Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Những bất ngờ của lịch sử

Phạm Toàn dịch

Václav Havel là Cựu Tổng thống Cộng hòa Czech, nhà văn và kịch tác gia. Sinh ở Praha năm 1936, ông là học trò của nhà triết học Jan Patocka và đi theo nghề sân khấu mặc dù các kịch bản của ông đều bị kiểm duyệt gắt gao. Sau khi là đồng sáng lập viên của Hiến chương 77 và nhiều năm bị giam cầm, cuộc “Cách mạng Nhung” năm 1989 đã đẩy ông vào nghiệp chính trị. Ông làm Tổng thống Cộng hòa Czech từ 1993 tới 2003.

___________________

Vào cái thời mà tôi còn thuộc số những người được gọi là “bất đồng chính kiến”, đôi khi tôi tiếp các nhà báo từ phương Tây đến. Các câu hỏi của họ cho thấy họ vô cùng ngạc nhiên trước sự kiện là chúng tôi, những người bất đồng và chống đối – khi đó chỉ chiếm một tỷ lệ vô cùng bé nhỏ trong dân chúng – hoạt động công khai đòi thay đổi cơ bản tình hình, nhưng thoạt nhìn thì ai cũng thấy là chẳng khi nào chúng tôi có thể thu được kết quả gì to tát hết.

Ngược lại, hình như mọi nỗ lực của chúng tôi chỉ dẫn tới kết quả là những cuộc bức hại mới. Do chỗ chẳng có chút gì quyền lực để mà dựa vào, do thiếu một sự ủng hộ rõ rệt từ một bộ phận rất quan trọng của xã hội, những khát vọng của chúng tôi như thể là vô vọng. Bạn tính sẽ thành tựu tới đâu khi bạn không được sự ủng hộ của giai cấp công nhân, của giới trí thức hoặc của một phong trào nổi dậy, của một chính đảng hoạt động hợp pháp hoặc một lực lượng xã hội có tầm quan trọng nào khác nữa? Dó là những câu hỏi thời đó của các nhà báo, và chúng tôi cũng có sẵn cho họ mọi câu trả lời.

Những người nêu câu hỏi bộc lộ sự ngạc nhiên của mình như thế đều xuất phát từ ý nghĩ rằng họ đã hiểu rõ mọi cơ chế của lịch sử, và do đó mà họ cũng biết được tỏ tường những gì sẽ xảy ra hoặc có khả năng xảy ra, họ biết được đâu là điều có cơ may nổ bùng và đâu là không có những khả năng ấy, họ biết được cái gì là hợp lý, là có tính thực tiễn, và cái gì là thuần túy điên rồ. Trong các cuộc chuyện trò, tôi đều hơn một lần nhấn mạnh rằng trong một chế độ cực trị, thật khó mà nhìn thấu ruột gan của xã hội khi nhìn quanh chỉ thấy sự vật là một khối nguyên vẹn và đâu đâu cũng chỉ thấy một sự trung thành với chế độ.

Trước hết có nỗi sợ đào luyện con người, nên cái vẻ ngoài thống nhất vẹn nguyên như thế thực ra lại là vô cùng yếu đuối. Không một ai có khả năng tiên báo rằng một ngày nào đó chỉ một nắm tuyết con con tình cờ sẽ tạo ra cả một trận lở núi tuyết. Cái trạng thái tinh thần này hiển nhiên không phải là duy nhất và cũng chẳng hề là động lực cho hành vi của chúng tôi thời đó, nhưng tình cảm của chúng tôi khi đó là như vậy. Bài học ta có thể rút ra từ đó thật hiển nhiên: ta không bao giờ nên cho rằng mình đã nắm bắt được toàn bộ các quy luật của lịch sử, và do đó, ta cũng không tài nào tiên báo được những gì rồi sẽ xảy ra.

Cách đây hai chục năm, ở Tiệp Khắc có một nắm tuyết con con xuất hiện dưới hình thù một cuộc đàn áp sinh viên hung bạo, và nắm tuyết đó đã biến thành trận lở núi tuyết. Thế rồi toàn bộ hệ thống cực trị đã lung lay, rồi nó sụp đổ như thể một tòa lâu đài ghép bằng giấy bồi. Chuyện này có căn nguyên là vô số nhân tố, trong đó có cuộc khủng hoảng nội tại sâu xa của toàn chế độ, là những biến cố xảy ra ở các nước láng giềng hoặc một hoàn cảnh quốc tế thuận lợi.

Bất kể thế nào thì khi đó chúng tôi đều ngạc nhiên vì tình hình quay ngoắt nhanh đến thế và dễ dàng đến thế. Đứng trước sự kiện, thấy rõ là các nhà bất đồng chính kiến cũng sững sờ chẳng kém gì các nhà báo và các nhà nghiên cứu chính trị phương Tây. Đến lượt mình, chúng tôi cũng thấy mình không có khả năng định ra được giải pháp đúng trước tình hình, và cuối cùng có thể đủ sức tiên báo những hệ quả. Khi đó chúng tôi đã tìm cách ứng xử như những con người tự do, chúng tôi nói ra sự thật, chúng tôi đưa ra chứng cứ về tình hình đất nước mình. Khi đó chúng tôi chẳng có tham vọng nắm quyền lực.

Do không có phương án khác, chúng tôi đã phải lúng túng chấp nhận quyền lực đó. Và cũng vào thời điểm đó còn có một sự kiện thú vị khác nữa: vô số người trong nhiều năm đã chịu lặng câm mà đi đều bước với chế độ, có cả vô số những người đã lên án những nỗ lực vô vọng của chúng tôi, những người này khi đó lại lớn tiếng chê trách chúng tôi kém chuẩn bị tiếp nhận vai trò của mình trong lịch sử. Ngay cả hôm nay đây, vẫn có những người lớn tiếng bêu ra những điều lẽ ra chúng tôi đã phải làm nhưng lại chẳng làm, cả những điều lẽ ra chúng tôi chẳng nên làm, và cả những gì chúng tôi đã làm nữa.

Đến nơi sau khi trận mạc đã xong xuôi, những vị tướng lĩnh giờ thứ hai mươi lăm đó đã trách cứ chúng tôi về những phát biểu trước đây đáp lại những quan sát hoài nghi từ bên ngoài, trách chúng tôi chẳng có cách gì tiên lượng hết mọi điều có thể xảy ra, trách cả việc chúng tôi không tiên liệu được đầy đủ những vận hành huyền bí của lịch sử cùng những gì có thể xảy ra trong tương lai. Trách cứ cả chúng tôi là đã không chấp nhận cái khả năng xảy ra một sự kiện mà tới khi đó chúng tôi vẫn cho là khó có thể xảy ra.

Đúng thế, trong những người bất đồng chính kiến có cả các giáo sư, họa sĩ, nhà văn và công nhân chạy lò sưởi cho thành phố, nhưng tịnh không có nhà chính trị nào hết. Vả lại, dưới chế độ cực trị, chúng tôi biết tìm ở đâu một thế hệ nhà chính trị để thay ê-kíp kia chứ? Số lượng lớn những chuyện đặt ra như vậy là chẳng có gì đáng ngạc nhiên nữa.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng việc chúng tôi không có ý định lãnh trách nhiệm lịch sử hoặc nói cho đúng hơn là trách nhiệm trong cuộc chạy nước rút của lịch sử cũng là tốt thôi. Nói chung, tôi không tin lắm vào mọi điều gì được chuẩn bị quá kỹ càng. Nhưng trong cái nhiệt tình của đông đảo mọi người trước một cuộc cách mạng diễn ra không đau đớn và khi mọi người đều góp tay vào một cách không vị lợi, thì hình như việc phục hồi một nền chính trị dân chủ và việc phi nhà nước hóa nền kinh tế phải được trống rong cờ mở mà tiến hành thôi.

Mặc dù vậy, tình hình đã không như thế. Thấy rõ là không thể nào trong vài ba giờ đồng hồ hoặc trong vài ba ngày mà nghĩ đủ, mà chuẩn bị đủ và tiến hành đủ các cải cách thiết yếu. Những ngày đó, biết bao nhiêu lần tôi đã nổi nóng vì mọi sự đều chận trễ và mọi sự đều không diễn ra như ý mình. Có lẽ điều ngạc nhiên nhất đối với tôi, ấy là sự khám phá ra rằng có lẽ tôi không phải là người duy nhất trong chừng mực nào đó đã có thể tác động vào lịch sử, nhưng lại không thể tác động đột ngột vào nó được.

Ngay từ khởi đầu, và lý do đều chính đáng cả, nước chúng tôi cũng như các nước khác trong khối Xô-viết cũ, đã triển khai toàn bộ để mở ra cho mình các cánh cửa của những thiết chế kiểu Tây phương, nhất là của tổ chức hiệp ước Đại Tây dương (NATO) và Liên hiệp châu Âu. Và đó là điều đã diễn ra. Tiến trình gia nhập đã chiếm mất vô khối thời gian và phải vượt qua vô số mạch đá ngầm. Tôi cho rằng bây giờ đây chúng tôi đã neo đậu được rồi vào cái không gian đã là của chúng tôi đó và chúng tôi đã giành giật mạnh mẽ mới được. Dẫu sao, tôi không tin chắc rằng những nền dân chủ “lâu đời” của phương Tây đôi khi lại không tiếc rằng đã thả cho chúng tôi dễ dàng xuôi thuyền vào không gian to rộng ấy. Và nếu như để đến bây giờ họ mới có quyết định, thì tôi không tin tưởng lắm là họ đã chấp nhận cho chúng tôi vào đó với họ.

Nếu đúng như vậy thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Nhưng đồng thời, và hẳn là bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì ở đây, sự kiên trì lại phải trả giá. Chúng tôi đã thử thách sự kiên trì khi chúng tôi ở trong phòng trào bất đồng và chống đối và cả trong khi chúng tôi vất vả dựng xây một nhà nước dân chủ. Không phải là cứ cầm cỏ mà nhấc lên thì cỏ mọc đẹp đâu ạ.

Đôi khi cứ muốn điên tiết lên, nhưng hình như cứ đến rằm thì trăng sẽ tròn. Suy nghĩ rằng châu Âu mãn kiếp chia rẽ là một ý tưởng bệnh hoạn. Nghĩ như thế, như ở vùng của tôi, có thể đi tới chỗ dấy lên cao trào dân tộc chủ nghĩa và tạo ra những kẻ dân tộc hung hăng, điều đó ta thấy ở khắp nơi khi nền tảng không ổn định. Và điều đó đã từng tạo điều kiện cho biết bao nhiêu bước ngoặt ở phương Tây và cuối cùng là cho cả thế giới như những chuyện rắc rối chúng ta đang gây ra. Chưa kể là ổ dịch thì không thiếu, chỉ chờ để mà bùng phát thôi.

Như thế, việc chúng ta phải tỏ ra kiên nhẫn thật hết sức có ý nghĩa. Mất kiên nhẫn có thể dẫn tới sự cao ngạo, và cao ngạo lại dẫn tới mất kiên nhẫn. Tôi hiểu “cao ngạo” là niềm tin kênh kiệu cho rằng chỉ riêng mình là biết đủ thứ, riêng mình hiểu được lịch sử, mà hậu quả là dễ dàng đoán định lịch sử. Và khi sự việc và sự kiện diễn ra khác hẳn những gì mình định liệu, thì chỉ còn biết một giải pháp là bắt tay vào can thiệp. Can thiệp bằng sức mạnh nếu cần. Cộng sản vẫn hành động như vậy.

Sự quá tự tin của các lý thuyết gia và các nhà kiến tạo lý thuyết như thế đã dẫn tới hệ thống trại cải tạo kiểu gulag. Từ lúc xuất phát, họ đã tin chắc rằng họ hiểu thấu các bí ẩn trong những quy luật lịch sử và do đó mà họ biết rõ cách xây dựng ngay tắp lự một thế giới công bằng hơn. Nghĩ như vậy rồi thì còn cần gì mất công giải thích nữa cho những con người đã biết cách xây dựng ngay một thế giới tốt đẹp hơn cho nhân loại, bất kể nhân loại đó nghĩ gì. Đối thoại chỉ làm mất thì giờ, và muốn gì thì muốn, đã định làm đĩa trứng rán thì phải đập trứng rồi.

Khi tấm màn sắt bị hạ và kết thúc việc phân chia thế giới theo hai cực, điều cho tới lúc đó vẫn được coi là nguồn gốc mọi tệ hại, rõ ràng là đã tạo nên một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng. Một hình thức bạo hành đối với thế giới đã chấm hết, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ ba tiêu tan. Ban đầu, vô khối người đã nghĩ chính lịch sử đã chấm dứt và một thời kỳ đẹp tươi mới mẻ đã bắt đầu.

Cả điều đó cũng biểu hiện sự thiếu khiêm nhường trước những huyền vi của lịch sử, hoặc đơn giản là biểu hiện của sự thiếu đầu óc tưởng tượng. Và quả thực là ở chân trời xa chẳng thấy lịch sử chấm hết ở chỗ nào cả. Đúng là vô số nguy cơ to lớn đã lùi xa, nhưng vô vàn đe dọa với vẻ ngoài không đáng sợ mấy đã xuất hiện khi cái vòng kim cô hai cực bị phá vỡ. Nhưng chúng ta đã coi thường nguy cơ nào trong thời toàn cầu hóa? Xưa kia, các cuộc thế chiến được khởi động từ châu Âu, từ cái lục địa từ lâu đời vẫn là trung tâm của thế giới văn minh. Liệu chúng ta có tin chắc là sự thể cứ như vậy mãi mãi?

Giờ đây, khi mà bất kỳ tên độc tài nào cũng có thể có được bom nguyên tử, liệu có chăng khả năng một xung đột địa phương rồi sẽ tàn phá toàn thế giới? Bọn khủng bố từ nay đã chẳng có thêm vô số khả năng trong tầm tay mà thời xưa chúng không có nổi đó sao? Cái nền văn minh vô thần đầu tiên trong lịch sử này, nó chưa bao giờ tuyên bố là sẽ sống lâu muôn tuổi, song liệu nó có thấy chăng sự xuất hiện vô số đe dọa trầm trọng mà đơn giản chỉ vì nó thiếu sáng suốt? Liệu rồi có ra đời những thế hệ mới gồm những kẻ bị ám ảnh, những kẻ cuồng tín và luôn luôn hằn thù và lại là những kẻ được thời đại chúng ta cung cấp cho những khả năng làm hại to rộng hơn rất nhiều so với xưa kia? Liệu chúng ta hàng ngày có phạm chút lỗi lầm nào gây hại cho hành tinh này với những hậu quả không chỉ là bi thảm mà còn là những hậu quả vô phương cứu chữa?

Tôi cảm thấy hình như điều vô cùng quan trọng hôm nay – và những trải nghiệm riêng của tôi không ngừng làm tôi hết tin tưởng như vậy – có lẽ là nên có một thái độ khiêm nhường đối với cuộc đời rộng lớn, biết tôn trọng những gì vượt quá sức chúng ta, biết quan tâm đến sự tồn tại những điều huyền vi mà chúng ta không bao giờ hiểu nổi, và nên biết rằng chúng ta cần chịu trách nhiệm mà không dựa trên niềm tin là chúng ta đã biết hết mọi điều, đặc biệt là niềm tin về cách thức sự vật sẽ diễn ra và chấm hết. Chúng ta chẳng biết gì ráo. Nhưng hy vọng thì lại là cái không một ai trong chúng ta được vứt bỏ. Vả chăng, một cuộc đời mà chẳng có chút gì để mà ngạc nhiên thì cũng thật là ngán ngẩm.

Zuzana Tomanova cùng Maxime Forest dịch từ tiếng Czeh sang tiếng Pháp

Nguồn: Le Monde 31/10/2009

Bản tiếng Việt © 2009 Phạm Toàn

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét