Được biết Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất sắp diễn ra từ ngày 21-23/11.
Chủ đề cuộc gặp, theo ban tổ chức, là “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”.
Tiêu chí thì hay, nhưng không hề mới đã làm nảy sinh câu hỏi là sao vấn đề hay như vậy mà qua hằng chục năm vẫn không tiến bộ khả quan? Thiết nghĩ trong một cái nhìn dài hơi, thì sự đóng góp của kiều bào quan trọng nhất là chuyển tải thông tin và tri thức tiên tiến về nước, đặc biệt khi kiều hối cùng những quan hệ trực hệ theo thời gian mà ít dần đi.
Suy tính về phương pháp và hiệu quả chuyển giao tri thức, chắc chắn không thể bỏ qua thực tế sử dụng trí thức trong nước. Người viết muốn hình dung những rào cản với trí thức Việt kiều, thông qua việc khảo sát giới trí thức Việt Nam.
Trí thức Việt Nam - cắt một lát!
Thôi thì ta tạm gọi những người được đào tạo có trình độ đại học trở lên ở Việt Nam là trí thức, mặc dù GS Phan Đình Diệu đã từng cho rằng Việt Nam chưa có đội ngũ trí thức theo đúng nghĩa.
Tìm đọc lại lớp trí thức Tây học tiêu biểu như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguỵ Như Công Tum…có vẻ các cụ chỉ được chính quyền sử dụng như những “lá bài” chính trị hơn là tạo điều kiện để tri thức của các cụ tỏa sáng, truyền bá tới các tầng lớp nhân dân và hậu thế.
Nhắc lại như vậy để thấy, loại trí thức cây Đa, cây Gạo ở Việt Nam hầu hết là bắt nguồn đào tạo từ “lò” Liên Xô, Đông Đức, Trung Quốc và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũ. Riêng Liên Xô (cũ) cho tới lúc rã đám (1990) đã đào tạo cho Việt nam 52.000 đại học, sau đại học và khoảng 100.000 công nhân kỹ thuật. Trong suốt chiều lịch sử của chiến tranh lạnh, do lằn phân chia ý thức hệ, “kênh” thông thương của trí thức Việt nam với thế giới cơ bản là các nước XHCN.
Khối XHCN Đông Âu sập đổ, giới trí thức Việt Nam mất đi chỗ dựa tinh thần và hệ thống chính trị thì mất điểm tựa về ý thức hệ. Trí thức Việt Nam đồng thời mất cơ hội đào tạo cơ bản và nâng cao trình độ, nhưng nghiêm trọng nhất là mất đi “chiếc cầu trung gian” để giúp họ mường tượng ra thế giới bên ngoài đã biến đổi sang nền kinh tế tri thức như thế nào, dù rằng trình độ của các nước Đông Âu lúc ấy còn đi sau các nước Tây Âu hàng chục năm.
Mô hình công nghiệp ở những năm cuối thập kỷ 80 tại Liên xô và Đông Âu là những công xưởng “đại tướng” nhưng lãng phí tài nguyên, năng lượng và ô nhiễm. Nền công nghiệp hóa được vẽ ra bởi đội ngũ trí thức lãnh đạo Việt nam cho tương lai 2020, có dáng dấp của “thời đại công nghiệp” này vay mượn cách tổ chức của các tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc.
Trong các quốc gia phát triển, giới trí thức thường đi đầu trong các trào lưu tư tưởng và sáng tạo, làm lực lượng tiên phong đưa cả xã hội đi lên. Có thể gọi đó là tính tiên phong và “lãng mạn” mà xã hội đòi hỏi ở đội ngũ này.
Thiếu niềm tin vào năng lực tri thức cùng thứ văn hóa Khổng nho, gia trưởng được xây trên nền tảng nhất nguyên ý thức hệ, đã đẩy lớp người đang nắm quyền lực tới trạng thái tâm lí duy lợi.
Hoàng Kim Phúc
Sức mạnh của trí thức phụ thuộc vào chất lượng đào tạo, trình độ cập nhật thông tin và điều kiện tự do tư tưởng. Thiếu một trong ba yếu tố trên, giới trí thức không thể phát triển được. Cả ba điều trên đều là những thứ còn thiếu vắng trong xã hội Việt nam hiện nay.
Trong cả một thập kỷ 90 biến động và “cô lập”, giới khoa bảng Việt Nam xào xáo lại những kiến thức cũ, quay lại đào tạo lẫn nhau theo những quy chuẩn tự họ đặt ra. Đa phần những “tri thức” này giúp họ hợp thức hoá bằng cấp để giành chỗ trong hệ thống chính trị nhưng nó còn ít giá trị phục vụ xã hội vì đã lỗi thời. Lớp cán bộ này hiện nay đang nắm hầu hết các vị trí quan yếu của đất nước.
Nền tảng tri thức như vậy dĩ nhiên dẫn tới sự mất niềm tin vào khả năng tự tác nghiệp khi cọ sát với sự phát triển khoa học, công nghệ chóng mặt ở thế giới.
Thiếu niềm tin vào năng lực tri thức cùng thứ văn hóa Khổng nho, gia trưởng được xây trên nền tảng nhất nguyên ý thức hệ được tuyên huấn ngay từ thơ ấu đã đẩy lớp người đang nắm quyền lực trong các sở, vụ, viện, bộ, trung ương … tới một trạng thái tâm lí duy lợi, và giữ quyền lực bằng mọi giá. Tâm tư phổ biến của lớp cán bộ này là nhìn sự nhũng lạm quyền lực với con mắt vừa căm ghét, vừa thèm khát nhưng cũng đầy sợ sệt. Thực trạng mua quan bán tước rộng khắp từ thấp tới cao là một hệ quả nhỡn tiền.
Mọi thứ lý tưởng hoa mỹ sau “sụp đổ Đông âu” chỉ còn là màn trình diễn nhằm biện bạch cho tính chính thống hay tính tiên phong mà thực ra họ đã không còn thủ đắc nữa.
Phía bên kia
Trong những năm tháng đó, ở phía bên kia của lát cắt có một thành phần mới khác đang lớn lên. Dẫn đầu họ là những trí thức xuất sắc do may mắn nào đó “sống sót” sau những cơn “lũ quét” hồng hơn chuyên như Hoàng Tụy, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A…
Lớp trẻ hơn nằm trong nhóm người may mắn tìm được cơ hội đào tạo từ ở những nước dân chủ phát triển, bao gồm một số “con ông cháu cha”, hay những du học sinh cuối cùng ở Đông Âu XHCN tìm được cơ hội học tập và làm việc ở nước thứ ba. Số khác được đào tạo tại Việt Nam nhưng sau đó có cơ hội làm việc và trưởng thành trong các công ty, tổ chức nước ngoài, thậm chí đang làm việc trong thể chế nhưng bắt buộc phải cọ sát có hệ thống với bên ngoài do công việc đòi hỏi. Nhiều người là du học tự túc.
Sự khác biệt cơ bản của tập hợp này với những người ở phía bên kia lát cắt không hẳn là nền tảng tri thức nghề nghiệp cập nhật, tiếng Anh hoặc phương pháp tổ chức làm việc hiệu quả, vì đó chỉ là những kĩ năng nếu có đầu tư và phương cách đúng là có thể đào tạo được ở Việt Nam.
Khác biệt chính là ý thức của họ về một xã hội dân chủ.
Hoàn cảnh cọ sát học tập và làm việc đã chỉ cho họ một điều rõ ràng rằng “hoàn toàn có thể xây dựng một xã hội ít tham nhũng hơn, con người có cơ hội được đào tạo và chăm sóc sức khỏe tốt hơn nếu vận hành xã hội theo những nguyên tắc kỹ trị trên nền tảng của dân chủ và thượng tôn tam quyền phân lập.
Mặc dù về số lượng họ còn rất nhỏ so với cả một bộ máy cầm quyền, chưa kể bộ máy này còn luôn được bổ sung những “kế cận” là sản phẩm của nền giáo dục lạc hậu đang tạo ra, nhưng nhóm “thiểu số” này có những điểm mạnh tuyệt đối, đó là nó phát triển đúng với xu thế của nhân loại nên được bổ sung liên tục bởi nhiều phần tử trẻ từ lát cắt bên kia, mỗi khi họ có cơ hội đào tạo ở thế giới văn minh và nhận thức lại. Hơn nữa, khát vọng của “tập hợp” này hướng tới chính là ước vọng của cả dân tộc. Khát vọng mà trào lưu cộng sản đã hứa mang đến nhưng thất bại vì chính những phi lí từ nguyên lí của nó.
Thực tế và viễn cảnh
Người Việt chưa có văn hóa phản đối tập thể nhưng việc hàng ngàn cán bộ có năng lực, sau khi được đào tạo, bỏ “khu nhà nước” để ra tư nhân thực chất là họ đã “tỏ thái độ bằng chân” thể hiện sự xung đột mạnh mẽ giữa hai lát cắt này.
Mâu thuẫn kể trên sẽ bị trầm trọng hóa và biến thành đối kháng khi những vấn đề liên quan tới ngoại xâm và an ninh quốc gia nổi lên, vì lúc đó sự cố kết để giữ quyền lợi của các nhóm quyền lực và lợi ích trở thành vật cản để đất nước cải biến và tìm lối thoát hiểm cho cả dân tộc.
Từ thực tế trên cho thấy, ngay cả những tinh hoa trí thức hiện tại đang sống trong nước cũng không được phát huy hay sử dụng hiệu quả, thì việc kêu gọi góp sức chấn hưng đất nước từ trí thức Việt kiều, những người đang sống và làm việc trong môi trường tự do, với nhân sinh quan và thế giới quan khác biệt với không gian chính trị trong nước sẽ khó mà đồng điệu và khả thi.
Để một đất nước phát triển bền vững, giới cầm quyền cần nhận thức những quy luật có tính tất yếu để tìm kiếm những chính sách phù hợp, giải phóng năng lực sáng tạo và tránh tổn thất. Điều đó sẽ khôn ngoan hơn là làm chậm sự phát triển quy luật bằng mọi giá. Hơn nữa, chỉ khi nào những mâu thuẫn nội tại giữa quyền lực và tri thức bên trong giới trí thức tại Việt Nam được giải quyết thì khi đó mới hy vọng động viên hiệu quả trí tuệ của trí thức Việt kiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét