Bài phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Bảo tàng Báo chí hôm 21/01 đã ngay lập tức được gọi là hành động xác lập một học thuyến đối ngoại cho chính quyền Obama, điều mà lâu nay chưa được nêu rõ.
Tuy phát biểu hôm 21/1/2010 của bà Clinton chỉ nói đến các trường hợp cụ thể, trong đó bà phê phán Trung Quốc, Việt Nam, Tunesia, Uzbekistan... đang hạn chế tự do trên mạng, nội dung của bài diễn văn có tác động sâu rộng hơn thế.
Đối ngoại Mỹ
Trước khi đi vào phân tích Học thuyết Clinton (Clinton Doctrine), ta hãy điểm qua một số thuyến đối ngoại qua các thời kỳ quan trọng của chính trị Hoa Kỳ.
Gần đây nhất, Bush Doctrine được cho là đã nhấn mạnh vào thuyết can thiệp, chủ động ra tay về quân sự để phòng ngừa một cuộc tấn công vào Mỹ.
Được Tổng thống George W Bush nêu ra trong một diễn văn năm 2002, học thuyết này không khiến ai lấy làm lạ vì Hoa Kỳ lần đầu tiên bị cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan ngày 11/9/2001, nhắm vào trung tâm tài chính và đầu não chính trị.
Để trả đũa và phòng ngừa, thuyết của ông Bush 'cho phép' Hoa Kỳ hạ thủ trước cả khi bị đánh, và tạo tiền đề cho cuộc chiến Afghanistan và sau là Iraq.
Cho đến nay phần nào học thuyết này vẫn còn giá trị với việc Hoa Kỳ chủ động đưa không lực vào cả bên trong biên giới Pakistan để tìm diệt những phần tử có nguy cơ tấn công lực lượng Mỹ ở Afghanistan.
Trước ông Bush, chính quyền Clinton cũng ít nhiều nêu ra chính sách can thiệp như ở Bosnia hay châu Phi, nhưng chỉ nói đến các chiến dịch hạn chế.
Đằng này, học thuyết của ông Bush mang tính toàn cầu hơn, và một cách diễn giải thoải mái của nó là để cho Hoa Kỳ can dự vào bất cứ vùng đất nào chứa đựng nguy cơ khủng bố, bất kể biên giới quốc gia.
Trước nữa, học thuyết Reagan thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh cũng chỉ tập trung vào việc ngăn chặn, hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô, và đặt nặng tính thực tiễn của chính trị các vùng (political realism), chứ không muốn dàn trải sức lực của Hoa Kỳ ra khắp thế giới.
Học thuyết Carter, phần nhiều do Zbigniew Brzezinski soạn thảo, nhấn mạnh đến 'quyền lợi quốc gia' của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông, và mối liên hệ chính trị-dầu lửa.
Nó được coi như xương sống của chính sách ngăn chặn Moscow lan xuống Trung Đông qua ngả Afghanistan.
Trở lại với học thuyết của bà Clinton, một bước ngoặt trong chính sách thời Obama, ta thấy có ba điểm mới, bao trùm lên một điểm 'muôn thuở'.
Điểm không thay đổi so với các học thuyết trước là quyền lợi của Hoa Kỳ, và điều chính giới Mỹ cho là quan trọng với an ninh của quốc gia họ.
Nhưng mạnh bạo hơn các thuyết trước, ít ra là so với các triều tổng thống phe Dân chủ, chính quyền Obama nay nói rõ đến tính toàn cầu của tự do trên mạng Internet.
Tiêu chí hàng đầu
Theo bình luận của Siobhan Gorma trên Wall Street Journal, tự do mạng nay trở thành 'tiêu chí hàng đầu trong đối ngoại của Mỹ'.
Bà Clinton coi tự do Internet là tối quan trọng cho mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ, cổ vũ cho dân chủ trên thế giới"
Cố vấn Alec Ross
Khái niệm 'free web access' (tự do tiếp cận mạng toàn cầu) không còn là chủ đề thương mại hay kinh tế thuần tuý nữa.
Theo báo Wall Street Journal trích lời cố vấn Alec Ross của Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton coi tự do Internet là tối quan trọng cho mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ, cổ vũ cho dân chủ trên thế giới.
Điểm thứ hai là mục tiêu 'giảm đi số dân chúng toàn cầu hiện bị sống trong các xã hội thiếu tự do mạng'.
Hoa Kỳ ước tính là có 30 % dân số toàn thế giới sống thiếu tự do web.
Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu tích cực hoạt động vì tự do Internet qua việc chi tiền vào các dự án thúc đẩy giao lưu mạng vượt các tuyến ngăn chặn.
Nhưng điểm thứ ba, không kém phần quan trọng lại là ý muốn của Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với cả giới doanh nghiệp, và cả các chính phủ như Nga và Trung Quốc vì mục tiêu mở rộng tự do Internet.
Theo truyền thông Mỹ, chính phủ Obama cũng muốn xúc tiến việc xây dựng các quy định quốc tế về mạng Internet. Vì nếu Hoa Kỳ tự co lại và chối bỏ hợp tác thì hóa ra là làm trái với tính chất giao lưu và cởi mở của Internet.
Có thể hiểu rằng khi sẵn sàng hợp tác, Hoa Kỳ tiếp tục chủ động nêu cao phần một trong Học thuyết Clinton: tự do mạng đem lại dân chủ và thịnh vượng cho tất cả, không loại trừ ai.
Nguồn: BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét