Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

Vượt qua nỗi sợ hãi

Quốc Phương BBC Blog

Nhận nhiệm vụ đi tiền trạm, lấy tư liệu cho Ban Việt ngữ, chuẩn bị kỷ niệm 20 năm sụp đổ bức tường Berlin và cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu, tôi và Chris, đồng nghiệp trẻ phụ trách quay camera ở Thế giới vụ đài BBC, vô cùng phấn khởi.

Thoắt đi thoắt lại mà đã năm năm kể từ lần gần nhất tôi tới Đức, (hồi đó là ở Frankfurt am Main, vào năm 2004) khoảng thời gian đủ làm tôi có lại một cảm giác vừa lạ vừa quen.

Tôi nói với Chris: "Bạn biết không, chính sân bay Schoenefeld này là nơi mà gần 30 năm trước một người anh và một người chị ruột của tôi đã tới Đức, để lao động hợp tác đấy."

Trong suốt chuyến bay, tôi bồi hồi hình dung lại anh chị tôi và bạn bè của họ đã bỡ ngỡ ra nước ngoài thế nào và vất vả ra sao để có thể kiếm tiền giúp đỡ kinh tế gia đình.

Rồi khi ngồi trong chiếc xe của một đồng nghiệp nhà báo từ Berlin ra đón, tôi thấy đường phố, cửa hàng, xe cộ, giao thông nườm nượp, tất bật.

Nhiều nơi mà chúng tôi qua, đây đó vẫn hiện ra những chiếc cần cẩu đồ sộ, vượt cả tầm cao của những khu cao ốc thương mại hay chung cư hiện đại to lớn.

Tranh tường 'nguyên thủy'

Một giáo viên đại học người Đức, anh Michael Krause, 28 tuổi, đưa chúng tôi thăm một loạt địa điểm kỷ niệm cuộc thống nhất 20 năm.

"Suốt mấy tháng nay, các nghệ sỹ khẩn trương hoàn tất các bức tranh tường, để kịp chuẩn bị cho ngày 09/11," Michael kể, khi chúng tôi tới thăm một khu tường Berlin giữ lại làm trưng bày.

berlin.jpg
"Có nhiều bức đã có từ xa xưa, hồi bức tường mới bị gỡ bỏ, còn có nhiều bức người ta vẽ lại, vẽ thêm, mà chỉ những người dân sống ở đây hoặc những người tinh ý mới thấy được."

 
Michael cho biết căn hộ của cha mẹ anh ngày trước, nằm cách đoạn tường có nhiều tranh này, chỉ khoảng 15 phút đi bộ.

"Hồi nhỏ, tôi thường đi học qua đây, những bức tranh luôn nằm trong trí nhớ của tôi," chàng giảng viên về truyền thông nói.

Còn Hans, người lái xe taxi của chúng tôi, cho biết có khoảng 200 người bị lính biên phòng Đông Đức bắn chết khi họ thử vận may vượt qua bức tương cao từ 4-5 mét, dài chừng 120 km bao quanh Tây Bá Linh tiếp giáp với Đông Đức.

"Có một phụ nữ cùng tuổi với tôi bị bắn hạ, khi chỉ còn vài bước chân là leo qua bên kia," ông tài xế năm nay 55 tuổi nói.

'Tìm mình trong ảnh'

Theo chân người bạn Đức, chúng tôi quyết định lấy tàu điện ngầm để tới Quảng trường Alexanderplatztại trung tâm Đông Berlin .

Quảng trường Alexander hiện ra chói chang và sáng ngợp trong ánh nắng mùa thu, với tàu điện như mắc cửi và dòng người bộ hành, mua bán qua lại nườm nượp.

berlinfall.jpg
Đây là nơi mà bạn có thể xem giờ quốc tế qua chiếc tháp đồng hồ thế giới (Weltzeituhr), cũng như có thể nhìn thấy rõ mồn một tháp truyền hình Fernsehturm cao tới 365 mét, niềm tự hào một thời của Đông Đức.


"Quảng trường này nay là một điểm thương mại và du lịch sầm uất bậc nhất ở trung tâm Đông Berlin ," Michael nói.

Anh cho tôi biết cách đây 20 năm, ở đây đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình, đòi dân chủ và thống nhất Đức, mà có cuộc có tới trên 500.000 người dân Đông Đức tham gia.

Chúng tôi rẽ vào thăm một triển lãm trưng bày ngoài trời. Đây là một gallery song ngữ Đức - Anh, giới thiệu toàn bộ quá trình thống nhất nước Đức, từ các phong trào đấu tranh bí mật, bán công khai, công khai và tới những ngày đầu xây dựng thể chế mới.

Cũng có những pa-nô với ảnh, minh họa diễn biến các cuộc cách mạng dân chủ từ Ba Lan, Hungary, Tiệp, Bulgaria, qua ba nước cộng hòa Baltic cũ thuộc Liên Xô, đến Nam Tư cũ và Rumania.

Ở một tủ kính, tôi thấy có trưng bày những chiếc máy chữ, máy in đời cũ, được người dân Đông Đức sử dụng in tài liệu, truyền đơn trong cuộc cách mạng.

Ở một góc khác, có một chiếc cặp ca-táp bằng da, chứa những biên lai, mà theo ghi chú là những chứng từ của Đảng Thống nhất XHCN Đức cũ, sử dụng tiền đóng thuế của người dân cho hoạt động của Đảng này.

"Tôi biết rất rõ bức ảnh này, cả bức ảnh kia cũng thế, và thực tế là tôi đang thử tìm xem tôi đang ở đâu," bà Eva, một phụ nữ Đức ngoài 60 tuổi vừa chỉ vào một bức ảnh đám đông biểu tình ở Quảng trường Alexander, vừa nói với chúng tôi.

Bà tự giới thiệu đã có mặt trong nhiều cuộc biểu tình ở Berlin hồi năm 1989, trong đó có cuộc biểu tình đông nhất ở chính quảng trường này.

"Tôi và bạn trai còn vác cuốc chim ra đập bức tường nữa," bà nói.

'Vượt qua sợ hãi'

"Làm thế nào mà bà dám xuống đường biểu tình, bà không sợ bị công can bắt hay sao?" tôi hỏi.

"Có chứ, trước đó ai cũng sợ, nhưng khi chúng tôi biết mình cần gì, thì cả nước không còn sợ sệt nữa," người phụ nữ thời đó làm nghề bán hàng mậu dịch nói.

"Thế ngày nay bà sống ra sao, bà có hài lòng không?"

"Có chứ, cuộc sống khá hơn trước rất nhiều, như anh thấy đấy," Eva trả lời.

"Tuy nhiên tôi nghĩ bà Merkel, nhiệm kỳ vừa qua làm chưa thực tốt," bà bình luận về nữ thủ tướng Đức mới tái đắc cử.

Rồi trước khi chia tay, bà giải thích:

"Giá cả lên cao, thất nghiệp vẫn còn nhiều, trong khi hưu bổng thì chưa hoàn toàn đảm bảo như ý nhiều người." 

Tối hôm đó, khi trở về khách sạn, ngẫm lại những gì đã tận mắt nhìn thấy, tôi thầm so sánh chúng với những lo lắng ngày trước của nhiều người thuộc thế hệ cha, chú tôi ở Việt Nam về Đông Âu thời bấy giờ.

Khi đó, nhiều người trong họ cho rằng Đông Âu XHCN cũ, như Đông Đức, sụp đổ sẽ gây ra những đổ vỡ, bất ổn chính trị xã hội khôn lường, rằng các quốc gia này sẽ như 'ong vỡ tổ', và 'rơi vào tay' phe tư bản chủ nghĩa v.v...

Và tôi thấy rằng cần phải nói lại với họ rằng không phải như thế, ít nhất như nước Đức mà mà tôi tận mắt thấy, đất nước này vẫn tồn tại và luôn luôn phát triển.

Nước Đức chẳng hề 'rơi vào tay' của ai, hay của thế lực 'đen tối' nào cả, mà ngược lại, đang tự định đoạt số phận của mình ở trong tay của những công dân tràn đầy tự do nhưng không hề thiếu đầu óc quan sát, phê phán như Michael, Hans hay Eva và biết bao nhiêu người khác nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét