Bác sĩ gốc Việt
lãnh đạo đảng tự do Đức
Tác giả: Michael Gessat
Biên tập viên: Martin Kuebler
Ngày 13-5-2011
Một chuỗi sai lầm về chính sách của lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP) Guido Westerwelle và thất bại gần đây trong bầu cử bang của đảng ông đã mở đường cho uy tín chính trị vụt dâng lên của Philipp Rösler.
Ngôi sao đang lên người gốc Việt, Philipp Rösler, được bầu với số phiếu áp đảo để trở thành người lãnh đạo của đảng FDP vào ngày đầu tiên kỳ họp chính thức của FDP ở Rostock.
Khoảng 95% đồng chí của Rösler trong đảng đã bỏ phiếu cho ông, khép lại 10 năm lãnh đạo FDP của Bộ trưởng Ngoại giao Guido Westerwelle. Rösler cũng tiếp nhận cả cương vị phó thủ tướng, chiếc ghế thứ 2 trong chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel.
Bà Merkel đã tiến hành cải tổ lại nội các vào hôm thứ năm, theo đề nghị của những đảng viên FDP – đối tác yếu thế hơn trong liên minh cầm quyền ở Đức – với việc Rösler tiếp nhận chức vụ bộ trưởng kinh tế từ người đồng sự trong đảng là ông Rainer Brüderle. Rösler trước đó đã giữ chức bộ trưởng y tế.
Đây là một sự thăng tiến mang tính hiện tượng đối với Rösler, người đã từng tự cho mình thời gian 7 năm nữa để làm chủ tịch đảng hoặc bộ trưởng chính phủ. Không phải bởi vì đảng của ông đặt ra giới hạn nào về tuổi, mà vì bản thân Rösler từng hơn một lần nói rằng ông có ý định rời chính trường ở độ tuổi 45 để làm việc khác.
Rösler năm nay 38 tuổi, nhưng ông thậm chí không biết chắc mình sinh ngày nào. Do đó sinh nhật trên giấy tờ của ông – 24/2/1973 – là do chính quyền Đức quyết định.
Rösler sinh tại Việt Nam, và người ta phỏng đoán là cha mẹ ông đã chết trong chiến tranh Việt Nam. Ai đó đã trao đứa bé cho một trại trẻ mồ côi Thiên Chúa giáo ở Sài Gòn, và khi mới 9 tháng tuổi, ông được một cặp vợ chồng Đức nhận làm con nuôi, gửi sang Đức.
Đảng FDP hy vọng Rösler (trong ảnh với Guido Westerwelle) có thể ngăn chặn được đà đi xuống của gia sản chính trị của họ.
Tuổi thơ bình thường ở nước Đức
“Trong con người Philipp Rösler, có bao nhiêu phần là châu Á?” là câu hỏi được tờ báo Đức Bild am Sonntag đặt ra cho Rösler khi ông trở thành bộ trưởng y tế vào tháng 11/2009.
Ông trả lời: “Mắt nhỏ, mũi tẹt, tóc đen”. Ông nói rằng ông được nuôi dạy hoàn toàn bình thường trong một gia đình Đức bình thường, cha mẹ nuôi của ông sớm ly thân. Rösler ở cùng bố, một quân nhân Đức, hai cha con thường xuyên ăn những bữa ăn tập thể của sĩ quan. Sau đó, chính ông cũng gia nhập quân đội, làm sĩ quan quân y ở Bundeswehr.
Sau khi học y ở Trường y Hanover, Rösler làm bác sĩ quân y cho đến năm 2003.
Vào lúc đó, sự nghiệp chính trị của ông chỉ là vài vị trí tình nguyện trong đảng FDP, nhưng ông đã thăng tiến vùn vụt. Ông gia nhập đảng năm 1992. 8 năm sau, ông đã là tổng bí thư đảng FDP ở bang Lower Saxony.
Rösler tỏ ra là một diễn giả, một nhà truyền thông tài năng trước công chúng, chứ không phải là kẻ tham vọng, tàn nhẫn, chơi đòn khuỷu tay. Ban đầu ông theo y khoa vì muốn làm một công việc tiếp xúc với nhiều người, nhưng ông nói rằng trên thực tế, công việc ấy nặng về bàn giấy và dành quá ít thời gian cho điều trị bệnh.
“Tôi tự nhủ: bây giờ mình có thể tiến thẳng vào con đường chính trị và giải tán tất cả những thứ luật ngu ngốc này” – Rösler nói trong một cuộc phỏng vấn.
Bộ trưởng y tế – chiếc ghế nóng
Người ta có thể hình dung rằng, là một người đàn ông có gia đình, Rösler đã có thể hoàn toàn thỏa mãn với khả năng tham gia xây dựng chính sách của mình trên cương vị bộ trưởng kinh tế của bang Lower Saxony – chức vụ mà ông đảm nhận từ đầu năm 2009. Ông đã có thể tiếp tục ở Hanover với vợ – bà Wiebke, cũng là bác sĩ – và hai cô con gái sinh đôi 2 tuổi.
Nhưng sau đó đảng ông thắng lớn tại các cuộc bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9/2009.
Rösler, thành viên của ban lãnh đạo quốc gia của đảng FDP, được giao chức Bộ trưởng Y tế. Chức vụ này dường như là vị trí thích hợp một cách tự nhiên với người đã từng hoạt động y tế, nhưng về mặt chính trị mà nói thì bộ trưởng y tế nổi tiếng là chiếc ghế nóng – ngân sách rất lớn, và các nhà vận động hành lang (lobbyist) có ảnh hưởng thì đánh nhau để tranh giành số tiền lớn đó.
Không có gì là bất ngờ khi Rösler bị trầy xước chút đỉnh. Đã có những lời chỉ trích từ các đồng nghiệp bác sĩ của ông, từ ngành dược, và từ công chúng – những người phàn nàn về dịch vụ bị cắt giảm đồng thời với việc phí bảo hiểm gia tăng.
Bộ trưởng phải thỏa hiệp, nhưng ông đã làm tương đối tốt, và ông coi việc đó là “nhiệm vụ khó khăn nhất nước Đức phải giao”, như lời ông nói.
Một số chính trị gia khác trong đảng FDP hẳn là cũng đã cảm thấy như thế và nghĩ rằng Rösler có phẩm chất cần có để trở thành chủ tịch đảng.
Nhưng Rösler rất lưỡng lự trước việc phải nhận chức lãnh đạo đảng từ Guido Westerwelle, người thầy của ông trong nhiều năm qua – và lưỡng lự không phải vì một sự khiêm tốn giả vờ nào.
“Nếu có bao giờ tôi có ấn tượng rằng chính trị làm tổn hại tới gia đình mình, tôi sẽ rời bỏ chính trị ngay lập tức” – ông nói. Giờ đây Philipp Rösler còn 7 năm, trước khi tới tuổi 45, để xúc thêm một ít than vào đống lửa đang cháy.
Ảnh: Ông Rösler nhận vị trí Bộ trưởng Kinh tế từ ông Rainer Brüderle
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét