách này hay cách nọ đã không dấu diếm sự tự hào: cứ chặn kiểu này thì chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ sản sinh ra những tay chuyên môn về IT hàng đầu trên thế giới.

Mình chia sẻ sự vui mừng của các bạn. Nhưng mình mong các bạn hãy nghĩ lại xem. Những phương pháp, những lập trình hay applications để “trèo tường” mà các bạn đang dùng có phải của chính người Việt Nam viết ra không? Ai tạo ra những Freegate, Psiphon, v.v... ? Phải chăng là những người thuộc giáo phái Pháp Luân Công, hoặc một nhóm nghiên cứu tại đại học Toronto ở Canada, và còn nhiều nhiều nữa? Chúng ta chỉ là những người dùng các software ấy, và từ việc dùng thông thạo một software nào đó cho đến trở thành giỏi hàng đầu trên thế giới về IT có một khoảng cách khá xa. Hơn nữa, cứ cho rằng người Việt giỏi lên về IT từ việc “trèo tường” như thế này đi, đó có phải là điều đáng tự hào như vậy không? Ngay cả từ “trèo tường” chính nó cũng đã mang một ý nghĩa chẳng hay ho gì.

2. Sở hữu được những phương tiện “trèo tường” hữu hiệu như thế thì các bạn đã yên tâm, và còn có thái độ thách thức: các chú các bác cứ chặn, các cháu cứ trèo.

Phải nói, trước nhất mình thích thái độ này của các bạn. Ngang bướng, không chịu khuất phục trước khó khăn, phải như vậy chứ! Nhưng rồi cái vui của mình chẳng được bao lâu, vì mình có cảm tưởng rồi đây các bạn cũng chỉ yên phận với cách “trèo tường” như thế này. Nó cho thấy các bạn chỉ muốn chữa cái ngọn chứ không biết hoặc không muốn đụng đến cái gốc của vấn đề.

Mình lấy ví dụ nhé. Các bạn đi trên một con đường, và con đường ấy có một hố tử thần rất to. Dĩ nhiên thấy cái hố ấy thì các bạn phải đi vòng quanh để tránh nó. Nhưng rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, cái hố vẫn cứ chình ình ra đó và mỗi ngày đi ngang qua các bạn đều phải tránh. Các bạn có tự hỏi mình phải tránh cái hố ấy cho đến bao giờ? Các bạn có tự hỏi mình sự hiện diện của cái hố ấy là hoàn toàn hợp lý, trong khi các bạn là công dân, có đóng thuế đàng hoàng thì phải xứng đáng được hưởng tình trạng đường xá, giao thông tốt nhất?

Cũng vậy, với việc “trèo tường” để vào được Facebook, các bạn có bao giờ tự hỏi mình phải “trèo” cho đến bao giờ? Các bạn có bao giờ tự hỏi cái việc “trèo” như thế là hoàn toàn tự nhiên? Có khoảng 196 quốc gia trên Quả Đất này, và Việt Nam được hân hạnh nằm trong một nhóm nhỏ những nước bị kiểm soát Internet gắt gao nhất như Trung Quốc, Pakistan, CHDCND Triều Tiên, ... các bạn có bao giờ nghĩ tại sao lại như vậy không?

3. Một số bạn lập hội trên Facebook, yêu cầu được vô lại Facebook một cách bình thường vì các bạn không thích cứ phải “trèo tường” như thế này. Nhưng các bạn lại năn nỉ các thành viên là đừng nói chuyện “chính trị nhạy cảm.” Một vài bạn không ngần ngại tuyên bố sở dĩ Facebook bị chặn là vì bọn “phản động,” và bọn này cần phải bị tiêu diệt.

Có tiến bộ đôi chút ở đây, vì cuối cùng các bạn đã chịu nhìn tới cái gốc của vấn đề. Nhưng cách suy nghĩ của các bạn về cái nguyên nhân chặn Facebook làm mình chết cười.

Mình kể cho các bạn nghe một điều nho nhỏ mình chứng kiến tại Canada nhé. Cách đây nhiều năm tỉnh bang Quebec của Canada đòi ly khai khỏi Canada để thành lập một quốc gia riêng. Cực kỳ phản động phải không nào? Thế nhưng đảng phái ủng hộ chủ trương ly khai này vẫn đàng hoàng ra ứng cử, sinh viên ở một số trường đại học khắp đất nước vẫn lập ra những câu lạc bộ tuyên truyền và ủng hộ việc ly khai. Tình hình căng thẳng, kẻ bênh người chống cãi nhau ỏm tỏi trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Nhưng rồi cũng chỉ có thế. Chẳng một người nào phải vô tù, chẳng một website nào phải bị chặn hoặc đánh sập vì đã theo đuổi chủ trương “phản động” này cả.

Xem người lại ngẫm đến ta. Tuổi trẻ các nước khác xem chính trị là việc bình thường, dù nhạy cảm hay không. Tuổi trẻ Việt Nam sợ nói đến chính trị, sợ dính dáng đến những gì bị cho là nhạy cảm, là phản động.

Hỏi các bạn một điều nhỏ. Nhỡ sau này, nhỡ thôi, vào một ngày đẹp trời nào đó, người thân hoặc thân nhất của bạn bị công an đánh hoặc bắn vì trót đi đường mà không mang mũ bảo hiểm (chuyện tương tự đã từng xảy ra rồi nhé) thì các bạn sẽ phản ứng như thế nào? Đấy là chính trị, là nhạy cảm đấy, các bạn có sẽ tiếp tục tự bịt tai, che mắt, dán miệng như các bạn đã và đang làm? Nếu sợ chính trị như thế, có lẽ các bạn nên vào ở một khu rừng sâu hoang dã nào đó cách biệt với thế giới hiện tại, một nơi phi chính phủ, may ra như vậy mới có thể giảm thiểu những sợ hãi của các bạn đối với chính trị.

Facebook bị chặn là liên quan đến bọn phản động nói xấu nhà nước ta, và để vào được Facebook các bạn tránh không dám dính líu gì đến bọn phản động và chính trị nhạy cảm cả. Không những là nhịn, các bạn còn nhường nữa. Nhường quyền tự do ngôn luận tối thiểu của mình, nhường quyền lên tiếng trước những bất công xã hội nhan nhản trước mắt.

Khả năng nhường và nhịn của người Việt Nam, qua biểu hiện của các bạn, quả là một điều đáng nể.

Cách đây khoảng một trăm năm, nhiều học giả như Trần Trọng Kim đã đánh giá là người Việt Nam ta vốn thông minh, nhưng chỉ là khôn vặt, tinh lanh chứ chẳng có tầm nhìn xa. Chúng ta học hành để sau này lo cho bản thân, và hơn nữa là cho gia đình, gia tộc, chứ xã hội vẫn là một cái gì đó xa vời.

Trước phản ứng của các bạn với việc siết chặt các hành động chặn Facebook, phải nói là nhận xét của các cụ về tính cách của người Việt Nam vẫn còn chắc như đinh đóng cột.

Thất vọng.

163601_1693783538750_1062638679_1847213_541458_n.jpg
Hình minh họa từ blog Mẹ Nấm. Blogger Mẹ Nấm đang kêu gọi mọi người ký vào đơn khiếu nạigửi tới các ISP về việc mạng xã hội Facebook bị chặn.

http://danluan.org/node/7454

Luật sư Dương Hà: chưa nhận được trả lời tham gia tố tụng

DCVOnline - phỏng vấn
DCVOnline: Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với DCVOnline về tình hình sức khỏe của ông Cù Huy Hà Vũ.

Bên cạnh đó, bà Dương Hà cũng cho biết thêm về thư yêu cầu tham gia tố tụng vào vụ án của ông Hà Vũ, cùng một số chi tiết khác.

Bà Nguyễn Thị Dương Hà hiện là trưởng văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội.

DCVOnline: Tình hình sức khỏe của anh Cù Huy Hà Vũ hiện nay ra sao, thưa chị?

Nguyễn Thị Dương Hà: Nói chung là ngoài bệnh đau tim ra thì anh ấy cũng bình thường. Anh ấy bị tim bẩm sinh, mỗi khi có chuyện buồn phiền hay những chuyện gì đấy thì hay bị đau lại.

DCVOnline: Vậy chế độ y tế trong tù anh Vũ đang hưởng hiện nay ra sao?

Nguyễn Thị Dương Hà: Nghe nói người ta cho anh ấy uống thuốc gọi là cortonyl, theo như người ta xem thì bảo là loại thuốc cũng trợ tim vừa phải thôi nhưng nó cũng có chất gây ngủ. Gia đình cũng không biết làm sao vì gửi thuốc vào không được rồi, người ta chỉ cho phép sử dụng thuốc của người ta thôi.

Hôm nay luật sư Trần Đình Triển đã vào để làm thủ tục bảo lãnh theo cách của luật sư, gia đình đã viết đơn bảo lãnh nhưng họ chưa trả lời. Tôi và cô em gái của anh Hà Vũ là cô Cù Thị Xuân Bích đã có đơn từ hôm 31/12 để xin bảo lãnh rồi.

DCVOnline: Bảo lãnh chuyện gì ạ?

Nguyễn Thị Dương Hà: Bảo lãnh để cho anh ấy ra tại ngoại để chữa trị thêm vì thời gian điều tra đã xong rồi mà anh ấy lại đang bị bệnh.

DCVOnline: Tức là đến giờ trại giam vẫn chưa trả lời thủ tục xin bảo lãnh của gia đình và luật sư?

Nguyễn Thị Dương Hà: Chưa ạ.

DCVOnline: Ngày 27 là ngày đầu chị được gặp anh Hà Vũ kể từ hôm bị bắt?

Nguyễn Thị Dương Hà: Không, gặp từ hôm 21 rồi ạ. Hôm đó có giấy luật sư buổi sáng thì buổi chiều tôi vào luôn, tôi cũng vào được năm lần rồi bạn.

DCVOnline: Được biết bên luật sư của anh Hà Vũ đã gửi thư đề nghị 2 cơ quan truyền thông nước ngoài là VOA và RFA tham gia vào quá trình tố tụng vụ án. Đến nay hai cơ quan truyền thông này đã trả lời gì chưa ạ?

Nguyễn Thị Dương Hà: Chưa ạ, bên VOA có trả lời là vì đang nghỉ tết, đến đầu năm mới đi làm và người ta mới chuyển đơn lên cấp trên của họ và họ đợi khi nào có kết quả thì sẽ trả lời mình ngay.

Còn bên RFA thì chưa thấy hồi âm.

Chỉ có chị Trâm Oanh là phóng viên của hội Phóng Viên Không biên giới là đã nhận lời rồi.

DCVOnline: Như vậy thì thư đề nghị tham gia tố tụng đã đề nghị bao nhiêu tổ chức tham gia?

Nguyễn Thị Dương Hà: Trong cáo trạng có nhắc đến 4 nơi là RFA, VOA, chị Trâm Oanh và báo Dân Luận, và chúng tôi có mời cả báo Dân Luận nữa.

DCVOnline: Bên cạnh đấy, thư đề nghị tham gia tố tụng cũng có mời Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết tham gia…

Nguyễn Thị Dương Hà: Bởi vì anh ấy bị khép vào tội “chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” thì đương nhiên nếu anh ấy bị tội ấy thì phải có người bị hại chứ. Một vụ án mà không có người bị hại thì không thể thành án được, cũng như bạn bị mất cái gì thì phải có người lấy chứ.

Khi người ta khép cho anh Hà Vũ tội tuyên truyền chống Nhà nước thì “bên bị hại” trong cáo trạng đương nhiên phải là Chủ tịch nước, vì Chủ tịch nước là người đại diện của Nhà nước theo luật pháp. Do đó, đương nhiên phải mời ông ấy đến để đại diện cho Nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước.

DCVOnline: Cho đến bây giờ văn phòng Chủ tịch nước đã có trả lời gì chưa ạ?

Nguyễn Thị Dương Hà: Chưa bạn ạ, chưa có công văn gì trả lời, là vì nó cũng chỉ mới có mấy ngày từ ngày 27 đến nay thôi.

Điều quan trọng nhất là từ hồi anh Vũ bị bắt hôm 04/11 đến nay đã là 2 tháng tròn, thế mà 3 ngày sau tức là ngày 08/11 tôi đã có đơn tố cáo gửi cho các cơ quan hữu quan, trong đó có Chủ tịch nước.

Đến ngày 05/12 tôi gửi tiếp đơn tố cáo thứ hai cho các cơ quan hữu quan trong đó cũng có Chủ tịch nước. Đến hôm nay chẳng có ai trả lời cả, từ Chủ tịch nước, những người đại diện cho Chủ tịch nước cũng có trả lời đâu.

Việc mình làm theo pháp luật thì mình cứ phải làm tất cả những gì pháp luật cho phép để bảo vệ cho thân chủ của mình, cũng như anh Vũ cũng phải làm tất cả những gì pháp luật cho phép để anh ấy tự bảo vệ mình.

Chứ còn chuyện được trả lời chưa hay như thế nào đấy thì chỉ có chờ thời gian thôi. Theo đúng pháp luật thì người ta phải trả lời, thế nhưng người ta không trả lời thì đấy là “quyền” của người ta.

DCVOnline: Vụ án của anh Cù Huy Hà Vũ đã được định ngày xét xử chưa chị?

Nguyễn Thị Dương Hà: Hôm tôi nhận giấy phép được làm luật sư cho Cù Huy Hà Vũ tôi có hỏi thì người ta nói là dự kiến sẽ đưa ra xét xử trước tết âm lịch. Nhưng hôm 31/12 tôi đến để nộp đơn xin bảo lãnh cho anh Vũ thì người ta lại nói là chưa có lịch chính xác.

Vì vậy tôi hoàn toàn chưa biết gì cả. Có thể là rất gần mà cũng có thể là còn đợi nữa.

DCVOnline: Sức khỏe của chị hiện nay ra sao?

Nguyễn Thị Dương Hà: Sức khỏe của tôi nói thật là nó cũng bình thường.

DCVOnline: Mong chị luôn giữ sức khỏe được bình thường để tiếp tục mọi việc. Rất cảm ơn chị Dương Hà đã dành cho DCVOnline cuộc trò chuyện này.

© DCVOnline


Vai trò của Blogger trong tiến trình Dân Chủ hóa

Phan Hoài Nam

Phan Hoài Nam (danlambao) – Blogger trở thành một lực lượng đáng kể trong tiến trình dân chủ hóa đất nước và mỗi blogger đều biết rằng con đường dân chủ là một hành trình rất dài mà chúng ta mang vinh dự là người góp phần, dù rất khiêm tốn từ mỗi cá nhân, trong việc tiên phong và đặt nền móng cho con đường đó.

blogger-dieu-cay_thumb2.jpg
Blogger Điếu cày biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh tư liệu (Nguồn rsf.org)

Chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây sinh hoạt blog đã làm thay đổi rất nhiều môi trường thông tin ở Việt Nam, đặc biệt đã góp phần nâng cao nhận thức về chính trị trong một bộ phận người dân có quan tâm về lĩnh vực vốn được cho là nhạy cảm này. Trả giá cho những đóng góp tích cực đó, nhiều blogger đã bị bắt giam hay bị sách nhiễu vì đã đăng tải những thông tin “trái chiều” hay phát biểu những ý kiến khác với quan điểm của nhà cầm quyền.

Trước làn sóng trấn áp ngày càng leo thang, nhiều blogger bắt đầu dè dặt hơn khi đăng tải thông tin. Điều này là hoàn toàn chính đáng bởi ai ai cũng phải nghĩ đến an toàn cho cá nhân của mình, tránh sự phiền lụy cho người thân của mình, và quan trọng nhất là để duy trì được hoạt động thông tin lâu dài.

Trong hoàn cảnh như vậy một số blogger đã tìm đến nhau, chia sẻ những khó khăn, trao đổi kinh nghiệm và đồng ý với nhau rằng các blogger cần tỉnh táo cân nhắc từng đường đi nước bước của mình sao cho vừa đạt được mục đích, vừa bảo đảm an toàn cho bản thân.

Hoạt động của blogger vốn vô cùng đa dạng, tuy nhiên để gia tăng hiệu quả cho mục đích phát triển thông tin đa chiều và góp phần nâng cao nhận thức về chính trị mục đích của sinh hoạt blog nên dựa vào 5 hoạt động sau:

1. Đa dạng hóa thông tin.
2. Phân tích phản biện.
3. Đưa ra giải pháp.
4. Quần tụ nhân sự.
5. Kế hoạch hành động.

Để đạt được mục tiêu và tiến hành những sinh hoạt nói trên một cách lâu dài, việc bảo đảm an toàn cho bản thân trở thành nhu cầu sống còn cho mỗi blogger. Muốn vậy, blogger phải tìm mọi cách để đạt được 3 tiêu chí:

1. Không bị sát hại
2. Không bị bỏ tù
3. Không bị tước mất khả năng kết nối internet

Bản thân ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp là 1 blogger dùng công cụ blog để tham gia cải thiện xã hội, cho nên nếu bị rơi vào 3 trường hợp trên thì blogger đó không thể tiếp tục cống hiến để đạt được mục đích.

Với trào lưu tiến hóa và phát triển vượt bực của công nghệ thông tin, phương cách đấu tranh đòi hỏi nhân quyền, tự do và dân chủ đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều so với cách đây 10, 20 năm. Trong bối cảnh đó, blogger trở thành một lực lượng đáng kể trong tiến trình dân chủ hóa đất nước và mỗi blogger đều biết rằng con đường dân chủ là một hành trình rất dài mà chúng ta mang vinh dự là người góp phần, dù rất khiêm tốn từ mỗi cá nhân, trong việc tiên phong và đặt nền móng cho con đường đó.

Có 3 đặc tính nổi bật của một xã hội dân chủ:

1. Dân trí cao
2. Tự do ngôn luận
3. Xã hội dân sự phát triển đa dạng

Vậy nên nếu cộng đồng blogger nổ lực phát triển 5 hoạt động trên thì cũng đồng nghĩa với việc là đang cũng cố 3 đặc tính cho một xã hội dân chủ, lấy thí dụ:

Về hoạt động thứ 1,2,3: (Đa dạng hóa thông tin. Phân tích phản biện. Đưa ra giải pháp.)

Trong khi toàn bộ hệ thống báo chí truyền hình đều nằm trong tay nhà cầm quyền thì hiển nhiên việc thông tin đến người dân sẽ không còn trung thực, mà chỉ là một sự tuyên truyền mị dân, ngu dân, để dễ bề cai trị. Trong bối cảnh bưng bít, một chiều đó, cộng đồng blogger đã trở thành lực lượng của “tiếng nói thứ hai” nhằm đăng tải những thông tin ở ngoài “lề phải”, giúp cho người dân được tiếp cận với nhiều luồng thông tin, tạo điều kiện, cơ hội để người dân tự động não suy nghĩ và đưa ra kết luận cho chính họ mà không bị ảnh hưởng bởi bộ máy tuyên truyền.

Ngoài ra các blogger có khả năng còn tham gia phân tích phản biện và đưa ra giải pháp để mọi người cùng thảo luận, từ đó góp phần nâng cao dân trí, xây dựng tập quán sống theo tinh thần dân chủ.

Về hoạt động thứ 4 và 5: (Quần tụ nhân sự. Kế hoạch hành động):

Hiện nay vì nhà cầm quyền luôn hạn chế quyền tự do hội họp cho nên công cụ kết nối của blog đã mở ra một hướng khác để chúng ta có thể giao lưu kết bạn và từ từ hình thành những nhóm thân hữu có cùng sở thích, quan điểm về một vấn đề nào đó. Tuy là sinh hoạt ở một thế giới ảo nhưng kết quả của nó hoàn toàn là có thực. Và chính những nhóm nhỏ này tự nó đã mang những hình ảnh sơ khai nhất của xã hội dân sự trong một đất nước đang bị kiểm soát bởi thể chế độc tài. Dần dần họ sẽ kết hợp với nhau trong môi trường sống thật để thành lập những đoàn thể dân sự nhằm tự giải quyết những vấn đề của riêng họ hay của cộng đồng mà không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính phủ. Và một khi một xã hội dân sự thực sự phong phú và năng động thì chế độ độc tài sẽ ngày một bị cô lập và tự suy thoái đến chổ diệt vong.

Dĩ nhiên, xây dựng một xã hội dân sự đến từ nhiều thành phần quần chúng, lãnh vực hoạt động chứ không riêng gì đối với blogger, nhưng với khả năng tiếp cận và tán phát thông tin, cộng đồng blogger sẽ là một lực lượng quan trọng trong tiến trình này.

Để đạt được mục tiêu chung, trong sinh hoạt blog có người muốn công khai, có người muốn ẩn danh, sự lựa chọn nào cũng có những mặt lợi thế và hạn chế. Việc công khai hay ẩn danh không nhất thiết đồng nghĩa với lòng can đảm hay thái độ hèn nhát. Nó cần được xem như là chọn lựa tốt nhất của mỗi cá nhân dựa vào hoàn cảnh thực tế của mỗi người để đạt được mục tiêu duy nhất: có thể đóng góp cho đất nước.

Danlambao