Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Google đứng giữa xung đột Mỹ - Trung

Dù nguyên cớ nào đi nữa, xung đột thương mại hay mâu thuẫn chính trị, thì Google cũng đã trở thành đương sự bất đắc dĩ trong vụ lùm xùm hiện tại.

Nếu Google thực sự rút lui thì đây cũng không phải là lần đầu tiên một đại gia Internet Mỹ phải tháo lui khỏi thị trường Trung Quốc đầy béo bở. Vài năm qua, nhiều tên tuổi như Yahoo, Flickr, Facebook, Twitter, YouTube … đã lần lượt rút lui khỏi thị trường Trung Quốc bằng những lý do khác nhau. Trong đó, tự nguyện ra đi vì không đồng ý bị kiểm duyệt cũng có, bị buộc phải đi vì bị chặn cũng có. Nhưng dù là lý do nào, sau đó người ta cũng thấy có ngay các doanh nghiệp Trung Quốc khác thay thế vị trí bỏ lại. Điển hình như YouTube thoái lui thì có Youku và Tudou nhanh chóng thay thế. Hay Tianya, Sina đã soán ghế của Twitter, WordPress, Blogger. Bababian Clone đã chiếm lĩnh người dùng của Flickr. Ren Ren Wang và Kai Xin Wang đã lấp đầy khoảng trống của Facebook và đang có đến 22 và 56 triệu người dùng.


Những người ủng hộ Google đã đặt hoa tại trước trụ sở công ty này tại Bắc Kinh. Nguồn ảnh: AP

Nay, khi Google cảnh báo khả năng rút khỏi thị trường này thì cổ phiếu của Baidu, công ty đối thủ của Google và cũng là công ty dẫn đầu với 60% thị phần tìm kiếm tại Trung Quốc, đã nhanh chóng tăng 16,6% trên sàn Nasdaq. Ăn theo có Sina và Sohu đang chiếm vị trí thứ ba và thứ tư tại Trung Quốc cũng tăng giá cổ phiếu đến 4,9% và 6,2%. Vì những diễn biến trên, nhiều người cho rằng việc Google phải rời khỏi thị trường Trung Quốc vốn dĩ là một tất yếu của kịch bản bảo hộ thương mại mà Trung Quốc sử dụng để giúp các doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường nội địa. Theo đó, Google là nạn nhân mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa Trung – Mỹ.

Ở một diễn biến khác, khi những cuộc xâm nhập đầu tiên vào các tài khoản Gmail bị phát giác vào tháng trước, Hoa Kỳ đã nhận thấy có một cuộc tấn công quy mô lớn trên internet nhằm vào các công ty Hoa Kỳ. Bởi có đến 34 công ty khác cũng là nạn nhân của đợt tấn công này, như: Yahoo, Adobe System, Juniper Networks, Northrop Grumman… Trong số đó có cả các công ty là các nhà thầu của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Nhiều cơ quan chính phủ và các công ty an ninh mạng hàng đầu của Hoa Kỳ đã vào cuộc điều tra.

Kết quả cho thấy, đây là một kế hoạch tấn công tổng lực với sự phối hợp mạnh mẽ, rất tinh vi và mọi chỉ dấu đều xoay về Bắc Kinh . Theo ông Eli Jellenc, người đứng đầu bộ phận tình báo trên không gian ảo của công ty VeriSign's iDefense Labs chuyên về an ninh mạng, cho biết: “Thường thì người ta sử dụng một loại mã để tấn công một mục tiêu. Nhưng trong trường hợp này, họ sử dụng nhiều mã cho một mục tiêu, nhưng tất cả trong một chiến dịch tấn công. Đây là một bước tiến trong phối hợp đánh phá”.

Ngoài ra, các cuộc tấn công đa phần nhằm vào các lỗ hỗng của các hệ thống quản lý cấp cao. Ông James A. Lewis, chuyên gia an ninh quốc gia trên internet tại Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, khẳng định: “Đây là một chương trình gián điệp lớn nhằm nhận được thông tin công nghệ cao, các thông tin nhạy cảm chính trị giúp ích rất nhiều trong việc phát triển nhanh nền kinh tế cũng như sự đảm bảo sống còn cho chế độ chính trị của Trung Quốc”. Việc xâm nhập một số tài khoản Gmail cũng được cho là để phục vụ mục tiêu trên.

Như thế, cuộc tấn công như một diễn biến mới nhất trong xung đột Mỹ - Trung sau những va chạm trên không, trên biển Thái Bình Dương hay mâu thuẫn về Đài Loan. Giả thiết này xem ra cũng rất thuyết phục khi Trung Quốc được dự báo sẽ nhanh chóng vượt qua Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong năm nay. Khi đó, việc tranh giành vị thế siêu cường dẫn đầu sẽ càng căng thẳng nên đây có thể xem là “bước chuẩn bị”.

Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét