Một thứ trưởng Ngoại giao của Việt Nam cho hay Việt Nam sẽ mời ba chuyên gia độc lập và báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ tới thăm trong năm nay.
Trong khi đó đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, ông John Hendra thông báo chuyến thăm đầu tiên của Chuyên gia độc lập tìm hiểu về nhân quyền và nghèo đói sẽ diễn ra vào tháng Tư.
Hai tin này được công bố tại Hà Nội ngày 26/1 trong cuộc hội thảo quốc tế do Liên Hiệp Quốc tổ chức, có tên: “Việt Nam và các cơ chế LHQ về nhân quyền: Một số hoạt động hợp tác quốc tế gần đây.”
Tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhắc đến cam kết Việt Nam đưa ra trong cuộc kiểm điểm định kỳ tại Hội đồng Nhân quyền của LHQ tháng 5/2009 ở Geneve.
“Việt Nam hợp tác với các cơ chế của LHQ về nhân quyền, trong đó có các cơ chế về Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền, sẵn sàng hợp tác với các báo cáo viên đặc biệt, chuyên gia độc lập được bổ nhiệm theo cơ chế này,” ông Sơn nói.
Tháng Năm 2009 lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền của LHQ xem xét thành tích nhân quyền của Việt Nam. Việt Nam phải trình bày trước Hội đồng tình hình nhân quyền trong nước, các biện pháp thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Trong bốn năm tới Việt Nam sẽ phải tiếp tục trình báo cáo kiểm điểm định kỳ cho Hội đồng Nhân quyền để xem mức độ tiến bộ ra sao.
Nhân quyền phổ quát
Tài liệu của LHQ cho hay trong báo cáo nộp cho Hội đồng Nhân Quyền LHQ (5/2009), chính phủ VN xác nhận tính phổ quát của các tiêu chuẩn và giá trị nhân quyền. Cạnh đó VN nói thêm "sự phổ quát này cần được kết hợp hài hòa với các đặc điểm riêng của quốc gia."
Báo cáo của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền nhắc đến ý Việt Nam sẵn sàng đối thoại với các nước thành viên của HĐ. Liên quan đến nhiều kiến nghị các nước đưa ra trong phiên họp kiểm điểm định kỳ, VN chấp nhận thực thi 93 điều, bác bỏ 46 điều, đồng ý xem xét thêm 2.
LHQ nhấn mạnh nay chính là lúc VN thực thi các cam kết với quốc tế. LHQ nhắc rằng họ hậu thuẫn Việt Nam trong quá trình chuẩn bị báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ, và sẽ tiếp tục hậu thuẫn trong việc thực hiện các kiến nghị của bạn bè quốc tế.
Một trong các cam kết Việt Nam đồng ý thi hành thời gian tới là mở rộng làm việc với hệ thống đánh giá tiêu chuẩn nhân quyền của LHQ.
Trong tiến trình kiểm điểm định kỳ tại Geneve 5/2009, VN đồng ý làm việc nhiều hơn với Các thủ tục đặc biệt (Special Procedures) và Báo cáo viên đặc biệt (Special Rapporteurs) về nhân quyền.
Theo đánh giá của LHQ, Báo cáo viên đặc biệt đưa ra quan điểm độc lập và cặn kẽ, có quyền phân tích, dò xét, đề đạt giải pháp giúp một quốc gia cải thiện tình hình nhân quyền trong lĩnh vực cụ thể nào đó.
Năm 1998, theo lời mời của chính phủ Hà Nội, Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng đã tới Việt Nam.
Tại cuộc họp kiểm điểm định kỳ tháng 5/2009, Việt Nam đồng ý nói chuyện với Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo.
Khi ấy Việt Nam cũng đã mời một số báo cáo viên đặc biệt tới thăm Việt Nam trong năm 2010 để tìm hiểu về các chủ đề như quyền được cung cấp thực phẩm, quyền được giáo dục.
Chuyên gia độc lập
Việt Nam cũng mời Chuyên gia độc lập (Independent expert) đến tìm hiểu chủ đề nhân quyền và đói nghèo. Một chuyên gia độc lập khác đến để tìm hiểu về tác động của nợ nước ngoài, gánh nặng của nợ quốc tế đối với quyền con người tại Việt Nam.
Đại diện của LHQ tại Hà Nội cho hay chuyến thăm đầu tiên, Chuyên gia độc lập tìm hiểu về nhân quyền và đói nghèo tại VN, sẽ diễn ra trong tháng Tư. Và LHQ bày tỏ họ sẵn sàng hỗ trợ chuyến thăm này.
Theo LHQ, VN là một trong các quốc gia đầu tiên chuẩn thuận Công ước loại trừ tất cả các hình thức phân biệt phụ nữ. Cạnh đó là Công ước về quyền trẻ em. Việt Nam cũng loan báo nước này sẽ thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật. Và Công ước về tra tấn.
Khi mà ký các công ước này rồi, VN cần làm báo cáo, nộp đúng thời hạn cho Hội đồng Nhân quyền LHQ để xem thực hiện chúng đến đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét