Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

Bạch ốc thua một keo

Không ai muốn nghe những lời chỉ trích, nhất là những người làm lớn. Tổng thống Mỹ, tuy đứng đầu một nước dân chủ mà tự do ngôn luận được coi như một quyền thiêng liêng, ngang với tự do tôn giáo, cũng nằm trong số này. Dù Cộng hoà như Nixon, Dân chủ như Kennedy, cũng đã từng muốn bịt miệng báo chí. Obama cũng muốn nối gót, nhưng vừa thua truyền thông một keo, đáng coi là bài học để đời.

Truyền thông Mỹ, đa số có khuynh hướng cấp tiến, nhất là trong lãnh vực phát thanh, truyền hình, như ABC, NBC, CBS, PBS, NPR, MSNBC. Chỉ có FOX rõ ràng theo khuynh hướng bảo thủ, trở thành cái gai đối với chính quyền Dân chủ của Tổng thống Obama. Đó là lý do khiến ông Obama và các bộ hạ tại Bạch ốc muốn nhổ cái gai này.

Trận chiến chống FOX bắt đầu bằng biện pháp cô lập. Tháng 9 vừa qua, ông Obama đã xuất hiện trên chương trình ngày chủ nhật của tất cả các hãng truyền hình, trừ FOX. Trong khi ấy, các nhân vật cao cấp của Bạch ốc lên tiếng tố cáo FOX không phải là một hãng truyền thông bình thường, mà là một cơ sở truyền bá quan điểm trá hình dưới dạng truyền tin.

Bà Anita Dunn, Giám đốc thông tin (Communications director) Bạch ốc tuyên bố: “Hầu hết hoạt động của Fox News thường giống như một bộ phận nghiên cứu hay bộ phận loan tin của Đảng Cộng hòa”, và: “Chúng tôi sẽ đối xử với họ như cách cư xử với kẻ chống đối. Vì họ đã khai chiến chống lại Barack Obama và Bạch ốc. Chúng tôi không cần phải giả bộ coi rằng đây là cách hành xử hợp pháp của một cơ quan thông tin”. Cố vấn trưởng của Obama là David Exelrod tuyên bố: “Fox không đích thực là một đài thông tin”. Chief of Staff (tương đương Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống) Rahm Emanuel thì đe dọa các hãng truyền thông khác “đừng có theo chân Fox”.

Chiến dịch “phi pháp hóa” (de-legitimize) Fox, lúc đầu không tạo phản ứng mạnh trong giới truyền thông. Fox chẳng những không đi cùng đường, còn ăn khách hơn các đồng nghiệp; vừa ghen, vừa tức, đồng nghiệp chẳng mấy người có cảm tình, trừ một vài cây viết có khuynh hướng bảo thủ. Một trong số này là Ruth Marcus.

Trong bài “Cuộc chiến ngu xuẩn của Obama với Fox News” (“Obama’s dumb war with Fox News”) trên Washington Post ngày 19 tháng 10, Marcus đã liệt kê những điểm ngu xuẩn trong cuộc chiến của Obama như sau:

-  Làm cho Bạch ốc có vẻ yếu, không theo được lời khuyên của Harry Truman là “gần lửa rát mặt”, kỵ lửa thì tránh vào bếp.

-  Làm cho Bạch ốc bé nhỏ đi, tự hạ mình đôi co ngang hàng với người đứng đầu talk show như Glenn Beck trên Fox.

-  Làm cho Bạch ốc có vẻ trẻ con, trả thù báo chí, giống như Nixon đã ghi tên một số nhà báo vào sổ đen.

-  Tự hại mình và làm lợi cho Fox: Sự chú ý của dân chúng vào những vấn đề trọng đại bị phân tán, trong khi người theo dõi Fox tăng lên.

-  Nhiều viên chức cao cấp mất cơ hội xuất hiện trên Fox để trình bày quan điểm của chính phủ trước dân chúng.

Lập luận của Ruth Marcus khá hợp lý. Thời gian vừa qua, người coi Fox tăng tới 14%. Nhưng Bạch ốc vẫn “đường ta ta cứ đi”. Ngày 22 tháng 10, Bạch ốc thực hiện đợt nhì trong trận chiến cô lập Fox.

Từ lâu, để tiết kiệm ngân khoản và nhân lực, 5 hãng truyền hình ABC, CBS, NBC, CNN và FOX đã thành lập một tổ hợp (pool) để làm việc trong mỗi cuộc phỏng vấn, với những phóng viên khác nhau, nhưng chỉ có một nhóm quay phim. Bộ Tài chánh dành cho tổ hợp truyền thông này một cuộc phỏng vấn vào ngày thứ Năm 22 tháng 10. Nhân vật trả lời phỏng vấn là Kenneth Feinberg, chức vụ Special master for compensation, thường được gọi là “pay czar”, người đứng đầu việc cứu xét bổng lộc của các viên chức cao cấp. Chức vụ này mới được tạo ra từ thời chính quyền Obama, để đối phó với những khoản lợi tức khổng lồ được trả cho giới lãnh đạo ngân hàng, mặc dù làm ăn thua lỗ, phải nhờ ngân sách quốc gia cấp cứu.

Đòn phép được tung ra là, Fox bị loại khỏi cuộc phỏng vấn này. Sau khi thảo luận, đại diện các hãng truyền hình đã mau chóng quyết định: Có Fox hay không có phỏng vấn. Bạch ốc đã phải nhượng bộ, cho cả Fox tham dự phỏng vấn, và xin lỗi về những gì đã xảy ra.

Đúng là trận đánh ngu xuẩn, và Bạch ốc đã thua một keo.

Theo nhận định của các nhà phân tích thời cuộc, thái độ của Bạch ốc đối với Fox News hoàn toàn hợp pháp. Nhưng ngoài sự quy định của luật pháp, còn có những chuẩn mực trong mọi lãnh vực của sinh hoạt xã hội. Fox có quyền phê bình chính phủ, chính phủ cũng có quyền chỉ trích lại Fox. Nhưng khi chính phủ loại Fox ra khỏi sinh hoạt truyền thông, là đã bước qua ranh giới không nên bước.

Ngoài ra, nếu nói về loan tin thiên vị, thì không phải chỉ một mình Fox News thiên vị. Nếu Fox News rõ ràng thiên về phía bào thủ, loan tin có lợi cho đảng Cộng hoà và chỉ trích đảng Dân chủ, thì MSNBC cũng không che giấu được khuynh hướng cấp tiến, loan tin có lợi cho Dân chủ và có hại cho Cộng hoà. Trên CNN ngày 28 tháng 10, Campbell Brown đã nêu ra câu hỏi hợp lý: Nếu Bạch ốc làm khó Fox News chỉ vì loan tin thiên vị, tại sao không đả động gì tới MSNBC? Như vậy, hành động của Bạch ốc rõ ràng có tính cách phe đảng chèn ép tiếng nói chống đối, không phải là vì nguyên tắc thông tin vô tư. Và trong khi chỉ trích Fox News thiếu vô tư, chính Bạch ốc đã thiên vị.

Dù một cơ chế có nhiều quyền lực như Bạch ốc, khi đã bước qua ranh giới không nên bước, thì khó tránh gặp phản ứng thích đáng. Phản ứng này đồng thời cũng là thước đo trình độ của những người liên hệ. Giới truyền thông Mỹ, do cạnh tranh nghề nghiệp, chẳng ưa gì Fox. Nhưng khi Bạch ốc bước qua làn ranh, họ mau chóng đứng với Fox để chống lại. Đó là thái độ cần phải có trong xã hội văn minh. Và chuyện này không phải chỉ xảy ra ở Mỹ.

Tháng 3 năm 2007, Tổng thống Pervez Musharraf của Pakistan cách chức Chủ tịch Tối cao Pháp viện là ông Muhammad Chaudhry, vì sợ bị ông này chống đối. Ba ngày sau, giới thẩm phán và luật sư biểu tình phản đối. Bốn tháng sau, ông Musharraf phải đồng ý để ông Chaudhry trở lại chức cũ. Cuối cùng, chính ông Musharraf phải từ chức tổng thống.

Nhưng tại Việt Nam thì khác: Ngay sau khi các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và Lê Công Định bị bắt vì lý do chính trị, chẳng những  không được đồng nghiệp bênh vực, còn bị luật sư đoàn mau mắn loại khỏi đoàn thể, ngay cả trước khi bị tòa tuyên án.

Cũng tương tự như vậy trong lãnh vực báo chí. Sau khi mấy ký giả bị bắt vì viết bài chống tham nhũng, chẳng những không được bênh vực đến nơi đến chốn, còn bị gọi là “cựu” ký giả ngay trên báo mình, và có “đồng nghiệp” viết bài lên án.

Điều thú vị là câu truyện Bạch ốc thua truyền thông trên đây cũng được tờ The Straits Times đăng ở Singapore, với tựa lớn là “Obama’s war on ‘Fox lies’ may backfire” (Trận đánh của Obama với ‘Fox điêu’ có thể dội ngược). Singapore là nơi tự do báo chí bị xếp hạng thấp hơn cả nhiều nước bán khai ở Phi châu. Nơi chính phủ không cần chỉ trích, cũng chẳng cần cấm cửa báo chí. Nhưng nếu báo chí chỉ trích người cầm quyền, thì phần chắc là sẽ bị kiện ra tòa vì tội phỉ báng. Và nếu không trưng được bằng cớ, sẽ bị phạt nặng tới sạt nghiệp. Nếu không đủ tiền nộp phạt, thì vào tù.

The Straits Times kết luận: “Vấn đề lớn nhất của ông Obama hiện nay là, dù ông có tài hùng biện và thuyết phục tới đâu, cũng có những thắc mắc về khả năng lãnh đạo của ông. Đất nước hôm nay vẫn chia rẽ như thời chính quyền ông Bush, và một số lớn cử tri vẫn còn thận trọng về lịch trình của ông”.

Ông Obama gặp Sư trưởng Lý Quang Diệu vào ngày 29 tháng 10 tại Bạch ốc. Biết đâu chả học được vài kinh nghiệm lãnh đạo.

 

© 2009 Đinh Từ Thức

© 2009 talawas blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét