Trịnh Hội 05/10/2009 |
Luật sư Lê Công Ðịnh |
Cách đây vài tuần tôi có gọi điện thoại cho vợ của Lê Công Định hỏi thăm xem Ngọc Khánh đã được cho phép vào tù thăm chồng chưa. Lúc ấy Ngọc Khánh bảo là chưa và gia đình vẫn còn đang chờ ‘họ’ xử lý.
Nhưng đang nói chuyện trên điện thoại thì bỗng nhiên đường dây bị cắt. Tôi có cố gọi lại vài lần nhưng chẳng thành. Thôi thì đành chịu vậy. Chắc có lẽ có một ai đó không muốn một anh Việt Kiều như tôi làm rối người trong nhà.
Thế nhưng hôm nay đọc tin trên mạng thì tôi mới biết là Khánh đã vừa gặp được chồng và sức khỏe của Định vẫn tốt. Tôi mừng thầm cho bạn tôi. Cuối cùng thì cũng đã có tin từ chính người trong cuộc đang bị giam cầm chứ không phải từ những người đang gán tội cho Định.
Nhưng sau đôi ba phút mừng thầm cho Định và Khánh cuối cùng đã gặp mặt được nhau thì tôi lại liên tưởng đến những người con Việt Nam khác cũng đang bị giam cầm như Định. Họ không nổi tiếng như Định, không quen biết nhiều như Định nhưng chắc chắn là họ cũng yêu thương đất nước, cũng miệt mài suy nghĩ cho vận mệnh của giống nòi giống như Định. Họ là Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng và một số bạn bè, thân hữu khác đã và đang bị giam cầm suốt năm vừa qua.
Và sắp sửa đây họ sẽ bị nhà cầm quyền Việt Nam đem ra xử với cái tội mà vừa nghe qua đã thấy không ổn: Tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Tôi tự hỏi: Thế nào là tuyên truyền? Và phải làm điều gì thì mới được cho là không chống?
Thật ra thì tôi hỏi chỉ để cho có hỏi mà thôi vì trước khi hỏi tôi đã có câu trả lời. Sau đúng một năm sống và làm việc ở Việt Nam cho đến cuối năm ngoái, một điều tôi nhận thấy rất rõ đang tràn lan ở khắp cùng xã hội Việt Nam đó là nếu như bạn muốn có một cuộc sống êm đềm, thoải mái thì tốt nhất là bạn nên im lặng.
Tôi vẫn còn nhớ hoài câu nói của một người cô tôi lúc tôi đến thăm gánh cháo cá của cô đang bán bên trong chợ Bàn Cờ ở quận 3 Sài Gòn trong một buổi tối trời, ngập lụt khắp nơi. Cô là người trong gia đình chưa bao giờ được cho học cao và từ nhỏ chỉ biết suốt ngày lo chuyện áo cơm cho chồng con, cha mẹ. Nhưng khi nghe tôi kể những điều trái tai gai mắt mà tôi vừa mới thấy được trong xã hội thì cô rất bình thản xem như đấy là một vấn đề rất tự nhiên và bảo với tôi là: ở cái xứ này ai mà không phải giả mù, giả câm, giả điếc hả con?
Thì ra là thế. Chẳng còn điều gì để cần bàn ra tán vào nữa. Muốn được cho là không chống thì tốt nhất là bạn nên im lặng. Vì suy cho cùng nếu như bạn bị lâm vào cảnh khốn cùng như Định, như Đài, như Anh Nghĩa, như Nhân thì ai sẽ là người dám đứng ra bênh vực cho bạn. Ai sẽ là người thay thế bạn lo cho cha mẹ già, cho vợ trẻ, cho con thơ?
Cũng vì thế mà hầu như cả nước từ Bắc chí Nam, từ già đến trẻ, người có học thức, danh tiếng hay tiền tài ai ai cuối cùng cũng chọn giải pháp im lặng. Im lặng không có nghĩa là đồng ý. Nhưng im lặng cũng có nghĩa là chấp nhận những sự bất công hiển nhiên và làm ngơ trước tiền đồ của dân tộc.
Thế riêng tôi thì sao? Tôi đâu còn vợ con để lo. Cũng chẳng có cha mẹ già cần phải phụng dưỡng (vì đã có chính phủ Úc lo từ trong ra ngoài hay hơn tôi nhiều!).
Chả lẽ tôi cũng đành phải im lặng chấp nhận như mọi người? Học cao để làm gì khi bạn bè mình đang lâm nạn trong khi đó thì mình vẫn im hơi, lặng tiếng?
Chắc là phải có đường thôi. Đường nào cũng được nhưng chắc chắn sẽ có. Vì tôi luôn tin tưởng rằng trong một ngày không xa dân tộc Việt Nam sẽ chào đón và cảm ơn những tù nhân lương tâm đã một thời xả thân cho đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét